13 ngày trước bầu cử TT Hoa Kỳ: Có nên tin những gì các chính trị gia đã nói?
“Chính trị gia nước nào cũng thế, toàn cuội thôi, chẳng bao giờ nói thật cả”, ông nhà báo gốc Tiệp tên Pavel đang làm việc cho một đài truyền hình Âu Châu bảo với chúng tôi chỉ ít giờ đồng hồ trước khi cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Dân Chủ Barack Obama và ông Cộng Hòa Mitt Romney khởi sự tại Denver.
Hôm đó cùng với một nhóm nhà báo từ nhiều nơi đổ về, cả đám kéo nhau đến một nhà hàng “kiếm cái gì lót bụng”. Quán nằm ngay khu đông đúc nhất của thành phố, chật ních người, ai nấy đều vừa ăn, vừa uống, vừa bàn bạc trong lúc chờ đợi xem 2 ứng viên đang tranh nhau chiếc chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc sẽ nói gì, sẽ hứa gì với cử tri. Kẻ bàn những điều ông Obama sẽ nói, người nhận xét những điểm ông Romney sẽ trình bày, bàn tán ồn ào tới độ anh em nhà báo chúng tôi nghĩ chỉ cần ngồi nghe chừng nửa giờ đồng hồ đã đủ tài liệu để viết cả chục bài báo, làm cả chục phóng sự.
Nhưng những điều ông đồng nghiệp Pavel bảo khi vừa ngồi xuống bàn khiến anh em chúng tôi phải phân vân vì chỉ mới vài tuần trước đó trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng (Rose Garden) của Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama bảo với mọi người “một trong những điều các nhà lãnh đạo phải nhớ là đừng dựng chuyện, phải nói sự thật, chỉ nói sự thật, luôn luôn nói sự thật”.
Ông Obama đưa ra phát biểu này để trả lời câu hỏi liên quan đến những quảng cáo tranh cử của phía ông Romney, tất cả đều mang nội dung chê bai những gì ông Obama đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, Điểm ông muốn trình bày là những quảng cáo của cánh Cộng Hòa chứa đựng toàn những chuyện bịa đặt, cho dù ông Tổng Thống Dân Chủ khéo léo kết thúc bằng câu “chẳng ai kết án ông Romney là kẻ phạm pháp” vì đã bịa chuyện nói xấu đối thủ chính trị. (Nguyên văn: “Nobody accused Mr. Romney of being a felon”)
Ông Obama nói bên ông Romney “bịa đặt”, ông Romney cũng dùng đúng từ đó để gọi đối thủ của mình. Tại một buổi vận động ở Florida, ông Romney nói rằng “trong quá khứ, mỗi khi có người nói các quảng cáo vận động kiếm phiếu không đúng với sự thật, tức khắc những quảng cáo đó bị bỏ xuống”, ý muốn nói quảng cáo tranh cử của bên ông Obama tìm cách bôi nhọ đối thủ bằng những bằng chứng không đúng sự thật, đến khi bị phê bình cũng vẫn ngoan cố không chịu bỏ đi. Điều này được ông Romney đưa ra sau khi một nhân viên thuộc hàng cao cấp của Ủy Ban Vận Động Obama nói với một số nhà báo rằng “cuộc vận động của ông Romney được xây dựng trên nền tảng nói xạo”, đồng thời còn mỉa mai bảo bên cánh Cộng Hòa, “họ xem ba xạo là một… đức tính tốt” (nguyên văn: “Republicans really think that lying is a virtue”).
Hai ông không nói thật, cử tri Hoa Kỳ đều biết.
