WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khái Luận về sự nghiệp văn chương Tolstoi [1]

Bài này chỉ là một cái nhìn tổng quát về sự nghiệp văn chương của nhà văn hào Nga

Léon Tolstoi (1828-1910). Ảnh Wikipedia

Văn nghiệp của ông hầu như nằm trong ba tác phẩm vĩ đại Chiến Tranh Và Hòa Bình (1863-1869), Anna Karenina (1875-1877) và Resurection (1889-1899)

Nói về những khuynh hướng, khía cạnh nghệ thuật chính của văn chương Tolstoi ta có thể chia làm tám phần như sau: Sự thành hình tác phẩm, Lãng mạn, Bi kịch, Xã hội, Tâm lý, Đạo đức, Hạnh phúc, Ý nghĩa cái chết .

1- Sự thành hình tác phẩm. Nhiều tiểu thuyết, đoản thiên của Tolstoi dựa trên một số truyện có thật, nhiều nhân vật chính của ông phản ảnh tâm tình của chính tác giả hoặc là hình ảnh của những thân nhân bằng hữu của chính ông. Trong Chiến Tranh Và Hoà Bình (1863-1869) nhân vật Sonya, người yêu của Nicholas Rostov là hình ảnh của bà cô Tatiana, bà này sống trong cùng toà nhà tác giả khi ông viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại này. Cuộc hôn nhân giữa Nicholas Rostov và công nương Mary chính là giữa hai ông bà thân sinh của tác giả. Ông hoàng N.S Bolkonski trong truyện thực ra là ông hoàng N.S Volskonski (1753-1821), ông ngoại của Tolstoi, Bá tước Rostov chính là hình ảnh của Bá tước A.Toltoi (1757-1820), ông nội của Léon  Tolstoi, Mary thực ra là nữ bá tước M.N Tolstoi nhũ danh Volkonski (1790-1830), mẹ Toltoi, Nicholas Rostov thực ra là Bá tước N.I Tolstoi (1795-1837) cha Tolstoi, Natasha là hình ảnh của T.A. Behrs (sinh 1847) em vợ Tolstoi.

Ngoài ra các nhân vật chính như ông Hoàng Andrew, Bá tước Pierre cũng thể hiện phần nào con người, tâm tình của chính tác giả.

Trong Anna Karenina (1875-1877), Tolstoy cảm hứng từ một cái chết thê thảm của Anna, một người đàn bà thất tình tự tử trên đường rầy xe lửa để viết lên cuốn tiểu thuyết dài bất hủ. Tolstoi đã lấy tên người đàn bà bất hạnh  đặt tên cho tác phẩm, bà ta  ở bên cạnh trang trại của Toltoi, chính ông đã có mặt lúc xét nghiệm tử thi. Nhân vật chính Levin trong truyện cũng thể hiện tâm tình, con người của chính tác giả.

Trong Resurection (1889-1899), cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng của Tolstoi cũng đã được dựa theo một truyện có thật, một bi kịch đầy nước mắt của nàng Rosalie bị chàng công tử phá hoại cuộc đời phải sa vào bước đường cùng trong chốn lầu xanh. Gặp lại Rosalie trong một phiên toà khi nàng bị xử vì tội trộm tiền một khách hàng,  chàng công tử ăn năn hối hận xin kết hôn với  nàng để chuộc lại lỗi xưa. Trong Anna Karenina, Resurection Tolstoi đã dựng lại cả một tấn bi kịch sống động hơn truyện thật mà ông đã dựa theo nhờ tài dàn cảnh và bút pháp tuyệt vời.

Nhiều nhân vật chính trong các trường giang tiểu thuyết của ông và trong một số truyện ngắn thể hiện quan điểm hoặc con người tác giả. Trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, nhân vật Pierre thể hiện một sự hành trình đi tìm hạnh phúc của đời người như Tolstoi, chàng may mắn được thừa hưởng gia tài vĩ đại, một thời gian sau khi gia nhập Hội Tam điểm, Pierre về điền sản ở Kiev, nơi chàng có nhiều nông nô, cho các quản lý biết quyết định giải phóng nông nô của mình. Pierre lệnh cho quản lý không được bắt nông nô làm việc quá sức và  đánh đập họ, lập nhà thương trường học cho nông nô.. nhưng quản lý che mắt chàng, họ bắt ép nông nô làm việc nhiều hơn. Chương trình của Pierre thất bại, người nông dân oán hận chàng. Pierre con người mang nhiều lý tưởng như Tolstoi.

Trong Anna Karenina, nhân vật Levin mới đầu chỉ là vai phụ nhưng dần đã trở nên nhân vật then chốt của tác phẩm gần như Anna. Levin chính là hình ảnh của tác giả, tên của chàng bao gồm tên họ của Tolstoi, Lev trong tiếng Nga. Nhiều chi tiết khi chàng ta ve vãn, chinh phục nàng Kitty lấy từ những chuyện thật cuộc đời Tolstoi, đoạn mô tả đám cưới Levin-Kitty chính là chuyện đám cưới Tolstoi với Sonya. Levin là người thể hiện ước muốn, quan điểm của Tolstoi như đi tìm ý nghĩa cuộc sống, cuối truyện khi Levin có đức tin đã bắc nhịp cầu giữa nghệ thuật và đạo đức , một nửa tiểu thuyết, nửa kia là triết lý cũng như Tolstoi trở về đạo sau khi viết Anna Karenina

Trong Phục Sinh (Resurection) nhân vật chính Nekhlioudov cũng thể hiện quan điểm cách mạng của Tolstoi, chàng xót thương người  nông dân cơ hàn đói khổ,  chàng đã học lý thuyết Henry George, chịu ảnh hưởng học thuyết này, rồi từ bỏ đất thừa hưởng của cha đem chia cho nông dân, chàng cho rằng sở hữu đất đai là có tội. Trước khi theo Maslova đi Tây Bá Lợi Á chàng về Kouzminskoé chia đất thừa hưởng của mẹ cho nông dân nhưng họ nghi ngờ nên việc không thành. Chàng về Panovo, tụ tậïp nông dân và chia đất đai của hai bà cô cho nông dân, họ hiểu và thoả thuận. Nekhlioudov  cũng như Pierre, Levin mang nhiều lý tưởng như Tolstoi.

Trong Cầm Tấu Khúc Kreutzer (1890), Tolstoi diễn tả một vụ án mạng thảm khốc hậu quả của một cơn ghen bỏng cháy, người chồng cầm dao đâm vào bụng vợ khi bắt gặp nàng ngoại tình với một anh nhạc sĩ. Truyện này được viết khi quan hệ vợ chồng của tác giả vào tình trạng xấu, thời gian này Tolstoi nghi vợ ông ngoại tình với người phụ tá trẻ đẹp giai tên Chertkov nhưng không có bằng chứng  cụ thể.

