WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Xem World Cup, nghĩ về toàn cầu hóa

Ngày hội bóng đá. Ảnh Google

Gần đây, người ta hay nói nhiều đến toàn cầu hoá. Nhưng không ở đâu xu hướng toàn cầu hoá lại thể hiện rõ cho bằng trong lãnh vực thể thao, đặc biệt, trong bóng đá.

Chứ không phải sao? Bạn thử nghĩ xem: Trên thế giới, có giải thể thao nào quy tụ nhiều quốc gia tham dự và được nhiều người xem như Olympic? Olympic bao gồm nhiều bộ môn thể thao khác nhau, trong đó, chỉ có một môn có giải riêng, bốn năm được tổ chức một lần, về tầm vóc và độ hấp dẫn, không hề thua kém Olympic: Giải bóng đá World Cup. Không có môn thể thao nào khác có được vị thế ấy. Tất cả các môn thể thao khác đều dừng lại ở phạm vi quốc gia hay khu vực. Cũng không có môn thể thao nào có tổ chức toàn cầu như FIFA, có thể coi như một thứ Liên Hiệp Quốc chuyên ngành. Thậm chí, về một số phương diện nào đó, FIFA còn hơn cả Liên Hiệp Quốc, ví dụ, về quy mô: Liên Hiệp Quốc có 192 thành viên trong khi FIFA có đến 208 thành viên.

Có thể nói bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới. Số người chơi bóng đá, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, rất đông. Số người xem lại càng đông. Xem trong sân vận động: đông. Xem trên tivi: lại càng đông nữa. Từ mấy chục năm nay, khi tivi có mặt trong mọi nhà, trận chung kết giải World Cup nào cũng thu hút gần cả tỉ người xem. Riêng trận chung kết giải World Cup 2002 giữa Brazil và Đức tại Japan thì chiếm kỷ lục: khoảng 1.1 tỉ người xem (1). Nên nhớ dân số thế giới chỉ trên 6 tỉ. Như vậy cứ sáu người, kể cả trẻ con, thì có một người xem.

Cũng có thể nói giải bóng đá World Cup là điểm hẹn hò lớn nhất của nhân loại. Cứ bốn năm, mọi ánh mắt trên khắp hang cùng ngõ hẻm trên trái đất đều đổ dồn về một địa điểm và mọi nhịp tim đều hoà điệu với nhịp bóng lăn trên sân cỏ.

Không chừng đó cũng là cơ hội duy nhất chúng ta ý thức về thế giới như là thế giới thực sự. Bình thường, ý nghĩ của chúng ta về thế giới dễ bị cắt vụn, bị phân mảnh hoá, một cách ngẫu nhiên, lệ thuộc vào một yếu tố bên ngoài: một chuyến du lịch hay một biến cố đặc biệt xảy ra ở quốc gia nào đó. Lần đầu tiên bạn nghĩ đến, cùng lúc, những quốc gia xa xôi và phần lớn xa lạ như Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha, Côte d’Ivoire, Cameroon, Paraguay, Uruguay, Chile, Ghana, v.v… là lúc nào nếu không phải là ở World Cup? Trước đây, Marshall McLuhan từng nói, việc xuất hiện của tivi biến thế giới thành một cái làng, làng toàn cầu (global village), nơi mọi người cùng xem một hình ảnh, theo dõi một biến cố, chịu ảnh hưởng của một cách diễn dịch. Không có cơ hội nào thế giới biến thành một cái làng đúng nghĩa như là World Cup.

Tính chất toàn cầu hoá của bóng đá còn thể hiện ở một khía cạnh khác nữa: hiện tượng xuyên quốc gia (transnational/cross-national). Hầu hết các câu lạc bộ bóng đá lớn trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, đều có tính xuyên quốc gia. Chủ nhân của một đội bóng lớn ở Anh có thể là người Pháp, người Nga hay người Thái Lan. Các cầu thủ trong đội bóng ấy có thể là người Brazil, người Tây Ban Nha, người Úc, người Mỹ, người Nhật, v.v… Ngay cả trong các đội tuyển quốc gia cũng đầy người ngoại quốc. Một năm nào đó, nhìn vào đội tuyển đội bóng Pháp, Jean Marie Le Pen, một chính trị gia cực hữu nổi tiếng kỳ thị chủng tộc, chỉ trích: “Đó đâu phải là đội Pháp!” Lý do: có quá nhiều cầu thủ gốc nước ngoài. Chưa hết. Còn huấn luyện viên nữa. Hiếm có huấn luyện viên nào có địa bàn hoạt động rộng như trong lãnh vực bóng đá: họ ký hợp đồng từ nước này qua nước khác. Cuối cùng là những người ủng hộ. Có bao giờ bạn ủng hộ một nhóm người ngoại quốc nào đó một cách nhiệt tình như trong bóng đá không? Có lẽ không. Ủng hộ một cá nhân nào đó thì có. Ví dụ chúng ta mê một ca sĩ, một diễn viên điện ảnh, một cây vợt hay một nhà văn  nào đó. Có. Nhưng đó là một cá nhân xuất sắc. Còn mê nguyên cả một đội, một nhóm người thì không chừng chỉ có trong bóng đá mà thôi. Mê họ, chúng ta quên cả tự ái dân tộc hay các hàng rào văn hoá và chính trị. Mê họ, chúng ta và cả họ nữa, trở thành những công dân toàn cầu trong một vương quốc có tên là vương quốc bóng đá.

