WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lời nguyền của gã tình si

1.

- Tốp! Ngừng xe… Ngừng xe lại!

Đàm kêu chưa dứt, đã nghe tiếng phanh siết kèn kẹt, nhức óc. Chiếc xích lô dừng ngay đầu cầu. Đàm đưa tay vuốt khuôn mặt đỏ dừ, mồ hôi nhớp nháp. Anh nhìn trời, nhìn con sông Cái nước đục ngầu, bước xuống xe:

- Bác tính giết tôi hay sao, mà định đạp qua cây cầu mắc dịch, mắc toi này?

- Cậu cứ nói thế. Chứ tôi đã hãm thắng ngay đầu cầu, trước khi cậu bảo cơ mà. – Bác phu xa già, miệng móm mém, cười hiền từ trả lời khách. Ông chỉ về phía đầu cầu:

- Cậu hổng biết thì thôi. Tôi đạp xe mười mấy năm, quanh mấy cái xã này hàng ngày. Cái gì tôi hổng biết, hổng rành sáu câu. Cậu có thấy tấm bảng kia chưa? Đó. Cậu đọc thử coi. Cậu có cho tôi thêm tiền, mụ nội tôi cũng hổng dám đạp qua cây cầu nữa à nghen.

Đàm nhìn theo cánh tay nhăn nheo ông lão. Anh đưa tay che nắng, thấy tấm gỗ cũ mốc thít, loang lổ, gãy một góc, treo ngay đầu cầu.

‘Cầu cũ. Nguy hiểm. Dễ sập. Cấm lái xe!’

- Làm gì mà viết rườm rà thế! Tôi mà làm chính quyền, tôi viết câu: ‘Cầu sắp sập!’ Hoặc, ‘Sắp Sập!’ Mụ nội thằng nào dám lái xe qua cầu!

Ông già lại cười móm mém không trả lời, nhấc hai cái va-li của Đàm bỏ xuống mé đầu cầu:

- Cậu cho năm ngàn.

Đàm móc bóp, lấy tờ giấy năm đô trao:

- Tặng bác hết đó. Tôi hết tiền Hồ rồi. Bác để dành uống rượu.

Mắt ông già sáng lên, đưa tay run run nhận tờ giấy bạc mà có lẽ suốt đời ông chưa thấy ở cái thôn hẻo lánh này. Ông cảm ơn thân thiết:

- Cậu ở Mỹ về à?

- Dạ không. Cháu ở Canada về. – Đàm vui vẻ trả lời, nhìn ông già, trịnh trọng cất tờ giấy bạc, sau khi cài cây kim gút ngang túi.

- Cậu bước cho khéo. Coi chừng mấy tấm ván xập xình, sắp gãy mục hết trơn trọi rồi đó.

Tiếng ông già vang vang, làm Đàm giật mình. Anh nhìn cây cầu. Cách đây mười lăm năm, thuở ấy anh thấy nó lớn và hùng vĩ lắm. Thời còn bé, lại ở nhà quê, đối với Đàm cái gì cũng to, cũng lớn. Nay trở về quê cũ, Đàm thấy cái gì cũng mỏng manh, cũng thu gọn lại. Thời trước cây cầu này, Đàm nhớ xe ngựa, xe bò, xe lam ba bánh chất đầy người chạy qua lại. Nay đi xa về nhìn lại cây cầu, Đàm thấy ngay cả chiếc xích lô coi bộ bề ngang không thua gì cây cầu. Đàm chợt rùng mình:

- Cây cầu nhỏ quá bác nhỉ?

- Thế nào gọi là nhỏ? Cậu sống xứ văn minh, rồi về thấy cái gì cũng nhỏ, cũng lạ hết. Đó là điều tự nhiên. Vài tháng nữa chính phủ sẽ sửa cầu. Chừng đó, xe qua lại tấp nập như trước. – Ông lão đẩy xe lên con dốc nhỏ, chào Đàm.

Đàm trả tiền thuế qua cầu, bằng một đô la. Anh nhìn bâng quơ, như tìm kiếm khung cảnh ngày nào xa xưa. Đàm nhìn cây cầu lần nữa, thấy nó mong manh quá. Mấy đứa nhỏ quần đùi trùng trục, da mốc thếch đen đủi, ốm tong teo như cây sậy. Một thằng bé khoảng mười sáu, mười bảy tuổi đen như cột nhà cháy, đứng trên thành cầu, chờ cô gái quẫy gánh hàng đi ngang nhảy ùm xuống. Khi gần chạm mặt nước, nó ôm hai tay quanh gối. Một cột nước bay thẳng lên cao, rớt xuống thành cầu, đổ xối xả trên người cô gái. Cô gái chu mỏ chửi đỏng đảnh, nhưng đôi mắt lại cười tình tứ, khuyến khích. Bọn trẻ vỗ tay la hét vang trời.

Đàm đứng nhìn.