2- Lãng mạn. Tình yêu trong văn chương Tolstoi có lẽ là đề tài nổi bật hơn cả cũng như đã thu hút nhiều người thưởng thức, có thể nói khuynh hướng lãng mạn đứng hàng đầu trong văn nghiệp tác giả. Đề tài lãng mạn trong văn chương cổ điển Nga nổi bật ở hai tác giả Tolstoi và Ivan Tourgueniev (1818-1883) nhưng  ở Tolstoi truyện tình chỉ thấy xuất hiện trong những cuốn tiểu thuyết lớn như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karenina, Resurection và không thấy trong các đoản thiên như ở Ivan Tourgueniev.

Truyện tình của Tolstoi trong ba tác phẩm tiêu biểu Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karenina, Phục Sinh có  chung  khuynh hướng bi thảm, Tolstoi rất ít khi  kết thúc có hậu, happy ending ông thích dựng lên những cảnh tan vỡ, phân ly ngăn cách  khiến người đọc bùi ngùi rơi lệ. Những truyện tình buồn Nicholas Rostov –Sonya, Andrew-Natasha, Anna-Vronsky, Nekhlioudov-Maslova… trong ba tác phẩm lớn cho thấy ngòi bút tuyệt vời của Tolstoi trong lãnh vực lãng mạn.

Trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, Toltoi xây dựng nhiều  mối tình éo le, ngang trái giữa hai gia đình quí tộc ông hoàng Bolskonski và Bá tước Rostov mà thực ra là hình ảnh các gia đình bên ngoại và bên nội của chính Tolstoi.  Nhà Bolkonski đại điền chủ giầu sụ trong khi nhà Rostov bắt đầu suy sụp, ăn xài rộng rãi, nợ nần chồng chất.  Định mệnh trớ trêu khiến hai người con Đại tá Andrew và công nương Mary của Vị tư lệnh về vườn Bolkonski cùng liên hệ tình yêu và hôn nhân với Nicholas và Natasha, anh em ruột của gia đình Rostov. Andrew goá vợ muốn được kết hôn với Natasha nhưng ông già độc ác Bolkonski quyết tâm ngăn cản cho rằng nhà Rostov không tương xứng với gia đình mình, ông bảo Andrew đi châu Âu nghỉ mát một năm rồi sẽ tính, Andrew oán hận cha, làm đám hỏi với Natasha  rồi ra trận.

Gia đình Rostov suy thoái nặng, phu nhân bá tước đồng ý cho Natasha lấy Andrew nhà Bolkonski để cứu vãn tình hình kinh tế gia đình suy sụp. Sonya, cô con nuôi xinh đẹp và Nicholas yêu thương nhau thắm thiết, hai người thề thốt, chàng ra trận, nàng ở nhà trông chờ. Phu nhân Rostov lại muốn cậu cả Nicholas  phải lấy đám giầu Mary nhà Bolkonski để đào mỏ cứu vãn tình trạng suy sụp của nhà Rostov, bà chia loan rẽ thúy, chửi mắng Sonya là kẻ vô ơn, quyến rũ Nicholas rồiø ép Sonya phải gửi thư cho Nicholas đang ở mặt trận để trả tự do cho chàng.

Sonya vẫn còn hy vọng không mất người yêu Nicholas  vì Natasha gặp lại Andrew trên đường chạy loạn,  … Thế rồi Andrew bị thương nặng lại cùng ở chung với gia đình Rostov trong một tu viện, Sonya nghĩ Thượng Đế chưa muốn chia lìa Andrew và Natasha, nàng biết Natasha chỉ  yêu Andrew,  nếu Andrew (anh Mary) lấy Natasha (em gái Nicholas) thì Nicholas theo phong tục Nga không thể lấy Mary, Sonya sẽ không mất  Nicholas, chàng sẽ vẫn là của nàng, Sonya vui mừng nghĩ rằng Đấng Tối Cao đã can dự vào cuộc đời mình. Natasha khóc với Sonya cầu cho Andrew sống, Sonya cũng cầu cho Andrew sống, phu nhân Rostov ép Sonya viết thư dứt tình Nicholas, hôm ấy nàng thấy Andrew–Natasha trở lại với nhau có nghĩa là Nicholas không lấy Mary được, nàng viết cho Nicholas trong bụng nghĩ chàng vẫn sẽ còn là của mình.. nhưng Andrew không chống chọi được với Tử thần, cuộc hôn nhân bất thành, cái hy vọng cuối cùng của đời nàng tan như mây khói.

Sự hy sinh của Sonya và Nicholas được diễn như có ý nghĩa cao đẹp, Sonya phải trả tự do cho chàng lấy Mary để đào mỏ nhà Bolonski , cứu vãn sự suy sụp tài chánh của gia đình Rostov để đền ơn gia đình đã nuôi dưỡng nàng. Nicholas cũng phải hy sinh tình yêu lấy Maryđể mẹ chàng toại nguyện. Sự hy sinh của Sonya và Nicholas  nhuốm mầu bi thảm, một  truyện tình buồn thảm nhất của tác phẩm.

Mối tình Natasha- Andrew đẵm lệ, tuyệt vời nhất của tác phẩm. Trong khi cô độc đau khổ, mê sảng Andrew gặp lại người yêu. Đẵm mình trong tình yêu, chàng tránh đời trần thế và phá vỡ cái biên giới sinh tử. Sau đêm tại Mytishchi chàng mê man rồi  Natasha hiện ra, tình yêu lại kết hợp chàng với đời trần thế. Khi ấy chàng vẫn quí trọng cuộc đời, vật lộn giữa cái sống và cái chết. Chàng và nàng nói chuyện quá khứ, Natasha ngồi đan vớ bên chàng, Andrew cầm tay nàng, họ nói những lời yêu thương tình tứ,  tình yêu ngăn trở cái chết, tình yêu là cuộc đời, vạn vật tồn tại vì ta yêu, tình yêu là Thượng Đế .

Anna Karenina, truyện một bà phu nhân tuyệt sắc bỏ cả chồng con theo chàng Đại tá Vronsky, cuộc tình theo thời gian ngày càng phai nhạt để rồi trong cơn tuyệt vọng người đàn bà bất hạnh lao vào đầu xe lửa tự tử.

Anna hủy hoại gia đình chạy theo một tình yêu lãng mạn để cuối cùng vào chỗ không lối thoát, Tolstoy cho thấy một cuộc  sống tất cả cho tình yêu  nguy hại hơn một cuộc hôn nhân không tình yêu. Anna đã từ bỏ gia đình, đứa con trai yêu quí, từ bỏ địa vị …để đánh đổi lấy tình yêu trong một cuộc phiêu lưu vô định để rồi cuối cùng thực  tế phũ phàng cho thấy cuộc sống tất cả cho tình yêu đã đưa nàng tới bờ vực thẳm

Anna đã hy sinh tất cả cho chàng, nay tình đà phai nhạt.  Cuối cùng Anna đã chọn cái chết thê thảm để trừng phạt người yêu, bắt chàng đau khổ hối hận suốt đời.

