Đọc hồi ký của nhạc sỹ Tô Hải
ào cái đêm bước vào tuổi 80 được 8 tháng 26 ngày, nhạc sĩ Tô Hải đã viết những dòng sau đây cho đoạn kết cuốn hồi ký[1] của mình: “Hãy cho tôi được chết như các anh Trần Độ, Lê Liêm…, khi đăng ‘cáo phó’ không có cái mục ‘đảng viên Đảng CSVN’, dù so với các anh, tôi chỉ là con tôm, con tép! Các anh đã ‘được khai trừ’. Các anh đã dám ‘công khai chống Đảng Cộng sản’, dám công khai nhận ‘bản án đầy vinh quang’! Không hề sợ hãi, cúi đầu. Không hèn lâu như tôi.” (trang 469)
Cầu nguyện như vậy, nhưng ông cũng đã vùng lên thét lớn: “Phải sống! Tôi phải sống. Vì có sống tôi mới có thể làm nhân chứng cho cái thời đại… đểu cáng nhất trong lịch sử nước tôi, chẳng tư bản, chẳng cộng sản, chẳng ra ngô ra khoai, chẳng phải, chẳng trái, chẳng luân, chẳng lý, chẳng luật, chẳng pháp, thậm chí chẳng cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm gì hết!” (trang 375)
Người viết những dòng đó chính là người đã từng “vừa làm lính trong ‘tổ chức’ (Tô Hải vào Đảng Cộng sản từ năm 1949), vừa sáng tác, vừa biểu diễn với cả tâm hồn và trái tim, rất tự nguyện, rất hiến dâng, không mảy may mặc cảm, suy tính, tôi đã sẵn sàng ra chiến trường chết như một chiến sĩ với câu hát ‘Đấu tranh này là trận cuối cùng…’ trên môi” (trang 439), là người đã có công lớn trong sự nghiệp “dùng âm nhạc phục vụ động viên lính cụ Hồ”. (trang 439
Bởi thế cho nên ông đã sám hối một cách vật vã: “Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là ‘con đại bàng… cánh cụt’, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông… Nhưng, ‘vừa là tội đồ vừa là tòng phạm’, làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa? Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác.” (trang 54)
Tâm trạng ông giống như tâm trạng của Nguyễn Đình Thi sám hối lúc sắp từ giã cuộc sống:
“Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi! Xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn…”
Tô Hải đã từng van xin: “Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức” (trang 53). Ông nghĩ mình vừa là tội đồ, vừa là tòng phạm bởi vì: “Chúng ta mới dại dột làm sao! Chúng ta đã đánh đổi lương tâm trong sáng ấy lấy một thứ lương tâm đen tối không phải của mình. Lương tâm thời buổi đánh nhau của tao, của chúng mày, ơi các bạn của tôi, đều là lương tâm của… người khác! Lương tâm của ông Diệm, ông Thiệu chống cộng sản, lương tâm của ông Mác, ông Lê, ông Mao, ông Hồ không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp!” (trang 92). Cho nên: “Ôi! Cái đầu biết nghĩ, trái tim biết xúc động làm khổ những con người có học như tao, như chúng mày đấy, các bạn của tao ơi! Thằng giàu có bên xứ người cũng như thằng trắng tay trong lòng tổ quốc đều có nỗi đau tự đánh mất hết tuổi trẻ của mình. Chúng mày cảm thấy lạc lõng giữa trời Âu, Mỹ. Còn tao, đau hơn, thấy mình lạc lõng trên chính đất nước mình, ngay giữa lòng con, cháu mình. Một cuộc tha hương trên đất mẹ.” (trang 91)
