WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Quy hoạch Thủ Đô Hà Nội và vấn đề xử lý nước thải

Sau mỗi cơn mưa lớn Hà Nội lại ngập lụt

Khi tìm hiểu một nền văn minh, ít ai để ý tới hệ thống thoát nước thải. Tại các di chỉ khảo cổ (archaeological sites) trên thế giới, có lẽ chỉ có độc nhất thủ đô Athens của Hy Lạp là có bảo tồn và trưng bày hệ thống thoát nước thải của nền văn minh cách nay 2500 năm. Lần đầu tiên khi nhìn thấy một đoạn ống cống của nền văn minh cổ Hy Lạp được trưng bày tại trạm xe điện ngầm ở trung tâm Athens, tôi thắc mắc người ta trưng bày cái đoạn ống cống này để làm gì. Lúc đó tôi chưa có ý niệm về tầm quan trọng của công trình tiêu thoát nước thải tại khu dân cư. Sau đó đi tới tận một đoạn di chỉ khảo cổ bảo quản hệ thống tiêu thoát nước thải cũng tại Athens, tôi mới “ngộ” ra được tầm quan trọng của công trình tiêu thoát nước thải trong một nền văn minh. Từ đó mỗi khi đi tìm hiểu một nền văn minh nào, hay tới một thành phố nào trên thế giới, tôi đều quan sát và đánh giá trình độ văn minh của thành phố đó, quốc gia đó, không phải chỉ qua những tòa nhà trọc trời, mà qua tìm hiểu xem họ đã cho nước thải chảy đi đâu. Rất nhiều thành phố bề ngoài thì hoa lệ, hoành tráng, nhưng khi nhìn thấy một ống cống khổng lồ dẫn nước thải từ thành phố chảy ra một con sông, hay một  bãi biển, thì tôi biết là dân tộc đó văn minh còn kém. Và không những vậy, điều đó cho thấy giới người nghèo tại quốc gia đó vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi, bởi vì chính đa số người nghèo mới hàng ngày chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối, bệnh tật, cạn kiệt tôm, cá gây ra bởi những nước thải trong thành phố.

Thành phố bề ngoài hoa lệ và hoành tráng Fortaleza ở Brazil là một ví dụ. Thành phố đó có một bãi biển tuyệt đẹp đối diện các dãy tòa nhà chọc trời nguy nga qua một con đường. Và tôi đã ở đó. Nhưng bãi biển không một du khách mà hoàn toàn chiếm ngự bởi một xóm ngư dân nghèo. Bởi vì tất cả nước thải của thành phố đều được tống tháo ra chỗ bãi biển đó mà không được xử lý trước, gây ra mùi hôi nồng nặc và một mầu đen sền sệt bẩn khủng khiếp.

