Chuyện kinh tế và vấn đề công bằng xã hội
Kinh tế Xã hội chủ nghĩa
Từ thời phong kiến xa xưa, xã hội loài người đã được hình thành như một cơ cấu tổ chức bất bình đẳng về quyền lợi kinh tế vật chất. Giới địa chủ sở hữu nhiều ruộng nương điền sản bát ngát mênh mông, sống trên sức lao động cần cù của những tá điền. Sang thế kỷ thứ 19 khi nền văn minh cơ khí tiến bộ mạnh, kỹ nghệ bắt đầu phát triển cũng là thời đại đào sâu cái hố ngăn cách giữa giai cấp chủ nhân ăn trên ngồi chốc từ mồ hôi nước mắt của thợ thuyền. Nền kinh tế tư bản đang trên con đường hình thành và phát triển cùng với cơ cấu bất bình đẳng người bóc lột người.
Karl Marx (1818-1883) và Engels (1820-1895) hai nhà triết gia kinh tế Đức đề xướng học thuyết về tư bản mà sau này các nhà chính trị gia Cộng sản áp dụng triệt để. Một cách tổng quát hai vị này chỉ trích chế độ tư bản nhiều khuyết điểm như tạo nền kinh tế bấp bênh đưa tới khủng hoảng và phát huy chế độ người bóc lột người. Mới đầu lý thuyết này chỉ dành cho nước Đức, một nước công nghiệp nhưng sau đó các nhà cách mạng Nga đã đem áp dụng vào đất nước mình.
Học thuyết Marx-Engels chủ trương một nền kinh tế chỉ huy, tập thể chỉ huy khác với nền kinh tế tự do, “cá thể” của các nước Tư bản. Tiền đề của lý thuyết Xã hội chủ nghĩa là sự không công nhận tư nhân sở hữu tư liệu sản xuất vì đó là nguyên nhân của chế độ người bóc lột người. Tư liệu sản xuất gồm nhà máy, công nhân, vật tư…. Những cơ bản này phải thuộc về tập thể.
Họ cho rằng kinh tế tư bản, làm ăn theo tinh thần cá thể đưa tới khủng hoảng vì sản xuất do tư nhân không có qui hoạch, không ước lượng nhu cầu thị trường nên sản xuất thặng dư quá nhiều đưa tới khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp trầm trọng. Họ chủ trương một nền kinh tế chỉ huy, công nhân làm chủ nhà máy, sản xuất có qui hoạch tránh được khủng hoảng và tiến lên làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa, sản xuất ra thật nhiều của cải vật chất.
Các nhà chính trị Công Sản áp dụng học thuyết Marx để hình thành Chủ nghĩa xã hội có 3 đặc tính cơ bản:
-Một là xoá bỏ tư hữu, thiết lập chế độ sở hữu công đối với tư liệu, phương tiện sản xuất như tư bản, nguyên liệu, đất đai mục đích loại bỏ giai cấp bóc lột, xã hội do giai cấp công nhân làm chủ.
-Hai là động lực kinh tế được nhà nước quản lý theo kế hoạch của nhà nước, sản xuất và phân phối thực hiện theo chỉ tiêu không theo cơ chế thị trường.
-Ba là làm theo năng lực và hưởng theo lao động, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít.
Nhờ sản xuất mạnh xã hội loài người sẽ trải qua hai giai đoạn. Trước là Xã hội chủ nghĩa, giai đoạn này có bất công, làm theo khả năng hưởng theo lao động. Đây là giai đoạn làm ăn lớn XHCN sản xuất cho nhiều của cải vật chất để sau đó sẽ tiến lên giai đoạn trên.
Nhờ làm ăn lớn XHCN mà loài người sẽ tiến lên Cộng Sản văn minh, Thiên đường Cộng Sản. Giai đoạn này nhờ của cải vật chất ê hề do sản xuất tập thể, con người sẽ làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu, của cải vật chất quá thừa thãi nên không cần quyền tư hữu. Thực phẩm hàng hóa chất đầy trong kho, muốn ăn mặc bao nhiêu xài bao nhiêu cũng được. Đi xa hơn nữa Karl Marx cho thấy cái viễn tượng huy hoàng khi không cần quyền tư hữu thì loài người sẽ tiến Thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia.
