WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vai trò của trí thức miền Bắc sau 1975 [3]

Đọc: Phần 1Phần 2

Kẻ có đầu thì không có vai trò quyết định và kẻ nắm vai trò quyết định thì lại không có đầu’
Nguyễn Văn Lục [1]

Ảnh minh họa (internet)

Ảnh minh họa (internet)

Đã có hai biến cố chính trị- như một bài thử trắc nghiệm- có thể đánh giá về vai trò trí thức miền Bắc. Đó là sự sụp đổ đồng loạt các nước XHCN ở Đông Âu năm 1989. Thứ hai là sự nổi dậy của dân chúng một số nước thuộc khối Ả Rập như trường hợp Ai Cập mà sau có tên gọi là Mùa Xuân Ả Rập.

Biến cố thứ nhất gần gũi và quan trọng hơn đối với Việt Nam.  Bởi vì cùng nằm trong khối cộng sản và có cùng thể chế độc tài như Việt Nam. Sự sụp đổ ấy như một mô hình kiểu mẫu để Việt Nam làm theo. Biến cố thứ hai cùng lắm chỉ là một kiểu mẫu gợi hứng cho phép người ta hiểu rằng, các chế độ độc tài thì đều chịu chung một số phận như thế – dù là độc tài cá nhân hay độ tài đảng trị.

Biến cố Đông Âu được coi như một cơ may vùng dậy của trí thức và người dân miền Bắc. Trong đó trọng tâm của cuộc vận động đòi hỏi chính quyền 3 điều: Bánh mì – Tự do và Dân chủ.

Cả ba mục tiêu đòi hỏi ấy đều là những đòi hỏi cần thiết cho Việt Nam.

Phần các nhà văn, trí thức miền Bắc- được coi là cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989- chỉ đòi hỏi cho văn nghệ được viết trung thực, được tư do sáng tác. Nghĩa là rập theo như lời kêu gọi của TBT Nguyễn Văn Linh viết: nhà văn phải ‘nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, và không nên ‘uốn cong ngòi bút của mình

Phải chăng đó chỉ là sự kéo dài tinh thần Nhân Văn Giai Phẩm 1954-1955?

Vẫn ăn lương nhà nước, vẫn ở trong Hội nhà văn, vẫn viết báo cho nhà nước, vẫn bị ràng buộc vào cái guồng máy truyên truyền của Đảng thì đòi hỏi như thế để làm gì?

Nhiều người tin tưởng chờ đợi hy vọng sẽ có thay đổi lớn ở Việt Nam. Nhiều chính khách ở hải ngoại chuẩn bị nghĩ đến chuyện về nước  để giúp khôi phục lại Việt Nam!!.Hy vọng hão huyền.

Nhưng ở trong nước, trước tình thế nguy cơ sụp đổ dây chuyền, cấp lãnh đạo cộng sản chỉ có những phản ứng lạc điệu và đi trái chiều với xu hướng thay đổi mang tính thời đại. Họ vẫn khẳng định tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội.

Nói đúng ra, họ vừa lo lắng, vừa trông chờ xem chỗ nào đổ vỡ, chỗ nào thành công, chỗ nào thất bại. Và cuối cùng, theo quán tính, họ tìm chỗ dựa vào người khổng lồ láng giềng Đặng Tiểu Bình. Giả dụ mà Đặng Tiểu Bình làm công việc của Gorbachev thì VN sẽ bước theo Lech Walesa của BaLan?

Và nếu tình huống như thế xảy ra thì số phận các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Trần Xuân Bách và các nhà văn, nhà trí thức như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải có một số phận may mắn hơn.

Ý kiến xé rào duy nhất là bài phúc trình của Trần Xuân Bách tháng 8-1989 yêu cầu đảng phải đổi mới đi bằng hai chân:

- chân kinh tế thị trường mở rộng và khuyến khích phát triển kinh tế.

- chân chính trị là áp dụng dân chủ rộng rãi- trong đó có việc đòi hỏi đa đảng.

Kết quả là Trần Xuân Bách bị loại trừ ra khỏi đảng.

Hoàn cảnh trí thức miền Bắc đã không đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc đúng như lời thố lộ của nhạc sĩ Tô Hải trong: Hồi Ký của một thằng hèn.[2]

Nhưng theo tôi, muốn đánh giá trung thực vai trò giới trí thức miền Bắc không thể không đề cập đến hoàn cảnh chính trị mà họ đang là nạn nhân số một.

Họ có thể làm gì trước một cơ chế đảng với bàn tay sắt máu..?

Phần viết sau đây trả lời cho câu hỏi trên.

1- Trí thức miền Bắc không có truyền thống dân chủ

Việt Nam- nhất là miền Bắc- thiếu hẳn một truyền thống dân chủ- một nếp sống dân chủ- của các nước Tây phương. Nó lại chìm đắm trong nhiều thế kỷ họa xâm lược của láng giềng phương Bắc, gánh nặng lịch sử của chế độ phong kiến và gần 100 năm chế độ thực dân!! Mà người ta gọi chung bằng cái họa da vàng.

Nếu miền Bắc có một truyền thống dân chủ như Tây Phương sau cách mạng 1978 thì số phận VN có thể không như ngày hôm nay.

Không lạ gì có sự im lặng, ẩn nhẫn chịu đựng, có thói quen ẩn nhẫn đã bị điều kiện hóa trước bạo lực.

Người dân miền Bắc chẳng những bị quốc hữu hóa về tài sản, ruộng nương, vườn tược, cơ sở sản xuất mà còn bị quốc hữu hóa tinh thần và tư tưởng nữa.

Cả miền Bắc chỉ có một tư tưởng, một mục tiêu, một kế hoạch một đường lối.

Và như F.H. Hayek trong Đường về nô lệ đã chỉ ra rằng:

Muốn cho mọi người cùng phục vụ một hệ thống các mục tiêu duy nhất, được kế hoạch của xã hội trù liệu, thì cách tốt nhất là buộc tất cả cùng phải tin tưởng vào các mục tiêu đó… Và nếu trong các nước toàn trị người dân không cảm thấy họ bị áp bức như là những người sống trong các nước tự do tư tưởng thì chủ yếu là vì chính phủ các nước này đã khá thành công trong việc buộc người dân suy nghĩ theo hướng chính quyền muốn”.[3]

Cho nên không lạ gì, chủ nghĩa xã hội tỏ áp đặt được một cách hoàn chỉnh và thành công ở miền Bắc hơn miền Nam vì có khác biệt về cá tính vùng-Ít lắm là ở miền Nam đã có cái ưu thế 21 năm tập tành dân chủ theo các xã hội Tây Phương.