Anna – Vronsky đã đi tìm ảo tưởng của hạnh phúc, Tolstoi diễn tả hai cuộc tình xen kẽ nhau cho ta thấy hai bộ mặt của hạnh phúc: ảo tưởng và chân thực. Anna – Vronsky mở  đầu bằng tình yêu  và kết thúc trong hận thù: Anna mất gia đình, danh dự và cả cuộc đời, Vronsky tiêu tan sự nghiệp, lương tâm bị dầy vò đau khổ.

Trong khi ấy chuyện tình Levin – Kitty êm đềm hạnh phúc dưới mái gia đình ấm cúng. Cặp Levin – Kitty cho thấy quan niệm hạnh phúc gia đình của Tolstoy ở chỗ hôn nhân có tình yêu là điều kiện giữ được hạnh phúc gia đình.

Phục Sinh (Resurection) có thể coi là truyện tình bi thảm nhất trong sự nghiệp văn chương Tolstoi dựa theo truyện thật. Từ truyện thật đơn sơ tác giả đã dựng lên một thiên tình sử vĩ đại đầy nước mắt, cốt truyện cảm động sâu sắc, tình tiết lôi cuốn bất ngờ và thể hiện được nhiều ý nghĩa nhân bản tình người. Nekhlioudov, sĩ quan, gia đình quí tộc giầu có, trên đường đi công tác, ghé điền sản nhà bà cô mấy ngày, trước hôm ra đi dụ dỗ phá hoại đời cô bồi phòng Katioucha.. Năm tháng sau cô mang bầu  bị đuổi đi, sau nhiều ngày phiêu bạt đã sa chân vào một nhà chứa gái hạng sang trong bẩy năm trời.

Bị truy tố ra toà vì tội bỏ thuốc độc và trộm tiền một khách hàng. Nekhlioudov nay giải ngũ, tước vị ông hoàng được làm bồi thẩm nhận ra cô bé. Vô cùng ân hận chàng vào nhà giam gặp nàng xin kết hôn để chuộc lỗi xưa rồi bỏ cả sự nghiệp để lo cứu nàng khỏi cảnh lao tù. Chàng theo Maslova cùng đoàn tù đi Tây Bá Lợi Á gian nan vất vả, khi nhận được giấy ân xá của Nga Hoàng Maslova lại từ chối trở về vì không muốn làm hỏng cuộc đời chàng, lương tâm của nàng đã sống lại như chàng. Cho tới nay đề tài của Tolstoi cũng vẫn còn những nét độc đáo mới lạ. Dựa theo một giai thoại có thật Tolstoi đã làm nhiều người rơi lệ, truyện cũng như phim đã gây cho người thưởng lãm nhiều xúc động rạt rào, người ta đủ thấy tài nghệ rung cảm của Tolstoi siêu việt là nhường nào.

Tiểu thuyết lãng mạn của Tolstoi như đã trình bầy mang tính bi thảm, phân ly tan vỡ có lẽ chỉ riêng truyện tình Pierre-Natasha ở phần cuối Chiến Tranh Và Hoà Bình đượïc kết thúc có hậu, happy-ending  khi tác giả cho chàng và nàng xum họp bên nhau dưới mái gia đình  ấm cúng.

3-Bi kịch. Những cuốn trường giang tiểu thuyết của Tolstoi như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karenina, Phục Sinh  và các đoản thiên nhuốm bi kịch của ông  như Cái Chết Của Ivan Ilyich, Chủ Và Tớ, Cầm Tấu Khúc Kreuzer …đều là những tác phẩm thành công. Chúng ta đã thấy văn chương lãng mạn Tolstoi mang tính bi thảm, sự nghiệp văn chương của Tolstoi thành công là nhờ bi kịch, đó là một nghệ thuật cao, viết bi kịch thành công không phải dễ.

Bối cảnh thời loạn ly của cuộc chiến tranh 1812 do Đại đế Napoléon đem đến nước Nga  đã để lại nhiều thảm kịch xã hội cho đất nước vĩ đại này, giai đoạn lịch sử  đen tối ấy đã  được Tolstoi  làm sống lại trong Chiến Tranh Và Hòa Bình. Cuối tháng 8-1812, dân chúng Mạc Tư khoa di tản nhiều khi quân Pháp tới nay chỉ còn mười nghìn người. Tối 1-9 Tổng đốc Mạc Tư khoa được lệnh rút bỏ kinh thành khiến cho dân chúng vô cùng uất ức vì trước đây đã có lệnh phòng thủ. Đám đông phẫn nộ kéo tới dinh quan kết án ngài phản bội họ, Tổng trấn bèn bắt một tên tù khổ sai đem xử tội để làm dịu sự phẫn nộ của dân, ngài nói:

“Vì tên phản bội Vereshchagin này mà thành Mạc Tư Khoa của chúng ta thảm bại, giết nó!”

Tên tội nhân nói:

“Thưa bá tước trên đầu ngài và con có một Thượng Đế”

Quan Tổng trấn sai lính chém, người lính lấy bề sống kiếm đập lên đầu tội nhân, hắn kêu lên rồi ôm đầu chạy vào đám đông, người ta  giận dữ xúm lại đánh đập dầy xéo tội nhân cho tới khi hắn nằm vật ra chết. Trong đám đông có người than thở “Ác quá, phải tội chết”.

Rồi quan  bèn lẻn ra cửa  sau lên xe ngựa rời thành phố di tản, ông hối hận về sự tàn ác của mình, nhớ lại cảnh đánh đập nạn nhân, ông nghĩ họ ác như chó sói, nhớ lời nạn nhân : “Thưa bá tước trên đầu ngài  và con có một Thượng Đế!” Dù tự bào chữa tội ác của mình ông không thể quên vết hằn trong tim, cái ký ức ghê gớm ấy sẽ nằm trong tâm trí ông mãi mãi, ông còn nhớ lời mình nói “chém chết  nó đi”, tại sao ta lại nói thế?… đáng lý ta không nói thế, ông tự bào chữa  ta làm thế vì ích lợi chung.

Ngọn bút linh động của Tolstoi  diễn tả cái chết thảm thương cho ta thấy tội ác phũ phàng ghê tởm của thời chiến tranh, của con người.

Quân Pháp xử bắn những người dân Nga tình nghi đốt nhà là một bi kịch thời chiến, tội nhân bị lôi đi khóc lóc, bị trói vào cọc, rồi ngã gục xuống dưới lằn đạn quân xâm lược.

Tolstoi mô tả cuộc hành hình kỹ lưỡng, một nghệ thuật tả chân thể hiện tội ác của chiến tranh, của con người. Tác giả cũng cho thấy sự súc động của lính Pháp khi bắn tử tội mà không thể hiện lòng căm thù quân xâm lược, ông chỉ nhằm nói lên những bi kịch của con người thời chiến.

