WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tài liệu đặc biệt, góp phần chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI

LTS: Bài viết dưới đây của ông Trần Nhơn, một đảng viên CSVN. Ông đã gửi tới Trung ương đảng hơn một năm trước đây đóng góp ý kiến cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng XI sẽ diễn ra từ 11-19 sắp tới. Lược bỏ những phần về công lao của đảng hay gương sáng HCM mà nhiều người không đồng ý, bài viết nêu ra nhiều quan điểm tiến bộ, đáng cho mọi người suy nghĩ, nhất là các đảng viên Đảng CSVN.

Kính gửi Trung ương Đảng: Tài liệu đặc biệt, góp phần chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI

Noi theo Các Mác, Lênin, Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tự vượt qua được chính mình, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để ổn định xã hội và phát triển bền vững

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, tôi đã tham gia hoạt động bí mật từ trước CM tháng 8, lại đã học qua hệ chính quy Mác – Lê tại trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó lại học Mác – Lê lần nữa tại đại học LX, chưa kể hầu như không “tuần chay” chỉnh huấn lớn nào, không đợt học tập chính trị quan trọng nào là tôi không có mặt. Suốt đời tận tuỵ với công tác Đảng và Chính quyền, nên cũng như hầu hết các Đ/C, tôi có thể tự hào mà cho rằng tính kiên định CM của mình là thuộc loại số một! Luôn luôn tự ngẫm rằng, dầu cuộc sống còn bao khó khăn, đất nước còn rất nhiều tiêu cực, lãnh đạo nhiều nơi cũng còn nhiều hạn chế, sai sót, song nhìn tổng thể, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc kể từ khi Đảng phát động Đổi mới.Vậy mà, tôi cũng rất băn khoăn, khi thấy người ta tranh luận đúng – sai về Mác – Lê (nào “đã lỗi thời rồi, tại sao còn cứ bám lấy mãi”, hoặc “Tư bản hiện nay còn đang tái bản Mác để nghiên cứu”), nên lâu nay tôi cũng không tiếc công sức lần giở các Tuyển tập Mác, Lênin, Hồ Chí Minh ra, muốn xem lại kỹ một lần xem thực hư thật sự nó thế nào, nguyên nhân của sự trì trệ là do đâu để tham gia góp ý về đường lối cách mạng với Đảng.

Gần đây, tôi lại được đọc khá nhiều bài viết sâu sắc của các cán bộ lão thành cách mạng, và cán bộ khoa học hàng đầu, trong số đó đặc biệt có một tài liệu dài 14 trang viết tóm tắt kết quả nghiên cứu rất nghiêm túc của một Nhóm các chuyên gia cao cấp về chính trị, quản lý nhà nước và khoa học công nghệ ở trong nước. Thực ra nhiều điều mới nhận ra của tôi sau đây có thể không mới lắm đối với rất nhiều người, nhưng cũng có rất nhiều đ/c, kể cả phần lớn các cán bộ lãnh đạo thế hệ Đổi mới, do hoàn cảnh chỉ được học tập các giáo trình “cơ bản” do hệ thống “chính luồng” biên soạn, chưa có điều kiện hoặc trách nhiệm nghiên cứu Mác – Lê đến nơi, đến chốn, rồi rất bận rộn lao ngay vào với công việc lãnh đạo cụ thể, nên chắc rằng những nội dung trình bầy của chúng tôi sau đây cũng có thể có ích, giúp tự bổ sung thêm cơ sở lý luận trong dịp chuẩn bị Đại hội Đảng lần này. Đương nhiên lý luận còn có thể “du di”, thực tiễn mới là chân lý cao nhất!

Bài viết này gồm 5 phần:

1. Làm rõ những nội dung, nguyên nhân và thời điểm Các Mác, Ănghen và Lênin đã dũng cảm tự vượt qua chính mình

2. CNXH đích thực không phải là một bộ phận sinh ra từ Mác, Ănghen và Lênin, và nhất định sẽ thành công

3. Việt Nam không thể có CNXH đích thực nếu vẫn chỉ dựa mãi vào mỗi một CN Mác – Lê, và cần phải cương quyết đồng bộ tiến lên

4. “Thời kỳ quá độ lên CNXH” ở nơi nào trên thế giới hiện nay là đáng trông chờ, tin cậy nhất để tham khảo học tập, liên kết hợp tác xây dựng nền văn minh chính trị toàn cầu (CNXH đích thực)?

5. Cùng nhận rõ và tham gia ngăn chặn có hiệu quả hai kẻ thù lớn, nguy hiểm nhất hiện nay của cách mạng XHCN ở Việt nam và trên toàn thế giới.

Sau đây tôi xin giải trình cụ thể các phần:

1. Làm rõ những nội dung, nguyên nhân và thời điểm Các Mác, Ănghen và Lênin đã dũng cảm tự vượt qua chính mình

Vẫn biết Học thuyết Mác có rất nhiều nội dung tuyệt diệu, Phương Tây còn đang tái bản “Tư bản luận” để nghiên cứu, song bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra, rằng sự phê phán, chối bỏ, thậm chí lên án bởi nhiều người trên thế giới đối với một số nội dung, quan điểm trong Chủ nghĩa CS của Mác là hoàn toàn có lý. Hiện tượng “Ông nói gà, bà nói vịt”, tranh luận lung tung bao nhiêu năm qua, chính là ở chỗ hiểu sai, hiểu nhầm và hiểu chưa đầy đủ CN Mác, và không hiểu lẫn nhau ở chỗ này.

Cụ thể như sau:

1/ Học thuyết Mác có những bộ phận chính sau đây: a) Triết học, b) Chính trị, kinh tế, xã hội học, c) Giai cấp và giai cấp đấu tranh, d) Chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp (Chủ nghĩa Cộng sản) v.v… Đó là một trong những công trình khoa học vĩ đại nhất ở thế kỷ 19 của cả Loài người, đã được thừa nhận và vận dụng rộng rãi trên toàn thế giới (cả Tư bản và XHCN, ngay thời điểm 2009 này tại nhiều nước TBCN đang còn tái bản Mác để nghiên cứu tiếp học thuyết Mác về phép biện chứng, về CNTB, nhằm tìm ở đấy các vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến khủng hoảng toàn cầu, cơ hồ vạch được ra lối thoát). Nên Loài người sẽ không thể “quên đi” CN Mác như nhiều người tưởng tượng.

2/ Chỉ riêng có bộ phận thứ tư, phần d) nói trên: Chủ nghĩa Mác, Chủ nghĩa Cộng sản, là có vấn đề phải xem xét, phân biệt cho kỹ từng phân kỳ (sự tiến hoá) của nó. Sau đây tôi chỉ tập trung nói về phần thứ 4, phần d) những tư duy, chủ trương, đường lối cách mạng vô sản của Mác, vì nội dung này đã gây ra tranh luận, mâu thuẫn rất nhiều trên thế giới.

3/ Lý do phải xem xét lại thực ra đã rõ từ lâu đối với các giới học thuật nghiêm túc, có điều kiện nghiên cứu chuyên nghiệp, nhất là từ sau sự kiện quan trọng không một chút ngẫu nhiên: Liên Xô tan rã. Nhưng đối với rất nhiều người, do sự nhận thức chưa sâu, hoặc thiếu tư liệu, thông tin, thiếu điều kiện nghiên cứu nghiêm túc… nên có thể nói đã tạo ra những sự lẫn lộn, lầm lạc to lớn, dai dẳng và rất tai hại. Tôi xin nói rõ, tôi đã lẫn lộn và từng bước đã tự nhận thức lại cho chính xác hơn như thế nào.

