Truyền lửa từ cuộc sống vào Đại hội
Theo dõi những ngày thảo luận tại Đại hội Đảng XI vừa qua, đã có thể thấy bừng lên niềm tin một tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật”, một tư duy đổi mới và bản lĩnh dấn thân từ những người sẽ chèo lái con tàu Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
“Nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật”
Vô tình hay hữu ý, Đại hội Đảng XI lần này đã nhắc lại tư tưởng chủ đạo của Đại hội VI, Đại hội mở đầu cho công cuộc Đổi Mới 25 năm trước, khi diễn văn khai mạc ngày 12/1 kêu gọi “phải nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật để đánh giá thành tựu, khó khăn việc thực hiện nghị quyết ĐH X, giai đoạn 2006 – 2010 và 20 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ. Từ đó bổ sung cương lĩnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 2011 – 2015″.
“Nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật” ấy dường như không chỉ là khẩu hiệu, khi tinh thần ấy đã thể hiện trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm về lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đánh giá cán bộ, không né tránh nhận lỗi trước vấn nạn tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy bằng cấp,… bản tự phê bình của Trung ương trước toàn Đảng đã nhận được sự hoan nghênh từ công luận.
Người dân, từ những lãnh đạo lão thành, nhân sĩ trí thức cho tới những người bình thường nhất đã gửi tới Đảng những trăn trở, tâm nguyện cùng những hiến kế thiết thực để Đảng vượt lên chính mình, xứng đáng với đòi hỏi của đất nước và thời đại. Ảnh: toquoc.gov.vn
“Nhìn thẳng, nói thật” càng không phải là khẩu hiệu, khi đâu đó đã nhen nhóm lên một không khí tranh luận đối với những vấn đề lớn của đất nước được đặt ra trong dự thảo cương lĩnh – văn kiện chính trị quan trọng nhất của Đảng cầm quyền như “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất”, sở hữu toàn dân về đất đai hay những vấn nạn gây bức xúc xã hội, làm suy giảm lòng tin của người dân vào Đảng. Người dân sẽ nhớ đến những đại biểu như Cao Viết Sinh, Nguyễn Văn Thuận…đã không ngại ngần nêu chính kiến của mình, dù phiên thảo luận tổ hôm ấy có sự hiện diện của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hay Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc xin “nói lời tâm huyết” trước toàn thể hội trường:
“Đại hội VI đã quyết định thay chế độ công hữu bằng chế độ đa sở hữu. Vậy sao bây giờ cứ đòi bỏ đi. Bỏ đi, tác hại đến đâu? Nếu chúng ta vẫn công hữu, ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng? Chúng ta động viên họ đầu tư để làm gì? Để rồi, sau khi thời kỳ quá độ, chúng ta quan niệm “nuôi vỗ béo rồi thịt” thì ai dám làm, ai dám đầu tư. Tôi rất mong các đồng chí thảo luận, làm rõ”.
Người dân sẽ không quên ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng khi đăng đàn trước hội trường tha thiết đề nghị “không bầu những người tham nhũng hoặc không kiên quyết chống tham nhũng vào Trung ương” và kêu gọi Đảng “nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh, lên chức nhanh”. Hay nỗi ưu tư chân thành của Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam: “Nhìn thẳng vào sự thật để thấy một thực tế đau lòng là hiện nay, tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này đang làm một bộ phận nhân dân giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ”
Và sau kì Đại hội này, người dân sẽ còn nhắc đến Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Phương Thảo, người đề xuất tạo điều kiện triển khai cụ thể chất vấn trong Đảng như một bước mở rộng dân chủ trong Đảng, bởi bà chắc chắn một điều “đảng viên có đủ dũng khí để dám nói”.
Những gương mặt đại biểu dám thể hiện chính kiến và bản lĩnh như thế ở kì Đại hội này đã không còn là chuyện hiếm hoi.
E ngại gì mà không nói thẳng?
Phải nhìn thẳng vào hiện tượng không ít cán bộ đương chức còn “nghĩ một đằng, nói một nẻo, thậm chí làm một kiểu khác”. Đến nỗi dân gian thường bảo nhau “chỉ những người về hưu mới dám lên tiếng thôi”. Câu nói đùa nhuốm màu cực đoan, nhưng từ ở một phía khác, cần được nhìn nhận như một cảnh báo nghiêm túc về sự thiếu vắng những lời nói thẳng nói thật ở những người đứng mũi chịu sào.
Như nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, một ủy viên trung ương được tiếng là thẳng thắn từng kể: “Có rất nhiều người tán thành quan điểm và thái độ thẳng thắn của tôi. Họ chia sẻ với tôi rằng: Tôi đồng ý với anh, có điều không phải ai cũng công khai bày tỏ thái độ trên hội trường. Vì vậy tôi đã từng nói vui với họ: các anh chỉ ủng hộ ở bên lề hội nghị thôi”.
Phải chăng, vì đã từng tồn tại một nỗi sợ vô hình bị “chụp mũ” là “chệch hướng, mất lập trường, quan điểm” nên người ta ngại nói thật suy nghĩ của mình? Đến nỗi, có khi “trên” đã thông thoáng rồi mà “dưới” vẫn còn e ngại lắm?
Bên lề Đại hội XI, ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc thừa nhận với VietNamNet “Lãnh đạo các cấp trong nội bộ Đảng có tạo điều kiện cho đảng viên, thành viên trong cấp uỷ của mình được chất vấn nhưng khi ra sinh hoạt, nếu các uỷ viên Trung ương Đảng hay tỉnh uỷ viên cấp tỉnh không chất vấn thì đâu có ép được?”.