Việt nam chúng ta là một đất nước cũng có quá nhiều bằng chứng của sự thiếu văn minh đó. Mỗi năm khi mùa mưa tới, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều bị ngập lụt. Mỗi lần như vậy vừa gây gián đoạn giao thông, vừa đưa các chất bẩn từ các cống, rãnh, cầu tiêu tràn lên đường phố, tràn vào nhà dân. Không những chỉ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới có sự ngập lụt, mà tại những địa phương khác cũng có sự cố tương tự, tuy ở mức độ nhỏ hơn. Điều đáng phàn nàn là ngay cả những đại lộ mới được xây dựng cũng bị ngập lụt khi mùa mưa tới. Ví dụ Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) mới được khánh thành nhân dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long và được đánh giá là con đường đẹp và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Nhưng nay chưa tới một năm, sau trận mưa đêm, sáng ngày13-5-2011, đại lộ này đã biến thành “sông”, khiến nhiều phương tiện giao thông chết vì ngập nước và con đường được coi là đẹp nhất Việt Nam này trở nên hỗn loạn. (1) Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải tại Việt Nam trong thời gian qua đã gây một số vụ gây ô nhiễm môi trường nặng nề, gây nguy hại cho sức khỏe của dân chúng, cạn kiệt các nguồn thủy sản hay khiến cho một vài con sông bị hủy diệt. Vụ công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vãi là một ví dụ. Mức độ ô nhiễm do công ty Vedan và hàng ngàn nguồn nước thải khác gây ra trên sông Thị Vãi đã được tường thuật nhiều trên báo chí, trong đó theo báo Đại Đoàn Kết ngày 21/7/2010, ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, “Theo khảo sát thực địa của địa phương và căn cứ vào bản đồ rừng phòng hộ, hành vi xả thải của Công ty Vedan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vùng diện tích hơn 2000 ha trên địa bàn huyện, trong đó có trên 300 ha thuộc khu vực sông Thị Vải. Qua đó xác định mức thiệt hại của nông dân 3 xã Thạnh An, Long Hòa và Cần Thạnh là vào khoảng trên 32 tỷ đồng. Trong khi đó, trong phần tranh cãi về trách nhiệm bồi thường cho dân chúng quanh vùng, Công ty Vedan cho rằng “dòng sông Thị Vải có đến hàng ngàn nguồn thải mỗi ngày từ các công ty, xí nghiệp… chứ không riêng gì Vedan (?!). (2)

Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì người thiết kế các công trình xây dựng và phát triển thành phố và đường xá đã không có một kiến thức cơ bản: Cần phải xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trước khi xây dựng các kiến trúc trên mặt đất. Tại các thành phố ở Việt nam hiện nay, đều có rất nhiều công trình phát triển khu gia cư, nhưng hầu như đại đa số không có kế hoạch xây dựng hệ thống thoát nước hợp lý và nhất là chưa có địa phương nào xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Trong quá trình cho dân chúng thảo luận đồ án phát triển thủ đô Hà Nội mà ngày 27/7/2011, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký duyệt “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. không thấy ý kiến nào nêu lên về vấn đề xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Điều đó khiến thật là có lý khi nghi ngờ rằng công trình của “thế kỷ” và tiêu tốn từ 180 tới 190 tỉ đô la của nhân dân đó sẽ sớm bị tàn phá chỉ bởi vì người thiết kế đã thiếu phần xây dựng hệ thống tiêu thoát nước hợp lý nói chung và xử lý nước thải nói riêng.

Với kinh nghiệm thăm viếng và tham khảo khá nhiều nền văn minh cổ và hiện đại trên thế giới, và với quan tâm tới “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội”, người viết đã thực hiện cuộc thăm viếng nhà máy xử lý nước thải tối tân nhất Hoa Kỳ để cung cấp một số thông tin quan trọng và cơ bản cho dân chúng và những vị lãnh đạo liên quan, đó là nhà máy xử lý nước thải của chung hai thành phố San Jose và Santa Clara (San Jose/Santa Clara Water Pollution Control Plant)

Nhà máy xử lý nước thải

Nước thải là những nước dùng từ các hộ gia cư như nước cầu tiêu, nước tắm, rửa chén bát, giặt quần áo và nước dùng trong kỹ nghệ và doanh nghiệp. Nói cách khác, nước thải là những nước dùng trong tất cả mọi sinh hoạt của con người, và không phải là nước mưa hay nước tưới cây.

Xử lý nước thải hay còn gọi là làm sạch nước thải. Mục tiêu của việc làm sạch nước thải là bảo vệ sức khỏe con người chống vi trùng bệnh như typhoid, cholera, kiết lỵ (dysentery), bại liệt trẻ em (polio), và hepatitis. Làm sạch nước thải cũng ngăn ngừa sự triệt tiêu oxygen (depletion) trong nguồn cung cấp nước và ngăn không cho bốc mùi hôi thối. Làm sạch nước thải cũng để bảo vệ môi trường. Và như thế công việc làm sạch nước thải cũng mang lại lợi ích kinh tế. Chỉ có điều, người ta không quan tâm tới việc xử lý nước thải bởi vì lợi ích kinh tế trong việc bảo vệ môi trường khó tổng kết thành một số tiền cụ thể. Nếu người ta ý thức được rằng lợi ích kinh tế của việc bảo vệ môi trường lớn hơn rất nhiều các kế hoạch đầu tư kinh tế đại qui mô thì có lẽ người ra sẽ hành xử khác.