4/ Điều quan trọng mà tự tôi đã nhận thức và tự khẳng định thật rõ là: Một là: Động cơ đưa ra Chủ nghĩa Cộng sản của Các Mác là rất nhân đạo, động cơ là chân chính: Khi giai cấp tư sản bắt đầu tích luỹ để công nghiệp hoá, với cơ chế kinh tế thị trường sơ khai, tích luỹ tư bản man rợ ban đầu, thì xã hội tư bản ở cuối thế kỷ 17 – đầu tk 18, đặc biệt là ở Anh, hiện tượng người bóc lột người diễn ra dã man cùng cực. Mác tự thấy bổn phận phải tìm cách lý giải một cách khoa học cơ chế bóc lột dã man, nhưng lại thúc đẩy tăng trưởng xã hội rất mạnh của CNTB – kết quả nghiên cứu của Ông đã được ghi lại trong bộ Tư bản luận –  và hơn thế, Mác cho rằng phải tìm cách làm sao xoá bỏ được cái chế độ người bóc lột người dã man thậm tệ ấy – từ kết quả nghiên cứu ban đầu, trong Ông đã hình thành lý luận về đấu tranh giai cấp, về CN Cộng đồng (Khái niệm “chủ nghĩa” là do sau này Ănghen và các đồng chí khác của Mác gắn vào, chữ “cộng đồng” đã bị dịch sai thành “cộng sản”).

Hai là: CNCS của Mác có hai điểm về đường lối thực hiện người ta không thể chấp nhận, nhất là ở các nước Tư bản, và các nước đã có nền độc lập dân tộc, khi họ đã ở một trình độ xã hội phát triển nhất định:

a. Tuy nhiều mục tiêu là rất tốt đẹp, và hoàn toàn nhân đạo, nhưng lại quá ảo tưởng, xa vời với thực tế cuộc sống, ngay đối với thế kỷ 21 hiện nay. Chỉ một ví dụ: Mác đề ra mục tiêu đấu tranh cho một xã hội, trong đó mọi người đều được: “làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu”. Nhưng nhu cầu con người biết thế nào cho vừa (?), hơn nữa, với chủ trương bình đẳng dàn đều, nhân đạo “hưởng theo nhu cầu” như vậy sẽ làm mất động lực sáng tạo, người siêng năng, người tài cũng được hưởng như người lười, người dốt thì làm sao mà xã hội tiến lên được, và vì vậy hầu hết những người tài năng, cần cù họ không chịu! Hoặc “lao động sẽ trở thành niềm vui”, “nhà nước sẽ tự triệt tiêu”. Có thể những điều đó là mục tiêu của Loài người thế kỷ 23, 24 gì đó, hoặc không bao giờ có được, nên mục tiêu đó là xa vời đến mức thực tế hiện nay trở thành ảo tưởng!

b. Biện pháp đấu tranh lại rất cứng rắn, thậm chí không kém phần tàn bạo: “Chế độ xưa ta mau phá thật tan tành”, “Đấu tranh này là trận cuối cùng”, đấu tranh này là “Một mất, một còn”, là giải quyết tận gốc vấn đề “Ai thắng ai”, là không thể chấp nhận mọi tàn dư của chế độ tư bản, phải tiêu diệt cả mầm mống sinh ra nó… vô tình đẩy loài người thành hai cực đối lập nhau không đội trời chung! (Biện pháp của Mác là nhân đạo đối với lớp người cùng khổ, song lại mở đường cho những hành động rất tàn bạo đối với những lớp người giầu có, những doanh nhân và tư bản tiến bộ – là đầu tầu tạo ra sự phát triển xã hội) bằng cách nói thẳng sẽ tiêu diệt giai cấp tư sản, dùng bạo lực tước đoạt để công hữu hoá toàn bộ tư liệu sản xuất, xoá bỏ cơ chế thị trường, tập thể hoá và kế hoạch hoá tập trung sản xuất, thực hiện nền chuyên chính vô sản… Đó là những chính sách và biện pháp cơ bản, chính yếu nhất của CNCS phân kỳ I. Thực tế đã chứng tỏ, bằng cách đó sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu.

Đó chính là nội dung và hậu quả của CN Mác về đấu tranh giai cấp, là đường lối của Quốc tế CS I do Mác lập nên (Là phản ảnh bầu nhiệt huyết, sự bồng bột tuổi trẻ thời 35 tuổi của Mác và Ănghen).

Quốc tế CS I đã chủ trương sử dụng những giải pháp không thực tế là dùng bạo lực tiêu diệt tận gốc chế độ tư bản cũ để xây dựng một chế độ mới hoàn toàn, trong sạch, tốt đẹp, phủ nhận tính kế thừa, tính liên tục trong sự tiến hoá của Loài người. Cách làm đó vừa không hiện thực, vừa không hợp lòng người, tạo ra một quan điểm cứng nhắc “nhị nguyên”: không ta, là địch; ta – địch không đội trời chung, nên đã trở thành một sai lầm quan trọng về biện pháp đấu tranh.

Chính vì vậy, một mặt, sau hàng loạt những thất bại trong đấu tranh bạo lực của giai cấp công nhân nhằm tiêu diệt chính quyền tư bản tại các nước Châu Âu, mặt khác, càng ngày chế độ tư bản càng phát triển và tự hoàn thiện, tự tìm tòi những chính sách xã hội hoá cần thiết bước đầu, và tại nhiều nơi, giai cấp công nhân đã lợi dụng chế độ dân chủ tư sản để tranh đấu một cách hoà bình tại các công xưởng và trên nghị trường, và đã đạt được những thắng lợi ban đầu, vì vậy, Quốc tế CS I dần dần tan rã, do hầu hết các nước Châu Âu không hưởng ứng. Trên thực tế đó, Mác, và Ănghen, về cuối đời dầy dạn kinh nghiệm của các Ông, đã có những nhận định mới và đưa ra quan điểm đường lối thực tiễn khác hẳn về biện pháp đấu tranh giai cấp: Giai cấp công nhân có thể lợi dụng thế chế dân chủ và hệ thống chính trị của giai cấp tư sản để đấu tranh không bạo lực giành chính quyền. Đường lối (biện pháp cách mạng) mới đó của chính Mác và Ănghen đã dẫn đến việc ra đời Quốc tế II.

Quốc tế II chủ trương đấu tranh không bạo lực, công nhân cần lao và tư bản có thể hợp tác- đấu tranh hoà bình, có tiếp thu, có kế thừa, tận dụng những thành quả của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một chế độ xã hội mới của giai cấp cần lao, của nhân dân lao động. Rất tiếc, sau khi Quốc tế II ra đời, Mác và Ănghen đã già dặn, sâu sắc hơn, nhưng còn rất ít thời gian để chỉ đạo Quốc tế II triển khai sâu rộng đường lối mới này.

Nói tóm lại: Mục đích của CN Mác, CN CS là tốt đẹp, song ở phân kỳ đầu – tức Quốc tế CS I – với đường lối về giải pháp thực hiện là không tưởng, thậm chí sai lầm, và đã được chính Mác và Ănghen nghiên cứu lại để tự vượt qua chính mình, uốn nắn lại, tạo ra phân kỳ sau – và lập ra Quốc tế II (bỏ tính ngữ Cộng sản đi).

Có người cho rằng: Mác thông minh thật, nhưng thà không có Mác còn hơn. Theo tôi, không đúng: Nếu không có Các Mác, sẽ có một hoặc nhiều Ông “Mác” khác sẽ chỉ được ra lý luận về bóc lột giá trị thặng dư, lãnh đạo đấu tranh gây áp lực buộc CNTB phải tự vượt qua chính nó, tự hoàn thiện dần dần để có CNTB hiện đại được như ngày nay. Vậy, về lý luận đấu tranh giai cấp, tuy Mác và Ănghen đúng về lý tưởng là chính, nhưng cũng đã có những cái sai về đường lối thực hiện, và đã kịp thời tự vượt qua được những cái sai của chính mình . Đấy chính lã chỗ nhiều người không rõ, do bị thiếu thông tin, do n/c chưa sâu, nên đã lẫn lộn, tạo ra những tranh luận nhiều nhất về lý luận đấu tranh giai cấp của CN Mác.

2. Chủ nghĩa xã hội không phải là một bộ phận sinh ra từ CN Mác, hoặc “CN Mác –Lê”. CNXH đích thực sẽ nhất định thắng lợi.

Lâu nay tôi cứ tưởng (chết ở chỗ cứ tưởng đó) Chủ nghĩa xã hội là sản phẩm chính trị của riêng Mác, Ănghen, và Lênin, vì vậy nghiễm nhiên tin rằng nó đương nhiên là giai đoạn đầu của CN Cộng sản. Nhưng thực ra đó lại là một sự hiểu lầm hoàn toàn. Do đã đồng nhất CNXH với “CN Mác – Lê”, nên khi người ta căm hận về những biện pháp tàn bạo, cay nghiệt của CM vô sản quá tả đã diễn ra ở chỗ này chỗ kia dưới danh nghĩa CN CS, nên người ta cũng căm ghét lây luôn cả sang CNXH!

