Việt Nam-xui thì ráng chịu!
Mấy ngày qua có khá nhiều bài báo trong nước lên tiếng về việc Tòa Án Nhân dân tối cao ngày 7.12 đã bác đơn kháng nghị đòi lại công bằng của 3 chàng trai ở Hà Đông trong vụ án hiếp dâm gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài.
Trước đó, báo chí đã vạch ra khá nhiều uẩn khúc, vô lý của vụ án cũng như việc cơ quan điều tra đã có nhiều vi phạm tố tụng hình sự trong quá trình điều tra và xác định thủ phạm, khiến khả năng 3 chàng trai bị oan sai là khá cao. Nhưng mặc cho dư luận lên tiếng, phiên giám đốc thẩm của Tòa Án tối cao vẫn ra phán quyết bác bỏ kháng nghị. Như vậy ba chàng trai lại phải thi hành nốt bản án. Nếu quả thật họ bị oan, thì cái giá nào có thể đền bù cho mười năm tù tội, cả một quãng đời thanh xuân bị bỏ phí, cộng thêm 2 năm đằng đẵng chờ đợi phiên giám đốc thẩm? Chưa kể một trong ba người đã bị lây nhiễm HIV một cách oan ức trong thời gian còn ở tù. Vậy mà bây giờ họ lại phải vào tù tiếp.
Nếu ba chàng trai này mà là công dân ở các nước dân chủ nào khác ví dụ như ở Mỹ thì khỏi nói, chắc chắn họ sẽ được xét xử lại một cách đàng hoàng và nếu thật sự họ bị oan, chính phủ Mỹ sẽ phải đền bù cho họ cả đống tiền. Hãy xem vụ sinh viên Việt Nam Hồ Quang Phương bị cảnh sát đánh hồi năm 2009, chưa bị thương tích gì trầm trọng, vậy mà chính quyền thành phố San Jose (California) phải bồi thường 90,000 đô la Mỹ, còn 4 nhân viên cảnh sát liên quan đến vụ việc thì bị Sở cảnh sát San Jose đình chỉ công tác và mở điều tra cáo buộc làm trái!
Nhưng thôi nói chuyện ở Mỹ mà làm gì. Lại mất công các bạn bênh vực nhà nước VN sẽ bảo xứ của bọn tư bản giẫy chết khác, xứ mình khác!
Câu chuyện của 3 chàng trai chỉ là một trong rất nhiều ví dụ chứng minh cho thân phận của người VN khi phải sống trong một đất nước mà luật pháp hoàn toàn không được tôn trọng, sinh mạng con người thì rẻ hơn cả bó rau muống thời bão giá! Và người VN do vậy phải tâm niệm câu nếu phận rủi xui trúng ai thì ráng mà chịu!
Từ những chuyện nhỏ như đi trên đường, nếu phận rủi, người dân có thể chết oan uổng vì bị sụp ổ gà, sụp “hố tử thần”, bị dây điện hở gây điện giật khi trời mưa…như nhiều nạn nhân đã từng bị. Sau đó rồi cũng chả thấy ai chịu trách nhiệm gì, các ban ngành có liên quan thì bên này đổ lỗi cho bên kia, nếu có đi kiện thưa thì cũng “huề cả làng”, mồ xanh cỏ cũng chẳng ăn thua gì.
Hoặc nếu xui rủi mua trúng xe máy bị cháy, bị nổ, tiền mất tật mang, thậm chí chết thảm như vụ xe máy nổ ở thôn Sơn Nam, xã Nam Sơn (Quế Võ, Bắc Ninh) khiến người mẹ đang mang thai chết ngày 1.12, bé gái bị thương nặng sau đó cũng qua đời ngày 13.12. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Mà không phải một vụ, theo báo chí trong nước, chưa đầy nửa tháng trở lại đây đã có tới 4 chiếc xe máy của hãng Honda, một chiếc Attila của hãng SYM cháy rụi. Mà chả biết đến bao giờ, và thêm mấy người chết nữa thì mới có câu trả lời chính thức tại sao có những vụ cháy, nổ xe máy như vậy và ai phải gánh chịu trách nhiệm.
