WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thư gửi bà Betty Tisdale

Viet Tribune: Bài tường thuật của ký giả Hà Giang (báo Người Việt) viết về chuyện một phụ nữ Mỹ đã mang được 219 cô nhi Việt Nam rời khỏi Sài gòn trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam, có nhắc đến câu nói của BS Phan Quang Đán, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Xã Hội của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, để giải thích vì sao thay vì có 400 em sẽ được đi cuối cùng chỉ có 219 em thôi. Cuộc di tản 219 cô nhi Việt Nam trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này là một sự kiện lịch sử, và những lời nói hay hành động trong thời điểm này được ghi lại cũng là những yếu tố có tính cách lịch sử. Do đó, tưởng niệm những biến cố đau thương 35 năm trước đây ngày Sài gòn thất thủ, trong khi cám ơn những người như bà Betty Tisdale đã cứu thoát các trẻ em Việt Nam, chúng ta hãy công bằng với những người đã can đảm thi hành nhiệm vụ của họ trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn bằng cách tôn trọng và trả lại sự thực cho lịch sử lời nói và hành động của những người trong cuộc. Toà soạn xin được gửi đến bạn đọc bức thư này của ông Phan Quang Tuệ như là một ánh sáng soi rõ một sự kiện trong thời điểm lịch sử đã 35 năm qua. Ông Phan Quang Tuệ, tác giả bức thư này là con trai trưởng của Bác sĩ Phan Quang Đán. Tháng Tư, 1975, tác giả là Công cán Ủy viên Văn phòng Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện ở Sài gòn. Từ 1995 đến nay, ông là Thẩm phán tại Toà án Di Trú Liên bang San Francisco.

BS Phan Quang Đán, nguyên Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Xã Hội nội các Trần Thiện Khiêm

Phan Quang Tuệ
4162 Rockcreek Drive
Danville, CA  94506

Ngày 26 tháng 4 năm 2010.

Kính gửi Bà Betty Tisdale
H.A.L.O.
2416 2nd Avenue North
Seattle, WA  98109

Kính thưa Bà  Tisdale,

Nhật báo Người Việt xuất bản tại Westminster, California ngày 11 tháng 4 năm 2010 có đăng một bài của ký giả Hà Giang phỏng vấn bà về cuộc di tản 219 trẻ em từ cô-nhi-viện An Lạc qua Mỹ trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Vài ngày sau đó, bài phỏng vấn nầy đã được đăng lại trong nhật báo “Người Việt Tây Bắc” xuất bản tại Seatle, Washington.  Kể từ đó, bài nầy đã được in lại trên nhiều cơ quan truyền thông khác, kể cả nhiều trang nhà trên mạng lưới điện tử.

Trong bài phỏng vấn nầy, ký giả Hà Giang viết là bà chỉ có thể di tản 219 trẻ em thay vì 400 em như bà muốn vì Thứ trưởng Bộ Xã Hội là Bác-sĩ Phan Quang Đán đã từ chối không cho phép trẻ em trên 10 tuổi được ra đi. Theo bài phỏng vấn của ký giả Hà Giang thì Bác-sĩ Đán đã nói với bà như sau: “Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận. … Đó là quyết định của chính phủ tôi.”

Câu nói nầy, được gán cho Bác-sĩ Đán, là mục đích của lá thư tôi viết cho bà ngày hôm nay.  Trong thời điểm của tháng Tư năm 1975, tôi là một luật sư tại Văn phòng Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).  Khi đó, thân phụ tôi, Bác-sĩ Phan Quang Đán, nay đã qua đời, giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xã Hội, trong chính phủ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.  Ba mươi lăm năm đã trôi qua, những trẻ em của cô-nhi-viện An Lạc bây giờ đã đi vào tuổi 40.  Trong 35 năm nữa, chuyến di tản của các em có thể sẽ đựợc ghi lại như một chú thích của một trang sử về những ngày chót của Sài Gòn.  Nhưng những thế hệ sau cũng có thể lục lại các trang sử và tìm ra bài phỏng vấn này của ký giả Hà Giang. Và lúc đó một câu hỏi sẽ được đặt ra: Trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975, chính quyền VNCH có dùng trẻ con để đánh trận hay không?

