WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nguyễn Văn Thiệu và cuộc chiến 1975

Sau khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn hay Hành làng 613 song song với đường mòn Hồ chí Minh nhưng nằm trong lãnh thổ VNCH, BV đã xử dụng hằng nghìn xe máy ủi, hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… ngày đêm, phá núi san đèo, xây cống, làm đường, dựng cầu… Tới 1975 thì  hoàn tất công trình, tuyến đường rộng 8 m, dài 1200 km, đường dẫn dầu từ Quảng Trị tới Lộc Ninh, chiều dài toàn bộ 5 hệ thống trục dài 5,500 km, 21 trục ngang 1,020 km, hệ thống dẫn dầu dài 5,000km. (Phần này chúng tôi dựa theo tài liệu của Nguyễn Đức Phương và Đặng Phong)

Nhờ hệ thống xa lộ Đông Trường Sơn mà BV đã vận chuyển vào Nam một khối lượng rất lớn súng đạn, sau 1975, CSBV tiết lộ trên báo Sài Gòn Giải Phóng số vũ khí đạn dược của họ năm 1975 coi như gấp 3 lần năm 1972, có thể họ phóng đại lên, nhưng chắc chắn đạn dược vũ khí của BV năm 1975 phải dồi dào hơn năm 1972.

Như chúng ta đã thấy, năm 1975 lực lượng BV tham gia cuộc tổng tấn công lên tới 20 Sư đoàn, gấp hai lần số Sư đoàn của họ  tham chiến trong trận Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Theo tài liệu CS, quân số của BV trong giai đoạn 1975 rất dồi dào, các đơn vị, tiểu đoàn quân số đầy đủ, được bổ sung nhiều, tóm lại giai đoạn này BV hơn hẳn VNCH về nhân lực. Tháng 10-1974 Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt đã lựa chọn chiến trường Tây Nguyên làm chủ yếu. Bộ Chính trị CSBV đã đưa kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976 để chiếm miền Nam. Ngày 9-11-1974 Quân Uỷ Trung Ương họp quyết tâm đánh Ban Mê Thuột, chiến dịch được mang tên 275.

Ngày 13-12-1974 CSBV tấn công Phước Long, lực lượng trú phòng VNCH chiến đấu anh dũng  cho tới 7-1-1975 thì thất thủ, trong số 4,500 binh lính, sĩ quan VNCH chỉ còn 850 người sống sót, còn lại bị giết, bị bắt. Một tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn địa phương quân không thể chống lại gần 3 Sư đoàn CSBV. Khi ấy ông Thiệu mới biết lực lượng địch không yếu như ông đã đánh giá.

Chính phủ cho biết không thể  tăng viện cho Phước Long vì không đủ khả năng tiếp tế, cứu viện bằng trực thăng từ Biên Hòa vả lại về mặt kinh tế, chính trị, Phước Long không bằng Pleiku, Tây Ninh, Huế nên phải giữ lực lượng để bảo vệ các vùng khác. CSBV đánh Phước Long để thăm dò dư luậïn Mỹ và thấy Mỹ chỉ  phản đối xuông, cũng có ý kiến cho rằng ông Thiệu cố tình hy sinh Phước Long để kéo Hoa kỳ  trở lại yểm trợ cho VNCH.

Khi ấy ta biết chắc BV sẽ đánh lớn vào đầu năm 1975 nhưng chưa biết tại đâu. Đầu tháng 3-1975, BV vờ cho pháo kích Pleiku dữ dội để đánh lạc hướng nhử cho các đơn vị VNCH lên giải tỏa rồi cắt các đường giao thông (19, 14, 21) dẫn đến Ban Mê Thuột, nghi binh thu hút quân đội VNCH về phía Bắc. Ban Mê Thuột là một tỉnh lớn tại Cao Nguyên với số dân khoảng 200 ngàn người, có nhiều đồn điền cà phê, trà, cao su. Trong trận tấn công này, BV không đóng quân ở vị trí xuất phát mà từ xa vận động tới, chuyển quân bằng xe Molotova, lần đầu tiên lính BV đánh trận bằng xe hơi, họ bỏ vòng ngoài, đánh thẳng vào thị xã, không đánh theo lối bóc vỏ.

Hai giờ sáng ngày 10 tháng 3, tổng cộng 12 trung đoàn CSBV tiến đánh Ban Mê Thuột sau khi pháo kích ồ ạt, đổ bão lửa lên thị xã, trong một ngày BV đã làm chủ tình hình. Quân trú phòng chỉ có 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53 BB (có tài liệu nói 2 tiểu đoàn) còn lại là ba tiểu đoàn Địa phương quân, các đơn vị nghĩa quân, cảnh sát, theo Nguyễn Định một nhân chứng tại đây cho biết tổng cộng chỉ vào khoảng 2,000 người (có lẽ khoảng 4,000 người vì Ban Mê Thuột là một tỉnh lớn). Tướng tư lệnh Quân đoàn Phạm Văn Phú cho trực thăng vận Liên đoàn 21 Biệt động quân xuống Buôn Hô từ đó hành quân vào thị xã tiến chiếm Tiểu khu Ban mê Thuột nhưng không đạt được mục tiêu.

Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53 (có tài liệu nói 2 tiểu đoàn) chiến đấu chống trả dữ dội cho tới ngày 17-3 thì chấm dứt, hầu hết các binh sỉ tử trận, theo Nguyễn Định, địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát dã chiến đã chiến đấu rất gay go anh dũng nhưng không thế chống lại áp lực đông đảo của BV. Kế hoạch phản công tái chiếm ban Mê Thuộït thất bại vì ta không đủ lực lượng vả lại các đường vào Ban Mê Thuột đã bị cắt. Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng, khi chiếm xong Ban Mê Thuột, Tướng Cục trưởng hậu cần Bắc Việt Đinh Đức Thiện xoè hai bàn tay nói bỏ một vốn mà lời mười, ý nói lấy được rất nhiều đạn dược, vũ khí, tiếp liệu của ta trong kho.

Thiếu tướng Phạm Văn Phú mới nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân đoàn 2 được vài tháng kể từ 5-11-1974 nên chưa nắm vững tình hình, dư luận chung các giới chức quân sự, ký giả, sử gia đều cho rằng ông không đủ khả năng chỉ huy một Quân đoàn nên đã để mất Ban Mê Thuột, ông Cao Văn Viên cho rằng việc thay đổi chức vụ Tư lệnh Quân khu 2 là một trong những nguyên do đưa tới sự thất thủ Ban Mê Thuột.

Những nguyên do chính khiến Ban Mê Thuột thất thủ

- Tướng Phú mắc lừa kế nghi binh của BV.
- Lãnh thổ quá rộng thu hút gần hết chủ lực quân, lực lượng tổng trừ bị không còn, bố trí lực lượng không đủ đương đầu với áp lực địch.
- Thiếu tin tức tình báo.

Như đã nói ở Chương Chín, ngày11-3-1975 ông Thiệu họp với Thủ tướng, Trung Tướng Đặng Văn Quang và Đại Tướng Cao Văn Viên, ông cho biết sẽ áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng vì không đủ quân số bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Ngày 12-3-1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết bác bỏ 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc và bác luôn quân viện cho năm tới.

Ngày 13-3-1975, sau khi mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu lệnh cho Tướng Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I về Sài Gòn họp Hội đồng an ninh Quốc Gia với Thủ Tướng, các Tướng Viên, Tướng Quang, Tướng Toàn và tuyên bố kế hoạch tái phối trí lực lượng, rút quân bỏ những miền rừng núi để giữ những vùng mầu mở.

Ngày 14-3 ông Thiệu bay ra Cam Ranh mở phiên họp cao cấp quân sự, có mặt Thủ tướng, Tướng Quang, Tướng Viên, Tướng Phú. Ông lệnh cho Tướng Phú phải rút quân bỏ Kontum Pleiku về duyên hải, Nha Trang sau đó sẽ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Như đã nói ở Chương Tám, Quân đoàn 2 tan rả sau mười ngày triệt thoái kể từ ngày 16-3-1975

Ngày 22-3-1975 Tỉnh Quảng Đức di tản. Ngày 25 và 26 -3 Sư đoàn 7 CSBV tấn công chiếm Định Quán, Hoài Đức Giá Rai rồi tiến vào Lâm Đồng khiến cho tỉnh lỵ này phải di tản ngày 27-3, mấy ngày sau Đà Lạt cũng di tản. Cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975 mất Qui nhơn, Nha Trang hỗn loạn mất ngày 2-4, Quân khu 2 mất 10 tỉnh chỉ còn Phan Rang, Phan Thiết.

Ngày 19-3 Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được mời về Sài Gòn họp lần thứ hai, thành phần phiên họp cũng như lần trước nhưng có thêm Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.

Tướng Trưởng trình bầy hai kế hoạch lui binh.

Kế hoạch Một: Các đơn vị sẽ theo Quốc Lộ Một từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ Một bị địch cắt thì sẽ theo kế hoạch Hai.

Kế hoạch Hai: Các lực lượng Quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu lai. Tầu Hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng. Trong cả hai kế hoạch Đà Nẵng vẫn là điểm tựa cuối cùng.

Ngày 19-3 Quảng Trị bỏ ngỏ.

Sáng 20-3 Tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng Thống đã ra lệnh giữ bằng mọi giá. phòng thủ tốt đẹp. Trưa hôm 20-3 ông Thiệu đọc hiệu triệu trên đài phát thanh Huế, chiều hôm ấy ông ra lệnh Tướng Trưởng bỏ Huế.

Quân khu 1 ngày một nguy ngập, Cộng quân đấu tấn công mạnh theo, dân chúng chạy loạn ồ ạt từ Huế kéo về Đà Nẵng, từ Quảng Nam Quảng Ngãi kéo lên. Sáng ngày 24-3 tại phía Nam Quân khu 1,  BV tấn công mạnh tại Quảng Tín, Sư đoàn 711, Trung đoàn 52 và xe tăng đánh Tam kỳ.