Việc Lê Duẩn áp đặt một cách máy móc khuôn hình XHCN miền Bắc lên miền Nam đã gặp nhiều sức cản và tỏ ra thất bại ở nhiều mặt.

Sau này họ đã phải nhìn nhận sự thất bại ấy và mới có hiện tường xé rào, Đổi mới!!

Cho nên phải hiểu rằng, trí thức miền bắc- trong 21 năm sau 1954 sống dưới chế độ cộng sản- họ có muốn lên tiếng ý kiến cũng không được mà muốn phản đối cũng không dễ.

Tình cảnh đó nó trái ngược hoàn toàn với đường lối lãnh đạo của các nước phương Tây- mà một phần ở miền Nam- vai trò trí thức như một thứ Thinhking Départment, có thể chi phối những quyết định quan trọng của chính phủ. Ở miền Nam, giới trí thức được tôn trọng và được nhìn nhận. Tiếng nói của họ có trọng lượng.

Chúng ta chỉ cần dở xem các tờ Sáng Tạo, Bách Khoa và nhất là các tờ Đất Nước, Hành Trình và Trình Bầy vá các sinh hoạt văn học nói chung để xem họ viết gì là đủ rõ.

Bên cạnh đó còn có sức mạnh của dư luận, sức mạnh truyền thông báo chí- một quyền lực thứ tư- mà ngày nay có xu hướng lấn lướt các quyền lực khác.

Chẳng hạn, trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, tại miền Nam, một phần không nhỏ có những quyết định xoay chiều đổi hướng là do ảnh hưởng bởi những bài báo của David Haberstam, Malcom. Brown, Neil Sheehan vv. Cộng thêm sự phá rối của nhóm trí thức thiên tả- thành phần thứ ba- ở miền Nam.

Những nhà báo này đã ảnh hưởng tới những quyết định của chính quyền Mỹ và tạo ra một hậu thuẫn cả dư luận công chúng Mỹ đứng sau họ.

Chúng ta không thể nào đo lường được hết sức mạnh trước dư luận của những người như Malcom Brown khi ông ta tuyên bố như một bào chữa: ‘We were doing nothing more nor less than our jobs as newsmen”[4]. Chúng tôi không làm gì nhiều hơn hay ít hơn công việc của một phóng viên nhà báo.

Cho nên khi tìm hiểu về vai trò của trí thức miền Bắc, tôi bắt buộc phải trình bày cho rõ cái cơ chế tổ chức cộng sản và hỏi xem đã có bao giờ người trí thức miền Bắc làm nổi cái công việc đơn giản là thông tin và nói sự thật?

Và phải chăng họ cũng xứng đáng nhận những lời miệt thị của ba phụ nữ nhà văn văn miền Bắc tiêu biểu: Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Từ Huy. Họ không đề cập tới đám trí thức nói chung mà họ gọi chung giống đàn ông đều hèn-!!

Chỉ làm công việc thông tin một cách bình thường thôi như các nhà báo phương Tây- Nhiều người trong số họ cũng không đủ năng lực và bản lãnh để làm.

Hai nguyên tắc vừa nêu trên là then chốt về quyền lực mềm của người làm báo, của người trí thức xem ra vượt khỏi tầm tay của giới trí thức miền Bắc!!

Họ không có cơ hội nói sự thật.

Cho đến bây giờ, nhiều sự thật do báo chí đưa ra là một thứ sự thật bị lừa đảo, bị cắt xén, bóp méo rồi. (Vérité frauduleuse). Họ hơn ai hết biết rõ mà vẫn phải ngậm miệng.

2- Cái cơ chế cộng sản như bộ máy nghiền.

Vì thế, phần ba của bài viết này, tôi đưa ra một nhận định chua chát về trí thức miền Bắc dưới chế độ cộng sản là: Kẻ có cái đầu thì lại không có vai trò quyết định và kẻ nắm vai trò quyết định thì lại không có cái đầu.

Lê Duẩn, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu là những kẻ nắm vận mệnh miền Nam một thời đều không có đầu hay cái đầu nằm trong một guồng máy. Những người lãnh đạo sau đó còn đem lại một chút hy vọng thay đổi như Nguyễn Văn Linh và ngay cả Võ Văn Kiệt một phần cũng chịu bó tay trước guồng máy Đảng.

Họ cũng một phần là nạn nhân của chính guồng máy đó..

Một guồng máy có sức mạnh vô hình có khả năng nghiền nát ngay cả những người có trách nhiệm điều khiển cái cơ chế ấy!!

Những chữ về sau này người ta quen dùng để chỉ cái phong cách dám ra ngoài đường lối của ông Võ Văn Kiệt là hai chữ Xé Rào.. Võ Văn Kiệt-Xé Rào..cho thấy sức mạnh của guồng máy thế nào. Chữ xé rào nghe như một phong cách dám làm, dám đổi mới thật ra Xé rào chỉ là quay trở về với cái cũ, cái mà trước đây họ đã phủ nhận. Quay về cái cũ là để cho thị trường tự do cung cầu quyết định giá cả, tiền lương với sự tự điều chỉnh hợp với quy luật cung cầu trong các xã hội dân sự bình thường.

Để có thể xé rào, hẳn là ông Võ Văn Kiệt chịu nghe các cố vấn kinh tế gốc miền Nam trong nhóm Chiều Thứ Sáu, vượt cơ chế, vượt guồng máy?

Tuy nhiên xé rào của ông Kiệt cũng chưa đi tới đâu. Xé rào chỉ là đục một lỗ chó chui qua được để tạm thời sống còn và rào vẫn là rào, vẫn là vật cản, vẫn y như cũ.

Chính ra là phải Phá rào mới đúng..

Nhưng ít ra cho thấy, nếu một lãnh đạo biết nghe trí thức thì đất nước cũng khá lên một bậc. Chẳng hạn như biết nghe Lê Đăng Doanh, cố vấn ba đời các thủ tướng, biết nghe Lý Quang Diệu, biết nghe Nguyễn Xuân Oánh, biết nghe Trần Quang Cơ, biết nghe Nguyễn Cơ Thạch, biết nghe Nguyên Ngọc và nhiều cố vấn, chuyên viên đến giúp Việt Nam!!

Tiếc thay, tất cả bọn họ đã nằm trong một cái rọ. Và những con cua trong cái rọ đó, con nào tính ngóc đầu vượt rọ thì có ngay con khác bám vào càng để rồi  kéo xuống, để rồi cuối cùng không một con nào có cơ may ra khỏi rọ.