“Cái xui rủi hễ trúng phải thì ráng mà chịu” đó chẳng chừa một ai, tràn lan trong mọi lĩnh vực. Ví dụ như lĩnh vực y tế. Đau mà vào bệnh viện có khi phận rủi gặp trúng ông bác sĩ tay nghề kém hoặc lơ đãng, bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân như trường hợp một sản phụ đi mổ đẻ tại BV Phụ sản Hà Nội. Thậm chí, theo bài báo “Tình trạng bác sĩ bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân sau ca mổ không hiếm ở Việt Nam. Trường hợp được phát hiện gần đây nhất là một người đàn ông ở Quảng Bình, bị hỏng xương vì miếng gạc nằm trong đùi gần 1 năm. Có trường hợp miếng gạc nằm trong cơ thể bệnh nhân đến 4 năm sau ca mổ ruột thừa. Một sản phụ ở Tiền Giang cũng từng bị bỏ quên gạc trong bụng đến 3 tháng” (“Bác sĩ quên gạc trong tử cung sản phụ”, VNExpress ). Một trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Văn Đông tại BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận ngày 20.9 trong vòng 24 giờ đã chịu mổ đến 3 lần, lần thứ hai là do…bác sĩ bỏ quên gạc trong đầu bệnh nhân nên phải giải phẫu lần thứ ba, sau đó bệnh nhân tử vong vì xuất huyết não! Thậm chí, hỏng một quả thận mà lại bị cắt nhầm cả 2 như chị Hứa Cẩm Tú trong phiên mổ tại BV Đa khoa tỉnh Cần thơ ngày 6.12 v.v…Nếu lỡ có bị như vậy, thì cũng đành chịu, nếu có bồi thường thì ở VN số tiền thường không đáng kể, vả lại, tiền làm sao lấy lại được sức khỏe hay tính mạng con người ?
Nếu phận rủi xui trúng, người dân có khi chỉ vì quên đội mũ bảo hiểm, vì một lỗi giao thông rất nhỏ hay đang trong quá trình tạm giam để điều tra mà bị công an đánh chết. Mấy năm gần đây biết bao nhiêu vụ công an sử dụng bạo lực quá tay dẫn đến chết người, ngoại trừ một vài vụ như vụ tay thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở tỉnh Bắc Giang ngày 23.7.2010 khiến dân chúng bất bình tự phát biểu tình dẫn đến bạo động, sau đó phải đưa ra xử và tuyên án 7 năm tù, chủ yếu do sức ép của dư luận. Còn lại hầu hết là “chìm xuồng”. Điển hình như vụ anh Nguyễn Công Nhựt chết trong thời gian bị tạm giam tại trụ sở Công an huyện Bến Cát (Bình Dương) tháng 4.2011 hay vụ ông Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội) bị tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ chết tháng 3.2011. Sau đó mẹ và vợ của nạn nhân Nguyễn Công Nhựt cũng như cô con gái Trịnh Kim Tiến của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng đã đi kêu oan bao lâu nay mà mọi chuyện vẫn rơi vào im lặng.
Còn đối với những người vỉ yêu nước, vì nặng lòng với vận mệnh của đất nước, vì bức xúc trước những vấn đề của xã hội mà lên tiếng cách này cách khác, thì số phận của họ coi như xong đời. Nhà nước này có muôn vàn cách để răn đe, trị tội những con người như vậy để làm gương cho gần 90 triệu người khác. Cứ xem tấm gương của blogger Điếu Cày, blogger Tạ Phong Tần, blogger Anh Ba SG, chị Bùi Minh Hằng, gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn cho đến luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Công Định, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Lê Thăng Long, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ v.v… và v.v… thì biết.
Trong những vụ việc như vậy, nhà nước muốn bắt giữ lúc nào, muốn gán cho tội danh gì, bị bao nhiêu năm tù mà chả được, những phiên tòa xét xử thì chỉ là màn kịch với bản án bỏ túi đã định sẵn. Nhưng dẫu sao, được đưa ra xét xử dù là xét xử như trò hề cũng còn là may, có khi bị giam vô thời hạn mà không thấy xử cũng không biết còn sống hay đã chết như blogger Điếu Cày, hoặc không cho vào tù mà lại đưa vào trại…giáo dục cải tạo vì tội danh “gây rối công cộng” như chị Bùi Thị Minh Hằng ấy chứ!
