Anna Karénine: Tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng của Léon Tolstoi [1]
Phần 2: Anna Karénine: Tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng của Léon Tolstoi [2]
Đây là cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai của Léon Tolstoi, gọi theo lối Pháp là Anna Karénine, kiểu Anh là Anna Karenina viết từ 1873 tới 1877, truyện một bà phu nhân nhan sắc tuyệt trần thất vọng vì tình yêu đã gieo mình trên đường rầy xe lửa tự vẫn. Cùng với Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine đã đưa Tolstoi lên tột đỉnh danh vọng trên văn đàn thế giới. Truyện tình lãng mạn dầy khoảng 900 trang này thể hiện những luận đề xã hội thế kỷ thứ 19 như ngoại tình, xã hội giả dối, hôn nhân, hạnh phúc …. Vấn đề ngoại tình, hôn nhân, tinh thần bảo thủ.. hoặc những luận đề xã hội của tác phẩm đối với xã hội ngày nay không có gì mới lạ nhưng cho tới nay, Anna Karenina đã xuất bản trên 130 năm, vẫn được coi là tác phẩm nhiều người đọc, vẫn được tái bản và lưu hành khắp nơi trên thế giới. Truyện đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, riêng tiếng Anh có 9 bản dịch từ 1901 tới năm 2008: Bản dịch năm 1901 của Constance Garnett, năm 1918 của Louise and Maude, năm 1954 của Rosemary Edmonds, năm 1960 của Joel Carmichael, năm 1961 của David Magarshack, năm 1978 của Margaret Wettlin, năm 1886 của Nathan Haskell Dole, năm 2000 của Richard Pevear và Larissa, năm 2008 của Kyril Zinovieff. Chiến Tranh Và Hoà Bình và Anna Karénine được coi là hai cuốn best seller trên thế giới.
Anna Karénine vẫn được được nhiều người đọc và được nhắc tới vì giá trị hiện thực nghệ thuật của tác phẩm rất cao, Tolstoi đã làm sống lại xã hội Nga thế kỷ thứ 19 bằng một bức hoạ toàn cảnh chân thực. Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình đều coi Anna Karenina như một tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.
“Được nhiều người nhìn nhận đã đạt tới tột đỉnh của tiểu thuyết hiện thực “
(Widely regarded as a pinnacle in realist fiction –Wikipedia)
Hoặc
“Với Anna Karénine , Tolstoi đã đạt tới đỉnh cao tuyệt vời của nghệ thuật sáng tác “
(Avec Anna Karénine, Tolstoi atteint le comble de la perfection créative-Vladimir Nabokov- Fr. Wikipedia.org.)
“Cuốn tiểu thuyết đã được cả thế giới công nhận như một kiệt tác của văn chương hiện thực”
(Le roman est mondialement considéré comme un chef-d’oeuvre de la litérature realist – Fr. Wikipedia.org).
Để nghiên cứu tác phẩm, chúng tôi xử dụng bản dịch tiếng Anh của Constance Garnett nhà xuất bản SpellBinders có đối chiến với bản dịch của Joel Carmichael, nhà xuất bản Batam Books , xin chia làm 7 phần như sau: Sự hình thành, sơ lược ; Tình yêu và hôn nhân; Luận đề xã hội; Khía cạnh đạo đức; Khía cạnh văn chương; Điện ảnh; Kết luận.
1- Sự hình thành. Trong hồi ký của Sonya, vợ Tolstoy có ghi lại chuyện một bà tên Anna bì tình nhân ruồng bỏ để lấy một cô trẻ hơn, bà ta đã lao đầu vào xe lửa tự tử trên đường rầy tại nhà ga Lassenki. Anna ở gần sát gia trang Tolstoy và có quen biết gia đình ông. Tác giả đã chứng kiến thể xác tan nát của nạn nhân khi có mặt trong lúc khám nghiệm tử thi, rất xúc động ông nói sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về sự sa đoạ của các bà mệnh phu nhân, giới quí tộc tại kinh thành Petersburg. Trong tác phẩm ông chỉ kể chuyện cuộc đời người đàn bà sa ngã nhưng không kết án nàng
(He told me that he wanted to write a novel about the fall of the society woman in the highest Petersburg circles, and the task he set himself was to tell the story of the woman and her fall without condemning her – Morris Philipson, The Count Who Wished He Were A Peasant, A Life of Leo Tolstoy, trang 79).
