Thuở giao mùa
LTG. Chuyện tình thời sinh viên tưởng như mới ngày nào mà đã chia xa như bao nhiêu mùa trăng viễn xứ. Ta vẫn sống mãi cho tình yêu, cho dù nó đến với đau thương, ray rứt như nhựa sống, uống say rồi vật vã, nhưng nguyện chẳng bao giờ từ bỏ…
Trời chiều ăm ắp lạnh, một cái lạnh miên man của buổi giao mùa khi lửa Hạ còn đang âm ỉ tắt mà tiết Thu đã vội tê tái bước qua. Và có lẽ giữa vùng đồi núi này, đan âm u những rặng thông già cao ngất, khoảng không bao giờ cũng mát lạnh. Sương mây giăng kín, mờ mờ trên những vùng núi non cao trùng điệp, càng tăng thêm cái vẻ cô tịch, hoang liêu, tiêu dã này. Đằng xa, xuyên qua những khoảng không bao la và hơi sương mờ nhạt, những làn khói lam xanh và bóng chiều vàng võ phớt nhẹ trên bầu trời một bức thủy mạc hữu tình. Tiếng gió reo trên ngàn, tiếng lá lùa qua những rặng cây tùng, bách mang một âm ba mê hoặc, khác thường: rạt rào và vi vu xa vắng, thể như tiếng Thiên Thai thuở nào. Từ trên cao nhìn xuống, những chóp tùng, thông đan san sát, vẽ nên một màu xanh um. Ở gần vì khoảng không gian hẹp nên màu xanh của da trời càng thẩm đậm, đằng xa qua mấy tầng khói sương, màu xanh càng nhạt nhòa. Giữa vùng núi non bao la này, Phong có cảm tưởng như hồn vía mình đang lạc vào cõi mơ hồ nào đây. Kìa, tiếng gió lại reo trên ngàn một âm vang triền miên, diệu vợi như ru lòng cô lữ trôi vào cõi mê chìm. Phong chợt bàng hoàng khi liên tưởng đến hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ và tưởng như mình đã là một với thiên nhiên rồi:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Chàng đứng lặng người một chặp lâu, tưởng như đã lạc hết cảm xúc rồi. Cảnh chiều như một cơn mơ, vây quấn và thấm sâu vào cơ thể chàng. Gió vẫn thổi, thông vẫn reo, nhưng lòng chàng không tươi vui chút nào. Mắt chàng nhìn xa vắng vào khoảng chân trời xanh lam và ửng hồng, thu hút như thế đó.
Một buổi chiều nao, người xưa còn đây, chia sẻ những giây phút mộng mơ trên chặng đường này, giờ đây chỉ còn thấp thoáng cái bóng hồng trong tâm trí. Tiếng cười, tiếng nói và lòng người lâng lâng như gần lắm, họa chăng chỉ là trí nhớ vô tình. Nhưng sao nó phong phú và mãnh liệt quá – tưởng như có thể quàng tay với được, nhưng thực tại chỉ là khoảng không vắng lạnh. Thực thể không có nhưng kỷ niệm tràn đầy. Phong ngồi xuống nhắm nghiền đôi mắt, hồn trở về quá khứ dại khờ…
Chiếc xe chạy bon bon trên xa lộ số 9, cảnh vật hai bên thật hữu tình. Một bên là sườn núi, thẳng tắp những đồi thông già, một bên là thung lũng, sương phủ đầy trên những rặng cây. Tiếng động cơ ru đều, mang lòng người vào khoảng không gian êm xuôi, tĩnh mịch. Trâm nghe lòng lâng lâng một cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng dâng lên từ đáy lòng, xâm chiếm râm ran cả người nàng. Trâm muốn nói lên một chuyện gì nho nhỏ, vui vui cho hợp với cảm giác mình đang có trong giây phút này đây. Thế nhưng nàng chỉ nhìn Phong ngồi bên cạnh và cảm thấy đầy đủ.
Phong không đẹp trai một cách hào nhoáng, nhưng có một cái gì trầm trầm thu hút làm người ta phải để ý, không hiểu đối với ai khác có như vậy không, nhưng đối với Trâm, Phong có một vẻ gì đặc biệt, khác thường. Nhất là đôi mắt, mỗi lần cặp mắt này soi thẳng vào mắt mình, Trâm cảm thấy ngột ngạt, bẻn lẽn, phải vội nhìn xuống tránh luồng nhãn quang như muốn xoáy sâu vào tim óc của mình, làm cho người nàng mềm nhũn. Dưới đôi mày hơi xếch, cặp mắt nằm sâu dưới một vầng trên cao, và hai gò má hơi xương, càng tăng thêm vẻ đàn ông của chàng. Chỉ có nụ cười với cặp môi vành cung đa tình là hơi tương phản với nét cứng rắn đó. Trâm thích chọc cho Phong cười mỗi khi thấy chàng làm nghiêm, cũng như lúc này đây trông chàng có vẻ đăm chiêu.
