WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tập Cận Bình thăm Việt Nam và ván cờ với hai tay chơi

 


Những chuyến thăm viếng qua lại của lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam gần đây trở nên thường xuyên.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2006 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào không bắt đầu từ Hà Nội như thông lệ với các nguyên thủ quốc gia, mà từ Đà Nẵng, thủ phủ của tỉnh lỵ quản lý khu vực Hoàng Sa-Trường Sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm và gây hấn.

Câu chuyện Hồ Cẩm Đào được đón tiếp nồng hậu và tắm biển sảng khoái tại Đà Nẵng trước khi ra Hà Nội đã làm cho các nhà bình luận đưa ra nhiều giả thiết, không ít những ý kiến mỉa mai, chỉ trích thái độ kẻ cả, trịch thượng của Hồ Cẩm Đào đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Phép thử cho vị hoàng đế tương lai

Tập Cận Bình, được xem là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào trong ngôi “Hoàng đế”, hay chính xác hơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc tập đoàn khổng lồ có tên… “Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, theo cách nói của chuyên gia về Trung quốc, cựu Giám đốc “Financial Times” tại Bắc Kinh, Richard McGregor.

Chuyến công du tới Việt Nam của Tập Cận Bình trong thời gian 20 -22 tháng 12/2011 được dư luận quan tâm đặc biệt, không chỉ người Việt mà cả cộng đồng quốc tế.

Với bài “Kiểm tra dũng khí của Tập tại Việt Nam” trên tờ “South China Morning Post” hôm 14/12/2011, Teddy Ng. và Greg Torode nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, và tin rằng ông Tập sẽ phải nhảy vào các mối tranh chấp trên biển Đông như một phép thử quan trọng cho sự tiến tới vai trò chủ tịch dự kiến vào đầu năm 2013. [1]

Phép thử, theo “South China Morning Post”, tương tự như cách Hồ Cẩm Đào trước khi nhậm chức chủ tịch, trong tháng 11 năm 2002 đã được giao xử lý vụ va chạm giữa máy bay do thám của Hoa Kỳ và máy bay chiến đấu Trung Quốc gần đảo Hải Nam.

Hãng Reuters ngày 16/12 cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tập là “cuộc tiếp xúc với một trong những mối quan hệ khu vực khó khăn nhất của Bắc Kinh” và “có thể là một thử nghiệm dành cho ông Tập trong các tranh chấp mưng mủ trên ở Biển Đông”. [2]

“Trung Quốc và Việt Nam không những chia sẻ một lịch sử huynh đệ cộng sản chống lại xâm lược nước ngoài, mà còn là lịch sử của những căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ và sự lo ngại của Việt Nam trước một nước láng giềng lớn hơn nhiều. Họ cũng đã có một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1979, khi quân đội Trung Quốc vượt biên giới tấn công Việt Nam” – Hãng Reuters viết.

Đề cập tới chuyến thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình vào đầu năm 2012, các mâu thuẫn giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như với Brunei, Malaysia và Đài Loan trên Biển Đông, nơi có nguồn dầu mỏ và khí đốt phong phú và là tuyến đường biển quan trọng, hãng Reuters đưa ra sự việc trong tháng 5 và tháng 6 vừa rồi, Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam trong vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam, trong khi Trung Quốc phủ nhận rằng tàu của họ không làm bất cứ điều gì sai. Tuy nhiên, vào tháng 10 Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận cùng tìm kiếm dầu trên vùng biển có tranh chấp.

Tờ “Wall Street Journal” trong ngày 16/12 cũng nhận định tương tự rằng, Tập Cận Bình “sẽ phải đối mặt với một trong các bài kiểm tra ngoại giao quan trọng, nhạy bén đầu tiên của mình trong chuyến công du tuần tới tại Việt Nam, quốc gia có vẻ như là đang vờ quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ do tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh”. [3]

Còn theo BBC, “một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung ở trong nước, đề nghị giấu tên, nói rằng chuyến đi của ông Phó chủ tịch Trung Quốc có thể liên quan tới các động thái gần đây trong bang giao quốc tế. Thái độ mạnh bạo, thậm chí hung hăng của Bắc Kinh đã bị nhiều quốc gia chỉ trích, bởi vậy ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ có các chuyến công du để xoa dịu dư luận và hàn gắn quan hệ”. [4]

Thế nhưng không thấy báo chí thế giới đưa ra một khó khăn khác, đòi hỏi Tập Cận Bình phải ứng phó và khôn khéo thoả thuận với lãnh đạo ĐCSVN: nội tình chính trị xã hội đang nóng của Việt Nam.

