WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tất cả đều giống nhau và tất cả đều khác nhau

Tiểu luận dành cho Tạp chí Ländersprofil/Vietnam-2012 – do Societäts MEDIEN đặt bài.

Thế Dũng. Ảnh Nguoiviet.de

1. Tôi đã sống một thân phận rất thông thường của một nhà văn Việt Nam.

Tôi sinh năm 1954. Vào lính năm 17 tuổi. Làm thơ từ khi 14,15. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Văn năm 26 tuổi. Đi dạy Văn ở phổ thông trung học được ba năm thì chuyển sang nghề biên tập văn nghệ, báo chí. Khi tự xuất khẩu nửa đời mình sang Đông-Berlin ( vào 04.1989) thì tôi đã đọc J.W. Goethe (1749-1832), Heinrich Heine (1797-1856), Rainer Maria Rilke (1875-1926), Friedrich Schiller (1759-1805), Friedrich Hoelderlin (1770-1843) và nhiều nhà văn Đức nổi tiếng ở thế kỷ 20 (qua các bản Việt ngữ).

Mỗi chu kỳ tuổi tác khác nhau tôi có các nhà thơ nhà văn khác nhau ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc cho sự phát triển tinh thần trí tụê của mình. Rốt cuộc thì khi sang tới Berlin, ở đầu giừơng cá nhân của tôi thường xuyên có hai tập thơ Đường. Cùng với truyện Kiều còn có Bầu trời bị chia cắt của Christa Wolf, câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, thơ Tagore, và tập Lá Cỏ của Walt Whitman. Sau đó, tôi đã đọc được những người mà mình quen biết, yêu thích và bắt đầu viết.

Sau ngày 03.10.1990, tôi thành người nước ngoài ở Đức. Người Đức với tôi: vừa quen vừa lạ. Nhà văn, nhà thơ cũng giống như tất cả mọi người trên thế gian này. Hắn cũng phải lam lũ làm đủ mọi việc để mà có thể mưu sinh.

Và tình trạng sống này đặt ra cho tôi những vấn đề sứ mệnh rất cụ thể . Khi tôi cầm bút, tôi muốn bày tỏ mối liên hệ và thực trạng giữa từng nhân phận đồng thời đồng cảnh hoặc đồng thời nhưng nghịch cảnh với tôi trong mọi diễn biến trầm luân và bi tráng của đồng loại.

Khi nói đến sứ mệnh của nhà văn thì có vẻ to chuyện nhưng theo kinh nghiệm của đời sống nội tâm cá nhân thì nhiều khi tôi làm thơ,viết văn là để tự cứu chính mình.
Tôi nghĩ rằng mỗi một nhà văn, nhà thơ đều có một quốc tịch. Cho nên thân phận của nhà văn luôn luôn gắn bó với số phận của dân tộc và của nền văn hóa mà hắn thoát thai từ đó, dù trong hoàn cảnh hắn sống ở ngoài hoặc – ở trong biên giới địa lý của xứ sở hắn. Hắn mơ ước một nước Việt Nam mới, ôn hòa, theo chủ nghĩa hòa bình, hợp sinh thái, có nền tảng dân chủ, đẹp đẽ và công bằng. Nhà nước ở xứ sở của hắn là một nhà nước chuyên chế độc tài, ở đó chỉ có Đảng quyền. Con người, trước hết cần có được cái Nhân chủ của tâm linh, tâm trí mình. Xứ sở của hắn làm gì có dân chủ. Hắn cần phải không ngừng vượt qua những biên giới, những rào chắn phi lý để đưa tất cả năng lực tâm trí của hắn trở thành một hiện thực sống hữu ích tối đa. Và sứ mệnh nhà thơ, nhà văn trong cái nhìn của tôi trước hết là hắn cần phải biết tự cứu lấy chính những giấc mơ của hắn. Cho nên hạnh phúc và đau khổ của tôi khi tôi yêu nước Đức xét về khía cạnh nào đó là số phận của thế hệ tôi, số phận di cư. Điều đó có nghĩa là tôi đã sống một thân phận rất thông thường của một nhà văn Việt Nam.

2.Sự giao thoa giữa tinh thần phương Đông và Phương Tây

Có thể nói tư tưởng của các nhà triết học Đông phương cổ hiển lộ trong thời đại Lý Trần, thời đại Tam giáo đồng nguyên đã ảnh hưởng sâu sắc vào lối tư duy của tôi. Ngoài ra, đặc biệt lý thuyết về sự tương tác giữa các trường thống nhất trong vật lý hiện đại của Albert Einstein và Dịch học Đông phương đã thường xuyên mang lại cho tôi sự minh giải điềm tĩnh về thế sự, cũng như cảm giác về sự màu nhiệm trong những chiêm nghiệm Nhân sinh.

Khi viết Trước cổng thành Brandenburger tôi biết rằng ở CHDC Đức cũng đó xảy ra nhiều thảm kịch, người dân CHDC Đức đã phải chịu đựng các cơ cấu độc tài cộng sản chủ nghĩa suốt bốn mươi năm. Và tôi bắt đầu tự vấn rằng việc người dân CHDC Đức phải chịu đựng chủ nghĩa Stalin bốn mươi năm và sự xung đột của họ với quá khứ Phát xít có liên quan đến cuộc đời mình hay không ? Sống hay là bị sống? Cơn bão đêm qua chưa phải cuối cùng?

Số phận di cư của tôi không giống như số phận lưu vong của Heinrich Heine, của Erich Maria Remarque, của Bertolt Brecht. Số phận di cư của tôi giống như câu chuyện của Hermann Hesse. Tôi cũng có giấc mơ của Siddhartha. Tôi cũng có thời gian để sống, thời gian để chết. Tôi vừa thành công và cũng vừa uổng sức. Chẳng còn cách nào khác, tôi không trở về để ở lại, tôi khứ hồi là để tiếp tục lên đường, Biết mình không thể tắm hai lần trên một dòng sông, cho nên tôi đã sống như là một chủ thể.

