Công cuộc phục hồi không gian xã hội ở Việt nam
Bài 2 – Công cuộc Phục hồi Không gian Xã hội ở Việt nam (The Recovery of the Social Space)
Trong mấy chục năm cầm giữ quyền bính, đảng cộng sản đã phá tan hoang cái nền móng luân thường đạo lý, vốn được ông cha chúng ta vun đắp gây dựng từ ngàn xưa. Thứ “ giặc nội xâm” này tệ hại gấp bao nhiêu lần loại “giặc ngoại xâm”, do người Tàu hay người Pháp gây ra sự tàn phá trên đất nước chúng ta. Điều tai hại nhất do người cộng sản gây ra cho dân tộc chúng ta, đó chính là sự căm thù, ghét bỏ, chém giết lẫn nhau giữa anh chị em ruột thịt cùng là con Rồng cháu Lạc. Họ du nhập cái chủ thuyết ngoại lai mà tàn bạo độc ác Marxist-Leninist từ bên ngoài vào nước ta, để phá đổ tận gốc rễ toàn bộ cái truyền thống lễ giáo, nhân ái hiếu hòa, đã từng bám rễ sâu nơi các cộng đồng thôn ấp của xã hội nông nghiệp lâu đời của cha ông chúng ta.
Có thể nói, trong hơn 60 năm nay, người cộng sản đã gieo cái thứ nọc độc rất khủng khiếp tai hại ngay vào trong tâm hồn của mấy thế hệ con dân Việt nam. Cụ thể như trong chiến dịch cải cách ruộng đất hồi giữa thập niên 1950, thì ngay trong một gia đình anh chị em ruột thịt không còn tin tưởng, bảo bọc lẫn nhau, vợ đi bêu riếu tố cáo chồng là thứ phản động, con thì tố cáo cha mẹ là thứ phong kiến hủ lậu, bà con hàng xóm láng giềng cũng đâm ra phản bội lẫn nhau. Tất cả đều do cán bộ cộng sản xúi giục, bày đặt xui xiểm mà gây ra cái tình trạng vô luân, thất nhân thất đức tàn tệ đến thế ấy.
Cái nạn “gây thù chuốc oán” đó đã tàn phá toàn bộ hệ thống giá trị đạo đức luân lý, vốn là nền tảng tinh thần rường cột của xã hội nước ta. Cho nên cái không gian xã hội của chúng ta đã bị ô nhiễm, xuống cấp trầm trọng về phương diện văn hóa cũng như tâm linh, tôn giáo.
Vì thế , công việc đầu tiên của chúng ta là phải làm sao bắt đầu khôi phục lại cái truyền thống đạo đức lễ giáo của dân tộc mà cha ông chúng ta đã gây dựng ra trong suốt một quá trình lịch sử mấy ngàn năm giữ nước và xây dựng quốc gia. Công việc này rất khó khăn phức tạp, người dân chỉ còn có thể trông cậy vào tầng lớp sĩ phu quân tử, cũng như vào giới lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo. Đó là những thành phần cốt cán tinh hoa của dân tộc, họ phần đông nằm trong khu vực “Xã hội Dân sự” gồm các tổ chức phi-chính phủ, bất vụ lợi (non-governmental, non-profit sector). Các thành phần ưu tú này không hề có tham vọng tranh dành, chiếm đoạt quyền hành với đảng cộng sản, hoặc mưu cầu một thứ lợi lộc kinh tế vật chất nào cả. Nhiệm vụ chính yếu của họ là : “phải cất lên tiếng nói lương tâm, kêu gọi toàn dân đồng loạt đứng lên xóa bỏ các bất công xã hội, phục hồi lại giá trị nhân phẩm cho mọi công dân”.
1 – Đại học và Tôn giáo phải đi hàng đầu. (Academia & Churches at the frontline)
Tinh hoa trí tuệ của bất kỳ một dân tộc nào, thì đều tập trung nơi các Đại học và các Viện Nghiên cứu, mà người Mỹ gọi là “Think Tank”. Ở nước ta cũng vậy, nhưng có điều thật đáng buồn là tầng lớp này bị đảng cộng sản khống chế, kềm kẹp rất sát nút, nên khó mà có thể đóng góp được một cuộc “Bứt phá” (breakthrough) hầu giúp đất nước thoát ra khỏi tình trạng bế tắc cùng cực hiện nay. Điển hình nhu tổ chức Viện Nghiên cứu Phát triển IDS là một think tank đầu tiên có tính cách độc lập, thì đã bị áp lực nặng nề của nhà nước cộng sản, nên đã phải tuyên bố “đóng cửa” vào tháng 9 năm 2009. Rồi đến các blog của các trí thức có tâm huyết, như Bauxit nhằm thông tin về tình hình áp chế của Trung quốc trong việc khai thác quặng nhôm ở miền Cao nguyên, thì đều bị lũ “tin tặc” (hacker) quấy phá đến nỗi bị vô hiệu hóa.