Tháng trước, nhật báo uy tín The Washington Post và đài truyền hình ABC tổ chức cuộc thăm dò ở cấp quốc gia (chú ý nhất ở 12 tiểu bang được dự đoán có nhiều cử tri chưa quyết định sẽ ủng hộ ai), đặt câu hỏi quý vị nghĩ gì về những điều ông Obama và ông Romney đã trình bày trong những cuộc vận động trực tiếp và những quảng cáo kiếm phiếu được phổ biến khắp nơi. Kết quả: 76% cử tri ủng hộ ông Romney nói “ông Obama cố tình nói không đúng sự thật”, 75% cử tri ủng hộ ông Obama chê bai “ông Romney cố ý nói sai sự thật”. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy chỉ có 12% cử tri ủng hộ ông Romney và 12% cử tri ủng hộ ông Obama trả lời họ tin tưởng những gì 2 ông đã trình bày, gọi ứng viên họ ủng hộ là người “chân thật”.
Đừng quên đây không phải là lần đầu tiên chuyện nói… không đúng xảy ra với các ứng viên tranh cử tổng thống. Chuyện gần nhất là chuyện mới xảy ra cách đây 8 năm khi ông George W. Bush ứng cử nhiệm kỳ 2. Lúc đó, ông Bush nói rằng chính sách giảm thuế của ông đã giúp phát triển kinh tế vì dân chúng có thêm tiền tiêu, và khi người dân mua sắm nhiều thì tiền thuế chính phủ liên bang thu được thêm thuế. Ông “W” đem điều này ra làm một trong những lợi thế cho cuộc vận động tái ứng cử, nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong khi sự thật không đúng như thế: trước ngày ông giảm thuế, chính phủ liên bang thu được 2,000 tỷ tiền thuế, ba năm sau đó tổng số thuế thu được chỉ còn có 1,800 tỷ.
Nhưng không phải chỉ có ông “W” cố tình nói không đúng: đối thủ John Kerry của đảng Dân Chủ cũng cố ý nói… sai. Trong suốt thời gian đi kiếm phiếu, ông Kerry cam kết với cử tri “sẽ hủy bỏ lệnh cấm nghiên cứu tế bào mầm (stem-cell research) mà ông George W. Bush đang thi hành”. Sự thật ông “W” không hề cấm nghiên cứu tế bào mầm, ông chỉ cầm sử dụng quỹ liên bang cho các chương trình đó mà thôi.
Cũng đừng quên không chỉ 2 ứng viên Dân Chù Barack Obama hay Cộng Hòa Mitt Romney tìm cách hướng dẫn dư luận qua những lời phát biểu và những quảng cáo chính trị phổ biến trên báo chí, radio hoặc trên màn ảnh truyền hình, cả 2 ông còn có cả một đội ngũ hùng hậu những chính trị gia sẵn sàng tiếp tay để trình bày quan điểm, nhận xét mang tính một chiều, cũng với mục đích để định hướng dư luận trước ngày bầu cử.
Hình ảnh rõ rệt nhất về chuyện này là hình ảnh các nhà báo thấy được ngay sau những cuộc tranh luận giữa 2 ông “chánh” tại Denver, New York, Boca Raton thuộc tiểu bang Florida, và cuộc tranh luận giữa 2 ông “phó” tại Kentucky. Nhiều tiếng đồng hồ trước khi các cuộc tranh luận bắt đầu đã thấy người của 2 bên xuất hiện, sẵn sàng trả lời những câu hỏi báo chí đặt ra, sẵn sàng giải thích các thắc mắc cánh nhà báo đang có, và đương nhiên cũng sẵn sàng khéo léo lên tiếng chê bai đối thủ, đôi khi còn mạnh miệng đưa ra những lời phát biểu chỉ trích thẳng đối phương bằng những lời phát biểu không thể ngờ. Cuộc tranh luận vừa kết thúc, những ông bà này lại tái xuất hiện để… nói tiếp.
Xin lấy cuộc tranh luận cuối cùng mới kết thúc ở Florida tối thứ Hai làm thí dụ.