Vòng kim cô  

Từ năm 1991, sau khi hệ thống cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Hà Nội đã buộc phải bình thường hoá quan hệ toàn diện với Bắc Kinh, xem Trung Quốc là chỗ dựa vững chắc để duy trì ý thức hệ cộng sản. Trong mối bang giao này Hà Nội nằm ở vị thế yếu kém, không những với thân phận của một nước nhỏ, đàn em “môi hở răng lạnh” chịu nhiều ân nghĩa một thời, mà còn là thân phận của kẻ sắp chết đuối vớ được cọc, cần được giúp đỡ để tồn tại và bảo đảm độc quyền cai trị.

Chính vì thế, đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tỏ ra nhu nhược trước Trung Quốc mà bắt đầu cho sự xói mòn chủ quyền và bị lệ thuộc bi kịch trước mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh – là Hiệp định biên giới ký kết giữa hai nước năm 1999, trong đó phía Việt Nam đã cắt cho Trung Quốc hàng trăm cây số vuông đất liền dọc biên giới và hàng ngàn cây số vuông biển.

Mặc dù Tổng bí thư ĐCSVN Lê Khả Phiêu lúc bấy giờ bị chỉ trích dữ dội về sự nhượng bộ thái quá với Trung Quốc và đã phải nhường chỗ cho Nông Đức Mạnh, nhưng mối tình “già nhân ngãi, non vợ chồng” giữa ĐCSVN và Trung Quốc không những không phai nhạt, mà ngày một lộ liễu hơn, đôi khi bất chấp dư luận. Từ năm 2006, khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tướng thì Việt Nam dường như lọt hẳn vào trận đồ ma quái của một cuộc xâm lược mềm của Đại Hán, chưa biết bao giờ mới có thể thoát ra.

Vị trí chính trị cộng với đồng tiền chảy vào túi riêng từ các công trình hợp tác khổng lồ của hai bên đã đẩy tập đoàn lãnh đạo Việt Nam vào thế bị Bắc Kinh khống chế, vòng kim cô có thể xiết bất kỳ lúc nào khi cần.

Không dưới một lần tôi đã nói tới những chất liệu tạo nên vòng kim cô ác nghiệt: Người Trung Quốc đang nắm trong tay gần 300 ngàn hécta rừng đầu nguồn của Việt Nam, theo cái gọi là thuê 50 năm, tha hồ thao túng; đã và đang thực hiện hơn 90% tổng thầu EPC các đề án đầu tư công quan trọng nhất của Việt Nam, buộc Việt Nam lệ thuộc lâu dài vào công nghệ lạc hậu và phụ tùng thay thế trong vài thập niên tới, trong đó có khai thác bauxite Tây Nguyên với nhiều rủi ro về môi sinh và an ninh trên vùng chiến lược; đang có trong tay một thị trường xuất khẩu gần 20 tỷ USD, tiêu thụ dễ dãi đủ mọi chủng loại hàng hoá phẩm chất kém, độc hại, ăn cắp bản quyền, chưa kể hàng lậu; đang có hàng chục ngàn công nhân tự do lao động khắp ba miền…

Nhưng, đây cũng là sai lầm lớn nhất của ĐCSVN kể từ hai thập niên gần đây và vì nó mà niềm tin của xã hội đối với họ bị tuột dốc nghiêm trọng.

Mặc dù phải trả giá đắt cho nợ nước ngoài tăng vọt, môi trường ô nhiễm, mâu thuẫn xã hội bùng nổ, tham nhũng thành quốc nạn, nền tảng đạo đức bị huỷ hoại… nhưng những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế đã làm hài lòng một bộ phận lớn dân chúng vốn trải qua quá nhiều thiếu thốn, gian khổ trong thời kỳ chiến tranh và thời bao cấp. Tâm lý mặc nhiên chấp nhận “sống chung với lũ” trở thành mảnh đất màu mỡ sinh sôi chủ nghĩa cơ hội và chạy theo đồng tiền. Người ta bàng quan với các vấn đề chính trị diễn ra trên đất nước, tinh thần phản kháng trước cái ác bị triệt tiêu dần.