Bất chợt bàn tay rắn rỏi của Phong bỏ cần số, nắm lấy tay nàng bóp nhẹ: “Em nghĩ ngợi gì đó?” Bụng Trâm thóp lại, lại cái nhìn đó nữa. Trâm chết mất! Sau một vài giây định thần lại, Trâm không trả lời vội, nàng rút tay ra và nắm lấy tay Phong, một chặp sau nàng bâng quơ: “Sao anh to xương quá vậy? Phong cười xòa: “Sao tự nhiên em nói thế? Thật ra anh có to xương lắm đâu?” Rồi chàng nói chuyện về mấy người con trai trong trường: “Anh thấy mấy người Việt-Nam qua đây vào lứa tuổi 12, 13 bây giờ to lớn dễ sợ. Cũng như Hùng ở trường anh, cao to không thua gì Mỹ.” Rồi Phong nhìn sang Trâm như muốn hỏi: Còn em thì sao? Thật ra Trâm thon thả như những cô học sinh Trưng Vương, Gia Long mộng mơ ngày nào. Trâm có một vẻ đẹp thuần túy Việt-Nam và trong vẻ ấy nàng mang một nét đài các, kiêu sa – da trắng, má hồng, môi thắm. Gương mặt trái soan, mũi thon nhỏ nằm trên cặp môi lúc nào cũng hồng. Cặp mắt thật to, trong xanh và hai con ngươi, như hai hạt nhãn, đen láy, càng tăng thêm vẻ trong sáng và thơ ngây của nàng.
Phong nhớ đến buổi đọc thơ ở đại học. Hôm ấy cặp mắt nàng trong sáng quá, Ngồi trên sân khấu mà chàng đã bị thu hút ngay từ lúc nàng vừa mới bước vào. Sau này khi ôn lại chuyện cũ, Trâm hay phê bình: “Hôm ấy trông anh ngang như cua, vậy chứ cũng oai phong ra phết!” Nói xong hai người rũ ra cười. Thấm thoát đã hơn năm tháng rồi, tình bạn của hai người đi từ chỗ thân thích cho đến chỗ gần gũi và khi định thần lại bỗng thấy nó tiến xa và mau quá. Đáng lý ra Phong phải biết chuyện này: “L’ amitié chez les femmes est la voisine de l’amour.” Tình bạn nơi phụ nữ là láng giềng của tình yêu.
Hai người quen nhau sau buổi đọc thơ, Trâm vốn yêu thơ từ lâu nên hẹn gặp chàng để bàn chuyện tổ chức một buổi đọc thơ tương tự ở đại học nàng. Buổi sáng hôm đó, biết nàng sắp đến Phong đứng ngồi không yên, sau khi tươm tất nhà cửa, tình cờ đứng ở cửa sổ ở căn nhà trên đồi nhìn ra Vịnh San Francisco, Phong nhìn thấy Trâm và cô bạn gái đậu xe trước nhà, bước mấy bậc cấp lên sân vườn trước nên đã ngẫu hứng viết lên bài thơ sau đó.
Trưa nắng trong vườn vẳng tiếng chim
Thoáng trông kiều nữ bỗng im lìm
Dập dìu thiếu nữ chung đôi bước
Thơ thẩn chàng trai lẻ bóng nhìn
Giáp mặt người hoa quên cả nói
Đâu lưng nghĩa cũ nhớ khôn im
Tại ai dang dở cho nên tội?
Tình cũ duyên này phó mặc tim!
Tình cũ duyên này phó mặc tim
Trách ai tan vỡ để mê chìm
Tình đen ai đã gieo trên óc
Nghĩa bạc nàng còn giữ đáy tim
Duyên dáng kià ai mang ánh nắng
Thơ ngây cô bé rót thanh bình!
Em ơi vời cả mùa xuân đến
Sưởi ấm tấm lòng kẻ nhức tim
Chuyện cũ tưởng đã chấm dứt rồi ai ngờ nó lại mãnh liệt và âm ĩ quá nên lại quay về quấy phá hai người. Vì thế cho nên Phong vẫn thành thực từ đầu, cho Trâm biết chuyện tình cũ của mình, định ninh mình sẽ giữ tình bạn với Trâm cho đến khi ngã ngũ chuyện mình với người đến trước là thượng sách. Đùng một cái, người tình cũ của Phong – khi biết được mối tương quan khắng khít của hai người – nên đã kiếm cách quay về với chàng. Phong còn đang phân vân, lưỡng lự thì Trâm vội rút lui, để yên cho chàng, không lui tới nữa; bảo rằng: “như thế anh sẽ không bị chi phối trong việc chọn lựa”.
