Làm mùa hè, lộc trăm năm: Bài toán khó cho kẻ sĩ
Lời mở đầu: tác giả bài này là một người sống ở nước ngoài, phản ánh suy nghĩ của người trí thức gốc Việt đang sống ở nước ngoài về hiện tình và tương lai nước Việt. Mục đích không nhằm đả kích một ai mà chỉ gợi lên một vài suy nghĩ về vai trò của mỗi người, đặc biệt là người trí thức và người quản lý trước tiền đồ quê mẹ.
Nếu bạn đang sống ở nước ngoài, dù trong khối các nước phát triển nhất (G7), hoặc các nước rất phát triển (OECD) như Hàn, Úc hay Ba Lan chẳng han, có bao giờ bạn được trả lương (hay nói chung là thù lao) với giá trị một trăm năm lương cho công việc trong ba tháng hè? Chắc chắn câu trả lời của bạn là không, chưa bao giờ thấy. Vậy bạn nghĩ thế nào nếu ở một xứ sở rất nghèo, trong số một phần tư các nước nghèo nhất thế giới nhưng lại trả thù lao cho người làm việc như vậy? Hẳn các bạn sẽ đi đến kết luận khá hiển nhiên “bởi thế nên mới nghèo và lạc hậu”. Vậy bạn sẽ hành động ra sao, nếu người thụ hưởng đó là chính bạn? Liệu bạn: (a) đơn giản là nhận cho nó xong chuyện, (b) đủ can đảm hay liêm chính để từ chối món thù lao hậu hĩnh này (mà bạn biết rằng nó vượt quá xa mức thù lao hợp lý trong hoàn cảnh), hoặc (c) có một ứng xử nào khác?
Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, nhưng câu trả lời không hẳn thế. Vậy hãy tìm hiểu sự việc và có câu trả lời của bạn nhé.
Theo báo chí trong nước, giáo dục là một trong những vấn đề thiết yếu và bức xúc nhất hiện nay. Riêng trong giáo dục đại học, cả nước có khoảng 60,000 giảng viên đại học (cả Professor và Instructor, gọi chung là giảng viên), mức lương bình quân cho giảng viên đại học khoảng 5-10 triệu. Để đơn giản, cứ cho là giảng viên ở thành phố lớn được trả 10 triệu (mặc dầu nhiều giảng viên trẻ ở Hà nội và TP/HCM sẽ nhảy dựng mà rằng “ước gì tôi có được mức lương đó”). Thử hình dung với mức lương như thế họ sẽ sinh sống như thế nào khi mà chi phí thuê nhà thôi (giá thuê một căn hộ 60m2 ở thành phố lớn khoảng $600/tháng) nghĩa là tương đương 120% tiền lương. Thế còn tiền chợ, ăn uống hàng tháng cũng tốn 25-50% lương; tiền di chuyển, đi lại cũng tốn khoảng 10-20% lương dễ dàng. Riêng tiền điện nước, truyền hình cáp và băng thông rộng lại “ngốn” thêm 30% lương nữa. Nghĩa là chỉ với những nhu cầu thiết yếu nhất (ở, ăn, đi lại, tiện ích tối thiểu) cũng lên đến 200% mức lương mà họ có thể nhận. Họ ao ước có được mức lương khoảng $1000/tháng thì sẽ có được cuộc sống thực sự đúng nghĩa (và hy vọng rằng lúc đó họ cũng sẽ có đóng góp đúng mức, đúng ý nghĩa).
Nào giả sử bạn đang làm việc toàn thời gian ở nước ngoài, trong ngành giáo dục, có mùa hè rỗi, Nhà nước mời bạn về làm việc và đề nghị dùng công quỹ để chi trả cho bạn một món tiền tương đương với khoảng một trăm năm lương, trả ngay một lần, chỉ để làm việc trong mùa hè (mỗi tháng lương giảng viên là 10 triệu, mỗi năm lương là 120 triệu và 100 năm lương là 12 tỉ đồng), bạn sẽ ứng xử như thế nào?