Theo nhận thức mới thì tư duy về môt chủ nghĩa, mà sau này dần dần hình thành chính thức, được nhiều triết gia cổ điển (không thật rõ chính xác là ai đầu tiên) đặt tên là CNXH, nó đã có từ hàng ngàn năm trước đây, từ khi Mác chưa ra đời (*). Theo đó CNXH là một lý tưởng tốt đẹp của chung toàn Nhân loại, một ước muốn tốt đẹp về một xã hội cộng đồng, mang đầy đủ đặc điểm của một xã hội dân chủ, công bằng, tự do, hạnh phúc, văn minh của cả Loài người (Đối nghịch lại với CN cá nhân, với CN dân tộc hẹp hòi, ích kỷ). CNXH là kết quả một quá trình tiến hoá tự trưởng thành của toàn Nhân loại. Quá trình này là lâu dài, gian khổ, có lúc rộ lên, có khi xẹp xuống, tích luỹ, đúc kết từ những bài học thắng lợi, rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân thất bại đổ máu của rất nhiều nước, của rất nhiều thế hệ… kéo dài từ rất lâu, từ trước khi có Mác!

Khi gặp Chủ nghĩa Mác (mới xuất hiện gần 162 năm trước đây), những người theo CNXH đã lấy CN Mác làm lý luận dẫn đường. Nếu Chủ nghĩa Mác có 2 phân kỳ tiến hoá khác nhau như đã nói ở trên, thì CNXH cũng bị ảnh hưởng bởi sự diễn biến và trưởng thành của CN Mác với 2 phân kỳ như đã xẩy ra. Vì vậy đã xẩy ra chuyện có mô hình XHCN theo những biện pháp quá tả, bạo lực (Phân kỳ I) và có cả mô hình XHCN theo đường lối đấu tranh phi bạo lực như Mác đưa ra ở phân kỳ II.

Đối với Lênin: Nhận thấy tại Nga, thời cuối thế kỷ 19, đã đủ chín mùi để giai cấp công nhân có thể lật đổ chế độ Nga hoàng lạc hậu, phản tiến bộ – một mắt xích yếu nhất của hệ thống TBCN – Lênin đã vận dụng Mác ở phân kỳ I (Quốc tế CS I) và đã thành công trong đấu tranh bạo lực đập tan chế độ quân chủ Nga hoàng dành chính quyền về tay giai cấp công nhân và lập nên chế độ xô viết. Lênin đã hoàn thành phân kỳ I của chính Ông một cách tuyệt vời. Và chính Lênin đã thành lập lại Quốc tế Cộng sản, và gọi là Quốc tế Cộng sản III (dùng trở lại tính ngữ cộng sản) về cơ bản là theo đường lối đấu tranh bạo lực của QT CS I. Nhưng vì lòng căm thù của giai cấp công nhân (đối với g/c tư sản) chỉ có sức mạnh chủ yếu trong tàn phá, chứ chưa đủ để kịp sản sinh ra sự sáng tạo trong xây dựng hoà bình, nên chỉ sau mấy năm chính quyền xô viết, chính Lênin đã phát hiện ra những chỗ bất cập, sai lầm của đường lối Quốc tế CS I: phá tan những cái cũ, không tiếp thu, không thừa kế thành tựu nhiều mặt của CNTB (vi phạm quy luật tính liên tục, kế thừa của quá trình tiến hoá), và không chỉ có thế… nên nguy cơ tụt hậu và có thể sẽ tự diệt vong là rất rõ ràng. Bởi vậy, cũng tự vượt qua chính mình, Lênin đã nhanh chóng chuyển sang phân kỳ 2 của chính Ông với chính sách kinh tế mới: kế thừa, hợp tác, liên kết, vận dụng các thành tựu nhiều mặt của CNTB để xây dựng CNXH. Theo cách hiểu của chúng ta sau này: Người CS muốn đi lên bằng cách đi trên vai của những nhà tư bản, vậy phải dựa vào và liên kết thật lòng với họ, không thể đơn giản coi họ là kẻ thù giai cấp không đội trời chung! (Lênin từng nói, đại ý: Tôi có thể đổi 100 đảng viên CS thiếu chuyên môn lấy 1 chuyên gia tư bản).

Đối với Liên Xô (cũ): Để phân tích đúng CNXH ở LX cũ trong thời kỳ sau Lênin cho tới khi nó sụp đổ, cần lưu ý những đặc điểm lịch sử riêng biệt (có tính tình thế): vừa xây dựng hoà bình, vừa chuẩn bị và tiến hành chiến tranh (cả nóng lẫn lạnh), vì vậy yêu cầu lãnh đạo tập trung về cơ bản đã lấn át hoàn toàn yêu cầu dân chủ, cùng với sai lầm về cơ chế quản lý kinh tế – xã hội theo đường lối Quốc tế I và III tập trung quan liêu bao cấp, nên đã dẫn đến tụt hậu toàn diện và sụp đổ như một tất yếu.

Sự bất đồng chính kiến trong phong trào Cộng sản Quốc tế chính là và chủ yếu là sự bất đồng chung quanh câu chuyện lựa chọn Quốc tế nào, chọn biện pháp cách mạng nào, và sai đúng ra sao, chứ không phải là chọn Ông lãnh tụ nào, bởi vì cả 2 tổ chức Quốc tế I và Quốc tế II đều là “con đẻ” của Mác và Ănghen; Quốc tế III và Chính sách kinh tế mới cũng đều là con đẻ của Lênin cả. Chỉ có điều chúng (các đường lối đấu tranh giai cấp) rất khác nhau là do chúng được sinh ra ở những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, và có thể nói đại thể là chúng đều đúng, nhưng chỉ đúng trong những hoàn cảnh và thời điểm tương ứng thích hợp của chúng! CNXH hiện thực ở các nước được sinh ra, nơi thì theo đường lối Quốc tế I, nơi lại theo đường lối Quốc tế II, vì thế mà chúng có các mô hình cụ thể khác nhau. Mô hình XHCN hiện thực trên đất Liên Xô, Đông Âu, TQ và VN … ở thế kỷ 20 là theo mô hình được tạo ra theo đường lối Quốc tế I của Mác, Quốc tế III của Lênin, dưói sự chỉ đạo áp đặt của Stalin, và nó đã sai lầm, bởi thực tế nó đã sụp đổ. Nguyên nhân: Trong xây dựng hoà bình mà LX vẫn tiếp tục vận dụng đường lối Quốc tế CS I và III là không phù hợp. Nếu LX sau Thế chiến 2 đã biết “chuyển pha” sang vận dụng chủ yếu đường lối Quốc tế II thì đã không bị tan rã. Chính sách “kinh tế mới” của Lênin, đường lối “ba đại diện” của TQ, và đường lối “Đổi mới” của VN hiện nay chính là theo đường lối Quốc tế II của Mác với một số đặc thù riêng khác nhau. Thực tiễn (là chân lý) đã chỉ ra rằng, chúng phù hợp với yêu cầu cách mạng ở những nơi này, và cũng chỉ vào giai đoạn này. Kết luận: Đường lối Quốc tế II của Mác và Ănghen về CM vô sản, bất kể giai cấp công nhân đã giành được chính quyền hay chưa, là hiện thực và hoàn toàn đúng đắn trong thế kỷ XX .

Vậy là, qua kinh nghiêm và thể nghiệm của Lênin và Liên Xô (cũ), của TQ và VN, ta có thể kết luận:

1/ Để lật đổ chế độ cũ đã thối nát, lạc hậu, giành chính quyền, bảo vệ chính quyền, bảo vệ đất nước… thì vận dụng biện pháp cách mạng bạo lực của Mác (Quốc tế CS I ), và của Lênin (Quốc tế CS III) như Liên xô cũ, như Việt nam và Trung quốc, và nhiều nước khác… khi họ đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền là đúng đắn. Tuy nhiên, chính quyền chuyên chính vô sản, tập trung trước – dân chủ sau, theo các cơ chế hoạt động kiểu LX cũ, chỉ phù hợp và có sức mạnh thực sự trong đấu tranh bạo lực giành và bảo vệ chính quyền, và sẽ không phù hợp và thiếu sức mạnh trong xây dựng và phát triển hoà bình, vì chính quyền theo thể chế này không có khả năng tự bảo vệ mình khỏi quá trình tự thoái hoá, và cũng bất lực trong khả năng sáng tạo tự hoàn thiện mình để vươn lên (sự sụp đổ của LX cũ là kết quả điển hình nhất của sai sót mang tính tất yếu này).