Mặt khác, các tôn giáo thì luôn có sức lôi cuốn được số đông quần chúng noi theo, nhờ có được những vị chân tu với lòng đạo hạnh, khiêm cung nhẫn nhục. Người dân luôn hưởng ứng với các loại công tác nhân đạo, từ thiện do tôn giáo xướng xuất, nhằm cứu trợ các nạn nhân thiên tai bão lụt, hoặc các người mắc bệnh nan y mà bị xã hội và cả gia đình xa lánh, ruồng bỏ như bệnh phong cùi, bệnh HIV/AIDS v.v…Ở các nước tự do dân chủ, thì các tôn giáo được khuyến khích thực hiện cả một chương trình xã hội quy mô, mà được gọi là “Faith-based Social Action Program” (Chương trình hoạt động xã hội dựa vào niềm tin tôn giáo). Thiết nghĩ tại Việt nam, các tôn giáo cũng phải mạnh dạn đứng ra khởi xướng loại chương trình hoạt động xã hội có quy mô như vậy. Việc này hoàn toàn nằm trong khu vực Xã hội Dân sự, các tôn giáo cũng như các tổ chức văn hóa xã hội của tư nhân, thì phải nhận trách nhiệm lo liệu, cáng đáng trọn vẹn, chứ không được quyền buông xuôi, bỏ mặc cho một mình nhà nước cộng sản độc quyền làm lấy hết mọi chuyện, như từ trước đến nay.
Vắn tắt lại, thì giới hàn lâm đại học có phần trí tuệ, học sâu biết rộng, nghiên cứu đàng hoàng nghiêm túc. Nhờ vậy mà có viễn kiến bao quát (global vision), có sức sáng tạo bền bỉ, có khả năng giúp ích rất nhiều cho xã hội. Mà tôn giáo thì lại có tấm lòng nhân ái bao la, sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao khó nhọc để phục vụ quần chúng, nhất là các nạn nhân của bất công áp bức đày dãy trong xã hội. Vấn đề còn lại là cả hai giới sĩ phu trí thức và giới lãnh đạo tôn giáo, thì đều cùng phải có lòng dũng cảm kiên trì sắt đá, để mà dám đứng lên “phê phán, cảnh tỉnh, sửa sai”, dám trực diện đương đầu đối với cái thứ nhà nước vừa độc tài chuyên chế, vừa cực kỳ ngoan cố, bạo ngược, mà lại rất thâm độc nguy hiểm hiện nay.
Cái gương của cuộc “Cách mạng Nhung” ở Tiệp khắc, ở Ba lan tại Đông Âu từ mấy chục năm gần đây rõ ràng là một kinh nghiệm vô cùng quý báu và ích lợi thiết thực cho tầng lớp sĩ phu quân tử của nước Việt nam chúng ta vậy.
2 - Tiến tới một nền Dân chủ Tham gia. (Towards a Participatory Democracy)
Như đã ghi ở trên, vì quần chúng nhân dân mới là chủ nhân ông của toàn thể không gian xã hội do chính họ tạo dựng nên. Mà từ trên 60 năm nay, bằng các loại thủ đoạn khôn khéo, tàn bạo và nham hiểm, đảng cộng sản đã chiếm đoạt toàn bộ cái không gian xã hội ấy của dân tộc chúng ta. Vì thế ngày nay, với ý thức mỗi ngày một cao về phẩm giá và về quyền của con người, đã đến lúc nhân dân phải đồng loạt đứng lên, muôn người như một, mà dành lại “cái quyền làm chủ đích thực và trọn vẹn của mình đối với đất nước, đối với xã hội”.
Cụ thể là đối với khu vực nhà nước, chúng ta không thể cho phép đảng cộng sản cứ ngang nhiên một mình một cõi “chiếm giữ quyền hành chính trị trong tay của giới lãnh đạo tại Bắc bộ phủ” được nữa. Nói cho rõ ra, thì ta phải thực hiện chế độ “đa nguyên đa đảng”, kiên quyết chấm dứt toàn bộ cái nạn độc tài chuyên chế toàn trị của thứ “vô sản chuyên chính”, mà người cộng sản đã du nhập từ bên Liên Xô đem vào nước ta trên nửa thế kỷ nay.
Trong lãnh vực kinh tế cũng vậy, ta phải loại bỏ cái chức năng kinh doanh ra khỏi vai trò của nhà nước. Phải giải tán các thứ xí nghiệp quốc doanh, thương nghiệp quốc doanh vốn là các “ổ nhũng lạm” dành riêng cho các đảng viên mặc sức lợi dụng khai thác, làm giàu cho cá nhân và là cơ sở kinh tài cho đảng. Ta cần giữ vững “vai trò chính yếu của nhà nước là đứng ra làm trọng tài để bảo đảm trật tự xã hội và sự công bằng xã hội”. Dứt khoát là nhà nước không đi cạnh tranh với các nhà kinh doanh tư nhân khác. Nếu cần vì lý do an ninh quốc phòng, thì nhà nước chỉ duy trì những xí nghiệp quốc doanh tối cần thiết mà thôi. Cụ thể như sản xuất võ khí, hay dụng cụ riêng biệt vế quân sự, tình báo mà thôi.