Anh mỉm cười vu vơ. Ký ức chợt ùn ùn trở về nơi anh tưởng không bao giờ nhớ. Đàm còn nhớ trong thời chiến tranh, anh thường ra cầu tắm. Cũng như những đứa trẻ bây giờ. Đứng trên cầu, Đàm cùng mấy đứa bạn đua nhau nhảy ‘bông nhông’ mỗi khi bọn con gái đạp xe ngang qua để khoe tài. Hoặc vào những mùa bắp trổ trái, Đàm thường rũ bạn bơi qua cồn đất nhô lên giữa sông, bẻ trộm bắp mang về chia nhau nướng ăn. Thỉnh thoảng, bọn con nít như Đàm, đứng giữa cầu chặn những chiếc xe “díp” nhà binh của Đại hàn, để xin những thỏi kẹo sô-cô-la. Có khi, Đàm cùng chúng bạn được những vốc kẹo no tròn trong đôi tay khum khum bụm lại, cười rối rít. Và cũng đôi lúc, Đàm và đám bạn bị những lằn roi do ông sĩ quan Đại hàn quất mấy phát xô nhau chạy tứ tán, về tội nghênh ngang trên cầu làm nghẽn tắc lưu thông.

***

- Anh Sáu. Em đi đá gà… – Thằng Đạt, đứa em trai út, đứng sau lưng Đàm tự nãy giờ, ngập ngừng.

Đàm xoay người nhìn em. Thằng Đạt tay ôm con gà chọi, tránh nhìn anh. Đàm nhăn mặt:

- Lại đá gà! Có lẽ mày suốt đời đá gà, sao Đạt? Mày có biết hôm nay Ba mươi Tết rồi hông?

- Em có cái hẹn trước. Tụi bạn đang chờ. – Thằng Đạt chì chiết.

- Tao bảo không là không! Đem gà đi nhốt. Muốn bao nhiêu tiền tao cho. Ra đây giúp tao chà mấy cái lư đồng cho xong.

Thằng Đạt vội bước trở vào nhà nhốt con gà chọi.

- Anh Sáu nè… – Thằng Đạt chà cái lư đồng, e dè hỏi anh.

- Gì đó Đạt?

- Bên ấy, anh làm nghề gì vậy, anh Sáu?

- Tao bán nhà giùm người ta.

- Ở bển ai về, cũng kỹ sư với bác sĩ hết. Anh sao tệ vậy!? – Thằng Đạt bắt đầu thân thiện.

- Kỹ sư với bác sĩ thì cũng nhiều. Đại khái có hai, ba loại! Thứ nhứt: Kỹ sư rửa chén đĩa nhà hàng và bác sĩ rửa đít ở nhà thương điên! Thứ hai là thứ thiệt, khỏi bàn.

- Sao lạ vậy anh? Kỹ sư, bác sĩ cũng có loại giả, loại thiệt nữa à? Em biết, bên phố có mấy ông kỹ sư ở Mỹ, tha hồ tiền, mỗi năm về hai-ba bận thăm gia đình.

- Đó là kỹ sư thuộc loại thứ ba! Kỹ sư thất nghiệp và ăn trợ cấp chính phủ, không có việc làm nên rảnh rỗi thời giờ du lịch Việt Nam!

Thằng Đạt tròn mắt nhìn anh. Thoáng cái nó vỡ lẽ. Hai anh em cùng cười…

- Anh Sáu nè… Anh còn nhớ chị Thục?

- Cứ “nè” hoài, chán quá! Thục! Thục nào?

- Chị Thục học cùng lớp với anh trước kia. Sao anh mau quên thế? Em biết, có một thời anh chị yêu nhau.

Một kỷ niệm thật xa xôi, buồn não chợt trở về nơi Đàm. Anh ngạc nhiên, hấp tấp.

- Có phải Ngữ An?

- Đúng, chị Ngữ An. Thục là tên ở nhà của chị. Em mới gặp chị hôm qua.

- Đâu có thể được! Ngữ An đã chết lâu lắm rồi mà Đạt? Ngữ An đã chết, từ ngày anh đi vượt biên kìa.

- Anh nói sao? Chị Ngữ An đã chết? Chết hồi nào? – Đạt ngạc nhiên, lắp bắp.

- Ngữ An chưa chết!? Thật không Đạt? – Đàm nóng nảy đứng bật dậy, ôm vai em lắc lắc.

- Chị Ngữ An chết? Chị ấy vẫn sống ở đây từ ngày anh đi. Ai bảo anh, chị Ngữ An chết? Anh không thường nhận thư của chị Ngữ An? Hôm qua, sau độ gà, tụi em qua phố đớp một chầu phở, giữa đường gặp chị ấy đạp xe đi chợ. Em ngoắc chị lại, bảo anh mới về. Chị khóc. Chị nhắn, anh lên nhà chị ấy chơi. Chị ấy lấy anh Đạm hơn mười năm nay rồi, anh biết?