Tolstoi bắt đầu viết năm 1873, ông bỏ một thời gian sau viết lại, ông cho đăng làm nhiều kỳ trên tờ đặc san Rousky Vestnik (Le courier russe, Người thông tín viên Nga). Tolstoy đụng chạm với chủ bút Mikhail Katkov về nội dung trong kỳ đăng cuối cùng vì thế tác phẩm đã xuất hiện toàn bộ đầy đủ lần đầu dưới hình thức sách. Mới đầu lấy tên truyện là Hai cuộc hôn nhân, hai cặp vợ chồng (Deux marriages, deux couples) sau đổi thành Anna Karénine.
Nhân vật chính Anna Karénine được gợi hứng một phần từ Maria Hartung (1832-1919) trưởng nữ của thi hào Alexander Pushkin, Tolstoy găp cô trong một bữa tiệc, sau đó Tolstoi đọc văn của Pushkin và lấy được một số các tính để xây dựng nhân vật của mình.
Levin, một nhân vật của truyện cũng thể hiện phần nào con người của Tolstoi, tư tưởng, niềm tin của ông, theo ý kiến W. Gareth Jones, Levin hỏi lấy Kitty cũng giống như Tolstoi đã hỏi Sonya Berrs. Nhân vật Kitty thể hiện nhiều cá tính của chính Sonya Behrs, vợ ông, ngoài ra trước khi làm đám cưới Levin trong truyện đã đưa nhật ký của mình cho Kitty đọc để thấy những khuyết điểm của chàng không còn trong sạch, đã ăn chơi sa đoạ…cũng như Tolstoi đã đưa cho Sonya đọc nhật ký của ông. Trong truyện đoạn tả về đám cưới Levin với Kitty, chú rể Levin tới nhà thờ trễ quá chính là chuyện có thật trong đám cưới của Tolstoi mà ông đã đem vào tác phẩm. Cặp vợ chồng Levin – Kitty cũng thể hiện một phần gia đình Tolstoi. Theo D.S Mirky nhân vật Levin diễn tả cuộc đời tác giả trong truyện
(Levin is clearly the autobiographical character of the novel – A History of Russian literature, trang 80)
Levin thể hiện những quan niệm rất gần Tolstoy, chàng muốn đem khoa học kỹ thuật Tây phương mới vào canh tác nông nghiệp, tinh thần bảo thủ xã hội, tìm hiểu quan hệ vợ chồng Levin gần giống Tolstoy, chuyện Levin tán tỉnh và lấy Kitty chính là chuyện giữa Tolstoy và Sonya.
Truyện tình, hôn nhân của Levin Kitty, sinh con trai đầu lòng, đời sống vợ chồng của hai người về nhiều phương diện chính là chuyện gia đình hạnh phúc của Tolsoti những năm mới lấy nhau. Quan điểm của Levin trong tác phẩm cũng giống như quan điểm của tác giả cùng về một vấn đề.
(The whole story of Kitty and Levin – courtship, marriage, the birth of the their first child, and their family existence- is in many respects the story of Tolstoy’s early years of happy married life – Ernest J. Simmons, Introduction to Tolstoy’s writing , page 85, 86)
Đã trên ba mươi năm trôi qua, cuốn tiểu thuyết tình vĩ đại của Tolstoy không bị coi là lỗi thời, chìm vào quên lãng mà vẫn đưộc ca tụng nồng nhiệt khắp nơi.