2/ Vì vậy tại các nước tư bản phát triển, và tại các nước khác khi đã chuyển sang giai đoạn xây dựng hoà bình thì phải vận dụng đường lối Quốc tế II của Mác mới đem lại thắng lợi cho CNXH. Chính “Chính sách kinh tế mới” của Lênin, Đường lối “đổi mới” của Việt nam và đường lối “Ba đại diện”của Trung quốc là kết quả sự vận dụng sáng tạo đường lối của Quốc tế II của Mác và Ănghen, nên đã thu được những thắng lợi bước đầu. Các đảng cánh tả Bắc Âu, và ở một số nước khác, tại một số thời kỳ tương tự ở nhiều nước tư bản phát triển, do đặc thù của họ, đã không vận dụng đường lối đấu tranh bạo lực của quốc tế I, đã sớm tiếp thu, vận dụng tư tưởng đường lối mới của Mác ở phân kỳ II (Quốc tế II). Họ đi lên từ thể chế chính trị tư bản, từ nền Dân chủ tư sản – nên họ đã sớm đạt được khá nhiều thành công trong việc xây dựng một xã hội tiến bộ hơn như mọi người đã thấy.

Có người nói: các đảng CS LX (cũ), Trung quốc và Việt Nam không chấp nhận coi các đảng XH dân chủ là cùng một gốc sinh ra từ Mác và Ănghen. Đó là sai lầm quan trọng do thiếu thông tin, như một định kiến và mang tính cố chấp, có thể chỉ ở thời Lênin, Stalin, và còn tồn tại ở một số đồng chí Việt nam “kiên trì” hiện nay. Nên thấy rằng, tại Châu Âu, chính con cháu ruột của Các Mác và Lênin cũng đã từ chối CN CS, và đã gác biện pháp cách mạng bạo lực (QT I và QT III) của các Ông sang một bên, sự tự sụp đổ hoàn toàn dễ dàng của LX cũ và Đông Âu đã là bằng chứng hiển nhiên về sự tự từ bỏ CN Mác – Lê kiểu cũ. Quan điểm “kiên trì” của một số đồng chí VN đã ngăn cản việc học tập và hợp tác công khai với các đảng CNXH dân chủ, trong khi trên thực tế lại thừa nhận sự tiến bộ xã hội rất rõ ràng của những nước phát triển do các đảng Xã hội dân chủ này lãnh đạo!

Tóm lại, tôi nhận ra rằng, CNXH là một quá trình, một cái đích tiến hoá của Loài người đến một xã hội tốt đẹp hơn tất cả các xã hội hiện tồn trên Trái Đất. Sự sụp đổ của LX và Đông Âu, sự thất bại của “CNXH” hiện thực ở chỗ này hay chỗ khác, thì đó chỉ là sự thất bại của những mô hình cụ thể, của sự vận dụng những đường lối, lý luận sai lầm cụ thể trong quá trình tiến hoá đến CNXH đích thực mà thôi. CNXH đích thực không thể bị thất bại! Nếu CNTB (không mang tên riêng ai) là kết quả quá trình tiến hoá tất yếu từ CN Phong kiến lạc hậu, thì CNXH (cũng không do một mình ai đặt ra) cũng là một quá trình tiến hoá đương nhiên tiếp theo, từ CNTB lên một xã hội tốt đẹp hơn, được đặc trưng bởi một nền chính trị văn minh – mà lâu nay ta vẫn gọi nó là CNXH, hay phía tư bản gần đây họ gọi là CN hậu Tư bản (hay CNTB sáng tạo, CNTB Dân chủ…). Kết luận: Tuy CNXH đích thực chưa ở đâu có, nhưng nhất định sẽ xuất hiện! Thời đại này vẫn là Thời đại quá độ tiến hoá của toàn Thế giới tiến lên CNXH, có thể còn khó khăn, trầy trật, nhưng không gì có thể ngăn cản nổi!

3. Việt nam không thể có CNXH đích thực nếu vẫn vận dụng duy nhất mỗi một CN Mác Lê, mà cần phải đổi mới đồng bộ để tiến lên nhanh hơn.

1. Nên thống nhất ngay, cách mạng nước ta bắt đầu từ Cách mạng tháng 8 với mục tiêu giành Độc lập Dân tộc, ở một đất nước thuộc địa, nửa phong kiến lạc hậu, 95% dân số là nông dân, gần 100% dân số là mù chữ, chưa hình thành giai cấp tư sản và giai cấp công nhân (Chưa có CNTB và chưa có dân chủ tư sản). Vì vậy không có chuyện vận dụng chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp giữa tư sản và công nhân vào nước ta ngay từ 1944 – 1945! CM tháng 8 chỉ là cách mạng giải quyết mâu thuẫn giữa Dân tộc VN với bọn thực dân phong kiến.

2. Hồ Chí Minh đi theo Quốc tế I, vì thấy ở đây có lý tưởng giải phóng nhân dân lao động cần lao; Hồ Chí Minh đi theo Quốc tế III, vì thấy ở đây có chủ trương giải phóng các dân tộc thuộc địa; Hồ Chí Minh đi theo Liên Xô và Trung quốc, vì thấy ở những nơi đó có chung lý tưởng và mục đích giải phóng nhân dân lao động, chấn hưng đất nước, xây dựng CNXH. Thấy trong tương lai họ sẽ là chỗ dựa cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau này của Việt nam.

3. Quá trình hình thành con người, trí tuệ và lý tưởng của Hồ Chí Minh đầu tiên là từ chủ nghĩa yêu nước, với tầm hiểu biết và tư duy văn hoá Á đông rất sâu sắc; quá trình hình thành dần dần phần “cộng sản” trong con người Hồ Chí Minh là quá trình nhận thức về CN Mác, về Lênin, về những cái phù hợp, những cái không phù hợp vào những hoàn cảnh khác nhau thông qua nghiên cứu tư liệu, tham gia công tác với QT III và trải nghiệm tại thực địa Việt nam, Châu Âu, Liên xô (cũ) và Trung Quốc. Hồ Chí Minh, do xuất xứ và sự lỗi lạc của mình, từ rất sớm đã không là một người giáo điều, kinh kệ, không chỉ vận dụng riêng một CN Mác Lê. Về nhiều mặt, Hồ Chí Minh hiểu cách mạng và dân tộc Việt nam, hiểu CN Mác Lê sâu sắc hơn nhiều lãnh tụ vô sản khác. Điều đó được hình thành trong một quá trình lâu dài suốt mấy chục năm cho đến khi Người về nước lãnh đạo trực tiếp cách mạng Việt nam. Từ đó, Hồ Chí Minh là tổng hoà không chỉ những cái tinh tuý của học thuyết Mác, của Lênin, mà còn của các học thuyết và chủ nghĩa nhân văn khác, nhưng trước hết Người là một người Việt nam yêu nước, một lãnh tụ của cách mạng VN. Hồ Chí Minh không ít lần đã tự vượt qua chính mình. Xưa nay, không nhất thiết những lãnh tụ, những người đưa ra các chủ thuyết phải có những tác phẩm viết lớn. Tất cả tư tưởng, tư duy của Người, đường lối cách mạng do Người đưa ra dẫn đến CM tháng 8 thành công và mấy cuộc kháng chiến thắng lợi, những tư duy sâu sắc dùng để xây dựng hiến pháp VN đầu tiên và lập chính phủ liên hiệp 1946, trong các tác phẩm và Di chúc của Người, đủ để hình thành một học thuyết cho cách mạng VN, và cho cách mạng giải phóng dân tộc của nhiều nước trên thế giới, làm cơ sở để xây dựng một chế độ Dân chủ cộng hoà. Vậy nói gọn là Học thuyết Hồ Chí Minh cũng rất đủ tầm, rất xứng đáng làm nền tảng lý luận cho việc xây dựng một nhà nước dân chủ cộng hoà, nền tảng chính trị – xã hội để từ đó xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, mà phía ta và Loài người nói chung, gọi là CNXH.