Tôi đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để duyệt lại hàng ngàn trang tài liệu về “Chiến dịch Babylift (Di Tản Trẻ Sơ Sinh)” là một chiến dịch bao gồm cả chuyến di tản 219 em của cô-nhi-viện An Lạc. Tôi cũng tìm tòi trên mạng lưới điện tử. Sử liệu về cuộc chiến 21 năm tại Việt Nam từ Hoà-ước Genève năm 1954 đến ngày Cộng sản chiếm miền Nam vào cuối tháng Tư năm 1975 đã được viết lại đầy tràn. Tôi tìm ra được cả một cuốn phim về cuộc di tản nầy tên là “Những Đứa Bé Của Cô-Nhi-Viện An Lạc (The Children Of An Lac)” mà tài tử  Shirley Jones đã đóng vai bà Tisdale. Tôi đã đặc biệt chú ý đến hai bài trong cuốn sách “Cháo Gà Cho Những Tâm Hồn Được Nhận Nuôi (Chicken Soup For The The Adopted Soul)” xuất bản năm 2000, năm mà bà sáng lập tổ chức H.A.L.O. “Helping and Loving Orphans (Giúp Đỡ và Yêu Thương Trẻ Mồ Côi)”.

Trong bài “Bà Ta Đã Cứu 219 Mạng Sống (She Saved 219 Lives)” của hai đồng tác giả Jack Canfield và Mark Victor Hanson, phần liên hệ đến cuộc di tản đã được diễn tả như sau: “ … Thình lình Bác-sĩ Đán tuyên bố là ông chỉ có thể cho phép các em dưới 10 tuổi được ra đi và tất cả các em phải có giấy khai sanh …”  Bà Betty đã đến khu Nhi đồng của nhà thương để xin 225 mẫu giấy khai sanh rồi điền vào ngày, giờ và nơi sanh một cách nhanh chóng cho 219 em bé thơ sinh và trẻ em.” Bài nầy được viết tiếp:

“Tôi hoàn toàn không biết các em nầy là con của ai, sinh ra lúc nào, nơi nào. Những ngón tay của tôi cứ viết đại ra để tạo ra những bản khai sanh … Khi bà Betty trở lại Sài Gòn, bà tức khắc đến gặp Đại sứ Graham Martin và xin phương tiện di tản cho các em … Ông Đại sứ bằng lòng giúp với điều kiện các thủ tục giấy tờ hành chánh được chính quyền Việt Nam chấp thun. Bác-sĩ Đán ký tên trên bảng danh sách trong lúc các em đang được chuyển vào hai máy bay vận tải của Không quân Mỹ”.

Bài báo hoàn toàn không đề cập gì đến chuyện trẻ em phải ở lại vì lý do cần thiết cho nhu cầu của chiến trận.

Bên cạnh đó, bài “Giúp Đỡ và Yêu Thương Trẻ Mồ Côi: Câu Chuyện của Betty Tisdale (Helping and Loving Orphans: Betty Tisdale’s Story”, mà chính bà là tác giả, cũng có đoạn viết:

Vì tôi không phải là một cơ quan lo chuyện nhận con nuôi nên tôi đã không được quyền sử-dụng các máy bay quân sự dành cho “Chiến Dịch Di Tản Trẻ Sơ Sinh ” … Khi tôi đến cô-nhi-viện An Lạc, tôi hứa với bà Ngãi là tôi sẽ cứu được các trẻ em.  Tôi đến văn phòng ông Đại sứ và cầu xin ông giúp cứu mạng các em.  Ông trả lời là nếu tôi đưa cho ông ta  một danh sách với đầy đủ tên tuổi, giấy khai sanh thì ông ta có thể cung cấp được cho tôi một máy bay của Không Quân. Tôi trả lời: “Có ngay” và chạy đến một bệnh viện để xin các mẫu giấy khai sanh còn để trống. Tôi đã bịa đặt ra tên tuổi để điền vào vì trẻ mồ côi thì không được ai đặt tên và cũng không được cấp giấy khai sanh”.

