Thỏa ước Phá Bỏ Vũ khí Nguyên Tử và Hội nghị 2010
Hội nghị Duyệt xét thỏa ước quốc tế về phá bỏ các kho vũ khí nguyên tử được chính thức gọi là thỏa ước “Không phổ biến vũ khí nguyên tử” (Non Proliferation Treaty – NPT) lần thứ 8 gồm có 189 nước tham dự tại New York vừa bế mạc ngày 28/5/2010 sau 4 tuần hội họp.
Hội nghị quốc tế này có nội dung quan trọng liên quan đến tình trạng hạn chế sự tác hại của vũ khí nguyên tử trên thế giới, nhưng ít được truyền thông quốc tế quan tâm. Một phần Hoa Kỳ đang quan tâm đến vụ dầu chảy (Oil Spill) trong vịnh Mexico; phần khác, không ai tin vào kết quả của hội nghị vì những mâu thuẫn của thỏa ước NPT.
Quả thật vậy. Kết thúc Hội nghị Duyệt xét lần này, các quốc gia hội viên chỉ đồng thuận thông qua một bản văn “ba phải” không có tính ràng buộc các hội viên – nhất là 5 hội viên chính Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung quốc, Anh và Pháp.
Sự đe dọa của vũ khí nguyên tử là một vấn đề đè nặng lên lương tâm của nhân loại từ khi thế giới chứng kiến tận mắt sự tàn phá khủng khiếp của nó tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8 năm 1945. Một làn sóng vận động hủy bỏ vũ khí nguyên tử được manh nha.
Nhưng trong một thế giới tranh chấp, nhất là sau Thế chiến II, chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô bắt đầu. Nếu Hoa Kỳ đã có vũ khí nguyên tử, thì Nga Xô cũng tìm cách trang bị vũ khí nguyên tử. Anh, Pháp cũng không ngồi chờ. Với khả năng khoa học sẵn có Anh và Pháp nhanh chóng chuẩn bị cho mình một kho vũ khí. Trung quốc sau khi thống nhất năm 1949 cũng tiến hành ngay việc sản xuất vũ khí nguyên tử để xứng đáng với tư cách người thắng trận và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Giữa hai nhu cầu, một bên số đông muốn hủy bỏ vũ khí nguyên tử để tránh nguy hiểm, một bên số ít (nhưng có nhiều ưu thế) muốn duy trì hay chế tạo vũ khí nguyên tử để nâng tư thế của mình trên thế giới hay để tự vệ, thế giới tìm được một giải pháp dung hòa qua sáng kiến của Ái nhĩ Lan và Phần Lan thể hiện dưới hình thức một thỏa ước quốc tế được Liên hiệp quốc đề nghị năm 1968 gọi là thỏa ước quốc tế “Không phổ biến vũ khí nguyên tử” -NPT.
NPT thành hình dựa trên hai nguyên tắc: Quốc gia nào đã có vũ khí nguyên tử (Hoa Kỳ, Nga Xô, Anh) hoặc đã thí nghiệm vũ khí nguyên tử thành công (Pháp, Trung quốc) thì xem như việc đã rồi sẽ tính sau. Quốc gia nào chưa có vũ khí nguyên tử thì cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử và sẽ được Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế – International Atomic Energy Agency – IAEA (1) gíúp đỡ trong việc xử dụng năng lượng nguyên tử vào các mục tiêu hòa bình.
NPT gồm 3 nhiệm vụ gọi là 3 “cột trụ” hỗ trợ cho nhau:
1. Các nước hội viên có vũ khí nguyên tử cần có chương trình hủy bỏ vũ khí nguyên tử (gọi là cột trụ “tài giảm vũ khí nguyên tử”)
2. Các nước hội viên có vũ khí nguyên tử cam kết không chuyển nhượng hiểu biết kỹ thuật hay vật liệu cho các nước chưa có vũ khí nguyên tử, và các nước này cũng cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử (gọi là cột trụ “không chuyển nhượng, không chế tạo”)
3. Các nước hội viên được khuyến khích và được giúp đỡ phát triển kỹ thuật sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ nhân sinh dưới sự kiểm tra của cơ quan IAEA (gọi là cột trụ “năng lượng nguyên tử cho hòa bình”).
Hội nghị thành lập NPT họp tại New York gồm 62 nước tham dự trong đó có 3 nước Hoa Kỳ, Nga Xô, Anh đã có vũ khí nguyên tử.
