WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [33]

Tiếp theo phần trước

Người Buôn Gió trong 1 lần 'lượn' bờ Hồ

Người Buôn Gió trong 1 lần ‘lượn’ bờ Hồ

Bà đại sứ Đức ở Hà Nội mời tôi đến nhà riêng ăn cơm, cùng với vài nhân vật đấu tranh cho quyền con người và thân nhân của một số người bị bắt vì quyền tự do ngôn luận. Tại nhà riêng bà đại sứ có sự hiện diện của ông quốc vụ khanh người Đức mới sang Việt Nam. Ông quốc vụ khanh nói sẽ đề cập đến chuyện tôi bị ngăn cản đi Weimar nhận học bổng. Tôi cám ơn, nhưng cũng không hy vọng gì.

Tôi đi vào Vinh cùng với blogger Nguyễn Lân Thắng, Thắng hay đi biểu tình ở Hồ Gươm nên chúng tôi quen nhau. Tôi vào Vinh dự lễ tang của người bạn thân Nguyễn Công Hùng, hôm đó cũng có phiên tòa xử mười mấy thanh niên Vinh vì tội hoạt động khác chính kiến với nhà cầm quyền.

Chúng tôi vào đến Tp Vinh lúc 10 giờ 30, thành phố Vinh chìm trong cái giá lạnh và mưa. Hai thằng chúng tôi vội vã vào ngay cái khách sạn nhìn thấy đầu tiên. Tôi làm thủ tục đặt phòng, trình chứng minh thư. Tôi nói với lễ tân cho buồng 3 người, một người nữa sẽ đến. Lễ tân hỏi chứng minh thư, tôi đưa CMT của mình và hỏi thêm – có cần của 2 người kia không?

Cô lễ tân nhìn tôi ngạc nhiên, chắc cô nghĩ tôi thuê khách sạn lần đầu. Thường thì ở khách sạn nào cũng thế, một người trình chứng minh thư là đủ. Bởi thế cô nhìn tôi thông cảm và nói không cần. Chả lẽ cô ấy nói không cần mà tôi lại cứ đưa cô ấy bắt phải nhận, thế thì cũng lạ, tôi đành phải để mọi việc diễn ra theo lệ thường.

Khi vào phòng, tôi nhìn cửa không có chốt bên trong. Thế này người ta có thể xộc vào. Tôi nói có tìm được cái gì gài chốt không nhỉ? Thắng vào khách sạn đã vội giở đồ đạc, tôi tìm không thấy cái gì để chốt nên cũng thôi. Đổi phòng thì không được vì chỉ còn phòng này có 3 người, được cái phòng sát ngoài nên có thể đứng ban công hay bên trong nhìn qua cửa quan sát.

Sự mệt mỏi vì quãng đường khiến tôi lơ là những thứ lặt vặt ấy như thủ tục cmt, chốt cửa. Tôi vào nhà tắm xả nước nóng, cơ thể rã rời. Tôi cần phải ngủ.

Trương Văn Dũng đến, chúng tôi mỗi thằng một giường. Chăn ấm, nệm êm, tắm rửa xong, nằm trên giường ăn gói mỳ tôm, uống trà, hút thuốc… rồi tôi chìm vào giấc ngủ.

Khoảng 1 giờ đêm, có tiếng con gái gọi cửa. Cô ta bảo mở cửa cho vào có việc. Lân Thắng nằm bên ngoài bước tới cửa, tôi nói:

- Không được mở, đêm hôm con gái gọi, mở lỡ có chuyện gì khó thanh minh.

Thắng không mở, tôi bước ra gần cửa nói vọng với cô gái bên ngoài:

- Em xuống đi, có chuyện gì mai gặp, bọn anh không có chuyện gì với em để mở cửa.

Cô gái nói.

Em quên đồ, anh cho em vào lấy rồi ra ngay.

Tôi kiên quyết.

Quên đồ thì mai lấy, bọn anh toàn đàn ông, không thể cho em con gái vào được, nhỡ có ai bảo bọn anh hiếp dâm thì sao?

Cô gái nài nỉ.

Đồ của em quan trọng, em cần phải lấy ngay.

Tôi bảo.

Em mời công an đến đây, bọn anh mới mở cửa.

Ngay tức khắc có tiếng mấy người đàn ông:

- Chúng tôi là công an đây, đề nghị mở cửa.

Tôi mở cửa. Hai người cảnh sát và hai người đàn ông thường phục bước vào, một số cảnh sát khác đứng ngoài hành lang. Người đàn ông áo đen xưng là trưởng thôn đi vào giữa phòng, chống nạnh nhìn quanh rồi hỏi chúng tôi về giấy tờ tùy thân. Tôi hỏi anh kiểm tra gì, ông ta nói kiểm tra giấy tờ vì không đủ. Tôi hỏi nếu đủ thì sao, ông ta nói vì thiếu hai người nếu có đủ chứng minh thư thì thôi. Tôi gọi người khách sạn ra trước mặt ông ta để hỏi họ.

Tôi đã hỏi cô trước khi thuê phòng, là 3 người có cần 3 chứng minh thư không, cô nói chỉ cần một. Giờ tại sao lại có công an kiểm tra. Cái thứ hai cô đưa công an đến đây sao lại lừa tôi là mở cửa để cô vào lấy đồ.?

Cô gái lí nhí không trả lời rõ. Tôi bảo người đàn ông áo đen.

Ông hãy làm việc với khách sạn, xong đúng sai thế nào tôi mới làm việc với ông.

Người đàn ông to giọng.

Họ sai, các anh cũng sai, tại sao các anh không đưa đủ giấy tờ cho họ.

Tôi nói.

Ông nói cũng phải đúng thực tế, tôi bảo đưa, họ nói không cần. Thế tôi cứ vất đó mà họ không nhận mất thì sao.? Việc này ông làm với họ đi.

Ông ta quát.

Anh phải trình giấy cho tôi xem.

Tôi quát lại.

Ông lùi ra ngoài, ra ngay cửa. Ở đây có cảnh sát mặc sắc phục, ông là gì mà quát lấn át mọi người, hoạnh họe vớ vẩn. Ra ngay tức khắc, tôi không nói chuyện với ông. Tôi thuê phòng này hợp lệ, khách sạn kinh doanh hợp lệ. Căn phòng này tạm thời tôi thuê cũng như tư gia của tôi, ông đang xâm phạm bất hợp pháp. Mời ông ran gay.

Mấy người cảnh sát can chúng tôi ra. Một người đeo hàm đại úy nói với tôi ông ta là cấp chỉ huy. Ông ta cũng dịu giọng vào nói nhẹ nhàng.

Tôi chỉ kiểm tra giấy tờ, anh có đủ thì thôi, có gì đâu mà anh làm to tát thế.

Tôi hỏi thôi là không có gì nữa chứ. Ông ta nói là có giấy tờ là thôi không có vấn đề gì nữa, ông ta sẽ đi.