Đó là sự phản ánh trung thực hoàn cảnh trí thức miền Bắc. Một hoàn cảnh mà Liu Xiabo- giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010, viết về giới trí thức Trung Hoa cũng là gián tiếp nói về hoàn cảnh Việt Nam:

Thực tế mà nói ở bên Tàu, mọi người đều có cai đảm dẫm dạp lên đạo đức luân lý bất kể đến liêm sỉ. Nhưng người ta lại không tìm được bất cứ người Tàu nào có cái can đảm dẫm đạp lên thực tế mà biết hổ thẹn’.[5]

Nói một cách bình dân, người Tàu sống một cuộc sống vô đạo đức.

Họ nằm trong một tổ chức, một guồng máy với nhiều thang bậc từ trên xuống dưới theo hình Kim tự tháp. Những quyết định từ trên xuống là nguyên tắc chỉ đạo xuống đến cấp thừa hành đều phải đi qua nhiều công đoạn. Lệnh từ trên xuống đến cấp thừa hành đôi khi chỉ còn giá trị như những khẩu lệnh. Dưới tùy tiện mà làm.

Sự tuân thủ những khẩu lệnh như thế thường máy móc, không liên quan đến riêng ai (Impersonel) và mặt khác nó giải trừ cá nhân ra khỏi trách nhiệm. Cho dù cá nhân có làm đi chăng thì tập thể vẫn trách nhiệm.

Cho nên mỗi cá nhân trong cái guồng máy ấy ráng làm sao để càng ít trách nhiệm càng tốt- đôi khi đẩy qua đẩy lại- tránh né- quẹo ngang quẹo dọc, miễn sao cho an toàn, cho yên thân mình là được.

Cũng vì thế, nhiều khi biết sai trái, không ai dám có ý kiến. Họ phạm bất cứ sai trái nào, ngay cả hủ hóa thì tội vẫn được bạch hóa. Họ viện dẫn tư tưởng Hồ Chí Minh hay Mao. Bác Hồ nói thế này, Bác Hồ nói thế kia để bịt miệng kẻ khác hay bất cứ cái gì khác để biện minh, để cho rằng mình nắm được sự thật.

Liu Xiao cũng từng nhận định như sau:

Nó là một hệ thống những điều dối tra chống lại sự thật, nó là sự tập hợp những khẩu lệnh rỗng tuếch, những nhiệt tình mù quáng và những điều dối trá của ý thức hệ được trích dẫn bằng những câu nói của Mao Trạch Đông mà người ta tin rằng ở đó người ta tin chắc rằng họ nắm được sự thật.[6]

Từ chỗ đó không tội có thể thành tội và có tội có thể xóa trắng như sẽ minh chứng trong trưởng hợp ông Võ Văn Kiệt-Dương Văn Ba sau này.

Khi sai trái xảy ra, truy lùng ra được ai là người trách nhiệm là khó lắm, là ngõ cụt. Nhiều khi nó ngưng ở đâu đó, gẫy khúc, vì đụng vào một thẩm quyền cao hơn và dừng tại đó mà không bao giờ có câu trả lời.

Nói khác đi, mâu thuẫn biện chứng là nó vừa là một quyền hành tối cao vô cùng mạnh- nhưng mặt yếu của nó một lúc nào đó cho thấy cuối cùng là một vô trách nhiệm tập thể.

Cái bi kịch và mối lo ngại lớn lao nhất của thứ cơ chế chuyên chính vô sản là vận mệnh đất nước này nắm trong tay những kẻ ít học nhất trong số đó phần đông kẻ lãnh đạo chỉ vừa qua bậc tiểu học. Trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.[7]

Sở dĩ có trường hợp Nguyễn Tấn Dũng- một kẻ ít học không có cái đầu lại điều khiển cả một đất nước 90 triệu dân vì chế độ cộng sản dựa trên lý thuyết huyết thống của Mao Trạch Đông. (Théorie du sang). Theo đó những kẻ phản cách mạng phải bị trừng phạt mà ngay cả con cháu của chúng nữa theo nguyên tắc: Cha anh hùng, con hư hỏng trở về; cha phản cách mạng, con đồ ma cạo (À père héros, fils prodigue; à père réac, fils salaud”. Khẩu hiệu này bằng tiếng Tầu là Laozi yingxiong, er hao han, laozi fandong, er hudan).

Con của những cựu lãnh đạo Đảng- dù có cùi hủi gì- dù vô học- theo huyết thống, rồi chúng cũng leo lân nắm đầu thiên hạ.

Thuyết huyết thống này hiện đang còn được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam..

Bắt một người bất đồng chính kiến thì cả nhà người ấy cũng là đối tượng của tội phạm và bị liên lụy từ cha mẹ, vợ con đến cả anh em .

Trong khi đó ngược lại, con của các lãnh đạo thế hệ thứ ba như Nguyễn Tấn Dũng rồi cũng leo lên cưỡi đầu thiên hạ.[8]

Cả 90 triệu người dân  Việt Nam- bất kể giỏi dốt- đều cúi đầu trước quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Tấn Dũng- bằng bất cứ cách nào- một y tá nông thôn- lại có khả năng  lãnh đạo nước!! Ông không có cái đầu nhưng lại nắm quyền quyết định.

Mất nước sau này là vì những người như Nguyễn Tấn Dũng nếu giới trí thức không có can đảm lãnh trách nhiệm.

Một lãnh đạo như thế là một nỗi nhục cho cả nước- Nhục ở trong nước và nhục khi ra giao tiếp với nước ngoài!!

Và một tổ chức điều hành như thế  được gọi là nó mang tính nhà nước- với nhiều bí mật, nhiều thủ đoạn, nhiều đánh phá nhau trong nội bộ đến thanh toán nếu cần mà không cách chi nắm bắt được.

Kể sao cho hết những cuộc thanh toán, thanh trừng nội bộ! Nay đã đến lúc xin các nhà trí thức miền Bắc tiết lộ ra cho hết mọi cuộc thanh trừng này đi!! Mong lắm thay.. Ai trù dập Võ Nguyên Giáp, Ai giết tướng Nguyễn Bình, Ai định thay thế, ám toán Hồ Chí Minh, Ai giết tướng này, tướng nọ?10 nỗi đau của Hồ Chí Minh đã nói đủ chưa? Toàn là những chuyện thâm cung bí sử mà sau này ai là người có trách nhiệm khui ra hết, nếu không phải là trí thức miền Bắc!!

A- Nhà báo Huy Đức- người tiết lộ về những sự việc trong bộ máy nghiền đó

Ông Huy Đức cũng như quý ông Hoàng Tùng, Hoàng Dũng (Cán bộ VPTU) và một vài vị khác được coi như những người mở đường, tiết lộ nhiều sự việc trong nội bộ đảng cộng sản khi ông dành một chương để viết về cặp Nguyễn Văn Linh-Võ Văn Kiệt. Chỉ rất tiếc là ông quá khéo, quá luồn lách với một tựa đề quá khôn khéo, khéo đến không thể khéo hơn được!

