WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nam Phi, tự do và hy vọng

Dân chúng Cộng Hòa Nam Phi, 49 triệu người, có quyền hãnh diện khi một nửa nhân loại đang chăm chú theo dõi những trận đá trong Giải Bóng Tròn Thế Giới tổ chức ở nước họ, lần đầu tiên một quốc gia Phi Châu đứng ra tổ chức giải này. Nhưng đằng sau không khí lễ hội nhộn nhịp, khi cả thế giới nhìn về Nam Phi với lòng kính phục, người ta vẫn tự hỏi nước này đang thành công hay thất bại.

Một nửa nhân loại đáng dán mắt vào màn hình theo dõi World Cup Nam Phi

Nam Phi khác hẳn Việt Nam. Nước ta do một khối dân tộc cùng ngôn ngữ, cùng màu da lập nên, do nhu cầu tự nhiên phải đoàn kết chống lại một cường quốc phương Bắc. Nam Phi là một quốc gia rất “nhân tạo,” gồm nhiều bộ lạc da đen ngôn ngữ khác nhau, bên cạnh còn những “bộ lạc” khác gồm người da trắng, người Á Châu (Ấn Ðộ), người lai được gọi là “da màu.” Cách đây hơn ba thế kỷ, người Hòa Lan, Ðức, và người Anh Quốc tới đây khai khẩn thuộc địa, dần dần mảnh đất này thuộc quyền Ðế Quốc Anh. Nam Phi chỉ được thành lập 100 năm trước đây, khi những người gốc Hòa Lan thắng các toán lính thuộc địa. Ðó là những người Boers, sau này gọi là Afrikaners, với ngôn ngữ Afrikaan giống tiếng Hòa Lan thế kỷ 17, bây giờ cùng với tiếng Anh là hai trong 11 ngôn ngữ chính thức của quốc gia! Cùng lúc đó những người da đen cũng đứng lên đòi độc lập, do bộ lạc đa số Zulu khởi xướng, quy tụ trong Nghị Hội Quốc Gia Nam Phi (ANC).

Trong hơn ba thế kỷ, người da trắng coi dân da đen như một giống người thấp kém, không được hưởng những quyền bình đẳng với họ. Trong nửa thế kỷ sau cùng, người da trắng đã chính thức hóa độc quyền cai trị với chế độ phân biệt chủng tộc gọi là Apartheid. Cả thế giới phản đối chính sách đó, các cường quốc cùng nhau cấm vận Nam Phi, dần dần đưa kinh tế đến tình trạng suy sụp. Năm 1994, trong một cuộc trưng cầu dân ý dành riêng cho người da trắng thống trị, hai phần ba đã bỏ phiếu đồng ý bãi bỏ chế độ apartheid (một hành động ngoạn mục không khác gì bây giờ các đảng viên Cộng Sản ở Việt Nam bỏ phiếu xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp!)

Người da đen được tham dự một cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong lịch sử của họ, và phong trào ANC đại thắng. Hai năm sau, Quốc Hội đã ban hành một bản hiến pháp mới, lúc đó có thể coi là một Cộng Hòa Nam Phi mới được khai sinh.

Bản hiến pháp Nam Phi có thể coi là tiến bộ nhất thế giới. Những quyền tự do và bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội được công nhận và thể hiện trong luật pháp. Hiến pháp cấm mọi chủ trương phân biệt chủng tộc, bảo đảm quyền lợi của người da trắng, người Châu Á và da màu. Không những thế, mọi hành động kỳ thị về phái tính (nam, nữ), tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, tình trạng hôn nhân, cũng như kỳ thị người đồng tính luyến ái đều bị cấm. Mọi công dân đều bình đẳng và được pháp luật bảo vệ. Tổ chức quốc tế Nhà Tự Do (Freedom House) đánh giá Nam Phi là quốc gia có chỉ số tự do bằng 2, trong bậc thang từ 1 (tự do nhất) đến 7 (không tự do). Ðây là một điều đáng hãnh diện.