Đoạn nầy trong bài tự thuật của bà cũng cho thấy không có nói gì đến câu nói được gán cho Bác-sĩ Đán đã đề cập ở trên về chuyện trẻ em trên mười tuổi phải ở lại Việt Nam để làm nghĩa vụ quân sự.

Trong hằng hà sa số sách về Chiến Tranh Việt Nam xuất hiện sau 1975, đối với tôi, luận án đầy đủ nhất về chủ đề tỵ nạn là cuốn “Nạn Nhân và Kẻ Sống Sót, Người Di Cư và Những Nạn Nhân khác của Cuộc Chiến tại Việt-Nam từ 1954 đến 1975 (Victims and Survivors, Displaced Persons and Other War Victims in Vietnam, 1954-1975)” của tác giả Louis A. Wiesner. Ông Wiesner là một nhân viên cao cấp Bộ Ngoại Giao và đã giữ chức cố vấn và điều hành viên chương trình y tế của Uỷ ban Cứu trợ Quốc tế (International Rescue Committee/IRC.). Cuốn sách nầy có một trang rưỡi nói về “Chiến dịch Di Tản Trẻ Sơ Sinh (Operation Babylift)” như sau:

“Từ năm 1974, một số lớn trẻ em Việt-Nam đã được cha mẹ Mỹ nhận làm con nuôi (năm 1974 có 1,352 em) và nhiều văn phòng có giấy phép lo dịch vụ con nuôi đã hoạt động hợp tác với Bộ Xã Hội. Số trẻ em có thể được nhận nuôi là một con số nhỏ vì điều kiện là phải hoàn toàn mồ côi (nghĩa là cả cha lẫn mẹ đều đã qua đời) hoặc phải được cha mẹ ký giấy cho phép được người khác nhận nuôi . . . Cho đến ngày 8 tháng Tư năm 1975, có khoảng 1,348 em mồ côi đã được di tản qua (căn cứ Không quân) Clark, Phi Luật Tân và từ đó 1,311 em đã được chuyên chở qua căn cứ Travis ở California. Tổng thống Ford đã đến đón các em một lần và được báo chí chụp hình đăng tải. Đến ngày 28 tháng Tư, đã có khoảng 2,700 em được “Chiến dịch Di Tản Trẻ Sơ Sinh (Babylift Operation)” đưa qua Mỹ.  Sự lo âu của người miền Nam trước sức tiến công của quân Bắc Việt là nguyên nhân không thể tránh của những lạm dụng trong chuyện di tản trẻ mồ côi. Trên cả hai loại máy bay chính thức và máy bay thương mại thuê bởi các cơ quan lo chuyện nhận con nuôi đã có những trẻ em không phải là trẻ mồ côi và lại có cả những người lớn đi theo là vợ hoặc bạn gái của người Mỹ.  Mặc dầu vậy,“Chiến dịch Di Tản Trẻ Sơ Sinh” cũng đã là một thành công. Sự kiện nầy không những đã tạo cảm tình cho các em bé mà tạo cả cảm tình cho một nước Việt Nam Cộng Hoà đang trong cơn nguy biến mà ai có theo dõi tình hình cũng thấy như vậy”.

Để được chấp thuận cho di tản, các em phải “hoàn toàn mồ côi” hoặc đã được cha mẹ thỏa thuận cho con làm con nuôi.  Những em nào không hội đủ các điều kiện luật định thì không thể được chấp thuận.  Không phải là vì các em phải bị giữ lại để chiến đấu.