Tôi bảo hai người bạn đưa giấy tờ, nhưng tôi nói người đàn ông mặc thường phục đó lui lại, để người cảnh sát quân hàm đại uý có biển tên là Trương Bá Quang nên nhận giấy tờ. Họ cầm giấy tờ rồi đi xuống, chúng tôi chờ không thấy họ quay lại bèn tôi đóng cửa và ngủ tiếp.

2 giờ đêm, lại có tiếng gõ cửa xưng công an. Tôi mở cửa, lần này thì đông người hơn, cảnh sát, an ninh, thường phục đủ loại đến hơn chục người. Một người đàn ông thường phục có dáng chỉ huy oai vệ đi vào đòi kiểm tra hành lý chúng tôi. Tôi hỏi lí do gì kiểm tra. Ông ta nói rằng vì chúng tôi sơ suất không trình đủ giấy tờ ban đầu, cho nên họ nghi vấn, giờ có giấy tờ đủ rồi nhưng công an vẫn muốn kiểm tra. Chúng tôi cãi về việc đã trình đủ, và khách sạn không yêu cầu, việc tôi thuê căn phòng này có giá trị như tư gia của tôi trong thời gian tôi thuê, mọi việc sách nhiễu, kiểm tra đều không đúng luật. Ngoài ra công an làm vậy là gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp khách sạn khi người ta kinh doanh có giấy phép, đóng thuế.

Và tôi nói ông ta mặc thường phục, không có tư cách gì đòi hỏi khám xét và hoạch hoẹ chúng tôi.

Mấy người quân hàm trung tá, thiếu tá bảo đó là sếp của họ. Tôi nhìn ông ta hơn mình nhiều tuổi, nên gọi bằng anh xưng em.

Tôi hỏi ông sếp là anh định kiểm tra đồ của em hay khám xét. Nếu là kiểm tra các anh phải có văn bản thành lập tổ công tác liên ngành, toà án, viện kiểm sát… làm theo chuyên đề, nghị định, thông tư… chứ không thể mình công an kiểm tra ai là cũng được. Nhất là trong trường hợp không bắt quả tang phạm tội, không có tố giác có căn cứ, không có dấu hiệu nghi vấn vì bọn em đang ở khách sạn giấy tờ đầy đủ. Còn nếu anh định khám xét thì lại càng phải có lệnh bắt, lệnh khởi tố, lệnh khám xét. Đòi hỏi của anh là không đúng pháp luật, cho nên bọn em không nghe theo được. Nhưng (tôi nhấn mạnh) chúng em không có hành vi chống đối, cứ đứng khoanh tay cho anh muốn làm gì thì làm. Kiểm tra, khám xét cứ tự nhiên.

Ông sếp công an (sau này tôi mới biết ông ta là trưởng công an TP Vinh) nói:

- Chúng tôi là công an, có quyền, chúng tôi nói anh phải nghe. Sai trái gì tôi chịu trách nhiệm.

Tôi tức giận khi nghe câu ấy:

- Anh nói anh là công an, anh bảo tôi nhảy xuống sông, qua của sổ này chết tôi cũng phải nghe à, rồi anh chịu trách nhiệm sau à?

Sếp công an loay hoay quay ra rồi quay vào nói:

- Thì chúng tôi yêu cầu kiểm tra, anh không cho thì thôi.

Ông ta tiến vào chỗ giường chúng tôi ngủ cùng với tay xưng là trưởng thôn họ nhòm ngó đồ đạc chúng tôi. Tôi nói họ:

- Yêu cầu hai anh ra khỏi khu vực nội vụ của chúng tôi đang sinh hoạt. Các anh không được quyền đi qua sau lưng chúng tôi vào chỗ này khi chưa có lý do chính đáng.

Sếp công an đi ra, trừng mắt nhìn tôi. Cái toán người đi theo ông ta im lặng, những người đó nhìn như kiểu nài nỉ tôi là đừng gay gắt với ông ta như thế. Nhưng tôi thì nào biết cái gì, đã thế ông ta ra gần đến cửa tôi còn bắt ông ta quay lại khám đồ chúng tôi. Tôi nói:

- Ông làm công an gì mà tuỳ tiện, đòi khám không được là thôi, thế thì các ông thích quấy rầy là quấy rầy à. Tôi đề nghị ông khám đồ như ông nói, và khám theo đúng luật, lập biên bản nói rõ lý do khám xét rồi tiến hành có nhân chứng. Ông không thể xộc vào đòi hỏi rồi lại đi như thế.

Ông ta đi không nói gì, tôi đứng cửa nói với các bạn:

- Ở đây bị sách nhiễu, không ở nữa, đi chỗ khác.

Ông ta quay ngoắt lại lệnh cho mấy công an trẻ:

- Không cho đi đâu hết, chặn lại ở đây.

Tôi bảo:

- Này thế là ông cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cao hơn nữa là giam giữ người trái pháp luật đấy.

Ông ta cứ thế mà đi, Tôi thấy mấy cậu cảnh sát trẻ măng mặc phong phanh đứng ngoài bèn bảo họ:

- Bọn em vào ngủ với anh cho đỡ lạnh, hay thuê phòng bên cạnh, chứ đứng đây cả đêm chịu sao nổi.

Một cậu công an lí nhí:

- Thôi sếp ra lệnh thì bọn em đứng đây thôi.

Bọn tôi vào phòng, mở cửa sổ nhìn xuống đường, xe ô tô đi lại cấp tập, chạy đi chạy lại, rồi hai xe ở lại phong tỏa chắn cửa khách sạn, rất nhiều công an, dân phòng lố nhố đi lại xung quanh.

Tôi lấy chiếc máy ghi hình đã đặt sẵn, cho đoạn phim quay sự việc vừa xảy ra đưa lên mạng.

Xong tôi chui vào chăn ngủ.

Lúc 6 giờ sáng tôi mở mắt, hai người bạn vẫn ngủ say. Tôi mở cửa ban công nhìn xuống đường nhìn. Trời vẫn mưa lắc rắc và rét buốt. Bên kia đường, bên này đường, hai đầu đường, quanh khách sạn có khoảng 40 dân phòng chia làm mấy tốp, dùi cui, băng đỏ chỉnh tề. Chưa kể những người thường phục đứng quanh họ mà tôi biết đó là những mật vụ.

Một chốc có thêm chiếc xe tải to chở đến 30 dân phòng nữa, họ đổ xuống và đi thẳng vào khách sạn đứng quanh cửa. Những người dân nhìn họ rồi nhìn khách sạn ngạc nhiên như hỏi có chuyện gì. Tôi quay vào pha trà, cầm cốc trà trên tay với điếu thuốc, quấn thêm cái khăn quanh cổ. Tôi đứng ban công hút thuốc, uống trà và nhìn mấy chục người dân phòng đi lại trong giá rét thấy họ thật vất vả. Tôi vất mẩu thuốc đã hết đi, nhấp ngụm trà rời khỏi ban công.

Quay vào tôi gọi hai người bạn đang ngủ say:

- Dậy đi, sắp bắt rồi, có gì thì chuẩn bị đi.