“Cuốn tiểu thuyết này hiện vẫn được nhiều người ưa chuộng như đã được chứng tỏ qua cuộc thăm dò 125 tác giả hiện đại do J.Peder Zane thực hiện. Năm 2007 thăm dò này đã được in trong cuốn The Top Ten, Mười Tác Phẩm Hay Nhất cho thấy Anna Karénine nay vẫn là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất”.
(The novel is currently enjoying popularity as demonstrated by a recent poll of 125 contemporary authors by J. Peder Zane, published in 2007 in The Top Ten, which declared that Anna Karenina is the “greatest novel ever written”. ( wikipedia)
Sơ lược truyện.
“Truyện có năm nhân vật chính: Anna, người vợ, Karénine, người chồng, công chức cao cấp của chính phủ Nga Hoàng, Vronsky, bá tước, người yêu của Anna. Levin điền chủ, người yêu và chồng của Kitty. Tác phẩm gồm hai truyện tình Anna-Vronsky và Levin-Kitty.
Levin điền chủ tính tình nhà quê, chăm chỉ làm ăn, canh tác, chăn nuôi ở miền quê. Levin đầu yêu Dolly, sau Dolly lấy Stepan, bạn chàng, sau đó lại yêu cô em thứ hai Natalie, cô này lấy một nhà ngoại giao, bây giờ chàng yêu cô út Kitty. Mẹ kitty nhắm Vronsky, chàng sĩ quan hào hoa, bảnh bao, giầu có đang theo đuổi tán tỉnh nàng nhưng cha nàng lại cảm tình với Levin vì thấy chàng chân thật. Levin lên Mạc tư Khoa lại nhà Kitty trò truyện rồi ngỏ lời cầu hôn nhưng bị nàng từ chối, hôm ấy chàng cũng gặp Vronsky, tình địch của mình. Kitty mê chàng sĩ quan hào hoa này và hy vọng ở chàng vì hắn dòng quí tộc có tương lai hơn , Levin tương lai mù mờ. Trớ trêu thay, Vronsky đẹp mã nhưng tính lãng mạn trai lơ, chỉ tán tỉnh nàng cho vui chứ không muốn lấy.
Ít ngày sau, Vronsky ra ga xe lửa đón mẹ, nữ bá tước Countess Vronsky. Chàng gặp bạn Stepan đi đón em gái Anna từ Petersburg tới, thế là chàng ta ngẩn ngơ mê mẩn trước sắc đẹp chim sa cá lặn của Anna rồi quyết theo đuổi đến cùng. Tối hôm sau trong buổi dạ tiệc Vronsky khiêu vũ với Anna khiến Kitty ghen tuông đau khổ.
Vronsky mê mẩn Anna, theo nàng tới Petersburg quyết chinh phục trái tim người đẹp, trong một buổi tiệc tại nhà Betsy, Anna ngồi tâm tình với Vronsky khiến cho Karénine, chồng nàng khó chịu đã phiền trách nàng khi về nhà. Chẳng bao lâu Anna sa ngã và tay Vronsky.
Kitty đau khổ thất tình bị Vronsky bỏ theo Anna, nàng phát bệnh phải đi ngoại quốc nghỉ mát phục hồi sức khoẻ. Levin trở về quê, đau khổ bị Kitty từ chối từ từ trở lại cuộc sống bình thường, bạn chàng Stepan cho biết Kitty em vợ đi ngoại quốc chữa bệnh khiến Levin lại càng nhục nhã hơn, Levin bị Kitty từ chối mà chính nàng lại bị Vronsky bỏ rơi để chạy theo người đẹp Anna. Trong tỉnh người ta đều biết chuyện Vronsky gian díu với Anna, họ ghen tỵ với hai người trước đây bây giờ được dịp nói xấu cả hai.