Để có thể hiểu được hoàn toàn và đánh giá đúng mức những biến chuyển trong việc di tản các em khỏi Sài Gòn vào tháng 4, 1975, chúng ta có thể nhận xét một biến cố gần đây sau cuộc động đất ngày 12 tháng 1 năm 2010 tại Haiti.  Tap chí Time số tháng Hai đã viết:

Không có trẻ em nào có thể dễ bị hại hơn là trẻ em ở Haiti. Vì vậy khi quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu nầy bị động đất tàn phá ngày 12 tháng Một, những quốc gia giàu có đã mở con mắt nhân từ loại tài tử Brad-và-Angelia để nhìn về phiá hàng vạn em bé trở thành mồ côi trong hoang phế. Cả thế giới đều có ý tốt muốn đến nhận trẻ em Haiti làm con nuôi đã làm cho chính quyền Haiti phải có biện pháp ngăn chặn vì lo ngại rằng, trong cơn hỗn loạn, trẻ em sẽ bị mang đi một cách bất hợp pháp. Ngày 29 tháng Một, nỗi lo ngại đó đã thành hình khi 10 nhà truyền giáo đạo Baptist đến từ tiểu bang Idaho, Hoa Kỳ đã bị bắt giữ vì tội tổ chức đưa 33 trẻ em Haiti ra khỏi nước mà không có giấy tờ hợp lệ.  Người Mỹ nói là họ chỉ làm việc bác ái nhưng nhiều người dân Haiti đã đồng ý với Thủ tướng Jean-Max Bellerive khi ông gọi những nhà truyền giáo nầy là “những người bắt cóc trẻ con” – nhất là phần nhiều các em nầy không phải là mồ côi gì hết.  Chuyện nầy đã trở thành một vụ tai tiếng ầm ĩ trong nước Haiti, nơi mà các em bé là mồi ngon của những tên buôn bán trẻ con và hàng ngàn trẻ em bị đày đọa như nô lệ.

Tháng 4, 1975 Đại sứ Graham Martin đã đòi hỏi các em mồ côi phải được sự chấp thuận trước của Chính Phủ Việt Nam trước khi ông cung cấp máy bay di tản.  Bác-sĩ Đán, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xã Hội đòi hỏi phải có một danh sách đầy đủ với tên, ngày và nơi sanh của các em.  Cả Bác Sĩ Đán lẫn Đại Sứ Martin đã hành xử quyền hạn và bổn phận của họ trong một tinh thần trách nhiệm.  Các em trên 10 tuổi không được chấp thuận vì các em không phải hoàn toàn là trẻ mồ côi, và do đó không hội đủ điều kiện làm con nuôi, chứ không phải vì các em này bị Chính Phủ Việt Nam giữ lại để chiến đấu.  Không ai biết được là Bác-sĩ Đán và Đại sứ Martin có biết hay không sự kiện các giấy khai sanh đã bị giả mạo.  Vì thực tế là, cho dầu có hậu ý tốt chăng nữa, các giấy khai sanh đã bị ngụy tạo. Điều gần như chắc chắn là các em trên 10 tuổi không được chấp thuận là vì các em không thật sự là trẻ mồ côi, do đó không thể được “nhận làm con nuôi”, chứ lý do không phải là vì các em phải ở lại để đánh giặc.

Theo tổ chức Coalition to Stop the Use of Child Soldiers (CSUCS), thì tại ÁChâu ngưòi ta ghi nhận có cả ngàn trẻ em bị xử dụng trong những lực lượng chiến đấu tại Afghanistan, Burma, Indonesia, Laos, Philippines, Nepal và Sri Lanka.  Lực lượng Cộng Sản Khmer Đỏ được ghi nhận là một tổ chức đã khai thác và cưỡng ép trẻ em vào những tội ác có tính cách diệt chủng.  Việt Nam Cộng Hoà không bao giờ nằm trong danh sách các quốc gia này.