Hai nước Pháp và Trung quốc không tham dự để rộng tay kiện toàn kho vũ khí của mình.
Các nước Ấn độ, Pakistan, Do Thái không tham dự cho rằng nguyên tắc của NPT dành ưu tiên cho các nước có vũ khí nguyên tử một cách vô lý. Ngoài ra còn có lý do riêng. Ấn độ cần vũ khí nguyên tử vì đang tranh chấp biên giới với Trung quốc. Pakistan cần chạy đưa với Ấn Độ vì tranh chấp vùng Kashmir. Và Do Thái ở giữa vòng vây của khối A Rập cần vũ khí nguyên tử để tự vệ.
NPT trở thành thỏa ước quốc tế ngày 5/3/1970 sau khi Hoa Kỳ, Nga Xô và 40 hội viên khác phê chuẩn. Thỏa ước có hiệu lực 25 năm (đến năm 1995), cứ 5 năm quốc tế duyệt xét sự tiến triển một lần – gọi là Hội nghị Duyệt xét – (Review Conference)
Năm 1995 đáo hạn, số hội viên lên đến 175, trong đó có Trung quốc và Pháp gia nhập NPT năm 1992 sau khi đã hoàn tất kho vũ khí của mình. Hội nghị Duyệt xét năm 1995 (họp tại New York từ ngày 17-4 đến ngày 12-5-1995) quyết định duy trì NPT vô hạn định (2) với sự vận động tích cực của Hoa Kỳ được sự hậu thuẫn của Liên bang Nga (3), Anh, Pháp và Trung quốc.
Trong không khí phấn khởi của sự kéo dài vô hạn định của thỏa ước NPT, tháng 12 năm 1995 các nước trong Hiệp hội Asean (trong đó có Việt Nam) thêm Lào, Cam bốt , Miến Điện (lúc dó chưa là thành viên Asean) ký thỏa ước biến vùng Đông Nam Á thành vùng “phi nguyên tử”, và năm 1996 Hoa Kỳ và Liên bang Nga ký hiệp ước “Cấm Thí nghiệm Vũ khí Nguyên tử” (Comprehensive Test Ban Treaty – CTBT).
Năm 2000 Hội nghị Duyệt xét (lần thứ 6) họp trong một không khí không thuận lợi. Năm 1998 Ấn Độ và Pakistan đều đã kết thúc thành công các cuộc thí nghiệm vũ khí nguyên tử. Và sau gần 10 năm kể từ ngày Chiến tranh lạnh chấm dứt thế giới vẫn còn 30.000 bom và đầu đạn nguyên tử đủ lọai. Liên bang Nga và Hoa Kỳ ở trong tình trạng báo động 24/24 giờ để canh chừng nhau. Thượng nghị viện Hoa Kỳ (năm 1996) không phê chuẩn hiệp ước CTBT. Và như một giọt nước làm tràn ly nước, năm 1999 NATO trên đà nới rộng tuyên bố vũ khí nguyên tử cần thiết cho sự phòng thủ Âu châu.
Dù vậy, Hội nghị Duyệt xét năm 2000 cũng thông qua được một văn kiện gồm 13 mục phát họa con đường giải giới nguyên tử. Mục 6 ghi: “Các nước có vũ khí nguyên tử cam kết một cách minh bạch sẽ làm mọi cách để hủy bỏ kho vũ khí nguyên tử của mình” (nguyên văn: Unequivocal undertaking by the nuclear weapons states to achieve total nuclear disarmament)
Từ năm 2001 đến 2005 có nhiều biến chuyển đe dọa hòa bình thế giới và Hội Nghị Duyệt xét năm 2005 diễn ra trong một không khí ít thuận lợi hơn nữa.
Cuộc khủng bố tại New York ngày 11/9/2001 đưa đến chiến tranh tại Afghanistan và sau đó chiến tranh Iraq. Bắc Hàn sau khi rút ra khỏi NPT năm 2003 cho nổ thí nghiệm vũ khí nguyên tử. Trong khi đó Iran âm thầm theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử núp sau cái cớ phát triển điện lực nguyên tử tạo ra nhiều tranh cãi tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc do sự bất đồng ý kiến giữa 5 Ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an. Hoa Kỳ, Anh, Pháp nghiêng về trừng phạt, Trung quốc và Nga Xô nghiêng về khuyến cáo.
