Ba Lan sôi động bầu cử Tổng Thống
Hai mươi mốt năm trước, cũng vào tháng Sáu, lần đầu tiên Ba Lan có một cuộc bầu cử dân chủ sau thắng lợi của Công Đoàn Đoàn Kết. Cuộc bầu cử đã đưa đất nước Ba Lan vào một trang sử mới – Tự do và Dân chủ – chấm dứt sự cai trị độc đảng của Cộng sản trong gần nửa thế kỷ. Nối tiếp Ba Lan, các chế độ Cộng sản sụp đổ dây chuyền ở hàng loạt nước Đông Âu, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử châu lục này.
Lần này, bầu cử Tổng thống Ba Lan cũng rơi vào đúng tháng Sáu lịch sử. Tại nạn bất ngờ của tổng thống Ba Lan và 95 thành viên khi tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân Katyn hôm 10/4 đã dẫn tới việc bầu cử sớm theo quy định của Hiến Pháp.
Tai nạn cũng cướp đi vài ứng cử viên dự định tranh cử Tổng thống năm nay, trong đó có cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski. Thay vào vị trí của ông là người em song sinh, cựu thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski.
Chủ nhật, 20/6/2010, người dân Ba Lan đã tới các điểm bỏ phiếu để chọn ra người đứng đầu quốc gia trong số 10 ứng cử viên vào chức vụ này. Chiến dịch tranh cử lần này được giới truyền thông đánh giá là khá đặc biệt, khi gần như trong suốt thời gian vận động tranh cử ngắn ngủi, Ba Lan phải đối mặt với thiên tai, trận lụt thế kỷ làm hơn 20 người thiệt mạng và tổn thất kinh tế nhiều tỉ Euros.
Trước ngày bầu cử, truyền thông đã mở nhiều chiến dịch quảng cáo, thông báo, kêu gọi, người dân đi bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu mở cửa tới 20h ngày Chủ nhật và thu hút gần 55% số cử tri đi bầu. Ba Lan có khoảng 30 triệu cử tri trong tổng số 38,5 triệu người.
Các cơ quan truyền thông đã nhiều lần đưa ra các kết quả thăm dò dư luận xã hội cũng như dành thời lượng đưa tin về các cuộc vận động tranh cử tại các địa phương.
Kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố một ngày sau, vào chiều tối 21/6, sau khi kiểm xong những thùng phiếu cuối cùng của các kiều dân Ba Lan ở nước ngoài. Thực ra, chỉ vài tiếng sau khi kết thúc bầu cử, người ta đã đưa ra kết quả gần chính xác qua việc kiểm 94% số phiếu. Kết quả chính thức không chênh lệch bao nhiêu so với kết quả được đưa ra ban đầu.
Quyền Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski, đại diện cho đảng Cương lĩnh Dân sự (PO) được 41,54%. Người về nhì là Jaroslaw Kaczynski, ứng cử viên của đảng Pháp Luật và Công Lý (PiS), em song sinh của cố Tổng thống Ba Lan, với 36,46%. Điều bất ngờ là ứng cử viên trẻ tuổi ,Grzegorz-Napieralski của Liên minh Dân chủ Cánh Tả (SLD) đạt 13,68%. Số còn lại không ai được quá 5%.
Kết quả bầu cử cho thấy rằng, Kaczynski – người quyết định ra tranh cử Tổng thống rất muộn và chỉ được 20% sự ủng lúc mới tuyên bố tranh cử – đang rút ngày càng ngắn khoảng cách và theo sát nút ứng cử viên sáng giá nhất, Komorowski. Khác với các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, chênh lệch giữa 2 ứng viên này chỉ còn 5%. Đây là khoảng cách có thể tạo ra nhiều bất ngờ trong vòng bầu cử tới.
Với kết quả chưa ai quá bán, bầu cử vòng 2 sẽ diễn ra 2 tuần sau đó, vào ngày 4/7/2010.
Hai ứng cử viên bước vào trận đấu tay đôi là Jaroslaw Kaczynski, sinh năm 1949 tại Warsaw, tiến sĩ luật và Bronislaw Komorowski, sinh năm 1952 tại tỉnh Slask, tốt nghiệp đại học khoa sử.
Kết quả vòng 1 cho thấy, Komorowski nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của dân Warsaw, trong khi đối thủ của ông, Kaczynski nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ nông thôn. Điều đặc biệt, kiều dân Ba Lan ở nước ngoài dành sự ủng hộ cho Kaczynski tới 80%.
Ai sẽ là Tổng thống Ba Lan vẫn là một dấu hỏi. Lời giải đáp không chỉ đơn giản là các con số. Bài học từ cuộc bầu cử 5 năm trước đây, khi người luôn bị đối phương dẫn điểm trong vòng 1 đã bất ngờ bứt lên, bỏ xa đối thủ, trở thành Tổng thống Ba Lan, vẫn còn đó. Liệu lịch sử có lặp lại hay không, chưa ai có thể dám chắc.
Quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tay đôi của 2 ứng cử viên trong vòng chung kết sắp tới không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính họ và 2 đảng PO cũng như PiS mà còn nằm trong tay của ứng cử viên thứ 3 Grzegorz Napieralski, mặc dù ông sẽ không còn xuất hiện ở vòng tranh cử tiếp theo.
Chìa khóa nằm ở chỗ, các cử tri của Liên minh Dân chủ Cánh tả sẽ dồn phiếu cho ai. Hiện người ta đang chờ đợi ông Napieralski sẽ tuyên bố ủng hộ bên nào.
Một số nhà phân tích cho rằng, thành phần cử tri cũng sẽ quyết định tới kết quả bầu cử vòng sau. Komoroski thu hút những cử tri giầu, ở thủ đô và các thành phố lớn, nhiều người trong số đó có thể sẽ cùng gia đình đi nghỉ hè vào dịp tranh cử vòng 2. Trong khi Kaczynski được lòng cử tri nghèo ở nông thôn, nhất là các tỉnh phía đông, những cử tri này có thể ít hoặc không thể đi nghỉ hè do vậy sẽ đi bầu cho Kaczynski.
Ngay khi kết quả tranh cử vòng một chưa được chính thức công bố, ngày 21/6, 2 ứng cử viên đã lên đường tiếp tục các cuộc vận động tranh cử.
Kaczynski có mặt tại thành phố cảng Szczecin, nơi những năm gần đây nhiều nhà máy đóng tầu bị đóng cửa dẫn tới hàng ngàn người mất việc làm. Ông hứa sẽ hiện đại hóa một số cầu cảng, xây dựng đường cao tốc S3 chạy qua thành phố này và nối với Tây Âu
Ông Kaczynski, người từng bị lên án nhiều về các sách cứng rắn hạn chế một số quyền dân chủ và phần nào cản trở quan hệ của Ba Lan với Liên minh Châu Âu. Luật thanh lọc do ông đưa ra khi làm thủ tướng Ba Lan cũng gây ra nhiều tranh cãi. Người ta cho rằng, luật này đào bới quá khứ cộng sản, nhắm vào nhiều thành viên của Liên minh Dân chủ Cánh tả (SLD). Giờ đây, trong chiến dịch tranh cử, lời lẽ của ông trở nên ôn hòa hơn rất nhiều.
Tranh cử tại Szczecin, ngay khi kết quả bầu cử chưa được công bố chính thức, ông đã mềm mỏng tuyên bố rằng, ông không còn đặt nặng quá khứ cộng sản nữa. Có thể ông đang tìm cách thu hút cử tri cánh tả, những người vốn có ít cảm tình với đường lối cứng rắn của ông mấy năm trước.
Kaczynski được đánh giá là nhà chính trị dày dặn kinh nghiệm và “nhiều mưu”. Nhiều người tin rằng, ông là người thiết kế chiến lược cho các chính sách của người anh song sinh, cố Tổng thống Ba Lan.
Đối thủ của ông, Komorowski được cho là ít kinh nghiệm chính trị hơn và “chưa có đường lối rõ ràng”, nhưng ông có lợi thế là PO hiện đang là đảng cầm quyền và đạt được một số thành tích kinh tế trong 2 năm qua trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc Ba Lan là nước duy nhất trong Liên minh châu Âu có tăng trưởng kinh tế dương trong năm qua được ông nhắc đi nhắc lại trong lúc tranh cử.
Một “con bài” khác của Komoroski là kế hoạch rút quân khỏi Afganistan vào năm 2012. Việc đưa quân tới nước này đã từng gây chia rẽ Ba Lan và dường như càng ngày càng có nhiều người dân Ba Lan muốn nước họ không dính líu gì tới chiến sự tại Afganistan hay Iraq nữa. Ngay sau ngày bầu cử, với tư cách là quyền Tổng thống ông đã cùng bộ trưởng Ngoại giao Sikorski (cùng ở đảng PO), có mặt tại Afganistan.
Cũng liên quan tới vận động tranh cử, Komorowski đã kiện Kaczynski ra tòa vì đưa tin sai lệch khi ông loan tin rằng, nếu Komorowski thắng cử, ông này sẽ tư nhân hóa các bệnh viện công. Ngày hôm nay, 22/6, Tòa đã tuyên bố Kaczynski thua kiện nhưng ông cho biết sẽ kháng án lên Tòa Án tối cao.
Hiện Ủy ban vận động tranh cử của 2 bên đang thu xếp lịch để 2 đối thủ tranh luận trực tiếp trên truyền hình.
Với khoảng cách hết sức mong manh hiện nay, chưa ai có thể dám chắc điều gì và cơ hội trở thành Tổng thống của 2 đối thủ gần như ngang nhau.
Ủng hộ ai, cho tới giờ này vẫn còn là câu hỏi của nhều người Ba Lan. Rất có thể, họ sẽ tìm ra câu trả lời trong vài ngày tới, ngay trong những buổi truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận của 2 ứng cử viên.
Tường trình từ Warsaw.
Bài viết sử dụng tư liệu của báo Wyborcza
© Đàn Chim Việt