Bởi thế, ở những nước văn minh, trước khi xây dựng một khu gia cư, dù lớn hay nhỏ, người ta cũng phải triển khai hệ thống thoát nước. Khi xây dựng một thành phố, trước tiên người ta phải xây dựng những đường ống cống ngầm. Không phải chỉ một hệ thống ống cống ngầm mà phải hai hệ thống ống cống song hành và tách biệt nhau: một hệ thống để chuyển nước mưa và một hệ thống để chuyển nước thải (Wastewater).

Hệ thống ống cống nước thải (sanitary sewer system) đưa nước thải tới nhà máy xử lý được xây dựng ở xa khu dân cư để tránh mùi hôi. Ví dụ nhà máy xử lý nước thải của thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ ở cách khu dân cư khoảng 2 miles (3km) về phía bắc thành phố (địa chỉ: 700 Los Esteros Road, San Jose, CA 95134/ điện thoại: 408-945-5300)

Hệ thống ống cống chuyển nước mưa (stormwater) thì đưa thẳng nước mưa ra suối rồi sông hoặc biển. Vì nước mưa không cần được xử lý và nếu không tách biệt mà cho chẩy chung vào hệ thống ống cống đưa tới nhà máy thì việc xử lý sẽ rất tốn kém.

Tại nhà máy xử lý nước thải, nước thải được đưa qua ba giai đoạn xử lý để cuối cùng phải đạt được độ sạch 99% trước khi được cho chảy ra sông, biển.

Phương pháp làm sạch nước thải trong nhà máy cũng bắt chước thiên nhiên, nghĩa là trải qua quá trình lắng đọng chất rắn (solid materials) sau đó là quá trình sinh học với sự tham dự chủ yếu của các vi khuẩn (trước tiên là loại ái khí, sau đó là loại kỵ khí) làm cho các chất thải bị phân hủy trở thành một loại đất mùn không còn độc hại. Mặc dù bắt chước thiên nhiên nhưng thời gian để làm sạch nước thải trong nhà máy ngắn hơn thiên nhiên rất nhiều: Chỉ mất có 10 tiếng rưỡi đồng hồ.

Có khoảng 10% nước thải sau khi được xử lý (sạch 99%) sẽ được đưa trở lại cộng đồng dân cư để xử dụng và người ta gọi là nước tái sinh. Nước tái sinh KHÔNG DÙNG ĐỂ CON NGƯỜI SINH HOẠT HAY ĂN UỐNG. Mỗi ngày có khoảng 10 triệu gallons nước tái sinh được chuyển qua hơn 100 dậm đường ống được xây dựng năm 1998 tới một phần của thành phố San Jose, Santa Clara, và Milpitas. Nước tái sinh được dùng trong các trường học, công viên, sân golf, và các cơ sở thương mại  khác để tưới vườn hay dùng cho mục tiêu kỹ nghệ. Trung Tâm Metcalf Energy là khách hàng lớn nhất của nước tái sinh, dùng nước này để làm nguội cơ sở phát điện.

Nhà máy xử lý nước thải của thành phố San Jose và Santa Clara (San Jose/Santa Clara Water Pollution Control Plant)

Đây là nhà máy tối tân và lớn nhất miền tây Hoa Kỳ (gồm các tiểu bang California, Oregon và Washington State). Nhà máy xử lý nước thải của hơn 1 triệu 500 ngàn người sinh sống trong khu vực rộng 300 dậm vuông (300-square mile area ) bao gồm 8 thành phố San Jose, Santa Clara, Milpitas, Campbell, Cupertino, Los Gatos, Saratoga, và Monte Sereno.