Các nước CS như Nga, Trung Cộng, Việt Nam… không nhắc tới giai đoạn Cộng Sản văn minh viển vông này, nhưng họ tin vào đường lối sản xuất tập thể mà Marx –Engels đề xướng có thể làm ra nhiều của cải vật chất đưa nước nhà tới chỗ phú cường.
Vậy lý thuyết kinh tế XHCN là một cuộc cách mạng nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: Về kinh tế và công bằng xã hội, vừa tạo đời sống phồn vinh và loại bỏ chế độ người bóc lột người. Từ cuộc Cách mạng vô sản lịch sử năm 1917 tới thập niên 1990, về mặt kinh tế các nước CS trên thế giới từ Âu sang Á ngày càng nghèo đói không thể đuổi kịp các nước Tư bản làm ăn “cá thể” chứ đừng nói là tiến lên CS văn minh. Đường lối làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa không làm ra nhiều của cải vật chất như các nhà chính trị kinh tế CS mong đợi trái lại ngày một lụn bại.
Tuy về mặt xã hội họ có thực hiện được một số công bằng, không chênh lệch giầu nghèo như ở các nước kinh tế tự do Tây Âu, Nhật bản, Bắc Mỹ…tuy nhiên sự công bằng mà họ mang lại cũng không khả quan bao nhiêu mà chính người dân không chấp nhận. Đó chỉ là sự công bằng trong nghèo khổ, mọi người đều khố rách áo ôm như nhau cả.
70 năm sau Cách mạng tháng 10 Nga, đầu thập niên 1990 các nước xã hội chủ nghĩa Tây phương như Nga, Đông Âu đã đi sai đường ba phần tư thế kỷ và họ đã từ bỏ nên kinh tế chỉ huy trở lại kinh tế tự do mà họ thường gọi là Tư bản. Nay họ đã có đời sống khá hơn xưa nhờ đổi mới, lợi tức đầu người đã cao hơn trước như Czech, Slovakia (Tiệp Khắc cũ) khoảng từ 16,000 cho tới 17,000 USD, đứng hàng tứ 41 hoặc 42 trong số 194 nước trên thế giới, Hungary khoảng 12,000 USD đứng thứ 56, Ba Lan khoảng 12,700 thứ 54, Roumanie gần 9,000 thứ 68, Nga 8,500 thứ 72… ( Wikipedia: List of countries by GDP (nominal) per capita).
Tại Á châu các nước CS Trung Hoa, Việt Nam cũng đã từ bỏ kinh tế chỉ huy để đổi mới sang kinh tế thị trường, bước đầu họ mở cửa cho các nước phát triển Tây phương, Nhật, Đài Loan , Nam Hàn… vào đầu tư lấy ngoại tệ và tạo công ăn việc làm.
Tăng trưởng kinh tế Trung Cộng rất cao từ 1989 tới 2015 là 10.88 (Tradingeconomics.com: China GDP Annual Growth Rate 1989-2015) Từ 2012 tới nay, tỷ lệ tăng trưởng chậm lại: năm 2012 tỷ lệ 8.1, 7.6, 7.4 năm 2013 tỷ lệ 7.8, 7.5, 7.9, năm 2014 tỷ lệ 7.5. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 30 năm qua là 10%. Mặc dù Hoa Lục đã đạt bước tiến rất cao về kinh tế nhưng lợi tức phân phối không đồng đều. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… nhà chọc trời tráng lệ không khác gì Chicago, New York với những đại lộ rộng thênh thang đầy xe hơi bóng loáng nhưng tại miền quê vẫn chưa thoát cảnh lầm than.
Lợi tức đầu người trung bình tăng nhanh từ 153 USD năm 1978 tới 1,284 USD năm 2005, nay khoảng 8,000 Mỹ kim, đứng hàng thứ 76 trên 194 nước trên thế giới, lợi tức phân phối không đều, cách biệt giầu nghèo quá xa. So sánh ta thấy miền quê nghèo nhất, lợi tức đầu người chỉ được 9%, miền kỹ nghệ được 42%, khu dịch vụ 48%. Hoa lục cũng như Việt Nam ngày nay lợi tức cả nước tập trung trong tay một số người.