Có thể nói tôi không biết đích xác được rằng cái gọi là tinh thần Đông phương đã xuất hiện trong thơ văn tôi từ bao giờ và nó như thế nào.Vì tôi sinh ra ở xứ đó thì có lẽ đương nhiên nó sẽ có ở trong bản ngã tôi. Sau đó ắt hẳn nó cũng lộ ra trong văn thơ tôi theo quy luật đất nào cây ấy. Dù rằng đang sống ở Đức nhưng bao nhiêu những ám ảnh, những lối suy tư của Đông phương vẫn là sinh địa cho văn ngôn cũng như thi tứ trong tôi. Cho nên cũng vẫn theo quy luật Đất nào Cây ấy, tôi tin là sự giao thoa giữa tinh thần Đông phương và Tây phương hẳn cũng đã xuất hiện trong những thi phẩm và tiểu thuyết gần đây của tôi.

3.Tất cả đều giống nhau và tất cả cũng đều khác nhau

Tôi luôn luôn tâm niệm rằng ở đời quan trọng vô cùng là những cuộc giao lưu. Bất kể là giao lưu ở hình thái nào. Không có giao lưu thì không có vỡ lẽ, không có hiểu biết đa diện. Không có giao lưu thì những mảnh, những dòng văn hóa khác nhau không thể giao thoa để dẫn đến sự thăng tiến trong sự hiểu biết lẫn nhau. Lịch sử giao lưu giữa người Việt và người Đức chưa đủ dài để cho người Đức hiểu hết, hiểu đúng về người Việt và ngược lại.

Một trong những phạm vi nghiên cứu của tôi là số phận Đức và số phận Việt, ở đây có thể tận mắt nhìn thấy tâm hồn Đức và tâm hồn Việt đã gặp nhau trong đời thực ra sao. Nghiên cứu số phận Việt-Đức là bắc cầu nối giữa quá khứ Việt-Đức và thực tại Đức-Việt, là quan sát cả hai bờ Đông-Tây, cả hai bờ Nam-Bắc, là ta mở cho nhau cửa tới vô cùng.
Sống ở Đức đã hơn 23 năm, tôi nhận ra diễn biến rất lạc quan của mối quan hệ văn hóa xã hội giữa người Việt với người Đức cũng như với những người nước ngoài khác. Ở nơi này mọi người được phép phát biểu công khai những ý kiến chống lại chính phủ vì tại đây quyền tự do ngôn luận luôn luôn được thừa nhận. Tôi cũng ao ước Việt Nam có một nhà nước pháp quyền, ở đó quyền lực được phân chia rõ ràng, mọi cư dân và nhà nước đều phải tuân thủ Luật pháp. Và mỗi một cá nhân đều có quyền nói lên ý kiến của riêng mình.

Với trải nghiệm cá nhân, tôi có thể bày tỏ ngay tại đây lòng biết ơn của mình đối với những nghệ sĩ trí thức, những chính khách tài ba của nước Đức và những người Đức vừa từ tâm vừa thông thái. Bởi lẽ, nhờ sống ở giữa những biến cố lịch sử của nước Đức, của người Đức mà những đường đi nước bước của tôi ở chốn này không bị vấp phải những bụi rậm gai góc hoặc những ngõ cụt. Nếu có những vấp váp thì chỉ có thể tự trách mình mà thôi.

Tôi tin rằng, với thời gian, dần dà người Đức đàn ông cũng như người Đức đàn bà với đàn ông, đàn bà Việt Nam sẽ hiểu nhau sâu sa hơn, sẽ có thể ngồi với nhau ở Asia-Snack hoặc Asiagourmet *, ăn uống tán gẫu về Việt cộng và Hoa Kỳ, về Đức và Trung Quốc, về phẩm hạnh và tự do; và tình tự với nhau bằng tất cả nỗi khổ đau và niềm vui sướng của kiếp người. Đề tài Đức sẽ trở thành đề tài Việt và ngược lại…

Tôi không nguôi tin tưởng vào sự thăng tiến của Con Người trong sự điềm nhiên lặng lẽ của thời gian. Nước Đức- nơi tôi khóc, cũng là nơi tôi hát, là nơi tôi cảm thấy tri thức và sự nhất thể của thế giới lưu chuyển trong tôi như chính máu của mình. Tất cả đều khác nhau; nhưng tất cả cũng đều giống nhau. Hiện nay câu cách ngôn này không chỉ quen thuộc, phổ biến ở nước Đức mà còn rất quen thuộc ở khắp Âu Châu.

Thế Dũng gửi đăng

———————————————————
Những Thương hiệu của một hệ thống Nhà hàng nổi tiếng của người Việt tại Đức (www.asiagourmet.de)

 

 

 

2 Phản hồi cho “Tất cả đều giống nhau và tất cả đều khác nhau”

  1. Người VN says:

    Đúng là phong cách văn chương nhẹ nhàng như cơn gió thoảng qua, của một …người ngoài cuộc: vô tư, vô lo, vô hại, nhưng cũng có phần hơi…vô cảm với những người đang trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng”! Cứ an nhiên bình tĩnh mà…nghĩ, mà “tin”, mà chờ, chừng nào đến thì đến, có sao đâu?!

  2. Nguyễn Anh Tuấn says:

    Chúc mừng nhà văn Thế Dũng! Những độc giả trong nước đang mong chờ những tác phẩm mới của tác giả Hộ chiếu buồn thú vị!

Phản hồi