Kinh tế Mỹ: như người cai nghiện đang phục hồi
Ngành kinh tế tuy rất chuyên môn và phức tạp nhưng lại gần giống như cơ thể con người. Vì vậy nhiều khi so sánh các biện pháp kinh tế với công việc trị liệu người bệnh thì lại dễ hiểu hơn đôi chút.
Nền kinh tế Mỹ giống như người nợ nần và nghiện ngập quá độ (vì cả dân chúng và nhà nước chi xài nhiều hơn tiền làm ra) khiến rơi vào căn bệnh ngặt nghèo (tức là khủng hoảng 2007-09). Bác sĩ (hay Quỹ Dự Trữ Liên Bang) phải cho liều thuốc cứu cấp cực mạnh (liên tục bơm các gói kích cầu hàng ngàn tỷ đô-la). Đến nay bệnh nhân đã thoát chết thì bác sĩ phải tìm cách cắt giảm thuốc hồi sinh, đồng thời chính người bệnh phải đủ ý chí bỏ cai thuốc phiện thì mới hoàn toàn phục hồi.
Nước Mỹ từ năm 2000-07 đánh mất nhiều công ăn việc làm do ngành sản xuất bị di chuyển sang các nước chậm tiến với giá nhân công rẻ; bên cạnh đó chi phí về y tế và xã hội tăng vọt, cộng thêm gánh nặng từ hai cuộc chiến tranh tại A-Phú-Hãn và Iraq. Tuy vậy vì được xem như nền kinh tế vững mạnh nhất thế giới nên Hoa Kỳ vẫn dễ dàng vay mượn để tiêu xài, và là chỗ cất tiền của thế giới. Các món tiền khổng lồ này được những tay phù thuỷ tài chánh của Wall Street biến hoá thành nhiều khoản tín dụng cho vay cẩu thả và tạo thành bong bóng địa ốc. Trong một khoảng thời gian dài cả nước Mỹ hài lòng như người đang say thuốc phiện, dân chúng cảm thấy giàu có vì giá trị nhà cửa và đầu tư nhảy vọt trong khi địa ốc tạo ra một số lớn công ăn việc lớn bù đắp cho các mất mát trong ngành công nghệ.
Dĩ nhiên là tình trạng này không thể kéo dài đến khi các khoản nợ xấu bị phát hiện và đe doạ hệ thống ngân hàng. Thị trường tài chánh, địa ốc và chứng khoán đồng loạt sụp đổ vào các năm 2007-08. Rất may là Quỹ Dự Trữ Liên Bang đã học bài từ cuộc Đại Khủng Hoảng để tung ra hàng ngàn tỷ đô-la cứu vãn các ngân hàng thương mại và đầu tư, rồi sau đó mỗi tháng tiếp tục bơm vào 40 tỷ USD vào nền kinh tế.
Nhờ có nguồn tiền dồi dào nên lãi suất được giữ ở mức cực thấp. Dân chúng vay tiền giá rẻ để mua nhà nên ngành địa ốc đang dần phục hồi. Hãng xưởng trước đây thắt lưng buộc bụng nay bắt đầu mướn người và đầu tư, giới tiêu thụ bớt lo âu và mua sắm trở lại giúp thị trường chứng khoán nhảy vọt theo đà lợi nhuận của các công ty. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao ở khoảng 7.8% nhưng đang thuyên giảm. Nhìn chung nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, và đã sắp đến lúc Quỹ Dự Trữ Trung Ương phải chuẩn bị ngừng thuốc cấp cứu, tức là không bơm tiền vào kinh tế nữa.
Việc này không dễ và đòi hỏi tài năng tương tợ như một vi lương y. Bệnh nhân trở thành lệ thuộc vào thuốc cấp cứu như các thị trường chứng khoán và địa ốc đã quen với lãi suất thấp. Nỗi lo hiện thời của Quỹ Dự Trữ Trung Ương là dừng thuốc quá đột ngột sẽ tạo thành cú “sốc” cho nền kinh tế khiến giá cả nhà cửa và cổ phiếu bị sụt mạnh, dân chúng hoang mang bớt tiêu xài vạ lây đến việc buôn bán của các công ty và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Còn cứ bơm tiền hoài cũng không thể được vì còn sẽ phải chuẩn bị đối phó với nạn lạm phát tăng vọt sau này.
