WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hãy sống đẹp với nhau – tại đây, lúc này

ket
Vào giữa thập niên 1950, lúc còn theo học tại Trường Luật Saigon, thì tôi được nhận vào lưu trú tại một cư xá dành cho sinh viên có tên là Câu lạc bộ Phục Hưng. Cư xá này nằm trên đường Nguyễn Thông gần với Bệnh viện Saint Paul thuộc Quận 3 Saigon. Hồi đó, chừng 60 anh em chúng tôi sống quây quần bên nhau – tất cả đều còn ở vào cái tuổi đôi mươi, hãy còn hồn nhiên, lạc quan yêu đời, chỉ biết say mê chuyên cần với chuyện học tập nơi các phân khoa đại học.

Lớp sau này vào các năm 1960 – 1970, thì số lưu trú sinh tại cơ sở này lại còn đông hơn, trẻ tuổi hơn nữa. Tổng số các bạn đã từng sinh sống tại Câu lạc bộ Phục Hưng này – từ năm 1955 lúc mới thành lập cho đến năm 1975 lúc đóng cửa – thì có thể lên đến con số 4 – 500 người. Ngày nay, anh em Phục Hưng chúng tôi, thì người trẻ tuổi nhất cũng đã ngòai 60 – còn phần đông cũng đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” họăc còn cao hơn nữa. Mà trong đó cũng nhiều bạn đã ra đi, từ giã gia đình, bỏ lại anh em. Số còn lại, thì phân tán khắp bốn phương trời – ở lại quê hương cũng có, mà lưu lạc qua các xứ Âu Mỹ cũng có nữa. Anh em không thành lập Hội Ái Hữu để quy tụ lại với nhau, như các tổ chức khác. Tuy vậy, lâu lâu chúng tôi cũng gặp gỡ nhau qua dịp này dịp nọ – để hàn huyện tâm sự, ôn lại cái kỷ niệm vui buồn với nhau trong thời gian chung sống dưới mái nhà Phục Hưng thân thương ấy.

Riêng bản thân mình, thì mấy năm trước đây tôi đã viết một bài nhan đề là “Những ngày xưa thân ái ấy” – để ghi lại cái kỷ niệm thân thiết với các bạn cùng sát cánh với nhau tại cư xá Phục Hưng này trong thời gian giữa những năm 1950 thanh bình êm ả tuyệt vời đó.

Nhưng đúng theo với nhan đề ở trên, thì bài này không nhằm viết về chuyện riêng tư của anh em trong Đại Gia đình Phục Hưng chúng tôi – mà chủ yếu là để bàn về chuyện đa số chúng ta phải làm sao mà “Sống Cho Đẹp Với Nhau” – giữa cuộc đời tại thế nơi quê hương đất nước, vào ngay giờ phút hiện tại lúc này đây (như người Âu Mỹ thường dùng từ ngữ trong tiếng La tinh : “hic et nunc” – mà trong tiếng Anh, thì là : “here and now”). Tôi xin lần lượt khai triển chủ đề qua mấy mục sau đây.

1 – “Nếu muốn cúng cho tôi , thì hãy cúng ngay bây giờ – lúc tôi hãy còn sống sờ sờ ra đây này.”

Cách nay không lâu, một số anh em Phục Hưng chúng tôi ở Nam California được một anh bạn mời đến nhà anh chị tại thành phố Westminster để uống cà phê, ăn sáng. Gia chủ đó chính là anh chị Bùi Hòang Ân & Mỵ Nương đã cho chúng tôi thưởng thức món bánh và cà phê rất đặc sắc do chính anh chị đích thân chế biến. Câu chuyện râm ran thật vui vẻ, hồn nhiên sinh động giữa anh chị em chúng tôi – tiếp nối với cuộc Hội ngộ của đông đảo bạn hữu xảy ra vài ba tuần trước đó.