- Đạm lấy Ngữ An? Sao thế được! Ngữ An có bao giờ yêu Đạm? Mà sao kỳ cục thế! Thằng Đạm, nó viết thư nói là Ngữ An đã chết trên đường vượt biển. – Đàm thảng thốt. – Ngữ An lấy thằng Đạm? Nó bây giờ làm gì? – Đàm lập lại, như không tin đôi tai mình.

- Ảnh bây giờ làm lớn lắm. Phó phòng công an tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn Google

Đàm thẫn thờ ngồi xuống, ôm cái lư đồng vừa đánh bóng. Đàm nhớ, mười bảy năm về trước, ngày khai giảng một năm, sau 1975, lớp học của Đàm nhận thêm mấy học sinh từ tỉnh khác về; trong đó có Ngữ An. Ngữ An học sinh Sài Gòn. Đôi mắt Ngữ An to và đẹp. Tóc nàng chảy dài thanh thoát, mềm mại quá thắt lưng, eo co tròn duyên dáng trong chiếc áo dài trắng mỏng thời thượng của Sài Gòn năm nào. Và, giọng nói nhỏ nhẹ của nàng, đã quyến rũ bọn nam sinh trong trường, nhất là ở lớp Đàm, trong đó có Đạm, một thằng bạn thân, hai đứa không bao giờ rời xa ngay cả những ngày nghỉ học. Đạm cũng từng tuyên bố, như một lời thề khi yêu thầm Ngữ An.

Cũng như bao gã học sinh khác trong lớp, Đàm thầm yêu trộm nhớ Ngữ An. Anh chỉ cười, khi nghe Đạm tuyên bố!

Đạm Tuyên bố…

Đàm cho rằng, Đạm chỉ tuyên bố vu vơ, lấy le bạn bè cùng lớp. Đàm cũng nhủ rằng, sẽ bằng mọi cách lấy Ngữ An làm vợ. Đàm âm thầm theo dõi lo lắng Ngữ An, những khi họp tổ hoặc những ngày lao động trên kinh tế mới. Đàm mặc cảm mình nghèo và thua xa Đạm về mọi mặt, ngoài cái tính siêng năng và học giỏi. Đàm cũng biết, Ngữ An biết Đạm mê nàng, nhưng nàng thường làm ngơ những săn sóc ân cần của Đạm. Nàng thích Đàm, vì tính trầm lặng, hay giúp đỡ không kèo nài sự trả ơn của bạn. Một ngày cuối tuần đi lao động, Ngữ An thấy Đàm cô đơn, ngồi ăn trên một phiến đá cuối cánh rừng, mặt buồn hiu. Nhìn Đàm, Ngữ An nhận ra nơi người bạn quen không lâu này, đầy sự mặc cảm thua thiệt bạn bè trong những sinh hoạt ngoài trời và những ngày đi lao động xa. Ngữ An để ý và cũng yêu thầm Đàm từ đó.

Một năm học lại qua. Đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Đạm biết, nhưng cắn răng chịu đựng, không hề thống trách Đàm đã giật người yêu trong mộng. Đạm im lặng và ít nói hơn khi gặp Ngữ An đi cùng Đàm, trên những cánh rừng kinh tế mới. Cuối năm ấy, cha Đàm mất. Vài tháng sau, Đạm rủ Đàm đăng vào bộ đội. Đàm đi bộ đội, vì muốn thoát khỏi gia đình ngày một sa sút. Trước một ngày lên đường, để trình diện tại quân trường Dục Mỹ, Đàm và Đạm mới báo tin cho Ngữ An hay. Đêm ấy, Ngữ An khóc trên vai Đàm sau một buổi tiệc nhỏ, do Đạm chiêu đãi bạn bè thân nhất trong lớp. Lúc tiễn đưa Ngữ An ra về, ngang qua vườn cây nhà Đạm, Đàm quấn quýt ôm hôn Ngữ An. Đêm ấy, Ngữ An thành người đàn bà, ngay bụi chuối trong vườn. Đàm hứa, sẽ trở về cưới Ngữ An khi công thành danh toại, có cuộc sống tự lập vững vàng.

Và Đàm đi luôn, đi mãi không về!

Mãi mười lăm năm sau, Đàm hiện về lù lù không một báo trước. Ngay cả Đạm, dường như Đàm cũng quên. Chỉ có Ngữ An, hình bóng ấy mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong trí Đàm.

2.

Đạm ngồi, lưng tựa ghế hút thuốc, trầm tư. Thi thoảng, Đạm ngước nhìn, tránh ánh mắt Đàm, nói vài câu góp lời. Đạm lơ mơ nghe bạn nói, nhìn trần nhà suy nghĩ mông lung.

