Đêm hỗn mang
1.
Tôi đến Komtum, khi nắng chiều bắt đầu ửng sắc vàng mài mại, trời mang mang nét buồn. Cái… “buồn muôn thửơ” kiếp làm người, của vùng đất cao nguyên chưa chịu đi vào dĩ vãng một thời xót xa đã qua; và vẫn tồn tại trong lòng người ở nơi vùng cao địa đầu đất nước.
Thác vẫn đỗ và con sông vẫn chảy ngược như bao đời.
Komtum với tôi là tuổi thơ mộng mị, với những đàn voi, với những “thằng Nài” ngất ngưỡng trên những thớt voi, những hàng cây cao su thẳng tắp, đồng đều; những cây càfê ra hoa trắng nỏn mượt mà cuối năm, những cọc tiêu nằm sát những cây cao su cao ngất, với đất đỏ dính đặt kẹo dưới đế dép, một thời…
Ôi Komtum, Buôn Mê! Địa đầu chiến tuyến miền cao?
Các sử gia ghi chép: Mậu Thân- Huế chết sáu ngàn người! Buôn Mê, 1975 chết bao nhiêu người? Điều này chưa lý giải, vì đó là kết cục của chiến tranh ly tán chưa được xác nhận! Có lẽ nhiều hơn gấp nhiều lần??? Hay ít hơn?
Nhã Ca viết: “Giải khăn xô cho Huế”, nhưng chưa ai viết… Giải khăn xô cho Buôn Mê!
Một điều đáng buồn!
Chuyến bay từ California, rồi đến Sài Gòn, sau đó tôi bao nguyên xe đi Pleiku, thăm lại quê cũ, đã ngốn biết bao thời gian.
Vừa về đến nhà, tôi bảo thằng cháu:
“Chở Bác đến Tân Cảnh”.
“Ơ kìa! Bác nghỉ ngơi chứ, mai hẳn đi”.
“Cứ chở Bác đến đấy, rồi về. Mặc Bác!”
Mấy đứa em tôi khuyên, vì nơi vùng địa đầu cao nguyên này trời nhanh bủa chụp bóng tối, hẳn mai hãy đi. Tôi quơ tay bảo thằng cháu, chở tôi đi. Cả nhà buồn, nhưng cũng đồng ý, vì họ biết tôi muốn gì sau ba mươi lăm năm, ngày này -ngày buồn nhất trong đời của tôi- để trở lại quê hương.
Thằng cháu chở đi, bỏ tôi dưới đường, trước chân đỉnh núi 960, bịn rịn chia tay, hẹn ngày mai trở lại.
Tôi đeo ba-lô, trở lại con đường cũ quen thuộc, với cái vai còm cỏi trên sáu mươi năm cuộc đời. Cuộc đời là đây! Cuộc đời của một thời tuổi trẻ chinh chiến. Sống cho quê hương, chết cho quê hương! Dường như, quá khứ không bao giờ tha thứ, cho những con người sống vì một lý tưởng. Dù rằng lý tưởng ấy đúng hay sai trong cái nhìn khía cạnh cuộc đời, mà họ phải sống và được sinh ra nơi ấy. Ông Thiên chỉ là bịa đặt, để con người sống tử tế hơn, không chém giết nhau, hảm hại nhau, trong muôn trùng vây hảm ý nghĩa kiếp làm người: Tôi muốn sống!
Vậy sao trong khía cạnh nhìn cuộc sống về phía trước, sự hoài bão thành người hoàn thiện, tôi chỉ nhìn về quá khứ?
Quá khứ làm đau dứt tâm can! Quá khứ ngàn năm Bắc thuộc, quá khứ trăm năm bị đô hộ bởi phương Tây, và quá khứ người đồng chủng giết nhau bằng súng đạn phương Tây!