Ngày 25-3 tất cả các đơn vị Quân đoàn 1 tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn 1 bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này, tinh thần binh sĩ xuống thấp. Đêm đó Tướng Trưởng cho Sư đoàn 1 và các đơn vị quanh Huế rút về Đà Nẵng, ông lệnh cho Sư đoàn 2, Chi khu Quảng Ngãi rút ra Cù Lao Ré bằng tầu dương vận hạm, một nửa quân số của Sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, Huế và Chu lai thất thủ ngày 25-3.

Các lực lượng Huế bắt đầu di tản, Sư đoàn 1 và các đơn vị cơ hữu rút ra cửa Tư Hiền, trong khi ấy Việt Cộng đuổi theo nã pháo vào các địa điểm tập trung quân gây nhiều thiệt hại, hỗn loạn diễn ra, Sư đoàn 1 tan rã tại đây chỉ có một phần ba về được Đà nẵng.  Hơn 100 thiết giáp các loại từ Bắc Huế tiến về cửa Thuận An, và các đơn vị pháo binh với hằng trăm khẩu pháo, TQLC, BĐQ, ĐPQ… từ tuyến sông Bồ đang lũ lượt kéo về, hỗn loạn hơn trước. Cộng quân lại pháo kích vào địa điểm tập trung gây thiệt hại nặng.

Ngày 27-3 Các cuộc phòng thủ Đà Nẵng thành ra vô hiệu trước sự hỗn loạn, Việt cộng dồn nỗ lực bao vây thành phố. Các sư đoàn BV bao vây Đà Nẵng, sáng ngày 28-3 Tướng Trưởng cho tái trang bị các đơn vị di tản trong thành phố nhưng ta không còn đủ quân để thực hiện. Việt Cộng pháo phi trường, căn cứ Hải quân khi trời vừa tối rất dữ dội. Tướng Trưởng xin di tản bằng đường biển, ông Thiệu không ra lệnh rõ ràng. Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Đà Nẵng, ông họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư lệnh Hải quân vùng I và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại: chân đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.

Đà Nẵng được coi như thất thủ ngày 29-3-1975.  Tổng cộng có 70 ngàn người dân và 16 ngàn lính được cứu thoát, 4 Sư đoàn bị thiệt hại nặng nề, vũ khí, đạn dược  coi như mất hết. Quân khu 1 nơi tập trung những lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất của VNCH thất thủ một cách dễ dàng trong khoảng 10 ngày, không có lực lượng nào được tổ chức để đánh trì hoãn khi Quân đoàn di tản. Cuộc lui binh thất bại coi như tồi tệ so với Quân đoàn 2, sự thiệt hại về nhân mạng cao hơn nhiều.

Như đã thấy cả hai Quân khu 1 và 2 đã tan rã trong vòng hai tuần lễ kể từ ngày triệt thoái Quân đoàn 2 vào ngày 14-3-1975 cho tới cuối tháng 3-1975 theo lệnh của TT Thiệu, trong chiến tranh Việt Nam cũng như chiến tranh Đông Dương thật chưa bao giờ có sự thiệt hại lớn và nhanh như thế, Cộng sản chiếm được một nửa đất nước mà không phải giao tranh dai dẳng.

Nhận xét

Mặc dù mang cấp bậc Trung tướng ba sao trong quân đội nhưng trên thực tế  TT Thiệu chỉ là một chính trị gia chứ không phải là một Tướng lãnh nhà nghề như các Tướng Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Khoa Nam… TT Thiệu trên thực tế không có khả năng và kinh nghiệm trong việc chỉ huy những đại đơn vị cấp Quân đoàn trở lên. Trên nguyên tắc Tổng thống là Tổng Tư lệnh quân đội có quyền tuyên chiến nhưng việc điều binh khiển tướng, điều động các đơn vị ngoài chiến trường cấp Sư đoàn, Quân đoàn thuộc nhiệm vụ của Bộ tổng tham mưu. Trên thực tế Bộ TTM không có thực quyền, tất cả những lệnh điều quân lớn cấp Quân đoàn ngoài mặt trận như tình hình 1975 đều do Tổng thống nắm giữ.

TT Thiệu nắm toàn quyền quân sự nhưng ông không thực sự nắm vững tình hình trong nước. Trong khi hơn 80% lực lượng BV đã có mặt tại miền Nam vào cuối năm 1974 và đầu 1975 với quân số, đạn dược gấp hai lần năm 1972 nhưng ông vẫn lạc quan cho rằng CSVN không đủ khả năng đánh vào các thành phố lớn, chưa thể phục hồi sau trận Mùa hè đỏ lửa 1972. Đó là một lỗi lầm tai hại đưa tới sự thảm bại như ta đã thấy.

TT Thiệu đã dẫm chân lên công việc của Bộ Tổng tham mưu, ôm quá nhiều trọng trách lớn cả về chính trị lẫn quân sự, từ đàm phán hiệp định đình chiến, hoạch định chính sách Quốc gia đến cả việc điều động các lực lượng đại binh trong trận chiến lớn, nghĩ rằng ngoài ông ra không ai có thể làm được. Chẳng có gì khó hiểu khi thấy hai Quân đoàn, hai Vùng chiến thuật, một nửa giang san đã tan rã nhanh chóng trong vòng hai tuần lễ.