Tiến trình xử lý nước thải.

Tiến trình xử lý nước thải có 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất tạo được 50 phần trăm độ sạch, có nghĩa là  loại bỏ được 50% chất bẩn (contaminants). Giai đoạn thứ hai loại được 95% chất bẩn. Giai đoạn thứ ba (Tertiary treatment) là giai đoạn cuối cùng còn gọi là giai đoạn xử lý tối hảo (advanced filter process) biến nước thải thành nước có độ tinh khiết 99% (Water is 99 percent pure). Ở cuối giai đoạn này nước thải “tinh khiết” còn phải được cho khí clo để khử trùng rồi lại cho chất hóa học thứ nhì để khử khí clo nhằm tránh gây độc hại cho các thủy sinh vật như tôm, cá, v…v. trước khi cho chảy ra sông, biển.

Trước khi xử lý (Before treatment)

Nhưng trước khi bắt đầu giai đoạn xử lý thứ nhất, người ta phải lấy đi những vật lớn như rác rưởi, gậy gộc, gỗ đá v…v để tránh gây nghẽn tắc hệ thống máy móc. Công việc này được thực hiện bằng cách cho nước thải chảy qua một hệ thống trục vớt có những thanh sắt lớn. Các vật vớt ra được đem đổ ở bãi rác (landfill).

Giai đoạn xử lý thứ nhất (Primary Treatment).

Nước thải được cho chảy một cách chậm chạp vào các thùng lớn (tanks) để đủ thời giờ cho các chất nặng (large particles) lắng xuống đáy. Tiến trình này bắt chước sự lắng đọng của các chất trầm tích (sediments) ở các sông hồ. Trong khi đó các thanh quạt nước từ từ xoay vòng và di chuyển từ trên xuống dưới để vớt các chất dầu mỡ  (fats, oils và grease) nổi lềnh bềnh hay những chất lắng đọng dưới đáy để chuyển sang những phòng tiêu hủy (digesters). Giai đoạn này loại bỏ 50 phần trăm chất bẩn.

Giai đoạn xử lý thứ nhì (Secondary Treatment): tiến trình sinh học (biological process).
Nguyên tắc ở đây là tạo sự phát triển mạnh mẽ của những vi khuẩn ái khí (aerobic bateria) để phân hủy chất thải nhằm tạo ra độ sạch tới 95%. Để làm như vậy, người ta cho nước thải vào các phòng trộn khí (aeration tanks) sau đó người ta bơm không khí (pumping air) vào trộn với dòng nước thải. Môi trường nhiều khí oxy (oxygen-rich (aerobic) environment) ở đây gia tăng sự phát triển của những vi khuẩn ái khí khiến cho tiến trình này nhanh hơn ngoài thiên nhiên gấp bội.

Ở thùng trộn không khí ra (aeration tanks) nước thải được truyền vào thùng lọc (clarifiers) và ở đó từ 1 tới 3 tiếng đồng hồ để cho những vi khuẩn ái khí lắng xuống đáy thùng. Tại đây cũng như ở giai đoạn 1, cũng có những cánh tay cơ học (các thanh kim loại) xoay tròn và di chuyển chậm chạp từ trên xuống dưới để vớt các vi khuẩn ái khí cho vào thùng phân hủy (digesters). Một số vi khuẩn ái khí được đưa trở lại thùng trộn không khí (aeration tanks) để bắt đầu trở lại giai đoạn thứ nhì này.

Giai đoạn thứ ba (Tertiary Treatment): Lọc qua sàn lọc (filter beds)

Giai đoạn thứ 3 này cũng là giai đoạn cuối cùng. Ở đây nước thải được cho chảy qua các lớp lọc gồm nhiều lớp cát, sạn và than (gravel, sand and anthracite coal). Sau khi được lọc như vậy, nước thải đã đạt độ sạch 99%. Nhưng như thế vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để cho chảy ra sông, hay biển.