Nếu bạn là giáo sư, dạy toán tại môt trường đại học bốn năm ở Mỹ, lương hằng năm của bạn ở mức khoảng $80,000 (theo số liệu của Glassdoor.com, thống kê năm 2009-2010; lương trung vị). Nếu bạn làm việc trong một trường lớn, thuộc top 10, Ivy League chẳng hạn, hẳn lương của bạn sẽ cao hơn 20-30% thậm chí 50%. Nếu bạn là ngôi sao, lương của bạn cũng có thể gấp đôi số lương trung vị này (các vị giáo sư dạy Vật Lý hay Kinh tế ở các trường đại học khác có thể nhảy dựng mà rằng “ước gì tôi có được mức lương cao bằng hai lần lương trung vị như thế” và quý vị có thể góp ý thêm về phần này). Để đơn giản cho việc tính toán, thử lấy số lương “khiêm tốn” khoảng 50% lương trung vị nêu trên hay là $120,000 năm (khoảng $60/giờ, qui đổi mỗi năm có 2000 giờ làm việc). Thử hình dung đời sống của giảng viên đại học đó như thế nào.
Này nhé, tiền nhà hàng tháng (thuê hoặc mua) có thể tốn hết khoảng 25% hay một tuần lương. Kế đến, tiền đi chợ, ăn uống có thể tốn khoảng 10-15% hay 3-5 ngày lương. Rồi chi phí đi lại có thể chiếm 5-10% hay 2-3 ngày lương nữa. Phần còn lại là các tiện nghi tối thiểu như điện, nước, truyền hình cáp, internet băng thông rộng mỗi thứ chỉ tốn khoảng 1-2 giờ lương, hay tất cả những thứ này vẫn chưa đến một ngày lương. Tóm lại, với tất cả những chi phí thiết yếu cho đời sống mà đồng nghiệp ở Việt nam phải mất 200% lương (lấy đâu ra ngoài cái “phong bì”) thì họ chỉ tốn chưa đến 50% lương. Nói cách khác, đời sống của người giáo sư ở nước ngoài được xem là rất đầy đủ, ổn định.
Vậy đấy, ngay cả ở Mỹ, bạn cũng chỉ được trả thù lao theo tháng, vậy mà “đùng” một cái, bạn được “trả trước” một trăm năm? Hẳn bạn biết rằng tiền này từ ngân sách quốc gia, tức là tiền thuế của dân (bởi vì cái nhà nước tự nó không làm gì ra tiền cả, chỉ có tiêu tiền mà thôi), và bạn cũng thừa biết rằng bạn có thể làm việc mùa hè này, mùa hè sau, mùa hè sau nữa; nhưng có gì bảo đảm bạn sẽ trở lại mùa hè 2015, 2020 hoặc 2030?
Bởi thế, nếu bạn (a) nhận nguyên trạng như lời đề nghị là chuyện dễ dàng nhất bởi vì đối với một số người, lương nào cao nhất thì ta lãnh, bổng nào hời nhất thì ta lấy. Tuy nhiên, với một số người khác, có lẽ đây không phải là một lựa chọn dễ dàng một khi bạn nghĩ đến hệ lụy của nó.
Hệ lụy đó là vì bạn biết rằng còn bao nhiêu đồng nghiệp khác đã làm việc quanh năm, hàng chục năm nay mà vẫn chưa có một phần mười cái “ân huệ” ấy. Và bằng việc làm này bạn đã mặc nhiên đứng về phía đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng lợi ích, của cải không thuộc về bạn. Bạn biết rằng đó không phải là nếp sống ở xứ sở công bằng và dân chủ thực sự mà bạn đang sống. Đó chỉ có thể là lẽ sống ở xứ khi mà dân chủ “chưa được phát huy đúng mức”, người cầm quyền có thể tạo ra các ngoại lệ khi họ muốn, nhưng từ chối làm những việc họ không muốn chỉ vì “cơ chế trói buộc”. Từ chối một ân huệ bất công thật là hành động của kẻ sĩ.
Thử nhắc lại một ví dụ: năm 1968, một Đại úy trẻ trong Không Lực Mỹ đang bị cầm tù bởi nước đối phương chưa đến một năm. Khi biết rằng vị sĩ quan trẻ này là con của vị Đô đốc chỉ huy toàn thể hạm đội đang tham chiến, phía đối phương muốn sĩ quan trẻ này được trả tự do sớm để sum họp với gia đình. Tuy nhiên vị sĩ quan trẻ đã khẳng khái từ chối ân huệ này đơn giản vì rằng “Tôi sẽ không chấp nhận tự do sớm khi mà những người bị cầm tù trước tôi chưa được trả tự do”. Vị sĩ quan trẻ và thái độ ấy sau này được xem như một anh hùng của Mỹ trong cuộc chiến và ở tuổi bảy mươi được đảng Cộng Hòa đề cử vào chức vụ tổng thống Mỹ.