Việt nam mặc dù đạt được nhiều tiến bộ lớn về phát triển đô thị nhờ đầu tư nước ngoài, Tổng sản lượng kinh tế tăng nhiều nhưng cảnh giầu nghèo cách biệt quá lớn, nay lợi tức đầu người VN khoảng 2,000 Mỹ kim, đứng thứ 132 trên thế giới. VN một nước còn nghèo nhưng cảnh xa hoa tại các đô thị, nếp sống quá lộng lẫy của người giầu tương phản với cảnh nghèo đói tại ngoại ô cũng như miền quê.
Các đại gia, tư sản đỏ, viên chức cao cấp nắm gần hết tài sản quốc gia trong tay cho thấy họ đã trở lại thời kỳ bóc lột thế kỷ thứ 19. Ở VN ngày nay chỉ những người có tiền mới sống được, khi bệnh nặng vào nhà thương phải đóng tiền trước, người nghèo cầm chắc cái chết trong tay. Người nghèo mua thực phẩm độc hại ngoài chợ như rau thịt dễ bị ung thư, một năm tại VN có 150,000 người chết vì ung thư, người giầu mua thực phẩm ở siêu thị đắt nhưng bảo đảm hơn. Tại các nước VN, Trung Cộng tuy mệnh danh XHCN nhưng thực ra người dân không được bảo đảm về y tế, xã hội.
Nhà nước CSVN nói nay chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phó GS Tiến sĩ Đào Công Tiến nói: XHCN là đích đến của sự phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ.
VN, Hoa lục ngày nay tuy đạt tiến bộ kinh tế nhưng còn quá nhiều bất công, họ nghĩ sẽ gắng sức làm ra nhiều của cải vật chất rồi sẽ cải thiện mức sống của toàn dân.
Nếu nhìn lại mấy thập niên trước nhất là thời Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, những hình ảnh để lại cho thấy tại Bắc Kinh, Hà Nội chỉ toàn là cảnh lầm than bên những chiếc xe đạp, xe bò. Như thế kinh tế đã giúp cải thiện đời sống nhân dân dù rằng có tệ nạn người bóc lột người.
Kinh tế tư bản
Khác với lý thuyết xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế tư bản do tư nhân làm chủ tư liệu sản xuất gồm vốn, nhà máy, nhân công, nguyên liệu, đất đai…Sản phẩm được đưa ra thị trường, giá cả tùy thuộc cung cầu không do nhà nước phân phối. Nền kinh tế này hoạt động tự do dưới tinh thần cá thể không do nhà nước chỉ huy với cơ chế tập thể.
Kinh tế tư bản cũng gây nhiều bất bình đẳng cho xã hội nhưng không do người bóc lột người như Marx- Engels nói. Nói về bất công xã hội, kinh tế gia MỹSamuelson đã phân tích những nguyên do như sau (Economics, trang 768 -770) xin sơ lược.
Do khác biệt tài sản. Có người do thừa hưởng tài sản bố mẹ giầu, triệu phú, có người mua chứng khoán làm giầu, có người nhờ kẽ hở luật pháp trốn thuế kiếm nhiều tiền.
Do khác biệt tài năng. Trong một gia đình mỗi người có khả năng, sức khỏe riêng, các gia đình cũng có sự thông minh, khôn ngoan khác nhau, con người thừa hưởng từ môi trường, từ dòng giống cha mẹ .
Khác nhau từ giáo dục huấn luyện, cơ hội. Để làm giảm bất công nay đã có giáo dục công trong khi ngày xưa hố cách biệt lớn giữa giai cấp quí tộc và dân đen mù chữ rất lớn. Những người có tài năng làm nhiều tiền, hàng trăm ngàn đô la một năm. Những người có văn hóa chữ nghĩa làm việc nhẹ lương cao trong khi những người dốt nát làm việc cực nhọc lương lại thấp.
Giai cấp ngăn trở cơ hội. Nói về việc đầu tư vào việc học, nhà nghèo không có tiền theo học cao, những trí thức ưu tú không cần cha mẹ giúp mà họ có thể mượn tiền đi học, người ta lựa những học sinh xuất sắc để giáo dục huấn luyện. Tổ chức giáo dục công để giảm bất công nhưng vẫn còn, chi phí giáo dục ở trên cao giúp cho giới trung lưu hơn là cho dân nghèo miền quê. Tại California , số người theo học đại học nhiều nhất cho thấy gia đình các sinh viên đều khá giả, trên trung bình. Các nước phát triển khác cũng vậy, các gia đình lao động khó được theo học bậc đại học.