Thế nhưng, truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm là thiêng liêng, gắn bó hữu cơ máu thịt với mỗi người Việt. Lãnh đạo ĐCSVN quá cao ngạo, coi thường dân chúng nên không tiên liệu hết. Họ tưởng rằng, cả dân tộc đã bị thuần hoá trong văn hoá sợ hãi và nô lệ của hệ thống công an trị. Nhưng họ đã lầm!

Khi sự phản bội của những người lãnh đạo đất nước bị lộ diện, lòng yêu nước ngay lập tức được đánh thức và trỗi dậy một cách tự nhiên, lan toả nhanh chóng trong mọi tầng lớp xã hội, từ các em học sinh nhỏ tới cụ già, từ dân thường đến các vị trí thức lớn và các lão tướng gắn bó với chế độ…

Những cuộc biểu tình trong 11 chủ nhật liên tiếp với sự tham gia của tất cả các thành phần trên trong mùa thu 2011 tại Hà Nội và Sài Gòn chứng minh rất rõ, tuy thực chất mới chỉ là đợt sóng nhỏ đầu tiên tự phát, mang sứ mệnh cảnh báo và biểu tượng. Sóng ngầm đang sôi động, thôi thúc và một khi có “nhân hoà địa lợi” chắc chắn sẽ trở thành bão tố.

Lãnh đạo ĐCSVN bắt đầu ý thức được hậu quả khó lường từ việc làm của mình. Để ngăn chặn sự tiến triển có thể vượt tầm kiểm soát, họ nỗ lực dùng bộ máy công an đàn áp tàn bạo và hèn hạ. Mọi sự hội tụ, tích hợp lực lượng quần chúng dù nhỏ nhất, có khi chỉ là buổi gặp mặt dự sinh nhật, ăn sáng, uống càphê, hay chiếu một bộ phim yêu nước, đều bị kiểm soát, phá rối. Họ bất chấp luân thường, đạo lý, sử dụng tuỳ tiện những nghị định lạc hậu, vi hiến để bắt giữ người yêu nước. Việc giam giữ những thành viên biểu tình trong trại phục hồi nhân phẩm hay cưỡng bức chị Bùi Thị Minh Hằng vào trại giáo dục chứng tỏ tâm lý sợ hãi, lúng túng của chế độ trước nguy cơ quyền lực bị đe doạ.

Tuy nhiên, ĐCSVN càng mạnh tay đàn áp nhân dân và dấn sâu vào con đường bán rẻ lợi ích của đất nước để cầu vinh, thì càng làm tăng thêm sự bất mãn và chống đối của dân chúng, trong đó có cả những người đảng viên cộng sản.

Những kẻ đi đêm

Thực quyền trên sân khấu chính trị Việt Nam hiện nay thuộc về Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Chí Vịnh, những người nắm trong tay lực lượng an ninh, tình báo của công an và quân đội, có thể khuynh loát, bắt làm con tin bất cứ ai tay lỡ nhúng chàm. (Đảng viên có chức quyền hiện nay, từ Bộ Chính trị xuống làng xã, xin hỏi ai có bàn tay sạch sẽ?). Vì thế, tất cả những gì diễn ra trên đất Việt Nam, bao gồm cả những hoạt động trong khuôn khổ chuyến công du của Tập Cận Bình, đều nằm dưới ống kính quan sát của hai người này.

Mở đầu chương trình mừng đón “Hoàng đế” tương lai của Bắc triều trước khi qua Việt Nam là màn “Cầu truyền hình giao lưu Việt Trung: Láng giềng gần” được VTV1 phối hợp với TV tỉnh Quảng Tây Trung Quốc vào tối ngày 14/12.

Tiếp theo, để không xảy ra điều gì mang tính khi quân, cuộc hội thảo tại thành phố Sài Gòn về Biển Đông do Liên đoàn Luật sư dự định tổ chức vào ngày 19/12 tiếp tục bị buộc đình hoãn (sau khi đã bị hoãn một lần trước đó).