Sáng nay, lúc chín giờ, khi Đạm còn ngủ mê mệt qua một đêm nhậu nhẹt cùng mấy gã trưởng phòng dưới phố, thì Đàm đến nhà anh, do thằng Đạt chở tới trên chiếc xe Dream. Đạm thức giấc khi nghe tiếng máy xe rú lên ngoài vườn. Anh thản nhiên chữi đổng mấy câu bâng quơ, lấy khăn đi rửa mặt. Khi nhìn ra vườn cây, Đạm thấy Ngữ An đang đứng nói chuyện với một gã đàn ông sang trọng, Đạm lơ mơ, như đã lâu lắm không gặp người đàn ông này. Đạm đứng yên nhìn vợ, thấy Ngữ An khi nói khi cười, thỉnh thoảng đưa chéo áo lau mắt. Chuyện gì đã làm cho Ngữ An khóc? Nhân vật nào thế? Đạm nhìn kỹ gã đàn ông lần nữa, anh chợt hoảng hốt nhận ra Đàm. Tin Đàm trở về sau mười lăm năm cả cái phố nhỏ này ai ai cũng biết. Đạm cố lánh mặt vì hoang mang.

Đạm còn nhớ, anh quen Đàm trong một mùa thi tiểu học. Suốt mấy ngày thi, Đạm luôn ngồi gần Đàm, vì hai đứa cùng chung họ và chữ lót. Rồi tình cờ hai đứa ngồi chung một lớp, một bàn. Ở đâu có Đàm, ở đó có Đạm. Dù nhà Đạm, ở xa cách nhà Đàm gần tám cây số. Đạm giúp Đàm, những thiếu thốn vật chất. Đàm giúp Đạm, những con toán khó trong những kỳ thi tam cá nguyệt suốt bậc trung học, bằng những tờ giấy nhỏ cuộn tròn. Hai đứa khắng khít bên nhau. Rồi Đạm thất tình Ngữ An, rủ Đàm đăng vào bộ đội. Trong lính cũng thế. Như định mệnh đã an bài, hai đứa lại ở chung một tiểu tổ tam tam, trong tiểu đội, của một đại đội trên chiến trường Cao Miên. Đạm còn nhớ, có một hôm, đụng trận với tụi Khờ-me đỏ, pháo địch rót xuống gần bên Đạm, làm anh cơ hồ kích ngất. Trong cơn mơ chập chùng giữa chiến trận, Đạm biết Đàm đang ôm mình khóc rấm rức. Đàm vừa khóc, chửi và siết cò cây trung liên R.P.D, bắn vung vãi trước mặt. Đôi lúc, Đàm nhận những cánh thư từ Ngữ An gửi sang. Đàm đưa Đạm cùng đọc. Trong một lá thư cuối của Ngữ An gữi, tình cờ lại đến tay Đạm (Đàm và Đạm vẫn thường nhận thư lầm lộn như thế). Đạm lén lút mở thư bạn ra đọc, có đoạn Ngữ An nói vu vơ sẽ tìm đường ra đi và hy vọng Đàm cũng vượt tuyến, để cả hai gặp mặt sau này. Đạm dấu lá thơ ấy, lo sợ mất Ngữ An! Ý tưởng ganh ghét, ghen tương bắt đầu ló nơi Đạm từ đó. Đạm manh nha sắp xếp cuộc vượt tuyến cho bạn, như anh đã từng hy sinh đời học trò của mình. Ngày vượt tuyến, khi sắp qua đất Thái, Đạm cố tình làm hỗn loạn tinh thần đồng đội, gần nửa tiểu đội chạy tứ tán qua bên đất Thái. Đạm trở về, báo cáo cấp chỉ huy, rằng, Đàm bỏ ngũ vượt tuyến. Tháng sau, Đạm cũng bỏ ngũ trốn về quê nhà. Nhờ có họ hàng là những người đi tập kết ngoài Bắc, Đạm đút lót xin vào công an…

Đạm vội vã bước nhanh ra vườn không kịp rửa mặt, ôm Đàm chì chiết, như thể, bạn mới đi đâu vài tuần về, hầu ngăn giây phút cảm xúc nhất thời của Ngữ An. Đạm thân thiết kéo tay Đàm vào nhà, bảo vợ đạp xe ra quán, mua vài món nhậu cùng vài thứ rượu bia.

- Sao mày không nói gì cả? – Đàm hỏi Đạm. Đạm giật mình ngỡ bạn đã đọc những ý nghĩ trong đầu mình. Anh nói lảng ra:

- Nhìn mày ăn, tao thấy thèm! Muốn ăn thêm, nhưng không nổi.

- Sao vậy? – Đàm vẫn vô tình. – Tao thấy mày ăn mới hai lưng chén. Ăn thêm đi chứ. Ngữ An khéo tay ghê, Đạm nhỉ. Mày thật may mắn hơn tao! – Đàm thấy nhói đau, khi nhắc tới người anh yêu một thời.