Ngoài ra còn có khác biệt nhau về tuổi tác, sức khỏe.
Các nước kinh tế tự do đã phồn thịnh như Tâu Âu, Bắc Mỹ nay đều có chương trình giúp người nghèo. Chính phủ trợ cấp về y tế, xã hội, thất nghiệp cho những người già yếu, bệnh hoạn, lợi tức thấp mục đích giảm bớt sự bất quân bình trong xã hội
Năm 1964 tại Mỹ, Tổng thống Johnson đã chi 1 tỷ, năm sau chi thêm 2 tỷ để chống nghèo đói (Wikipedia. Great society, war on poverty). Ông cũng ký thành luật Medicaire, Medicaid ngày 30-7-1965 để trợ cấp y tế cho người già và người nghèo.
Samuelson nói về các chương trình trực tiếp giúp người nghèo và xử lý những sự bất công, chính phủ tự nhận có trách nhiệm về tình trạng nghèo (Economics: trang 771-774).
-Hội từ thiện tư. Giúp bữa ăn như tại nhà thờ cho người nghèo, vô gia cư, trả chi phí bệnh viện cho người nghèo
-Trợ cấp Food stamps. Thập niên 1960 tai Mỹ có nhiều trẻ em và cả người lớn nghèo đói, các Tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon lập chương trình Food stamps rộng lớn để giúp thực phẩm cho những gia đình lợi tức thấp. Họ sẽ nhận tem phiếu để xin thực phẩm giá rẻ hay miễn phí.
-Trợ cấp Welfare. Đây là chương trình giúp tiền cho người nghèo, một số để tự ý tiêu và một số khoản phải mua những gì. Theo thăm dò năm 1970 thì một nửa (50%) những người đi làm đóng thuế chống lại chương trình này. Nhiều người cho rằng chương trình đã bị lợi dụng như một bà đã dùng tiền trợ cấp đi chữa răng hoặc mua TV màu thay vì mua thuốc hay sữa cho trẻ con.
Chương trình bị coi là tốn kém và không hiệu quả, những người lãnh trợ cấp có khuynh hướng không muốn đi làm khi nó ít hơn tiền trợ cấp, vì mục đích nhân đạo nhưng nó vô tình khuyến khích sự lười biếng, lạm dụng. Về phương diện kinh tế, hệ thống trợ cấp để giúp người nghèo nhưng thiệt hại (công quĩ) vì tiêu cực. Tổng sản lượng đã thiệt hại nhiều tỷ đô la từ cơ cấu tiêu cực của trợ cấp.
-Thuế âm (negative income tax). Năm 1969, TT Nixon đưa ra Quốc hội chương trình trợ cấp bằng đánh thuế âm. Nói chung tốt đẹp nhưng cái tên không hay, có thể gọi là Kế hoạch lợi tức khuyến khích. Nó đơn giản thôi, khi một gia đình dưới mức nghèo sẽ được chính phủ trợ cấp, tóm lại gọi là đánh thuế ngược. Thống kê cho thấy đa số người thiếu thốn là giới lao động nghèo, họ không kiếm được lợi tức tối thiểu đáng được trợ cấp. Đánh thuế âm đã giúp cải thiện chương trình trợ cấp của cính phủ khi họ có công việc kém ít tiền. Chương trình này có lợi nhất:
-Thay thế chương trình welfare mà không khuyến khích trây lười lao động.
-Quân bình mức sống tối thiểu toàn vùng của nước Mỹ.
-Ít xúc phạm tới người nghèo như trợ cấp.
Ngoài ra những người tàn tật được chính phủ giúp đỡ trợ cấp, những người nghèo, lợi tức thấp được thuê nhà giá rẻ hay miễn phí.
Các nước phát triển Mỹ, Pháp, Úc, Canada… có nền kinh tế phồn thịnh, mức sống cao đã cải thiện bất công xã hội, trái lại những nước tuy mang danh XHCN như Việt Nam, Hoa Lục lại không làm được. Họ không có ngân quĩ để lo cho người nghèo nhưng vẫn đưa tiêu chuẩn XHCN là đích đến của sự phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ.