Xin đưa ra hai trường hợp:  Trường hợp Võ Văn Kiệt- Nguyễn Văn Linh và trường hợp cô Hồ thị Minh- Võ Văn Kiệt.

Vụ đối đầu giữa Võ Văn Kiệt- Nguyễn Văn Linh được nhà báo Huy Đức lái sang, gọi là khoảng cách.

  •  Khoảng cách Linh-Kiệt!

Trời đất quỷ thần. Chơi nhau sát ván mà ông gọi là khoảng cách!! Sinh sau đẻ muộn như ông không biết học trường nào mà có thể dùng những ngữ từ vô thưởng vô phạt khéo đến như thế!! Công nhận có một phần nhỏ giữa họ là khác nhau về tính tình, cách đào tạo.. Nhưng lý do chính là một ông xuất thân từ ngoài Bắc, một ông dân ruộng miền Nam. Người dân giả khi biết chuyện này thì sẽ gọi đây là vụ thanh toán nhau, hạ phe cánh của nhau- trong đó có người đã phải tự tử chết- nhiều người đi tù giữa phe cánh Võ Văn kiệt và Nguyễn Văn Linh, hay giữa phe cánh miền Bắc chơi miền Nam.

Sau đó ông Huy Đức đã đưa ra vụ án Cimexcol- hay vụ Dương Văn Ba vào tháng 12-1987 làm bằng chứng. Ông một lần nữa làm giảm nhẹ tính chất vụ án mà trước đó Nguyễn Văn Linh gọi là một vụ án lớn, rất nghiêm trọng. Ông Huy Đức viết tựa đề một cách nhẹ nhàng:

*Hai tính cách: Vụ án Cimexcol gây sứt mẻ không ít tình cảm giữa ông Kiệt, các đồng đội cũ ở miền Tây.

Đây không phải là vấn đề sứt mẻ tình cảm. Đây là một vụ án được dàn dựng mà cái khung pháp lý không vững, bằng chứng biển thủ không có, bằng chứng tội phạm kinh tế không đủ và sau đó là một vu khống chính trị, coi nhóm Dương Văn Ba đang làm ăn bên Lào là địa bàn cho hoạt động của nhóm Hoàng Cơ Minh..

Nếu đúng như lời tố cáo thì tội ở đây nếu có là tội tử hình.. tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Nếu nhận xét một cách trí thức thì đây là một vụ án mà tính chất là tranh chấp có tính cách lừa dối và vu không không bằng cớ. (Conflit mensonger et frauduleux)

Nói một cách bình dân là họ chơi nhau sát ván giữa hai phe. Tôi cũng đã có dịp viết về vụ này. Tôi cũng nắm dược đủ tài liệu.[9]

Dương Văn Ba bị kết án tù Chung Thân, còn đồng bọn đều là cán bộ lãnh đạo thì tùy trường hợp gia giảm tội phạm.

Riêng trường hợp ông Lê Văn Bình, tức ông Năm Hạnh chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm nên được hưởng một năm tù án treo.

Dương Văn Ba- thủ phạm chính- dân biểu đối lập VNCH bị tù chung thân không dám lên tiếng dù một lần, hoàn toàn im lặng.

Trong khi đó, ông Lê Văn Bình chỉ bị án treo thì quyết tâm theo đuổi vụ án trong suốt 10 năm trời., ông tố cáo trực tiếp những người tiến hành vụ án- gián tiếp cả Nguyễn Văn Linh-, kết án chánh án không hề đọc hồ sơ vụ án..cuối cùng vẫn không đi đến đâu cả.

Mặc dầu vụ án được kháng cáo kéo dài như thế, nhưng điều chắc chắn là thủ phạm chính là Dương Văn Ba đã không biết qua cửa ngõ nào đã được thả ra rất sớm. Tôi không thể xác định được thời gian ra tù. Vì trong cuốn sách của Hồ Ngọc Nhuận viết  về vụ án, dầy hơn 400 trang, cái khâu quan trọng nhất là bị can bị án tù chung thân bằng cách nào ra khỏi tù. Hồ Ngọc Nhuận không hề nhắc tới.

Chẳng những thế, Dương Văn Ba còn được xuất ngoại sang Canada, đến Toronto thăm con và nay nghiễm nhiên trở thành tỉ phú tiếp tục khai thác gỗ bên Lào.

Ôi cái Công lý XHCN!!

*Câu chuyện thứ hai giữa Hồ Thị Minh- một người con gái họ Phan-và Võ Văn Kiệt. Sự thật nằm ở chỗ nào?

Một câu chuyện tình là một câu chuyện tình, ngay cả đó là trường hợp ngoại tình đi nữa cũng không có gì là quan trọng đáng kể lại.

Nhưng theo ông Huy Đức thì có một cô gái tên Hồ Thị Minh- trẻ đẹp- văn hóa cao-biết ngoại ngữ. Xứ Ủy có ý định đưa Minh ra miền Bắc giúp việc Bác Hồ.[10]

Chữ giúp việc này nó hàm hồ lắm, đặt để người ta vào sự hiểu lầm, hiểu bậy. Một cô gái hơn 20 tuổi, lặn lội ra chiến khu để giúp việc cho một ông già 60 tuổi là thứ công việc gì- Việc văn phòng hay việc chăn gối?

Nhưng chẳng may cô gái gặp Võ Văn Kiệt lúc ấy mới khoảng 26 tuổi, rồi phải lòng nhau và dính thai.. Khi biết sự tình, Văn phòng Trung Ương đã kín đáo bố trí cho bà Hồ Thị Minh sinh con.

Cháu tên gì?, tại sao cần bố trí cho cô Minh sinh con?

Trên đây là câu chuyện kể mang tính mờ hồ, huyền thoại của nhà báo Huy Đức.