Các bạn tôi dậy nhìn cửa sổ, họ đánh răng, rửa mặt thu xếp đồ. Lúc này tôi thấy cáu với Lân Thắng, nó vốn thư sinh, công tử nên rất lề mề, làm cái gì cũng bài bản đủ lệ bộ. Nhưng mọi cái cũng xong. Chúng tôi ai về giường đấy nằm. Tôi bảo chúng ta ra xe về Hà Nội thôi, Thắng bảo ra thì việc gì phải vội, cứ ngủ thêm tí nữa.

Thế là chúng tôi lại ai nằm giường đó ngủ.

Cửa phòng bật mở thành tiếng động kinh hoàng,hơn hai mươi người đàn ông to khoẻ xộc vào phòng. Họ quát chúng tôi ngồi im, ai ngồi chỗ nấy. Người trưởng thôn dẫn đầu đầy giận dữ, ông ta có vẻ tức tối với tôi nhất, ông ta xông tới cướp điện thoại trên tay tôi. Nhưng tôi kịp bấm nút tắt nguồn. Lúc này căn phòng chật ních người, tôi không thể nhìn thấy gì ngoài người và người. Một người chửi:

- đm cái bọn phản động này, bắt hết luôn.

Tôi bật cười nhẹ, khiến nhiều người trong số họ ngạc nhiên, và chính câu nói của người kia làm tôi thấy bình thản. Tôi ngồi yên mỉm cười nhìn họ. Chắc nhiều người đi bắt chúng tôi hôm đó ngạc nhiên lắm, vì họ chưa bao giờ nghĩ bắt bất ngờ như vậy mà các đối tượng thái độ thản nhiên như đang chờ đợi vậy.

Họ khoắng hết đồ chúng tôi cho vào hành lý của chúng tôi, lục soát người chúng tôi thấy có tiền họ lại nhét trả vào ví. Rồi họ dẫn chúng tôi xuống tầng, phải đến 30 người bên trong khách sạn và 30 người bên ngoài toàn mặc thường phục. Con số thường phục đến 60-70 người, chưa kể công an và dân phòng. Nhưng công an, dân phòng chỉ đứng cản đường cho những người thường phục thực hiện cuộc bắt bớ kinh hoàng này.

Tôi đã xem nhiều phim hành động, hay phim thời sự về các cuộc bắt bớ. Nhưng tôi chưa thể hình dung mình bị bắt bởi nhiều người đến nỗi chính những người bắt phải rẽ làn người của họ mà đưa chúng tôi ra xe. Có thể họ dùng nhiều vậy vì che khuất tầm nhìn không có ai chụp ảnh được, hoặc có thể họ e ngại người dân Vinh, nơi mà tôi có nhiều bạn bè kéo đến.

Chúng tôi bị tống lên xe chở tù loại đặc biệt, có thùng kín đằng sau, trên xe cứ một người chúng tôi thì hai người thường phục bám tay hai bên. Công bằng mà nói họ chỉ bám tay chứ không bẻ hoặc vặn hay bấu mạnh gì cả, họ chỉ bám nhẹ trong tư thế sẵn sàng khống chế. Xe chạy hú còi, có xe dẫn đường, xe hộ tống, đoàn xe đi qua chỗ toà án Vinh đang xét xử 14 thanh niên Công Giáo. Ba rie chặn đường mở cửa, tôi nhìn qua khe cửa thấy đông người đội mũ trắng đang đứng ở hè đường trước toà.

Xe chở chúng tôi vào công an TP Vinh, khi mở cửa rất nhiều công an, an ninh đứng dưới sân đợi. Họ dùng máy quay phim ghi lại hình ảnh chúng tôi bước xuống xe chở tội phạm. Nhiều người trong số họ nhìn chúng tôi với vẻ tò mò, háo hức ý như kiểu vừa bắt được những tên tội phạm nguy hiểm.

Chúng tôi bị đẩy vào 3 phòng riêng. Họ chỉ tôi ngồi vào ghế. Tôi nhìn cái phòng kiểu hỏi cung quen thuộc, nó giống bất kỳ đâu ở TP HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, B14, Hà Nội… một cái bàn đơn giản nhưng chăc chắn, những cái ghế cũng kiểu đơn giản truyền thống, dưới chân ghế sát tường là cái cùm chân nặng chịch. Tôi nhấc thử cái đế cùm và ngạc nhiên bởi cái cùm của công an TP Vinh nặng và to hơn những nơi nào tôi thấ. Nó là một cái thanh sắt đặc dày 6cm, bản 12 cm, dài 120 cm,chiếc cùm như là một khối sắt.

Nhưng chúng tôi không bị cùm, cũng không bị động vào người, trong túi tôi còn thuốc lá bật lửa, tôi lấy ra để bàn định hút. Một công an trẻ vớ lấy bao thuốc kiểm tra với bật lửa, xong trả tôi hút. Tôi hỏi có nước uống cho tôi xin, họ lấy nước trà xanh cho tôi uống. Tôi uống trà hút thuốc, còn bên ngoài hành lang, trong phòng công an đi lại rầm rập trao đổi về chúng tôi. Một vị thượng tá an ninh đeo kính trắng vào hỏi:

- Hiếu à?

Tôi gật đầu:

- Hiếu Gió phải không.?

Tôi mỉm cười không xác nhận gì cả, dường như vị thượng ta an ninh này biết rõ về tôi. Khi ông ta qua ra ngoài nói ở hành lang:

- Hiếu Gió đấy!

Mấy người khác vào nhìn mặt tôi, có người nói Hiếu Gió viết hay lắm đấy. Ai đó nói vẻ nửa tiếc, nửa trách:

- Viết tốt thế mà không viết báo đàng hoàng, toàn đi viết láo lếu trên mạng.

Người khác nói:

- Thì viết trên mạng được tiền nước ngoài mà.

Tôi lại mỉm cười, viết cho báo nhà nước thì cũng phải được tiền chứ. Mà sự thật thì viết cho báo nhà nước cỡ như tôi thì chắc chắn sẽ được rất nhiều tiền, được ưu đãi nhiều chế độ vì cứ so ra thì thấy khả năng viết báo của nhiều nhà báo chẳng thể nào hơn được tôi lắm. Tôi có bao giờ viết theo đơn đặt hàng của báo nước ngoài nào để nhận tiền đâu. Thích gì tôi viết lấy, chả lấy ai xu nào, miễn phí. Ai đọc thấy quý thì gửi cho tí trà thuốc nào thì gửi. Tôi không hề đòi, không có gì cũng tốt, tôi vẫn viết như thường để khỏi mang tiếng là viết cốt để kiếm ăn. Đời tôi từng buôn thuốc phiện, đòi nợ thuê, chém mướn, cho vay lãi, cầm đồ, cá độ bóng đá, rồi hoàn lương làm giám đốc công ty quảng cáo, xây dựng… tôi viết blog để kiếm tiền hay không thì ai đọc và biết tôi đều rõ.

Tôi cứ mỉm cười nhiều lần trong ngày hôm ấy. Đến nỗi cậu trẻ tên Diệp hay Tiệp trông tôi phải nói:

- Anh Hiếu lạc quan, yêu đời nhỉ, ngồi trong công an mà cứ tủm tỉm cười suốt.