Từ năm 1994 đến nay, Nam Phi đã sống theo tinh thần bản hiến pháp mới. Người da trắng (9% trong dân số 49 triệu), người da màu (9%), người Á Châu (3%), được sống yên ổn cùng khối đa số da đen. Có những chính sách nhằm nâng đỡ người da đen, như giành ưu tiên chia cho họ một tỷ số công việc làm ở công sở và tại các công ty tư nhân; cũng giống như một chính sách áp dụng ở Mã Lai Á nhằm nâng đỡ người gốc Mã Lai vì họ khó cạnh tranh với người gốc Trung Hoa. Từ năm 1969, phong trào ANC đã thâu nhận cả người da trắng, để chứng tỏ họ không kỳ thị. Hiện trong chính phủ Nam Phi của Tổng Thống Jacob Zuma (mới đắc cử năm ngoái) có 4 người da trắng trong số 35 bộ trưởng. Có 9 người da trắng cầm quyền trong số 99 thủ tướng và bộ trưởng ở các tỉnh.

Phải công nhận tình trạng hòa hài trong cuộc sống Nam Phi đạt được là nhờ giới lãnh đạo phong trào trào ANC, đặc biệt là công của vị tổng thống đầu tiên, ông Nelson Mandela. Ông Mandela đã bị chính quyền Apartheid cầm tù nhiều năm, cho đến khi họ chịu xóa bỏ chính sách kỳ thị. Ông được cả thế giới ngưỡng mộ, đắc cử chức tổng thống, và giữ đúng chủ trương không kỳ thị, không thù hận người da trắng. Ông bảo vệ hệ thống hành chánh và nền tư pháp độc lập mà người da trắng đã thiết lập, sử dụng những người da trắng theo khả năng của họ. Nam Phi đã không rơi vào tình trạng rối loạn và suy sụp như nước láng giềng, xứ Zimbabwe. Ở Zimbabwe, sau khi người da đen giành được chính quyền năm 1980, ông Mugabe đã cai trị theo lối độc tài, theo những chính sách mị dân, gây thù hận người da trắng và giành mọi quyền lợi cho đàn em trong đảng ZANU dù đó là những người bất lực. Kinh tế Zimbabwe đã suy đồi, giai cấp thống trị mới là một guồng máy tham nhũng, lạm quyền trong khi dân chết đói. Ông Mandela đã rời bỏ chính quyền sau một nhiệm kỳ tổng thống, nêu tấm gương không tham quyền cố vị cho các nhà chính trị khác. Từ 16 năm nay, bốn vị tổng thống đều thuộc đảng ANC. Họ đều không bị quyến rũ bởi khuynh hướng độc tài mà lãnh tụ các nước Á Phi thường hay sa ngã. Các chính sách lớn của quốc gia thường được tham khảo với các nhà chính trị và chuyên gia ngoài đảng cầm quyền. Nhiều định chế kiểm soát lẫn nhau giúp ngăn chặn những hành động lạm quyền. Nam Phi có thể coi là một ngọn đuốc dân chủ cho một tỷ người ở Phi Châu trông vào.

Có một bản hiến pháp tiến bộ, một di sản chính trị tốt với các chính sách đứng đắn do Mandela để lại, nhưng nước Nam Phi vẫn chưa thực hiện được những ước mơ tự do và bình đẳng.