Tôi đi đến chân núi 960, nhìn quanh quẩn, thấy dưới chân mình là tấm ảnh của Anh, được lát kỹ trên một lớp gương trắng sáng, cùng những thức ăn, hoa quả do ai đó cúng kiến hóa vàng, với bó nhang to và những chân nhang cắm đầy rẫy xung quanh, đã cháy hết từ lâu nhưng mùi hương vẫn còn đọng trong không gian tê tái.
Lâu lắm rồi! Từ ba mươi tám năm về trước.
“Anh Năm!”
Tôi quỳ xuống, run tay sờ bức ảnh Anh, lấy tay áo miết trên mặt gương vốn đã sạch bóng. Vài cánh bướm bay chập chờn, tôi xua tay đuổi. Ở tuổi trên sáu mươi, nước mắt còn nhỏ lệ cũng làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã khóc ba mươi lăm năm. Đã cạn lệ và lòng. Tù tội, tha hương, gia đình tan nát… còn gì đau khổ hơn?
Đỉnh núi cao không quá ngàn thước, buông xuống thung lũng, với dòng chảy cuồn cuộn sông Pôkơ và đường 14, chính là bải đáp của cứ điểm Charlie của tiểu đoàn 11 Nhẩy Dù.
Trên, mây trôi là là, ẩm thấp sương mù mỗi khi chiều xuống âm u đất trời, đó là cao độ 1500 thước của hai đỉnh núi Kngok Toim, Kngok Im Derong của vùng Tây nguyên trung phần.
…
Anh Năm ra lệnh tôi trong máy:
“Đại úy cho mấy đứa con cắt lẽ ra, chia từng nhóm mà đánh chúng nó.
“Em cắt rồi Anh Năm”.
“Cắt rồi mà sao chúng nó cứ pháo hoài?”
“Bộ Tư lệnh tiền phương, không tin chúng nó có pháo tối tân như vậy!”
Anh Năm vô Bunker một lát, thò đầu ra:
“Đù mẹ! Nó ở trên cao độ hơn mình nên pháo xuống. Phân tán mỏng ra nhanh! Đại úy là dân địa phương này, biết tỏ đường đi, nên rẽ đường mà phục chúng.”
Anh Năm lại thụt vô Bunker. Tôi thốc lính rãi dài ra, cố thoát hàng loạt đạn pháo rải xuống như mưa bùn.
Mà thực, bọn chúng được tiếp vận khí tài càng lúc càng nhiều. Pháo trên cao trút xuống mãi miết và dưới đỉnh 960, bọn chúng hầm hè bắt loa hô khẩu hiệu xung phong. Tôi bò, hai cùi chỏ đi như hai chân, hai chân lại thế đôi tay mà trườn, tay nâng súng ngang vai, cứ thế tôi bò gần đến Bunker Anh, thì nghe một tiếng nổ như vỡ tan không khí.
Thiếu úy M. la lên:
“Trời ơi! Anh Năm bị nguyên trái rồi.”
M. trườn lên, định nhào tới bunker, tôi kéo M. xuống, nhưng hắn giựt tay tôi ra. Chạy hơn chục bước, M. bị một loạt đạn cày từ dưới đất lên tới lưng. Thiếu úy M. ngã xuống, cái nón sắt lăn long lốc xuống trảng sâu bên dưới.
Thượng sĩ Quí nằm sau tôi thấy vậy, bật dậy. Tôi nắm tay ông, nói:
“Ông lên không được đâu!”
“Chẳng lẽ mình để Thiếu úy và anh Năm nằm lại nơi đây?”
Dứt lời ông thượng sỹ nhào lên. Khi ông vừa tới bên cái xác thiếu úy M., cũng một loạt đạn cày như vãi trấu trên thân thể ông. Xác ông nằm úp trên thân thể M.
Đêm lại buông xuống, cho ngày mai ngầy ngụa những thứ vũ khí giết người! Sự lập lại: Ngày và Đêm.
Đội kèn “âm binh” ở lưng chừng lũng thổi lên từng nhịp thôi thúc điên khùng. Những cái nón cối ló lên vành miệng đỉnh 960, như những hòn đá tảng, hằng hà, lớp lớp. Một biển người!