Phong nghe nàng nói thế vội ôm ghì lấy nàng vào lòng, hôn lên đôi mắt rồi tìm xuống đôi môi. Trâm đẩy chàng ra, nói tiếp: “Nếu sau này anh chọn chị ấy và ta không được gần nhau nữa, thì âu cũng là duyên số, em không muốn vì em mà sau này anh phải trách móc, tiếc nuối vì em mà anh đã bỏ mất cơ hội.” Mà chàng cũng chẳng trách được ai, vì lúc đầu chàng còn dây dưa vì người tình cũ đang ở xa, cuối tuần mới lên vùng Vịnh hát, sau này nàng ca sĩ lại lên ở San José với bạn gái gần chàng, nên Trâm buộc chàng vào thế phải chọn lựa, không thể bắt cá hai tay.
Từ đó mối liên hệ giữa đôi bên đã gián đoạn. Có phải vì gần gũi ‘tình cũ không rủ cũng về’ tính dục (sex) mạnh và thể xác yếu ớt: chứ chẳng do chính quyết định đứng đắn của riêng chàng? Lúc đầu, khi nhớ nhau thì Trâm và Phong cũng gọi nhau được vài ba câu chào hỏi xã giao, đôi lúc ra riết và mủi lòng quá Trâm lại để cho mấy cuộc phiêu lưu tình cảm đưa đến những buổi hẹn hò gặp nhau quấn quít. Nhưng tình yêu không thể giải quyết được bằng những vớt vát của thể xác.
Và một lần nữa, người trong cuộc lại thấy le lói một chân lý: “You can’t have the cake and eat it too!” Người ta không thể vừa muốn giữ cái bánh nguyên vẹn mà lại thèm thuồng ăn vụng nó. Tình yêu hai người phải đẹp như một nụ hoa hồng sớm mai, thanh cao, không vướng bận chuyện ai khác, không thể cho bóng đêm vùi dập. Trâm đã được bố nàng gọi yêu là “bát mặt trời” cơ mà? Có lẽ vì nàng chuyên mang tươi vui đến cho người, cho đời.
Trong tâm can, Trâm chỉ muốn mình là người duy nhất và Phong không thể có người đản bà khác bên cạnh. Phong phải hiểu điều kiện tiên quyết này: Chỉ chọn một trong hai, một người con gái thơ sinh và một thiếu nữ tình trường. Ngoài chuyện thể xác và mối tình dai dẳng với người tình cũ, Phong có còn nỗi niềm u ẩn nào không nói lên được? Thôi thì đoạn tuyệt như thế này cũng hơn, tình thế đã đòi hỏi như vậy…
Trời đã ngả sang một màu tím và ửng đỏ cả một vòm trời nơi xa. Gió gợn lăn tăn trên mặt nước những làn sóng nhỏ. Nhiều con hải âu lượn từng vòng ngoạn mục, buông trong không gian những tiếng não nùng xa vắng. Tiếng sóng vỗ bì bõm dưới chân cầu gỗ tạo nên một nhịp điệu rời rạc. Đằng xa vài cánh buồm đệm lên khung trời vài màu sắc di động. Màu da trời vẫn còn xanh ở trên cao, hòa nhạt với màu hồng tía ở chân trời, gió phiêu diêu trên mặt nước, lay động những làn sóng, tạo nên một hợp cảnh buồn man mác.
Phong chợt rùng mình vì cơn gió lạnh: Hồn bỏ ngõ chả trách gì! Bài hát ‘Sitting on the Dock of the Bay’ của nhạc sĩ da đen Otis Redding chợt trỗi lên trong đầu:
Sitting in the morning sun
I’ll be sitting when the evening comes
Watching the ships roll in
And I watch ‘em roll away again
So I’m just gonna sit on the dock of the bay
Watching the tide roll away
Ooo, I’m sittin’ on the dock of the bay
Wastin’ time
Sittin’ here resting my bones
And this loneliness won’t leave me alone…
Chàng ngồi trên cầu đã từ lâu, hơi sương đã thắm ướt hai vai áo và lắng đọng trên mái tóc. Phong bơ thờ lê bước trở lại xe. Ráng chiều vàng như lấn vào lòng, hòa quyện với bài hát và nỗi ưu tư không dứt. Santa Cruz đây, một cảnh vật mà hai tâm trạng! Còn đâu những buổi tắm biển và những cuộc vui tưởng không bao giờ dứt, mau quá! Quyết định đó là của mình, còn nói gì hơn? Câu nói của Trâm còn văng vẳng bên tai:
Lý trí là con rùa, tình yêu là con thỏ
Chậm nhưng mà chắc, còn mình thì sao nhỉ?
© Nguyễn-Khoa Thái Anh