WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Làm giầu không khó

Hè này bà vợ dẫn mấy đứa nhỏ đi nghỉ ở Italia, tôi ở nhà làm nhiệm vụ trông cửa hàng và nhà cửa. Biết tôi lọ mọ một mình, ông bạn chủ quán ở trung tâm thành phố, cứ  đến tầm khuya điện cho tôi lên  cùng nhậu cho khí thế. Mang tiếng nhà cũng ở phố nhớn, cách trung tâm thành phố chỉ năm, mười phút ôtô chạy, ấy vậy mà mấy năm nay tôi cũng không có thời gian, thăm thú thành phố vào ban đêm. Nói thật chứ, ở nước khác tôi không rõ, nhưng  những người Việt sống ở Đức từ hai, ba chục năm như chúng tôi, ông bà nào cũng vắt kiệt sức cho công việc. Chúng tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến nghỉ ngơi phép tắc, coi đó là những thứ xa xỉ phẩm. Có chăng vì công việc gì đó về Việt nam một vài tuần, rồi lại vội vội, vàng vàng sang cầy thật lực, để giải quyết đống hóa đơn đầu tháng. Thỉnh thoảng có nhìn thấy mấy ông bạn, cùng thuở hàn vi từ hồi mới sang Đức, com lê, com táo, doanh nhân doanh nhiếc, phát biểu hùng hồn trên tivi, thật bảnh chọe, rút tiền toanh toách phân phát cho anh em họ hàng,  và từ thiện. Đáng nể chưa? Đúng là Việt kiều có khác. Vài tuần sau gặp lại ông bạn ở Đức, quần ống thấp ống cao, đang bốc hàng , thở hồng hộc như trâu, mặt đỏ phừng phừng, vỗ vai đùa bạn:

- Oai phong của ông biến đâu hết rồi?

Ông bạn cười méo xệch cả miệng:

- Mấy khi được về Việt nam đâu ông!

Quán của ông bạn tôi, được vây quanh bởi mấy điểm chơi spielothek (tức là máy chơi tự động, chơi  tiền giấy hoặc tiền xu đều được),  nên đông khách, do vậy ông bạn chỉ phải trông coi người làm, chứ không phải úp mặt vào chảo, xóc. Nghe ông bạn kể, dạo này ông cho nấu cả phở đêm, phục vụ riêng khách vip người Việt ăn khuya. Gần mười một giờ, mùi nước phở bốc khói thơm lừng như phả vào nơi tôi đang ngồi khật khừ cùng ông chủ. Nhìn nồi phở, tôi hỏi:

- Nhiều khách không mà ông còn nấu nồi to thế này? Mà khách đâu? Ông bạn cười chỉ tay qua cửa kính sang bên cạnh :

-  Khách đang ở bên đó, ông ngồi đây xem, tý nữa chúng nó sang húc một tý là hết. Hôm nay cuối tuần chúng nó về đông lắm. Tôi hỏi lại:

- Thành phần nào mà có tiền chơi chuyên nghiệp như vậy?

Ông bạn bảo:

- Nếu ông muốn biết, tôi đưa ông sang xem. Qủa thật, mấy hàng dài máy, tôi chỉ thấy lố nhố đầu đen, người Việt, và còn có mấy ông trẻ người trung đông. Đặc biệt tôi không thấy một người Đức nào ngồi chơi. Tôi hỏi ông bạn:

- Sao không thấy người Đức nào vậy?

Ông bạn nhún vai lắc đầu, nói nhỏ:

- Có lẽ họ cũng như ông và tôi làm gì có tiền,và thời gian để đốt vào đây. Chúng tôi đến cạnh một cậu độ chừng hai mươi, hai mốt tuổi, đang bấm máy toành toạch, miệng không ngớt chửi đổng, cay cú vì suýt thắng điểm, lại mất. Nhìn thấy ông bạn tôi là người quen, cậu ta quay lại :

- Ông chú hôm nay lại có thời gian sang đây, chắc trời sắp mưa hả? Chú chơi cho cháu mấy phút, cháu đi bắn điếu thuốc thèm quá rồi, hôm nay nhọ lắm (luật pháp Đức cấm uống bia, rượu, chất kích thích, và hút thuốc nơi cờ bạc, mấy chục máy chơi mà chỉ có một cô nhân viên trông coi, thế mà chẳng tay chơi nào dám lộn xộn, bia rượu, hút thuốc lá có phòng riêng, ai trong người có hơi men, cô nhân viên dứt khoát không cho vào).