Trên cao, hai khu trục cơ ào xuống, rãi một loạt bom trên đầu những cái nón cối. Tiếng rên la, kêu thét hãi hùng, lẫn tiếng kèn thôi thúc như ma mị. Những cái nón cối, bây giờ biết đứng, chạy và la hét, đồng loạt xông lên.
Chúng tôi vừa ném lựu đạn, ở tầm gần sát thương nhất, vừa kéo đám lính còn lại mười mấy mạng, lùi xuống con dốc lài lài, bắt đầu rút để bảo toàn tính mạng con cái.
“Anh Năm! Em xin lỗi. Không lấy được xác Anh, suốt cuộc đời này, em …”. Tôi khóc.
2.
Ngày này, tháng này, chiều nào tôi cũng ra đứng trên mỏm 960 nhìn xuống lũng sâu. Đứng mà nhìn! Nhìn đứa con gái tôi, cúng vái tôi, rồi ngồi khóc một mình. Đứa con gái mà tôi yêu thương, khi tôi mất nó vừa gần bảy tuổi. Tôi cũng nhìn những người lạ hoắt, đến thắp dưới chân mộ tôi, mà ngạc nhiên rằng: sao họ lại cúng vái tôi, khi không một thân thích ruột rà?
Tôi biết, con gái tôi yếu đuối, cũng như những người đến cúng vái tôi, ngại leo lên một cao độ 960 mét, đỉnh cao của núi. Tôi muốn vươn tay ôm tất cả, nhưng tôi ngại họ sợ… một Bóng Ma!
Nhưng hôm nay, một linh tính báo cho tôi biết một điềm lành sẽ đến, sau khi đứa con gái tôi ra về. Chốc chốc, tôi đi ra đầu mỏm, nhìn xuống lũng nhiều lần và thấy đứa em thân thiết ngày nào đã về như mong đợi ba mươi tám năm!
Thằng thư sinh mặt trắng, đẹp trai nhất tiểu đoàn, khi trình diện tôi là một anh chàng sĩ quan vừa mới ra trường! Mấy ông sĩ quan cứ nói thế.
Người thanh tao, trán dựng đứng, là loại lỳ! Anh theo tôi nhiều năm, và tôi biết khả năng anh.
Vì thế, tôi không lạ khi anh trở về nơi chốn tôi nằm lại viên miễn.
Đốt điếu thuốc, tôi trãi những tấm “boncho” dưới lớp đất đá lạnh lẻo, quơ mớ củi khô làm mồi cho lửa, ngồi chờ.
Nhìn những tàn lửa vụt bay trên không gian mù sương đặc quánh như sửa, tôi nhớ đến Mẹ! Tôi có hai bà Mẹ! Hai bà đều sinh ra tôi dưới bầu trời khắc nghiệt này! Một Mẹ cho tôi bú mớm bằng những dòng sửa ngọt ngào hương vị lẫn đớn đau. Một hương vị để sống, để thành Người hoàn thiện và một hương vị cũng để sống và tàn hại nhân sinh! Bà mẹ thứ hai to tát hơn! Bà là gia tộc mẫu hệ nhuần nhuyễn! Tôi gọi bà nhuần nhuyễn, vì bởi, tôi thấy và biết bọn đàn ông, chỉ là kẻ thừa hành những dục vọng, ăn xài cho chính mình vì những thói đời cay nghiệt: chiến tranh, tư tưởng, và nhiều thứ để họ hưởng lạc an nhàn.
Vừa hút xong mấy điếu thuốc, tôi thấy An bước lên mép đỉnh 960.
“Anh chờ chú đã lâu!”
An bỏ ba-lô, hai tay nắm vai tôi:
“Em không ngờ, anh chờ em lâu đến thế!”
“Người chờ Ma, chứ làm sao Ma chờ Người!”
“Làm sao em chờ được?”
“Trong mộng mị những giấc mơ!”
