WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Và tôi đã khóc tại vườn Lukxemburg ở Paris

Jardin du Luxembourg

Vào buổi chiều ngày thứ Ba 22 tháng Năm, tôi đã có dịp đi dạo quanh vườn hoa nổi tiếng ở Paris, đó là Jardin du Luxembourg – mà từ cái thời thơ ấu trước năm 1945 tôi đã đọc đến thuộc lòng đọan văn trong cuốn “Livre de mon ami” của văn hào Anatole France – mô tả cảm nghĩ của một chú bé học trò đi rong chơi trong vườn này. Mùa Xuân tại khu vườn nơi đây, với những cành lá xanh mướt và hoa nở tưng bừng lộng lãy, từng đàn chim tung tăng bay lượn giành nhau kiếm mồi – cùng với hàng đòan khách du ngọan áo quần tươm tất lũ lượt đi lại dưới những tàng cây dày đặc phủ rợp các lối đi – càng làm cho lòng tôi thấy thêm phấn chấn yêu đời yêu người.

Ấy thế mà mắt tôi lại đã rưng rưng hoen lệ, lòng tôi đã se lại vì vừa mới được tin trễ về sự lìa đời từ năm 2005 của một bà chị tôi thật quý mến ngưỡng mộ – đó là vị nữ tu họat động rất năng nổ sáng tạo mà được nhiều người trên thế giới biết đến và kính trọng tên là Marie Thérèse de Maleissye (1916 – 2005).

Câu chuyện bắt đầu thế này: Sau khi thăm anh chị Lê Như Khôi trên đại lộ d’ Alésia vào buổi trưa, thì tôi thả bộ đến thăm nhà dòng Phan sinh tại đường Reille cũng nằm trong Quận 14 – mà hồi cuối năm 1970 khi qua Paris để tham dự Hội nghị thành lập INODEP (Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), thì tôi đã hay lui tới nơi đây và có một ít ngày đã được Marie Thérèse de Maleissye là vị Bề trên Giám tỉnh (Provinciale) sắp xếp cho tôi trú ngụ trong một phòng dành riêng cho khách vãng lai.

Sau 42 năm, thì hầu hết các nữ tu thời đó đã không còn ở đây nữa, nên tôi không gặp lại một người nào quen biết thuở xưa. Mà tôi chỉ gặp được duy nhất một nữ tu gốc Việt nam, đó là chị Thanh Hương năm nay cỡ 70 tuổi. Sau vài phút thăm hỏi tin tức thường lệ, tôi mới hỏi chị Thanh Hương: Chị Marie Thérèse bây giờ ra sao, lâu lắm rồi tôi không hề nhận được thư từ hay tin tức gì của chị ấy? Chị Thanh Hương nói với giọng nghẹn ngào: “Marie Thérèse qua đời rồi, từ năm 2005 cách nay đã 7 năm!” Tôi lặng người, lòng thương cảm vô hạn và nước mắt lưng tròng. Một ông lão gần 80 tuổi như tôi, ấy thế mà không thể kìm hãm được nỗi xúc động trước cái tin chẳng vui này.

Rồi bình tĩnh lại, tôi tiếp tục trao đổi tin tức với vị nữ tu người Việt duy nhất trong cộng đòan Phan sinh ở đây. Qua chị, tôi mới biết được chị Colette Humbert bây giờ đã về hưu với tuổi ngòai 80 và sinh sống trong một căn hộ chung với chị Brigitte de la Bouillerie tại thị trấn Cachan ở ngọai ô Paris. Với địa chỉ do chị Thanh Hương đưa cho, tôi đã nói chuyện qua điện thọai với Colette là một cộng sự viên đắc lực của Marie Thérèse năm xưa. Và ít bữa sau, tôi đã đến thăm các chị Colette và Brigitte tại Cachan cũng gần Bourg la Reine là nơi tôi đang ở nữa – như tôi đã viết bài tường thuật về cuộc thăm viếng này.