4. CM tháng 8 ngẫu nhiên trùng hợp với biện pháp đấu tranh bạo lực giành chính quyền của Quốc tế I và Quốc tế III. Tuy nhiên, CM tháng 8 thành công, trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước VN, là sự kết hợp rất tài tình với phong trào giải phóng dân tộc, sau đó mới là sự vận dụng khéo léo những phần phù hợp với VN của CN Mác – Lê theo trào lưu mới nhen nhóm cách mạng XHCN trên thế giới. Nói thắng lợi của CM dân tộc, dân chủ Việt Nam chủ yếu là thắng lợi của việc vận dụng CN Mác Lê vào VN là không hoàn toàn chính xác, là nhầm lẫn, gây ra sự hàm ơn trên mức cần thiết vào chủ nghĩa này và tạo ra tư duy “kiên trì”, chung thuỷ thiếu căn cứ, thậm chí là cố chấp trong tranh luận, và trong tư duy chỉ đạo chiến lược phát triển. (Nhưng hàm ơn về sự giúp đỡ (phần chân tình, hiệu quả, không lợi dụng) của LX (cũ), Trung quốc và các nước “XHCN” anh em khác đối với CM dân tộc, dân chủ nước ta lại là việc khác và rất đúng đắn).

5. Trong thời kỳ có 2 nhiệm vụ chiến lược xen kẽ: vừa xây dựng CNXH ở Miền Bắc, vừa đấu tranh giành độc lập thống nhất tại Miền Nam, nếu thật đúng quy luật, Đảng ta cũng phải vận dụng cùng một lúc 2 đường lối: QT II cho Miền Bắc và cả QT III cho chiến đấu ở Miền Nam (đương nhiên rất khó rạch ròi, bởi vì ngay tại Miền Bắc, muốn làm hậu phương vững chắc, chi viện tốt cho Miền nam, thì vẫn cần vận dụng đường lối QT III) Nhưng chúng ta đã hoà trộn hoàn toàn yêu cầu lãnh đạo cả 2 miền bởi cùng một tư duy và cơ chế chủ yếu dùng cho đấu tranh vũ trang. Sau khi hoà bình thống nhất đất nước, chúng ta vẫn tiếp tục kéo dài tư duy, đường lối, chính sách của QT I và QT III, thậm chí bị ép sao chép theo mẫu của LX (Stalin) và TQ (Mao Trạch Đông), dẫn đến bao sai lầm, đến tận khi không thể chịu đựng được nữa, mới chịu Đổi mới.

6. Việt nam tiến hành Công nghiệp hoá và Hiện đại hoá từ một xã hội chưa có CNTB (cơ sở vật chất tư bản ban đầu), chưa có dân chủ tư sản (nền chính trị, Nhà nước pháp quyền với nền dân chủ tư sản ban đầu). Đó là một đặc điểm đi tắt tạo ra cái khó lớn nhất, tổng quát nhất về phía chủ quan của nước ta hiện nay. Mặc dầu chúng ta đã có những bước tiến dài về nhiều mặt không ai có thể phủ nhận, chúng ta có thể thực hành kinh tế thị trường, công nghiệp hoá rút ngắn trên cơ sở vận dụng rất nhiều những yếu tố kinh tế TBCN lợi dụng tình hình thời thế mới (kinh tế tri thức, hội nhập toàn cầu), song chúng không thể thực hiện “Dân chủ hoá rút ngắn”, khi chúng ta chưa có những yếu tố tối thiểu của dân chủ tư sản, bỏ qua yếu tố thứ hai nói trên để tiến thẳng lên một xã hội tốt đẹp hơn mà chưa ai hình dung ra mô hình của riêng nó!

Sự “bỏ qua” thời kỳ phát triển chính thể TBCN tức là thể chế Nhà nước pháp quyền và Dân chủ tư sản đã tạo ra một sự biến dạng xã hội ghê gớm: Nếu Xã hội tư bản tiến hoá đồng bộ bằng cả đôi chân đó (Cơ chế thị trường + Dân chủ pháp quyền), thì ta chủ yếu mới đi bằng một chân. Trung quốc cũng vậy. “Râu ông nọ, cắm cằm bà kia”: kinh tế đi theo QT II, nhưng lại định hướng TBCN cổ điển, Chính trị đi theo QT III mang nhiều định hướng “XHCN” kiểu LX cũ, không đồng bộ, làm cho xã hội tuy có lên cấp về cơ sở vật chất, song suy thoái rất rõ về đạo

đức xã hội; hiệu quả và hiệu suất phát triển kinh tế rất thấp: rất nhiều đồng vốn bỏ ra mới có một đồng tăng trưởng, và nếu cứ theo cách này, đến một lúc nào đó sự tăng trưởng sẽ phải dừng lại. Bởi lẽ: Cơ chế thị trường triển khai nhanh chóng trong kinh tế, nhưng chưa có đủ cơ chế điều tiết hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ (bởi pháp luật nghiêm minh, bởi chính quyền dân chủ), nên mặt tiêu cực của nó đã lan rất nhanh vào nền hành chính quốc gia và toàn bộ khu vực dịch vụ công, vào cả nhiều tổ chức Đảng, đương nhiên là rất nhanh chóng loang ra toàn xã hội. Mặc dù thành tựu phát triển kinh tế là to lớn, song do chưa chuẩn bị đầy đủ hệ thống luật pháp và thể chế trên tinh thần dân chủ, nên một bộ phận đáng kể nền kinh tế thị trường đã dần dần bị “lưu manh hoá”, còn một bộ phận đáng kể nền hành chính quốc gia (chưa có luật hành chính đầy đủ), thay vì là nền hành chính quản lý – phục vụ, đã nhanh chóng trở thành nền cai trị quan liêu, chuyên chế và bị lôi kéo theo xu  hướng một xã hội “tư bản thân hữu” (Nhiều doanh nhân cấu kết với các quan chức nhà nước để trục lợi, làm biến dạng nghiêm trọng nhiều đường lối, chính sách, những quy hoạch, kế hoạch dài hạn nghiêm chỉnh đã được các Đại hội Đảng đề ra – có thể chứng minh bằng cách rà soát lại, đối chiếu lại giữa Hiến pháp và các Nghị quyết Đại hội với việc triển khai thực hiện cụ thể!) Thể chế chính trị chưa hoàn toàn đồng bộ với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Thể chế chính trị về thực chất vẫn theo đường lối Quốc tế III: Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo tuyệt đối, nặng về dân chủ hình thức; nhà nước vẫn theo nguyên tắc tập trung trước– dân chủ sau; Đảng lãnh đạo toàn diện (Đảng chọn, dân bầu), “bao cấp” cả về tư duy và nhận thức (chỉ có Đảng mới được chỉ ra, cái gì đúng, cái gì sai!)…, phủ nhận trên thực tế hoặc chủ động hạn chế Chế độ dân trị, Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự , nên nó không tự bảo vệ được mình khỏi quá trình tự thoái hoá, cũng không có khả năng tự hoàn thiện mình một cách thực sự, sáng tạo có hiệu quả để phát triển bền vững, vì vậy nó cũng khó có thể có đủ sức mạnh toàn dân đồng lòng nhất trí cao như trước kia để chống chọi với các thế lực phản động bên ngoài. Đảng ta tại Đại hội này cần vạch rõ nguyên nhân gì làm cho bước tiến của Đất nước chậm chạp, rất nhiều khuyết tật, chưa được như mong muốn đúng như mục đích lý tưởng của Đảng và nguyện vọng của Nhân dân!

7. Để có thể đưa cách mạng VN quay trở lai quỹ đạo chân chính, truyền thống, ta nên làm gì? Thực chất ta đã làm được rất nhiều về dân chủ hoá, về cơ chế kinh tế, về cải cách hành chính so với 1975, nhưng còn rất chậm, chưa đạt yêu cầu hội nhập với thế giới văn minh. Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt toàn Đảng phát biểu rất đúng tại lễ kỷ niệm 2 – 9 vừa qua: Việt nam cần phải đổi mới toàn diện; trước hết phải củng cố xây dựng và đổi mới Đảng.