Trước khi cho chảy ra sông, biển, nước thải phải được khử trùng bằng khí clo. Rồi sau đó nhà máy lại dùng một hóa chất khác để trung hòa khí clo đó. Nếu không trung hòa khí clo thì khí clo sẽ gây độc hại cho các thủy sinh vật (aquatic life).

Một điểm khá đặc biệt đáng lưu ý là chỉ có 90% số nước thải sau khi xử lý được cho chảy ra sông, biển mà thôi. 10% còn lại được nhà máy chuyển vào một hệ thống ống dẫn đưa trở lại thành phố tái xử dụng trong công tác tưới tiêu, nước công nghệ, và làm nguội trong các cơ sở kinh doanh tại địa phương.

Cũng cần phân biệt các thùng phân hủy (digesters) và các thùng lọc (clarifiers) trong hệ thống của nhà máy. Các thùng lọc (clarifiers) chỉ có ở giai đoạn 2. Còn các thùng phân hủy (digesters) hiện diện ở cả ba giai đoạn nhằm thu hồi những chất thải nặng (solid material) ở cả 3 giai đoạn. Các chất thải nặng sẽ ở tại những thùng phân hủy này từ 25 tới 30 ngày để chịu sự phân hủy và giảm các sinh vật gây bệnh (pathogens and other disease-causing organisms)  bởi các vi khuẩn hiếm khí (anaerobic bacteria). Khác với sự phân hủy bởi các vi khuẩn ái khí (aerobic bateria) ở giai đoạn 2. Các vi khuẩn kỵ khí hoạt động hữu hiệu nhất ở môi trường không có khí oxy và ở 98 độ F. Một điểm đáng lưu ý nữa là các thùng phân hủy này cũng sản xuất ra khí mê-tan, đáp ứng 35% năng lượng cần thiết của nhà máy.

Thiết kế và hoạt động của nhà máy xử lý nước thải của thành phố San Jose và Santa Clara.

Nhà máy được thành lập năm 1956. Trong hơn 55 năm qua (tính tới 2011) nhà máy hoạt động liên tục 24/24 quanh năm không  nghỉ. Khởi đầu nhà máy chỉ có các cơ sở xử lý giai đoạn 1, tức là mới tạo được độ sạch 50% cho nước thải. Tới năm 1964, nhà máy mở rộng cơ sở để xử lý nước thải ở giai đoạn 2, nhằm tạo độ sạch 95% cho nước thải. Mãi tới năm 1979 nhà máy mới mở rộng tiếp để xử lý giai đoạn 3, tạo cho nước thải có độ sạch 99%. Toàn bộ nước thải kể từ khi vào hệ thống nhà máy sẽ trải qua tiến trình xử lý kéo dài 10 tiếng ½ để trở nên sạch tới mức gần tương đương nước uống. Hiện nay mỗi ngày nhà máy xử lý 110 triệu gallons nước thải trong khi khả năng thực sự của nhà máy xử lý tới 167 triệu gallons một ngày (1 gallon = 3 lit 7).

Nhà máy chiếm khu vực rộng 2,600 mẫu tây. Bao gồm 175 mẫu dành cho khu vực hoạt động của nhà máy, 750 mẫu làm khu vực phơi khô (sludge drying area) để phơi các chất rắn sinh học (biosolids), và 850 mẫu thuộc cái đầm (pond) trước kia sản xuất muối. Khu vực còn lại là khu vực trái độn (buffer land) ngăn cách khu vực xung quanh nhà máy không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi  và các hoạt động nguy hiểm của nhà máy.

Nhưng trước khi vào hệ thống của nhà máy, nước thải từ các tư gia và doanh nghiệp được chảy qua hệ thống ống cống ngầm phức tạp trong thành phố gọi là hệ thống ống cống vệ sinh (the sanitary sewer system).