Từ giã chị Thanh Hương, tôi tiếp tục lội bộ để thăm viếng khu Quartier Latin. Những trường Đại học và Cao đẳng danh tiếng vẫn còn đó với bao nhiêu dấu tích kỷ niệm của những nhân vật khoa học, triết học, văn học nghệ thuật … được ghi lại trong những tấm plaque ghi vắn tắt công lao đóng góp của từng người. Và tôi đã ghé vào vườn hoa Luxembourg tọa lạc trong Quận 6 là một khu vực thanh lịch nhất của Paris. Buổi chiều nắng xuân thật êm dịu, từng cơn gió nhẹ làm xao động những tàng cây xum xuê với khối lá xanh ngắt. Phong cảnh thật hữu tình, thật quyến rũ đối với khách nhàn du thuộc đủ mọi lứa tuổi. Tôi kiếm chiếc ghế ngồi nghỉ sát ven hồ nước hình bán nguyệt ở vào khỏang giữa cái vườn hoa rộng đến trên 20 hectares này.

Rồi tôi rở cuốn sách nữ tu Thanh Hương vừa mới cho – sách được xuất bản năm 2007 – viết về cuộc đời ngọai hạng của Marie Thérèse ra đọc. Cuốn sách do Colette và Brigitte cùng hợp tác biên sọan có nhan đề thật lạ lẫm: “Passionnément” (Tràn đày Say mê) – dài cỡ ngòai 300 trang kèm theo một số hình ảnh minh họa rất gọn gàng sáng sủa. Sau khi đọc lướt qua một số trang, nước mắt tôi lại ứa ra hồi tưởng lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ với người chị tinh thần thật quý mến này. Tôi gấp sách lại, bâng khuâng nhìn cảnh vật bao quanh, nhìn số đông người qua lại trước mặt và trong lòng nổi lên một niềm thương cảm vô vàn… Dưới đây, tôi xin ghi lại một số kỷ niệm sâu sắc với Marie Thérèse từ suốt trên 40 năm qua.

* Kỷ niệm tươi đẹp với Marie Thérèse de Maleissye (1916 – 2005)

1 – Cuộc gặp gỡ ban đầu.

Vào khỏang đầu năm 1969, hai vị nữ tu người Pháp trong bộ áo dòng màu xám nhạt có đến thăm tôi tại văn phòng của Chương trình Phát triển các Quận 6, 7 & 8 Saigon. Đó là Marie Thérèse de Maleissye và Colette Humbert. Vào lúc đó, tất cả anh chị em trong Chương trình Phát triển chúng tôi đang rất bận rộn tất bật với công việc tổ chức cho bà con ở địa phương cùng hợp lực ra tay tái thiết xây dựng lại nhà cửa đã bị tàn phá nặng nề do chiến cuộc hồi Tết Mậu Thân 1968 gây ra. Hai vị khách chú ý theo dõi sự trình bày của tôi về tình hình xây dựng tái thiết này. Tôi nói: “Vai trò chính yếu của người thanh niên tự nguyện chúng tôi ở đây, đó là làm chất men, chất xúc tác (catalyseur) để khơi động cho số đông quần chúng ý thức được sự ích lợi của phương thức phát triển cộng đồng và rồi họ sẽ cùng nhau tự nguyện dấn thân vào công cuộc chỉnh trang tái thiết cho cộng đồng địa phương của chính họ…”

Khách tò mò hỏi thêm vì lý do nào mà tôi lại tự nguyện đi làm những việc như vậy? Tôi trả lời đại khái rằng: “Chính cái chủ trương “Phát triển Tòan diện và Điều hòa (Développement Total et Harmonisé) của Nhóm Kinh tế và Nhân bản bên Pháp (Économie & Humanisme) – mà tôi có dịp theo dõi tham khảo ngay từ thời còn là một sinh viên trường Luật Saigon những năm giữa thập niên 1950 – đã gợi ý cho tôi dấn thân vào công cuộc xây dựng tại địa phương này. Rồi trong thời gian du học tu nghiệp tại Mỹ năm 1960 – 61, tôi lại có dịp quan sát việc xây dựng và phát triển cụ thể tại địa phương cơ sở ở những thị trấn nhỏ xung quanh vùng thủ đô Washington nữa. Và hơn nữa, trong hòan cảnh chiến tranh khốc liệt hiện nay, chúng tôi có bổn phận phải ra tay giúp đỡ chăm sóc cho các nạn nhân chiến cuộc đáng thương là chính đồng bào ruột thịt của mình nơi vùng ven biên đô thị này đây. Việc anh chị em chúng tôi đang làm ở đây chỉ là “Giúp dân để dân tự giúp lấy chính họ” – như người Mỹ thường nói: “Helping the people to help themseves”… Cả hai vị khách đều gật đầu, biểu lộ sự thông cảm tán thành lời lẽ trình bày đại lọai như thế của tôi.