Tôi xin nêu một số ý kiến như sau:

Một là: Cần nhanh chóng vượt qua chính mình, như Mác, Ănghen và Lênin, và nhiều những nhà cách mạng chân chính đã từng làm được: Trước hết cần chuyển đổi căn bản mục tiêu chiến lược của Đất nước, của toàn Đảng: Cần phải lấy sự tồn tại hùng cường của Đất nước, của Dân tộc, lấy cuộc sống hạnh phúc văn minh cho nhân dân, cùng thời đại tiến tới một xã hội tốt đẹp hơn làm mục tiêu tối thượng, chứ không chỉ lấy kiên trì CN Mác Lê làm định hướng tư tưởng như hiện nay. Quyết không biến công cụ thành mục tiêu như lâu nay vẫn bị nhầm lẫn.

(Nên nhớ, với máy hơi nước và các công xưởng đại cơ khí cuối thế kỷ 18, với xã hội ở trình độ tương ứng, Mác đã thúc đẩy tạo ra Quốc tế I; chỉ mấy chục năm sau, khi có điện khí hoá và sản xuất theo dây chuyền tự động đầu thế kỷ 19, xã hội đã thay đổi khá hơn, Mác đã từ bỏ ngay Quốc tế CS I, cho ra đời Quốc tế II; Lênin thì đưa ra “Chính sách kinh tế mới” chỉ sau sự ra đời Quốc tế CS III của chính Ông có mười mấy năm. Vậy mà, cho đến nay, đã trải qua hơn 100 năm tiến hoá vũ bão, thế giới đã đi vào một Thời đại mới, xã hội đã đổi khác hoàn toàn, với hội nhập kinh tế tri thức, công nghệ thông tin, các con tầu vũ trụ, người máy… và sự “trả thù” chưa từng có của thiên nhiên, mà ta dường như vẫn nói “kiên trì” nghiêm chỉnh lấy CN Mác Lê cách nay hơn 100 năm làm nền tảng lý luận cách mạng, thì nhân tâm vẫn ly tán là phải! Nếu Mác, Ănghen và Lênin mà còn sống, có lẽ các Ông đã mấy lần bỏ các “Quốc tế” (đường lối) cũ đi và đã nhiều lần lập nên các “Quốc tế” mới; có lẽ các Ông ấy đã tự vượt qua chính mình đến mấy lần rồi. Vậy mà tôi, anh, chúng ta vẫn “kiên trì” ôm lấy chân dung các ông, níu kéo nhiều phần của các Quốc tế cũ của các Ông ấy lại! Xin nhắc lại, tôi sẽ không nhầm và đồng nhất CN Mác Lê với CNXH, không nhầm vì thấy Thời đại này vẫn là Thời đại quá độ toàn thế giới, không phân biệt “ý thức hệ”, tiến lên CNXH mà nói rằng CN Mác Lê vẫn là chỗ dựa duy nhất ! Đó là nhận thức vượt qua chính mình của bản thân tôi.

Hai là: Tôi hoàn toàn nhất trí với Đ/C TBT Nông Đức Mạnh, đã nói lên tiếng nói nhất trí của toàn thể TW, Bộ Chính trị, của toàn Đảng và toàn Dân ta: Mặc dù chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, song cần Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện, đưa đất nước bắt kịp thời đại – đó là điều kiện duy nhất, hợp quy luật phổ biến, để xã hội ta ổn định và phát triển bền vững; Cần thực sự và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát để thực hiện đầy đủ Di chúc và phát triển Di sản lý luận và thực tiễn “nhà nước Dân chủ cộng hoà” của Hồ Chính Minh. Như đã phân tích ở trên, trong giai đoạn hiện nay, cách mạng Việt nam hãy tĩnh tâm, bình tĩnh, nghiêm khắc thực hiện cho được nghiêm chỉnh Di chúc và học thuyết Hồ Chí Minh (như cách hiểu ở trên), tạo lập vững chắc nền dân chủ cộng hoà, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân, Dân chủ – tập trung, Đảng của Toàn dân, đảng phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp chứ không đứng trên hiến pháp, đứng ngoài pháp luật, để phù hợp với giai đoạn hội nhập, mở cửa, cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, hoà nhịp với luật chơi chung của thế giới, tạo nền móng cho những giai đoạn phát triển bền vững tiếp theo; Có cơ chế tốt để thực hiện thực sự đường lối Dân làm chủ (toàn bộ trí tuệ và sức mạnh là ở nơi Dân), chứ không phải chỉ có Đảng CS làm chủ, cũng không phải chỉ các tầng lớp Doanh nhân giầu có làm chủ, càng không cần thiết lấy kiên trì Mác – Lê làm mục tiêu tập hợp lòng dân (Mà trái lại, càng “kiên định” Mác Lê, càng dễ gạt bỏ những lực lượng và trí tuệ tiến bộ có ích cho phát triển Đất nước, nhưng họ vẫn nhầm lẫn, ấn tượng xấu, đánh đồng giữa CN Mác Lê quá khích – phân kỳ I- với CNXH đích thực); không cố chấp về “hệ tư tưởng” đã từng khác biệt, mà cần đi cùng trào lưu tiến hoá của các nước phát triển đấu tranh cho dân chủ và công bằng, cho hoà bình và môi trường, cho liên kết và hội nhập bình đẳng để cùng toàn thể Nhân loại tiến hoá đến một xã hội tốt đẹp hơn; Hãy cùng quên đi quá khứ lịch sử đau buồn với khẩu hiệu “ai thắng ai”, thậm chí “Một mất, một còn” trong một Đất nước để có thể tập hợp, đoàn kết, đại đoàn kết Dân tộc, bằng cách đó, Đất nước ta lại có thể ngẩng mặt nhìn lên, đồng tình, đồng chí tham gia có chất lượng vào hàng ngũ “các thuyền trưởng” của con tầu Hành tinh, tham gia dẫn đầu xây dựng “Nhà nước pháp quyền toàn cầu”, và hãy tìm chỗ đứng xứng đáng cho người lao động Việt nam trong thuỷ thủ đoàn của con tầu này. Đó chắc chắn là những mục tiêu thoáng rộng hợp lòng dân nhất, hợp quy luật tiến hoá chung của Trời Đất nhất, không bị “kẹt” vào bất cứ một tư duy “ý thức hệ” nào, mà “nhân dân ta hoàn toàn có đủ tinh thần và nghị lực, trí tuệ và của cải” để làm được. Đó cũng là con đường duy nhất để tồn tại hợp lòng dân của Đảng ta. (Nói một cách công bằng: Đảng ta đã làm được rất nhiều trên con đường này, tuy nhiên còn quá chậm chạp, e ngại dụt dè và “nể nang” với tệ nạn tiêu cực tham nhũng so với yêu cầu tiến lên của cách mạng, của Dân tộc).

Đổi mới toàn diện – đó chính là liệu pháp đúng đắn nhất để nhân dân Việt nam, Đảng CS Việt nam tự vượt qua được chính mình, tạo cơ sở vững chắc để vượt qua được những khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, CM tháng 8 thành công, trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước VN, là sự kết hợp rất tài tình với phong trào giải phóng dân tộc, sau đó mới là sự vận dụng khéo léo những phần phù hợp với VN của CN Mác – Lê theo trào lưu mới nhen nhóm cách mạng XHCN trên thế giới. Nói thắng lợi của CM dân tộc, dân chủ Việt Nam chủ yếu là thắng lợi của việc vận dụng CN Mác Lê vào VN là không hoàn toàn chính xác, là nhầm lẫn, gây ra sự hàm ơn trên mức cần thiết vào chủ nghĩa này và tạo ra tư duy “kiên trì”, chung thuỷ thiếu căn cứ, thậm chí là cố chấp trong tranh luận, và trong tư duy chỉ đạo chiến lược phát triển.

4- “Thời kỳ quá độ lên CNXH” hiện thực ở nơi nào hiện nay là đáng hy vọng và tin cậy nhiều hơn để liên kết, phối hợp xây dựng một nền chính trị văn minh (XHCN đích thực)?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải khẳng định trước sự đúng đắn của định luật: “Thực tiễn là chân lý cao nhất”, chứ không phải lý luận, hay “ý thức hệ” chung chung.