- Tao ăn như thế quen rồi. Từ ngày tụi mình đi bộ đội. Mày còn nhớ, khoảng năm 79, năm đó đói kém kinh khủng, bộ đội tụi mình phải ăn rau, ăn đọt mì, đọt lang thế cơm cả mấy tháng ròng rã? Thành thử, cái bao tử bây giờ nó chứa chừng đó đồ ăn. Ăn thêm vào thấy tưng tức. Mày cứ ăn, nếu thích. Chắc bên đó, mày ăn uống như thế, quen rồi? – Đạm nhìn Đàm ăn, thòm thèm. Đàm mập mạnh, trắng trẻo, to gấp đôi anh. Hồi trước, Đàm cao hơn Đạm nửa cái đầu và ốm tong teo như Đạm bây giờ.

- Ngữ An vẫn thế. Vẫn không thay đổi một mảy may. Có lẽ, chúng mày lấy nhau lâu chưa con? – Đàm vô tình, vừa ăn vừa nói, đâm vào nỗi buồn không con của bạn.

Đạm lặng im. Anh sử dụng thuốc ký ninh quá nhiều, vì những cơn sốt rét thời còn đi bộ đội. Đến nay, thỉnh thoảng anh vẫn dùng khi những cơn sốt rét tái phát. Có thể, vì thế mà cho mãi đến hôm nay, anh và Ngữ An chưa thể có con. Đạm hỏi bạn:

- Mày về chơi, bao giờ lại đi?

- Tao cũng chưa biết bao giờ lại đi. Tao về để xem tình hình ra sao, nhắm làm ăn được sẽ ở lại. Bây giờ, có vẻ khả quan hơn mấy năm về trước. Mày cũng biết, con người rồi cũng phải trở về nguồn, phải không? Tuy nhiên, xã hội này đối với tao dường như luôn luôn là sự bất an. Vì thế, tao chưa quyết định sẽ ở lại làm ăn hoặc trở về bên ấy, chờ thêm một thời gian. Là bạn bè đã một thời thân nhau, tao nói thật, mày làm công an mày cũng biết. Xã hội này cần phải có những thay đổi ở một vài điểm nào đó. Chẳng hạn…

Đạm mỉm cười, đốt thuốc, quơ tay cắt ngang lời Đàm:

- Mày bây giờ lý tưởng nhỉ! Bao giờ thế? Tao nghĩ những thằng con buôn, sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến điều hệ trọng. Tụi mày chỉ biết đồng đô la xanh!

- Tùy mày nghĩ thế nào cũng được. Ừ, cho rằng đúng đi! Tao chẳng lý tưởng con mẹ gì cả. Với tao, chỉ là đồng đô la xanh. Và với tao, cần một sự an toàn cá nhân khi muốn làm ăn ở chính quê hương mình. Vì thế, phải cần có thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào, ra sao, tao bất cần biết điều này! Điều, tao muốn biết rõ ở những người như tụi mày – những người trẻ nắm quyền trong một cơ cấu mang tính mắt xích này – có chịu thay đổi không? Tụi thanh niên trẻ như tụi mày, mới được địa vị và quyền bính chắc có nghĩ đến điều này?

- Mày nói đúng! Tao cũng mơ quyền bính như mày mơ đồng đô la xanh! Có khi nào mày nghĩ rằng, đương khi tao là chủ một cái nhà rộng lớn, mày ở đâu tự dưng lù lù từ bên kia nửa vòng trái đất trở về, rồi bảo tao: Đi ra khỏi cái nhà tao đang ở! Rồi mày muốn thay đổi trong cái nhà tao đang ở! Hay nói đúng ra những người Việt hải ngoại muốn thay đổi. Mày nghĩ sẽ thay đổi? Cũng có thể… Nhưng này, lo làm ăn đi và đừng bao giờ mơ hồ những điều đã nói ra. Ở bên đó, người Việt hải ngoại chúng mày, chỉ nhắm vào những thành phần ngồi ở trên cao, mà chưa bao giờ nghĩ đến những phần tử trẻ, trưởng thành trong và sau cuộc chiến, đã bắt đầu có địa vị, dù địa vị chưa cao, họ đã nghĩ gì về một xã hội thực tại ở xã hội này.

- Mày khẳng định điều này? Có những điều không muốn cũng phải thực thi. Đồng đô la vạn tuế!

- Tao có cái hẹn! – Đạm vờ nhìn đồng hồ.

- Này Đạm. Nhân danh tình bạn hai chục năm, tao hỏi mày câu chót, mày nói thật nhé. Đến bây giờ, tao vẫn còn thắc mắc, hồi đó, khi tụi mình gần tới biên giới Thái Lan, tự dưng mày lại mất dạng tăm hơi? Khi qua tới Thái, tao có liên lạc mày mấy lần, nhưng chỉ có lá thư độc nhất và cuối cùng, mày báo tin Ngữ An đã chết trên đường vượt biển. Nhưng sau đó, mày lại không báo tin cho tao biết, mày lấy Ngữ An.