Sao lại cảm thấy “lạc lõng trên chính đất nước mình”? Vì, trong khi từ chốn thị thành ồn ào đến nơi thâm sơn cùng cốc, trẻ phải học, già phải tụng niệm rằng cuộc chiến Nam-Bắc vừa qua là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Tô Hải cho rằng “Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ. Cuộc ‘mà cả’ về Việt Nam đâu có ở Việt Nam. Nó diễn ra từ khi Nixon sang Tàu, Brezhnev sang Mỹ, ở các cuộc bắt tay, khi nóng, khi lạnh giữa các ông trùm chính trị ở các cuộc hội đàm công khai, bí mật và kết cuộc là sự ‘nắn gân’, đọ sức, mặc cả nhau bằng cuộc chiến leo thang ở Việt Nam. Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám ‘đánh cú liều’ vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ! Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô… tất cả là… Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21… tất cả đều đến từ Matxcơva… Còn dân Việt Nam chỉ có… người, mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ ‘xâm lược’ là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng… ‘oánh’!” (trang 266)
Trong tâm khảm ông, cuộc chiến tương tàn ấy thật là hãi hùng: “Tất cả những người từng nhìn tận mắt cảnh ‘tay phải chém tay trái’, từng khóc lặng trước cái chết của cả một tiểu đoàn, một đoàn xe, một đơn vị thanh niên xung phong, từng ngửi mùi xác chết ở các ngọn ‘đồi thịt băm’ trong chiến dịch Lam Sơn 719, liệu còn lòng dạ nào viết lên những khẩu hiệu như ‘Tiêu diệt đến tên ngụy cuối cùng’? Trong cuộc chiến đã được Việt Nam hóa, bên ăn cơm quốc gia cũng như bên uống nước lã cộng sản đã đẩy ra mặt trận cả trăm ngàn trai trẻ Việt để họ lăn xả vào chém giết nhau! Những ‘đồi thịt băm’ mới này còn kinh hoàng hơn nhiều so với ‘đồi thịt băm’ Khe Sanh, vì ở đó người Mỹ có đủ phương tiện dọn sạch những gì còn lại của một xác lính Mỹ. Trái lại, trong chiến dịch Lam Sơn 719, hàng trăm thây người chỉ là những đống thịt thối rữa phơi mưa, phơi nắng làm mồi cho hàng đàn quạ đen và chó hoang! Chẳng bên nào kịp lo chôn cất hoặc thắp bó hương cầu cho linh hồn họ được siêu thoát! Tôi có thêm dịp để tự đặt cho mình những câu hỏi: ‘Thằng Mỹ ăn cái giải gì trong cuộc chiến hao tài tốn của này?’ Hay: ‘Chỉ vì các anh là cộng sản nên tôi phải diệt?’ Hoặc: ‘Vì sao nhiều người sợ, nhiều người căm cộng sản đến thế?’ v.v…” (trang 288)
Không phải chỉ riêng Tô Hải, hồi ức chiến trường xưa càng rùng rợn bao nhiêu thì mặc cảm tội lỗi của các văn nghệ sĩ càng ghê gớm bấy nhiêu. Hãy nghe Chế Lan Viên:
“Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30!