“Cái anh này! Đến đã chết, mà không thể không đùa được!”
“Gặp tao, mày không sợ à?” – Tôi thân thiện.
“Sao vậy anh Năm?”
“Tao là Ma!”
“Em cũng là Ma!”
“Nói nghe nghịch nhĩ!”
“Anh Năm cứ tưởng, sống ở ngoại quốc, ai cũng hài lòng chính bản thân mình à?”
“Thì tao nghe đài báo, tụi nón cối năm nào, chúng nó bảo: Bọn ăn bơ thừa sửa cặn. Tao cứ tưởng y chang, vì nằm đây quá lâu!”
“Thằng “mặt trắng” mà Anh thích thú, đâu đến như vậy, anh Năm!”
“Thôi bỏ qua đi. Nói tao nghe, hồi tụi mày rút xuống lũng, rồi sao?”
“Băng rừng, lội suối cả tuần mới thoát vì chúng đeo riết quá, anh Năm!”
Mấy cành củi khô nổ lép bép, rồi phựt lên như một đóm sáng, hơi sương lóng lánh, mờ ảo, tạo nên một cầu vòng nhỏ trong đêm.
An lùi lại, phản xạ tự nhiên, kéo những tấm “boncho” đầy hơi sương, ụp xuống tàn lửa.
“An ơi! Sao mày làm vậy? Anh em chúng ta đó!”
“Trời ơi! Em quên ông Thầy. Cứ thấy lửa là lòng dạ em nó xốn sang. Cả quê hương này bị vây chụp từ lửa! Lửa từ Quảng Trị, lửa từ Huế, lửa từ Bình Long, lửa từ An Lộc, lửa từ Khe Sanh, lửa từ A Lưới, A Sao, lửa từ Komtum, lửa từ Sài Gòn và từ khắp mọi nơi trên cái đất nước nghiệt ngã thù hận này!”
An ôm mặt khóc như một đứa trẻ.
“Qua rồi một thời trai trẻ. Bình tỉnh chú An!”
An rũ rũ mấy tấm “boncho” trải ngay ngắn, cúi xuống vái ba lậy:
“Anh đáng chết. Mấy em bỏ quá cho! Anh quên, còn lại bao nhiêu anh em trên đỉnh đồi 960 này!”
“Thôi quên đi An ơi!”
“Anh Năm, cho em hỏi?”
“Ừa!”
“Hồi đó, ở cao độ lưng chừng này, mình thua là cái chắc, tại sao họ điều về một nơi mà họ biết là thua, mà vẫn đưa đến?”
“Ở đây, tao tự bắt cái đĩa định vị vệ tinh từ lâu, xem kênh truyền hình Mỹ, thấy phim “Hamburger Hill” đến phải mũi lòng, cho cái dân tộc giầu có, mà tâm địa xấu xa như loài cóc nhái. Hát đồng dao ban ngày, ban đêm hòa giải cùng lũ bành trướng đất đai phương Bắc ác độc.”
“Một thằng giàu vậy, mà hết thuốc chữa, anh Năm?”
“Đã từ lâu! Nếu không, tao không nằm ở cái đỉnh điểm 960 chết tiệt này, để được vinh danh: Anh không chết đâu Anh!”
“Lịch sử, phải là đau thương, đẫm máu, mới gọi là lịch sử! Không đau thương, đẫm máu, sao làm nên trang lịch sử? Anh Năm, phải có Nguyễn Đình Bảo là làm nên lịch sử?”
“Ơ! Thằng mắc dịch. Mày nói đó nghen An!”
“Hồi đó, anh thích ăn xôi nén với thịt gà kẹp lạp xưởng.”
“Nhớ dai dữ!”
“Anh kể mà! Vợ anh…”
Tôi đạp An ngã ngửa:
“Đừng nói vợ, con với tao. Thèm lắm… cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.”
