WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hôm nay bầu cử: Hình như vẫn là chuyện kinh tế?

Ảnh standupamerica

Trên tay cầm ly cà phê còn nóng bốc khói, cô bạn Nichelle Spears bảo với tôi 4 năm trước đây cô ủng hộ ông Barack Obama, “lần này sẽ tiếp tục chọn ông Obama vì không ai có thể thay thế người đang lãnh đạo quốc gia”. Trên tay cầm chiếc kéo, cô cử tri Mỹ gốc Việt tên Trang vừa cắt tóc cho khách vừa bảo “cháu nghĩ ông Mitt Romney chắc hay hơn, chứ ông Obama đã làm việc 4 năm rồi mà tình hình chẳng sáng sủa gì cả. Có nhúc nhích chút đỉnh nhưng vẫn kém lắm chú ơi, không biết đến khi nào mới trở lại như ngày xưa”.

Những điều nghe hôm thứ Hai đầu tuần này là những điều gần như đang được cả nước Mỹ nói tới. Hôm nay là ngày cử tri đi bầu, đến bây giờ vẫn còn một số không nhỏ người dân Mỹ vẫn đang phân vân không biết nên chọn ai. Liệu có nên “thay ngựa giữa đàng”? Liệu có nên giữ ông Obama ở lại thêm 4 năm nữa hay nên trao quyền hành cho ông Romney và hy vọng tình hình sẽ khá hơn?

Câu hỏi được đặt ra và vẫn chưa có câu trả lời rõ rệt. Cuộc thăm dò đầu tuần do cả AP lẫn Gallup Poll thực hiện cho thấy 48% cử tri Hoa Kỳ nói điều họ quan tâm nhất vẫn là kinh tế, và chính điều đó khiến họ “khó khăn” khi nghĩ đến chuyện nên bỏ phiếu chọn ai. Đến chiều hôm qua (thứ Hai, mùng 5 tháng 11. 2012), các nhà báo cũng như các chuyên gia bầu cử đều lắc đầu nhìn nhận “quá khó đoán” kết quả bầu cử tổng thống, chỉ có thể dự đoán bên Dân Chủ sẽ lấy thêm ghế ở Hạ Viện nhưng chưa đủ để nắm khối đa số, đảng Cộng Hòa sẽ có thêm ghế tại thượng nghị sĩ, nhưng quyền hành đa số vẫn ở trong tay đảng Dân Chủ.

Ngay chính một nhà báo bạn đang làm việc tại thủ đô Washington D.C. -xin được dấu tên- cũng nói “sáng thứ Ba tôi tin ít nhất 90% cử tri da đen Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho ông Obama”, nhưng anh bạn đồng nghiệp “da màu” này nói tiếp “tập thể da đen chúng tôi bỏ phiếu ủng hộ ông vì lý do mầu da nhiều hơn là vì thành quả ông ta đã làm được trong 4 năm vừa qua”. Dựa vào điều gì để anh bạn nói như vậy, tôi hỏi. “Những người cũng mầu da với tôi rất hãnh diện khi thấy ông Obama vào Tòa Bạch Ốc, nhưng chính an hem trong cộng đồng chúng tôi cũng quá mệt mỏi khi phải lên tiếng bênh vực cho thành quả kinh tế ông ta đã làm được ở nhiệm kỳ đầu tiên”.

Như vậy, chuyện “đầu tiên” vẫn là “tiền đâu”. Mà đã nói tới tiền thì phải nói tới kinh tế.

Không thể phủ nhận các tin tức liên quan đến kinh tế quốc gia trong tuần lễ cuối cùng trước ngày bầu cử đều là những tin mang dấu hiệu khả quan cho nước Mỹ. Trước hết là mức phát triển kinh tế đang tăng, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức dưới 8% và được các chuyên gia kinh tế của chính phủ lẫn của các công ty tư nhân dự đoán sẽ ở mức thấp này trong thời gian -ít nhất- 12 tháng tới.

Tất cả những dữ kiện này được ông Obama sử dụng tối đa trong các cuộc vận động tranh cử, xem đó là thành quả của chính sách kinh tế mà ông đã cho áp dụng trong 4 năm trời vừa qua. Thành quả đó đến từ gói kích cầu gần 900 tỷ dollars, đến từ quyết định bỏ tiền cứu nguy kỹ nghệ xe hơi để 2 đại công ty GM và Chrysler không phải khai phá sản, đến từ chương trình giảm thuế cho người trung lưu và người nghèo như ông đã hứa lúc mới tranh cử nhiệm kỳ đầu, và đến từ những khoản trợ giúp của liên bang dành cho tiểu bang và các địa phương.

Nhưng không phải ai cũng công nhận thành quả đó là của vị tổng thống đương nhiệm. Trong cuộc phỏng vấn cùa tờ USA Today, một cư dân Ohio tên Rich Weise cho rằng ông Obama bảo nước Mỹ đang tiến về phía trước “nhưng tôi thấy chẳng tiến chút nào cả. Tôi mong muốn thay đổi, chứ không muốn thấy tình cảnh giống như 4 năm vừa qua”. Môt cư dân Ohio khác là bà Jane Evans cũng bảo 4 năm trước đây, nước Mỹ đặt hy vọng vào ông Obama “với lời cam kết sẽ thay đổi (Change) và hy vọng (Hope) mà ông ta đưa ra”. Bốn năm sau đó, “đáng lẽ phải có nhiều việc làm cho dân chúng, kinh tế phải phát triền thật tốt, nhưng có ai thấy những điều đó đâu?”. Đã vậy, “ông Obama vẫn chưa cho biết sẽ làm gì trong 4 năm tới để đưa nền kinh tế quốc gia đến chỗ tốt đẹp hơn”.