Một nỗi lo khác lâu dài của Quỹ Dự Trữ Trung Ương cũng giống như ông bác sĩ lo ráo riết chữa chạy nên lại khiến cho bệnh nhân đâm ra thờ ơ vô trách nhiệm! Nhờ vào biện pháp tài chánh hữu hiệu giúp nền kinh tế dần hồi phục, nên cả Tổng Thống Obama và Quốc Hội lại đâm ra ỷ lại và không chiụ hợp tác giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng tức là hai vấn đề ngân sách và thuế khoá. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà cứ tranh cãi đến mức nhà nước bị tê liệt, trong khi đó nền kinh tế cứ dần cải thiện nên dân chúng sinh ra tâm lý… mặc kệ đối với ông Chính Phủ!
Nhưng điều mà mọi người phải nhớ rằng đã sắp đến lúc hết việc cho ông bác sĩ tài giỏi. Căn nguyên trị liệu nằm chính nơi người bệnh có can đảm bỏ thuốc phiện và sống điều độ thì mới phục hồi sức khoẻ. Nếu Hành Pháp, Quốc Hội và dân chúng Mỹ không đủ ý chí để chiụ đau đớn khi cắt giảm chi tiêu (chẳng khác gì bị thuốc hành lúc cai nghiện) thì một đợt khủng hoảng mới thế nào cũng đến, và khi đó người bệnh có thể… hết thuốc chữa!
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
Nói về năm mười năm nữa về kinh tế là chuyện viễn vông. Cứ nhìn những kế hoạch 5 năm của Liên xô và VN thì rõ. Chuyện trước mắt là chuyện nên nói. Ngày sau thế nào thì chưa rõ, chứ bây giờ mà Mỹ sổ mũi thì thế giới, anh trung quốc, anh việt nam gì cũng bị nóng lây. Riêng cái ông Giang này, xem ra ông còn ganh tỵ nước Mỹ mà tâng bốc Trung quốc. Chắc ông tin 16 sáu chữ vàng gì đó. Coi chừng nó là vàng dẽo. Anh Trung mà thành anh đại thì VN bị xoá trên bản đồ chứ chắng chơi. Hoặc ít ra, ảnh cũng sẽ làm cho VN chết không được mà sống cũng khó xong. Đừng ở đó mà vỗ tay cho cướp. Còn nữa, Trung quốc này bây giờ chỉ mới là hãng xưởng rẽ tiền của thế giới thôi. Đường còn dài. Tớ chỉa hy vọng là trong đoạn đường dài ấy những người như ông Giang biết đâu là đại thù của dân tộc mà tìm ra cách đối ứng.
So sánh sự tiêu dùng và thuốc phiện căn bản đã sai. Sự ham thích sản phẩm mới, đẹp, gần như là bản tính của nhân loại. Rất khó từ bỏ. Dân Mỹ mà anh bảo đừng tiêu dùng, hay tiêu dùng dè sẻn thì khó lắm. Cá nhân 1 người thì được chứ cả một dân tộc như Hoa Kỳ thì không thể được. Tác giả quên mấy điều căn bản trong kinh tế :
- Nếu dân Mỹ đồng lòng không mua sắm, du lịch, không ăn chơi nữa thì sao? Thì rất nhiều nước cũng bị ảnh hưởng tương tác chứ không riêng gì dân Mỹ. Thị trường và người dân Mỹ không chỉ biết xài có mỗi sản phẩm của mình.
- So sánh năm 2000 đến nay, ngay nước Mỹ chưa bao giờ bị khan hiếm bất cứ món hàng nào. Đương nhiên, trong khi bị mất việc làm thì tự nhiên anh sẽ tiêu xài ít lại. Không cần ai phải nhắc nhở.