Tôi không đủ bằng chứng để so sánh câu chuyện sau đây cũng do một cán bộ cao cấp, làm việc tại văn phòng ông Nguyễn Văn Linh viết lại. Câu chuyện do ông Hoàng Dũng viết:

Cụ Hồ có một biệt cảm với với những người phụ nữ miền Nam. Biết thế nên Bộ Chính trị đã chỉ đạo cho Trung Ương cục miền Nam, mà lúc này Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương cục, phải kín đáo tìm kiếm trong số những cán bộ du kích miền Nam một vài cô còn trẻ đẹp, để đưa ra miền Bắc phục vụ cụ Hồ và các vị trong Bộ Chính trị. Thời điểm đó thì Võ Văn Kiệt đang là Ủy viên Trung ương cục được cụ Nguyễn Văn Linh tin tưởng tuyệt đối giao cho trực tiếp phụ trách nhiệm vụ đặc biệt này. Trong số vài cô gái tuyển lựa được lúc đó đang chuẩn bị bố trí bí mật đưa ra miền Bắc, có một cô còn trẻ và rất sắc sảo họ Phan. Giữa lúc đó thì tình hình chiến sự đang diễn ra khá ác liệt nên không thể đưa các cô đi ngay được và rồi không hiểu thế nào mà ông Kiệt lại quan hệ dan díu với chính cô gái họ Phan kia. Đến khi sự việc vỡ lỡ thì cô gái đã cấn thai được mấy tháng rồi. Thế là cô ta phải ở lại và cái bào thai đó chính là vị Tổng Giám Đốc Tracodi Phan Thanh Nam sau này.[11]

Vì không có đủ điều kiệm để kiểm chứng độ xác thực tài liệu của ông Hoàng Dũng, người viết đưa ra đây và mong ai có thể xác nhận tính cách chính xác của tài liệu hay không? Nếu tài liệu xác thực thì như thế, ông Võ Văn Kiệt đã ăn nằm với hai cô gái trẻ có mục đích đưa ra để phục vụ Bác?

Tội ông Võ Văn Kiệt dám phải đi tù chung thân vì tội chơi tranh gái với Bác.

Sự việc ngày nay hiểu ra thì rất đơn giản và là bình thường.

Nó chỉ trở thành phức tạp chỉ vì tính cách che dấu của Đảng.

Bác Hồ là người lãnh đạo Đảng. Bác có quy chế riêng từ ăn uống đến sinh hoạt và cả mục chơi gái nữa. Được biết ở Hà Nội, chính phủ phải dành vài sào ruộng để cấy riêng gạo tám thơm cho bác và các vị lãnh đạo cao cấp dùng.

Vì thế, danh từ Hộ lý chỉ có miền Bắc.

Chơi gái là một trong những nhu cầu mà Trung Ương Đảng có bổn phận phải nghiêm chỉnh thi hành, cung cấp đủ gái vừa trẻ vừa đẹp để phục vụ cụ Hồ và các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị.

B- Hậu quả của bộ máy nghiền của Đảng

Khi cần, khi đổ bể, khi không tìm ra ai là thủ phạm, người ta bắt buộc tìm những con dê tế thần. Dương Văn Ba trong vụ Cimexcol là một con dê tế thần với cái án 20 năm chung thân khổ sai. Nhưng chỉ ít lâu sau, có thể người của ông Võ Văn Kiệt vào nhà tù bốc Dương Văn Ba mà không qua bất cứ thủ tục xét xử nào..

Ông Nguyễn văn Linh tự mình thay thế pháp luật thì ông Võ Văn Kiệt cũng không hơn gì.

Ông Linh sai trái khi dẫm chân cả lên pháp luật dẫn đưa đến hậu quả là hai cái chết: ông Trang Thanh Khả đã mổ bụng, lôi ruột gan ra để minh oan cho sự vô tội của mình. ‘Lấy cái chết đau thương thảm khốc của mình để cảnh tỉnh  những người lãnh đạo, nhưng vẫn không đưa lại kết quả”.[12] Cái chết thứ hai của ông Lâm Thành Sự chết đuối ở Laksao bên Lào không rõ nguyên nhân.

Trong một buổi họp Ban Bí Thư Trung Ương Đảng ngày 29-30-5-1989, ông Nguyễn Văn Linh muốn kết thúc vụ án qua một thông báo của Ban Bí Thư dài 5 trang, trong đó tóm tắt như sau:

Đánh giá kết quả xét xử vụ án là ‘dân chủ, công khai, đạt yêu cầu..” ‘ xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Đồng thời có yêu cầu làm rõ cái chết của đồng chí Trang Thanh Khả ở Minh Hải tự sát do nguyên nhân gì?, Làm rõ cái chết của anh Lâm Thành Sự!![13]

Qua vụ án, người ta đã tự chế ra một vài nhân sự hy sinh như những con dê tế thần.

Một tỉ dụ rõ nét nhất là một cây cầu gẫy, hàng năm trời cũng không biết ai trách nhiệm, để lâu trở thành hòa cả làng.

Triết lý hòa cả làng, để lâu cứt trâu hóa bùn là một trong những triết lý lạ lùng nhất của người cộng sản

Đất nước điều hành như thế với hằng trăm hằng ngàn sai phạm cho đến nay vẫn chưa tìm ra nổi một thủ phạm nào.

Người ta bảo tại nó thiếu một khung pháp lý. Nhưng pháp lý- thanh tra nào chui vào được cái mê hồn trận ấy được!! Thanh tra rồi lại cần thanh cái thanh tra và cứ thế mãi!! Nó bất chấp dư luận, bất chấp phải trái và phần đông cái số dân còn lại ấy trở thành nạn nhân của họ.

Đó là cái đa số thầm lặng mà tôi gọi là đa số tự làm hạ thấp mình.(Une majorité infériosité).[14] Tôi đã dùng những ngữ từ của Alain Peyrefitte mà ông dùng để ám chỉ nước Pháp để đem áp dụng vào trường hợp Việt Nam cũng thấy đúng.

Thay vào đó để che dấu sự thật là cái giả dối, cái bịp bợm trở thành cái khôn ngoan chính trị. Kẻ khôn ngoan chính trị biết nắm lấy cơ hội mà không để cơ hội dấn chìm.  Sống còn là sinh mạng chính trị của người ấy.

Ở trong một guồng máy sơ cứng như thế, mọi tiếng nói đều trở thành vô vọng!! Chỗ nào, cơ hội nào cho những cái đầu ngửng lên và cất tiếng? Chỗ nào cho người trí thức phản biện, phản kháng?

Phần cái đa số tự làm hạ thấp mình, chúng không ngồi yên đâu. Chúng nhịn chỗ này, chúng cúi đầu trước bạo lực quyền lực, trước cái dùi cui, trước nhà tù. nhưng chúng lại nhô lên ở chỗ khác.

Kẻ dân giả tìm cách tự giải toả (défoulement) những ấm ức bực bội trước guồng máy đè nén con người bằng thứ ngôn ngữ cuồng vọng- chửi bới- bằng nhậu nhẹt say sưa- bằng chửi bới đánh dập vợ con- ngay cả bằng cách lái xe bạt mạng lạng-ép-chèn- lấn lướt người khác..

Chúng không dám đụng đến chính quyền. Nhưng chúng phô diễn, ra oai quyền lực, bằng lời nói, bằng thái độ ngang ngược ở những nơi mà chúng biết là an toàn.

