Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, cha đẻ của độc tài chuyên chế cần phải loại bỏ
Trong thời gian qua, chuyện một số ít ỏi các bloggers hay các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước có tinh thần phản kháng, tranh đấu thì dần dần bị bắt vào tù và hết cơ hội đấu tranh. Đằng sau các vụ án vừa kết thúc này chúng ta thường thấy các phản ứng của các tổ chức quốc tế, các bloggers… khi cho rằng đó là sự đàn áp thô bạo, sự chà đạp lên pháp luật của chính quyền Việt nam v.v… và vân vân… Nhưng thực tế nên hiểu thế nào cho đúng, vì việc lên án chính quyền Việt nam như nêu ở trên thì chẳng hóa ra họ đã thừa nhận ở Việt nam là một nhà nước cai trị bằng pháp luật?
Cộng thêm vừa rồi có đọc bài “Tò mò để làm gì” đăng trên trang Boxitvn của tác giả Tô Văn Trường, được biết tác giả Tô Văn Trường từng là một trong những người làm việc với ông Sáu Dân (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Lý do này khiến tôi đã chú ý có một đoạn tác giả viết rằng “Ai cũng biết là nếu chỉ thay người dù là ‘tứ trụ triều đình” mà giữ nguyên hệ thống thì rồi đâu cũng lại vào đó. Ngay cả về nhân sự, nhà nước ta vẫn tự coi là nhà nước pháp quyền, tất cả theo Hiến pháp và pháp luật. Vậy thì nếu có cá nhân nào làm sai thì cứ chiểu theo luật pháp mà xử lý tại sao lại phải đợi đến Hội nghị Trung ương? Thực ra, vẫn là cách làm cũ – nhà nước pháp quyền vẫn còn là một cái đích xa”. Đọc đoạn trích dẫ ở trên, theo ý kiến của cá nhân tôi tác giả có sự nhầm lẫn khi cho rằng “…nhà nước ta vẫn tự coi là nhà nước pháp quyền, tất cả theo Hiến pháp và pháp luật”. Vì theo Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 (sửa đổi) đã ghi rõ “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Hơn nữa hai khái niệm nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền XHCN là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cũng như khái niệm kinh tế thị trường và kinh tế thị trường XHCN vậy. Nói chung hai khái niệm có đuôi XHCN là một phiên bản quái dị nhất của đảng CSVN tự sáng tác và áp dụng ở Việt nam trong vài chục năm gần đây. Và có thể nói nó là thủ phạm gây nên biết bao nhiêu hậu quả bất cập về chính trị, kinh tế, xã hội và nhiều mặt khác của xã hội Việt nam ngày hôm nay.
Tuy ai cũng hiểu rằng trong lịch sử xã hội loài người kể từ khi hình thành nhà nước, thì giai cấp thống trị và luật pháp đồng nghĩa với nhau, luật pháp đơn giản chỉ là ý chí của giai cấp thống trị. Và khái niệm pháp quyền là bước đầu tiên để thoát khỏi chính thể chuyên chế , đặc biệt trong khái niệm này kể cả kẻ thống trị cũng phải tuân thủ luật pháp và nhà nước phải cai trị bằng các công cụ pháp luật. Khi các nền dân chủ đã đi xa hơn, thể hiện bằng việc xây dựng pháp quyền. Mặc dù bất cứ xã hội hay hệ thống chính phủ nào cũng đều có vấn đề, và thể chế dân chủ chưa phải là một thể chế chính trị hoàn thiện nhất, nhưng đến thời điểm hiện tại, lịch sử đã cho thấy thể chế dân chủ là thể chế tốt nhất. Vì ở đó pháp quyền bảo vệ các quyền chính trị, xã hội và kinh tế cơ bản cho các công dân hay các tổ chức.
Nhà nước Pháp quyền là gì?Theo định nghĩa pháp quyền là không một cá nhân hay tổ chức nào, dù là chủ tịch nước hay đảng cầm quyền đều phải bình đẳng trước và không được được đứng trên luật pháp. Trong nhà nước pháp quyền các chính phủ dân chủ thực thi quyền lực bằng luật pháp và ngay chính bản thân họ cũng phải tuân thủ những định chế của luật pháp. Điều căn bản là trong xã hội dân chủ, luật pháp phải thể hiện ý chí của nhân dân chứ không phải ý muốn của một cá nhân hay một tổ chức tự phong. Công dân ở các quốc gia có nền dân chủ sẵn sàng tuân thủ luật pháp của xã hội bởi vì họ đang tuân thủ chính những nguyên tắc và quy định của chính bản thân họ đã đồng tình. Điều đó cho thấ một hệ thống pháp lý hoàn thiện nhất khi luật pháp được xây dựng bởi chính người dân, vì họ là số đông những người trực tiếp phải tuân thủ luật pháp.