Vài giờ đồng hồ trước khi 2 ông Romney và Obama ngồi xuống bàn để bắt đầu cuộc tranh luận nói về chính sách đối ngoại, khoảng 3,000 nhà báo có mặt tại chỗ đã nhìn thấy những nhân vật nặng ký trong chính trường Hoa Kỳ xuất hiện ở Trung Tâm Báo Chí, chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain từng ra tranh cử tổng thống hồi 2008, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ John Kerry cũng từng ra tranh cử tổng thống hồi 2004, bà Dân Biểu Debbie Wasserman Schultz đang giữ vai trò Trưởng Ban Vận Động Bầu Cử cho đảng Dân Chủ ở Hạ Viện, hay Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell đang nắm khối thiểu số Thượng Viện…, đi cùng với những thành viên cao cấp của 2 ủy ban vận động tranh cử cho ông Obama và ông Romney. Cựu Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Bob Graham của Florida cũng có mặt, đứng đối diện với Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, người đang được ca ngợi là ngôi sao sáng của đảng Cộng Hòa.
Tất cả những ông bà chính trị gia, bình luận gia, phân tích gia … nổi tiếng này xuất hiện với mục đích trả lời những câu hỏi các nhà báo muốn biết, và câu trả lời của họ luôn luôn mang tính một chiều -theo kiểu “sư nói sư phải, vãi bảo vải hay”-: bên Cộng Hòa hết lời ca ngợi ông Romney, bên Dân Chủ cũng thế, hết mực tán thành những gì ông Obama đề ra. Họ nói không ngừng nghỉ, lại còn sẵn sàng bắt tay, chụp hình chung với những ai muốn bắt tay hay muốn chụp tấm hình làm kỷ niệm.
Những người được “giao phó” hay “tự nhận” trách nhiệm hướng dẫn dư luận này nói gì? Phải nói ngay là không biết những điều họ phát biểu có được cử tri lắng nghe, có giúp cử tri quyết định sẽ bỏ phiếu chọn ai hay không, nhưng họ nói về tất cả mọi vấn đề, từ chính trị cho đến kinh tế, xã hội, không ngần ngại trả lời cả những câu hỏi liên quan đến quân sự, quốc phòng, tất cả nhưng câu trả lời họ đưa ra bao giờ cũng có cụm từ “rõ ràng” “chắc chắn” “điều hiển nhiên” đi kèm, để cho người nghe thấy “rõ ràng” bên họ đúng, “chắc chắn” bên kia sai.
Chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ McCain cho biết “quyết định rút quân ra khỏi Iraq là một quyết định sai lầm”, nói thêm “rõ ràng ông ta (Obama) đã sai khi đưa quân ra khỏi Iraq” khiến tình hình Baghdad trở nên rối rắm thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến bàn cờ chính trị Trung Đông. Điều ông McCain không thèm để ý tới là ông Obama thực hiện và hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Iraq theo đúng những thỏa thuận vị tổng thống tiền nhiệm George W. Bush đã ký kết với chính phủ Baghdad, do đó khi có một nhà báo nhắc lại điều này, ông McCain bèn xoay sang một vấn đề khác, cho rằng ông Obama “là nhà lãnh đạo thiếu trách nhiệm lẫn kinh nghiệm” mới để cho tình hình Trung Đông ngày một lâm vào ngõ bí, khó có lối thoát.