Tính chất ăn nhậu ăn ngày ăn đêm ở Việt Nam là một giải thoát tâm lý giống người Nga có khuynh hướng say sưa uống Voka, người Pháp lái xe ẩu, người Ý, người Tầu nói ba hoa xích thố.

Chỉ cần quan sát đường phố với cảnh xe cộ đi như những đợt sóng trào như những người say rượu, cảnh ăn nhậu ăn to nói lớn ở các thành phố, cảnh chửi bới đâm chém nhau, cảnh xô bồ đủ loại ở Việt Nam.

Ở những nơi đó, nó thể hiện cái sự bất mãn của đám đông mà tôi gọi chung là nổi điên tập thể. (Folie collective).

Phần những người trí thức, họ tìm lối thoát trong ngòi bút- thông lộ giải tỏa cũng có, lối thoát tinh thần cũng có – cất lên tiếng nói phản kháng cũng có.

Phải chăng đó là những vai trò của họ?

(Còn tiếp)


[1] Trong bài trước, tác giả có trích dẫn hai câu thơ của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô Đại cáo, vì nhớ thuộc lòng nên có viết sai.. Độc giả Trầm Luân trên Danchim viet đã nhận ra sai sót đó và nhắc nhở. Xem lại thì quả là có nhớ sai.. Nay đọc lại xin ghi nhận  lỗi lầm ấy và hai câu  của Nguyễn Trãi như sau : Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường đạo. Trần Trong Kim, Việt Nam sử lược, phần i,  trang 243, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản 1971 Một lần nữa, cin cám ơn độc giả Trầm Luân đã chỉ giáo cho chỗ sai lầm..

[2]  Tô Hải, Hồi ký một thằng hèn, tủ sách Tiếng Quê Hương

[3] F.A.Hayek, Đường về nô lệ, Pham5 Nguyên Trường, trang  265

[4]  Lời tuyên bố của Malcom Brown ngày 11.6. 1963 để trả lời cho những dư luận cho rằng ông đi theo phe Ấn Quang, bôi nhọ bà Ngô Đình Nhu  và chế độ đệ nhất cộng hòa.

[5] Liu Xiaobo, La philosophie du porc,  trang 33, nxb Gallimard

[6] Liu Xiaobo, Ibid, trang 136

[7] Theo Hoàng Dũng Cán bộ VPTU, trong bài Những bí ẩn về tân Thủ Tướng Việt Nam có cho hay ‘ Theo lời cụ Nguyễn Văn Linh thì trong thời gian tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư liên khu ủy Khu IV khoảng từ năm 1948 đến 1950 đã có quan hệ với một cán bộ phong trào ở đây và sinh ra Nguyễn Tấn Dũng, và cụ còn cho biết là sau Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn một người em trai nữa cũng là con của tướng Thanh.Dũng chỉ là một cán bộ tầm trung bình, không có chuyên môn nghiệp vụ, trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo cơ bản chính quy,, Dũng cho thấy là một người năng lực kém. Phát biểu thường lúng túng, tối nghĩa, cụt lủn. Nhiều lần tham dự những buổi họp do Ba Dũng chủ trì, tôi thấy ông ta không dám phát biểu gì, chỉ ngồi nghe các cơ quan cấp dưới phát biểu sau đó ông ta cũng chẳng dám có ý kiến, kết luận gì cả.. Phải có người mớm cho từng văn bản, từng câu chữ. Hà Nội ngày 9 tháng 19 năm 2006

[8] Thế hệ thứ nhất là Hồ Chí Minh- Võ Nguyên Giáp- Phạm Văn Đồng. Thế hệ thứ hai là Lê Duẩn, Nguyễn Van Linh- Võ Văn Kiệt. Thế hệ thứ ba là tập đoàn của Nguyễn Tấn Dũng.

[9] Hồ Ngọc Nhuận, Chuyện một vụ án, in photopy, dày 432 trang

[10] Huy Đức Bên Thắng Cuộc, II- Quyền Bính trang, 116.

[11] Hoàng Dũng, Những bí ẩn về tan thủ tướng Việt Nam, Hoàng Dũng, Cán bộ VPTU, Hà Nội ngày 9 tháng 10 năm 2006

[12] Hồ Ngọc Nhuận,  Ibid, trang 38 Trang Thanh Khả đang nằm bệnh viện, đêm đó Khả tự sát bằng dao cạo râu, loại dao của thợ hớt tóc. Sau này người ta d963 cái chết của Trang Thanh Khả do Dương Văn Ba ám toán. Sau 18 tháng điều tra  kết luận rõ ràng không phải Dương Văn Ba.

[13] Hồ Ngọc Nhuận, Chuyện Một vụ án…trang10-11. Cánh Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba là rất thân thiết với nhau trước 1975, nối kết với Dương Văn Minh và sau 1975, ‘bỏ Dương Văn Minh” chạy theo chủ mới là Võ Văn Kiệt.. Họ thường tụ họp ở Thủ Đức để đánh Tennis và ăn uống, bàn bạc như bạn bè. Ông Võ Văn Kiệt nhiều năm đi kháng chiến, nhưng sau 1975, bạn bè  thân thiết của ông không hẳn là những người đồng chí đã cùng nhau vào sinh ra tử như Nguyễn Van Linh mà là cánh lực lượng thành phần thứ ba như đám Ngô Công Đức, Dương Văn Ba. Việc thành lập công ty Cimexcol đã hẳn có sự nâng đỡ ngầm của ông Võ Văn Kiệt..Vì thê, Dương Văn Ba, -dầu gì cũng là thứ sản phẩm của miền Nam đã được đề bạt làm Phó chủ tịch công ty..mà thực sự mọi giao địch cũng như điều hành đều nằm trong tay của Dương Văn Ba cả. Dương Văn Ba là một tay ăn nói giỏi, có tài thuyết phục và cực kỳ lanh lợi và mánh lới. Công ty của Dương Văn Ba  thâu nạp rất nhiều bạn bè cũ- ngay cả lớp sĩ quan ngụy trẻ đi học tập về- làm việc có hiệu quả, thành công, vốn liếng lên cả trên 10 triệu đô la với nhiều cách thức làm ăn khác, như nhập cảng xe cũ về VN, chuyển tiền, hối đoái, giao dịch với bên ngoài.. Dương Văn Ba giỏi đút xén, hủ hóa nhiều cán bộ cấp tỉnh, bề ngoài tác phong lãng tử, chơi bời, ăn nhậu , gái đủ kiểu.