- Dĩ vãng là điều không cần thiết phải lập lại. Nhất là chuyện tình yêu trai gái. Chuyện đã qua mười mấy năm. Mày nhắc lại làm chi nữa? Hãy quên đi nấm mồ dĩ vãng! – Đạm đứng dậy thối thác, lập lại : – Tao có cái hẹn cùng mấy ông trưởng phòng, đi chúc Tết mấy ông lớn dưới tỉnh trưa nay. Mày thấy đó. Thời buổi nào cũng vẫn phải vậy. Xã hội này mãi mãi băng hoại, vì nó đã lậm từ trong máu những người mà bọn mình gọi là cha ông! Nói ra thì đau buồn và sẽ làm nhiều người nổi nóng hoặc bất mãn. Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Mày nên về lúc này tiện nhất, sẵn xe tao chở mày luôn. Đồng ý?

Đàm mỉm cười nhìn bạn thật lâu. Đạm thoáng đỏ mặt, với lấy nón đội lên đầu, tránh ánh mắt bạn. Đàm nói, nhìn thẳng vào mặt Đạm:

- Thời gian, địa vị và danh vọng đã hủy diệt những kỷ niệm thời thơ ấu mà đáng lẽ chúng ta nên trân trọng nó!

- Đúng! Tao đã thay đổi từ lâu. Với tao, tuổi thơ là những ngày tủi nhục nhất. Tương lai, có những điều mình không muốn làm, nhưng vẫn phải làm. Hãy nhớ điều đó!

3.

Ngữ An đứng soi gương. Nàng chải lại mái tóc mướt chảy dọc sống lưng. Mái tóc, một thời Đàm yêu. Ngữ An còn nhớ. Một lần đi lao động mấy ngày cuối tuần trên kinh tế mới, Đàm rủ Ngữ An lên suối dạo chơi. Sau những cái hôn bỡ ngỡ, Đàm bạo dạn rủ Ngữ An tắm suối, nàng thẹn thùng từ chối. Đàm năn nỉ Ngữ An, để anh chải suối tóc dùm nàng. Vừa chải, Đàm nói: ‘Đàm nguyện sẽ chải tóc cho Ngữ An suốt đời! Ngữ An thích thế không?’ Ngữ An mỉm cười hạnh phúc, ôm hôn Đàm.

Ngữ An buông lược, buồn bã nhìn xuống thân thể, đã một thời nằm trong tay Đàm, rên nho nhỏ, mắt man dại long lanh vờ khép. Bây giờ thân thể này lại trong tay Đạm. Chợt nhiên, Ngữ An đỏ mặt nhớ đến bụi chuối trong khu vườn nhà Đạm, giờ cũng là nhà nàng. Ngữ An nhớ, mãi mãi nàng vẫn nhớ. Đêm ấy, Đàm thở thật mạnh, thật hấp tấp nhưng cũng thật nhẹ nhàng, nâng niu đưa nàng vào cơn mơ tình ái, mà sau này với Đạm, nàng thấy không trân trọng như lần đầu, trao thân. Một lần duy nhất đó. Đàm mãi mãi mù khơi, đi vào bụi đất.

Chợt nhiên, Đàm trở về sau một thời gian dài, tưởng như nàng không còn nhớ đến tên Đàm nữa, dù thỉnh thoảng gặp thằng Đạt, làm nàng nhớ quay quắt, rồi vội quên ngay để sống bên Đạm. Đôi lúc, sau này, Ngữ An nghe phong phanh Đàm vẫn còn sống, ở một nơi nào đó bên kia quả đất. Ngữ An lại không tin rằng Đàm còn sống. Nếu Đàm còn sống, sao không một lá thư gửi nàng? Nàng nghĩ, Đàm đã chết. Chỉ có Đạm biết rõ, Đàm đã chết. Ngữ An tin Đạm! Đạm luôn luôn thành thật và yêu nàng tha thiết. Đàm từng cứu Đạm trên chiến trường Cao Miên, lẽ nào Đạm chỉ muốn Đàm chết? Mà, Đàm sống hay chết có còn liên quan gì đến nàng, khi Ngữ An đã lấy Đạm làm chồng? Và Đàm có sống đi chăng nữa, cũng đã ở xa tít mù khơi bên kia quả đất, biết đến khi nào về, trong khi mọi người còn ùn ùn ra đi.

Ngữ An chợt nhớ ánh mắt của chồng ngày nào. Ngày đó, Đạm trở về một đêm tối trời, áo quần rách bươm sau một tháng băng rừng, trốn tránh những công an biên phòng đóng dọc gần biên giới Tây Ninh. Đạm đến ngay nhà Ngữ An đêm ấy. Đạm không khóc, nhưng vờ buồn bã. Ngữ An linh tính như thế, khi Đạm kể câu chuyện mất tích của Đàm, dù rằng đêm ấy ngoài vườn không trăng.

Mỗi khi Đạm vui, Ngữ An có nhắc đến Đàm, nhưng Đạm hay đưa câu chuyện xa vấn đề. Đạm thường nói:

- Đàm đã chết rồi! Chúng mình đừng nhắc tới nó nữa. Hãy để nó yên nghỉ thảnh thơi. Nó khỏi tủi lòng, ở một nơi nào đó trên những cánh rừng Miên bát ngát.