Lập luận của bà Jane Evans cũng là điều chính ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney từng nói tới. Trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên, ông Romney nói rằng cũng như tất cả người dân Hoa Kỳ, “bốn năm trước đây tôi phấn khởi khi thấy Tổng Thống bước vào Tòa Bạch Ốc”, nhưng 4 năm sau đó “thành quả thì không thấy, thất vọng thì tràn đầy”. Đầu tuần trước khi đến Ohio, ông Romney nói với những người ủng hộ như sau: “con đường ông Obama đang dẫn chúng ta đi là con đường không khác gì 4 năm vừa qua, chọn ông ta ở lại có nghĩa là khoản nợ 16,000 tỷ bạc sẽ tăng thành 20,000 tỷ trong 4 năm sắp tới”. Còn con đường của ông Romney đưa ra “là một con đường hoàn toàn mới, một thay đổi hoàn toàn mới”, trước khi nhắc lại những gì ông đã cam kết: cân bằng ngân sách, tạo thêm 12 triệu việc làm ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, sửa đổi lại chương trình medicare và quan trọng nhất, “tôi sẽ thay đổi cục diện kinh tế”.

“Thử thách trước mặt là thử thách rất quan trọng. Cuộc tranh cử năm nay không phải là cuộc tranh cử của đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa, cũng chẳng phải là chọn lựa giữa tôi hay ông Obama, mà là chọn lựa hướng đi cho nước Mỹ”, ông Romney nói tiếp. “Người dân Hoa Kỳ muốn thay đổi, thay đổi hoàn toàn mới. Chúng ta sẽ cùng nhau làm được điều đó, để nước Mỹ trở nên vững mạnh trở lại”.

Liệu những điều ông Romeny đưa ra có đủ để đưa ông vào Tòa Bạch Ốc hay không? Ông Thống Đốc Cộng Hòa Scott Walker của tiểu bang Wisconsin (nơi các cố vấn của 2 ông Obama và Romney đều nói cần phải thắng) tin rằng “cử tri đang lắng nghe ông Romney, nhất là sau cuộc tranh luận đầu tiên” giúp ông Romney được sự mọi người chú ý nhiều hơn. Vẫn theo ông Thống Đốc Walker, “tôi tin cử tri vẫn đang lắng nghe” trước khi đặt chân vào phòng phiếu.

Một trong những người cho đến chiều hôm qua vẫn đang lắng nghe và “tiếp tục lắng nghe” là bà Martha Johnson, cư dân thành phố Fairfax, Virginia, tiểu bang nằm trong danh sách có thể quyết định ghế tổng thống. “Tôi nghe cả 2 ông nói, xem cả những quảng cáo của 2 ông chiếu trên truyền hình, hầu như không bỏ sót cái quảng cáo nào cả”. Thế bà đã quyết định bỏ phiếu ủng hộ ai chưa? “Tới lúc này tôi vẫn còn phân vân, chưa quyết định sẽ ủng hộ ai”, bà Johnson trả lời. “Bốn năm trước đây tôi là người đi vận động bạn bè, láng giềng bỏ phiếu cho ông Obama, ông ta hứa rồi cũng không làm đúng lời hứa, cam kết sẽ tạo được việc làm cho người dân rồi cũng chẳng thấy đâu. Bây giờ tôi lại nghe ông Romney hứa, không biết liệu ông ta có làm đúng những gì đã hứa hay không?”.

Điều gì khiến bà Martha và một số không nhỏ cử tri khác đang phân vân? “Chuyện kinh tế và việc làm”, bà nói tiếp. “Ông Obama đảm bảo 4 năm tới tình hình sẽ khá hơn nhưng ông không cho biết làm thế nào để khá hơn như ông nói. Ông Romney thì bảo trong nhiệm kỳ đầu sẽ tạo được nhiều triệu công việc cho dân, nhưng cũng không cho cử tri chúng tôi biết sẽ làm gì để tạo được cả triệu công việc như ông hứa hẹn”.

Dù “phân vân” hay đã “chọn xong”, sáng nay, người dân Hoa Kỳ sẽ đứng xếp hàng đi bầu, cùng nhau chọn người lãnh đạo quốc gia. Bất kể họ chọn ai, sẽ có 2 chuyện xảy ra: thứ nhất, nước Mỹ sẽ có nhà lãnh đạo; thứ nhì, sáng mai (thứ Tư) sẽ có một nửa nước Mỹ vui mừng với người được chọn, nửa còn lại sẽ cằn nhằn, chê bai, cho rằng nửa kia đã chọn sai người, quốc gia sẽ đứng bên bờ vực thẳm trong 4 năm sắp tới.

Và cả bên này lẫn bên kia đều tin chuyện… chửi thề… vì… kết quả bầu cử cũng sẽ xảy ra!!!

© Nguyễn Văn Khanh

© Đàn Chim Việt

Tags:

1 Phản hồi cho “Hôm nay bầu cử: Hình như vẫn là chuyện kinh tế?”

  1. Hoang says:

    Bài phản hồi này hay.
    Giờ này có kết quả là phần lớn dân Mỹ đã chọn lại ông Obama rồi, thưa ông tác giả bài chủ: Nguyễn Văn Khanh. (…..“Bốn năm trước đây tôi là người đi vận động bạn bè, láng giềng bỏ phiếu cho ông Obama, ông ta hứa rồi cũng không làm đúng lời hứa, cam kết sẽ tạo được việc làm cho người dân rồi cũng chẳng thấy đâu. Bây giờ tôi lại nghe ông Romney hứa, không biết liệu ông ta có làm đúng những gì đã hứa hay không?”……)

Phản hồi