Kết quả Hội nghị Duyệt xét năm 2005 đã chia tay trong không khí nghi ngờ và thất vọng không thông qua được một bản văn đúc kết nào.
Hội nghị Duyệt xét năm 2010 vừa qua họp trong một không khí thuận lợi hơn. Chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan đang trong lịch trình kết thúc. Tại Hoa Kỳ tổng thống Obama đắc cử năm 2008 và ông hứa sẽ kiến tạo một thế giới hòa bình không có vũ khí nguyên tử. Ngày 8/4/2010 tại Prague (thủ đô Cộng Hòa Tiệp) tổng thống Hoa Kỳ Obama và tổng thống Liên bang Nga Medvedev ký một “Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược” đồng ý cùng giảm 30% số hỏa tiển liên lục địa và số đầu đạn dàn trên các tầu ngầm trên số tồn tại đã đồng thuận năm 2002. Và trong 2 ngày 12 -13/4 tại Washington 47 nước (trong đó có Việt Nam) đã tham dự một Hôi nghị Thượng đỉnh để bàn về sự an toàn nguyên tử.
Dù được chuẩn bị như vậy, sự nghi kỵ lẫn nhau trên thế giới vẫn còn nhiều. Các quốc gia tham dự Hội nghị Duyệt xét 2010 (khai mạc ngày 3/5/2010) hiểu rằng nếu lần này không đi đến một bản đúc kết đồng thuận và tay trắng chia tay nhau như Hội nghị năm 2000 thì tương lai của thỏa ước NPT sẽ rất lu mờ dù không bị khai tử. Và hòa bình thế giới sẽ bị đe dọa hơn.
Cuối cùng các quốc gia tham dự tương nhượng nhau để vớt vác gì còn vớt vác được, đã đồng thuận một bản văn đúc kết không có tính ràng buộc và không vạch ra một nghị trình thời gian buộc các nước có vũ khí nguyên tử (đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên bang Nga) giải giới, và cũng không bao gồm được các biện pháp trừng phát cụ thể và gắt gao hơn để ngăn chận các tham vọng sản xuất vũ khí nguyên tử (đặc biệt của Iran).
Bản văn đúc kết ghi nhận một cách yếu ớt rằng: “Đa số các nước tham dự hội nghị nghĩ rằng giai đoạn cuối cùng của việc giải giới nguyên tử cần được thực hiện qua một lịch trình luật định” (nguyên văn: the final phase of the nuclear disarmament process should be pursued within an agreed legal framwork, which a majority of States parties believe should include specified timelines).
Và để xem hội viên nào đã làm được gì với yêu cầu nhẹ nhàng đó, Bản văn Đúc kết mời các hội viên báo cáo những gì đã làm vào năm 2014 để hội nghị vào năm 2015 có đủ dữ kiện đưa ra những ràng buộc giải giới.
Tuy nhiên Hội nghị có làm được hai điểm tích cực:
Thứ nhất, xác định quyền sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hòa bình.
Thứ hai, do đòi hỏi của Ai Cập ràng buộc ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc triệu tập một hội nghị Trung đông vào năm 2012 để thành lập vùng “phi nguyên tử và phi các vũ khí tàn phá tập thể khác” tại Trung đông.
Tóm lại, kết quả của Hội nghị Duyệt xét năm nay chứa đựng toàn sự “hy vọng” không khác gì đã hy vọng vào năm 2000, và không làm cho ai tin tưởng rằng 5 năm sau thế giới sẽ được an toàn hơn với thỏa ước NPT.
Hai điểm tích cực của hội nghị đều có gót chân “Achilles” của nó:
Đẩy mạnh nỗ lực sử dụng năng lượng nguyên tử, nếu giúp cho công cuộc giảm độ nóng của bầu khí quyễn thì lại có thêm điều kiện tốt cho quốc gia nào định tâm lợi dụng để chế tạo vũ khí nguyên tử. Trước đây các nước Ấn Độ, Pakistan, Do Thái, Nam Phi đều đi qua con đường này. Hiện nay Việt Nam đang có chương trình thiết lập một trung tâm điện lực nguyên tử. Ai có thể ngăn chận các nhà lãnh đạo Việt Nam nghĩ đến việc qua đó tìm hiểu kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử. Sống trong một môi trường bị đe dọa như Việt Nam hôm nay, nghĩ đến những gì cần làm để tự vệ không phải là một điều phi lý (4).