Như đã thấy, kể từ ngày mất Ban Mê Thuột, TT Thiệu nắm trọn quyền hành quân sự trong tay, không chia sẻ cho Bộ tổng tham mưu hay các Quân đoàn tí nào. Tại Vùng 2, ông nhất định bắt Tướng Phú phải rút bỏ Pleiku, Kontum về duyên hải để hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột, một con đường hành quân chữ U rất dài trong khi ta thiếu thốn đạn dược tiếp liệu, săng dầu. Sự thực ông cũng một công đôi chuyện, vừa cho rút quân tái phối trí và vừa giả vờ thua chạy để người Mỹ đau xót phải nhẩy vào cứu nguy, điều này chứng tỏ ông không có tầm nhìn xa ở cương vị một nhà lãnh đạo, người ta đã có chính sách bỏ Đông Dương từ mấy năm trước

Trước một quyết định quan trọng liên quan tới sinh mạng của hàng trăm ngàn người, tới vận mệnh của cả nước ông Thiệu không cho ai bàn thảo, góp lời mà tự ý quyết định hết y như Staline hay Hiler thời Đệ nhị thế chiến. Như  đã thấy ngày 14-3-1975, mặc dù mất Ban Mê Thuột, VNCH mới  chỉ mất đất nhưng  chưa bị sứt mẻ lực lượng bao nhiêu, tại đây VNCH mất một hoặc hai tiểu đoàn chính qui,  ba tiểu đoàn địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát…

Như đã nói tại Chương Chín, ông Cao Văn Viên cho biết mặc dù mất Ban Mê Thuột nhưng lực lượng ta tại quân khu 2 chưa bị sứt mẻ bao nhiêu. Ban Mê Thuột mất, quân đội ta tại KonTum Pleiku vẫn còn mạnh: một tiểu đoàn của Trung đoàn 45, năm Liên đoàn Biệt Động Quân, Thiết đoàn 21 kỵ binh (xe tăng M-48), hai tiểu đoàn pháo binh 155 ly, một tiểu đoàn 175 ly, các đơn vị Nghĩa quân, Địa phương quân, Liên đoàn Công binh chiến đấu, Liên đoàn 231 tiếp liệu, 20 ngàn tấn đạn, bom của bộ binh, không quân; nhiên liệu đủ cung cấp cho 45 ngày, thực phẩm cho 60 ngày. Với một lực lượïng như thế CSBV chưa dễ chiếm Pleiku, Kontum ngay được.

Lực lượng còn khá mạnh nhưng TT Thiệu nhất quyết rút bỏ cả Quân khu một cách vô lý khiến nhiều người nghi ngờ đặt nhiều giả thuyết.

Theo ghi nhận của Phạm Huấn, Tướng Phú đã nài nỉ xin ở lại giữ đất vì cho rằng tiềm năng của ta còn đủ để đương đầu với nghịch cảnh nhưng quyết định độc đoán của TT Thiệu đã làm tiêu tan mọi hy vọng. Cuộc triệt thoái Quân đoàn 2 hay cuộc hành quân phá sản đã làm tan rã 75% lực lượng của quân đoàn, 20 ngàn tấn bom đạn coi như mất hết, một phần không ít lọt vào tay Cộng quân , VNCH đang thiếu thốn đạn dược nay lâm vào tình trạng kiệt quệ sau hai tuần triệt thoái.

Như ở Chương Chín, cựu Tướng Viên cho rằng miền Nam có nhiều cơ hội hơn nếu không có tái phối trí. Kế hoạch đã hủy diệt tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Không có tái phối trí quân đội VNCH không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23 BB nhưng tất cả những đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được ban Mê Thuột BV vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở vùng 2. Duyên hải Vùng 2 vẫn còn Sư đoàn 22BB, cộng thêm với một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn không quân. Vùng 2 có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô. Không có kế hoạch tái phối trí, BV không thể chiếm được nhiều đất nhanh như thế.

Các giới chức quân sự, chính trị, truyền thông cũng cho rằng nếu ta không rút, cứ đánh chưa chắc đã thua.  Sách Mạnh Tử có câu “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”. Ngài giảng: Kẻ địch cất quân sang đánh nước ta là chúng có thiên thời, nước ta có núi non hiểm trở, thành lũy cao, hào sâu là ta có địa lợi, nhưng khi quân địch vừa tới, binh sĩ ta quăng gươm giáo bỏ chạy là vì ta không có nhân hòa… (ta không được lòng người). Thật vậy chúng ta lui binh tức là từ bỏ ưu thế địa lợi để rồi mất luôn cả ưu thế nhân hòa.

Trước một kế hoạch lớn, nếu để cho các vị Tướng lãnh bàn thảo thì TT Thiệu đã tránh được trách nhiệm bản thân, các vị Tư lệnh Quân đoàn đều muốn tử thủ nhưng ông lại ra lệnh lui binh. Lịch sử đã chứng tỏ rằng sự tập trung quyền hành trong tay một người đã đưa tới những sai lầm trầm trọng như Hitler đã làm tiêu tan nguyên một lộ quân ba trăm ngàn người trong trận Stalingrad 1942 vì quá độc tài.