Nay các nhà chính trị đối lập chỉ trích TT Obama có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa chủ trương lấy tiền của người giầu giúp người nghèo. Sự thực đánh thuế người giầu để lo cho dân nghèo lại không phải là khuynh hướng xã hội chủ nghĩa vì theo định nghĩa chế độ XHCN không công nhận quyền tư hữu về tư liệu sản xuất mà là tập thể sản xuất. Lấy của người giầu chia cho người nghèo cũng không thể gọi là XHCN mà là do nhân đạo hoặc một xu hướng chính trị lấy lòng dân.
Tuy nhiên việc này không đơn giản. Trong nền kinh tế thị trường cung, cầu ấn định giá cả. Chính phủ can thiệp vào cung cầu sẽ khiến thị trường xáo trộn.
Thí dụ lương tối thiểu do cung cầu ấn định là 5 đồng, chính phủ tăng lên 10 đồng, khi lương tối thiểu tăng, công ăn việc làm sẽ giảm, tỷ lệ thất nghiệp lên cao (Economics trang 373). Trả lương cho công nhân viên cao, các cơ sở dịch vụ, sản xuất sẽ bớt chi tiêu, cắt giảm nhân viên.
Hoặc như chính phủ ấn định giá tiền thuê nhà một phòng là 300 đồng (để giúp người nghèo) trong khi giá thị trường đang là 500 đồng. Hậu quả là nhiều người sẽ không thuê được nhà, giá rẻ nên số người đi thuê sẽ gia tăng (cầu nhiều), ngược lại số nhà cho thuê sẽ giảm (cung ít) vì chủ nhà lời ít sẽ dùng nhà vào việc khác thay vì cho thuê.
Khoảng năm năm trước đây, nhiều người biểu tình tại New York đả đảo các nhà tỷ phú ngân hàng, chứng khoán làm giầu trên tiền ký thác của dân lao động, cũng có tin cho rằng động lực của nó từ một khuynh hướng chính trị nào đó. Chính phủ khó có thể can thiêp vào cơ chế của nên kinh tế thị trường, đánh thuế người giầu để tăng trợ cấp người nghèo. Khi bị tăng thuế, giới chủ sẽ cắt giảm chi tiêu, bớt nhân sự sẽ ảnh hưỏng tới sản xuất, gia tăng thất nghiệp
Giúp người nghèo để cải thiện những bất bình đẳng xã hội nhưng chưa chăc đã mang lại công bằng. Ngoài khuyến điểm của trợ cấp gây lợi dụng, khuyến khích lười biếng, nó còn gây thiệt hại cho ngân sách, tăng nợ công của chính phủ có nghĩa nó tỷ lệ nghịch với tăng trưởng kinh tế. Những người tàn tật, lợi tức thấp, thiếu thốn đã được chính phủ trợ cấp tiền bạc, trợ cấp y tế từ thập niên 60 dưới thời các Tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon, sao lại phải đặt vấn đề giúp người nghèo trong lúc này? Trên thực tế nó có thể gây những bất công khác.
Nhiều người lãnh trợ cấp, đi làm chui lấy tiền mặt, trốn thuế trong khi ngưởi trung lưu phải đóng thuế, mua bảo hiểm, dành dụm mua được căn nhà, khi ốm đau nặng phải phụ trả (copay) có khi chết sẽ bị bảo hiểm lấy nhà trừ nợ chi phí nhà thương. Người nghèo được chữa bệnh, mua thuốc hoàn toản miễn phí. Những người đi làm đầu tắt mặt tối đóng thuế để giúp cho những người trây lười lao động có bình đẳng không? Năm 1970 một nửa những người đi làm đóng thuế không muốn chính phủ trợ cấp người nghèo bằng tiền thuế của họ, ngày nay cũng vậy. Nhận thức được tệ trạng lợi dụng, chính phủ đã cắt giảm trợ cấp để buộc họ phải đi làm sống bằng sức lao động của mình.