Cái chết của ông hoàng Andrew cũng là một bi kịch đầy tính lãng mạn, đây là một trong những áng văn tuyệt diệu nhất của tác phẩm.  Andrew bị thương nặng từ mặt trận được bộ hạ di tản theo đoàn người tới tu viện Troitsa, mới đầu chàng bị nóng lạnh, thời gian ở Troika hết bệnh và bác sĩ chỉ sợ bệnh thối thịt, nguy cơ này cũng qua khỏi nhưng vết thương lại làm mủ, rồi nóng lạnh, nay càng tệ hơn.

Cô em Mary vào phòng Andrew, Natasha, người yêu khóc biết có dấu hiện chàng sắp đi, Andrew nằm trên phản, người gầy xanh, chàng hỏi thăm Mary mấy câu “Tại sao em tới đây được, con anh đâu?” Mary hỏi “ Anh có đỡ không ?”, nàng cầm tay anh, chàng bảo định mệnh đã trói buộc chàng vào Natasha, nàng trông nom chàng luôn. Andrew biết mình sắp chết, Mary cũng biết rằng chàng không hy vọng sống. Cả ba người yên lặng.

Sau đêm nghỉ tại Mytishchi chàng mê man rồi người yêu, nàng Natasha hiện ra, tình yêu cho  một người đàn bà lại kết hợp chàng với cuộc đời trần thế. Khi ấy chàng vẫn quí trọng cuộc đời. Tại tu viện Troitsa, hai người nói chuyện quá khứ, Natasha ngồi đan vớ bên chàng, Andrew cầm tay nàng, họ nói những lời yêu thương tình tứ, chàng nghĩ về cái chết

Những giờ phút cuối cùng của chàng trôi qua lặng lẽ, Mary và Natasha đều thấy chàng mỗi lúc một chìm sâu hơn và biết nó phải thế. Andrew xưng tội và được ban lễ, mọi người tới từ giã chàng, khi người ta đem con trai vô, Andrew hôn con, chàng nghĩ mình đã làm hết mọi việc  phải làm… Mary và Natasha có mặt khi chàng cựa mình lần chót, lúc ấy hồn lìa khỏi xác. Mary nói “nguội rồi” khi người chàng vừa nằm bất động lạnh ngắt. Natasha vuốt mắt cho chàng.  Người ta lau xác Andrew, mặc quần áo, nhập quan… mọi người tới vĩnh biệt và khóc. Phu nhân bá tước, Sonya khóc thương cho Natasha, bé Nicholas khóc vì đau khổ thương cha…Bá tước khóc vì nghĩ ông cũng sẽ phải đi con đường ấy, công nương Mary, Natasha bây giờ cũng khóc bởi một cảm xúc thiêng liêng nhẹ nhàng và  nhận thức được sự đơn giản và huyền bí của cái chết diễn ra trước mắt hai nàng.

Trong Anna Karenina, cuộc bà đời phu nhân tuyệt sắc là một bi kịch, kết thúc bằng  tấn thảm kịch, hậu quả của một cuộc hôn nhân tất cả cho tình yêu.  Anna bắt đầu bi kịch bằng tình yêu với Vronsky và kết thúc trong hận thù khi nàng đem cái chết để trả thù người yêu bắt chàng phải đau khổ suốt đời vì hối hận. Anna từ bỏ đứa con trai mà nàng yêu quí nhất  để theoVronsky, nàng đã đánh đổi tình mẫu tử với tình yêu của một người đàn ông khác với bao tiếc thương dằn vặt.

Cuộc hôn nhân tất cả cho tình yêu với Vronsky phai tàn theo năm tháng, Anna hối hận đã từ bỏ địa vị, từ bỏ gia đình thả mồi bắt bóng dấn thân vào cuộc phiêu lưu vô định. Anna ngày càng ghen bóng gió, cho rằng tình yêu của chàng ngày càng phai nhạt, nàng đã đổi tất cả cho tình yêu một người khác nay tình yêu ấy đã tàn, chàng đã yêu một người đàn bà khác. Những uất hận cay đắng ấy đưa nàng tới khủng hoảng tinh thần và từ từ tới bờ vực thẳm.

Anna tự nhiên sợ hãi khi thấy ngọn đèn cầy phụt tắt và bắt đầu nghĩ tới cái chết, nàng tự nhiên hốt hoảng, sợ cuống lên, nàng đi thăm chị dâu cho khuây khoả, người ta thương hại nàng vì biết nàng đang đau khổ. Anna lên xe về nhà trong lòng nghĩ tới cái chết và cuối cùng tự kết liễu đời mình để lấy lại tình yêu trong tim chàng. Có lẽ Anna Karenina là tấn thảm kịch bi đát nhất trong văn chương Tolstoi như cho ta thấy cái bể khổ mênh mông của tình yêu lãng mạn, bài học đắt giá cho những kẻ đi tìm ảo tưởng hạnh phúc.

Trong Phục Sinh, truyện tình Nekhlioudov – Maslova là một tấn bi kịch  dựa trên cuộc đời nàng Rosalie. Bối cảnh một xã hội Nga bần hàn đói khổ, truyện tình dựa trên khung cảnh một xã hội Nga mục nát với những ông hoàng bà chúa, những toà lâu đài lộng lẫy, những người nông dân khốn khổ, những túp lều tồi tàn dơ bẩn…

Bằng nghệ thuật tả chân hiện thực, Tolstoi  đã vẽ lên bức tranh  ảm đạm thê lương cảnh thôn trang. Nhân vật Nekhlioudov vào thăm làng thấy dân quê lam lũ ngoài đồng trở về, chàng thăm một gia đình nghèo, một đống phân hôi thối nằm ngay giữa sân, mái tranh siêu vẹo, người dân ăn uống cực khổ. Nekhlioudov chỉ thấy toàn là cảnh bần hàn đói rách, trẻ con thiếu ăn nheo nhóc. Họ xúm lại xin bố thí, chàng nghĩ người dân chết lần chết mòn, đang hấp hối. Trước hết là trẻ con, đàn bà làm việc quá sức, thiếu thốn lương thực, người già khốn khổ nhất.

Nekhlioudov thấy những người dân quê lên tỉnh làm ăn cũng nghèo khổ trông còn tồi tệ hơn bọn ở nhà quê. Cái xã hội giầu có đã che dấu những nỗi khổ đau của hàng triệu người để bảo đảm cho một thiểu số được sung sướng. Sinh trưởng trong lòng giới quí tộc nhưng Tolstoi phủ nhận giai cấp của mình cho rằng sự cai trị của tầng lớp phong kiến là nguyên nhân gây nên cảnh khốn cùng .