Tôi đi đến đỉnh dốc, bốc con cu đái xuống đỉnh 960 chó chết này! Đỉnh dốc cao, dòng chảy của sông, lớn hơn lòng người? Sông cuồn cuộn chảy. Chảy vào đất đá, phù sa! Hoặc chảy vào đâu?
Chiến tranh chấm dứt, sông chảy vào lòng người!
“Một con cu, có thể thăm dò sự bần tiện, sung sướng, thỏa mãn đến kinh khiếp não lòng nhân sinh! Còn đâu là ý chí quật khởi?”
“Anh Năm! Nghe nặng nề quá. Nắm xôi, em gói gắm từ Sài Gòn cho Anh đây.”
Tôi chụp gói xôi Sài Gòn thân thương ba mươi tám năm chưa về, nhai ngấu nghiến. Như nhai kỷ niệm, nhai vợ con, nhai một thời sung túc, nhai cả quê hương bên bờ vực thẳm hiện thời. Tôi nói:
“Của cúng cho Ma, nó khác của đem đến tận tay cho Ma!”
“Anh Năm, mỗi thời mỗi khác!”
“Con gái tôi, cũng biết ý mẹ nó, hằng năm ngày này, nó đều cúng tôi những nắm xôi nén chặt, vo tròn. Ba năm đầu, vợ tôi nén những nắm xôi còn ngon lắm, như ngày xưa. Năm thứ tư, cũng là nắm xôi vo tròn, nhưng trộn nhiều hạt tròn vo, không thịt, cứng ngắt. Tôi tức giận ném những nắm xôi, nói: Thứ này chỉ có Khỉ nó mới ăn! Đây là thành quả của cách mạnh thành công!?”
Ăn hết những nắm xôi, tôi nói:
“Uống trà nhé?”
“Anh có trà, ở đâu vậy?”
“Khối! Có thằng này, chuyên gia về trà mà lị! À, mà chú có nhớ thằng Bắc?”
“Bắc nào?”
Tôi bắt loa tay:
“Bắc ơi!”
3.
Đang nướng mấy củ khoai mì ăn cầm hơi, tôi nghe tiếng gọi của lão Bảo.
“Mẹ kiếp! Đồi trọc 960 này trơ nắng, trơ sương tê tái. Cái đất này chỉ có khoai mì, khoai lang là mọc được, còn cứt gì mà ăn! Lão Bảo có thân nhân, bạn bè tứ xứ nhớ thương mà cúng vái, cũng có ăn thịt thà chút đỉnh! Chớ bọn tôi từ miền Bắc vào đây chết, ai biết mồ mả ở đâu mà cúng kiến.”
Tôi đánh Mỹ cứu nước từ lúc còn mặc quần xà lỏn, rồi đi B.
Mười bảy tuổi, tôi đôn lên đủ tuổi, trích huyết viết đơn tình nguyện ăn thề, để đi vào miền Nam, nơi đang bị gò xiết bởi Đế quốc Mỹ, Thiệu, Kỳ bán nước buôn dân.
Trước hôm ra đi, tôi muốn cảm nhận: Đàn ông là thế nào, khi sung sướng tột đỉnh bản chất làm người, khi vào vùng chết!?
Ra Khâm Thiên thử thời vận thì tôi sợ!
Mười bảy tuổi, thiếu ăn trăm bề, tôi như một đứa con nít.
“Trái chuối” của tôi cũng nhỏ lắm. Trong mộng mị, tôi tự lột “trái chuối” của mình và thấy đau xót xa. Sợi chỉ bị xé, vài giọt nước mắt rỉ xuống, đậm đặc màu sương sửa!
Lão Bảo, khi thân quen cùng nằm trên đỉnh 960, hỏi tôi:
“Chơi gái Hà Nội chưa?”
“Thoải mái, như… cà-rem phơi đầy đường!”
“Biết Ba vành không?”
“Ba Lẻ Bẩy Sư Đoàn, chứ Ba Vành gì ông”?
“Ba vành là ba tiến công thời ấy nhé! Huế một vành, Tây nguyên lại một vành, Miền Tây lại một vành!”