Những hành vi biểu hiện lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền trước và trong những ngày Tập Cận Bình qua Việt Nam tất nhiên sẽ bị vô hiệu hoá một cách tàn nhẫn. Tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Bắc Kinh đã chẳng cam kết “định hướng dư luận” Việt Nam và “xử lý tụ tập đông người” là gì!

Sẵn sàng xem quần chúng là những con bò, ĐCSVN không bao giờ phải minh bạch thông tin khi thấy bất lợi cho sự tồn vong. Trong bóng tối của truyền thống này, và từ những thứ ồn ào làm vui lòng đàn anh láng giềng sắp qua, cho thấy những con ma đêm sẽ bắt tay nhau trong chuyến công du của Tập Cận Bình.

Đương nhiên sẽ có một tuyên bố chung rất chung chung làm dịu lại hình ảnh bá quyền hung hăng của Trung Quốc. Với dư luận thế giới, quan hệ Việt-Trung sẽ được mô tả như chiếc cầu đối thoại quan trọng trong việc hợp tác đa phương, gìn giữ hoà bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái bình Dương. Với dư luận Việt Nam, hai bên khẳng định tôn trọng quan điểm khác biệt, nhưng cam kết sẽ đối thoại hoà bình trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên cơ sở làng giềng 4 tốt và sự hợp tác phát triển kinh tế giữa hai đảng và nhà nước, v.v…

Mặc khác, theo tôi, sẽ có thoả thuận ngầm, ủng hộ những màn trình diễn mị dân với mục đích che đậy âm mưu. Một bên ông Nguyễn Tấn Dũng có thể huyênh hoang tuyên bố về chủ quyền Hoàng – Trường Sa thậm chí mạnh mẽ hơn cả tuyên bố trong ngày 25/11. Một bên tướng Lã Viện có thể thoải mái hô khẩu hiệu “chủ đánh mới hoà” hù doạ Việt Nam hơn cả lời của ông ta trên tờ “Global Times” hôm 13/12. Một bên Trung Quốc khi thấy thích vẫn tiếp tục gây hấn, bắt bớ ngư dân Việt Nam trên lãnh hải Việt Nam mà Trung Quốc cho là của mình. Một bên Phát ngôn viên Lương Thanh Nghị tha hồ họp báo, phê phán. Một bên Trung Quốc dơ nanh vuốt, biểu dương sức mạnh quân sự trên biển. Một bên Việt Nam mặc sức thông tin trang bị tàu ngầm, tập trận bằng bắn đạt thật, tên lửa thật, hay hợp tác quân sự với Hoa Kỳ…

Tóm lại, trong bối cảnh đã phân tích, mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” chắc chắn sẽ củng cố thêm và ông Tập Cận Bình có thể yên tâm hài lòng với chuyến đi quan trọng này. Mặt khác lãnh đạo ĐCSVN sẽ cẩn trọng, tránh những sơ suất hớ hênh như trong quá khứ, để không trút thêm dầu vào ngọn lửa nổi giận của quần chúng. Tức là, về đại cuộc giữa hai nước sẽ không có gì thay đổi, nhưng chiến thuật ứng xử của cả hai bên sẽ khôn ngoan và tinh vi hơn.

Kết luận

Tôi đưa ra những kịch bản trên đây và tin rằng mình không sai.

Trên bàn cờ Việt Nam hôm nay chỉ có hai tay chơi không nhân nhượng, một kẻ thua và một người thắng.

Hiện tại thì ông Nguyễn Tấn Dũng ở thế thượng phong. Người đang lâm vào thế thua khó gỡ là dân tộc Việt Nam.

Liệu có khi nào thế cờ đột nhiên bị đảo ngược?

 

© 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog

————————————————————

*[1]: http://topics.scmp.com/news/china-news-watch/article/Test-of-mettle-for-Xi-in-Vietnam

* [2]:  http://af.reuters.com/article/commoditiesNews/idAFL3E7NF15V20111216?sp=true

*[3]: http://online.wsj.com/article/SB10001424052970204553904577101951103459654.html?mod=googlenews_wsj

*[4]: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/12/111213_xijinping_vietnam.shtml

 

12 Phản hồi cho “Tập Cận Bình thăm Việt Nam và ván cờ với hai tay chơi”

  1. Cám ơn đã chia sẻ bài rất hay!

Leave a Reply to truc tiep ket qua bong da