Cái Chết Của Ivan Ilych viết 1886  diễn tả tâm lý hãi hùng của một người có địa vị xã hội trước cái chết đau đớn thê thảm. Người ta có cảm tưởng tư tưởng Tolstoi ở đây gần với tư tưởng yếm thế của Thích Gia Mâu Ni Phật “Đời là bể khổ” qua hình ảnh một bệnh nhân rên siết trước cơn bệnh nan y ngặt nghèo. Khi  cơn bệnh đã sang tháng thứ ba, cơn đau vẫn dai dẳng như bóng với hình, Ivan kêu la vì đau đớn và vì tình huống khốn khổ. Chàng mong cho được chết chóng hơn, mau hơn, chết là điều tốt nhất hiện nay. Một tia hy vọng mong manh chợt tới song lại vụt biến mất, thất vọng ê chề lại nổi lên cùng cơn đau vô tận, triền miên không bao giờ dứt.

Cơn đau vẫn hành hạ Ivan, chàng uống thuốc giảm đau nhưng không thấy bớt. Ivan khóc  cho sự cô đơn, sự tàn ác của người đời, cho sự tàn ác của Thượng Đế:

“Sao Người lại hành hạ tôi mãi thế này?”

Bác sĩ bảo bà vợ nay chỉ cần có thuốc giảm đau, ông nói bệnh nhân đau đớn lắm nhưng đau tinh thần nhiều hơn:. Ivan rên siết đau đớn, họ chích thêm nhiều thuốc phiện khiến chàng mê man, tới giờ ăn trưa Ivan đau lăn lộn.

Thế rồi tự nhiên chàng thấy tất cả trôi qua trong một khoảnh khắc nhưng thực ra giờ hấp hối của chàng kéo dài hai tiếng đồng hồ. Có người nói “nguội rồi”, chàng nghe thấy câu ấy và nhắc lại trong tâm hồn và tự nhủ

“Cái chết đã qua, không còn chết nữa”

Ivan thở vào nửa chừng, ruỗi chân ra rồi chết

Cái Chết Của Ivan Ilyich là một bi kịch, cuộc đời là một bi kịch. Cuộc đời của một  viên quan chức cao từ nhỏ đến khi ra đời thành công trên sự nghiệp nhưng kết thúc bằng thảm kịch .  Nghệ thuật của Tolstoy ở đây gần với tinh thần yếm thế của Đức Thích Ca Mâu Ni.

“Cuộc đời là một chuỗi dài những khổ đau … những sự khổ đau ghê gớm nhất       Life, a series of increasing sufferings….the most fearful sufferings -  page 126”

Tolstoy đã dành nửa tác phẩm ngắn này để mô tả tỉ mỉ cơn đau cũng như tâm tư dằn vặt của một bệnh nhân trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Trong Cầm Tấu Khúc Kreutzer viết  1890 mô tả một tấn thảm kịch gia đình, một ông chồng làm công chức thuộc giới quí tộc giết người vợ ngoại tình.

Hai vợ chồng ông công chức lấy nhau bốn, năm năm được năm đứa con, cuộc hôn nhân không có tình yêu, chỉ là cuộc miệt mài tình dục. Người vợ đã ba mươi, nàng cai đẻ, người mập hơn, trông quyến rũ hơn nghĩ rằng phải hưởng thụ một mối tình mới ngoài cuộc hôn nhân với chồng. Chẳng bao lâu một người đàn ông xuất hiện, anh nhạc sĩ vĩ cầm ăn mặc đẹp đến hoà nhạc chung với vợ ông đánh dương cầm. Ông chồng mới đầu nghi ngờ hai người tư tình với nhau, sau theo dõi bắt gặp anh nhạc sĩ và vợ ông dan díu nhau tại nhà, trong cơn giận dữ vì ghen ông ta dùng dao đâm chết vợ một cách tàn nhẫn.

Truyện Chủ Và Tớ, bi kịch đặc sắc của Tolstoi viết năm 1894-1895. Đoản thiên cho thấy thiên tài của Tolstoi, câu chuyện chỉ sẩy ra trong một ngày với những tham vọng, ưu tư, khắc khoải, của con người được diễn tả một cách phong phú .

Vào một ngày băng tuyết mùa đông giá lạnh, ông chủ Vasilii cùng người làm Nikita lên xe ngựa sang làng bên để mua khu rừng cây người ta bán rẻ.

Trời bỗng nổi cơn gió mạnh, tuyết rơi phủ kín cánh đồng, trời lạnh buốt dưới mười độ âm. Hai người lạc đường, gió bão  ngày càng mạnh hơn, tuyết rơi dầy đặc , họ lần mò mãi sau vào một làng bên nghỉ ngơi uống trà tại một nhà người quen. Trà nước xong Vasilii nhất quyết lên đường để mua cho xong món hàng già hời. Trời đã tối mù, tuyết dầy cuộn trên không trung, hai người sa lầy trong cánh đồng tuyết, họ sa xuống hố tuyết mấy lần không biết đi đường nào, sau phải ngủ đêm ngoài trời, Nikita đào tuyết đổ chấu, trải tấm vải rồi ngồi dựa vào xe ngủ,

Họ dựng càng xe lên và buộc cái khăn vào để làm dấu cho dân làng tới cứu. Ông chủ Vasilii coi đồng hồ thấy mới có mười hai giờ khuya, bỗng lại nghe vẳng có tiếng cho sói hú xa xăm, hắn lo sợ bèn lên ngựa chạy bỏ anh người làm Nikita lại. Nikita biết Vasilli lấy ngựa chạy đi, hắn bèn leo lên xe nằm cho đỡ lạnh. Vasilii chạy một lúc lâu lại vòng trở lại, ngựa xụt hố, hắn chạy bộ ngã mấy lần, đi một lúc lại thấy con ngựa và cái xe.

Khi ấy người làm Nikita cố gượng dậy bảo chắc tôi chết mất, Vasilii lấy tay bới tuyết bao quanh Nikita rồi cởi áo ấm phủ lên người hắn, Vasilli lấy cả thân mình sưởi ấm cho Nikita bảo hắn cứ nằm yên .. Vasilii nằm mấy giờ như thế, trong lòng vui sướng .. hắn ngủ rồi mơ thấy người mà hắn trông chờ đã tới, người ấy gọi hắn sưởi ấm cho Nikita. Tuyết vẫn cuộn trong không trung phủ lên xác của Vasilii. Nikita chọc thủng tuyết thấy trời sáng..

Trời sáng, vào lúc trưa mấy người làng đào tuyết để cứu hai người, họ ở  cách đường đi bẩy chục sải, cách làng nửa dặm, tuyết phủ kín xe nhưng càng xe và cái khăn vẫn còn thấy nên người ta  tới cứu. Con ngựa chết cóng, tuyết phủ tới bụng, Vasilii người cứng ngắc, Nikita còn sống nhưng khắp người bị đóng băng giá. Khi Nikita thức dậy, anh tưởng mình sang thế giới khác, anh phải nằm bệnh viện hai tháng, bị cưa mất hai ngón chân, sống thêm hai chục năm nữa….”

Đoản  thiên ngắn ngủi với một kết thúc bi thảm và cao đẹp tuyệt vời theo đúng ý nghĩa của sự kết hợp văn chương và đạo đức, tác phẩm đượm một một vẻ buồn mênh mang thể hiện ý nghĩa sống lại như trong Résurection, một con người xấu xa tội lỗi trở thành con người tốt theo tiếng gọi của Thượng Đế.