Tôi tưởng làm việc với an ninh, nhưng không, bên cảnh sát vào làm việc. Hoá ra ban nãy họ trao đổi xem bộ phận nào làm việc với chúng tôi. Sau cùng họ quyết định để phòng cảnh sát điều tra PC44 tỉnh Nghệ An thụ lý do thượng tá Vũ Văn Duệ phó trưởng phòng chỉ đạo, cùng với các điều tra viên cấp cao hàm thượng tá như ông Quang, Hướng, Đồng hỏi cung.

Thượng tá Đồng là người hỏi cung tôi. Mọi chuyện xoay quanh chúng tôi từ đâu đến, giờ nào, đi mấy người, mục đích gì.

Sau đó đến chuyện đêm hôm qua đến lúc bắt chúng tôi về.

Tôi trình bày đầy đủ, họ hỏi về vụ clip tung lên mạng đoạn họ gọi là đoàn công tác đang làm nhiệm vụ. Tôi nói không biết ai quay, ai tung. Họ hỏi quen ai ở Vinh, tôi cũng chẳng quen ai.

Chả mấy chốc đến trưa, thượng tá Duệ đứng giữa sân gọi tôi đi ăn cơm cùng ông. Khi chúng tôi ra sân thì đoàn xe đặc chủng chở phạm nhân đang ở giữa trại. Đáng phải ngăn tôi vào phòng, thì rất đông công an vây quanh xe không cho phạm nhân xuống, dù cửa xe đã mở, họ chờ tôi chậm rãi đi qua. Công an cũng không thúc tôi đi nhanh, họ cũng đứng kiên nhẫn như sẵn sàng cứ đợi như thế đến khi nào tôi đi qua xe tù , mặc dù tôi cố tình đi chậm để chờ đợi nhìn thấy các phạm nhân, nhưng hàng chục người công an đứng khoan thai như thể muốn nói là biết tỏng ý đồ của tôi và họ không hề sốt ruột cái chuyện tôi lần khần .

Thời gian ngưng đọng, tất cả im lặng khi tôi đi qua cửa xe chở phạm nhân.

Tôi nhìn lên xe chỉ thấy một cô gái rất xinh, trắng trẻo, đeo kính trắng mặt bình thản lơ đãng nhìn xuống khuôn viên sân công an TP Vinh, nét mặt cô không hề lo sợ hay sốt ruột gì. Tôi nghĩ cô ấy là nữ cảnh sát mặc thường phục, nhưng tôi cố nghĩ thêm thì nhớ ra cô ấy là một trong mười mấy người bị đưa ra xét xử vì đã gặp hình ảnh của cô ấy trên những thông báo.

Lần đầu tiên dù qua nhiều va vấp, quan sát tôi không phân biệt được giữa công an và phạm nhân. Bởi vì thái độ người con gái đó quá đĩnh đạc, tự chủ và tự nhiên quá thể. Một người con gái đôi mươi ngồi trong xe phạm nhân, qua ô cửa sổ mà như một cô gái đang ngồi ở cửa sổ lớp học hay cửa sổ quán cà fe. À chính xác là quán cà fe đợi bạn đến, đúng rồi, y như thế mới khiến tôi phải nhầm lẫn, bất ngờ. Hình ảnh cô gái khắc sâu ám ảnh tôi vô cùng, nhưng tôi còn phải suy nghĩ về chuyện đang diễn ra với mình lúc này.

Tôi đi cùng thượng tá Duệ và thượng tá Đồng vào phòng ăn của CATP Vinh, mỗi bàn 6 người, tôi thấy Dũng và Thắng mỗi người một bàn ăn chung với các công an khác. Tôi hỏi thêm thức ăn, một thượng uý đứng dậy ra khu bếp hỏi mua. Hoá ra ở đây ăn theo tiêu chuẩn chung 15 nghìn một suất, còn ai ăn thêm thì mua. Mấy người công an ngồi ăn cùng nói ở đây còn ăn tốt hơn chỗ họ. Tôi nhìn quanh phòng ăn chật kín công an, an ninh đang ngồi ăn. Hôm nay ở đây nhiều vậy vì chắc tại họ đến tập trung bảo vệ phiên toà mà nhà nước gọi là xét xử công khai, cấm dân chúng tụ tập đông người theo nghị định 38 CP.

Ăn trưa xong, uống nước và ngồi nghỉ. Lúc hơn 1 giờ đoàn xe chở phạm nhân chuẩn bị đi. Một cô cảnh sát, một cô an ninh rất chuyên nghiệp họ đứng che luôn cửa khiến tôi không nhìn được ra ngoài. Nhưng tình cờ tôi thấy Lê Văn Sơn đi qua thoáng 1 giây đồng hồ giữa khe hở giữa hai cô gái công an, nó cứng cáp hơn lúc ở bên ngoài, ánh mắt nó nhìn rất kiên định không hề tỏ vẻ lo lắng, sợ hãi.

Chúng tôi nghỉ trưa, đến chiều họ vào hỏi cung qua quýt lại sự việc rồi đưa ra ba cái túi có khoá. Họ bảo chúng tôi bỏ cả túi chúng tôi vào túi đó, rồi khoá lại. Họ cầm chìa khoá còn chúng tôi cầm túi. Đến lúc đoàn xe chở phạm nhân xử sắp về thì họ đưa chúng tôi ra xe inova chở đến khách sạn sáng họ bắt chúng tôi. Cho chúng tôi ngồi ở quầy lễ tân uống nước, ở đây tôi thanh toán tiền khách sạn rồi cứ ngồi đó chơi. Đến 6 giờ chiều trước xe chở chúng tôi lại công an TP Vinh ăn cơm chiều.

Cơm xong chúng tôi nằm xem ti vi, ông Dũng thì cãi bem bẻm gì phòng bên. Tôi và Thắng nằm xem ti vi, đến 20 giờ thì công an bảo chúng tôi dậy đi làm việc.

Tôi đang ở phòng đầu, bỗng bị đưa đi đến phòng cuối. Tôi biết họ không muốn tôi nhìn thấy cái gì đó, có thể là họ để Thắng và Dũng đi đâu, như về trước chẳng hạn.

Tôi làm việc với một đại uý, anh ta hỏi tôi nói không làm việc. Anh ta hỏi lý do, tôi bảo anh ghi vào biên bản là tôi phản đối hỏi cung ban đêm, vì theo luật trừ trường hợp bắt khẩn cấp, bắt quả tang, cần khai thác đồng phạm, không thể trì hoãn… mới được phép hỏi cung ban đêm. Anh ta ngớ người rồi nói tôi cứ trả lời rồi anh ta ghi vào, tôi bảo anh ta ghi vào rồi tôi trả lời. Nói đi nói lại rồi chả làm gì hết. Tôi hỏi anh ta biển tên đâu, anh ta bảo chưa được cấp. Tôi bảo đại uý mà chưa được cấp biển tên là thế nào. Anh ta bỏ tôi đấy đi ra ngoài.