Hệ thống ống cống vệ sinh (Sanitary Sewer System)

Phải mất 10 tiếng đồng hồ để nước thải chạy từ nhà dân và các cơ sở kinh doanh tới nhà máy. Hệ thống ống cống vệ sinh trong khu vực thành phố liên hệ gồm khoảng 2.200 miles đường ống (3540 km: dài hơn hơn gấp đôi đường bộ Hà Nội-TP Hồ Chí Minh [1535 km]), 16 trạm bơm và khoảng 35.000 lỗ cống (manholes), cùng với các hạ tầng cơ sở liên hệ khác. Hệ thống ống cống vệ sinh này nằm ngoài nhà máy và dưới sự bảo quản của sở giao thông vận tải thành phố. Hệ thống ống cống vệ sinh được bảo trì thường xuyên bằng cách thông các nghẽn tắc hầu hết là do các chất dầu, mỡ.

Nước mưa (STORMWATER)

Nước mưa không cần phải xử lý cho nên để tiết kiệm không cần đưa tới nhà máy. Hệ thống ống cống ngầm thu các nước mưa trên đường hay vườn tược chuyển thẳng tới các con suối rồi chảy tới các con sông trong khu vực rồi cũng chảy ra vùng Vịnh San Francisco.  Hệ thống ống cống dẫn nước mưa này giúp cho thành phố khỏi ngập lụt khi mưa tới. Một điểm cần lưu ý là dọc theo tất cả mọi xa lộ hay đường liên tiểu bang, liên tỉnh của Hoa Kỳ đều có hệ thống ống ngầm dẫn nước mưa. Có như vậy đường xá mới có độ bền lâu và không gây trở ngại giao thông.

Hai hệ thống ống cống trong thành phố

Như vậy trong thành phố có hai hệ thống ống cống ngầm tách rời nhau. Cả hai hệ thống ống cống này đều do sở Giao thông Công chánh quản lý và bảo trì 24 giờ một ngày và quanh năm suốt tháng.

Phòng thí nghiệm tối tân hiện đại của nhà máy (State-of-the-Art Laboratory)

Phòng thí nghiệm rộng 30.000 bộ vuông (square-foot) chứa các dụng cụ phân tích tối tân hiện đại nhất.

Phòng thí nghiệm theo dõi tiến trình xử lý nước thải của nhà máy 24/24.

Để quản trị phòng thí nghiệm có 30 chuyên gia, trong đó có các nhà hóa học, sinh học, độc chất học, và vi sinh vật học.

Phòng thí nghiệm của nhà máy nghiên cứu chất lượng nước và các vấn đề quan trọng, và đã là phòng thí nghiệm hàng đầu trong cả nước trong việc nghiên cứu thủy ngân và kền (nickel).

Phòng thí nghiệm thực hiện 50.000 phân tích mỗi tháng.

Năng Lượng (Energy) sử dụng cho nhà máy.

Tiến trình xử lý nước thải đòi hỏi năng lượng để đẩy nước thải và đất bùn, và thổi không khí vào vi khuẩn để xử lý nước. Nhà máy tự sản xuất khoảng 2/3 năng lượng cần thiết. Chi tiết năng lượng tiêu thụ như sau:

Có khoảng 35% nhu cầu năng lượng của nhà máy được cung cấp bởi khí mê-tan chế tạo bởi vi khuẩn trong các thùng tiêu hủy hiếm khí của nhà máy (anaerobic digesters).
Khoảng 25% nhu cầu năng lượng của nhà máy được cung cấp bởi khí mê-tan chế tạo bởi vi khuẩn trong hố rác khổng lồ gần đó (landfill).

Khoảng 40% nhu cầu năng lượng của nhà máy được cung ứng bởi khí đốt thiên nhiên do nhà máy mua.

Chi phí

Việc xử lý mỗi gallon nước thải tốn 2 xu.
Ước lượng trị giá nhà máy là 2 tỉ đô la.
Để nhà máy hoạt động trong 5 năm tới sẽ cần khoảng 260 triệu đô la .
Công việc sửa chữa và phục hồi (rehabilitation) nhà máy trong 15 tới 20 năm tới sẽ tốn khoảng 1 tỉ đô la.