Chúng tôi ngạc nhiên về số thiết bị đồ sộ trong căn bếp và tò mò hỏi gia chủ, thì được anh chị kể lại nguyên do câu chuyện thật là ngộ nghĩnh như thế này. Mấy năm trước anh Ân có triệu chứng bị bệnh ung thư, nên phải nghỉ làm việc để điều trị. Trong thời gian nghỉ ngơi để chữa bệnh, anh Ân mới nói với chị Mỵ Nương đại khái như thế này ; “ Bệnh tình của tôi không biết sống chết như thế nào. Nhưng mà, nếu bà có thương tôi, thì đừng có đợi đến khi tôi lìa đời, rồi mới đem cúng giỗ của ngon vật lạ cho tôi nha. Mà trái lại, bà cứ cúng cho tôi ngay lúc này, khi tôi còn sống sờ sờ ra đây, tôi còn thưởng thức được những thứ ngon ngọt quý báu đó… Có như vậy, thì mới rõ là thật lòng với nhau đấy!”

Chị Mỵ Nương tiếp lời, nói với bọn tôi : “Các anh chị thấy đấy, anh Ân đã nói như vậy, thì tôi làm sao mà còn dám chối từ điều gì với anh ấy nữa. Và tôi đã hết sức chiều theo các ước muốn của anh – đó là lý do tại sao chúng tôi sắm sửa các vật dụng để chế biến cà phê và làm bánh như các bạn thấy bữa nay. May mà rút cục anh Ân đã tai qua nạn khỏi, căn bệnh ban đầu tưởng là hiểm nghèo, thì nay đã tan biến đi rồi để anh có thể đi làm trở lại như trước kia. Vợ chồng chúng tôi thật mừng rỡ và riêng tôi mỗi khi nhớ đến cái câu nói “ Xin cúng tôi ngay lúc này…” của anh Ân, thì tôi không khỏi cười thầm – và quả thật chúng tôi thật tâm đắc với nhau lắm lắm vậy đó…”

Bọn khách mời chúng tôi buổi sáng hôm đó – tất cả đều là các cựu lưu trú sinh ở câu lạc bộ Phục Hưng thời kỳ trước năm 1975 – thì không những được thưởng thức một bữa ăn sáng ngon miệng, mà đặc biệt lại được biết đến một câu chuyện vui vẻ, ngộ nghĩnh lý thú trong gia đình của anh chị bạn Hòang Ân & Mỵ Nương này.

2 – “ Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ…”

Câu chuyện của anh chị Hòang Ân & Mỵ Nương nói trên làm cho tôi nhớ đến bài hát được nhiều người ưa thích, đó là bài có tựa đề “Nếu có yêu tôi” của nhạc sĩ Duy Đức phổ nhạc từ bài thơ của nữ thi sĩ Ngô Tịnh Yên. Xin ghi lại một vài đọan trong bài nhạc như sau:

“ Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng để ngày mai, đến lúc tôi qua đời
Đừng để ngày mai, có khi tôi thành mây khói
Cát bụi – làm sao mà biết mỉm cười.
Nếu có bao dung, thì hãy bao dung bây giờ
Đừng để ngày mai, đến lúc tôi xa đời.
……”
Rõ ràng bài ca này chứa đựng một nội dung triết lý rất là thực dụng, lạc quan, cụ thể – không hề chấp nhận một sự mơ hồ viển vông nào trong mối quan hệ giữa những con người hiện đang sát cánh với nhau mà sinh sống trên cuộc đất này. Đây cũng là một lời mời gọi để mỗi người nên quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của nhau – hầu có những hành động thích đáng nhằm đem lại sự an vui thỏai mái cho người thân thiết gần gũi xung quanh mình.

Trên phạm vi rộng lớn hơn, thì bài thi ca này cũng làm cho ta nhớ lại câu văn bất hủ của văn hào người Nga Boris Pasternak – ông là tác giả cuốn truyện đặc sắc Doctor Zhivago, mà cũng là một nhà văn được cấp phát Giải thưởng Nobel về Văn chương năm 1958. Câu văn đó như sau: “Con người sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống” (Bản dịch Anh ngữ : “Man is born to live, and not to prepare to live”.

Nếu ta chú ý đến bối cảnh kinh hòang ở Liên Xô dưới chế độ tàn bạo của Stalin thời các năm 1930 – 40, thì lời phát biểu của Pasternak ghi trên thật là sáng suốt và can đảm. Đó cũng là một lời phủ định dứt khóat đối với sự hứa hẹn về cái “thiên đường cộng sản” – mà người theo chủ nghĩa marxist-leninist vẫn rêu rao khắp nơi từ thập niên 1930 (được gọi là thập niên đỏ = décade rouge) rằng sẽ có những “Ngày Mai Ca Hát” (des lendemains qui chantent như người cộng sản ở Pháp thường nói).