Sau cuộc trao đổi tại văn phòng như vậy, thì tôi lại hướng dẫn khách đến thăm tại chỗ nơi mấy công trường chỉnh trang tái thiết ở địa phương. Chứng kiến cái cảnh xây dựng tái thiết thật là sinh động náo nức của bà con địa phương lúc ấy, cả hai vị khách đều trầm trồ khen ngợi cái ý chí hăng say nhiệt thành của người dân địa phương để kiến tạo một nếp sống an vui hạnh phúc cho chính bản thân gia đình của mình. Và lúc chia tay ra về, các chị nói với tôi: “Chị em chúng tôi thật sự có một ấn tượng sâu sắc đối với công cuộc phát triển và xây dựng tại hạ tầng cơ sở nơi vùng ven biến thành phố ở đây – giữa thời chiến tranh khói lửa vẫn còn ác liệt kinh hòang đến thế…“

2 – Hội nghị thành lập INODEP ở Paris vào cuối năm 1970.

Vào giữa năm 1970, thì tôi nhận được một lá thư do Colette Humbert ký mời tôi vào đầu tháng 12 đến Paris để tham dự Hội nghị Quốc tế thảo luận về việc thành lập INODEP = Institut Óecuménique au service du Développement des Peuples (Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc). Tôi thật vui mừng phấn khởi với cơ hội được tham gia trao đổi kinh nghiệm và suy nghĩ với các bạn hữu quốc tế nơi kinh thành ánh sáng này. Đúng vào lúc tôi lên đường qua Pháp, thì Marie Thérèse cũng từ Saigon bay về Paris, nên tôi lại có dịp chuyện trò trao đổi với chị trong suốt chuyến đi kéo dài đến 20 chục giờ bay này.

Là người đã từng làm việc và đi lại thăm viếng trong nhiều năm tháng tại các quốc gia ở Á châu, nên Marie Thérèse tỏ ra có một sự hiểu biết rất vững vàng chính xác về tình hình văn hóa xã hội và lịch sử của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Sinh năm 1916, Marie Thérèse cùng tuổi với bà chị cả của tôi là chị Đoàn Thị Nga mà trong nhà thường gọi là chị Chắt. Chị Chắt mắc bệnh câm điếc từ nhỏ, nên được cha mẹ tôi gửi vào sinh sống tại trại câm điếc bên thị xã Thái bình do các nữ tu phụ trách điều hành. Vì thế mà chính tôi cũng đã có thời gian theo chị để sinh sống tại cơ sở xã hội này vào lúc mới có 9 – 10 tuổi đầu. Thành ra, tôi dễ có sự gần gũi gắn bó với các nữ tu trong các họat động từ thiện nhân đạo. Và đối với Marie Thérèse, thì tôi lại càng có mối liên hệ mật thiết hơn qua tổ chức INODEP mà chị là một thành viên sáng lập năng động nhất.

Hội nghị được tổ chức trong khuôn viên của một tu viện thuộc Dòng Jésuites tại thị trấn Chantilly cách xa Paris chừng vài chục cây số về hướng bắc – với đày đủ tiện nghi cho các tham dự viên về nơi ăn, chốn ở và các phòng họp lớn nhỏ đủ cỡ. Có đến 60 người từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đến tham dự và sử dụng 4 ngôn ngữ chính, đó là tiếng Pháp, Anh, Tây ban nha và Đức. Chúng tôi làm việc liên tục trong hơn một tuần lễ với một số phiên họp khóang đại và những cuộc họp từng nhóm nhỏ.
Một trong những diễn giả chính yếu mà gây được ấn tượng sâu sắc nhất đối với tòan thể cử tọa, đó chính là nhà giáo dục nổi tiếng từ nước Brésil có tên là Paulo Freire – tác giả cuốn sách mới xuất bản “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức). Paulo Freire nói say sưa đến cả một tiếng đồng hồ, ông nhấn mạnh đến khía cạnh cần thiết phải thay đổi cái não trạng lạc hậu được áp đặt trên lề lối suy nghĩ của người dân tại các quốc gia bị nô lệ hóa bởi cái chế độ thực dân của người phương Tây. Vì các tham dự viên đều là những người đã từng có kinh nghiệm họat động nhiều năm trong lãnh vực văn hóa xã hội, nên các cuộc trao đổi thảo luận tại Hội nghị đã diễn ra thật là sôi nổi hào hứng.