Trong suốt 21 năm từ 1954 đến 1975, chính quyền VNCH không bao giờ có chính sách dùng trẻ con trong mục tiêu quân sự.  Ngược lại, chính quyền VNCH luôn luôn chủ trương bảo vệ và xúc tiến sự an toàn của trẻ em.  Ngân sách năm 1974 của Bộ Xã Hội dành 28.98% cho các chương trình phục vụ các trẻ em.  Trước khi Sài Gòn thất thủ, tại Việt Nam đã có 61 cơ quan thiện nguyện do người Việt quản trị trong đó 21 cơ quan lo cho trẻ em và gia đình và 29 cơ quan phụ trách các công tác lo cho các thanh thiếu niên.  Về mặt cơ quan ngoại quốc, lúc ấy tại Việt Nam đã có 102 cơ quan thiện nguyện trong đó 42 cơ quan chuyên về các công tác bảo vệ trẻ em và gia đình, 8 cơ quang chuyên về con nuôi, 4 cơ quan phụ trách các thiếu nhi phạm pháp.   Trong 10 ngày, từ 14 đến 23 tháng Giêng năm 1975, chỉ 3 tháng trước khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, Bộ Xã Hội đã tổ chức một Hội nghị Quốc tế về Nhi đồng và Phát triển Quốc gia. Trong buổi họp tổng kết của Hội nghị, VNCH đã thông qua một Tuyên ngôn Nhân quyền cho Nhi Đồng. Tôi đã tham dự Hội nghị nầy cùng với ông Chánh án Toà án Nhi đồng tại Sài Gòn và cả hai chúng tôi đã là thành viên của ủy ban soạn thảo bản tuyên ngôn đó. Đây mới thật là chính sách của chính quyền VNCH về trẻ em.

Khi người ta khảo sát một biến cố trong quá khứ, nhất là biến cố đó đã xẩy ra trong một thời kỳ chiến tranh hỗn loạn của cách đây hơn một phần ba thế kỷ, điều quan trọng là phải đặt biến cố trong hoàn cảnh toàn diện của thời điểm bây giờ.  Kinh nghiệm cho thấy nếu chỉ dùng ký ức để nhớ lại thì nguồn tin sẽ thiếu tin cậy.  Các sự kiện phải được kiểm chứng và kiểm soát với những dữ kiện khác cũng đồng thời được xẩy ra trong cùng một thời điểm.

Chúng ta tưởng niệm những biến cố đau thương 35 năm trước đây khi Sài Gòn thất thủ.  Chúng ta cũng chào mừng và khen ngợi nhau đã thành công trong việc cứu thoát các trẻ em Việt Nam.  Chúng ta hãy công bằng với những người đã can đảm thi hành nhiệm vụ của họ trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn bằng cách tôn trọng và trả lại sự thực cho lịch sử.

Kính chào Bà.

Phan Quang Tuệ

Pages: 1 2

6 Phản hồi cho “Thư gửi bà Betty Tisdale”

  1. bichle says:

    Nếu tôi nhớ không lầm là lúc đó có luật cấm đưa trẻ mồ côi trên mười tuổi ra nước ngoài . Bác si Đán nhấn mạnh điều nầy và có thể nói thêm rằng những người trẻ nầy sẻ được dùng vào nghĩa vụ quân sự ( khi đũ tuổi ) , đó là ly do chính mà Bác Sĩ Đán muốn nói lên .

    Chinh Phũ VNCH , trong hoàn cãnh dầu sôi lữa bong vẫn giữ chế độ quân dịch ở 18 tuổi như mọi người đều biết và thấy ( tôi không nhớ nếu có hạ tuổi xuống 17 vào những năm thang cuối cùng ? ) . Chuyện nhỏ vì người nghe không hiểu hết ý mà thôi , chắc chắn là không có chuyện bôi nhọ chúng ta

  2. Quoc Trung says:

    K/g Ô/B Nguyen Dung,
    Ô/B nói đúng, “chuyện này đã đi vào quá khứ rồi…” tôi đồng ý phần này. Nhưng vấn đề ở đây không phải là của tranh cãi hồ đồ. Vấn đề ở đây là trả lại sự thật và danh dự không phải riêng cho thân phụ của Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, không phải chỉ trả lại sự thật cho BS Phan Quang Đán, nhưng trả lại sự thật cho một chế độ đã bị khai tử một cách oan khiên.