Nếu thấy rằng việc nhận thù lao “hời” từ ngân sách quốc gia ban phát bởi các chính trị gia là không nên làm, không phải lẽ, không đáng lý, vậy có cách nào khác? Trong khi luơng một giáo sư tại Việt nam là 10 triệu/tháng, lương một giáo sư ở Mỹ là $10,000/tháng, vậy lương một giáo sư người nước ngoài đang làm việc tại Việt nam như thế nào? Tuy không có câu trả lời chung, nhưng có thể có vài tham chiếu.
Hiện nay một giáo sư người nước ngoài làm việc tại Việt nam được chi trả khoảng $30 – $100/giờ dạy lớp (tính tất cả kể cả chi phí đi lại hay all-inclusive). Vậy dạy một khóa học 3 tín chỉ gồm 45 giờ thì thù lao khoảng $1350 đến $4500. Trong một mùa hè, giả sử vị giáo sư dạy 3 lớp thì thù lao tổng cộng là $4,050 đến $13,500 cho cả 3 tháng, hay nói cách khác là $1,350 đến $4,500 mỗi tháng dù rằng thực tế rất hiếm (hầu như không có) giáo sư nào đang nhận thù lao mức $4,500/tháng tại Việt nam bởi vì chẳng có bao nhiêu lớp trong các chương trình hợp tác với nước ngoài có mức thù lao như vậy. Bạn cũng có thể thấy mức thù lao cao nhất là $4,500 tháng này tương đương 35-50% mức lương mà giáo sư nước ngoài nhận nếu họ đang làm việc tại các nước G7. Cái “khung” 35-50% này cũng là khung mà các công ty nước ngoài khác (Intel, BP hay Pepsi) dùng để chi trả cho kỹ sư gốcViệt đang làm việc ở Vietnam.
Vậy là dùng “chuẩn” khối giáo dục hay khối tư nhân, công ty trong nước hay công ty đa quốc gia, lương giáo sư chưa đến $5,000/tháng hay $15,000 cho mùa hè. Nếu “ông” nhà nước có thể phá lệ trả cho bạn $700,000 một lần thì chẳng lẽ “ông” không thể trả $15,000 mỗi mùa hè? Bạn thấy cái khác biệt giữa $15,000 và $700,000 như thế nào không? Nó có thể dùng để trả cho tất cả giảng viên đại học ở Việt nam hiện nay ở mức $1000/tháng (mức mà họ nghĩ mọi chuyện tiêu cực sẽ không còn cần thiết nữa), toàn thể 60,000 giảng viên cả nước là $60,000 mỗi tháng và mỗi năm $720,000.
Vậy thay vì nhận món hời cho riêng bạn, (b) nên chăng bạn chỉ nhận ở mức “hợp lý” cho mỗi mùa hè là $15,000 và giúp giới quản lý ở Việtnam hiểu rằng có thể sử dụng nguồn ngân sách $700,000 đó để nâng lương toàn bộ giảng viên đại học Việt nam thành $1000/tháng trong vòng hai năm (tính cả ngân sách hiện có để trả lương ở mức 10 triệu). Hai năm là một quãng thời gian khá dài, khi mà giảng viên và sinh viên có thể toàn tâm toàn ý cho chuyện học tập, giảng dạy mà không phải lo nghĩ chuyện tiêu cực nữa; thử tưởng tượng bộ mặt giáo dục đại học Việt nam sẽ như thế nào sau hai năm đó? Nào ai có thể biết được phải không bạn?
Thay lời kết: như đã viết trong lời mở đầu, để góp phần xây dựng nước Việt trong một vài thập kỷ tới, có thể có một chổ đứng khiêm tốn trong vùng Đông Nam Á (tương tự như Malaysia hay Philippine thôi chứ chưa thể nói đến Hàn quốc hay Hồng Kông) thì mỗi người Việt, dù sống trong nước hay ngoài nước, dù là công dân hay Chủ tịch nước cũng nên chọn lựa cho mình lối ứng xử dựa trên sự công bằng và phù hợp với luật pháp (đó mới chính là thực thi Nhà nước pháp quyền).