Karénine ở Petersburg, vợ ở biệt thự mùa hè tại Peterhof, một tỉnh khác cũng gần đấy, ông lạnh lùng với vợ, mặc cho nàng gian díu với người yêu, mỗi tuần đến thăm vợ, đưa tiền cho nàng xài. Hôm đua ngựa Vronsky đến biệt thự mùa hè gặp Anna, nàng cho biết đã có bầu, Vronsky khuyên nàng bỏ chồng theo chàng. Anna không muốn bỏ nhà vì rất thương yêu đứa con trai độc nhất lên 8 tuổi.
Anna khóc thảm thương khi thấy Vronsky ngã ngựa trong cuộc đua. Trên đường về nhà, Karénine trách nàng không giữ ý tứ có nhiều cử chỉ khó coi trước mặt quan khách, Anna tức giận nói huỵch toẹt ra “Tôi ỵêu Vronsky, chàng là người yêu của tôi, tôi ghét mình, mình muốn làm gì tôi thì làm”
Karénine về nhà suy nghĩ, ông không còn nghĩ tới vợ con, cho là mình sai lầm lấy một con đàn bà hư hỏng, ông không nghĩ tới việc đấu súng với Vronnky vì nhát sợ chết, không muốn li dị hoặc ly thân vì sợ tai tiếng xấu, ông giữ Anna ở lại để che mắt thiên hạ. Karénine cấm Anna không được gian díu với Vronsky, tạo cơ hội cho nàng trở lại con đường ngay, Karénine thư cho vợ nói Bề trên đã kết hợp không thể chia lìa, khuyên Anna quên quá khứ…
Kitty thất tình bị Vronsky bỏ theo Anna, theo lời khuyên bác sĩ nàng theo gia đình đi nghỉ mát bên Đức, cô giao thiệp với một thế giới mới, thế giới tinh thần, thay đổi tâm linh, giúp đỡ những người ốm đau . Kitty về nước bình thản quên chuyện cu,õ nàng về ở với chị Dolly tại miền quê gần chỗ Levin. Stepan cho vợ con về quê ở để tiết kiệm vì nay gia đình thiếu hụt. Dolly nhắn Levin lại chơi để nối lại mối duyên cũ của chàng với cô em Kitty nhung chàng cự tuyệt vì cay đắng nhục nhã, chàng đã bị Kitty khước từ trước đây.
Anna không còn sống giả dối nữa, nay nàng thấy thanh thản, mọi sự đã sáng tỏ rõ ràng nhưng cũng xầu hổ với bọn gia nhân đầy tớ trong nhà, nàng nghĩ tới con trai không thể xa lìa nó được. Gia nhân mang thư của Karénine tới muốn nàng trở lại con đường ngay, Anna nghĩ ông ta theo Thiên chúa giáo, sùng đạo, đại lượng nhưng Anna nghĩ ông đã nghiền nát cuộc đời nàng tám năm qua, làm tan nát nguồn sống của nàng. Anna đau khổ nếu cứ phải làm người vợ tội lỗi mãi.
Vronsky xài tiền hoang phí, nợ nần nhiều, vì gian díu với Anna đã bỏ lỡ sự nghiệp thăng quan tiến chức , từ ngày gian díu Anna Vronsky nhụt chí trong công danh , bạn chàng có người đã lên Tướng trong khi chàng vẫn chỉ là đại uý quèn. Vrosnky bảo Anna bỏ chồng theo mình, nàng khóc lóc không muốn bỏ đứa con trai. Karénine muốn hai người vẫn là vợ chồng như cũ, nàng nói không thể được , tôi không thể là vợ mình được nữa, Karénine không muốn cho Anna gặp Vronsky gây tai tiếng cho mình.