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet hồi đầu tháng 3, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực đã phải ưu tư: Một Đảng lãnh đạo đất nước có bề dày lịch sử, có truyền thống hào hùng, có chỗ dựa lớn lao là quảng đại quần chúng nhân dân, làm sao có thể để tiếp tục tình trạng này?
“Không có lý do gì mà những bức xúc cuộc sống, về những cơ chế phù hợp, mà các ông ủy viên trung ương ấy lại không dám phát biểu một cách dõng dạc trước hội nghị. Sợ gì, e ngại gì mà chúng ta không dám nói rõ ra những cơ chế nào, cản ngại nào, thách thức nào từ tầm nhìn, từ chiến lược cho đến những đối sách đối nội và đối ngoại? Phải thể hiện ra, phải tranh luận đối thoại, ít nhất trong nội bộ Đảng. Như vậy mới là dân chủ thực chất”, TS Mai Liêm Trực tha thiết.
“Lửa” cuộc sống phả vào hội trường
Có được không khí thảo luận như những ngày qua tại Đại hội Đảng XI, không thể phủ nhận vai trò tích cực của đợt góp ý sôi nổi, rộng khắp của xã hội trước thềm Đại hội Đảng. Người dân, từ những lãnh đạo lão thành, nhân sĩ trí thức cho tới những người bình thường nhất đã gửi tới Đảng những trăn trở, tâm nguyện cùng những hiến kế thiết thực để Đảng vượt lên chính mình, xứng đáng với đòi hỏi của đất nước và thời đại.
Họ đã không coi Đại hội chỉ là việc của nội bộ Đảng, đã coi “việc của Đảng như việc của quốc gia”, từ đó, đóng góp hết tâm huyết trí tuệ của mình. Họ đã không sợ bị chụp mũ để thẳng thắn nêu lên những ý kiến có thể bị coi là đụng chạm, nhạy cảm. Thậm chí, có những ý kiến rất “hóc búa”, “gai góc”, không khỏi làm một số người phải lo ngại như TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ thừa nhận. Nhưng, chính người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trước thềm Đại hội đã nhận định đa số những góp ý vừa qua thể hiện tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của đảng viên và người dân, thể hiện chân tình đối với Đảng.
Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội XI sẽ kết thúc. Hơn lúc nào hết, người dân đang mong đợi sự “truyền lửa” đó của xã hội sẽ đủ sức “hâm nóng” bầu nhiệt huyết của những đại biểu trong hội trường để làm cho Đại hội tạo nên bước ngoặt đột phá cho cuộc đổi mới lần thứ hai này.
Chờ đợi và hi vọng lắm thay!
Nguồn: Quốc Thái, tuanvn
Mọi người mong đợi,mong đợi,khóa ĐH đảng X1 này có nhiều đổi mới.Nhưng kết thúc bầu bán,đọc danh sách UVTW 175 và25 dự khuyết,mọi người từ trí thúc đến dân thường đã thấy ngao ngán,khi nghe tiếp đến danh sách UVBCT,mọi người càng ngao ngán hơn gấp bội lần.Bầu trơi VN không có cơ hội sáng ra mà lại tiếp tục tối đen và u ám,dân tộc lại khổ rồi!!??
Đọc bài” Truyền Lửa Từ C̉uộc Sống Vào Đại Hội” mình nghe y như là một bài tuyên truyền của CS VN với người dân VN ở hải ngọai . Thực chất thì chẳng có lửa gì cả, bởi vì như ông LS Lê H Đằng đã nói trước năm 1975 ông bị chính quyền VNCH tuyên án tử hình ông không sợ mà bây giờ ông lại sợ các đồng chí của ông nên đâu có ai dám nói thật lòng mình . Người ta vẫn thường nói CS không bao giờ nói thật lòng vì ai cũng cần bảo vệ thân mình sợ bị chụp” mủ diển biến hòa bình”,” chệch hướng” thì kể như tiêu đời. Ngậm miệng để tham nhũng, để làm giàu thì tội gì không ngậm miệng nhỉ? Còn nói dân chủ thì xin miển bàn, Vì CS rất sợ dân chủ và tự do, chỉ tội cho dân đen phải khổ vì bọn cầm quyền thối nát kêu trời không thấu. Người dân VN ích nhất còn phải chịu đọa đày thêm 5 năm nửa. Chịu thôi, biết làm sao!
E- ngại gì mà không nói thẳng, sơ sệt gì mà không nói thật và cái gọi là sự “gợi cảm”
(gợi cảm), thể nào gọi là gợi cảm? nếu không phải vấn đề đó ai cũng nhìn thấy đó là sơ sót hay lỗi lầm của nhà lãnh đạo, của các (shếp). Nhưng cái lỗi lầm đó là sự sở hữu của cấp trên nên tránh nói-đụng đến!
Nếu một khi đó là sơ sót, lỗi lầm hay còn gọi là “chỗ yếu” đi chăng nữa. Cũng chẳng qua là một điểm yếu cần phải sửa và phải sửa ngay, càng sớm càng tốt!
Trên cơ thể con người và trong một bộ phận kinh doanh thị trường cũng vậy thôi. Nếu có lỗi, có bệnh tật. Cần phải mổ sẻ và làm cho ” ra nhẽ” để rồi biểu quyết phương án giải quyết.
Bằng không cứ ôm ấp, nâng niu lỗi lầm và bệnh tật thì bao giờ khắc phục- khá được!
Chính vì vậy mà trong một xã hội muốn phát triển bền vững, phải nhìn vào mọi vấn đề một cách thẳng thắn và hành động thông qua biểu quyết dân chủ đàng hoàng.
Xin lỗi, nếu muốn khá lên!