Lúc sau khoảng hơn 9 giờ tối, anh ta vào đọc cho tôi biên bản cảnh cáo về tội cản trở chống đối người thi hành công vụ lúc đêm qua trong khách sạn. Tôi bảo sao không lập biên bản lúc đêm mà sáng nay về đây hỏi mãi giờ mới lập, vì tôi thấy lúc đó công an mới đưa nhân viên khách sạn đến làm biên bản. Anh ta bảo tôi có ký biên bản không, tôi bảo có nhưng cho tôi xin một tờ. Một đại uý an ninh quát tôi là:

- Anh cứ ký rồi có một bản.

Tôi cười nhạt, bảo có một bản trong túi mới ký:

Đại uý an ninh quát:

- Không ký thì thôi, cần gì.

Tôi bảo không cần thì thôi không ký, đó là các ông không cần tôi ký chứ không phải tôi không ký nhé.

Đại uý cảnh sát đi, đại uý an ninh ở lại hằm hè. Hắn nằm trên giường xem ti vi, tôi lên giường khác nằm hắn không cho. Hắn bắt tôi ngồi ghế, tôi kéo ba cái ghế ra nằm. Hình như hắn biết về tôi, nên tỏ vẻ khó chịu. Không như bao nhiêu công an từ hôm qua đến giờ họ đối xử với tôi rất đúng mực, chu đáo. Giờ trong phòng có hắn và một thượng uý an ninh trông tôi, thượng uý thấy việc bắt tôi ngồi cũng không cần thiết, nên chính anh ta kéo thêm ghế giúp để tôi nằm.

Có tiêng xe ô tô, tiếng người đi, tiếng bảo lỡ tàu. Tôi đoán Thắng và Dũng được chở ra ga.

Còn tôi ở lại, tôi thở phào, dù sao hai bạn tôi cũng đã ra. Còn tôi thì không dễ thế được, dù có thả họ cũng chả thế thả tôi ở sân ga. Tôi đâu có số được nhởn nhơ như thế, tôi đã được thả từ TP HCM khi họ đưa tôi tận cửa phòng bay, ở Lạng Sơn khi tạm thu hết đồ đạc chỉ đủ tiền về, ở Đà Nẵng khi sát giờ bay… đời nào họ thả tôi ở Vinh khi mà ngày mai phiên toà vẫn còn tiếp tục.

Tôi nằm hút thuốc, điếu thuốc cuối cùng, tôi nhờ an ninh mua. Nhưng thực sự đã 12 giờ đêm, không thể mua được nữa. Tôi đang nằm thì có người vào chụp ảnh tôi đang nằm, tôi bật dậy anh ta nói sắp chuyển giao tôi, nên chụp ảnh chứng tỏ tôi còn khoẻ, tôi ngồi ngay ngắn cho anh ta chụp bằng điện thoại. Sau đó người vào làm giấy bàn giao với nhau là tôi ở trạng thái khoẻ khoắn. Thượng tá Duệ cầm ca táp, áo khoác đứng bên ngoài. Tôi hỏi ông là di lý phải không, ông ta cười bảo làm gì có, chú cứ đoán mò. Tôi nói không di lý sao anh cầm hồ sơ của em ở tay kia. Ông ta gật đầu xác nhận.

6 người công an đưa tôi lên xe, có hai vị thượng tá, một là phó phòng PC44 tỉnh Nghệ An, một là đội trưởng đội điều tra và các cảnh sát Nghệ An và một an ninh Hà Nội. Xe đi đường mòn 1b, đến Thanh Hoá dừng lại ăn cháo gà, tôi ăn uống đi lại ở quán ăn bình thường, người trong quán đông nhưng nhìn chắc họ chả thể nghĩ tôi là người bị 6 người kia áp giải.

Tôi lúc ngủ say, lúc tỉnh, đến 7 giờ sáng xe vào Hà Đông. Cơ quan an ninh điều tra Tp Hà Nội. Nơi tôi biết chắc sẽ đến khi mới lên xe ô tô để họ đưa đi từ Vinh.

Rẽ vào trụ sở cơ quan an ninh Hà Nội, một nơi tôi quen thuộc. Khi đưa tôi vào trong, những người công an tỉnh Nghệ An ngạc nhiên thấy an ninh Hà Nội hỏi tôi như người quen, và tôi đi đến phòng phải làm việc không cần ai dẫn trước. Họ thốt lên.

- Ôi hoá ra Hiếu làm việc đây nhiều quá rồi à?

Hai bên làm thủ tục bàn giao, lúc đang giao giấy tờ tôi nhìn thấy tờ công văn của công an tỉnh Nghệ An, lời lẽ rất quyết liệt đối với tôi như cáo trạng. Tôi thấy có đoạn đòi hỏi truy tố tôi về đoạn phim quay trong khách sạn và tung lên mạng. Tôi hỏi thượng tá Duệ:

- Ai soạn công văn này thế anh?

Ông ta nói không biết.

Tôi cười nhẹ.

Nhưng có một điều tôi biết, là người mà lần thứ hai trong đêm vào khách sạn đòi khám đồ, rồi ra lệnh cấm chúng tôi đi là đại tá Hồ Xuân Hoà, trưởng công an TP Vinh. Bảo sao lúc đó những người đi theo ông ta chỉ nhìn tôi như muốn nói đừng nói gì lúc đó.

Thượng tá Duệ ra về, ông bảo tôi khi nào vào Vinh thì gọi cho ông làm bữa nhậu. Tôi bảo khi nào tôi tù ở trại Thanh Chương, Kỳ Sơn thuộc Nghệ An ông có đi qua vào thăm tôi là được. Thượng tá Duệ cười bảo tôi cố nghĩ sao mà làm ăn nuôi con, đừng cứ nghĩ chuyện làm gì khiến phải vào tù tiêu cực thế, phải nghĩ cái tích cực chứ. Tôi bắt tay cảm ơn lời khuyên của ông nói:

- Vâng cám ơn anh, em vẫn luôn nghĩ về điều tích cực.

Lúc này là sáng ngày 9/1/2013, những người công an Vinh rời đi, để tôi lại với cơ quan an ninh điều tra Hà Nội.

Người quen tiễn những người công an Vinh ra về. Anh ta quay lại pha trà, bao giờ bắt đầu giữa hai chúng tôi cũng là một ấm trà ngon. Anh ta hỏi tôi ăn sáng chưa, làm cái bánh mỳ ăn nhé. Tôi lắc đầu, mới ăn lúc 4 giờ sáng với đoàn công an Vinh.

Anh ta hỏi tôi có nghĩ rằng tôi phải về đây gặp anh ta không.?

Tôi gật đầu, cái này tôi đã nghĩ kết cục phải thế, suy từ lần Lạng Sơn ra thì biết. Tôi thắc mắc là sao chuyện xảy ra ở Vinh mà tôi phải về đây. Anh ta bảo từ nay trở đi, trừ khi anh ta chuyển sang bộ phận khác thì thôi, chứ còn ở đây thì anh ta và tôi vẫn còn theo nhau dài lắm. Dù tôi có đi đến tận đâu đi nữa thì hồ sơ xử lý cũng về tay anh ta và anh ta sẽ làm việc với tôi.

Tôi hỏi.