4-Tâm lý. Tolstoi và Dostoievski là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên đi vào nghệ thuật hướng nội, diễn tả sâu sắc nội tâm con người. Nghệ hướng nội của Tolstoi có khác biệt Dostoievski ở chỗ nhân vật của ông là những con người bình thường ngoài  xã hội trong khi nhân vật của Dostoievski bệnh hoạn.

Ông hoàng Bolkonski thân phụ Mary đã hành hạ, chửi mắng làm khổ nàng, phá đám không cho Mary lấy chồng.  Lúc ông già hấp hối, Mary xua đuổi những ý nghĩ đen tối cho thấy cha chết đi nàng sẽ được tự do, được giải thoát.  Chiến tranh gần tới Bald Hills , Bolkonski mặc dù  bị bệnh muốn ở lại chiến đấu, ông cho Mary, cháu trai Nicholas (con Andrew), quản gia.. đi Moscow. Mary cãi lời cha, nàng quyết ở lại để săn sóc người. Ông hoàng bị liệt nửa người, gia nhân đưa ông đi Boguchavoro, Mary cho cháu Nicholas, quản gia…  đi Moscow, công nương  ở lại với cha trong những giờ phút cuối của ông mặc dù  mọi người khuyên nàng nên đi Moscow sớm vì quân Pháp sắp tới. Nàng quyết ở lại với bố trong giờ phút lâm chung vì tình phụ tử. Mary xua đuổi những ý nghĩ mà nàng cho là tội lỗi, thân phụ qua đời nàng sẽ thoát khỏi tay ông, sẽ được tự do, những ý tưởng mâu thuẫn hiện ra trong tâm hồn nàng. Mary thương cha nhưng lại thầm mong cho ông khuất núi để đượïc tự do, nàng xua đuổi những tư tưởng đen tối, quyết ở lại cùng đám gia nhân, bác sĩ.. để cầu nguyện, an táng cho ông hoàng.

Đoạn văn diễn mặc cảm tội lỗi công nương Mary khi cha nàng hấp hối cho thấy nghệ thuật hướng nội tuyệt vời của của Tolstoi, nó đã khiến các nhân vật có cá tính độc đáo riêng. Nicholas Rostov và cô em nuôi Sonya yêu thương nhau tha thiết bao năm qua, mẹ chàng, nữ bá tước Rostov muốn chàng phải bỏ Sonya lấy công nương Mary con nhà đại điền chủ để đào mỏ hòng cứu vãn sự sụp đổ của gia đình. Đoạn văn của Tolsoti diễn tả sự giằng co trong nội tâm Nicholas giữa tình và hiếu cho thấy sự diễn ta của ông sâu sắc, chàng sĩ quan trẻ tuổi này trước đây nhất quyết không từ bỏ người yêu Sonya để đánh đổi lấy cuộc hôn nhân vì tiền mà chàng cho là bẩn thỉu, nhưng dần dần nghe bà cô và phu nhân Rostov thuyết phục chàng ta siêu lòng đành phải hy sinh tình yêu cho để cứu vãn sự suy sụp của gia đình .

Cuốn tiểu thuyết lãng mạn Anna Karenina cũng cho thấy lối tả tâm lý của Tolstoy rất tuyệt ở cả hai nhân vật mang tên tác phẩm nhất là độc thoại của Karenina về nhà sau buổi tiệc trà tại nhà Betsy, khi ấy ông ta  thấy vợ mình ngồi cạnh Vronsky tâm tình  thân mật. Tác giả ví như Karenina đang đi trên cái cầu có vết  nứt, vết  ấy chính là cuộc đời, các nhà phê bình cho nghệ thuật độc thoại của Tolstoy đã đạt tới đỉnh cao như ở đây Karenina băn khoăn lo lắng nghĩ đi nghĩ lại, có khi cho ghen là điều xấu hổ, tự hạ giá mình, có khi thấy mình phải có bổn phận  hướng dẫn, cảnh giác nàng.

Truyện thể hiện nhiều cuộc độc thoại của Karenina, Levin, Kitty… nhưng với Anna thì thật là tuyệt diệu, nhân vật Anna quá độc đáo xứng đáng đặt tên cho tác phẩm.

Mấy chục trang giấy cuối Phần Bẩy đã diễn tả một cách tuyệt vời bi kịch cuộc đời nàng Anna từ khi ghen bóng gió nghi ngờ đến hận thù, trả thù chàng Vronsky khi chàng phai nhạt tình yêu với mình . Anna nghĩ đến cách trả thù bằng cái chết của mình, đến sự khủng hoảng tinh thần, tâm trí nàng rối bời và cái chết. Sự diễn tả của Tolstoy  đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

Đoạn chót, cơn khủng hoảng tinh thần rối bời của Anna đã được ngòi bút diễn tả từng chi tiết nhỏ  cho thấy lý do nàng gieo mình trên đường rầy xe lửa. Anna nghi ngờ Vronsky đang gặp mẹ chàng và công nương Sorokina, chắc chàng đã yêu người đàn bà nào khác.

Anna và chồng cãi cọ rồi nàng đe dọa: Anh sẽ phải hối hận. Vronsky bỏ đi gặp bà mẹ, nàng nghĩ thế là hết, bỗng ngọn nến tắt, nàng sợ hãi nhớ tới cơn ác mộng rồi chạy đi tìm gia nhân hỏi Bá tước đâu rồi sai nó đem thư cho chàng nói : “E m nhầm rồi, anh về ngay, em giải thích sau, em sợ quá”

Anna chờ mười phút, hai mươi phút không thấy chàng về,  tâm trạng nàng rối bời như tơ vò, Anna sốt ruột nhìn đồng hồ, nàng sai gia nhân đem thư tới cho chàng tại nhà bà mẹ rồi đem thư trả lời về. Nàng thay quần áo định đến gặp chị dâu Dolly, nàng khóc rồi cuống lên hỏi người tớ gái ta biết làm sao bây giờ, đưa tớ gái bảo xin bà đi chơi cho khuây khoả. Anna đến thăm Dolly có gặp Kitty, cô ta không có cảm tình với Anna. Nàng lên xe đi trong lòng nghĩ tới cái chết, hai chị em Dolly – Kitty tiếp đón Anna, khi nàng ra về, họ khen nàng vẫn đẹp nhưng nói tội nghiệp cho nàng.

Anna ghen tức cay đắng, lồng lộn nghĩ chàng đang cùng công nương Sorokina trò truyện như đùa cợt trên sự đau khổ của nàng. Anna nghĩ tới cái chết, quyết đem cái chết để trừng phạt Vronsky và lấy lại tình yêu trong tim chàng.  Anna lên xe ngựa tới nhà ga, rồi đi xe lửa tới trạm Obiralovka, nàng nhận được thư  Vronsky do người đánh xe trao lại, chàng nói sẽ về lúc mười giờ , Anna căm giận .. đi lại trên sân ga rồi quyết định nhẩy vào đầu  xe lửa đang chạy tới để trừng phạt người yêu. Cảnh tự vẫn của Anna thật hãi hùng như một âm thanh cao vút lạnh lẽo trong một bản nhạc êm dịu.