Một bản hiếp pháp dù tiến bộ đến đâu cũng không bảo đảm được là mọi người sẽ thay đổi tánh tình để sống đúng tinh thần bản hiến pháp đó. Những người cầm quyền rất dễ bị quyền hành làm hư hỏng. Nam Phi đang bị nạn tham nhũng thao túng không khác gì nhiều nước chậm tiến khác. Nạn tham nhũng bắt đầu từ chính những người “cách mạng” trong ANC. Ông Snuts Ngoyama, từng là phát ngôn viên của đảng cầm quyền vào năm 2007, đã nói: “Tôi không tham gia tranh đấu để sống nghèo mãi được!” Câu nói này cũng giống như lời cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt giải thích với một nhà kinh tế mà ông đang tham khảo ý kiến khi ông này than phiền về tình trạng đảng viên Cộng Sản tham nhũng. Ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương miền Nam, kể lại trong cuốn hồi ký của ông lời ông Kiệt giải thích rằng các cán bộ Cộng Sản đã chịu đựng gian khổ nhiều rồi, cũng nên cho họ cơ hội được hưởng thụ để đền bù lại!

Nhưng tại Nam Phi, đảng ANC không nắm tất cả mọi quyền lực như đảng Cộng Sản tại Việt Nam. Ngoài báo chí tự do, các đảng đối lập với chính quyền, còn có các cơ quan trừ tham nhũng độc lập trong guồng máy nhà nước.

Tổng Zuma công nhận tình trạng tham nhũng ở nước ông tệ hại hạng nhất thế giới. Ông hứa sẽ chấm dứt chế độ ban tổ chức cán bộ của ANC phân phối các đảng viên trung thành vào các cơ quan công quyền, bất chấp khả năng. Người đứng đầu cơ quan gọi thầu của Bộ Quốc Phòng, người cầm đầu hệ thống hỏa xa, người chỉ huy công ty hàng không đã bị cách chức. Chỉ huy trưởng cảnh sát toàn quốc đang bị đưa ra tòa về tội tham nhũng. Người đứng đầu Ủy ban Ðiều tra Tham nhũng tại Nam Phi, ông Willie Hofmeyr, cho biết có 400 ngàn công chức Nam Phi đã thụ hưởng những quyền lợi mà đáng lẽ họ không được hưởng. Có 6,000 công chức đã trốn không khai những việc góp vốn của họ vào các công ty tư nhân, mặc dù luật lệ bắt buộc phải khai báo. Nạn tham nhũng nặng nề nhất là trong ngành công chánh, khi giá thầu xây dựng được nâng lên để thâm lạm tiền công quỹ. Tham nhũng khó trị nhất là ở cấp chính quyền địa phương, nơi người dân ít có dịp lên tiếng qua báo chí. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại các tỉnh, chống tình trạng ‘con ông cháu cha,” quản lý sai lầm, và chính quyền không có khả năng.

Với một guồng máy chính quyền còn đầy tham nhũng như vậy, tình trạng giáo dục, y tế và xã hội không thể tiến bộ được, dù chính sách của chính phủ đứng đắn. Nam Phi chi hơn 6.4% tổng sản lượng nội địa vào việc giáo dục, một tỷ số cao nhất thế giới, chứng tỏ họ rất quan tâm tới tương lai quốc gia (tỷ lệ ở Việt Nam thấp hơn, khoảng 5.6% GDP vào năm 2006). Nhưng tình trạng giáo dục không tiến được vì nhân viên tham nhũng và kém khả năng. Chỉ có 10% các trường trung học có thư viện và phòng thí nghiệm khoa học. Có 800,000 sinh viên đại học nhưng cả nước chỉ có một đại học Cape Town được xếp hạng trong số 200 đại học tốt nhất thế giới (đại học tốt nhất Việt Nam ở Sài Gòn được xếp hàng 500 đến 600, theo báo chí ở trong nước). Tổng Thống Zuma đã đặt vấn đề cải tổ giáo dục là ưu tiên số một của chính phủ ông. Một biện pháp ông sẽ thi hành là tái lập hệ thống thanh tra giáo dục, như thời Apartheid vẫn có.