Ngữ An tin! Nàng cũng muốn, Đàm hãy nằm yên mãi mãi trên đất Miên, cùng những người bạn trẻ chết oan ức, với những nấm mồ hoang liêu, có cỏ và những chùm hoa dại xơ xác trên những cánh rừng nắng cháy. Nàng tin rằng, Đàm cũng muốn thế! Hãy để Đàm chết trọn vẹn, dù đã mất tích cả thân xác trên cánh đồng Miên. Hãy quên Đàm đi! Hãy sống trong vòng tay bao bọc và thương yêu của chồng.

Nay Đàm lù lù trở về! Đàm không trở về từ bụi đất! Đàm không trở về từ những cánh rừng Miên, nay đã vãn hồi hòa bình!

Lá thư? Đúng rồi! Lá thư! Lá thư, Ngữ An viết cho Đàm về dự định cuộc vượt biển của nàng, cách đây mười lăm năm về trước. Đàm đã nhận? Đàm đi được, tại sao Đạm lại không? Có cái gì ngoắt ngéo trong câu chuyện của hai người bạn thân này.

Ngữ An buông lược, nhìn xa xăm qua khung cửa nhỏ. Trời thấp dần, bóng tối vừa chụp xuống tàn cây. Ngữ An nhìn đồng hồ. Nàng bồn chồn, lấy cái kẹp, kẹp lại suối tóc chảy dài. Không! Đàm không thích nàng kẹp tóc.

- Ngữ An, đừng bao giờ kẹp hoặc búi suối tóc chảy mượt nhé! Đàm chỉ thích Ngữ An để vậy, tự nhiên hơn, thanh thoát hơn, Ngữ An nhé.

- Không! Ngữ An sẽ không bao giờ kẹp tóc. Ngữ An sẽ giữ mái tóc này dài mãi. Đàm thích không? Ngữ An chỉ sẽ cắt ngắn, khi không còn yêu Đàm nữa. – Ngữ An tháo kẹp, chải lại mái tóc cho thẳng, nghĩ miên man.

Vì nàng! Vì có Ngữ An trên cỡi đời này.

Ngữ An chợt nhớ lời nguyền của Đạm năm nào, xa lắm khi còn ở bậc trung học.

Ngữ An chợt rùng mình…

Đạm đã làm trọn vẹn lời nguyền. Ôi! Lời nguyền của một gã tình si! Đạm không lấy được Ngữ An, Đạm phải xa xứ, sống tha hương.

Ngữ An đưa hai tay, ôm lấy đầu. Nàng khóc, rấm rức. Ngữ An biết, mãi mãi nàng vẫn yêu Đàm. Ngữ An không bao giờ yêu Đạm. Ngữ An biết, trong những lúc làm tình, bao giờ nàng cũng tưởng tượng Đạm là Đàm. Đàm là hiện thân của Đạm. Đạm chỉ là người tình hờ của nàng qua thân xác của Đàm trước kia.

Vậy sao Đàm lại về? Đàm bằng xương, bằng thịt hiện về lừng lững sáng nay. Vẫn khuôn mặt đó. Khuôn mặt lầm lì không một xúc cảm bộc thoát tình cảm cho người ngoài thấy, ngoài Ngữ An. Phải! Đôi mắt sáng nay của Đàm. Đôi mắt ngời sáng khi gặp nàng ngoài vườn. Đôi mắt của mười tám năm trước. Chỉ có Ngữ An đọc được đôi mắt ấy!? Đạm đã chẳng bảo nàng đi mua đồ nhậu, bia rượu rồi tiếp Đàm trong giây lát, vì Đạm đã đọc được ánh mắt của Đàm khi nhìn Ngữ An tha thiết, nhớ thương.

Đàm ơi! Muôn đời, Ngữ An vẫn yêu anh, dù anh hững hờ…

Khi Ngữ An bước ra vườn cây, ngay bụi chuối ngày trước nàng trao thân cho Đàm, một bóng đen vụt lướt tới ôm nàng, cuống quýt.

- Ngữ An! Đàm đây… – Đàm xuất hiện như lời hẹn.

- Đàm! Anh Đàm… -  Ngữ An bật khóc. Đàm vuốt mắt người yêu hôn, nâng niu. Đàm vuốt mái tóc thân thương, quen thuộc ngày nào.

- Ôi, Ngữ An vẫn còn nhớ Đàm, yêu Đàm? Ngữ An đã giữ lời thề trọn vẹn. Vẫn chừng ấy mái tóc dài vừa đủ này. Ôi. Ngữ An! Anh yêu em. Anh yêu em. Muôn đời Đàm yêu Ngữ An, dù anh lỡ hẹn.