Để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, thì việc nhà nước pháp quyền phải có một hệ thống toà án độc lập và vững mạnh là điều kiện tiên quết, nghĩa là hệ thống tòa án độc lập đó phải có đầy đủ sức mạnh, quyền lực và uy tín để buộc các quan chức chính phủ, kể cả những nhà lãnh đạo cao nhất phải chịu trách nhiệm trước các quy định và luật pháp của quốc gia. Do vậy các thẩm phán trong hệ thống tòa án độc lập phải là những người có đạo đức tốt, có chuyên môn giỏi, độc lập, vô tư và không thể bị chi phối của bất kỳ thế lực chính trị hay cá nhân nào. Và một điều không thể thiếu là các thẩm phán phải trung thành với các nguyên tắc dân chủ. Bởi có như vậy thì họ mới thực hiện được vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị và pháp lý.
Nhà nước pháp quyền phải có nghĩa vụ tôn trọng giá trị nhất của con người và đảm bảo cho công dân có khả năng, điều kiện, chống lại sự tuỳ tiện của cơ quan nhà nước bằng việc lập ra các cơ chế kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp của pháp luật cũng như các hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhà nước pháp quyền phải đảm bảo cho công dân không bị đòi hỏi bởi những cái ngoài Hiến pháp, và pháp luật đã quy định. Trong hệ thống pháp luật thì Hiến phápgiữ vị trí tối cao và nó phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền tự do và quyền công dân.
Về phương diện lý luận, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Mà nhà nước pháp quyền là giá trị phổ biến, là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ của mỗi quốc gia. Trong ý nghĩa này, nhà nước pháp quyền được nhìn nhận như một cách thức tổ chức nền dân chủ, cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ. Điều này có nghĩa là nhà nước pháp quyền gắn liền với một nền dân chủ. Tuy không phải là một kiểu nhà nước được xác định theo lý luận về hình thái kinh tế – xã hội, nhưng nhà nước pháp quyền không thể xuất hiện trong một xã hội phi dân chủ.
Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa
Cụm từ Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 (sửa đổi) năm 2001. Nhưng khái niệm Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa một cách có hệ thống mang tính lý luận chính thức công bố trong bài diễn văn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của QH khóa XII vào năm 2007. Học thuyết này khác với học thuyết tam quyền phân lập vốn là nền tảng của mọi thể chế pháp trị hiện đang phổ biến của cáctrên toàn cầu. Đó là không có sự phân lập giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà chỉ có sự phân nhiệm trong nội bộ các cơ quan nhà nước để đảm nhiệm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp theo trục dọc thẳng đứng mà đảng CSVN đóng ai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội được ghi nhận tại Điều 4 của Hiến pháp 1992.
Có thể tóm lược những điểm chính của khái niệm Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa như sau:
Quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nhà nước quản lý đất nước và xã hội theo pháp luật do Quốc hội ban hành, trong đó hiến pháp và luật pháp là kết quả của sự thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng.
Thẩm quyền của Chính phủ được xác định trên cơ sở phân định những loại việc Chính phủ chủ động quyết định với những loại việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trực tiếp quyết định hoặc cho ý kiến định hướng. Cũng tương tự như vậy, để đề ra thẩm quyền của chính quyền địa phương và .và ban thường vụ đảng bộ các tỉnh, hụyện, xã (các đơn vị tương đương)
Hoạt động tư pháp, kể cả việc đào tạo, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ tư pháp, do Đảng lãnh đạo thông qua vai trò của cấp ủy và ban cán sự đảng ở các cơ quan tư pháp căn cứ quy định của Đảng.
Vì quyền lực nhà nước tập trung và không phân lập nên Quốc hội và Tòa án chỉ là hai bộ phận của hệ thống cơ quan nhà nước thống nhất, chứ không độc lập tuyệt đối như cách tổ chức chính thể ở các nước khác. Do đó toàn bộ hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp tập trung vào việc bảo đảm và củng cố vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cũng như với hoạt động quản lý hành chính từ trung ương đến địa phương, thì Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa phân định thẩm quyền cụ thể và tương ứng giữa chính quyền và các tổ chức Đảng cấp trung ương và địa phương. Như vậy, mặc nhiên đã có hai hệ thống cùng tồn tại song song để điều hành và quản lý về mặt nhà nước, đó là chính quyền và Đảng, trong đó Đảng vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp quyết định.
Vô tình pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đã đưa đảng CSVN ở vị thế không bình đẳng và được quyền đứng trên luật pháp, cũng có nghĩa là các cá nhân lãnh đạo của đảng CSVN được đặc quyền đứng trên luật pháp hay họ có một vùng cấm đối với luật pháp. Việc lãnh đạo theo Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa đã tạo ra bất cập trong cơ chế kiểm soát và điều chỉnh, vì không tuân thủ nguyên tắc của một nhà nước tam quyền phân lập. Điều này còn có thể bị coi là vi hiến, vì Điều 2 Hiến pháp cũng khẳng định nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân. Điều đó được hiểu rằng nhân dân là người làm chủ nhà nước. Nghĩa là ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nếu không độc lập nhau mà ba cơ quan đó đều được điều hành bởi một đảng duy nhất lãnh đạo, điều đó đã đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền, không thể xuất hiện trong một xã hội phi dân chủ.. Hay nói rõ hơn đó là cơ chế theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi.