- Vậy tôi nằm trong chuyên án à.?

Anh ta cười không nói gì.

Cuộc hỏi cung bắt đầu, khi anh ta bắt đầu viết bản cung,phần mở đầu lý lịch. Lần này không có phần hỏi tên bố mẹ nữa. Hôm trước ở Vinh người ta hỏi tên bố, tên mẹ tôi đã phản ứng không trả lời. Họ bảo tôi phải khai, tôi kêu không nhớ tên bố mẹ, hỏi nữa thì tôi còn không nhớ nhiều thứ khác nữa, có khi tí nữa tôi quên cả tên tôi luôn.

Những bản lấy lời khai sau cũng không có phần ghi tên bố mẹ. Tôi bảo anh ta.

- Giờ tôi tội gì mà ông làm biên bản lấy lời khai, căn cứ vào quyết định của công an tỉnh Nghệ An bảo tôi có tội à. Thế thì khởi tố đê, ra lệnh bắt đê, làm gì có chuyện cứ xơi xơi lấy lời khai.

Anh ta cười, ít khi anh ta nổi cáu, trừ khi tôi xỏ xiên về chuyện cá nhân anh ta mới nổi cáu, còn trong công việc lúc nào anh ta cũng tươi cười kiềm chế. Anh ta nói giờ trong Vinh đưa ra thì cần phải làm rõ để kết thúc vụ việc.

Tôi trình bày:

Ngày 6 tôi vào Nghi Lộc Nghệ An đến nhà bạn để dự lễ tuần hôm sau, 10 giờ đêm đến nơi, sáng hôm sau ở nhà bạn dự lễ, đến 10 giờ tối vào tp Vinh ngủ để mai bắt xe về. Đang ở khách sạn thì xảy ra chuyện như đã biết.

Câu hỏi của an ninh.

- Vậy anh có biết hôm đó ngày 8/1/2013 ở tp Vinh có phiên toà xét xử 14 người hoạt động lật đổ chính quyền không?

Tôi lắc đầu.

An ninh.

- Làm gì có chuyện anh không biết, rõ ràng anh vào đó để quay phim chụp ảnh phiên toà, gửi lên mạng.

Tôi lắc.

- Này nhé, ai nói cho tôi mà bảo tôi biết, tôi không hề biết xử xiếc cái gì hết. Tôi ra khách sạn ngủ để đón xe về. Khách sạn tôi trú gần bến xe, gần đường cái chứ không gần toà. Đó là cái thứ nhất, cái thứ hai là lúc phiên toà diễn ra rồi ( cái này lúc xe bắt tôi chở qua phiên toà tôi thấy ) thì chúng tôi đang ngủ, các anh xông vào bắt, không hề có biểu hiện chúng tôi định ra phiên toà. Tại sao lại khẳng định tôi biết và chuẩn bị ra phiên toà.

An Ninh.

- Cái chuyện ra toà xem để chụp ảnh, quay phim là có, anh cứ nhận thì đã sao, anh định thế thì cứ nói thế.

Tôi cười.

- Luật không thể nói cái ”định” được. Luật là trên những chứng cứ khách quan, hợp với logich. Sao tôi nói định về Hà Nội, có đầy đủ tình tiết minh chứng việc tôi định về, lại không được xét. Các anh lại đi xét cái ”định” mà các anh suy diễn ra, khi không có bằng chứng nào.?

An Ninh.

- Tất nhiên chúng tôi còn căn cứ trên những cái khác, bằng chứng khác, chứ không thể anh nói tôi giết người, dao dính máu đây. Là chúng tôi cứ thế tin ông Hiếu giết người, chúng tôi vẫn phải hỏi, vẫn phải làm rõ thêm từ nhiều phía.

Tôi nói.

- Tôi nói rồi, tôi không biết phiên toà nào hết, tôi đi quay phim chụp ảnh đám lễ tuần đầu bạn tôi, kết thúc lễ 9 giờ tối hôm qua. Vì đường xa, chúng tôi ra khách sạn gần đường cái ngủ để hôm sau đón xe về. Lúc chúng tôi đang ngủ thì công an Vinh xông vào dùng hơn trăm người bắt ba thằng bọn tôi về công an thành phố. Chuyện chỉ có thế.

Nhiều thanh niên trẻ vào phòng, họ bên bộ phận kỹ thuật. An Ninh điều tra ( ANĐT ) bảo.

- Giờ chúng tôi kiểm tra đồ đạc của anh.

Tôi lắc đầu.

- Các ông dựa vào cái gì mà kiểm tra, tôi có phạm tội thì phải có lệnh bắt, khởi tố, sao cứ thấy đồ là kiểm tra.

Họ không nói gì, cứ thế kiểm tra, họ đông người. Tôi chẳng thể phản ứng được nhất là khi ở trong trụ sở của họ. Đồ của tôi có máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim, kính camera, điện thoại.

ANĐT hỏi.

- Anh Hiếu, anh cho biết anh có phải nhà báo không mà mang những thứ này?

Tôi trả lời.

- Chả có quy định nào là chỉ có nhà báo mới được mang những thứ này, câu hỏi này lạc lõng lắm, tôi không trả lời.

ANĐT ghi vào biên bản không phải nhà báo những anh Hiếu mang theo rất nhiều thiêt bị ghi âm, ghi hình… thật buồn cười, những câu hỏi dựa trên sự duy í trí chủ quan khép tội. Những câu hỏi thế này sẽ diễn ra theo một chuỗi có dụng í chủ tâm, để người đọc bản khai sẽ cảm giác rằng tôi có tội. Mặc dù nếu đi vào từng chi tiết thì chả ăn nhập gì với nhau. Ngay cả những bản cáo trạng cũng vậy, đối tượng gặp A, gặp B, đối tượng đi C…kết luận là đối tượng thực hiện hành vi D. Toà có cho tranh luận là làm rõ tôi gặp A, B nói gì, bàn gì, đi C làm gì…suy diễn tội là điều phổ thông nhất trong cáo trạng. Ví dụ như đối tượng đã viết những bài viết có tên…nội dung thế nào không nói. Nhưng tòa chỉ đọc cái tên bài rồi khơi khơi nói bài viết xuyên tạc chống phá chế độ.

ANĐT hỏi về nguồn gốc số đồ vật, mục đích đi vào Vinh, khi đi cùng với ai, nói gì với nhau?

À, tôi nghĩ thầm, thì ra họ đang suy luận điều tra theo hướng, có tổ chức giao nhiệm vụ, có người tài trợ phương tiện, có mục đích quay phim, ghi hình phiên toà đưa lên các trang website xấu. Thế thì tôi chả phải sợ nữa, vì những chuyện này không có. Cái loại vô tổ chức, bất trị như ba thằng chúng tôi thì tổ chức nào chứa được, chưa kể chúng tôi thằng nào cũng ngang như cua, đi với nhau còn cãi nhau bỏ mẹ, ảnh ọt thằng nào chụp được thì thằng đấy quăng lên FB của mình. Mạnh thằng nào thằng đấy chơi, có bàn bạc cái gì bao giờ với nhau đâu.