    Tôi không biết ở vào thời điểm gần 30/4/1975 thì Ô/B đang ở đâu, nhưng nếu đang ở bất kỳ một tỉnh lỵ nào ở Miền Nam vào lúc bấy giờ người ta cũng phải ngậm ngùi chứng kiến cảnh rất nhiều binh sĩ quân lực VNCH vứt bỏ cả quân trang quân dụng trên đường xuôi Nam.

    Một câu hỏi cần được đặt ra là: ngay cả những binh sĩ thật sự của QL VNCH cũng không được xử dụng hết để phản công VC vào lúc đó thì có lí do gì chính phủ VNCH, qua BS Phan Quang Đán, lại muốn giữ những trẻ em lên mười ở lại để “giúp đánh trận”?

    Cũng xin nói thêm ở đây là tôi đã đọc được rất nhiều bài phóng sự / bài viết về bà Betty Tisdale, tôi, cũng như Ô/B, đã cảm phục sự hy sinh và lòng bác ái của bà và gia đình bà để cưu mang giúp đỡ những nạn nhân tội nghiệp nhất của cuộc chiến.

    Tuy nhiên không vì lý do đó mà chúng ta im lặng trước những tuyên bố thiếu công tâm của bà Betty.

    Tôi chưa hề đọc thấy, nghe thấy, chứng kiến, nghe kể về bất cứ trường hợp nào về việc chính phủ VNCH xử dụng trẻ em trong chiến tranh. Ô/B có thể giúp dẫn chứng những lời bà Betty nói không? Ngay cả những người CS, được coi là những tên đồ tể, vô nhân thì tôi cũng chưa thấy trường hợp nào trẻ em lên mười bị xử dụng như binh sĩ trong trận chiến xâm lăng Miền Nam…

    Nói về một việc quan trọng như vậy không thể nào hời hợt được. Qua câu nói của bà Betty, không những BS Phan Quang Đán bị kết tội mà cả một thể chế bị kết tội, cả một dân tộc bị kết tội…

    Làm việc thiện là điều tốt và đáng kính phục. Dùng tư thế làm thiện của mình để tiếp tục phản chiến (dù cuộc chiến đã chấm dứt 35 năm rồi và Betty đã trở lại VN nhiều lần) là điều đáng trách.

    Kính Thư,
    NQTrung

  3. Lâm Vũ says:

    Lời giới thiệu: “…BS Phan Quang Đán, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Xã Hội của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà…”.

    Trích bài viết: “… thân phụ tôi, Bác-sĩ Phan Quang Đán, nay đã qua đời, giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xã Hội, trong chính phủ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm”.

  4. nuocviettoi says:

    Tôi còn nhớ hồi đó có sự giới hạn tổi tác của trẻ mồ côi được di tản. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu tuổi. Quí vị nào có liên hệ trực tiếp đến chiến dịch này xin lên tiếng để rộng đường dư luận.

  5. nguyen dung says:

    Đây là người phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ, một người có trái tim nhân hậu như vậy thì không việc gì phải dựng chuyện nói dối cả, nhưng câu chuyện đã đi vào quá khứ rồi, tranh cãi thì có lợi gì?

  6. Trần-Huỳnh says:

    Quả thật vậy;lịch-sử phải cần có những dữ-kiện và bằng chứng xác-thật,một điều nhỏ không có hay hoặc một vài chữ thừa-thiếu cũng có thể làm lệch-lạc sự kiện và mất tính trung-thực đi.Huống-hồ câu nói của PTT.Phan-quang-Đán vào lúc đó(mà,tiếc thay nay Ông đã quá -cố),giả dụ như là như thế đi,thì câu nói ấy cũng đã đi ngược lại với luật-pháp của chánh-phủ VNCH thời ấy.Nhưng,rỏ ràng khó mà tin được câu nói ấy xuất phát từ Ông Đán được.

Leave a Reply to Quoc Trung