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong…”
Tô Hải không chỉ nguyền rủa cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn mà còn xét lại cả cuộc kháng chiến chống Pháp: “Sau này, loại thanh niên ‘yêu nước hồn nhiên’ bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng: ‘Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật giành tự do, độc lập cho đất nước!’ Và các nhà viết sử nhà nước cộng sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim — Không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối. Thực tế lúc ấy là Việt Minh đã xuất hiện như tổ chức duy nhất, chỗ dựa duy nhất, lá cờ duy nhất, để lũ thanh niên ‘yêu nước ngơ ngác’ chúng tôi đi theo. Chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố giải tán Đảng của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… và cả ‘cố vấn’ Bảo Đại nữa. ‘Quả lừa lịch sử’ bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây! Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân… mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít… mà chém giết nhau thì nhiều?” (trang 125)
“Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.” (trang 388)
“Tại sao các dân tộc khác, xung quanh ta thôi, họ đều là thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ lại được độc lập, tự do, mở mang đất nước, kinh tế phát triển? Còn Việt Nam? Cái gì đã để cho họ ghét tới mức thay nhau diệt sạch dân mình thế nhỉ? Hỏi tức là trả lời! Tôi đã một lần nữa khẳng định được lý do của cuộc chiến tranh này: Đây là cuộc chiến của loài người chống nạn cộng sản vô luân, vô đạo lý! Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm vua của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng sản cầm quyền!” (trang 272)
Ông như vừa trải qua một “giấc Nam Kha khéo bất bình” để rồi tỉnh dậy bàng hoàng thấy “Trước mắt ngày nay chẳng có cái gì hết, không lý thuyết cách mạng vô sản, không đảng cộng sản, không ‘Bác Hồ’ anh minh lãnh đạo mà chỉ là một cuộc vơ vét cuối cùng của đoàn thủy thủ chuẩn bị nhảy khỏi con tầu sắp đắm với hành khách là nhân dân Viêt Nam bất hạnh! Đoàn thuỷ thủ ấy gồm những tên lưu manh vô học, những tên giám-đốc-không-vốn, những tay cầm đầu hải quan mà buôn lậu, những tay phụ trách tư pháp, toà án, thanh tra chuyên nghề kết án người vô tội, những tên quản lý nhà đất mà cướp nhà, cướp đất để chia nhau vô tội vạ, những kẻ buôn lậu ma tuý nằm ngay trong những trung tâm đầu não chống ma túy. Và ở bậc cao nhất của cung đình là những tên đại lưu manh trơ tráo, chẳng Mác chẳng Xít gì, đang trấn áp, đe dọa người dân bằng nhà tù, súng đạn, để ăn cướp bất cứ thứ gì có thể cướp, vơ vét của cải đất nước làm của riêng, lấy tiền bỏ vào các tài khoản khổng lồ ở nước ngoài do con, cháu, bồ bịch, tay chân chúng làm chủ!” (trang 79)
Ông không tin vào thực tài của những người lãnh đạo khi nhân ra: “Hàng lô hàng lốc những ông giám đốc, tỉnh uỷ, trung ương uỷ viên, đại biểu Quốc hội đều có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… mà chẳng hề có tên trong hồ sơ sinh viên, nghiên cứu sinh ở bất cứ trường đại học nào! Hầu hết đều là tiến sĩ, thạc sĩ… Mác-Lênin, tốt nghiệp ở cái trường Đảng do ông giáo sư tiến sĩ tên Nguyễn Đức Bình, uỷ viên ‘bộ chính troẹ’ làm… giám đốc!” (trang 395)
Với những người lãnh đạo như thế thì lời cảnh báo sau đây của Tô Hải không phải hoàn toàn không đáng lưu tâm: “Cái đểu cáng nhất của bọn cầm quyền hiện nay là chúng dám làm bất kỳ điều gì có thể làm miễn ních đầy túi tham. Chúng sẵn sàng bán nước cho bất kể kẻ nào muốn mua, dù là Tầu, Mỹ, hay Nga. Một ngày nào đó chúng sẽ tuyên bố giải tán Đảng chưa biết chừng. Đó là lúc chúng đã ‘hạ cánh an toàn’ với đống của cải chiếm được. Cũng chưa biết chừng có những tên còn tự đứng ra, hoặc cho con cháu đứng ra lập Đảng này, Đảng nọ, rồi lớn tiếng chửi cái Đảng hiện tại hơn ai hết… để lại chiếm những ghế ngon lành trong một chính quyền mới của những tên tư bản đích thực mà chính chúng sẽ là đại diện!?” (trang 404)
Lời cảnh báo của Tô Hải càng làm ta sửng sốt, lo ngại khi thấy người ta ầm ầm đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên, thiết lập xa lộ thênh thang nhất, hiện đại nhất dẫn thẳng từ Trung Quốc đến Hà Nội, lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Càng kỳ lạ hơn là người ta không chỉ đàn áp các đám biểu tình ở trong nước mà cả đồng bào Việt Nam ở các nước khác biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam!