Về hậu quả tai hại của kế hoạch rút quân di tản hai quân khu kể trên đã có nhiều giả thuyết, nhận định của các giới chức quân sự, chính khách, sử gia, ký giả… chúng ta có thể chia làm ba nhóm chính.

-TT Nguyễn Văn Thiệu là một nhà quân sự dở, không đủ khả năng để chỉ huy, điều động những đại đơn vị.
-Ông chơi cờ bạc tháu cáy, giả vờ thua chạy để dụ người Mỹ nhẩy vào can thiệp.
-Ông làm theo lệnh của người Mỹ.

Nhiều người nghĩ có lẽ ông là một nhà quân sự dở, mà cũng có thể cả ba giả thuyết này đều đúng. Ngày 14-3-1975 ông ra lệnh cho Tướng Phú rút quân khỏi Kontum, Pleiku xuống Tuy Hòa, từ đó về Nha Trang, rồi từ Nha Trang đi ngược lên Cao nguyên tái chiếm Ban Mê Thuột. Con đường đi theo hình chữ U như vậy dài gấp mấy lần đường từ Pleiku thẳng xuống Ban mê Thuột, nó sẽ vô cùng khó khăn trắc trở cho cuộc hành quân nhất là khi ta đang thiếu thốn về tiếp liệu. Từ những sự vô lý đó đã đưa đến nhiều giả thuyết như đã nêu trên.

Napoléon nói “Thượng đế chỉ đứng về phía kẻ nào có nhiều đại bác” nhưng thực tế đã chứng tỏ lời của ông không hoàn toàn đúng. Tại trận Borodino, nước Nga năm 1812, lực lượng Pháp mạnh hơn Nga, Napoléon áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung cố hữu, ông cho tập trung hơn 200 cỗ đại bác bắn nát nhừ mục tiêu rồi cho kỵ binh và bộ binh xung phong tấn công nhưng quân Nga vẫn gan lì giữ vững vị trí. Đây là lần đầu tiên Napoléon thất bại, như vậy không hẳn nhờ hỏa lực mạnh mà thắng vì còn phải kể tinh thần binh sĩ. Theo Tướng Viên sự thất bại của cuộc lui binh không phải do ở áp lực địch mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa.

Cuối tháng 3-1975 Quân khu 1 hoàn toàn do CSBV kiểm soát, Quân khu 2 coi như mất hết chỉ còn 2 tỉnh Phan Rang và Phan Thiết được sáp nhập vào Quân Khu 3. Kế hoạch tái phối trí đã gây thiệt hại khoảng 40% vũ khí, đạn dược, tiếp liệu, quân nhu toàn quốc của VNCH, một số lượng lớn đã lọt vào tay CSBV. Miền Nam đã thiếu hụt nhiên liệu, đạn dược nay lại càng thiếu hụt trầm trọng thêm.

Các Sư đoàn bộ binh, các đơn vị yểm trợ, tiếp liệu thuộc hai Quân khu cũng mất quá nhiều quân số qua hai cuộc lui binh lại không gây thiệt hại nhiều cho BV. Phần đất còn lại của miền Nam không thể tồn tại nếu không có yểm trợ của oanh tạc cơ B-52 hoặc viện trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ. Giữa tháng 4-1975 mặc dù VNCH đánh thắng được hai trận Long Khánh và Long An nhưng không cứu vãn nổi tình thế.

Ngày 28- 3-1975, TT Ford cử Tướng Weyand tới Sài Gòn để nghiên cứu tình hình, sự thực họ đang chuẩn bị rút ra, Bộ quốc phòng Mỹ đã cử người (Marbod, Armitage) sang VN để tìm cách thu hồi máy bay, quân dụng, tầu bè của VNCH để khỏi lọt vào tay CS. Ngày 4- 4-1975 Tướng Weyand về Mỹ đề nghị ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu. Ngày 10-4-1975 TT Ford ra trước Quốc hội nói về tình hình Việt Nam và đề nghị Quốc hội chấp nhận ngân khoản 722 triệu viện trợ quân sự khẩn cấp, ông đưa ra thời hạn 10 ngày.
Trong khoảng thời gian này tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khuyến khích quân đội VNCH cố gắng tạo chiến thắng để yểm trợ cho đề nghị của hành pháp Mỹ. Tại Long Khánh Sư đoàn 18 đã anh dũng đẩy lui cuộc tấn công của các Sư đoàn BV, tại Thủ Thừa Long An Cộng quân bị thiệt hại nặng.

Tân Sơn Nhất, di tản tháng tư 1975.