Trên thực tế tại Mỹ sự chênh lệch giầu nghèo nay ít hơn các nước kém mở mang rất nhiều, mọi người đều có xe hơi, chỗ ở tiện nghi, con cái được đi học và như vậy chương trình giúp người nghèo không cần thiết đặt ra trong lúc này. Vấn đề không nằm ở chỗ đó mà ở chỗ nhà lãnh đạo chính trị cần thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, ai nấy có công ăn việc làm, không riêng người giầu mà người nghèo cũng hưởng lợi. Trong khi tại Hoa Lục, VN bất công xã hội thật là ghê gớm, họ cần cải thiện hố ngăn cách hơn là tại Mỹ hoặc tại các nước giầu.
Kết luận
Một thế kỷ trước đây Karl Marx, một nhà triết gia sống trên mây xanh qua thuyết tư bản luận đã mơ tưởng một xã hội phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ. Vì cái ảo tưởng làm ăn lớn XHCN đưa con người tới chỗ không cần quyền tư hữu mà một nửa thế giới đã đi sai đường suốt ba phần tư thế kỷ và nay các nước XHCN đều đã cải tà qui chánh, tuy trễ nhưng vẫn còn hơn không.
Giữa thập niên 80, đài VOA nói tại châu Á Thái Bình Dương có một nền văn minh đang đi lên. Thực ra không riêng gì Á châu mà các nước kém mở mang trên thế giới cũng đang tiến lên thoát cảnh nghèo đói. Cách đây hơn mười năm, báo Dallas Morning News nói lương một người công nhân Nhật cao gấp 30 lần lương một công nhân Trung Cộng nên hàng Nhật sẽ khó tránh sẽ bị Tầu cạnh tranh. Ngày nay khoảng cách đã được rút ngắn, lương công nhân Nhật chỉ gấp 4 hoặc 5 lần lương một công nhân Tầu. Sự kiện này cho thấy các nước nghèo có khuynh hướng đi lên, rút ngắn khoảng chênh lệch về mức sống với các nước giầu nhờ khối nhân công rẻ.
Nhìn bảng danh sách tỷ lệ tăng trưởng kinh tế các nước trên thế giới năm 2014 (Wikipedia: List of countries by real GDP growth rate) ta thấy nhiều nước nghèo nay đã có tỷ lệ tăng trưởng cao thí dụ: Ethiopia 10.3; Congo 9.2; Miến Điện 8.5; Cote d’Ivoire 7.9; Mông Cổ 7.8, Trung Cộng 7.5; Lào 7.4; Tích lan 7.4; Ấn Độ 7.3; Miên 7.0; Phi Luật Tân 6.1; Nam Dương 5.0; Mã Lai 6.0, Việt Nam 6.0….
Ngược lại nhiều quốc gia giầu nay tỷ lệ tăng trưởng lại thấp như: Nam Hàn 3.3, Anh quốc 3.0; Singapore 2.9, Úc 2.7; Hoa kỳ 2.4; Thụy Điển 2.3, Thụy Sĩ 1.9; Đức 1.6; Liên hiệp châu Âu 1.4; Tây Ban Nha 1.4; Bỉ 1.1; Pháp 0.2; Nhật -0.1; Ý -0.14.
Nhiều nước nghèo nay đã tự sản xuất được máy móc, hàng tiêu dùng như TV, đồng hồ, điện thoại, quần áo, xe gắn máy…để tự cung cấp trong nước và có thể xuất cảng sang các quốc gia tiên tiến cạnh tranh nhờ giá rẻ. Các nước phát triển những năm xa xưa mua nguyên liệu của các nước nghèo với giá rẻ về chế tạo hàng hóa bán lại cho họ với gía đắt. Nhưng tình trạng các nước tân tiến bóc lột các nước nghèo nay đã hết thời , Anh, Pháp, Nhật, Đức, Mỹ… khó mà trở lại thời hoàng kim xa xưa.
Ngày nay nền kinh tế toàn cầu đã giúp cải thiện sự bất công trên thế giới, khoảng cách giầu nghèo giữa các quốc gia đã được rút ngắn dần dần. Nền kinh tế tư bản đã giúp mang lại sự phồn thịnh, công bằng, ấm no cho cả năm châu. Chúng ta đều đã thấy bộ mặt của thế giới ngày càng tốt đẹp hơn lên, hố sâu ngăn cách trên thế giới đang được lấp dần.