Cái nỗi khốn khổ của Dương Văn Ba là đã có một Võ Văn Kiệt nay lại có thêm một Nguyễn Văn Linh mà con người thì không thể làm tôi hai Chúa một lúc được. Được Chúa này thì mất Chúa kia.

Sau giai đoạn đi tù và ra khỏi tù bằng cổng chính thì Dương Văn Ba lại tiếp tục làm ăn bên Lào vì kinh nhiệm sẵn có, vốn quen biết giới lãnh đạo Lào.

Nay thì anh làm ăn một mình, không dính dáng với guồng máy chính quyền cộng sản nữa. một kinh nghiệm tởn đến già, mặc dầu những ngày đi tù ngắn hạn cũng chỉ là giai đoạn đi nghỉ mát mà thôi.

Dương Văn Ba, một giáo sư triết trung học trước 1975- bình thường như mọi giáo chức khác- chỉ nhờ thời nhố nhăng chính trị, ra tranh cử vào dân biểu Hạ Nghị Viện, ,mang nhãn đối lập, tự nhiên đi phe cánh với nhóm Dương Văn Minh. Cái công của nhóm này đã trao quyền hành cho nhóm người xâm nhập miền Bắc mà không tốn một giọt máu. Một người bình thường trong xã hội  miền Nam trước 1975 lại trở thành con người tiêu biểu của XHCN mà trong tay vốn liếng trên 10 triệu Đô la với 2000 nhân công ở Minh Hải và Bên lào-. Xin ngả mũ chào Dương Văn Ba.

[14] Alain Peyrefitte, Le Mal  Francais,. Tóm lược chương Des strucures sociales malades : Une societe à irresponsabilité illimitée. Từ trang 271 Nxb Plon

© Nguyễn Văn Lục

© Đàn Chim Việt

 

6 Phản hồi cho “Vai trò của trí thức miền Bắc sau 1975 [3]”

  1. Nguyễn Thế Viên says:

    Tôi cũng có vài người quen bị bắt trong vụ Dương Văn Ba. Theo tôi đây chỉ là một kiểu “sĩ phu Bắc Hà” thời vua Quang Trung và Hậu Lê, nhưng đảo ngược là “trí thức Miền Nam”. Nguyễn Hữu Chỉnh và một số sỹ phu Bắc Hà do bất mãn Chuá Trịnh đã theo phò Vua Quang Trung nhưng vẫn không được vua mới hoàn toàn tin tưởng. Một số trí thức miền Nam theo CSBV xâm lăng (dù dưới nhãn hiệu bù nhìn MTGPMN) cũng không được bọn chúng tin dung hoàn toàn mà chỉ được lợi dung mà thôi. Trong bối cảnh phá sản kinh tế cuả VN lúc đó, nhờ có chút it kinh nghiệm thu thập được ở miền Nam tự do, một số trí thức (trong đó có nhóm Dương Văn Ba) được sử dung để chưã cháy. Sau khi tình hình KT tương đối tốt thì những kẻ nổi quá sẽ bị thanh trừng, kẻ nào ngoan ngoãn hơn, thức thời hơn thì sẽ được êm thắm về vườn (NXO, LVH….). Không kể sự ghen tức cuả các trí thức XHCN ròng, bọn CSBV không bao giờ tin tưởng người dân Miền Nam nói chung, kể cả trí thức và một số ít theo chúng hay bọn theo đóm ăn tàn sau này. Bọn chúng chỉ có lợi dung và cai trị họ. Đừng có mơ mộng hão là có sự cộng tác cuả chúng với những người đã có thời hiểu biết thế nào là tự do thời VNCH! Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đơòi CS thương dân Nam chúng mình!
    Ngoài ra CS chủ trương tất cả đều lien quan đến chính trị. Không có vấn đề tự do sang tác, tự do tư tưởng… và tự do “khỉ khô” gì dưới chế độ CS!
    Nguyễn Thế Viên

  2. Nguyễn Thế Viên says:

    Từ xưa tới nay, đa số các nhân vật “tạo nên được cơ đồ” không phải là trí thức, nhưng họ đã sử dung trí thức. Điều này cho tôi cảm tưởng là, về phương diện chính trị, trí thức chỉ giỏi làm thầy dùi hơn là con người hành động. Hiểu biết cao cũng khiến họ đắn đo mà CS cho là không có lập trường. Họ thường cúc cung phục vụ kẻ cầm quyền để được hưởng ưu đãi. Nếu bất mãn với nhà cầm quyền thì hoặc là không cộng tác và rút về lãnh vực chuyên môn (trong chế độ tương đối tự do), hoặc là nhẫn nhục để còn hưởng chút bổng (trong chế độ kiểu CS) vì nếu chỉ hé lộ bất mãn thì đã bị đày đoạ dù có là công thần đi nưã. Cũng không phải là không có những trí thức “uy vũ bất năng khuất” nhưng thật là hiếm.
    Tự do là nhu cầu cuả mọi người,không chỉ dành cho trí thức. Tuy nhiên, với kiến thức hơn người, trí thức phải là từng lớp hướng dẫn XH tiến tới một nền tự do trong kỷ cương, trật tự hầu tránh tình trạng hỗn loan nhưng cũng không dẫn đưa đến độc đoán. Có như thế trí thức mới xứng đáng được tôn trọng.
    Nguyễn Thế Viên

  3. Việt Tiến says:

    Ông Nguyễn Văn Lục nên coi lại cách làm việc của mình. Tôi thấy ông vấp phải hầu hết những gì ông phê phán người khác. Tôi tóm tắt như vậy, còn ông muốn chứng minh thì tôi sẽ chứng minh.

  4. Hồ Bác Cụ says:

    “Nếu miền Bắc có một truyền thống dân chủ như Tây Phương sau cách mạng 1978 thì số phận VN có thể không như ngày hôm nay.”. Tôi nghĩ tác giả viết nhầm cách mạng năm 1789 thành ra 1978.

    Hồ chí minh rất thích món “Vú sữa miền Nam” do các chị em cán bộ Hộ Lí dâng tặng. Nhìn bức hình Hồ chí minh cười híp mắt, tay thì làm cái núm của trái vú sữa miền Nam, lột rõ vẻ dâm dục của boác Hù.

    Trí thức miền Bắc, xin lỗi, đa phần là HÈN. Đã thế, lại còn có tính sĩ diện hão, che dấu sự thật. Cả ngàn người, chỉ có ông Tô Hải là dám khí khái nhận mình là “Thằng Hèn”, còn lại thì im miệng ăn tiền, để con cháu được huởng bổng lộc do đảng phát cho. Võ Nguyên Giáp là Đại Hèn sợ Sáu Búa Lê Đức Thọ như sợ cọp, chỉ vì sợ con cái đi du học bị đuổi về.