Đằng sau xu hướng toàn cầu hoá bóng đá như vậy là xu hướng toàn cầu hoá về thương mại. Càng ngày bóng đá càng trở thành một hoạt động kinh doanh có quy mô rất lớn. Chủ nhân của các đội bóng hoặc câu lạc bộ bóng đá là những tài phiệt đầy thế lực. Họ mua, bán và sang nhượng các cầu thủ như những món hàng, có khi giá cả đến hàng chục triệu đô. Gắn liền với các đội bóng hoặc câu lạc bộ bóng đá ấy là các hoạt động truyền thông. Không có tivi, bóng đá sẽ không thể phát triển mạnh đến như vậy. Và nếu không có bóng đá, tivi cũng không thể có tầm ảnh hưởng lớn lao đến như vậy. Do đó, xu hướng toàn cầu hoá của bóng đá không những gắn liền với xu hướng toàn cầu hoá về tài chính mà còn gắn liền với xu hướng toàn cầu hoá trong lãnh vực truyền thông. Cả ba thứ ấy quyện chặt với nhau, có ảnh hưởng hỗ tương lên nhau.

Gốc gác sâu xa của xu hướng toàn cầu hoá ấy lại nằm ở chỗ khác: Tây phương hoá.

Xin lưu ý: không phải chỉ bóng đá mà gần như toàn bộ các bộ môn thể thao phổ biến hiện nay, từ bơi lội đến đua ngựa, từ nhảy (cao, xa, sào…) đến chạy (tốc độ, việt dã, tiếp sức…), từ quần vợt đến các loại bóng: bóng chuyền, bóng rổ, bóng bầu dục, bóng tròn, v.v… đều xuất phát từ Tây phương, đặc biệt từ Anh và Mỹ. Đã đành người ta có thể tìm kiếm dấu vết của một số hoạt động thể thao, kể cả bóng đá, ở một số nơi khác, như Trung Hoa và Ấn Độ, cả ngàn năm trước, chẳng hạn. Tuy nhiên, ở đó, chúng chỉ tồn tại như những trò chơi có tính chất tự phát và khá tuỳ tiện. Thể thao, với những quy luật rõ ràng và với mức độ chuyên nghiệp hoá cao như hiện nay, là sản phẩm của Tây phương. Từ Tây phương, chúng lan toả khắp nơi trên thế giới chủ yếu theo gót chân của hai lực lượng: đế quốc và Thiên chúa giáo (qua các sinh hoạt thể thao và thể dục ở trường học do Giáo hội quản lý).

Từ Tây phương, các môn thể thao được mọi người tiếp nhận nồng nhiệt có lẽ, trước hết, vì một lý do chính: nó phù hợp với bản năng của con người. Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, con người sinh ra vốn có khuynh hướng làm lực sĩ. Thì cứ nhìn trẻ em từ lúc sơ sinh cho đến lúc khôn lớn mà xem. Tất cả đều hiếu động. Không cần ai dạy, chúng tập lật, tập trườn, tập bò, rồi đi, rồi chạy, rồi nhảy, trèo, leo, ném, v.v… Đi, có thể cần bố mẹ tập. Nhưng những hoạt động khác thì trẻ con thường học và làm một cách tự phát. Nhiều lúc bố mẹ muốn cấm cũng không được. Maslow cho khuynh hướng vận động như vậy là một điều có tính bẩm sinh và là một trong những động lực chính của sự tiến hoá trong lịch sử.(2)

Khuynh hướng vận động ấy càng được phát triển và rèn luyện qua những cuộc chiến tranh sinh tồn triền miên trong lịch sử nhân loại, từ thời săn bắn đến thời hiện đại và hậu hiện đại. Một trong những hình thái kinh tế đầu tiên của nhân loại là săn bắn. Khi săn bắn, có mấy kỹ năng được phát triển: chạy, nhảy, bơi, ném và bắn cung. Tất cả đều trở thành những bộ môn thể thao đầu tiên trong lịch sử. Những môn thể thao khác như vật, đánh võ, đua ngựa, bắn súng, v.v…đều nảy sinh từ chiến tranh.