Trong một thế kỷ hoặc vài trăm năm nữa, mặc dù tiến bộ không thể đưa con người tới cái lý tưởng xa vời không cần quyền tư hữu, không còn biên giới quốc gia nhưng chúng ta cũng có thể tràn trề hy vọng vào một xã hội, một thế giới công bằng, văn minh tiến bộ do kinh tế thị trường mang lại.
Mặc dù có nhiều biến động chính trị tiêu cực nhưng trước mắt nhân loại có khuynh hướng đi lên về nhiều phương diện.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
SỰ NHẬN THỨC CỦA CON NGƯỜI
Con người nhận thức sự vật khách quan có khi đúng, có khi không đúng. Khi nhận thức đúng thì hành động đạt hiệu quả và có hiệu lực. Trái lại khi nhận thức không đúng thì kết quả hoàn toàn ngược lại.
Về mặt lý thuyết cũng thế, về mặt thực hành cũng thế. Lý thuyết đưa ra không đúng, thực hành không bao giờ đạt tới kết quả nào cả.
Năng lực nhận thức sáng suốt và khoa học của con người chủ yếu do học tập, giáo dục và đào tạo mà có. Ít học thức và ít trí tuệ thì hạn chế và không làm được gì có kết quả tối ưu cả. Phần lớn chỉ hành động theo cảm tính, theo bản năng, theo thói quen mà không đủ khả năng để hành động theo lý tính để đạt được kết quả tối ưu.
Bởi thế học thuyết Mác là một kiểu sai lầm như thế, vì chủ trương đấu tranh giai cấp theo kiểu cảm tính và bất chấp mọi sự. Dù sao qua non thế kỷ được mang ra thử nghiệm ở nhiều nơi, giờ này mọi người mới té ngữa vì nó luôn luôn phản kết quả.
Do đó con đường đi lên hữu lý nhất ngày này của mọi đất nước, của toàn loài người không thể ngoài con đường tự do dân chủ đúng nghĩa, đúng đắn, cũng như mọi yêu cầu trí tuệ và nhận thức nâng cao theo định hướng khoa học và thực tế mà không gì khác.
NHÀ TƯ DUY ĐẠI NGÀN
(17/3/16)
Tỉnh cơn mê muội lầm đường theo Cộng sản :
***Lữ Phương – nguyên Thứ trưởng bộ Văn hóa chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam- :
Đấu tố, cải cách : Phá hoại đến tận nền tảng đạo lý dân tộc.
Hợp tác xã hóa: Phản bội nông dân về ruộng đất.
Chỉnh huấn: Bơm máu đen vào cơ thể Đảng.
Trấn áp, chà đạp trí thức văn nghệ sĩ : Phản bội lời hứa về tự do văn hóa.
Khoác lác về cái gọi là“ dân chủ gấp triệu lần”, nhưng lại đè đầu cỡi cổ nhân dân một cách tự nhiên như những cường hào.
Làm mất hoàn toàn động lực về phát triển kinh tế qua chủ trương nhà nước hóa toàn bộ hoạt động sản xuất.
Nói chung, đảng Cộng sản giam hãm dân tộc trong cái ao tù chuyên quyền độc đoán, lạc hậu nghèo nàn .
*** Ngày 13-04-2015, trong vụ giải tỏa khu đất gần chợ Tuyên Nhơn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, trước mặt đám cán bộ CS , bà Mai thị kim Hương đã nói vào mặt đám cán bộ cộng sản rằng: “Ngày xưa gia đình nhà tao lầm đường lạc lối, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Bây giờ để cộng sản cướp đất cướp nhà tao…. Bây giờ bốn mươi năm rồi… tao quyết tâm tiêu diệt cộng sản…”-
Marx tạo ra Công bằng xã hội, bằng cách xóa bỏ quyền Tư hửu, cào bằng ,ai củng như ai…! Marx đả sai!! Vì chính sự-BẤT-CÔNG-BằNG là Sự CÔNG-BằNG.! Thật giản đơn,muốn cho Tòa nhà được THĂNG-BằNG, người kỷ sư phải tính toán các trụ chống đở phù hợp với sức chịu lực của từng nơi. Do đó có Trụ to,có trụ nhỏ. Có trụ nhiều thép và thậm chí có trụ ít thép .Rỏ ràng các trụ không giống nhau,nhưng nhờ thế mà tòa nhà được Thăng bằng ! Xả hội củng giống như một tòa nhà.Các Xả hôi CS hôm nay nghiêng ngả-ngả-nghiêng củng chính là vì sự tính toán cào-bằng,ngu dốt,chẳng hiểu thế nào là Sự Thăng bằng của Tòa nhà củng chính là Sự -Công -bằng xả hôi vậy./
Não trạng chim sẻ Cộng sản Việt theo đuôi quan thày Trung- Xô tập tành Cộng sản chủ nghĩa !