Karénine mong mọi chuyện sẽ qua, không bị mất danh dự , nay tình trạng cả ba: người chồng, người vợ, người yêu đều tồi tệ khó xử. Vronsky lên đại tá, nhận được thư Anna lại thăm nàng gặp Karénine trong nhà đi ra. Anna khóc lóc, Vronsky ngày càng lún sâu vào mối quan hệ, chàng nghĩ hạnh phúc trước đây nay chỉ là bất hạnh. Lúc trở về nhà Karénine chửi mắng Anna tàn nhẫn đã không nghe lời chồng, đưa bạn trai về nhà, ông cho biết sẽ ra luật sư làm thủ tục li dị, sẽ trao con cho bà chị nuôi.
Trong một bữa tiệc tại nhà Stepan ở Mạc Tư Khoa, Dolly khuyên can Karénine tha thứ cho Anna vì nếu li dị đời nàng sẽ vào chỗ tàn mạt, Karénine nói Anna ngoan cố hư hỏng không xài được.
Cũng trong bữa tiệc này Levin gặp lại Kitty, anh chị thân thiện nhau trở lại, họ nói vẫn thương yêu nhau, Kitty bảo chàng lại nhà chơi, Levin tới thăm gia đình Kitty, cha mẹ Kitty chạy ra ôm lấy chàng , cả nhà vui nhộn.
Karénine nhận được điện tín của Anna từ Petersburg nàng nói sinh con sắp chết, xin chồng tha thứ, Karénine mới đầu không tin nhưng rồi cũng về Petersburg. Tới nơi được biết Anna đẻ con gái hôm qua, còn yếu lắm, mê sảng nói lảm nhảm tôi sắp chết, xin tha thứ cho tôi. Karénine sung sướng nghĩ là mình sẽ tha thứ cho kẻ thù và lại gần nàng khóc, Anna bò lại gần nói mình tha thứ cho em, em chỉ cần tha thứ ngoài ra không còn gì hơn. Vronsky lấy tay che mặt khóc ở gần đó, Anna gọi hắn lại gần rồi bảo Karénine gỡ tay hắn ra, Vronsky nhục nhã đau khổ, Anna bảo chồng đưa tay cho anh ấy. Bác sĩ nói Anna mê sảng triền miên, nửa đêm bất tỉnh tưởng sắp chết…
Karénine thú thực với Vronsky, kể cho chàng nghe mình đã định li dị để trừng phạt hai người, nay Karenine ân hận và tha thứ hết. Vronsky cảm phục Karénine, nghĩ mình không thể đại lượng như ông ta, chàng thấy mình hèn, về nhà bắn vào ngực tự vẫn nhưng không chết, bà chị dâu kêu bác sĩ tới săn sóc chàng. Stepan tới chơi nói chuyện với Anna em gái, anh bảo Anna sai lầm lấy một người hơn hai mươi tuổi, hôn nhân không tình yêu nên đã đưa tới hậu quả này.
Stepan đề nghị Karénine li dị trả tự do cho nàng, ông ta không chịu vì vấn đề thể diện và vì lòng sùng đạo, không muốn làm nhục vợ, ông không muốn đẩy Anna vào chỗ lụn bại, li dị sẽ tàn hại đời nàng.
Vronsky bình phục lại thăm Anna, chàng được bổ đi Tashkend nhưng từ chối rồi xin giải ngũ, một tháng sau Vronky cùng Anna và con gái mới sinh đi ngoại quốc nghỉ ngơi. Họ cùng nhau du lịch mấy tháng tại Âu châu, thăm La Mã, Venice, Naples…rồi đến ở một tỉnh nhỏ. Anna không muốn lợi dụng chồng, nàng đau khổ, mất con, mất danh dự, biết ơn Vronsky, chàng hy sinh sự nghiệp cho nàng. Vronsky không hoàn toàn hạnh phúc, chàng chỉ thực hiện được một phần nhỏ hạnh phúc mình mong đợi, nay chàng lại muốn tự do.
Levin Kity làm đám cưới rồi về quê sinh sống, họ đi thăm người anh Levin đang hấp hối, sau ba ngày đau đớn anh đã trút hơi thở cuối cùng.