Phải nói là tôi đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ những cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị này. Colette Humbert một trong những nhân vật chủ chốt trong Ban Tổ chức thì giới thiệu tôi là một thành viên trong Nhóm Phát động INODEP (équipe de lancement). Và kết cục, Hội nghị đã thông qua được một số quyết định cụ thể liên quan đến cơ cấu tổ chức và điều hành của INODEP tại cấp trung ương cũng như tại cấp vùng. Và Marie Thérèse de Maleissye vừa là một thành viên sáng lập tiên khởi, vừa là một trong những thành viên cốt cán của ban Quản trị đầu tiên của INODEP.

3 – Những cuộc gặp gỡ với Marie Thérèse sau năm 1975 tại Saigon.

Sau Hội nghị thành lập INODEP ở Paris, lần nào đến làm việc ở Việt Nam, thì Marie Thérèse đều hẹn tôi đến gặp gỡ trao đổi với chị. Đặc biệt nhất là sau 1975, chị vẫn tìm cách đến thăm Việt nam rất nhiều lần khi thì đi với phái đòan của Hồng Thập Tự Pháp, khi thì đi với phái đòan viện trợ nhân đạo. Và tôi cũng đã có một vài lần đến gặp chị ở khách sạn. Có lần vào năm 1989, tôi đã mời chị đến ăn cơm tại một quán ăn trên đường Nguyễn Huệ Saigon cùng chung với Linh mục Chân Tín, ông Tạ Bá Tòng và vài anh em trong Xí nghiệp Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật. Vào năm 1989 này, thì nhờ có sự cởi mở với trào lưu Đổi Mới Petrestroika ở Liên Xô, nên chúng tôi đã có thể chuyện trò trao đổi tin tức với nhau một cách tương đối thỏai mái, chứ không đến nỗi phải quá dè dặt e ngại vì sợ bị công an mật vụ rình rập theo dõi như mấy năm trước đó nữa.

Đầu năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Khấn Dòng của chị, cha Chân Tín và tôi có viết chung một tấm Thiệp Chúc Mừng để gửi đến chị. Rồi chẳng bao lâu sau, thì tôi bị công an bắt giữ và cha Chân Tín thì bị đưa ra quản chế ở Cần Giờ. Mãi đến năm 1996, khi qua định cư ở California cùng với gia đình, thì tôi mới lại có thể viết thư thăm chị. Marie Thérèse rất vui mừng được biết tin tôi đã ra khỏi trại tù và đã mau mắn hồi âm ngay cho tôi. Chị cho biết năm đó đã 80 tuổi và sinh sống trong một căn hộ bình thường trong khu lao động tại thành phố Lille phía đông bắc nước Pháp. Đây là bức thư cuối cùng tôi nhận được của chị. Và sau đó thì biệt tăm luôn, tôi chẳng còn nhận được thư từ tin tức nào của chị nữa.

**Và như đã ghi ở trên, mãi đến ngày 22 tháng Năm 2012, khi đến thăm Tu viện xưa trên đường Reille ở Paris, tôi mới được cho biết là Marie Thérèse đã qua đời từ năm 2005. Ở vào tuổi 89, kể ra là chị cũng đã sống thọ lắm. Nhưng tôi đã không sao kìm hãm được nỗi xúc động trước cái tin này. Và sau khi trấn tĩnh lại, bằng những lời lẽ đơn sơ mộc mạc nơi đây, tôi xin ghi lại một ít kỷ niệm thân thương với một người chị tinh thần rất đáng quý này để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và sự quý mến chân thành đối với một người đã hết lòng khích lệ nâng đỡ tôi trên bước đường dấn thân phục vụ nhân quần xã hội từ mấy thập niên qua.

Và tôi cũng xin chia sẻ nỗi đau buồn của gia đình và cộng đòan Phan sinh trước sự ra đi của một con người kiệt xuất này.

Xin nguyện cầu Linh hồn Marie Thérèse được an nghỉ thảnh thơi nơi Cõi Vĩnh Hằng. RIP.

Thành phố Bruxelles, ngày 31 tháng Năm 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

Phản hồi