Ông bạn kể, bọn này toàn là cô chiêu, cậu ấm của mấy ông  bà gộc có chức có quyền ở Viêt Nam.  Mang danh là du học sinh tự túc, nhưng tiêu tiền như nước, cờ bạc tối ngày. Không hiểu là công chức nhà nước, họ lấy đâu ra lắm tiền cho con  đến thế. Ông cháu vào phòng hút xong điếu thuốc, đi ra, máy quay đã ngốn hết hơn ba chục euro.Tôi nhẩm tính ba mươi euro ở Đức mua được gần nửa tạ gạo Thái loại thường, hoặc hai chục con gà đã làm sẵn trong cửa hàng, không biết ở Việtnam bà con nông dân phải xuất khẩu bao nhiêu cân thóc? Rút tờ năm mươi euro đút tiếp vào máy, ông cháu hỏi bạn tôi:

- Chú nấu xong phở chưa? Đi nốt năm chục này, cháu vào ăn, đói rồi.

Một lúc sau, cả một lũ trai gái, kéo nhau vào quán, mắt đứa nào cũng đỏ ngầu, ăn nói bi ba bi bô, tục tĩu thì thôi rồi. Rất may các ông tây bà đầm trong quán không hiểu tiếng Việt, bằng không …

Không hiểu tại sao lúc này, tôi lại nghĩ đến câu chuyện làm giầu không khó (Tôi bảo đảm cụm từ làm giàu không khó có từ năm 1972, thế kỷ trước, của ông Đào Hoằng, trước khi đài truyền hình VN có chuyên mục này) của một ông thợ cắt tóc, cách nay đã gần bốn mươi năm. Hồi Mỹ ném bom miền Bắc, chúng tôi sống ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, cách thị trấn Liễu Đề khoảng chừng hai mươi cây số. Cạnh nhà có ông thợ cắt tóc tên Đào Hoằng, ông có tài kể chuyện, và có rất nhiều chuyện kể. Hình như thợ cắt tóc ở đâu cũng hay chuyện, mấy ông thợ cắt tóc ở Đức cũng vậy, mồm miệng liên thanh cứ như máy khâu vậy. Tôi nghĩ ông nhà văn nào kiêm thêm nghề cắt tóc nữa, chắc có nhiều chuyện hay để viết. Ông Đào Hoằng quê ở xứ Thanh, nghe ông kể (hay ông phịa ra, dọa mấy tay cán bộ xã chuyên thu thuế bậy) có thời kỳ ông làm tiểu trong chùa, có công nuôi giấu cả ông Tố Hữu. Nhưng ông cắt tóc rất đẹp, lấy ráy tai rất êm. Cho nên hàng ông rất đông khách. Chủ tịch huyện, Trần xuân Quảng  là khách quen của ông. Nhà ông Quảng ở xã Nghĩa Hùng, ông làm việc ở Liễu Đề, nên thứ Bảy nào trước khi về  nhà, ông cũng vè vè phóng chiếc Simson cổ, đèn vuông, tạt vào hiệu cắt tóc Đào Hoằng lấy ráy tai, sửa sang đầu tóc. Hồi đó (1972) cả huyện này chỉ có mỗi ông chủ tịch huyện Quảng  giầu nhất, có xe bình bịch, nhiều bà con nông dân chẳng có dép mà đi. Tôi mới hơn chục tuổi, nhưng rất thích nghe chuyện của ông Đào Hoằng, lúc rỗi ông cũng hay kể cho tôi nghe, cứ thứ bảy nghe tiếng xe bình bịch của ông Quảng đến, tôi tót ra hàng ông hóng chuyện. Ông Quảng và ông Đào Hoằng, hai con người có hai cách sống khác nhau, địa vị khác nhau, nhưng không hiểu sao, hai ông gặp nhau chuyện nổ như ngô rang. Chuyện trò đang vui, các ông chuyển sang đề tài  làm giầu bằng vườn rau ao cá. Đột nhiên, ông Đào Hoằng  nói:

- Này bác chủ tịch, tôi xin hiến cho bác cái kế này, bảo đảm nông dân huyện ta, ai cũng được no ấm, giầu sang, không phải lo vườn rau ao cá làm gì cho mệt.