Đối với Cụ Hồ, nhiều tư liệu có thể tin là xác thực đã chỉ rõ rằng Cụ từng cưới một bà y tá người Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh làm vợ (đám cưới này có cả vợ ông Chu Ân Lai dự), Cụ cũng từng có một con trai với bà Nông Thị Xuân (người con trai này tên là Nguyễn Tất Trung, hiện đang ở Hà Nội). Về chuyện này, nhạc sĩ Tô Hải đã có cái nhìn thể tất: “Ông ta cũng là con người, cũng có quyền lấy vợ đẻ con, thậm chí ba bốn vợ như ông Lê Duẩn, cũng có quyền bồ bịch như ông Mitterand, ông Clinton chứ! Cái tội của ông là do bọn gọi là cộng sản An Nam phong kiến cố tình dựng ông ta lên thành ‘thánh sống’ (và ‘thánh chết’) để lừa bịp cái dân tộc đa số là nông dân thất học, đầu óc còn mê muội về thánh về thần. Ông ta chỉ là một nhà cách mạng chính hiệu cuồng tín với chủ nghĩa Mác-Lê mà thôi.” (trang 388)
Người viết bài này thì cho rằng, cả những người tô vẽ Cụ Hồ thành ông thánh, là vị cứu tinh; cả những ai thóa mạ Cụ là tên dâm tặc, là tội đồ dân tộc đều không đúng. Thực tế, Cụ cũng chỉ là một con người, một con người tài trí, tài trí đến mức có thể làm được những việc rất phi thường theo ý Cụ. (Đánh giá những việc làm ấy là công to hay tội lớn? Lịch sử sẽ còn bàn thảo công phu và sẽ được phán xét công minh.)
Đã là người thì có hỷ, nộ, ái, ố, dục, có xấu tốt, có đúng sai. Người ta thường cho rằng cái sai lớn nhất của Cụ Hồ là đã đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam.
Nếu chỉ lợi dụng chủ nghĩa Marx-Lenin để huy động được nông dân và lực lượng vô sản vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì chẳng nói làm gì. Đàng này, đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã nói trong hồi ký “Đi tìm cái Tôi đã mất”: “Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế!”
Như tự kiểm cuối đời, như lời di huấn viết lúc đã ngọai bát tuần, học giả Nguyễn Khắc Viện cũng thổ lộ: “Đời tôi là đời một thằng ngây thơ. Trong hai chữ ‘thơ’ và chữ ‘ngây’, tôi xin giữ lại cho mình chữ ‘thơ’ vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ ‘ngây’ để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi!”
Tô Hải thì quyết liệt hơn. Ông rền rĩ thống thiết: “Tinh hoa đất nước giờ đâu tá? Ai cũng hèn như tôi sao?… Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình lầm tưởng là ‘vinh quang rực sáng’ lại chính là ‘tội lỗi ngút trời’, không biết khuyên nhủ con cái chớ có giẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua… Phải kiên quyết giã từ cái quá khứ đầy vinh quang vô ích của mình. Chỉ có sự giác ngộ chính trị cuối cùng này mới giải toả được mọi nỗi đau. Sự ‘trở cờ’, ‘phản bội’ để ‘đi tìm một sự trung thành mới’ như Jean Paul Sartre nói không ai dám làm ư? Vì còn… sĩ diện! Vì còn bị quá khứ níu kéo? Bỏ một thứ tà đạo, một niềm tin mù quáng, vứt vào sọt rác cái chiêu bài hoen rỉ, mốc meo, chẳng khác gì ly dị một con vợ độc ác, chẳng yêu gì mình khó lắm sao? Sao rất ít ‘thức giả’ dám tuyên bố công khai: Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản?” (trang 411)