    Nước VN ta không đủ dũng khí để nổi lên cùng lúc với Đông Âu lật đổ chế độ CS, phần lớn cũng là do “công lao” của bậc trí thức VN vậy!!!!

  5. Lu Quá Sắc says:

    Những bài viết đăng gần đây của tác giả Nguyễn Văn Lục có những phân tích, nhận xét thật quá đúng.
    Đậm đặc xin cám ơn tác giả về “nhiều chuyện bây giờ mới nói”.

  6. ĐẠI NGÀN says:

    XÃ HỘI VÀ TRÍ THỨC

    Thời quân chủ nước ta, nhà Nho hay trí thức được coi là trói gà không chặt. Nhưng vua và triều đình chỉ chi phối quyền hành trung ương, xã hội bên dưới vẫn cứ thoải mái sống, không lệ thuộc gì nhà vua hay triều đình cả. Có nghĩa xã hội không hề được tổ chức chặt chẽ, lệ làng và quyền tư hữu vẫn không bị ai xâm phạm. Cho nên thực trạng các ông đồ, ông nghè đời sống luôn độc lập, ý thức luôn độc lập, tư tưởng càng độc lập, tinh thần vẫn độc lập. Thế nên mới có được Những Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương v.v… Cho dầu có thể có cảnh con cò lặn lội bờ sông của những người vợ lo cho chồng khi còn hàn vi, chưa xuất chính, hay khi đã thành xử sĩ trong những trường hợp rũ áo từ quan, cáo quan về vườn làm cư sĩ.
    Thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ, người Pháp cũng chỉ nắm chính quyền bảo hộ trung ương, không làm thay đổi gì quá đáng đối với xã hội cố hữu từ ngàn xưa của nước ta. Bởi vậy Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu vẫn giữ được khí tiết của kẻ sĩ, vẫn độc lập tự do lo cho việc nước theo chí riêng của mình. Thời xã hội miền Nam cũ, cũng giống như thế, tức không hề được tổ chức thành những đoàn thể toàn diện, không có đảng chính trị nào khống chế toàn bộ xã hội, xã hội dân sự vẫn được tồn tại và phát triển như khách quan của nó. Bởi vậy văn chương nghệ thuật hay văn hóa nói chung đều được phát huy một cách đa dạng, có nhiều giá trị phong phú để lại cho đời sau. Điều này cũng không khác thời Pháp thuộc, văn hóa VN nói chung cũng phát triển tốt, nên mới có những nhà văn hóa lớn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Ngô Tất Tố v.v… nhất là âm nhạc và văn chương không hề bị xác xơ khô héo gì trong thời kỳ Pháp thuộc mà vẫn ngược lại.
    Nhưng từ khi cuộc cách mạng vô sản xảy ra từ năm 1945 thì tình hình xã hội hoàn toàn đổi khác. Tất cả chỉ có một đảng chính trị duy nhất lãnh đạo. Và sự lãnh đạo đó hoàn toàn toàn diện kể từ Luận Cương Văn hóa của Trường Chinh ra đời. Đó là sự lãnh đạo theo công thức toàn diện của cuộc cách mạng vô sản Nga năm 1917 do Lênin lãnh đạo được đưa vào Việt Nam. Tức từ kinh tế đến văn hóa đều theo kế hoạch chung như kiểu Liên Xô. Đặc biệt nhất là toàn bộ xã hội được tổ chức đồng bộ, chặt chẽ và toàn diện, không để có một chỗ trống hay một khe hở nào. Đó là lý do không thể còn người trí thức độc lập nào, mà tất cả đều phải suy nghĩ cùng cách, nói theo cùng cách và làm theo cùng cách từ trên xuống dưới và tất cả mọi mặt. Đây cũng là cơ sở cho việc thực hiện cải cách ruộng đất nổi đỉnh nổi đám trong suốt bao năm mà không thể ai nói tiếng nói khác. Đó cũng là kết quả của vụ Nhân Văn giai phẩm nổi tiếng của miền Bắc mà cho tới nay cũng chưa rõ động cơ đàn áp dã man đó là do động cơ, động lực hay các cá nhân nào là chủ yếu nhất.
    Cho nên nói cho cùng, xã hội nào bóp chặt trí thức thì cũng có nghĩa xã hội đó bóp chặt con người, bóp chặt xã hội nói chung. Điều đó thật sự chỉ có lợi cho cá nhân các nhóm cầm quyền, của một đảng phái cầm quyền mà chỉ làm thiệt hại chung cho mọi con người và cho toàn xã hội. Bởi vì người trí thức trói gà không chặt thì còn làm thế nào chống lại bạo lực, chống lại đàn áp, nhất là thoát ra khỏi được một xã hội được tổ chức toàn diện và chặt chẽ về tất cả mọi mặt. Tính chất phi văn hóa, phi nhân bản của mọi xã hội được tổ chức toàn diện và chặt chẽ là như thế đó. Bởi nó nắm cả đến dạ dày và đầu óc nhận thức của con người. Khi dạ dày không còn tự mình chủ động nữa thì đầu óc cũng chỉ có thể thành mụ mẫm hay thành nô lệ. Chính con người và xã hội con người tự làm hại nhau như thế, nên rõ ràng dầu nó có nhân danh gì, lấy lý do gì thì kết quả tất yếu nói chung vẫn chỉ đều tệ hại, chỉ vinh danh hay lợi lộc cho cá nhân, cho số it, mà thực chất là gây thiệt hại cho những con người lương thiện, xã hội lương thiện và cả chính loài người lương thiện. Xã hội loài người là một xã hội sinh học có văn hóa, không phải là xã hội được tổ chức thành hệ mạng chặt chẽ. Kiểu làm ăn theo lối tập thể tầm thường trong lịch sử loài người, được hiểu như quyền hành chi phối quả thật chỉ có người Nga là tiêu biểu nhất. Có lẽ đó là sự thành công của thể chế chính trị Lênin nhưng cuối cùng nó cũng là nguồn gốc cho mọi sự thất bại của thể chế chính trị theo kiểu Lênin. Bởi vì xã hội loài người hơn xã hội loai vật là văn hóa, văn minh, trí tuệ, không phải ở sự tổ chức. Bởi vì nếu ở tổ thì thật ra nó lại trở thành thua xã hội loài vật, vì xã hội loài vật lại thành có tự do hơn. Đó có lẽ cũng là giá trị trí thức và giá trị tự do ở xã hội loài người, vì hai điều này luôn đi đôi với nhau và cũng đồng thời là đỉnh cao của giá trị loài người.

    ĐỈNH NGÀN
    (21/3/14)

Leave a Reply to Nguyễn Thế Viên