Karénine đau khổ khi Anna bỏ nhà ra đi, ông bị mất danh dự, làm trò cười cho thiên hạ, Karénine tan nát ruột gan . Hồi còn nhỏ Karénine mồ côi do ông bác nuôi dưỡng , lớn lên tốt nghiêp đại học, thành công với chức vụ, sau làm tổng đốc một tỉnh nọ, lấy Anna, cô này là cháu một bà nhà giầu trong tỉnh , Karénine hơn nàng hai chục tuổi.
Nay người bạn thân, nữ bá tước Lidia đến làm quản gia cho ông, trông nom cậu con trai. Anna thư cho Lidia xin đượïc gặp con nhưng bà ta đề nghị Karénine từ chối vì đã nói với cậu bé mẹ cậu đã chết.
Anna và Vronsky trở lại Petersburg ở khách sạn sang trọng, Vronsky coi nàng như vợ chính thức bất kể dư luận xã hội nhưng thực tế xã hội vẫn đóng cửa với Anna, bà chị dâu không dám nhìn nàng. Anna lén về nhà thăm copn trai Seryozha nhân ngày sinh nhật của cậu, nàng vẫn yêu thương nó hơn đứa con gái mới sinh.
Trở lại khách sạn, Anna chợt nghĩ Vronsky phai nhạt tình yêu với nàng vì chàng đi đã hai ngày chưa về. Nàng đi coi hát với một bà cô, Vronsky can gián nàng không nên xuất hiện ngoài xã hội vì như thế tự nhận mình hư hỏng trước mặt mọi người nhưng Anna không đếm xỉa tới, nay Vronsky không còn xúc động vì cái đẹp của nàng, chàng không còn trọng nàng như trước. Đúng như Vronsky nghĩ, tại rạp hát Anna bị một bà sỉ nhục, bà chửi Anna là người đàn bà hư hỏng khi chồng bà nói chuyện với Anna.
Dolly, các con, bà cụ nghỉ hè tại nhà Levin Kitty, bà cụ nói thật là hên cho Kitty, bất hạnh cho Anna vì nếu nàng lấy Vronsky thì đời nàng đã vào thảm cảnh. Con gái của Vronsky và Anna vẫn lấy tên họ Karénine vì Vronsky không phải là chồng chính thức của Anna. Nhân hôm Dolly lại thăm Anna tại gia trang của Vronsky thấy họ rất giầu có sang trọng, Vronsky tâm sự với bà ta rằng con gái của chàng sẽ mang tên Karénine theo luật pháp cũng như luật giáo hội vì chàng và Anna không kết hôn chính thức , chàng còn có con cái và sẽ có con trai, trên phương diện chính thức nó sẽ là con Karénine và sẽ không được thừa kế tài sản của chàng, Vronsky cần có người thừa kế.
Vronsky nhờ Dolly thuyết phục Anna xin Karénine ly dị để chàng xin Nga Hoàng cho hợp thức hoá tình trạng hôn nhân của hai người. Dolly thuyết phục Anna nhưng nàng không muốn li dị, sống trong cảnh giầu sang nhưng nàng đau khổ, nhớ con tủi nhục. Vronsky nay thấy mình bị mất tự do, muốn thoát ra khỏi lưới tình của Anna, chàng quản lý tài sản tốt, làm bệnh viện, mua máy móc, bán gỗ, lúa, len…
Vronsky đi tham dự một cuộc bầu cử trong tỉnh năm ngày chưa về, Anna thấy chàng như hững hờ, lạnh lùng với mình, nàng gửi thư cho Karénine xin li dị, nàng sốt ruột đọc sách, không yêu đứa con gái bằng con trai hiện xa cách nàng.