Tôi vững tâm trả lời, giờ thì tôi chả sốt ruột, có ngồi đây 5 hay 10 hôm cũng thế. Số đồ tôi mang theo dùng để quay phim đám tang, nội dung trong máy đã thể hiện. Còn những thiết bị họ nghĩ là tôi dùng nghe lén, quay lén với mục đích xấu thì ơn trời thương cho tôi, những thứ đó lại không hoạt động được hoặc ở trạng thái không sẵn sàng hoạt động. Thậm chí bộ phận kỹ thuật phải chạy đi, chạy lại chật vật mới cho chúng hoạt động. Máy ghi âm thì hết pin, kỹ thuật đi mua pin thay mất nửa ngày. Kính camera không có thẻ nhớ, không có xạc pin, không có dây dẫn máy tính. Điều đó càng chứng tỏ tôi không có ý định ra phiên toà hay đi đâu.

ANĐT hỏi.

- Vậy anh mang theo làm gì ?

Tôi.

- Tôi mua từ lâu, cứ để trong balo, cái đó nhỏ ai mà để ý, đi đâu cứ cho thêm đồ vào mà đi. Còn nếu tôi mang đi để mục đích sử dụng cho chuyến đi thì nó phải được ở trạng thái hoạt động được rồi, anh ghi hộ tôi rõ là những thứ này không trong trạng thái hoạt động sẵn sàng và bên trong không có nội dung gì.

An ninh ghi vào biên bản một số đồ vật ở tình trạng không hoạt động được.

Chúng tôi đi ăn cơm, ăn ở nhà ăn của cơ quan an ninh điều tra, ngồi cùng bàn với cả bộ phận kỹ thuật,trinh sát phục vụ việc điều tra tôi. Vì thế bộ phận an ninh phải mua thêm thức ăn, rất nhiều món ngon nhưng tôi chỉ ăn được có một bát vì mệt. Xong tôi về buồng làm việc ngủ một giấc trên ghế.

Chiều cuộc hỏi cung diễn ra, nội dung lại y như cũ, đồ đạ, nguồn gốc, đi đâu, mục đích.

Hay ở chỗ mỗi lần họ hỏi, tôi lại phát hiện ta những chứng cớ nhỏ những rất giá trị chứng minh tôi đi Vinh chỉ để dự đám tang, còn chả biết phiên toà nào hết. Ví dụ phiên toà xảy ra dự kiến 3 ngày mà quần áo, đồ dùng tôi mang theo chỉ có một hay cùng lắm hai ngày. Tôi đi từ hôm 6, số đồ dùng cá nhân phù hợp với ngày 8 tôi về. Còn nếu theo phiên toà thì phải dự kiến đến ngày 10 cơ. Khi vào đám tang tôi ở đó từ lúc vào đến lúc ra khách sạn ngủ, chả đi đâu, chả gặp ai, chả quay chụp cái gì khác ngoài đám tang. Có hình ảnh dân phòng trước cửa khách sạn thì tôi bảo là tôi chụp để dự thi ”người tốt, việc tốt ” mà báo nhà nước phát động, hình ảnh trong mưa rét đến 60 dân phòng phong toả khách sạn để làm nhiệm vụ.

ANĐT bảo tôi chụp thế để tung lên mạng rêu rao đây là tay sai, đây là chó săn…

Tôi nói.

- Tôi chưa bao giờ dùng những câu nói đó để nói về họ, khả năng sử dụng ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ của tôi anh biết quá rõ. Còn việc tung lên đâu thì anh không có cơ sở suy luận. Giờ anh hỏi tôi thì tôi trả lời theo suy nghĩ lúc tôi chụp, đó là hình ảnh những người dân phòng thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao trong thời tiết rất khắc nghiệt, tôi chụp để gửi báo nhà nước dự thi gương người tốt việc tốt. Anh phải ghi cho tôi, vì anh hỏi tôi trả lời thế.

Kiểm tra hình ảnh dân phòng trong máy camera của tôi thì đúng là những hình ảnh này chưa đưa lên mạng. Hình ảnh trên mạng không khớp với hình ảnh trong máy quay phim của tôi. ANĐT ghi cho tôi theo đúng những gì tôi khai về mục đích chụp ảnh, quay phim dân phòng.

Chiều tôi bảo mệt, muốn ăn phở, không ăn cơm.

Hai cán bộ ANĐT dẫn tôi ra ngoài ăn phở, ăn xong họ đưa tôi về, qua cổng gác cổng chả hỏi. Họ buột miệng.

- Hay cái ông Hiếu này, qua cổng quen đến nỗi gác cổng chả hỏi nữa.

Họ bảo tôi ngủ lại đây, mai làm việc tiếp.

Tôi bảo thế thà các ông ra lệnh bắt tôi, tôi còn đòi được tiêu chuẩn phòng giam, có chỗ nằm, có chăn chiếu. Chứ ngủ đây thì tôi ngủ trên ghế à.?

Họ chỉ tôi chiếc giường của cán bộ có chăn đệm đầy đủ.

Tôi hỏi thế tôi ngủ một mình à. Họ đưa hai cậu trẻ vào, tôi hỏi thế hai cậu này ngủ đâu. Hai cậu nói là bọn em ngồi ghế. Tôi bảo đéo ai lại thế, một thằng nằm hai thằng ngồi thì nhìn khó chịu lắm. Ra khách sạn hết cho xong.

ANĐT bảo để tôi xin ý kiến lãnh đạo, lát sau anh ta quay lại bảo tôi đi ra khách sạn. Xe ô tô có tôi nữa là 5 người ra khách sạn. Có hai người ở với tôi, còn lại đi về. Lúc ANĐT đưa chứng minh thư, chủ khách sạn (khách sạn nhà nước) chỉ lấy một cái. Tôi bảo.

- Đấy, các ông thuê khách sạn cũng chỉ một chứng minh thư, sao tôi lại bị hoạch hoẹ rồi khám xét, rồi bị bắt.

ANĐT cười.

- Thôi, ai mà chả biết ông thế nào.

Tôi vào khách sạn, lên giường ngủ luôn, sáng sau mở mắt chỉ thấy mỗi một anh bạn ANĐT quen thuộc, hỏi ông kia đâu thì biết về sớm đón con rồi. Ra cửa ăn phở xong, anh ta hỏi đi taxi chứ, tôi bảo đi bộ thôi, có đoạn đường ta xi làm gì. Chúng tôi đi bộ , anh ta bảo anh ta khổ vì tôi, nửa đêm lên Lạng Sơn vì tôi, nửa đêm trực nghe tin Vinh báo về tôi, phải thức chờ đến lúc tôi về Hà Nội, mất tiền khách sạn cho tôi ngủ. Tôi rút ví (từ lúc trong Vinh đến Hà Nội họ không đụng đến ví tiền của tôi) bảo.

- Thế tôi trả tiền ăn và khách sạn lại cho ông, ai bảo các ông bắt tôi chứ tôi muốn đâu.

ANĐT cười.

- Thôi nói thế thôi, ai dám cầm tiền của ông, người ta nhìn thấy bảo ông hối lộ tôi à.