Ông Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain chê bai bên Dân Chủ, bà Dân Biểu Debbie Wasserman Schultz của đảng Dân Chủ đương nhiên… chê bai cánh Cộng Hòa. Cuộc tranh luận ở Florida vừa kết thúc, bà đã xuất hiện để trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. “Chính sách y tế của ông Romney sẽ đẩy người cao tuổi tới chỗ phải nhịn ăn để có tiền mua thuốc uống”, bà nhắc đi nhắc lại điều này với nhiều toán nhà báo khác nhau. Khi được hỏi cộng đồng người Do Thái ở Hoa Kỳ nghĩ gì chính sách của Tổng Thống Obama đối với Israel, bà nhanh miệng nói ngay “chắc chắn tập thể người Do Thái ở Mỹ ủng hộ ông Obama”, chê bai “chính sách của ông Romney không đi sát với những đòi hỏi của cộng đồng Do Thái” đồng thời nhắc lại ông Obama đã nhiều lần nói “hết lòng ủng hộ Israel, hết lòng với đồng minh quan trọng nhất của mình ở Trung Đông”. Điều bà quên: ông Romney cũng nói y hệt như thế, tới độ một số nhà báo sau khi theo dõi cuộc tranh luận bảo với nhau hai ông Dân Chủ, Cộng Hòa “có cùng một sách lược giải quyết tình hình Trung Đông”.
Chuyện ai thắng, ai bại sau cuộc tranh luận vừa rồi cũng là một câu hỏi được các nhà báo đặt ra, và tùy theo người được hỏi, giới truyền thông Hoa Kỳ và quốc tế có được câu trả lời khác nhau như trắng với đen. Cựu Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Norm Coleman của tiểu bang Minnesota tười cười cho hay ông cho ông Romney “điểm 10/10” đặc biệt “ông Romney đã cho cử tri Hoa Kỳ biết tài năng của một người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược mà quốc gia này đang cần”.
Đứng ngay gần đó, Cựu Đại Tướng Wesley Clark lại đưa ra cái nhìn khác hơn: “Tổng Thống Obama là người có tầm nhìn chiến lược không chỉ cho nước Mỹ mà cho cả thế giới”. Trả lời câu hỏi của đài truyền hình BBC, vị tướng 4 sao từng điều khiển NATO trước ngày giải ngũ để bước vào chính trường với tư cách đảng viên Dân Chủ bảo thêm “giữa lúc Âu Châu đang gặp khó khăn về kinh tế như hiện giờ, người bạn mà Châu Âu cần chính là ông Obama. Giữa lúc tình hình Châu Á đang phải bận tâm với Trung Quốc, người có thế giúp Á Châu vững lòng hơn cũng là ông Obama”.
VÀI THÍ DỤ NHỮNG ĐIỀU ÔNG OBAMA NÓI… SAI
Lao động: “Sau 10 năm phải sa thải bớt công nhân, nước Mỹ đã tạo được nửa triệu việc làm cho các ngành kỹ nghệ”. Không đúng: từ năm 2009, nước Mỹ sa thải khoảng 1 triệu công nhân làm việc cho các nhà máy, bây giờ mới có một nửa có việc làm trở lại.
Di trú: “Đối thủ của tôi gọi luật cho phép cảnh sát kiểm soát giấy tờ những người bị tình nghi cư trú bất hợp pháp là đạo luật tiêu biểu của nước Mỹ”. Không đúng: ông Romney chỉ ủng hộ điều khoản bắt chủ nhân các công ty phải kiểm soát giấy tờ những người xin việc, chỉ được quyền thuê những người có giấy tờ định cư hợp lệ làm việc.
Phá thai: “Cả 2 ông Romney và Ryan đều muốn hủy bỏ luật cho phụ nữ được quyền phá thai, kể cả trường hợp mang thai vì bị hiếp hay loạn luân”. Không đúng: hai ông Romney và Ryan chấp nhận cho những phụ nữ mang thai vì bị hiếp hay loạn luân được quyền phá thai.
Thuế má: “Ông Romney sẽ giảm thuế cho những người thuộc thành phần triệu phú, và tăng mức thuế thành phần trung lưu phải đóng lên thêm 2,000 dollars”. Không đúng: ông Romney nói sẽ giảm thuế cho tất cả mọi người, nhưng chưa nói ông sẽ lấy tiền ở đâu để bù vào khoản thiếu hụt khi giảm thuế.