Vì đã là quy luật tiến hoá phổ biến của Loài người, nên sau CN Phong kiến, tất yếu đã là CNTB, và sau CNTB tất yếu sẽ là… CNXH (theo cái nghĩa khái quát như trên kia đã nêu: nó là nấc thang mới trong quá trình tiến hoá chung của cả Loài người). Khi đã thừa nhận sự tiến hoá của Loài người là không ngừng, thì có thể nói, trên thực tế, toàn thế giới hiện nay đương nhiên đang trong thời kỳ quá độ (không đồng đều) lên CNXH – nói theo cả nghĩa triết học rộng dài, lẫn nghĩa đen hiện thực của nó. Ta không nên đánh giá chỉ dựa vào con đường (phương thức) để đạt được mục tiêu, mà nên dựa vào kết quả đạt được mục tiêu cuối cùng. Nếu thống nhất như vậy, ta sẽ có bức tranh toàn cảnh về “thời kỳ quá độ lên CNXH” trên thế giới như sau:

Đầu tiên là những nước tư bản phát triển nhất, một sự thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới: xã hội của họ trên thực tế đang tiến gần đến những chuẩn mực mong muốn và nhiều yếu tố của CNXH hơn cả, đúng như kết luận mang tính khoa học sâu sắc của Mác: “Các nước TB phát triển nhất sẽ tiến lên CNXH trước tiên”. Mặc dù trong lòng CNTB vẫn còn rất nhiều những tồn tại lớn, giai cấp tư sản vẫn chiếm ưu thế trong địa vị lãnh đạo đất nước, nhưng thực sự là họ, như trên đã nói, đang trong qúa trình khắc phục để quá độ lên tới gần CNXH nhất; Thứ hai là những nước “đang chuyển đổi” từ “CNXH” kiểu cũ (đã thất bại), nay đi sang một mô hình “chuyển đổi”, tuy đã có nhiều bước tiến lớn thông qua Đổi mới và Cải cách, nhưng nhóm nước này vẫn chỉ nên tự coi là đang xếp hàng thứ hai, chậm hơn, vì phải đi đường vòng. Thứ ba là nhóm nước đang phát triển còn lại đang dõi theo những người đi trước. Cuối cùng là nhóm các nước chậm phát triển: họ còn khá khó khăn, chật vật với sự tồn tại tối thiểu, nhưng họ đã đủ nhận thức và thực tiễn để hướng về một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi trình bầy những lập luận trên là để mong muốn có một bước ngoặt về tư duy chiến lược hợp quy luật và thực tiễn sau đây: Hãy gạt bỏ những tư duy khác biệt giữa TBCN phát triển và XHCN hiện thực máy móc theo ranh giới quốc gia. Dù thừa nhận hay không, những lực lượng tiến bộ nhất trên hành tinh, dù đang nằm ở các nước tư bản phát triển, hay tại các nước đang “chuyển đổi” và nhiều nước khác, đều đang hành động nhằm đẩy mạnh quá trình tiến hoá của Loài người về hướng CNXH. Nhân dân và những người lãnh đạo tiến bộ tại các nước tư bản phát triển – những người tuy không muốn thừa nhận, hay không nói ra, nhưng trên thực tế – theo quy luật tiến hoá – dù muốn thừa nhận hay không, họ đang hoạt động để đưa đất nước họ tiến gần tới CNXH, gần mục tiêu chung tốt đẹp của Loài người hơn chúng ta. Do đó ta không nên có thái độ “miệt thị ý thức hệ”, “cảnh giác cách mạng”, thành kiến theo thói quen máy móc, “kiêu ngạo cộng sản” thiếu căn cứ như lâu nay ta vẫn gọi tất cả họ là “bọn tư bản “ (mặc dầu không có chứng cớ xác đáng để miệt thị về sức mạnh kinh tế, văn minh xã hội và nền Dân chủ của họ). Hãy từ bỏ ranh giới cổ điển máy móc, tạo ra sự lẫn lộn giữa cái tốt đã và đang nẩy mầm và cái xấu vẫn đang tồn tại trong cả “2 phe” Tư bản và XHCN hiện thực: Cái tốt trong “phe TB” bị thành kiến, không được thừa nhận, vận dụng và phát huy đầy đủ vào “phe” XHCN; cái xấu trong “phe XHCN” lại lợi dụng danh nghĩa XHCN, lợi dụng lòng tin thiếu cơ sở khoa học (lý thuyết) để trục lợi gây tiêu cực, thiệt hại xã hội và làm hoang mang không chỉ đối với nhân dân các nước XHCN cũ, mà còn làm hoen ố cái tên XHCN tốt đẹp trước con mắt nhân dân bên TBCN. Kẻ thù chung hiện nay của cả 2 “phe” chính là sự lạc hậu, sự lẫn lộn, sự nghi kỵ lẫn nhau, là nạn “ăn tàn tiêu phá”, là tàn dư đế quốc, thực dân, phong kiến, là tư tưởng hiếu chiến, là chủ nghĩa bá quyền nước lớn, hay nạn phá hoại môi trường ở mọi nơi. Không nên chỉ trông chờ, nể trọng, thân thiện hơn chỉ với nhân dân các nước đang chuyển đổi (cho là vì cùng “ý thức hệ”!), và với các nước đang phát triển khác – những người còn đứng ở phía sau so với mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh – để học tập, hợp tác và để trông chờ họ góp trí và lực cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu và CNXH của toàn Nhân loại. Hơn thế, còn cần lưu ý: nếu nước nào tuy đang “chuyển đổi”, nhưng còn chưa có NNPQ và nền dân chủ hoàn thiện, mà vẫn còn nặng di sản phong kiến bá quyền, theo CN dân tộc hẹp hòi, hoặc hành động biệt phái trái đạo lý Trời Đất, thì họ còn xa CNXH đích thực, và vì vậy tác dụng của họ còn bị hạn chế, thậm chí có thể , trong hành động, họ còn tai hại hơn cả các nước TB phát triển, nơi đã có NNPQ và nền Dân chủ tư sản hàng chục, hàng trăm năm nay! Bây giờ là lúc chủ nghiã dân tộc, cạnh tranh tiến bộ xã hội, và khoa học công nghệ ở quy mô quốc gia và cạnh tranh tầm toàn cầu đang lấn át hoàn toàn đấu tranh giai cấp trong từng nước. Và về thực chất cũng không còn đấu tranh (hoặc phối hợp) ý thức hệ giữa các nước, mà là đấu tranh (hoặc phối hợp) cho quyền lợi dân tộc, cho nền văn minh toàn cầu. Nói quan hệ “ý thức hệ” kiểu cổ đôi khi chỉ là cái cớ để thực hiện những mục đích không trong sáng ở một vài nơi. Chúng ta nên tỉnh táo và nhìn thẳng vào sự thật này để tiếp thu, hoà vào các mặt tích cực, chống lại những mặt tiêu cực của thế giới, không để nhầm lẫn “ý thức hệ” kiểu cổ làm cản trở con đường tiến lên của Dân tộc, để có cương lĩnh sửa đổi cho thật phù hợp với Thời đại.

5- Cùng nhận chân và tham gia ngăn chặn có hiệu quả hai kẻ thù chung lớn, nguy hiểm nhất hiện nay của cả Loài người – và vì vậy, có thể đó cũng là nhiệm vụ số một của cách mạng XHCN ở Việt Nam và trên toàn thế giới:

Kẻ thù lớn thứ nhất là lòng tham quyền lực: Quyền lực Cá nhân, quyền lực Nhóm, và quyền lực Quốc gia. Quyền lực tập trung mù quáng sẽ bóp chết Dân chủ và dẫn đến tàn phá xã hội. Shakespeare đã viết: “Quyền lực thành ý chí, thành lòng tham không đáy/ Chính đấy là “con sói“ của Vũ trụ/ Tất yếu nó phải biến cả Vũ trụ thành con mồi/ Sau cùng thì nó… ăn thịt chính nó!“ Xem ra, nếu chỉ nhìn mặt trái của cả Hành tinh, ở hoàn cảnh phức tạp hiện nay của Thế giới, thì điều mà Shakespeare đã viết từ thế kỷ 19 ngày càng đúng. Chỉ nói ở tầm cỡ thế giới, ta đã thấy: Từ Đế chế La Mã, Tần Thuỷ Hoàng, Napoleon, vòng qua Đức quốc xã, Phát xít Ý – Nhật, sang Đế quốc Mỹ của Đảng Cộng hoà thế kỷ XX, các cá nhân độc đoán lừng danh cũng có thể kể đến Ông Stalin, Ông Mao và không ít người… và dè chừng sắp tới sẽ còn là Ai đây?