Một xã hội mà tính mạng con người, nhân quyền không được tôn trọng, không được đảm bảo.
Nguyên nhân là bởi vì luật pháp bị coi thường, có luật đó mà nhà nước vẫn xài luật rừng với dân, lại không ai phải chịu trách nhiệm hoặc chỉ bị trừng phạt rất nhẹ.
Không kể những vụ sai trái “nhỏ như con thỏ”, kể cả những vụ to đùng như hàng trăm đứa trẻ chết vì bệnh dịch “tay chân miệng” vậy mà bà Bộ trưởng Y tế vẫn yên vị, cả một tập đoàn Vinashin lỗ lã vỡ nợ lên đến hơn 86 nghìn tỷ đồng tương đương 4,4 tỷ đô la Mỹ và còn hơn thế nữa, vậy mà ông Thủ tướng người chịu trách nhiệm cao nhất vẫn bình chân như vại, ngồi tiếp thêm một nhiệm kỳ, lại còn cãi chày cãi cối: “Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”!
Cả một quốc gia nhìn đâu cũng thấy những việc sai trái, cho đến lãnh thổ lãnh hải bị “nước lạ” “gặm” mất, cũng chả ai chịu trách nhiệm, chả ai bị rớt chức, càng không có ai từ chức!
Cái khác nhau của một chế độ độc tài với chế độ dân chủ là ở chỗ đó. Chỉ có trong một chế độ dân chủ pháp trị tam quyền phân lập, mới có sự công khai minh bạch về trách nhiệm, cả 3 hệ thống lập pháp tư pháp hành pháp độc lập kiểm soát khống chế lẫn nhau thì cái sự lạm quyền/lộng quyền mới có thể được hạn chế, không ai, không một cá nhân nào, cơ quan nào có thể đứng trên luật pháp cho dù là ông Tổng Thống. Chưa kể báo chí lại độc lập và là một kênh quyền lực thứ tư theo dõi săm soi từng chính sách của nhà nước, từng động tác của các quan to quan nhỏ. Và cuối cùng là người dân có quyền lên tiếng phản đối, biểu tình, đòi ông Tổng thống hay Thủ Tướng phải từ chức và nếu không từ chức thì hết nhiệm kỳ cũng chẳng ai bầu cho ông nữa!
Chỉ có trong một xã hội như vậy, người dân mới thôi phải chịu cảnh phận rủi xui trúng ai thì ráng chịu!
Blog Song Chi (RFA)
RÁN chịu là đúng, vì trước đây 47 năm, Ông Thầy cử nhân Hán Nôm đã dạy và tôi thấy là đúng. Mà thôi, chuyện nhỏ như con thỏ; bàn mãi nó nhạt đề tài chính.
Tại XUI, không thuộc gia đình “cắt mạng”, Xui vì nghèo hèn mà con cái thất học, bệnh tật thiếu tiền chưã trị; để nếu không chết thì cũng lặt lià, sống vất vưởng vì mất sức lao động, thất nghiệp dài dài.
XUI vì trót tin theo lời đường mật cuả bọn điếm thúi hô hào công bằng xã hội ở cái xã hội “người ko bóc lột người” (chỉ có cán bộ và gia đình được “hưởng lộc” thôi ! )
Một người bị Xui là vì hoàn cảnh đưa đẩy nên bị “sao quả Tạ” nó chiếu. Tuy nhiên, có nhiều kẻ không vì hoàn cảnh đưa đẩy mà họ lại tự chui mình vào rọ, đến khi bị dập cho vỡ mặt sứt trán u đầu, thì không thể gọi là xui, mà đúng ra phải gọi là Ngu.