Chúng tôi đi vào cổng, anh ta bảo tôi cứ vào phòng ngồi trước đi, anh ta lên gặp cấp trên trao đổi.

Tôi nhờ mua thuốc lá, người của An Ninh đi mua hộ tôi mà không lấy tiền của tôi. Một ấm trà ngon mới pha. Tôi ngồi hút thuốc, uống trà và chờ đợi.

Trong mấy ngày làm việc, sự chờ đợi khá dài, cứ hỏi cung xong điều tra viên cầm hồ sơ, lời khai đi xin ý kiến chỉ đạo. Hàng tiếng mới quay lại để hỏi xoáy những thêm câu gay gắt. Ta sẽ không thể biết lúc quay lại họ hỏi chuyện gì, bao giờ cũng là tình tiết mới, chuyện mới được hỏi bằng những câu rất hiểm mang tính quy chụp.

Sự tử tế hiện lên ở thái độ đối xử như cơm, nước, nghỉ ngơi, trà thuốc không có nghĩa cũng hiện ra ở câu hỏi.

Mà điều quan trọng cần cho người bị điều tra là ở những câu hỏi khách quan của cơ quan an ninh điều tra, chứ không phải nằm ở chỗ được đối xử tốt, ăn gì, uống gì đều được đáp ứng. Trái lại sự đáp ứng về vật chất đấy còn khiến người bị hỏi cung dễ chủ quan, dễ dãi khi trả lời không cân nhắc.

Tôi mong được quát tháo, được cấm đoán, được đối xử ngược đãi, thậm chí là đánh đập nữa. Chỉ cần thế là tôi sẽ có cớ chả làm việc gì. Tôi sẽ vin vào vì bị quát sợ quá tinh thần bị khủng hoảng không làm việc (cái này tôi đã dùng ở nơi khác rồi). Còn hơn là thái độ tử tế khi đối xử, như tôi không cần sự kéo dài thời gian làm việc ngày này sang ngày khác, sự khám xét đồ bất cần luật lệ, và những câu hỏi suy diễn theo chiều hướng để đi dẫn dắt người đọc có nhận định rất chủ quan mà chính họ không biết.

Cuộc đời hơi khó khăn ở chỗ. Ta vừa ngồi chung mâm với họ, cùng ngủ chung phòng với họ, uống chung ấm trà, bao thuốc như những người anh em, hỏi han chuyện gia đình, con cái rất tình cảm. Nhưng chỉ mươi phút sau ta phải căng đầu để kiên nhẫn tìm những điểm mấu chốt để minh oan cho mình, trước những câu hỏi buộc tội của họ. Điều đó còn khủng khiếp hơn là phải đối mặt với những điều dữ dội xảy ra mà mình thấy. Những câu hỏi liên miên, lập đi, lập lại, mỗi lần lại nảy ra một điểm cần giải thích. Ta phải hoạt động bộ óc như một nhà toán hoc, luật học, tâm lý học để giải thích trơn tru và tự nhiên những điều mà họ hỏi.

Có một cách đơn giản là tôi không trả lời, các ông vô cớ bắt tôi ở khách sạn, giờ đi mà điều tra tôi không nói. Và ngồi khoanh tay, nhắm mắt, không nói năng gì cả.

Nhưng nếu có cách giải thích thì tội gì không làm, và hơn nữa nếu chả có cái vụ bắt ở khách sạn Vinh. Thì cơ quan an ninh điều tra vẫn gửi giấy triệu tập tôi như thường, bao lần có cần tôi bị bắt ở đâu thì họ mới hỏi thế đâu. Đang ở nhà đưa đón con, đi chợ như thường vẫn bị triệu tập lên hỏi như vậy. Chuyện ở Vinh thì thấy, công an hỏi giấy tờ, bảo có đủ giấy tờ thì thôi, có đủ rồi thì đòi kiểm tra đồ, không cho kiểm tra đồ thì bị chặn cửa không cho đi lại, sáng sau bắt vì tội cản trở và chống người thi hành công vụ. Có bằng chứng clip trên mạng là không chống người thi hành công vụ thì lại bị xoay sang tội tổ chức ghi lén đoàn kiểm tra tung lên mạng. Cãi được cái đoạn là không ghi lén vì các ông vào phòng tôi chứ tôi có cơ quan ông đâu, ông đi kiểm tra tôi có biết được trước đâu. Lại đến tội là ở đâu ra thiết bị này, ai cấp, mang theo dùng vào mục đích gì….

Cuộc hỏi cung lại diễn ra, chẳng khó gì không nhận thấy mục đích của các câu hỏi theo hướng suy diễn. Phiên toà xử các thành viên Việt Tân, tôi đi vào đó mang theo máy móc thế là để thu thập tin tức phiên toà. Như vậy thì chỉ có tôi là người của Việt Tân mới đi làm như thế. Hơn nữa bằng chứng đầy rẫy, hay những kẻ khác khai báo tôi có quan hệ với thành viên đảng Việt Tân (những kẻ khai báo này vẫn nhởn nhơ bên ngoài dưới cái mác là chiến sĩ đấu tranh dân chủ, vui một điều mỗi lần bị điều tra qua các câu hỏ của an ninh, tôi lại sàng lọc ra tên những kẻ như vậy bằng suy luận của mình). Tôi quen Paule Sơn ai mà chẳng thấy, giờ Paule Sơn bị kết tội Việt Tân xử tù ở Vinh. Tôi quen với Nguyễn Đình Cương cũng trong vụ án xử cùng Sơn với tội danh tham gia Việt Tân. Trong mạng xã hội thì đầy người hỏi han sức khoẻ, gia đình tôi như bác Hoàng Cơ Định. Mà bác Định thì nghe phong phanh không rõ lắm là em của bác Hoàng Cơ Minh, người sáng lập Đảng Việt Tân.

Tôi quen họ với tình cảm con người với con người, chưa ai trong số họ khi quen tôi họ xưng họ là đảng viên đảng Việt Tân. Tôi cũng không bao giờ bàn chuyện về chính trị, xã hội với họ. Nhưng nhìn vào đó thì cũng không thể trách được cơ quan an ninh điều tra họ đặt vấn đề nghi ngờ. Nhưng nghi ngờ và làm rõ nghi ngờ là việc của họ. Tôi chẳng tham gia đảng phái nào hết, đơn giản không phải tối ghét đảng phái mà tôi là thằng vô kỷ luật, thích tự do, không chịu bị áp đặt hay điều khiển.

1- Không cản trở người thi hành công vụ.

2- Không ghi lén đoàn kiểm tra rồi tung lên mạng với lời bình luận xấu.

3- Không vào Vinh với mục đích thu thập thông tin phiên toà để đưa lên mạng với dụng ý xấu theo chỉ đạo của ai.

4-Không phải là đảng viên của đảng phái nào.

5- Không biết gì về hoạt động, suy nghĩ của người khác.

Tôi được về sau khi làm có vỏn vẹn từng ấy nội dung, bao nhiêu tờ khai tôi cũng chả còn nhớ. Hôm sau phải đến làm việc.

(Còn nữa)

Phản hồi