Riêng nỗ lực thiết lập “khu phi vũ khí tàn phá tập thể” tại Trung đông năm 2012 có thành công hay không còn tùy vào tình hình tranh chấp giữ Do Thái và Palestine. Kho bom nguyên tử của Do Thái còn đó dù Do Thái chưa bao giờ nhìn nhận hay chối cãi (5) thì làm sao có thể “phi vũ trang” ở Trung Đông.
Trong tình hình hiện nay, người ta không thấy một tiến bộ nào về sự giải giới nguyên tử như mục đích nguyên thủy của NPT. Và nếu các nước đang có vũ khí nguyên tử không thể giải giới thì cũng không có cách gì có thể thuyết phục các nước đang cảm thấy đe dọa và có khả năng trí tuệ và phương tiện tài chánh bỏ ý định chế tạo vũ khí nguyên tử để tự vệ. Trong khi đó sự khuyến khích và giúp đỡ các quốc gia hội viên phát triển khả năng sản xuất điện lực nguyên tử càng làm cho công tác kiểm soát của cơ quan IAEA thêm khó khăn nếu không muốn nói là vô phương.
Ba cột trụ của NPT nguyên thủy có mục đích hỗ trợ nhau đề kiến tạo một thế giới hòa bình giúp nhân loại khỏi sống trong lo âu theo logic: Cột trụ hủy bỏ vũ khí nguyên tử thành công, sẽ làm cho cột trụ thứ hai thành công vì không một quốc gia nào tìm cách chế tạo bom nguyên tử để mang họa. Và sau cùng cột trụ thứ ba là phát triển kỹ năng nguyên tử phục vụ hòa bình sẽ thành công vì không nước nào lợi dụng.
Nhưng thực tế, ngay từ nguyên thủy ba nước Mỹ, Nga, Anh với sự toa rập của Trung quốc và Pháp đã lợi dụng sáng kiến của Ái nhĩ Lan và Phần Lan để thiết lập một hệ thống pháp lý quốc tế qua thỏa ước NPT cho phép 5 nước mình (và chỉ 5 nước đó) có vũ khí nguyên tử, và các nước khác nếu chế tạo vũ khí nguyên tử thì trở thành tội phạm vi phạm luật quốc tế vì đe dọa hoà bình thế giới.
Thực tế này đã biến 3 cột trụ của NPT trên lý thuyết nhắm hỗ trợ cho nhau thành 3 cột trụ đạp đổ nhau theo logic: Khi thấy không nước nào thật tâm gỉảm vũ khí nguyên tử (cột trụ 1 hỏng) thì nước nào có khả năng và bị đe dọa đều tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử (cột trụ 2 hỏng). Đồng thời cột trụ 3, giúp đỡ nhau phát triển khả năng khai thác nguyên tử lực cho mục đích hòa bình cũng hỏng vì bị lợi dụng.
Kết quả Hội nghị Duyệt xét tháng 5/2010 tại New York là một thất bại và là một tiếng chuông nữa cảnh báo sự mong manh của nền hòa bình thế giới.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn là dư luận thế giới phản ánh qua truyền thông quốc tế hình như cũng không mấy quan tâm và xem đó là “chuyện hằng ngày ngoài huyện.”
June 11, 2010
Bài nhận được từ tác giả.
——————————————-
(1) IAEA được thành lập ngày 29/7/1957. Mục đích gíúp phát triển khả năng sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ đời sống và ngăn ngừa việc lợi dụng kỹ thuật liên hệ để chế tạo vũ khí nguyên tử.
(2) “Thỏa ước NPT ngày 12/5/1995 có bảo đảm hòa bình thế giới không?” Tuyển Tập Bình Luận Chính Trị, Tập II, 1995-1996, Trần Bình Nam, trang 207.
(3) Liên bang Nga, hậu thân của Nga Xô hay Liên bang Xô viết.
(4) “Việt Nam đang nghĩ đến vũ khí nguyên tử” Tuyển Tập Bình Luận Chính Trị, Tập II, 1995-1996 , Trần Bình Nam, trang 93.
(5) Năm 1986, một chuyên viên nguyên tử của Do Thái tên là Mordechai Vanuvu trốn sang Anh và viết một bài báo tiết lộ khả năng nguyên tử của Do Thái đăng trên tờ Sunday Times ngày 5/10/1986 ở Luân Đôn. Ông Vanuvu sau này bị tình báo Do Thái bắt cóc tại Ý đưa về Do Thái.