Những người trí thức, tu sĩ, nhà văn, nghệ sĩ của miền Nam trước 1975 thân cộng, không phải là Xui. Ông Hồ chí minh và đảng CSVN cũng không phải bị Xui mà mất đất mất biển và nay cả nước đang bị bọn Tàu ngồi lên đầu. Tất cả bọn họ là những kẻ NGU và toàn dân VN là bị XUI.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Ông bạn !!!
Tác giả (và Đàn Chim Việt) viết là “Việt Nam-xui thì ráng chịu!”
Rán chịu hay ráng chịu?
Tôi nghĩ phải viết là “rán chịu” mới đúng.
Chữ “rán” có hai nghĩa:
Nghĩa thứ nhất, là bỏ thức ăn vào chảo có mỡ mà chiên, hoặc làm cho miếng thịt mỡ chảy ra nước. Không ai tranh cãi chữ này viết là “rán.”
Nghĩa thứ hai, là “gắng sức”. Chữ này hay bị sai nhiều nhất. Viết đúng chánh tả phải là “rán sức, rán lên”, thì hay bị viết sai thành “ráng sức, ráng lên.” Hiện nay, rất nhiều tự điển trong nước cứ cóp chép lẫn nhau viết thành “ráng sức” là sai. Tôi đoán lý do viết sai chữ này là bởi vì đây là tiếng của miền nam, cho nên dân miền bắc nghe người miền nam đọc “rán sức” thành “ráng sức”, bèn “chuyển thể” ngay thành “ráng sức.”
Tôi nhớ trước 1975, có một thời mấy học giả gốc nam kỳ như Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, viết bài than phiền nhiều người hay viết sai chữ “rán sức, rán lên, cố lên” thành “ráng sức, ráng lên, cố lên.” Bây giờ có quá nhiều người viết sai thành “ráng sức” rồi, đến độ khi tôi viết đúng chữ “rán sức” thì nhiều người chê tôi viết sai.
Gần đây trong nước có xuất bản từ điển của học giả quá cố Hoàng Phê chủ biên. Tôi không có cuốn này trong tay. Không hiểu ông Hoàng Phê có công nhận chứ “ráng” với nghĩa là “cố gắng” hay không, hay vẫn viết là “rán” theo các từ điển truyền thống của Khai Trí Tiến Đức hay Lê Ngọc Trụ?
(Chữ “ráng” như trong chữ ráng chiều lại có nghĩa khác. Là mây phản chiếu bóng mặt trời về tảng sáng hay xế chiều.)
Theo tôi nghĩ : viết hay đọc ” RÁN CHỊU” và ” RÁNG CHỊU” thì cũng như nhau vì đây là danh từ kép. Nhưng nếu phân tích 2 chữ riêng biệt : “rán” và “chịu” như bác NKĐ thì bác có lý hơn.
Rán chịu = ráng chịu
Rán sức = ráng sức
NT
Nhưng lại có những cán bộ, đảng viên, công an đang tự nói rằng mình hên nên sống ở Việt Nam có chế độ độc đảng, không có báo chí tư, làm nhiều cái bậy mà chẳng bị làm sao. Xui là những kẻ cầm quyền ở xứ dân chủ, làm lỗi một chút mà bị mất chức. Bọn chúng xui thì ráng chịu.
Đọc bài viết của Song Chi mà tôi thấy hoàn cảnh của người dân, những “thảo dân” Việt Nam, Xã hội Việt Nam đương đại tăm tối và âm u như thời kỳ Thái úy Cao Cầu, đời Tống trong phim Thủy Hử của Trung Quốc…thế nhưng các “hảo hán Lương Sơn Bạc thời nay” thì chẳng thấy đâu, chắc là bận kiếm tiền, kiếm việc, kiếm ăn lần lữa sống qua ngày!?
Nền công lý Việt nam là công lý bỏ túi, luật pháp chỉ dành cho dân đen thôi, con ông cháu cha có mấy khi phải ra tòa dù làm bậy mà có ra tòa thì bản án cũng nhẹ và tuyên án xong có khi các ông ấy cho con cháu chạy ra nước ngoài để nghỉ ngơi thay vì ngồi trại giam. HCN ưu việt là thế đấy.