Còn trong khu vực “Xã hội Dân sự”, thì tuyệt đối ta nhất quyết không thể để cho đảng cộng sản thao túng, độc quyền không chế mãi như từ trước đến nay được nữa. Giới sĩ phu trí thức, giới văn nghệ sĩ và cả giới lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo phải hợp nhất với nhau để ra tay phát động mọi tầng lớp nhân dân nhất tề đứng lên mà đòi cho bằng được cái “quyền dân tộc tự quyết” của mình, nhằm thể hiện các quyền tự do căn bản của người công dân như “Tự do lập hội, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do ứng cử và bàu cử v.v…” Những quyền căn bản tối thiết này đã được ghi rất rõ ràng trong Bộ Luật Quốc tế Nhân quyền (The International Bill of Human Rights), gồm Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền (ban hành năm 1948) và hai Công ước Quốc tế vê Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và về Quyền Dân sự và Chính trị. Hai Công ước này đã được Liên hiệp quốc thông qua năm 1966 và đến năm 1976, thì đã được đa số các quốc gia phê chuẩn. Vì thế mà vào năm 1976, Liên hiệp quốc đã có thể ban hành Bộ Luật Quốc tế Nhân quyền này. Và nhà nước Việt nam đã ký kết gia nhập hai Công ước quốc tế này từ năm 1982, như vậy là Việt nam có trách nhiệm pháp lý và tinh thần là phải thi hành cả hai Công ước Quốc tế đó.
Tóm tắt lại, vào đầu thế kỷ XXI hiện nay, thì ý thức về nhân phẩm, nhân quyền của người dân Việt nam chúng ta đã lên rất cao, tới độ chín mùi lắm rồi. Người dân cũng đã bắt đầu thoát ra khỏi nỗi sợ hãi, kinh hoàng mà chế độ độc tài chuyên chế cộng sản đã gây ra, bằng cách áp dụng những thủ đoạn tàn ác, nham hiểm học được từ những lãnh tụ khát máu Stalin, Mao Trạch Đông. Chúng ta cần phải nói thẳng thắn với giới lãnh đạo đảng cộng sản rằng : “ Qua bao nhiêu tội ác sắt máu đã gây ra cho dân tộc suốt trên 60 năm nay, thì đảng cộng sản dứt khoát là không còn có tư cách xứng đáng để mà đóng vai trò lãnh đạo nước Việt nam được nữa.”
Và hơn nữa, sự thành công của người dân ở Đông Âu và ở Nga trong 20 năm nay, từ ngày rũ bỏ được chế độ cộng sản, để khôi phục lại toàn bộ cái “không gian xã hội” trong một bàu không khí tự do, phóng khoáng và tiến bộ, hiện đang là một niềm cổ vũ khích lệ, một kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu cho trên 86 triệu ngưới dân chúng ta ở trong quốc nội lúc này.
Trong viễn tượng tươi sáng và lạc quan đó, chúng ta có quyền tin tưởng rằng trong một tương lai không bao xa nữa, dân tộc Việt nam chúng ta cũng sẽ rũ bỏ được cái chế độ độc tài cộng sản hủ lậu, phản tiến bộ, như người Đông Âu đã thực hiện được. Và rồi từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được một nền dân chủ nhân bản đích thực, trong cả ba khu vực Nhà nước, Thị trường kinh tế và Xã hội Dân sự, nhờ vào sự tham gia rất phấn khởi và nhiệt tình của toàn thể dân tộc. Có như thế, thì chúng ta mới thực hiện được một “nền Dân chủ Tham gia” đúng như sự mong ước chính đáng của toàn thể dân tộc Việt nam chúng ta vậy./
California, Tháng Hai 2010
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt Online
__________________________________________________________
Ghi chú : 1/ The Universal Declaration of Human Rights = Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền. (UDHR)
2/ The International Covenant on Civil and Political Rights = Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. (ICCPR)
3/ The International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights = Công ước QT về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. (ICESCR).
Gốc xã hội ấy là chữ ĐỨC,
Đạo LÀM NGƯỜI ra sức trau dồi.
Đấp bồi từ thưở nằm nôi,
Đức là đạo cả luyện tôi thường hằng.
Khoa ĐỨC DỤC chận ngăn tham hận,
Môn CÔNG DÂN hướng dẩn lòng son,
Yêu nòi tròn nghiã nước non,
Muôn thu vạn kiếp cháu con Lạc Hồng.
Rồng Tiên chói rạng Á Đông !!!