Người Việt tại Úc và cuộc vote tự do ngày 7/9/2013
Hôm nay toàn thể các công dân Úc sẽ đi bầu chọn một chính đảng lên cầm quyền trong 4 năm tiếp theo. Theo thăm dò mới nhất ngày 7/8/2013 thì Liên Đảng (Tự do và Quốc Gia) chiếm thế cao hơn đảng Lao Động của đương kim thủ tướng Kevin Rudd với tỉ lệ bình chọn (52/48).
Mặc dù không hoàn toàn thành công và cũng không ghi được nhiều dấu ấn tích cực cho xã hội Úc những năm vừa qua, và họ đã bị chỉ trích rất nặng về các chính sách như ‘đánh thuế thán khí’ hay việc lơ là trong quản lý vấn đề thuyền nhân và nhập cư bất hợp pháp gian dối… Nhưng chí ít đảng Labour cầm quyền cũng đã có những cố gắng để cân bằng giữa hai tầng lớp giàu – nghèo, ví dụ như chính sách ‘đánh thuế tiền ký thác ngân hàng với cá nhân có số dư ngân hàng hơn $ 250 ngàn ASD’ để bù chi cho việc hỗ trợ người nghèo…
Người Việt tại Úc hiện nay có khoảng 280 ngàn, trong đó người Việt tị nạn là đông nhất (khoảng 240 ngàn), còn lại là diện nhập cư theo bảo lãnh gia đình, hôn nhân, nhập cư tay nghề và du học sinh. Người Việt tại Úc chủ yếu sống ở ngoại vi các thành phố lớn như Sydney, Perth, adelaide, Melbourne, Brisbane và thủ đô Canberra.., trong đó đông nhất là tại khu Cabramata – cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 40 km về hướng tây bắc.
Hôm nay khoảng trên 100 ngàn những công dân Úc gốc Việt lại có dịp phải đi bỏ phiếu bầu theo luật bầu cử để chọn những người suất sắc vào bộ máy nhà nước. Nói ‘phải đi bỏ phiếu’ vì theo luật pháp Australia nếu một công dân không chịu đi bỏ phiếu sẽ bị phạt $20.00 ASD – đây là chuyện phạt tượng trưng vì nó chỉ đáng giá 2 tô phở – có lẽ cao hơn điều đó chính là vinh dự.
Tham gia tranh cử lần này có hai gương mặt tiêu biểu trong mắt người Úc gốc Việt, một là rể việt – ông Jason Clare, Đảng Labour – đương nhiệm Bộ trưởng Nội Vụ và là con rể của ông bà Trần Quốc Hùng, một gia đình tị nạn Cộng Sản tại Úc gần 30 năm. Người thứ hai là ông Andrew Nguyễn, người Việt 100%, thuộc Liên Đảng.
Theo hiến pháp Liên Bang, nếu đảng nào chiếm quá bán trong số 150 ghế tại Hạ nghị viện thì được thành lập chính phủ. Nếu không phân thắng bại thì họ phải trải qua những vòng hiệp thương với các đảng nhỏ để được có quyền thành lập chính phủ mới. Và tất nhiên Úc vẫn thuộc Anh nên về mặt thủ tục sẽ phải do Toàn quyền Anh (tại Australia) công nhận.
Bầu cử ‘kiểu Úc’ có lẽ là một trong vô số những sự kỳ quặc kiểu Úc ví dụ ‘ngụy trang kiểu Úc’, ‘tắm biển kiểu Úc’, ‘tiền xu kiểu Úc’ vì hôm nay có tới 50 đảng phái tham gia tranh cử và có tới 1647 ứng cử viên tranh ghế cả ở hạ viện và thượng viện. Theo ghi nhận tại một số điểm bỏ phiếu, người ta đã phải sắm kính lúp cho vô số các cử tri lớn tuổi vì tờ phiếu bầu quá dài và quá nhiều thông tin…
Tại Cabramata, NSW, người Úc gốc Việt đi bầu cử khá sớm. Trước khi đi bầu họ tụ tập ở khá nhiều điểm cà phê đường phố để thăm dò ý kiến nhau và có vẻ như cảm tình của họ khá cân bằng, tức là không thiên về Liên Đảng hay Đảng Labour của đương kim thủ tướng Kevin Rudd.