Đồng tính: “Ông Romney sẽ không cho những cặp vợ chồng đồng tính được quyền nhận con nuôi”. Không đúng: ông Romney ủng hộ những người đồng tính nhận con nuôi.
VÀI THÍ DỤ NHỮNG ĐIỀU ÔNG ROMNEY NÓI… SAI
Kinh tế: “Chúng ta chỉ còn vài inches nữa là sẽ trở thành một quốc gia không có nền kinh tế tự do. Không đúng: phúc trình do viện nghiên cứu The Heritage Foundation của cánh Cộng Hòa cho biết Hoa Kỳ là 1 trong 10 quốc gia có nền kinh tế tự do vững chắc nhất thế giới, hơn cả những cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản, Đức và Anh.
Y tế: “Kế hoạch tốn cả ngàn tỷ dollars để chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế mà ông Obama thực hiện là kế hoạch gây thảm họa”. Không đúng: nhiều điều khoản trong đạo luật y tế “Obamacare” đang được tranh cãi, nhưng không hể có chuyện chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế.
Lao động: “Tổng Thống Obama nói nếu quốc hội cho ông ta được vay gần một ngàn tỷ dollars để thực hiện gói kích cầu kinh tế, ông ta sẽ giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 8%”. Không đúng: ông Obama không hề nói câu đó, nhưng 2 cố vấn kinh tế của ông Obama có dự đoán gói kích cầu kinh tế khoảng 900 tỷ dollars sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 8%.
Thương mãi: “Chúng ta phải mở rộng thị trường để bán hàng hóa. Ông Obama không mở rộng được thị trường cho nước Mỹ”. Không đúng: chính phủ Obama ký hiệp ước thương mại với Colombia, Panama và Nam Hàn. Cả 3 hiệp ước này bị bế tắc từ thời Tổng Thống George W. Bush.
Di dân: “Ông ta làm Tổng Thống ba năm rưỡi qua mà không làm gì cả về điều này”. Không đúng: ông Obama vận động Quốc Hội Liên Bang thông qua luật cải tổ di trú “Dream Act” nhưng không được sự ủng hộ của các vị dân cử Cộng Hòa. Dưới thời Tồng Thống George W. Bush, Tòa Bạch Ốc cũng vận động một dự luật tương tự và cũng bị chống đối của cả phía Cộng Hòa lẫn Dân Chủ.
© Nguyễn Văn Khanh
© Đàn Chim Việt
Tôi nghĩ không nên phản hồi theo cảm tính quá
Chuyện bầu cử có người quan tâm, có người không, nếu mình không quan tâm thì thôi đừng đọc để những người quan tâm họ đọc, tại sao phải cấm tác giả viết?
Cái gì mình không thích thì đi chỗ khác chơi, để cho những người thích họ vô, mắc mớ gì phải phá thối
NHN
Ha ha ha! Cho là chính trị Mỹ láo khoét đi. Thì ông tác giả vẫn còn 3 cách giải quyết:
1- Bỏ phiếu
2- Nằm nhà
3- Hổng thèm sống ở Mỹ nữa. Đi chổ khác sống. Mỹ đâu có cấm.
Và một cách sau cùng nửa là quên nó đi. Tôi muốn nói, không “quan tâm” tới chính trị tại một nước tự do như Mỹ thì có thiệt hại gì lớn không? hằng ngày tôi đi làm tại sở cũng như đi chơi ngoài xã hội, tôi thấy người dân Mỹ chẳng mấy ai “tranh cãi” nhau về chính trị cả. Chính trị của họ cũng có “mùa” như mùa bầu cử, qua rồi thì thôi. Và họ tốt hơn hết là xử dụng lá phiếu, vậy là đủ. Người nào có việc đó. Đóng thuế đủ, đi mua sắm đứng sắp hàng đàng hoàng, đừng uống rượu lái xe, đừng đánh nhau… là good rồi. Nói trên trời dưới đất quá, ở Mỹ không có tác dụng gì cả.