Ngày 18-4-1975 Ủy ban Quốc Phòng Thượng Viện Mỹ biểu quyết bác bỏ đề nghị viện trợ khẩn cấp kể trên của Tổng thống Ford một phần vì kế hoạch tái phối trí của ông Thiệu đã làm tan rã thiệt hại một nửa lực lượng, một nửa số bom đạn, vũ khí nặng cũa VNCH, Lập pháp Hoa kỳ lý luận dù có viện trợ thêm 722 triệu cũng không thể đảo ngược tình hình, chỉ kéo dài thêm chiến tranh tang tóc mà thôi. Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ nắm giữ chủ trương rút bỏ VN, thêm vào đó kế hoạch điều quân thất bại nặng nề của TT Thiệu đã khiến họ có cớ bác bỏ viện trợ quân sự cho chúng ta vào giờ chót. Như Tướng Cao Văn Viên đã nói nếu không có tái phối trí và hậu quả tai hại của nó VNCH có nhiều cơ hội hơn, ta có thể hiểu rằng miền Nam còn có cơ hội xin được viện trợ quân sự tiếp tục cuộc chiến đấu tự vệ.

Ngày 21-4-1975 TT Thiệu từ chức, ông chỉ chịu từ bỏ quyền hành khi tình hình đến lúc tuyệt vọng, không thể cứu vãn gì được, khi Cộng quân đã chuẩn bị bao vây khóa chặt thủ đô Sài Gòn.

TT Thiệu và Thủ tướng Khiêm bỏ nước ra đi ngày 24-4-1975, phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay được mấy ngày rồi bàn giao cho ông Dương Văn Minh để rồi mấy ngày sau, 30-4-1975 miền Nam hoàn toàn sụp đổ.

Trong truyện Chiến Tranh Và Hòa Bình, War and Peace viết 1869, nhà Văn hào Léon Tolstoi bác bỏ những nhận định của các sử gia cho rằng vĩ nhân, lãnh tụ là những kẻ tạo ra biến cố lịch sử. Ông cho rằng vĩ nhân không có tác động gì tới lịch mà cũng chỉ là quân cờ của lịch sử, cuối cùng bị lôi cuốn trôi theo dòng lịch sử, Tolstoi nói rằng những nguyên nhân gây ra biến cố tiềm ẩn và cấu kết với để nhau tạo lên định mệnh lịch sử.

Đi tìm những nguyên nhân gây nên sự sụp đổ miền Nam, ngoài sự sai lầm của TT Thiệu ra chúng ta có thể kể thêm nhiều nguyên nhân, yếu tố quan trọng khác: Người Mỹ đổi chính sách bỏ Đông Dương, quân viện bị cắt giảm, thuyết Domino không còn giá trị, dân chúng di tản làm náo loạn cả lên, tin đồn cắt đất nhường cho CSBV, đài BBC tuyên truyền phá hoại, nhiều sĩ quan cao cấp bỏ đơn vị chạy trước… Những nguyên nhân ấy đều đúng nhưng trách nhiệm nặng nề của ông Thiệu là điều không thể phủ nhận được, chính ông đã nói một câu tiếng Tây thế này.

“Je suis responsable, mais pas coupable”, tôi chịu trách nhiệm nhưng không có tội!…

Tình hình quân sự chính trị miền Nam cuối thập niên 60 đầu 70 vô cùng cam go, chúng ta một mặt phải chiến đấu chống kẻ thù dai dẳng kiên trì lại phải đối đầu với một đồng minh chán nản đang tìm cách rút quân bỏ Đông Dương. Trước những khó khăn chồng chất, những thử thách lớn lao ấy TT Thiệu nên rút lui để tránh trách nhiệm, lại nữa sự thay đổi nhân sự có thể sẽ đem lại một chân trời mới cho tình hình bế tắc, nhưng ông vẫn khăng khăng nắm giữ quyền hành. TT Thiệu chủ quan sai lầm trầm trọng ở chỗ nghĩ rằng ngoài ông ra không ai đủ khả năng cứu miền Nam thoát cơn nguy biến, ông đã tự đánh lừa chính  bản thân mình để giữ độc quyền yêu nước, độc quyền cứu nước.

Sau ngày ngưng bắn 27-1-1973, trong khi Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn trong lãnh thổ VNCH song song với đường mòn Hồ Chí Minh để chuyển vậïn vũ khí vào Nam, chính phủ Thiệu đã không có một chính sách quân sự chính trị nào để ứng phó với tình thế. Mọi người đều biết, TT Thiệu chỉ thụ động chờ sự can thiệp của Mỹ, ông đã không nắm vững tình hình đợi khi nước đến chân mới nhẩy. Ông Thiệu quá tin tưởng vào lời hứa hẹn của cựu TT Nixon ngoài ra không thấy có kế hoạch nào khác.

Thập niên 70 và nhất là những tháng cuối của 1974, những cuộc biểu tình chống chính phủ Thiệu liên miên tại Sài Gòn của sinh viên, các tôn giáo, đảng phái đối lập… đã chứng tỏ rằng chế độ của TT Thiệu bị mất lòng dân, ông phải nhận thức rõ điều này hơn ai hết để hoặc là thay đổi đường lối chính sách cho phù hợp nguyêïn vọng người dân, hoặc nhường lại chính quyền cho nhà lãnh đạo khác thì miền Nam  hy vọng  có cơ hội sống còn.

Tướng Cao Văn Viên cũng nói ở phần kết luận cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH.