***“Ông Lữ Phương – nguyên Thứ trưởng Thông tin Văn hóa của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Miền nam Việt nam – hỏi ông Võ văn Kiệt « Phải chăng ông Lê Duẩn không đọc Tư Bản Luận của Mác ? » . Ông Kiệt phá lên cười « Cấp lãnh đạo ta, không có ai đọc tới đó cả . Vả lại, họ cũng không cần đọc thì mới lên làm lãnh đạo được » .
***“Cách đây vài năm, giáo sư Trần Phương – nguyên phó Thủ tướng – triệu tập một cuộc hội thảo trước Ngày Đại hội Đảng gồm những nhân vật từng là tai to mặt lớn trong đảng, đặt câu hỏi: “Trong các anh, ai có thể giải thích cho tôi nghe chủ nghĩa xã hội là gì nào?”. Tuyệt nhiên không nghe một ai có thể giải thích được “.
*** Bác sĩ Dương quỳnh Hoa: Tôi đã là người cộng sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa cộng sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi đã không còn.
Dương quỳnh Hoa :Gia nhập đảng cộng sản Pháp. Gia nhập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.Bộ trưởng y tế trong Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam.
***Sử gia Mỹ Richard Pipes: “Cộng sản rao giảng những lý tưởng tiến bộ, liên tiếp làm đẹp lòng giới trí thức. Các nhà khoa học xã hội sống trong thế giới của lý tưởng và rất thích tưởng tượng rằng, chủ nghĩa cộng sản sẽ tuyệt vời nếu trở thành hiện trong cuộc sống. Thế nhưng không ai khác, họ bị lạc vào không tưởng và tách ra khỏi thực tế…”.
*** Triết gia tiến sĩ Trần Đức Thảo : “Chính Kác Mác đã sai, sai không phải chỉ vì bị vận dụng sai, bị hiểu sai mà chủ nghĩa Mác sai từ học thuyết gốc gác của nó về đấu tranh giai cấp, nó sai hoàn toàn, nó chỉ có hại”.
“Chủ nghĩa Mác là đích danh thủ phạm”, đem áp dụng ở đâu là gây tai họa ở đó, dù là ở Liên Xô cũ hay ở Trung Quốc, ở Đông Âu hay ở Việt Nam, ở Bắc Triều Tiên hay ở Campuchia “.
*** Giáo sư Trần Phương – Phó Thủ tướng, uỷ viên Trung ương Đảng –“ Chủ nghĩa Mác, Lênin, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa CS đều là ảo tưởng sai lầm, nguy hại .
***Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Cộng sản Bùi Quang Vinh : “Cái chủ nghĩa Xã hội và cái định hướng Xã hội chủ nghĩa làm gì có trong thực tế mà đi tim cho mất công! ”
*** Lê Hồng Hà – chánh văn phòng bộ Công An Cộng sản -: “Qua thực tế của các nước trên thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ 20, đã chứng minh chủ nghĩa Mác Lê Nin là sai lầm, mô hình Chủ nghĩa Xã hội Xô Viết là sai lầm …” . “Do mấy chục năm qua, cả nước ta đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa sai lầm nói trên, nên đất nước ta lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức v.v.) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm.”
*** Phó tổng biên tập báo Nhân Dân Bùi Tín: Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản kiểu mác-xít đều là những học thuyết chủ quan, lầm lẫn, hoàn toàn nguy hại trong thực tế, cổ xuý đấu tranh giai cấp cực đoan và bạo lực, đi đến chiến tranh, khủng bố, đổ máu, hận thù.