- Kế gì ông nói đi, úp mở làm gì!

- Nhưng bác không được giận đấy!

- Nói đi, ông trẻ con bỏ mẹ

- Bác có thấy từ đội trưởng, thơ ký đội sản xuất, đến chủ nhiệm hợp tác , bí thư, chủ tich xã, cứ ông nào dính dáng đến cán bộ là giầu không?…

- Ừ… ừ… cứ cho là như vậy, thì sao?..  nói tiếp

- Bây giờ cho thật công bằng , bác cho mỗi hộ có một người làm cán bộ vài ba năm, thấy đủ giầu, thay người khác, lần lượt như vậy, hộ nào cũng giầu cả.  Bác có dám làm không?

Nghe ông Đào Hoằng hiến kế, mặt chủ tịch Quảng đỏ gay như ớt chín, đẩy vai ông Đào Hoằng như mấy bà, mấy cô bị thọc nách:

- Khỉ gió cái nhà ông này, thế cũng là hiến kế à!

Không để cho ông Đào Hoằng nói tiếp, chủ tịch Trần xuân Quảng nhảy tót lên xe phóng vù đi.

Biết là sắp phải về thế giới bên kia vì căn bệnh ung thư, mẹ tôi có yêu cầu tôi về Hà Nội, đưa cụ về quê Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định thăm lần cuối, tiện đường về Nghĩa Lâm, nghĩa Hưng, thăm ông chú tôi lập ấp còn ở đó. Nghĩa Lâm, tôi có một thời gian sống ở đó, nên còn nhiều kỷ niệm. Làng Hành Thiện, Xuân Trường, mang tiếng là quê, nhưng tôi mới về đó có một lần. Hình như là năm 1984, trước ngày tôi sang Đức, cô Đặng thị Uẩn (em ruột của ông Trường chinh) họ hàng bên mẹ tôi, đến nhà bảo tôi chở về quê có việc, sau vụ anh Nghĩa con cả của cô (thường gọi là Chế – vợ là chị Phương dậy ở trường Cao đẳng sư phạm HN) bị ông bác sĩ Tịnh ở bệnh viện Việt Xô mổ nhầm, chết. Gia đình sợ mang tiếng không dám làm đến nơi đến chốn. Hôm đó tôi cũng có mặt ở đó, nóng tiết tôi định đi tìm bác sỹ Tịnh tẩn cho một trận. Nhưng anh Bộ con út cô Uẩn,và ông anh họ tôi, Đặng Đình Phúc, trưởng khoa tai mũi họng bệnh viện Việt Xô can không cho tôi đi. Chuyện này anh Đặng Hồi Xuân, bộ trưởng y tế biết, nhưng anh cũng lờ đi. Có lẽ tay bác sĩ Tịnh cũng là chỗ thân tình của anh Xuân, vì anh Xuân có thời kỳ làm giám đốc bệnh viện này. Một bên là họ hàng, một bên cùng cánh,  khó xử lý, giải pháp duy nhất cho ông Tịnh về hưu sớm, an toàn. Chỉ khổ cho anh Chế bị chết oan trong im lặng. Lúc đó phương tiện đi lại khó khăn, loanh quanh dòng họ ở Hà Nội chỉ tôi có xe máy, vì tôi dám bỏ việc, đi buôn lậu máy khâu mới có tiền. Cô Uẩn về hưu đã lâu, cô cũng khái tính, cô gần nhà tôi,  cô hay sang chơi, nên gần gũi hơn. Hình như  buổi tối ở Hành Thiện, chú đại tá phòng không Đặng Xuân Phi, cũng từ Thái Bình đạp xe sang (chú Phi em trai út của ông Trường chinh). Chú Phi nóng tính lắm, tôi biết việc anh Chế bị chết oan chú rất ức, nhưng  cũng không hiểu tại sao chú không làm gì cả, chỉ than ngắn thở dài. Lúc ngồi uống rượu nhà bác Đặng Huy Doanh, tức bác Doanh gà ,vì bác gái làm nghề buôn gà, nên nhà bác lúc nào cũng sẵn đồ nhậu, Chú Phi đùa bảo:

- Chỉ có mày và chị Doanh là sướng nhất thôi.