“Mà lại thua!”
“Thôi ông ơi! Vậy mà nói thoải mái…! Ba vành của bà Hồ Xuân Hương ấy.”
…
Tôi chống cây gậy tự tạo, kẹp ngang nách khật khưởng đi ra, cầm theo mấy củ khoai. Chỗ lão Bảo nằm, không cách xa chỗ tôi là mấy. Tôi vừa ngồi xuống, lão Bảo hỏi tôi:
“Ông Bắc còn nhớ ông An? Ổng từ Mỹ mới về.”
Tôi nhìn người đàn ông thấy quen quen, nhưng không nhớ nổi. Tôi lắc đầu.
An chợt reo lên:
“A. Tôi nhớ ra rồi! Đây là ông Thượng úy Bắc, thương binh, bị lựu đạn của tôi mất một cái “chân giò” được ông thiếu tá bác sĩ cứu thoát. Ủa, ông cũng nằm lại đây?”
Tôi nhìn An cám cảnh:
“Lúc mấy ông băng bó tôi xong, bỏ tôi nằm gần cái bunker ông trung tá Bảo này nè, tôi nằm mê man bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, biết mình đã là Ma. Mẹ kiếp! Đồng đội tôi, nó giết tôi chứ nào ai khác. Chúng nó từ đỉnh 1500 cứ dội pháo liên tục xuống, bất kể đồng chí, đồng đội chúng đang ở lưng chừng đỉnh 960 leo lên xung phong theo tiếng kèn như ma mị dìu dắt. Không một quân đội khốn nạn nào như quân đội nhân dân Việt Nam! Chúng coi mạng sống đồng đội như con kiến, củ khoai. Không như phía các ông. Thằng Việt cộng thương binh là tôi, xâm lăng miền Nam các ông, mà các ông vẫn nhân đạo băng bó vết thương tôi, ủy lạo tôi, thì điều tôi thấy phi lí nhất là mình đã đâm đầu vào cuộc chiến khốn nạn nhồi da, xáo thịt này.”
Bảo đùa:
“Giờ ông mới biết?”
Tôi cười buồn:
“Khi biết, thì phải trả cái giá làm thằng Ma xó vất vưỡng núi rừng Tây nguyên, thân nhân không ai biết, mà cúng kiến ăn cho no đủ như ông Bảo này! Một cuộc chiến ngu xuẩn. Khi thống nhất đất nước, mình mới nhìn ra, mình đi chết cho những thằng buôn dân, bán nước của hệ thống Đỏ khốn nạn từ đẩu đâu. ”
Tôi lấy cái ca sắt nhà binh Mỹ đeo trên vai, đổ bi đông nước vào và vùi nó vào ngọn lửa đang nung chảy đỏ rực trên quê hương khốn khổ này, nhón vào đó một nhúm trà trên đất Bắc luôn mang theo bên mình, từ ngày lìa bỏ quê hương, làm Ma đất người.
Bảo buồn buồn nói:
“Chúng ta đã chiến đấu cho dân tộc này, với cái nhìn từ hai phía của những công dân yêu nước. Dù đúng dù sai, tất cả cũng đã muộn màng. Bọn chúng đang cày nát Tây nguyên và bán đất nước này cho ngoại bang phương Bắc. Vòng quay lịch sử Lê Chiêu Thống đang quay lại trên cái đất nước này. Một con đàn bà đã viết (đại khái): Đất nước Việt này là con, là cháu của Rợ phương Bắc! Lịch sử đã và đang sắp làm điều đó!”
…
Lửa vẫn cháy. Vẫn cháy muôn đời trên cái đất khốn khổ ngàn năm văn hiến.
Lửa vẫn cháy.
Đêm vẫn hỗn mang đời đời.
***
Chiêu ngụm trà, chúng tôi -những người con của Tổ quốc- ghi lại quá khứ hỗn mang.
Canada, 07-01/05/2010
© Vũ Đình Kh
© Đàn Chim Việt