Dầu dựa trên sự kiện đương thời để thảo luận nhưng bài viết này nhắm tới hàng triệu trí thức gốc Việt đang sống ở nước ngoài và một phần trí thức trong nước. Cho dẫu có những kẻ “phàm phu” chỉ rắp tâm và chực chờ cơ hội trục lợi cho riêng mình mặc cho đồng nghiệp và công dân quanh họ “sống chết mặc bây”. Và cho dẫu số tiền $700,000 cũng chưa phải là số tiền quá lớn, tuy nhiên bài học ở đây là: nếu nhà quản lý ở Việt nam chưa biết từ bỏ lối mòn suy nghĩ dựa trên ban phát ân huệ cá nhân thì chính người trí thức, sĩ phu, kẻ sĩ nên biết từ chối ân huệ ấy, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng tài nguyên đó có thể giải quyết được cả một vấn nạn của xã hội, tỉ như như vấn nạn giáo dục đại học chẳng hạn.
Một ân huệ, một vấn nạn. Nào ai biết được rằng mươi năm sau sẽ không còn cái gọi là “vấn nạn” nữa nếu vạn người noi gương bạn mà từ chối ân huệ không thuộc về mình? Phải chăng khi làm được điều đó chính bạn đã giải được một bài toán khó, rất khó mà hàng triệu đồng nghiệp (và nhà quản lý) trong nước chưa làm được. Tôi chờ nghe ý kiến của bạn nhé! Hẹn sẽ tiếp tục câu chuyện với bạn trong kỳ tới với đề tài “Dân Chủ ở Việt Nam Bắt Đầu Từ Dân Chủ Trong Mỗi Gia Đình”.
© Vĩnh Thúc
© Đàn Chim Việt
,,,,Nó có thể dùng để trả cho tất cả giảng viên đại học ở Việt nam hiện nay ở mức $1000/tháng (mức mà họ nghĩ mọi chuyện tiêu cực sẽ không còn cần thiết nữa), toàn thể 60,000 giảng viên cả nước là $60,000 mỗi tháng và mỗi năm $720,000…. cua tac gia.
$1000 /thang cho moi giao vien, toan the giao vien 60 000, thi moi thang chi la $60 000 000, 1 nam 12 thang la $720 000 000 chu khong fai $720 000.
“” Vậy là dùng “chuẩn” khối giáo dục hay khối tư nhân, công ty trong nước hay công ty đa quốc gia, lương giáo sư chưa đến $5,000/tháng hay $15,000 cho mùa hè. Nếu “ông” nhà nước có thể phá lệ trả cho bạn $700,000 một lần thì chẳng lẽ “ông” không thể trả $15,000 mỗi mùa hè? Bạn thấy cái khác biệt giữa $15,000 và $700,000 như thế nào không? Nó có thể dùng để trả cho tất cả giảng viên đại học ở Việt nam hiện nay ở mức $1000/tháng (mức mà họ nghĩ mọi chuyện tiêu cực sẽ không còn cần thiết nữa), toàn thể 60,000 giảng viên cả nước là $60,000 mỗi tháng và mỗi năm $720,000.”"
Bài viết không có giá trị vì sai từ những tính toán căn bản !!!
Bài toán Tác giả nêu ra có hai nghiệm số và mặc dù hai nghiệm số
này hoàn toàn đối nghịch nhau như “Ngày” và “Đêm” nhưng đều đúng,
nói cách khác đây chỉ có hai lựa chọn. Theo ý tác giả đây là bài toán khó
cho “kẻ sỹ” ..nhưng Bạn ý giải rất nhanh, đáng phục (hèn gì giành được
giải thưởng cao quý Toán học). Được biết kẻ ra “Đề”đã được gợi ý trước,
khi bạn ý từ chối nhận Biệt thự ở Tuần châu của một đại gia địa ốc.
Kể từ hôm bạn ý nổi tiếng, bạn ấy có nhiều kẻ hâm mộ và khâm phục,
nay nghe đâu không ít kẻ đã dững dưng, lạnh nhạn. Cũng phải thôi. Bạn ấy
chỉ biết làm toán chứ đâu có ý nghĩ xâu xa, thâm thuý. (Đối với lãnh chúa, bạn ý
như quả trứng và con Diều hâu.).Trom một thời gian rất ngắn bạn ý là người của
dân chúng nay bạn ý đã trở thành người “bên ấy” cài vào đội ngũ dân chúng rồi.
Có đúng hay không câu ngạn ngữ “Ăn cơm chúa thì phải Múa tối ngày” , chúng ta hãy
chờ xem!!!???