Kẻ thù lớn thứ hai của Loài người là lòng tham hưởng thụ vật chất vô độ. Kẻ thù này hợp sức với kẻ thù lớn thứ nhất đã làm tàn tạ Bà mẹ Trái đất, và còn đang hò nhau “hạ gục” Bà, rồi sau đó có lẽ, nếu không có những giải pháp toàn cầu khắc phục kịp thời, Loài người… cũng sẽ tự sát tập thể luôn. Hiện nay Thiên nhiên đã bắt đầu “trả thù” Loài người vì những lòng tham không đáy và mù quáng của nó. Điều này, những đầu óc minh mẫn sáng suốt trong Câu lạc bộ Rôma đã cảnh báo từ lâu.

Nhìn tổng quát: Trong mọi giai cấp, mọi lớp người, mọi quốc gia, chỗ nào cũng có người tốt, kẻ xấu, người nhân đức, kẻ bất lương. Chỉ có vận dụng những cơ chế, công cụ quản lý đúng đắn, có hiệu lực và hiệu quả mà Loài người đã gọt rũa hàng trăm năm và chọn lựa công phu mới đủ sức hướng mọi con người, mọi quốc gia, dù là loại nào, buộc phải sống hợp lý, công bằng, có nhân đức, bình đẳng, có trí tuệ và có văn hoá với nhau. Nói như vậy để thấy “kẻ thù giai cấp” bây giờ chỉ là một khuyết tật không lớn và không đáng sợ đến mức ta chỉ “nhăm nhăm” dồn hết tâm sức, trí tuệ, chia trận địa rạch ròi ra để tiêu diệt nó! Chúng ta hãy trước hết phải đại đoàn kết Dân tộc, giữ vững định hướng XHCN đích thực, liên kết hợp lực cùng toàn thể các lực lượng tiến bộ trên Thế giới, không phân biệt biên giới quốc gia, “ý thức hệ” cổ điển, để cùng chống lại hai kẻ thù chung to lớn và nguy hiểm thực sự nói trên của toàn thể Loài người, dù nó tồn tại ở chỗ nào, nước nào.

Hy vọng tại Đại hội Đảng lần này, như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt TƯ phát biểu rất đúng tại lễ kỷ niệm 2 – 9 vừa qua: Việt nam cần phải đổi mới toàn diện; trước hết phải củng cố xây dựng và đổi mới Đảng, những người Cộng sản VN sẽ cùng làm sáng tỏ những chân lý của thời đại mới, đưa ra những quyết sách thật sự sáng suốt để dẫn đường cho Dân tộc Việt Nam nhanh chóng vững bước tiến lên. Nếu Đảng ta thực sự quyết tâm đổi mới toàn diện, nhân dân ta bỏ qua và tha thứ cho mọi sai trái vô ý thức trong Đảng và trong xã hội trước đây, một lòng đoàn kết chung quanh Ban CH Trung ương, phấn đấu hết sức mình thực hiện tư tưởng, đường lối, đạo đức, Di chúc HCM, thì “không khó khăn nào chúng ta không vượt qua, không kẻ thù nào chúng ta không đánh thắng”. Xin Đảng ta, trong đó có anh, tôi và chúng ta, hãy quyết tâm dũng cảm tự vượt qua được chính mình, không chỉ vì riêng bản thân và gia đình mình hiện nay, để Đảng nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo Đất nước trong thời điểm lịch sử này nhằm tiến nhanh tới đích XHCN hơn nữa. Hy vọng Đại hội XI chính là phần tiếp nối Đại hội VI về phương diện chính trị của Đảng ta.

Đó là những nhận thức mới của tôi, và của không ít bạn bè, tôi xin viết ra một phần, có thể còn những chỗ chưa thật chuẩn xác, xin thứ lỗi trước, và xin được chỉ dẫn. Xin chân trọng trình bầy với Bộ Chính trị và các Đ/C có trách nhiệm khác của TW.

Một thường dân, một đảng viên CS.

Trần Nhơn

2 Phản hồi cho “Tài liệu đặc biệt, góp phần chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI”

  1. DÂN OAN says:

    Coi bộ nhắm tổ chức các lực luợng công nhân nhằm lật đổ các nuớc công nghiệp hoá châu âu không xuể , Lenin chiả mũi dùi vào các nuớc thuộc điạ để chân nguồn tiếp tế tài nguyên, gây lụn bại và cô lập các các nuớc tư bản .Do đó, mới có chuyện cách mạng toàn cầu cùng lúc , có đệ tứ quốc tế cuả Trosky, có chiến dịch phát động lập các đãng công sản tại Âu châu , lập đại học Công nhân tại Moscou , tuyển mộ nguời dân nô lệ vào đó đào tạo nhất là dân Á châu trong đó có ông Hồ Chí Minh.
    Không phải Lenin lập trường Đại học Công nhân để giúp cho ông Hồ Chí Minh lật đổ thực dân, giãi phóng nô lệ ,giành lại độc lập cho đầt nuớc mình điều mà ông Hồ cũng không còn hấp dẫn nưã khi chỉ trích cụ Phan Chu Trinh , chê đám Ngủ Long. Nếu ông hồ còn một chút it liên hệ nào với đám này thì chĩ là thủ đoạn sau khi học các thủ đoạn tại Moscou. Nhìn thủ đoạn cuả ông Hồ học từ Mikhail Borodin để loại cụ Phan Bội Châu , Hồ Học Lãm chiếm cã các đãng sau này thì đủ thấy những chuỡng siêu đẵng do ông Hồ tung ra thì không một thủ lãnh chính trị tài ba nào lúc đó có thể ngờ tới. Chỗ này thì xin đọc cuốn Ho Chi Minh cuả bà Dana Ohlmeyer Lloyd , trang 44-45 thì rõ.

    Cầm một cuốn sách về cách mạng toàn cầu cuả Lenin và hoc đòi như Lenin để mở miệng “Không có quốc gia, chẵng có biên giới ” rồi hô hào “Công nhân thế giới đoàn kết lại !” mà lại bảo đi giành lại độc lập cho đầt nuớc mình là điều nực cuời thì ai cũng thấy ! Hoặc là kém cỏi hoặc là thủ đoạn ( có lẽ đúng hơn , như Sử gia W Duiker đã nhận xét :”Ông Hồ chĩ là tay thủ đoạn thế thôi “( “Ho is just a tactician and no more” HCM: A life W. Duiker)

    Lòng tham vọng, sức quyến rũ lãnh tụ quốc tế, sự yếu kém cuả một trình độ đầy đủ kiến thức hàm lâm để nghiên cưú một học thuyết lẫn lộn nhiều lĩnh vực từ triết , kinh tế, nhân văn,lịch sử, thống kê,dân tộc… Đó là nguyên nhân dẫn tới những chết chóc, khổ đau nghiệt ngã cùng những bất hạnh to lớn cho cã gần một trăm triệu con nguời Việt đang hứng chịu ngày nay.

  2. test says:

    Tài liệu này được phát tán khá rộng rãi trong nước từ lâu rồi. DCV đăng lại có lẽ để độc giả hải ngoại xem cho biết thôi.
    Toà soạn có lời “mào đâu” giải thích việc cắt bớt những phần rườm rà, Việc làm này là rất đúng, để khỏi mất thời giờ bạn đọc. Ông Trần Nhơn cũng rất biết điều này, nhưng chính ông lại không dám tự cắt bỏ. Bởi vì đó là phần đảm bảo an toàn cho ông,
    Toà Soạn DCV nên giải thích như vậy thì có lợi hơn. Độc giả quốc nội sẽ thấy Toà Soạn hiểu đúng vấn đề.

Phản hồi