Dân chúng cần giúp đỡ nhà máy (Help the plant) bảo vệ môi trường

Nhà máy xử lý nước thải làm một công việc ngoạn mục là loại bỏ những chất gây ô nhiễm ra khỏi nước thải để bảo vệ sức khỏe và môi trường xung quanh. Nhưng nhà máy này không thể loại bỏ tất cả mọi thứ ra khỏi nước thải. Một số chất ô nhiễm rất khó bị loại ra hay trừ khử (neutralize=trung hòa), như là các hóa chất khó được làm sạch, những chất diệt côn trùng (pesticides), sơn và các chất hòa tan (solvents). Vì thế công việc ngăn ngừa ô nhiễm phải bắt đầu từ những cư dân trong vùng, bằng việc thực hiện những việc sau đây:
-Tránh dùng loại sà bông (sà phòng) có chất diệt trùng có tên triclosan (antibacteriat soaps).

-Bỏ các loại rác y tế (pharmaceuticals) tại các dược phòng địa phương hay tại những cơ sở chứa các loại rác gây độc hại (Household Hazardous Waste)

-Thay thế miễn phí các loại cặp nhiệt dùng thủy ngân bằng các cặp nhiệt kỹ thuật số (digital).

Giải pháp cho “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội” và các thành phố khác ở Việt Nam

Trong “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội” phần quan trọng là mở rộng Thủ đô. Nếu không có kế hoạch hợp lý và hữu hiệu xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thì chắc chắn cũng như các công trình xây dựng lâu nay, có khi chưa xây dựng xong thì phần mở rộng thủ đô Hà Nội đã bị ngập lụt. Và chắc chắn là khu vực đó sẽ gây ô nhiễm trầm trọng như mọi miền đất nước bởi vì không xây dựng một nhà máy xử lý nước thải.

Nếu không đủ tài chánh để xây dựng những nhà máy xử lý nước thải hiện đại như ở Hoa Kỳ, thì cũng như bước đầu ở Hoa Kỳ cách nay hơn 50 năm, Việt Nam có thể xây dựng tại mỗi thành phố, mà trước tiên là phần mở rộng thủ đô Hà Nội, một hay vài nhà máy xử lý nước thải chỉ cần có khả năng thực hiện việc xử lý giai đoạn 1. Như thế cũng làm nước thải đạt độ sạch 50%. Và trong tương lai, khi nền kinh tế nước nhà khá hơn, người ta có thể nâng cấp các nhà máy đó như hiện nay Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục làm. Tại Hong Kong, một hòn đảo nhỏ, thế mà cách nay hơn 30 năm, tại mỗi trại tị nạn dù chỉ chứa vài ngàn người họ cũng thiết lập một nhà máy xử lý nước thải với khả năng xử lý giai đoạn 1 và với giai đoạn tiền xử lý thực hiện bằng tay (để vớt các rác rưởi, cọc gỗ, đá…). Đây cũng là một giải pháp mà Việt Nam có thể bắt chước.

Một kế hoạch như vậy nếu được thực hiện trên toàn quốc sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng chắc chắn sẽ ít hơn số tiền lớn gấp bội mà hiện nay hàng năm phải dùng để đối phó với những ảnh hưởng xấu về bệnh tật và các ảnh hưởng khác gây ra bởi ô nhiễm môi trường, và tắc nghẽn giao thông khi lụt lội. Trên phương diện kinh tế, thực hiện những lợi ích đó (lợi ích của các công trình công cộng) cũng là một hình thức tái phân phối lợi tức quốc gia hàng năm (GPD) cho đa số dân chúng có lợi tức thấp. Và dĩ nhiên, việc gia tăng phúc lợi như vậy cho thành phần dân chúng nghèo khổ mà đại đa số phải sống gần những khu vực hay lụt lội và những sông, rạch bị ô nhiễm vì nước thải cũng là một chính sách xã hội cần phải thực hiện để làm giảm bớt cách biệt giầu nghèo trong xã hội.