Hiện nay các nhà lý luận của đảng CSVN một mặt vẫn cho rằng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt nam là một nhà nước vừa phải thể hiện được các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền đã được xác định trong lý luận và thực tiễn của một chế độ dân chủ hiện đại. Nghĩa là Kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự. Nhưng họ vẫn vớt vát hòng để duy trì sự lãnh đạo độc quyền của mình bằng lý luận “… vừa phải khẳng định được bản sắc, đặc điểm của riêng mình”. Mà theo họ, sự khác nhau cơ bản giữa nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, trong đó có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng là: Kinh tế là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính trị là chế độ dân chủ nhất nguyên và Xã hội là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tóm lại, bức tranh tình hình thực tế của xã hội Việt nam hiện nay với sự mất dân chủ trầm trọng, một nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng đang đứng bên bờ vực của sự phá sản, một xã hội rối ren suy thoái toàn diện đặc biệt là vấn đề đạo đức. Tất cả đều do sự sáng tạo kiểu ngu muội của các nhà lý luận chính trị của đảng CSVN, khi đưa ra các khái niệm không giống ai, đó là ”…phải khẳng định được bản sắc, đặc điểm của riêng mình”. Đặc điểm riêng của họ là cụm từ định hướng XHCN, mà bản chất thật là sự tư lợi cho các cá nhân của một nhóm người tự nhân danh là đội tiên phong để độc quyền lã đạo nhà nước và xã hội. Mà thực chất là để tạo điều kiện và lý do để cho đảng CSVN áp đặt cái gọi là Chuyên chính vô sản trong việc cai trị đất nước, thông qua thuật ngữ “Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa” được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước tha cho thuật ngữ “Hệ thống chuyên chính vô sản”. Như Lê nin nhấn mạnh rằng “Chuyên chính vô sản không phải là một “hình thức quản lý”, mà là một nhà nước thuộc một kiểu khác, nhà nước vô sản, một bộ máy để giai cấp vô sản, trấn áp giai cấp tư sản. Trấn áp như vậy là cần thiết, vì giai cấp tư sản sẽ luôn luôn chống lại một cách điên cuồng, khi nó bị tước đoạt”.
Qua đó để chúng ta phải hiểu rằng, nếu đảng CSVN và chính quyền của họ một khi còn bám chắc vào cái gọi là Xã hội Chủ nghĩa (kiểu Stalinnit) đã biến tướng để duy trì quyền lực độc tôn, thì không bao giờ có khái niệm nhà nước pháp quyền đúng nghĩa của nó. Nói đúng nhầt là ở chính quyền Việt nam chỉ là một nhà nước cai trị theo kiểu vô pháp luật, với những bản án bỏ túi theo chỉ đạo từ cấp cao là chuyện dễ hiểu. Trong một môi trường vô luật pháp như vậy mà trong chúng ta còn có nhiều người cứ nghĩ rằng đấu tranh công khai và bất bạo động dưới mọi hình thức thì thât là ngây thơ và nguy hiểm. Đừng bao giờ nên hy vọng vào một cuộc cách mạng màu A, B, C… nào đấy, với một lượng người xuống đường khổng lồ như ta thường thấy ở Bắc Phi, Trung Đông năm vừa qua. Vì ở nơi đó khác chúng ta ở chỗ, chỉ là một vài những cá nhân tham quyền cố vị, dùng mọi cách để tại vị để thỏa mãn cơn khát tiền bạc và quyền lực chứ không phải là một hệ thống độc tài toàn trị như ở các nước cộng sản. Nhưng dù sao những chính phủ của các nhà độc tài đó vẫn phải đặt trên nền tảng của một nền dân chủ, cái mà ở Việt nam hầu như chưa từng có. Cộng thêm với bạo lực chuyên chính với phương châm của Mao Trạch Đông là “Súng đẻ ra chính quyền”, mà bài học của sự kiện Thiên An Môn năm 1989 khi chính phủ Trung quốc tiêu diệt cuộc biểu tình bằng quân đội được trang bị bằng xe tăng còn đó. Điều mà chỉ những kẻ độc tài cộng sản dám dùng để đối xử với dân chúng.
Nếu còn tồn tại nội dung Xã hội Chủ nghĩa trong bản Hiến pháp sửa đổi, thì việc sửa đổi Hiến pháp theo chủ trương mà CSVN và chính quyền của họ đang dự kiến trong thời gian tới cũng là việc làm vô ích. Cái mà chúng ta cần là phải bằng mọi cách loại bỏ nó ra khỏi các văn bản hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trong đó các Bộ luật và các đạo luật à các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật. Đó là điều kiện tiên quyết để dặt nền móng cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền.
Song vấn đề làm thế nào để loại bỏ nội dung Xã hội Chủ nghĩa trong các văn bản pháp luật ở Việt nam thì còn là một câu hỏi của các chính trị gia đối lập chưa có câu trả lời rõ ràng.
Ngày 08 tháng 10 năm 2012
© Kami (RFA)
Điều 4 Hiến Pháp là con dao hai lưỡi: Một ngày đó nó sẽ bầm nát Đảng cộng sản….