Đường 55 từ Nam Định về Liễu Đề, chạy thẳng xuống nông trường Rạng đông cũng đã được trải nhựa khá bằng phẳng, không  còn gồ ghề, lổm chổm  những đá hộc như gần bốn chục năm về trước. Về đến đầu xã Nghĩa Lâm, tôi bảo lái xe chạy chậm lại, vì phải đi qua cái cầu rồi đến cổng làng, nếu xe không lọt phải đỗ ở ngoài. Mẹ tôi bảo còn cái cổng nào nữa đâu, các ông ấy phá hết rồi. Tôi cho là kỳ lạ, cổng làng có từ mấy trăm năm, là cái hồn của làng quê, mà dám phá bỏ. Mẹ tôi cười chua xót:

- Cái làng này có mấy cái miếu thờ, các ông ấy cũng dám phá đi làm ủy ban xã, còn cái cổng họ coi là cái quái gì.

Thế dân làng không có ý kiến gì sao?

- Ai dám nói? Nó xích cổ lại, cho đi mọt gông chứ chẳng chơi.

Xe vào đến ngã ba trung tâm xã, nơi có nhà và hiệu cắt tóc của ông Đào Hoằng khi xưa, tôi bảo lái xe dừng lại. Mở cửa bước xuống xe, mùi thối  ở dưới sông bốc lên như đập vào mặt. Ngôi nhà và hiệu cắt tóc của ông Đào Hoằng không còn nữa,thay vào đó là dãy lô cốt để người ta dùng làm nơi bán hàng. Ngã ba nhà ông Đào Hoằng cũ, cũng là ngã ba sông của một nhánh sông Đáy chảy vào. Đến đây nó tẽ ra thành hai nhánh, một nhánh ngăn đôi hai làng Văn Lâm và Sỹ Lâm, một nhánh quẹo phải ngăn đôi hai xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Hùng. Hai con sông này đều chảy chảy qua nông trường Rạng Đông và đổ ra biển. Nó cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng, các ao hồ. Người dân trước đây đều dùng nước sông cho ăn uống sinh hoạt. Hai bên bờ sông có những cây bàng quả vàng ươm, lác đác từng khóm tre xanh rủ bóng, đủ che cho trai gái làng tình tự dưới ánh trăng khuya. Cây cầu gỗ vồng lên, nối hai làng  Sỹ Lâm và Sỹ Lâm Nam, đã có từ trăm năm trước. Dưới cầu thuyền bè qua lại, đổi chác mua bán, trông thật hữu tình. Tương truyền mấy ngàn năm trước vùng này còn là cửa biển, cha con nàng công chúa Mỵ Châu, bị giặc phương bắc truy đuổi đã gieo mình tự vẫn nơi đây. Tôi giật mình khi nhìn thấy, người ta đã lấp một đoạn sông từ sau nhà ông Đào Hoằng cũ cho đến tận  khúc cua giáp với xã Nghĩa Hùng, dài khoảng 500 mét. Tôi tần ngần đi tìm lại dấu tích của cây cầu đã chết, nhưng dường như oan hồn chưa siêu thoát vẫn còn lảng vảng đâu đây. Đương nhiên khúc sông còn lại chạy dài mãi ra nông trường Rạng Đông, là khúc sông chết. Tôi không biết, sáng kiến lấp sông xây chợ, biến xóm làng thành phố thị theo kiểu “làm giầu không khó“  của chính quyền xã này, các ông huyện, ông tỉnh Nam Định có biết hay không? Cô Phương bạn mẹ tôi (mẹ của giám đốc bệnh viện huyện Nghĩa Hưng- Đoàn Văn Hạnh) nhà ở đọan sông bị lấp than thở:

- Từ ngày lấp sông không có nước dùng, ao bị tù cá chết sạch, trời mưa là ngập nhà, nước không thoát được. Dân chúng kiện lên các cấp, nhưng đều rơi vào tình trạng im lặng.

Chính quyền xã Nghĩa Lâm phân ô, rao bán cho phép xây nhà, hàng quán. Được tin này ông đại tá Phạm Văn Phê, cục phó doanh trại, bộ quốc phòng, kiêm nhà ngoại cảm, bực mình vọt thẳng về quê, chất vất cán bộ xã. Nhưng cán bộ xã coi ông chẳng là cái đinh gỉ gì, ông chức tước to tát ở đâu mặc xác ông, về đây ông chỉ là dân đen. Ông Đại tá Phê hậm hực lắm, nói với mọi người:

- Dòng sông cũng như mạch máu chảy trong cơ thể, mạch máu đứt là con người phải chết, lấp sông tức là cắt đứt mạch đất, cho nên mảnh đất này đã là mảnh đất chết. Thằng nào mua đất, xây nhà trên dòng sông, chỉ có con đường chết .

Có một anh xóm dưới cười bảo:

- Bác cứ  đùa dai thế chứ, em mua, xây cho bác xem.

Không biết có phải lời ông đại tá Phê linh nghiệm, hay vô tình, anh ở xóm dưới xây nhà xong, vừa ở đúng một ngày, trúng gió lăn đùng ra chết. Dân làng mừng ra mặt, bàn tán phen này chính quyền mới sáng mắt ra. Đất lấp sông bây giờ, gọi cho không làm nhà ở, chẳng ma nào dám lấy, đành để hoang chơi vậy thôi. Tôi hỏi thăm ông cắt tóc Đào Hoằng, mọi người cho biết ông mất đã lâu, anh Chuột lớn, con cả của ông sống làng bên. Để mẹ tôi nghỉ ngơi ở nhà ông chú, tôi tìm đến nhà anh Chuột lớn. Đã quá trưa từ lâu vẫn thấy anh ngồi một mình, khật khừ ôm đĩa lòng lợn. Anh không nhận ra tôi, nghe tôi giới thiệu anh ậm ừ, ậm ừ:

- Thế thì chú phải uống với anh.

Nể anh tôi cầm chén rượu, thực tình người tôi cũng hơi tây tây rồi. Gắp miếng dồi lợn lạnh tanh cho vào miệng, cố nuốt, làm anh vui lòng :

- Gia đình anh đang ở bên kia ngon lành, tại sao anh lại chuyển sang đây.

Chú buồn cười thật, tự nhiên ai chuyển sang đây, có mà điên à! Chúng nó lừa gia đình anh. Nhà và cửa hàng cắt tóc của ông già anh, chú biết rồi. Năm 1976, anh phục viên, bòn góp vợ chồng  mua được mảnh vườn đối diện với nhà ông già, anh cất nhà ở và làm hàng sửa chữa xe đạp. Mấy năm trước chính quyền thông báo thu hồi đất để xây chợ. Họ hứa khi xây xong, gia đình anh được thuê lại một gian làm hàng. Nghe họ anh chuyển sang đây, thằng Chuột bé chuyển tuốt xuống cuối làng. Thằng út ra đồng muối Nghĩa Phúc. Chuyển xong, chúng nó không xây chợ, nó xây những kiốt chia nhau, chú thấy có đau không? Nhiều đêm nghĩ ức quá, muốn cầm dao chém chết hết bọn cường hào mới này chú ạ. Nhưng vợ con khóc lóc, hàng xóm khuyên can, anh mới thôi. Sang đây, không thể hành nghề chữa xe đạp được nữa, anh chuyển sang giết lợn bỏ mối vậy.

Tôi cười bảo anh:

- Anh giết lợn, chất thải đổ thẳng ra sông, làm em vừa bước xuống xe, mùi thối thốc thẳng vào mũi.

- Làng này đâu có mình anh giết lợn. Cái tội lấp sông mới là tội lớn.

Tợp xong  cốc rượu, anh Chuột lớn ngồi im lặng, hai mắt anh đong đưa như có nước. Nhìn anh, tôi thấy tồi tội. Năm đó anh mới ngoài năm chục, nhưng trông anh đã già lắm, già lắm rồi.

Qủa thật, làm giầu không khó như kiểu mấy ông lãnh đạo xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, mưu cao như  ông Đào Hoằng có sống dậy, cũng ngả mũ xin bái phục.

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

Phản hồi