“Cấp lãnh đạo VNCH không thấy rõ sự thay đổi về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, khi Hoa Kỳ chuyển sang thái độ hòa hoãn, thỏa hiệp với Cộng sản quốc tế – dù phải thất hứa với đồng minh. Vì không nhận rõ sự thay đổi ngoại giao của Hoa Kỳ, cấp lãnh đạo VNCH đã không uyển chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia cho phù hợp với thực trạng và tình thế. Sau hiệp định Paris 1973, VNCH vẫn trông đợi vào những hứa hẹn xa vời và bất thể hiện”
(Trang 236)

Cấp lãnh đạo VNCH không  có tầm nhìn xa để  thấy đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ đã thay đổi, gió đã đổi chiều, cương vị một nhà lãnh đạo yêu nước, TT Thiệu cần có sự hy sinh khi thấy địa vị của mình không còn phù hợp  tình hình lúc ấy. Thực tế chứng tỏ TT Thiệu vẫn không chịu từ bỏ ý nghĩ rất chủ quan cho rằng ngoài ông ra không ai có thể đảm đương trọng trách quốc dân đã trao phó cho ông để tiếp tục giữ độc quyền cứu nước độc quyền yêu nước, đó là một lỗi lầm tai hại. Cuối cùng như đã thấy TT Thiệu chỉ chịu từ bỏ chức vị khi thực trạng đã quá bi đát và ông đã vứt bỏ cái chính quyền vào đống rác mặc cho ai muốn lượm thì lượm như một nhà báo đã nói trong một bài viết nhân ngày 30-4 năm 2005.

Nhiều người than thở chúng ta không có được nhà lãnh đạo xứng đáng, tài đức như Pak Chung Hee, người đã đưa đất nước Đại Hàn tới chỗ phú cường.  Đất nước gặp vận xui, trong khi phù thủy ma quái tạo cuồng phong, gây giông bão, chúng ta lại không có được người đủ khả năng lèo lái con thuyền quốc gia để vượt qua cơn sóng gió.

Nói ra thì chuyện đã rồi, dù có qui trách cho ông Thiệu, các vị Tư lệnh, cho những người di tản… thì miền Nam đã mất, tiếc rằng mọi cơ hội đều đã vuột khỏi tầm tay. Chúng ta được một bài học quá đắt mà cái giá của nó bằng cả non sông gấm vóc.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

—————————————————————–

(Trích trong Cuộc Chiến Việt Nam Dưới Nhiều Khía Cạnh, xuất bản tháng 4-2010)

Tài Liệu Tham Khảo

Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa, Vietnambibliography 2003.
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam 2001.
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
Trần Văn Nhựt: Cuộc Chiến Dang Dở, An Lộc xuất bản 2003.
Trần Đông Phong: Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng, Nam Việt 2006.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh 2005.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Được Nhắc Tới, Texas 1991.
Ngô Quang Trưởng: Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn Một, Sài Gòn Nhỏ Dallas 26-1-2007, Lê Bá Chư ghi chép.
Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Hà Nội 2004.
Dương Đình Lập, Trần Cao Minh: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng hợp, Sài Gòn 2005.
Đặng Phong, 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí Thức Hà Nội, 2008
Richard Nixon:No More Vietnams, Arbor House, New York 1985.
Wikipedia: War Powers Resolution.
Lâm Quang Thi: Autopsy The Death of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.
The World Almanac of The Vietnam War, General editor John S. Bowman, A Bison book 1985.
Stanley Karnov: Vietnam A History, A Penguin book 1991.
Marilyn B. Young, John J. Fritzgerald. A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History in Documents, Oxford University press 2002.
Leo. Tolstoy: War And Peace, The Maude translation, W.W Norton & Company, Inc 1966.
Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam, Người Việt Dallas 21-6-2005.
Lewis Sorley: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Không Phải Là Bù Nhìn Của Mỹ, Toàn Như dịch, Nguoivietboston.com, October-9-2008.
Nguyễn Đạt Thịnh, Một Góc Khác Của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Motgoctroi.com.
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006.
BBC.Vietnamese.com, 10-5-2006: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiến Tranh.

Pages: 1 2

26 Phản hồi cho “Nguyễn Văn Thiệu và cuộc chiến 1975”

  1. Tuấn says:

    Bài này hay, mọi người nên đọc lại!