Ngày nay ở vào thế kỷ XXI, sau khi chế độ cộng sản hòan tòan bị sụp đổ ở Liên Xô và ở Đông Âu, thì tòan thể nhân lọai chúng ta càng nhận thức được rõ ràng hơn về cái thủ đọan mê hoặc, dối trá và cực kỳ tàn bạo của phe cộng sản – đến độ gây ra biết bao nhiêu thảm họa cho hàng mấy trăm triệu con người trong thế kỷ XX vừa qua.

3 – “Yêu thương nhau, đó là cùng với nhau nhìn chung về một hướng”.

Thế hệ sinh viên chúng tôi ở miền Nam Việt nam vào hồi thập niên 1950, thì hầu hết đều đọc thông thạo được sách báo tiếng Pháp. Ở độ tuổi đôi mươi, chúng tôi say mê đọc những cuốn sách của Raymond Aron, Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Antoine de Saint-Exupéry v.v…Chúng tôi thật tâm đắc với cái định nghĩa về Tình Yêu của nhà văn – phi công Saint-Exupéry qua câu văn thật ngắn gọn như sau : “Yêu thương nhau, không phải là hai người nhìn ngắm nhau. Mà là cùng với nhau nhìn chung về một hướng”. (Nguyên văn tiếng Pháp là : “Aimer, ce n’est pas regarder l’un l’autre. Mais c’est regarder ensemble dans une même direction”)

Trong nội bộ của một gia đình, thì tình yêu giữa hai vợ chồng mỗi ngày càng được củng cố bền chặt hơn – chủ yếu bởi cái sự cố gắng bền bỉ mà cả hai người đều chung nhau lo lắng chăm sóc cho đứa con – vốn là kết quả phát sinh từ tình yêu chân thật của đôi lứa.

Còn trong phạm vi rộng lớn như sinh họat cộng đồng của cả một dân tộc, thì tình yêu thương đích thực giữa các thành viên cấu tạo thành cộng đồng này chính là cái ý chí chung, cái khát vọng và sự cam kết của cả tập thể dân tộc đó nhằm xây dựng một xã hội an vui, thịnh vượng và nhân ái – trong đó phẩm giá của mỗi người đều được tôn trọng và quyền con người đều được bảo đảm.
Chuyện cụ thể thiết thực và phấn khởi nhất của sự biểu lộ ý chí và cam kết này, đó là sự đồng lọat của nhiều người – thuộc đủ mọi giới ở trong cũng như ở ngòai nước – cùng bày tỏ gia nhập vào Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự – mà vừa được phát động vào ngày 23 tháng 9 năm 2013 – đúng vào lúc tôi bắt đầu bài viết này.

Bản thân tôi cũng đã vừa ký tên gia nhập Diễn Đàn XHDS này, và trong danh sách những người đã ký tên gia nhập Diễn Đàn tôi nhận ra nhiều người đã từng là bạn hữu thân thiết lâu nay của tôi. Cái hành động “Dấn thân tập thể” đó chính là sự biểu lộ tình Liên đới mỗi ngày thêm mạnh mẽ hơn mãi – và cũng là sự khởi đầu của một Tập hợp Quần chúng nhằm đòi lại cái Quyền Chủ Động và Tự Quyết của Tòan thể Dân tộc – trong công cuộc giải thóat Đất nước khỏi cái vòng nô lệ cay nghiệt của cả hai thứ giặc nội xâm cũng như ngọai xâm hiện đang tung hòanh dày xéo trên giang sơn gấm vóc – mà cha ông chúng ta đã đổ ra biết bao xương máu để xây dựng và bảo vệ từ mấy ngàn năm nay.

Quả thật, chúng tôi yêu thương nhau vì cùng chung sát cánh với nhau trong công việc góp phần kiến tạo một xã hội tiến bộ, thịnh vượng và nhân ái cho thật xứng đáng với phẩm giá cao quý của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt nam thân yêu này vậy.

Costa Mesa California, ngày 25 tháng Chín 2013

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

Phản hồi