- Hàng hóa đủ loại mặc dù trong giai đoạn trì trệ của kinh tế vẫn ngày một cải tiến thêm tân kỳ, ngày càng nhiều. Cứ nhìn vào lĩnh vực kỹ thuật điện tử, máy móc, computers, xe cộ, hàng không dân dụng, chương trình thám hiểm không gian thì rõ.
Dĩ nhiên, trong khi gặp khó khăn trở ngại thì người Mỹ phải tự điều chỉnh mình chứ. Đó là công việc làm hằng ngày của chính phủ hành và lập pháp Mỹ. Đó cũng là ý thức có tính chủ quan lẫn khách quan của một cá nhân dân chúng.
Nếu anh ăn xài nhiều hơn số tiền kiếm ra thì thử hỏi tiền đâu để anh xài? Xin thưa đó là nhờ hệ thống tín dụng cung cấp. Nhưng họ cấp cho anh tín dụng dựa trên yếu tố nào? Không lẽ cho anh mượn tiền mua nhà để anh xù không trả? Vô lý. Đó là lý do hiện nay, muốn xin thẻ tín dụng hay vay ngân hàng, sẽ bị xem xét credit kỹ lưỡng hơn lúc xưa rất nhiều.
Không có tín dụng thì lấy đâu ra mua sắm nhiều? Nói thí dụ, ngay bây giờ nếu một người muốn mượn tiền mua nhà, họ sẽ được cứu xét khả năng hoàn trả dựa vào công việc làm và lịch sử tín dụng rất kỹ. Vấn đề là sự điều chỉnh từ các hảng tín dụng chứ không phải dẹp bỏ hệ thống này. Càng không thể từ bỏ tính tiêu xài vốn dĩ rất tự nhiên của con người. Không riêng gì người Mỹ, dân bất cứ ở đâu cũng vậy. Anh có thích cái áo mới không, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, computers, máy chụp hình, TV…? Một dân tộc nghèo và không có khả năng chế tạo hàng hóa công nghệ như VN, còn thích tiêu dùng và ham sản phẩm mới, nữa là nói chi dân Mỹ !
Bài phân tích khá hay về tình trạng KT Mỹ,nhưng khủng khoảng KT Mỹ KHÔNG bắt đầu từ 2000-07,mà từ 20 năm về trước,khi thi trường chứng khoán New York(NYSE)bị xụt giảm (stock crunch)nghiêm trọng vào tháng 10 năm 1987,vì Mỹ đã nợ nước ngoài quá nhiều,mà người Mỹ đã tiêu dùng(bằng credit card!)quá khả năng trả nợ.Vào thời điểm ấy,giới chức Mỹ đã đề ra một số biện pháp để tránh một cuộc
khủng khoảng tương tự.Tuy nhiên,chúng chỉ có hiệu quả trong khoảng 10 năm,cho đến những năm 1995-97, thì NYSE lại thêm một lần nữa bị khủng khoảng,tuy nhẹ hơn 1987,nhưng đã góp phần gây ra cuộc khủng khoảng tài chính tại Đông Nam Á năm 1998-99.
Sau đó,chính phủ Mỹ đã không đề ra biện pháp gì mới,để tránh khủng khoảng,cho đến cuộc khủng khoảng tín dụng(Sub-Prime)về nhà đất vào năm 2008,mà nước Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cho tới nay.
Vì vậy Tác giả viết đúng là:”Nếu hành pháp,QH,và dân chúng Mỹ KHÔNG đủ ý chí để chịu đau đớn khi cắt GIẢM chi TIÊU(chẳng khác gì bị thuốc hành,lúc CAI NGHIỆN),thì 1 đợt khủng khoảng mới thế nào cũng đến,và khi đó người bệnh có thể…HẾT THUỐC CHỮA!”,và như vậy TIÊU DÙNG là THUỐC NGHIỆN của Mỹ,giống như”tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”(theo lời Mao Trạch Đông)?!