Và: “tôi đã nhận ra cái nhục của một thằng suốt đời ăn theo, nói leo, nói dối, đã nhìn thấy bộ mặt thật của cái chủ nghĩa bất lương mà tôi đi theo một cách vô tình và bất đắc dĩ, nhưng không dám rời bỏ nó”. (trang 301)
Nỗi đau khổ đến quằn quại của những người có lương tri như ông còn bị nhân lên là do: cứ tưởng được người ta dắt dẫn mình rồi mình cũng như tình nguyện cùng họ dụ dỗ bao nhiêu đồng bào đổ cả núi xương, sông máu, cả biển đầy nước mắt mồ hôi để xây dựng nên một mô hình xã hội “triệu lần hơn… ” thế nào kia; hóa ra, quanh quéo sao lại trở về với kinh tế thị trường. Cho nên ông không thể lòng không nhủ lòng: “Phải nói lên cho mọi người biết rằng cái giá mà cả dân tộc phải trả bằng hàng chục triệu mạng sống để đổi lấy cái… ‘thị trường tự do’ là cái sẵn có ở các nước cựu thuộc địa nghèo nàn lạc hậu như hoặc hơn Việt Nam trước đây, chẳng cần đến đảng cộng sản, chẳng cần đến các lãnh tụ vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn, chẳng cần đến chiến tranh, chẳng cần đến cái gọi là ‘chủ nghĩa anh hùng cách mạng’.” trang 282)
Trớ trêu và cay đắng sao: “những người cộng sản bỗng bừng tỉnh, thấy mình trót bỏ phí cuộc đời để theo một lý tưởng ba lăng nhăng. Vậy thì tội gì mà không tương kế tựu kế, cứ phất cái ngọn cờ rách cộng sản lên mà lập thành một đảng mới, một đảng mafia, làm giầu cho mình và cho con cháu! Cuộc vơ vét bằng hết của cải, tài nguyên đất nước vào tài khoản của mấy thằng cộng sản to đầu nhất bắt nguồn từ những ngày chiếm được ‘viên ngọc Sài Gòn’. Cái trò đánh lận con đen, thay chủ nghĩa cộng sản đạo đức giả bằng chủ nghĩa tư bản đỏ đích thực bắt đầu từ đây.” (trang 360)
Ngộ nghĩnh mà oái oăm sao, mới hôm qua người ta coi giầu có là kẻ thù và tôn cái nghèo lên hàng lãnh tụ, người ta coi “mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản” là lý tưởng… thì hôm nay, người ta hô toáng lên: “Đảng viên phải biết làm giầu”. Báo Nhân Dân ra ngày 15 tháng 6 năm 1994 còn nêu quy định giầu có là một trong 5 tiêu chuẩn để được bầu vào cấp ủy Đảng.
Cho nên Tô Hải ngao ngán vì quá đỗi thất vọng: “Không cách nào cứu vãn được tâm hồn, đạo đức của một dân tộc khi cả dân tộc đó chạy theo một cuộc thi kỳ quái được công khai khuyến khích: Làm giàu! Đáng sợ hơn là người ta thi nhau làm giàu trên cơ sở… hai bàn tay trắng và cái đầu… rỗng tuếch, cái mồm sẵn sàng nuốt tất cả sắt, thép, nhà, cửa, gỗ, quặng, xi măng… Tiền, vàng, đất đai là của ‘trời ơi’, ‘của chùa’, giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền! Cái chủ nghĩa ‘tư bản rừng rú’, cái thị trường tự do định hướng xã hội chủ nghĩa có một không hai trong lịch sử loài người đã đẻ ra những quái thai ‘tư bản đỏ’, không tài, không vốn và hầu hết không đầu!” (trang 92)
Thật vậy, người ta cứ cố duy trì cho được cái thứ mặt người “kinh tế thị trường”, chân tay quỷ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là để tạo ra tình trạng “đất đai là của ‘trời ơi’, ‘của chùa’”. Có thế người ta mới có thể biến hóa để những thứ đó: “giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền”!