Stepan đưa Levin lại thăm Anna, chàng ta xao xuyến trước sắc đẹp mê hồn của Anna, nàng thông minh, đẹp, thẳng tính ra chiều mê hoặc quyến rũ chàng, nàng tự hào đã khiến nhiều chàng mê mệt. Về nhà kể lại cho Kitty nghe chuyện lại thăm Anna, Kitty khóc lóc trách chàng bị người đàn bà xấu ấy mê hoặc .
Karénine từ chối li dị, Vronsky và Anna ở Moscow không về lại miền quê, họ không hoà thuận nhau, Anna ngày càng giận hờn Vronsky cho rằng chàng hờ hững hết yêu mình. Vronsky bắt đầu chán ngán cuộc sống vợ chồng với nàng, cho rằng mình đã mang nợ vào thân , Anna chỉ muốn Vronsky yêu nàng nồng nàn như xưa. Nàng thấy nay tình đã phai nhạt chắc là Vronsky đã yêu người khác, nàng đoán chừng chàng sắp lấy công nương Sorokina theo ý muốn mẹ chàng. Anna oán hận Vronsky đã đưa nàng vào hoàn cảnh bi đát này, nàng đã bỏ con trai yêu quí để theo chàng…
Hôm ấy Anna sai gia nhân đóng gói đồ đạc chuẩn bị về trang trại miền quê, Vronsky nói chàng còn về nhà mẹ lo một số giấy tờ tài chính, họ giận nhau, cãi cọ..Anna nói anh đừng phản em, em muốn tình yêu, Vronsky nói anh chịu hết nổi rồi, họ cãi nhau hồi lâu, Anna nghĩ tới tấm thân nhơ nhuốc, xấu hổ với chồng con, chỉ còn cái chết, nàng nghĩ tới cái chết. Nàng nghĩ nay chàng lạnh lùng với mình, đã yêu người khác .
Nàng nghĩ tới cái chết để trừng phạt Vronsky, chàng đã làm hỏng cuộc đời nàng, tâm trạng Anna rối bời, nàng lên xe tới nhà Dolly tâm sự cho vơi nỗi lòng, khi nàng ra về Dolly và Kitty bảo nàng vẫn đẹp nhưng đáng thương. Về nhà nhận được tín của Vronsky cho biết không thể về trước mười giờ, nàng ghen lồng lộn nghĩ rằng chàng đang nói chuyện với công nương Sorokina và mẹ, họ vui đùa trên sự đau khổ của nàng .. Anna lên xe ngựa ra nhà ga xe lửa tìm chàng , Anna tâm trạng rối bời nghĩ tình của nàng vẫn còn nồng thắm nhưng lòng Vronsky nay đã nguội lạnh .. Nàng đau khổ nghĩ đến con trai, đã đánh đổi cậu lấy tình yêu một người khác.
Anna lên xe tới trạm Obiralovka, nàng bước xuống, người đánh xe đưa thư của Vronsky nói sẽ về lúc mười giờ, Anna nghĩ mi đã làm ta đau khổ.. rồi bước xuống đường rầy nàng nhẩy hụt lần đầu , lần sau quì xuống nhẩy xuồng dưới đầu toa đang lao tới.
Vronsky đau khổ tình nguyện ra mặt trận biên giới Thở nhĩ Kỳ.
Gia đình Levin Kitty hạnh phúc với đưa con trai đầu lòng , Levin cuối cùng tin vào Thượng Đế”.
Phần 1 phim Anna Karénine
Pages: 1 2
BI KỊCH
Hẳn là dân tộc Nga hãnh diện và thỏa lòng với những tác phẩm hay (đại loại như truyện Anna Karenina) trong nền văn học của họ.
Về phần chúng ta, dân tộc Việt Nam có được tác phẩm nào ?! Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ư! Hầu như trong tác phẩm này chỉ có điều mà chúng ta đáng nói về đó là – Lời thơ, – Âm điệu ; còn cốt truyện lại là của Tàu, và nhân vật chính Vương Thúy Kiều thì chẳng qua là “Xẩm nhà thổ”.
(còn tiếp)
Hwy Tse,…