Ngược lại tại khu vực Bankstow, lúc 9h sáng vẫn chưa thấy bóng dáng người Việt nào tại điểm bỏ phiếu gần khu người Việt nhất là Trường High School Bankstow. Có vẻ như họ mải chợ búa hay còn đang ngủ nướng do hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần…
Có lẽ người Việt nhìn chung chỉ chú ý đến quyền lợi của gia đình họ trong vấn đề có thân nhân là thuyền nhân nhập cảnh trái phép vào Úc qua ngả Indonexia. Nhưng với đại đa số người Úc, họ đều lo lắng về vấn nạn thuyền nhân, đặc biệt là lo về nguy cơ khủng bố, nhất là từ khi có vụ người nhập cư Mỹ là anh em nhà Dzhokhar đánh bom ‘nồi áp suất’ tại Boston Mỹ, và gần đây là vụ chính phủ Canada phát hiện người nhập cư âm mưu đánh bom tại thành phố Victoria.
Như vậy, đối với những người có tầm suy nghĩ hạn hẹp thì nghiêng về những lợi ích cá nhân cục bộ, còn đối với những người có dân trí cao hơn thì họ chọn bầu cho những đảng phái nào có thể đưa đất nước Úc đi lên về mọi mặt, đồng thời họ phải hoàn thành mọi nghĩa vụ quốc tế, nhất là vấn đề nhận tái định cư cho người tị nạn từ các nước thứ hai vào Úc theo quy định của UNHCR.
Không riêng gì nước Úc, để lấy lòng cử tri, nhiều đảng phái tham gia tranh cử tại nhiều nước trên thế giới đã hứa với cử tri những chuyện quá khả năng của chính phủ, thậm chí đi ngược lại quy luật phát triển kinh tế, điển hình là vụ bà Yingluck Shinawatra hứa mua tạm trữ giá cao lúa gạo của nông dân Thái Lan trước khi tranh cử để đến hôm nay chính phủ của bà Yingluck vẫn đang loay hoay lúng túng trong việc này.
Đối với vấn đề thuyền nhân nói riêng và người tị nạn vào Úc nói chung là những gánh nặng mà chính phủ Úc đã tự nguyện gánh vác. Năm 2012 chính phủ Úc chủ trương nhận người nhập cư tị nạn lên đến 20 ngàn người (con số thực tế là khoảng trên dưới 13 ngàn), như vậy họ đã làm tròn bổn phận quốc tế về mặt nhân đạo. Thế nhưng vấn đề thuyền nhân, mặc dù họ cũng đã cố gắng hết mình nhưng vẫn bị lên án là ‘vô nhân đạo’. Điều đó thật là bất công…
Mặc dù tị nạn là quyền chính đáng được Liên hợp Quốc công nhận, nhưng thử hỏi hàng năm có bao nhiêu vụ giả mạo hồ sơ từ các nước Châu Phi, Trung Đông, Myanmar, Lào, Việt Nam, Cambodia vv… vào Úc? Và tất nhiên chắc chắn đối với khoảng 20 ngàn thuyền nhân (trong đó có khoảng gần 1000 người Việt) chờ cứu xét hiện nay cũng sẽ có rất nhiều trường hợp tị nạn thực chất là tầm trú kinh tế vì họ có đủ hộ chiếu và visa xuất cảnh bay sang Indonexia sau đó mua tàu sang Úc (theo lời bộ di trú). Vậy siết chặt vấn đề thuyền nhân là điều tất yếu phải làm đối với nước úc, cho dù là bất kỳ đảng nào lên cầm quyền.
Một vài cây bút lý luận của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam cho rằng, việc đa đảng ở các nước như Mỹ, Úc chỉ là hình thức vì thường chỉ có 2 hoặc 3 đảng lớn thay nhau cầm quyền. Nói như vậy là kẻ mù sờ voi! Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này, trong một bài viết khác người viết bài này sẽ phân tích sâu và chứng minh rõ ràng rằng đó là những suy đoán thiếu khoa học và phi logic.
Đối với nước Úc, dù đảng nào lên cầm quyền thì họ vẫn chủ trương lo nâng cao đời sống dân và cho sự phát triển đi lên của đất nước, không phải chăm chăm chú chú làm quan để vơ vét tham nhũng như ở Việt Nam.
Cũng có thể chính phủ Úc lúc này lúc khác vẫn mắc sai lầm và đôi khi chưa đạt được mục tiêu đã hứa khi tham gia tranh cử. Đâu đó cũng còn có những chuyện chưa công bằng hoặc thậm chí là vẫn có hiện tượng tham nhũng đơn lẻ. Nhưng chắc chắn rằng họ là một quốc gia dân chủ gấp vạn lần thứ dân chủ giả hiệu treo đầu dê bán thịt chó như ở Việt Nam hiện nay.
© Lê Nguyên Hồng
© Đàn Chim Việt
Một vấn đề khó khăn