Cho nên ngày nay “ở Việt Nam không có cá nhân ăn cắp, ăn cướp mà chỉ có ăn cắp, ăn cướp tập thể, ăn cắp ăn cướp theo băng đảng qua cách phân phối của cải chiếm được. Có tài thánh cũng chẳng truy ra nổi nguồn gốc tài sản mà bốn đời làm việc, với lương bộ trưởng, một người cũng chẳng xây nổi căn nhà đáng giá hàng nhiều ngàn lần tháng lương của anh ta! Nghĩa là có chính sách cho sự ăn cắp và ăn cướp công khai và… có tổ chức.” (trang 389)
Gần kết thúc Hồi ký, Tô Hải lại hơn một lần rền rĩ: “cuộc đời không cho phép tôi… chết sớm như các bạn Xiêm, Ích, Tước, Niệm, Hòa… mà bắt tôi phải sống, sống để trở thành một thằng hèn, hèn cho đến những ngày ‘vừa viết vừa run’ tập hồi ký này.” (trang 440)
Nhưng…
*
Trước sự kiện Khổng Tử đem con gái gả cho Công Dã Tràng, Luận ngữ đã bình rằng:
Công Dã Tràng là học trò của Khổng Tử, đã từng bị ngồi tù. Khổng tử vẫn bằng lòng đem con gái mình gả cho Công Dã Tràng. Vì sao? Theo Khổng Tử, phạm tội mà vi phạm điều nhân là kẻ vô đạo thất đức, phạm tội mà không vi phạm điều nhân là người đáng thương. Công Dã Tràng tuy có tội, nhưng không vi phạm điều nhân. Cho nên vẫn là con người có nhân, kiên trì phấn đấu sẽ đắc đạo (về sau được tôn lên làm bậc tiên hiền), Khổng Tử quyết gả cho Công Dã Tràng để thể hiện lòng tin của mình vào học trò.
Tô Hải dù đã tự nguyện chui vào rọ cộng sản (tức ngồi tù) nhưng không vi phạm điều nhân (chẳng những thế còn làm điều nhân thật đáng trân trọng là đã trên dưới tám mươi, lại đau yếu mà vẫn cậm cạch ngồi viết cuốn hồi ký đầy tâm huyết, rất giá trị này). Cho nên, rồi đây khi đi gặp Khổng Tử, chắc ông nhạc sĩ này sẽ được Khổng Tử gả cho con gái đẹp như “Nụ cười sơn cước”.[2]
Chỉ đáng trách là có những bọn người không hề bị “ngồi tù” (hoàn toàn khác chúng tôi, họ không hề bị Mác – Lê mê hoặc, không hề tin vào chủ nghĩa cộng sản mặc dù họ đang cầm thẻ đỏ), nhưng nhờ cả một thế hệ “yêu nước hồn nhiên”, “yêu nước ngơ ngác”, “yêu nước dại khờ”… đổ hết máu xương, mồ hôi nước mắt ra xây ngai vàng hôm nay cho họ được chễm chệ ngồi; để rồi, có ai đó than thân trách phận, ai đó thức tỉnh đem trải nghiệm bản thân ra khuyên nhủ họ thì liền bị họ xua sai nha lục soát, tra vấn, tống tù hay lệnh cho bọn bồi bút vô liêm sỉ trổ tài khuyển mã xuyên tạc, bôi bẩn, lăng nhục. Bất kể đấy là những người đáng bậc cha, bậc anh, bậc thầy của họ.
Gấp Hồi ký lại, tôi ngâm thầm câu hát ngày xưa: “Hỡi gió chiều có nhớ chăng? Mãi mối tình còn vấn vương”.[3] Và, tôi thương, tôi yêu Tô Hải.
Hà Nội ngày 24 tháng 8 năm 2009
© 2009 Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt