Làm giúp việc không được trả lương
LTS (Mạch Sống): Theo ước tính hiện tại có khoảng dưới một ngàn lao động người Việt giúp làm việc nhà trong các hộ gia đình tại Malaysia. Phần lớn những hộ gia đình này thuộc tầng lớp khá giả và là người Hoa. Số ít trong những lao động này thông thạo tiếng Hoa bởi họ đã từng giúp việc nhà tại Đài Loan. Số còn lại hầu như gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giao tiếp với chủ nhà. Ngoài bất đồng về ngôn ngữ, thời gian làm việc dài trong ngày, những chủ nhà cao tuổi khó tính là cản trở chính cho họ. Trường hợp của chị Vũ Thị Vân là một điển hình trong số đó.
——————————————————-
Chị Vân quê ở Hải Dương, cách đây 8 tháng, chị kí hợp đồng với môi giới Việt Nam sang đây chăm sóc người già cho một gia đình người Malaysia gốc Hoa. Khi tới Malaysia, có một văn phòng môi giới địa phương điều hành công việc và quản lý chị, họ thu xếp cho chị vào làm việc trong một hộ gia đình tại khu vực phía Bắc của Malaysia.
Có lẽ công việc cũng không được thuận lợi cho lắm nên khi gặp chị, chị hốt hoảng, tuyệt vọng vì không tìm thấy chỗ bám víu khi nghĩ rằng mình bị lừa và bây giờ không thể trở về Việt Nam.
Chị kể lại rằng “Tôi đã cố gắng làm việc nhưng người chủ nhà luôn tỏ ra không hài lòng và luôn tìm cách để không cho tôi ở đó nữa”. Sau hơn 2 tháng, chị Vân quyết định không làm ở gia đình đó nữa, chị tới văn phòng môi giới của Malaysia nhờ họ can thiệp cho hồi hương. Sau khi nắm bắt tình trạng không ổn định của chị, môi giới chuyển chị đến giúp việc cho nhà ông chủ của văn phòng môi giới cho đúng 3 tháng và hứa sẽ mua vé cho chị trở về Việt Nam. Trước tình cảnh “vô gia cư” đó, chị Vân không còn sự lựa chọn nào khác đành chấp nhận sự sắp đặt trên.
Mãn 3 tháng, chị không những không nhận được đồng lương nào mà còn phải nộp số tiền gần 1000 Ring-gít để được hồi hương. Chị xót xa khi kể với tôi rằng “chị làm việc ròng rã 3 tháng trời mà không nhận được lương, gần cả một tháng nay chị phải ăn nhờ, ở đậu chỗ trọ của bạn. Bây giờ chị phải nộp tiền để mua vé về nhà, vì không có tiền nên chị phải mượn bạn, không có chỗ ở nên chị cũng phải ở nhờ nhà bạn và chờ đợi ngày về”.
Oái oăm thay, tiền thì hết mà vé thì chưa có, sốt ruột, chị tìm đến văn phòng môi giới để tìm hiểu ngày về. Họ cứ chần chừ hứa nay hứa mai làm tinh thần chị khủng hoảng vì âu lo và sợ không được về nhà. Chị nói với tôi rằng “chắc chị bị lừa rồi, chị không biết phải làm sao bây giờ, mượn tiền bạn hoài cũng không tiện, và chị cũng không thể tiếp tục sống ở đây trong tình trạng như vậy được nữa”.
Tình cờ chị biết đến văn phòng hỗ trợ công nhân Việt Nam qua một người quen. Sau khi đọc bản tường trình của chị, nhân viên văn phòng hướng dẫn chị trao đổi, can thiệp kịp thời với môi giới. Và cuối cùng chị Vân được một cái hẹn chính thức cho ngày trở về.
Những nạn nhân rơi vào tình trạng của chị Vân tương đối nhiều. Họ không thông thạo ngôn ngữ cũng như đường đi lối lại nơi mình làm việc nên xảy ra nhiều điều đáng tiếc.
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA
Nguồn: Mạch Sống