Truyện ngắn nổi tiếng Cái Chết Của Ivan Ilyich được coi là một trong những tác phẩm sâu sắc nhất về tâm lý con người trước cái chết. Từ khi mới bị bệnh cho đến giờ phút hấp hối ghê sợ cảm động, Ivan đã trải qua nhiều chặng khắc khoải của tâm tư, Ivan lo âu trằn trọc rồi sợ chết, chàng ta ghen ghét với thân nhân, người đời, họ khoẻ mạnh yêu đời trong khi chàng từ từ đi vào cõi chết. Khi gần lâm chung, chàng tiếc nhớ quá khứ hơn bao giờ hết, cuối cùng từ ghen ghét lại chuyển đến tình thương yêu mọi người, khi cái chết đã tới, Ivan không còn sợ hãi và chấp nhận sự giải thoát.

Trong Cầm Tấu Khúc Kreutzer, nghệ thuật tuyệt vời của Tolstoi  cho ta thấy tâm trạng rối bời của ông chồng khi nghĩ tới tên nhạc sĩ vĩ cầm và người vợ trẻ đang rạo rực khát tình của mình. Có lúc ông đoan chắc hai đứa tư tình với nhau, rồi ông lại tự trấn an rằng mình tưởng tượng quá xa, tự nhiên thù ghét họ. Suốt tám giờ ngồi trên xe lửa về nhà, người chồng nghi ngờ, mâu thuẫn lung tung khiến cho diễn biến hồi hộp gay cấn y như trong truyện trinh thám gián điệp.

Trong Chủ Và Tớ, Vasilli vô cùng khắùc khoải lo âu khi đêm khuya nằm giữa cánh đồng tuyết mênh mông lạnh buốt, anh ta bỏ người tớ trung thành để chạy thoát thân. Đoản thiên cho thấy Tolstoi diễn tả tâm lý người chủ và người tớ vô cùng tỉ mỉ và sâu sắc, độc giả tưởng như những ưu tư, hy vọng của Vasilii là của chính mình, họ cũng không khỏi hồi hộp lo âu khi tưởng tượng ra sự trơ trọi của con người giữa cảnh thiên nhiên bát ngát vô cùng khắc nghiệt.

5- Xã Hội. Trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, tinh thần thực tế là điểm nổi bật về xã hội quí tộc thời này. Người đọc thấy ngay từ thời xa xưa giới quí tội Nga đã có tinh thần thực tế hơn cả thời đại mới ngày nay. Các bậc trưởng thượng chỉ thích cho con mình lấy những đám giầu thật giầu để đào mỏ, lấy hồi môn.  Ông hoàng Vassili, con người trục lợi đã tìm cách gả con gái Hélène tuyệt sắc cho Pierre, người được thừa hưởng gia tài của bá tước Bezukhov, một nhà quí tộc giầu có thế lực hàng đầu tại kinh thành, gia tài gồm bốn mươi ngàn  nông nô, hằng triệu đồng rúp . Chàng quen biết Hélène một thời gian rồi làm đám cưới, mặc dù Hélène nhan sắc tuyệt trần nhưng Pierre không yêu, chàng kết hôn vì Vassili dàn xếp chu đáo. Vassili sau đó đưa cậu ấm Anatole đẹp giai nhưng gian trá, hoang đàng..tới Bald Hills thăm gia đình Hoàng Thân Bolkonski để coi mắt hỏi lấy Mary, đám này cũng là một đại điền chủ có tài sản lớn nhưng không thành.

Gia đình bá tước Rostov ngày một sa sút tài chánh vì thiếu quản lý gia tài, ăn tiêu hoang phí, hào phóng nuôi dưỡng nhiều người, bị thiên hạ lợi dụng, cuộc sống tại điền sản Otradnoe với toà nhà to lớn đầy những thực khách, bữa ăn hàng ngày có tới hai chục người. Nhà vẫn còn khu nhà săn với năm chục con ngựa, mười lăm người coi chuồng. Bá tước vẫn tổ chức tiệc tùng, đánh bài với người lân cận và bị lợi dụng.. tài sản bán dần để chi tiêu và trả những món nợ chồng chất.

Gia đình Rostov gồm phu nhân, trưởng nam Nicholas, trưởng nữ Vera, thứ nữ Natasha, con gái nuôi Sonya và thứ nam Petya.  Cũng thực tế như ông hoàng Vassili, phu nhân bá tước gả con gái Natasha cho Andrew trưởng nam của  ông hoàng Bolkonski nhưng nhân duyên không thành. Andrew bị trọng thương tại mặt trận rồi chết tại một tu viện trước sự chứng kiến của người yêu Natasha và Mary em gái chàng.

Phu nhân lại chuyển qua cơ hội khác nhân khi trưởng nam Nicholas trong cuộc lui binh đã cứu nàng Mary thoát khoải tay bọn nông dân nổi loạn, bà ép Nicholas phải bỏ người yêu cũng là cô em nuôi Sonya để lấy Mary hòng cứu vãn sự sụp đổ của dòng Rostov. Bà đã ép Sonya phải hy sinh tình yêu đền ơn nuôi dưỡng, trả tự do cho Nicholas để chàng lấy Mary, đào mỏ dòng Bolkonski. Nicholas và Mary chính là hình ảnh ông bà thân sinh ra tác giả.

Trong Anna Karenina Tolstoi cho thấy một khía cạnh mới khác của xã hội phong kiến đó là sự va chạm giữa những tư tưởng mới cũ khi xã hội chuyển mình, ngoài ra cuốn tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng này cũng thể hiện nhiều khía cạnh khác của xã hội. Thời kỳ này nước Nga không văn minh bằng Tây phương Anh, Pháp.. trào lưu mới đưa đến sự va chạm cũ mới của giới bảo thủ chủ trương bảo tồn giai cấp điền chủ  quí tộc  và thành phần cấp tiến có khuynh hướng ngả về những giá trị Tây phương. Giai cấp bảo thủ muốn duy trì nông nô  và chế độ quân chủ chuyên chế trong khi phe cấp tiến thân Tây phương tin tưởng vào kỹ thuật tân tiến, luận lý, dân chủ. Trong truyện ta thấy Levin đưa vào canh nông những phương pháp mới trong khi ấy nông dân bảo thủ vẫn muốn lối canh tác cổ truyền.