Trong các môn thể thao, bóng đá nhanh chóng được toàn cầu hoá nhờ một yếu tố căn bản: rẻ. Chơi các môn thể thao khác cần có nhiều phương tiện hoặc điều kiện không phải ai cũng có hoặc nơi nào cũng có. Với bóng đá, rất đơn giản: một quả bóng tròn. Không có bóng thì dùng loại trái cây gì đó. Không nữa thì lấy vải quấn lại. Không gian thì chỉ cần một bãi đất trống. Bởi vậy, bóng đá dễ dàng phát triển ở các xứ nghèo, ở đó, nó có thêm một yếu tố thuận lợi: văn hoá đường phố (street culture), nơi thanh thiếu niên thường lang thang và không có niềm vui nào khác ngoài việc tụ tập tán gẫu và chơi đùa ngoài đường. Khi đã tiếp cận bóng đá, các nước nghèo lại biến nó thành một bản sắc riêng, với nó, người ta tự định nghĩa sự tồn tại của họ trong cộng đồng nhân loại. Với nhiều quốc gia Nam Mỹ và châu Phi, bóng đá trở thành một thương hiệu riêng, mang lại niềm tự hào cho cả một dân tộc.

Thành ra, quá trình toàn cầu hoá của bóng đá không phải chỉ là Tây phương hoá. Đó còn là một quá trình địa phương hoá. Không phải ngẫu nhiên mà trên sân vận động các giải bóng đá liên quốc gia lúc nào cũng rợp bóng quốc kỳ của các nước tham dự. Các giải thể thao khác thường vắng bóng cờ. Chỉ riêng giải bóng đá là hầu như không bao giờ thiếu cả. Không phải quần vợt hay bơi lội hay chạy đua hay bóng chuyền, bóng rổ… mà chính bóng đá mới trở thành niềm hãnh diện của quốc gia. Quá trình toàn cầu hoá và địa phương hoá, do đó, là một quá trình đầy những tương tác phức tạp. Không có yếu tố nào khống chế yếu tố nào: Cả hai đều liên thuộc (interdependent) vào nhau. Để chỉ tính chất liên thuộc ấy, trong tiếng Anh người ta chế ra một chữ thật hay: glocalization. Không phải là globalization. Cũng không phải là localization. Mà là glocalization. Dịch ra tiếng Việt là sao nhỉ? Chịu. Tôi chưa nghĩ ra. Các bạn có ý kiến gì chăng?

———————————————

Chú thích:

1. Xem trên New World Encyclopedia
2. David G. McComb (2004), Sports in World History, New York: Routledge, tr. 9.

Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

3 Phản hồi cho “Xem World Cup, nghĩ về toàn cầu hóa”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Đồng ý với Trương Thanh Sơn,túc cầu dù là môn thể thao rất lôi cuốn nhưng có giới hạn ở chổ là
    trọng tài có quyền tuyệt đối trên sân.Nếu trọng tài bắt đúng thì tuyệt hay nhưng đa phần thường bắt
    sai,nhất là trọng tài biên.Để cải thiện điều này,có lẽ nên xử dụng máy quay hình rồi chiếu lại hầu định đoạt tỷ số như trong Tennis chẳng hạn.Còn không thì túc cầu sẽ là môn chơi thiếu công bằng khiến người ta sẽ cười đau khóc hận một cách…lãng nhách ! (Thậm chí có thể mất mạng như chơi hay ít
    nhất tán gia bại sản vì cá độ mà kết qủa tùy thuộc may rủi qúa như “ngựa về ngược” chăng ?).

  2. Truong Thanh Son says:

    Có lẽ vì tơi ở Mỹ quá lâu nên ko mê bóng đá [lúc xưa gọi là bóng tròn hay túc cầu] mà lại mê football. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn xem nếu có những trận hào hứng như Túc Cầu Thế Giới [sao tôi ghét dùng cái từ World Cup thế kia, có chữ Việt sao ko sử dụng mà ăn cắp tiếng Anh?] Xem trận Mỹ đấu với Slovenia thứ Sáu tuần qua, tôi càng bực mình thêm với bóng đá vì cái kiểu “trọng tài là cha mẹ” trong các trận đấu. Cho đến lúc này người trọng tài hôm ấy vẫn ko giải thích được tai sao ông ta thổi còi và hủy bỏ bàn thắng của Mỹ. Sau này tôi được biết thêm là ông ta ko cần giải thích cho ai cả. WHAT THE HELL IS THAT? Thật tình tôi ko hiểu nổi? Tôi biết bóng đá là môn thể thao được yêu chuộng và tham dự nhiều nhất trên thế giới, tuy nhiên nếu như thế thì đây là môn thể thao dễ dẫn đến bán độ mà người Việt của chúng ta thường đề cập đến. Làm sao biết được là ông trọng tài da đen hôm đó vì ghét Mỹ hay vì tiền đả thổi tiếng còi ấy? Có vị nào làm ơn giải thích hộ.

  3. Trung Hoàng says:

    Ðội bóng đá Hoa Kỳ đã được hồi sinh ở phút 90+1 thật tuyệt vời với Donovan mang áo số 10. Xin được chút mừng và hoan hô tất cả tuyển thủ hai đội đã đưa đến một trận cầu khá đẹp mắt cho mọi người trên khắp thế giới đang theo giỏi giải túc cầu thế giới. Chúc Hoa Kỳ gặp mai mắn trong vòng Knockout.

    Xin trân trọng.

Leave a Reply to Trung Hoàng