© Đàn Chim Việt

—————————————–

Ghi chú:
Những ai muốn coi hình ảnh hay youtube các hoạt động của nhà máy xử lý nước thải của thành phố San Jose có thể vào website:

(1) http://saigonbao.info/index.php?option=com_wrapper&view=wrapper&Itemid=129

Đại lộ Thăng Long chìm trong nước

(2) http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/daidoanket.vn/Vu-Cong-ty-Vedan-gay-o-nhiem-song-Thi-Vai-Nong-dan-quyet-kien-Vedan-ra-toa/4585757.epi
Vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải: Nông dân quyết kiện Vedan ra tòa (21/07/2010)

Mọi câu hỏi xin gửi về Nguyễn Tường Tâm (tuongtam4@yahoo.com)

4 Phản hồi cho “Quy hoạch Thủ Đô Hà Nội và vấn đề xử lý nước thải”

  1. Bin la đỏ says:

    Bài viết cặn kẽ lắm nhưng hơi dài. VNam toàn bọn ăn sổi ở thì, dự án chưa làm đã tính chia phần rồi nên ai quan tâm tới thoát nước hay ử lý chất thải vì những cái đó khó sơi tiền lắm. Bao giờ công ty nước ngoài vào đầu từ và bằng vốn ODA thì mới có thể quye cũ được.

  2. Minh Đức says:

    Có hai vấn đề bàn đến trong bài này. Vấn đề thoát nước và vấn đề xử lý nước thải.

    Thành phố bị lụt khi mưa to là vấn đề thoát nước không giải quyết tốt. Còn nước sông ngòi bị ô nhiễm là vấn đề xử lý nước thải làm không tốt.

    Sau 75, thấy có một số kỹ sư từ miền Bắc vào được gọi là chi viện cho miền Nam, có nói là họ là kỹ sư cấp thoát nước đô thị, có người tốt nghiệp từ Nga. Từ 30 năm trước đã thế thì chắc ngày nay tại Việt Nam cũng có nhiều kỹ sư cấp thoát nước. Chắc chắn là môn qui hoạch đô thị dạy tại các trường kiến trúc tại Sài Gòn, Hà Nội có dạy về việc phải xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống thoát nước trước khi xây dựng thành phố. Như thế có thể nói là tại Việt Nam có những người có kiến thức về cấp thoát nước đô thị và xử lý nước thải, Nhưng tại sao các thành phố lớn mưa to lại bị lụt và nước sông bị ô nhiễm thì phải đặt câu hỏi. Phải chăng những người có kiến thức không được dùng đúng mức? Phải chăng kẻ được giao trách nhiệm về tổ chức thoát nước cũng như là xử lý nước là kẻ không có kiến thức thực sự còn kẻ có kiến thức thực sự thì không được dùng?

  3. 1/86 tr. con chim says:

    Bài viết tỷ mỷ- kặn kẽ và bổ ích quá!

    Nhưng than ôi, để áp dụng cho VN. thì lại như “nước đổ đầu những con vịt”
    Những công việc trọng đại, có tầm cỡ quốc gia và để đời như thế, đòi hỏi giới lãnh đạo trước tiên phải có ý thức xây dựng đất nước cơ.
    Đàng này toàn ý thức ăn xổi, ở thì, chộp giựt. Bám ghế ngồi lì, mắt trước mắt sau có động là…biến thì chúng quan tâm gì đến môi trường với cả nhân dân.

  4. vn says:

    Để hiểu các giai đoạn xử lý nước thải, mời qúi vi xem 1 đoạn video trong link dưới đây
    http://vimeo.com/1973831 và
    http://www.history.com/videos/inside-chicagos-sewage-system#inside-chicagos-sewage-system

Leave a Reply to Minh Đức