Luận đề chính trong Anna Karenina nhắm vào xã hội giả dối của một nền đạo lý lỗi thời mà Anna là người phản kháng. Sống trong giai cấp thượng lưu, có danh vọng nhưng nàng đã can đảm từ bỏ cuộc đời giả dối không tình yêu để theo tiếng gọi của con  tim. Anna thách đố xã hội, chứng tỏ cho mọi biết nàng không quan tâm tới những truyền thống lỗi thời của xã hội giả dối.

Karénine người chồng bị phản bội nhưng vẫn tha thứ, muốn nàng tiếp tục cuộc sống vợ chồng như xưa, ông từ chối ly dị, che dấu sự xấu xa tai tiếng trước dư luận xã hội. Anna khước từ, nàng nói tôi không thể làm vợ mình được, tôi không thể kéo dài cuộc đời giả dối này mãi.

Anna không che dấu sự thật, không kín đáo giả vờ che mắt thế gian để được xã hội tha thứ mà công khai từ bỏ cuộc sống vợ chồng không tình yêu để xây dựng cuộc sống mới chân thực. Anna phản kháng xã hội và đã bị xã hôi khước từ, chị dâu Vronsky từ chối không nhìn nàng là người trong họ vì không thể chấp nhận cuộc hôn nhân thiếu đạo đức, xã hội không chấp nhận cuộc hôn nhân ấy và đẩy nàng vào bước đường cùng. Nếu xã hội từ bỏ những phong tục đạo đức giả lỗi thời, chấp nhận cho họ kết hôn thì người đàn bà đã không chết.

Luật triều đình và luật Giáo hội không cho phép Anna ly dị, lấy chồng khác vì Karénine, chồng nàng  còn sống, nhưng tậïp quán  cũa xã hội quí tộc nghiệt ngã hơn thế, nàng đã bị làm nhục, bị  chửi mắng là đồ hư  hỏng lăng loàn khi xuất hiện trước đám đông tại rạp hát, người ta đẩy nàng ra bên lề xã hội.

Anna tiêu biểu con người can đảm từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để sống thực cho chính mình trong khi chồng nàng Karénine thể hiện tinh thần của xã hội giả dối, ông muốn vợ chồng vẫn sống như xưa, cấm nàng không được gian díu với người yêu để giữ bề ngoài, thể diện cho ông . Karénine chỉ cần có thế nhưng Anna từ chối, nàng không chấp nhận kéo dài cuộc đời giả dối làm người vợ hư. Xã hội đã không chấp nhận cuộc sống thực của Anna bên người yêu Vronsky khiến cả hai đã bị đẩy ra bên lìa để rồi nàng lâm vào bước đường cùng phải tự tử.

Diễn tả đôi tình nhân sống chung với nhau một cách tự nhiên bất kể nền nếp gia phong gia Tolstoi cho thấy đời sống vợ chồng của giai cấp quí tộc, những cuộc hôn nhân không tình yêu nay đã lỗi thời. Trước buổi giao thời mới cũ, hình ảnh Anna –Vronsky hay Levin – Kiity cho thấy lối sống xưa cũ đến lúc phải lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho trào lưu mới tân tiến hợp thời.

Khác với Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina mô tả lối sống quyền quí xa hoa của giới quí tộc Nga,  trong Phục Sinh, lần đầu Tolstoi đã bước sang  địa hạt tả chân xã hội vạch trần những cái xấu xa tàn nhẫn của chế độ phong kiến bóc lột, ăn trên ngồi chốc. Ông diễn tả một xã hội Nga mục nát với những ông hoàng bà chúa, những toà lâu đài lộng lẫy, những người nông dân bần hàn, đói khổ, những túp lều tồi tàn dơ bẩn… Nekhlioudov nhân vật chính tiêu biểu cho giai cấp thống trị, Maslova hình ảnh biểu tượng của giai cấp bị trị, Tolstoi đã kết án giai cấp quí tộc của chính ông qua hình ảnh hai nhân vật chính..

Cây bút tả chân hiện thực đã vẽ lên bức tranh đầy mầu sắc ảm đạm cảnh xã thôn đói khổ dưới nhãn quan Nekhlioudov. Nekhlioudov vào làng thấy những người nông dân đi làm lam lũ ngoài đồng trở về, thăm một gia đình nghèo chàng thấy một đống phân hôi thối nằm giữa sân, nhà cửa siêu vẹo, người dân ăn uống kham khổ, đâu đây  chỉ thấy toàn là cảnh bần hàn đói rách, trẻ con thì nheo nhóc thiếu ăn.  Họ xúm lại xin bố thí, chàng nghĩ người dân chết lần chết mòn, đang hấp hối. Trước hết là trẻ con, đàn bà làm việc quá sức, thiếu thốn lương thực, người già khốn khổ …  Ấy thế mà chính quyền cứ thản nhiên như không.

Tại kinh thành Nekhlioudov thấy những người bán hàng ở tỉnh mập mạp, những anh đánh xe ngựa, bồi phòng trông khoẻ mạnh có da có thịt hơn . Những người dân quê lên tỉnh làm ăn cũng nghèo khổ bệ rạc còn tồi tệ hơn ở nhà quê. Chàng ghê tởm cái xã hội giầu có mà chính mình đang sống, nó đã che dấu những nỗi khổ đau của hàng triệu người để bảo đảm cho một thiểu số được giầu sang phú quí, chàng ghê tởm cho cái giới người đã không thấy và không muốn thấy sự đau khổ của kẻ khác.

Tất cả những người nghèo bị giam trong các nhà tù không phải vì họ phạm luật mà vì họ đụng chạm tới các quan chức, bọn nhà giầu đang hưởng phong lưu, phú quí bóc lột dân nghèo. Bọn công chức, các thư lại ung dung thoải mái trong các văn phòng bộ phủ.. không bao giờ quan tâm tới những nỗi khổ đau của những người vô tội và chỉ tìm cách giam cầm người ta khi cho bọn này nguy hiểm. Những danh từ đẹp đẽ công bình, bác ái, luật pháp, Thượng đế… chỉ là những danh từ để che dấu quyền lợi thô bỉ và những tội ác ghê tởm của giới ăn trên ngồi chốc.

Tolstoi phủ nhận giai cấp của chính ông, cho rằng sự cai trị của tầng lớp phong kiến là nguyên nhân gây nên cảnh khốn cùng  của giới nông dân. Trong Phục Sinh , Tolstoi cũng thể hiện tinh thần cách mạng của mình. Theo Tolstoi nguyên do chính của sự nghèo đói là đất đai, nguồn sống của họ đã bị địa chủ tước đoạt, từ đó ông  không công nhận quyền tư hữu về điền sản, ruộng nương.  Nhà văn hào thể hiện được quan niệm sáng tác mới thời cận đại và hiện đại, tác phẩm phải nói lên được một khía cạnh của xã hội loài người, Phục Sinh là một bước tiến dài của văn chương tả chân hiện thực, nó đã diễn tả  đầy đủ nọi khía cạnh của một xã hội thối nát dưới thời Nga Hoàng mà các tác phẩm trước không nói lên được.

(Còn tiếp)

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

Phản hồi