Tình trạng y tế ở Nam Phi cũng không tiến bộ được cũng vì thiếu người và tham nhũng. Một phần ba các chức vụ về y tế không tuyển được người làm, mặc dù chính phủ giành gần 9% cho y tế. Nạn AIDS (Sida) ở Nam Phi trầm trọng nhất thế giới. Tỷ số thất nghiệp ở Nam Phi cũng cao nhất trong số các nước đang lên. Nhiều người da đen đã bước vào tầng lớp trung lưu trong 16 năm qua, nhưng số người nghèo ở các vùng xa vẫn đông và ngày càng thua kém những người ở thành phố. Nam Phi đứng hàng thứ 24 về kinh tế trên thế giới, là thành viên của nhóm G20 gồm 20 quốc gia kinh tế cao, với lợi tức bình quân 10,000 đô la một năm cho mỗi người dân. Nhưng có tới 40% dân chúng sống với lợi tức dưới 2 đô la Mỹ một ngày. Ða số là những người da đen sống ở các vùng thôn quê, ở một xứ mà chỉ có 12% đất đai là trồng trọt được. Với tình trạng bất công xã hội như vậy, nạn ma túy, trộm cắp và tội phạm lên cao.

Với những vấn đề xã hội còn nặng nề như vậy, Nam Phi còn phải cố gắng nhiều hơn. Nhưng sau 16 năm giành được quyền tự do tham gia việc chính trị, vào năm 1994 là lúc kinh tế đang suy kiệt, quốc gia này có thể hãnh diện về những thành quả họ đã đạt được. Tương lai của họ có vẻ lạc quan. Ðây là nước được thiên nhiên ưu đãi. Họ chiếm 90% quặng mỏ platinium của thế giới, 80% quặng manganese, 70% crôm, và 40% quặng vàng. Chế độ chính trị ổn định không phải nhờ guồng máy đàn áp của công an, mà do sự trưởng thành của các định chế chính trị. Ðiều đáng khen ngợi nhất trong xã hội Nam Phi là một xã hội công dân đã thành hình và rất năng động. Mặc dù guồng máy cai trị bị hoen ố vì tình trạng bè phái tham nhũng, nhưng nền tư pháp của Nam Phi vẫn giữ được tư cách tương đối độc lập. Các công đoàn độc lập hoạt động mạnh, với những người lãnh đạo có kiến thức và đại diện thật của công nhân. Ðáng kể nhất là hệ thống truyền thông, báo chí Nam Phi hoạt động rất mạnh và độc lập với nhà nước, cùng với các đảng chính trị tạo nên những thế lực ngoài chính quyền và ngăn cản cảnh lạm quyền có hiệu quả. Ðây cũng là một quốc gia có rất nhiều hội đoàn tư ngoài chính phủ (NGO), họ hoạt động rất mạnh, tạo thành một xã hội công dân năng động. Xã hội công dân đó là nền tảng giúp chế độ tự do dân chủ được vững bền.

Trong khi theo dõi các trận đá banh trong Giải Bóng Ðá Thế Giới, quý vị độc giả có thể sẽ tìm hiểu thêm và suy nghĩ về nước chủ nhà Nam Phi; hy vọng sẽ rút ra những bài học cho nước ta. Ngày hôm nay mở màn World Cup, Tổng Thống Jacob Zuma sẽ được sống những giờ phút “quang vinh” ngay trong lễ khai mạc và những dạ tiệc đi kèm. Nhiều khán giả đang thắc mắc ai sẽ đóng vai đệ nhất phu nhân chia sẻ những sinh hoạt đó với ông; mỗi lần ông sẽ phải chọn một trong số ba bà vợ chính thức hiện nay – nhưng chắc không phải là hai cô vị hôn thê chưa làm đám cưới. Nhưng sau những giờ phút hưởng vinh quang trong địa vị tổng thống một nước đương cai, ông phải nhớ chính phủ ông còn rất nhiều việc cần làm để 40 triệu người da đen, một nửa còn sống nghèo khổ, được ngẩng đầu lên!

Nguồn: Nguoi-viet.com

Phản hồi