  2. NGÀN KHƠI says:

    BÌNH LUẬN NGẮN VỀ LỊCH SỬ

    Trước khi thực dân Pháp qua, đất nước VN thời quân chủ phong kiến, chưa có chủ nghĩa cộng sản, hay chưa có chế độ CS. Trong suốt thời kỳ dân tộc VN đấu tranh chống Pháp đưới thời thực dân, cũng chưa hề có ý thức hệ, hay lý thuyết CS. Nhưng kể từ thập niên 1930, chủ thuyết Các Mác hay lý thuyết CS, đã có mặt tại VN. Như thế, kể từ đây, đã có hai khuynh hướng rõ rệt. Khuynh hướng, hay mục đích của những người CS đã bắt đầu chủ yếu là nhằm xây dựng một đất nước VN cộng sản. Khuynh hướng, hay mục đích của những người không CS, hoặc chống cộng, chỉ thuần túy là muốn tranh thủ nền độc lập cho quốc gia, dân tộc, xây dựng một đất nước, hay một quốc gia VN dân chủ, tự do thuần túy, hay kể cả chế độ quân chủ đại nghị, nếu đối đế buộc phải như vậy. Nên nói gì chăng nữa, những khuôn mặt nhân vật lịch sử nổi bật nhất, trong suốt những thời kỳ sau này, chỉ có thể nói đến các tên tuổi mang tính thời sự, là nhà vua Bảo Đại, ông Hồ Chí Minh, ông Ngô Đình Diệm, và cuối cùng, là ông Nguyễn Văn Thiệu. Còn những người khác, nếu có mặt, có tên tuổi khác, cũng đều không quan trọng bằng. Trừ những người quần chúng nói chung, đi theo các nhân vật trên, cho dù mọi tính chất, vai vế, ý đồ, hay mục tiêu của họ ra sao, thật sự cũng đều hướng theo các nhân vật trên, mà không hoàn toàn có tính quyết định. Như thế, ngoài các nhân vật nói trên, không còn có ai quan trọng được hơn cả họ về mặt quốc nội. Nhưng về mặt quốc ngoại, còn có những thế lực quyết đinh khác. Đó chính là nước Pháp, nước Mỹ, Liên xô, Trung quốc, hay nói cách rộng lớn ra, tức bao trùm hơn trong bới cảnh chung đó, kể từ sau Thế chiến thứ hai, chính là khối CS hay XHCN, và khối tư bản, hay khối chống CS trên toàn thế giới. Vậy thì, ý nghĩa của cuộc chiến tranh chống Pháp trong suốt 9 năm, và ý nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Mỹ, tại miền Nam và tại miền Bắc, từ 1954 đến 1975, đều không ra ngoài các nhân vật đã nói, và không ra ngoài chính bối cảnh lịch sử nói chung như trên. Tất nhiên, miền Nam thì nhân dân có ý thức độc lập, tự do, nhưng các chính khách thật sự mà nói, đều không có ai nổi bật lên, để nắm được vai trò lịch sử của dân tộc một cách chủ động, ngoài những con người từng nổi rõ như đã nói trên. Nhân dân miền Bắc, nói chung không thể ai có ý thức, suy nghĩ độc lập, tự do, mà chỉ nói theo lãnh tụ, làm theo lãnh tụ, tức là nói theo ý thức hệ CS, mà chính bối cảnh chung của thế giới lúc đó mang đến. Có nghĩa, ý thức của nhân dân, trong ý nghĩa của MTDTGPMN lúc đó, cũng chẳng khác gì ý thức của nhân dân của toàn miền Bắc thế thôi. Mặc dầu, ý nghĩa của toàn tuyến XHCN trong nước, chỉ hoàn toàn tuyên bố công khai là mục đích giải phóng miền Nam, chống Mỹ cứu nước. Điều này, trước 1975, nói chung còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, nhiều người còn rất mơ hồ. Nhưng sau 1975, thì mọi sự đều đã trở nên quá rõ ràng, đã trở thành ván bài lật ngữa, nên chính những ai hãy còn mơ hồ, mới thật sự có vấn đề. Lịch sử đã qua lâu, mà ý thức cá nhân hay ý thức của dân tộc chưa chuyển, có nghĩa là dân tộc đó quả chưa thật sự ưu việt, hay đã bị làm cho không còn ưu việt nữa. Mà tiền đồ của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, cũng đều phải xây dựng trên tính ưu việt của toàn dân, hay trong nhân dân của nó. Tính cách ưu việt, chính là ý thức tự cường, ý thức dân chủ, tự do, tinh thần độc lập và tự chủ của mỗi công dân, và của toàn dân nói chung. Khi nào tinh thần hay tính chất ưu việt này bị tê liệt, hay bị vô hiệu hóa mất đi, thì đó chính là mối hiểm nghèo của toàn dân tộc, đất nước đó. Chỉ bình luận vắn tắt thế thôi, để thấy rõ hai tuyến chính trong dòng lịch sử của đất nước VN thời kỳ cận đại, chính là ông Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Huỳnh Tấn Phát. Đó cũng là tuyến của chủ thuyết Mác, chủ nghĩa CS, của ý thức hệ CS. Còn tuyến kia thì có vua Bảo Đại, hay công dân Vĩnh Thụy, rồi đến ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, thậm chí cả đến ông Nguyễn Cao Kỳ nữa. Thế thì, chính hoàn cảnh, hay bối cảnh thế giới đã tạo nên những nhân vật nổi bật của VN, như trên đã nói, vì nhiều lý do, tính cách khác nhau. Nhưng có biết được như thế, mới có thể hi vọng được vào tiền đồ sáng sủa của đất nước ta sau này. Ngược lại, chỉ vì những lý do nào đó, mà có người, có nhiều người, hay hầu như toàn thể người dân VN ngày nay, dù ở đâu, hoàn cảnh thế nào, mà còn chưa nhận thức ra, hay còn phủ nhận sự thật lịch sử này, thì tiền đồ của dân tộc ta, thật sự vẫn chưa thể gọi là hoàn toàn sáng sủa và hi vọng được.

    Võ Hưng Thanh
    (21/8/11)

Phản hồi