- Đàm chưa chết! Đàm chưa chết thật mà! Đàm sáng nay. Đàm đêm nay! Ngữ An không nằm mơ chứ? Tại sao, Đạm bảo Đàm đã chết? Đã chết mất xác trong một trận đánh lớn ở Miên! Tại sao, Đàm đã không một cánh thơ gửi Ngữ An? Tại sao, Đàm ơi?

- Đạm nói dối! Đạm, nó, nói dối, Ngữ An biết không? – Đàm hấp tấp.

- Đàm đã biết? Đàm đã biết thủ đoạn của Đạm? Phải không? Khi nào?

- Đàm chỉ mới biết sáng nay. Ánh mắt Đạm, không còn là ánh mắt của Đạm mười mấy năm về trước. Ánh mắt ti tiện! Đạm không dám nhìn thẳng vào mắt Đàm, khi nói chuyện như xưa nữa. Đạm đã thay đổi hoàn toàn. Nó thay đổi, từ khi chúng mình bắt đầu yêu nhau. Ngày Đàm còn ở Thái Lan, chính nó đã viết thơ báo Đàm, rằng, Ngữ An đã chết trên đường vượt biển, xác trôi vào Qui Nhơn. Đàm đã không liên lạc Ngữ An, từ đó.

Ngữ An sững sờ, buông tay, nhìn Đàm:

- Đạm viết thư nói Ngữ An chết? Nó nói thế? Nó nói thế? Thằng khốn nạn! Nó là thằng chồng khốn nạn, ti tiện dối vợ. Chính Đạm cũng nói với Ngữ An, Đàm đã chết mất tích trên những cánh đồng Miên!

Ngữ An ôm xiết Đàm, nức nở. Cả hai ôm nhau, quấn quýt, thì thầm về dự phóng tương lai với bóng đêm đồng lõa. Cả hai ngừng nói, khi bàn tay Đàm mâm mê từng vuông thịt trên người Ngữ An. Nàng đáp lại, ôm Đàm chặt hơn. Ngữ An ngửi rõ hơi thở nóng bỏng, dồn dập và mùi thuốc lá của Đàm. Đàm dìu Ngữ An nằm xuống tấm mền mỏng trải sẵn, tay mơn trớn ve vuốt. Đàm lần tay cởi váy Ngữ An. Anh mơn trớn, tay ấp ủ vùng cỏ mềm, như quen thuộc từ lâu lắm. Ngữ An rên nho nhỏ, thủ thỉ những yêu thương mong nhớ bao ngày bên tai người yêu. Đàm đưa tay lần xuống chút nữa, chút nữa… từng phân vuông cỏ mềm…

Tiếng côn trùng rên quằn quại, hòa nhịp, như chích vào thân thể cả hai.

Ngữ An rùng mình, quằn quại quằn quại, thở, miên man miên man trên tay Đàm. Nàng thở mạnh, sống lưng chợt lạnh, da thịt mơn man nổi gai. Nàng cảm nhận, những sợi lông tơ trên thân thể dựng đứng và sung sướng tuyệt vời.

Đạm đưa tay lần xuống chút nữa, chút nữa… Anh cũng thở miên man miên man, nóng hổi nhiệt tình. Đàm khẽ cắn tai và môi người yêu.

Ngữ An định rút tay Đàm. Nàng đưa tay lần xuống, đụng tay Đàm nơi vùng cấm ấy.

Sự tuôn “lệ” của người đàn bà khi tột cùng sung sướng và thống khoái! Nó ẩm ướt và trơn trợt như một con lạch bị đóng kín, rong rêu phủ quanh năm, tháng, ngày… Chợt nhiên, Ngữ An thảng thốt rụt tay nhanh lại…

Với Đạm, Ngữ An luôn luôn là kẻ theo sau hành động làm tình của hắn. Với Đạm, Ngữ An chưa bao giờ nóng bỏng yêu thương như thế.

Đạm chỉ vồn vã cho chính hắn!

Ngữ An biết, nàng vẫn còn yêu Đàm tha thiết như dạo nào thật xa. Ngữ An buông xuôi tất cả, cùng Đàm hòa hợp âm dương với đất trời…

&

Ánh đèn pile chợt lóe lên…

Ngữ An thảng thốt ôm Đàm. Nàng nghe quanh quẩn đâu đây, tiếng thì thầm của lá, của sương, của thổ ngơi…

‘Nếu không lấy được Ngữ An làm vợ, tao sẽ bỏ xứ này mà đi. Thằng nào lấy Ngữ An làm vợ, thằng ấy phải bước qua xác chết của tao!’ – Ấy là lời nguyền mười mấy năm về trước của Đạm.

Bóng tối. Ánh đèn. Hạnh phúc. Sợ hãi. Tất cả đều nhòe nhạt.

Chỉ còn lời nguyền của gã tình si ngày nào mười bảy năm về trước, vẫn còn nguyên âm vang sự đe dọa trong đêm đen.

Vancouver 1994-24/12/1999

© Vũ Đình Kh.

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Lời nguyền của gã tình si”

  1. Lữ Út says:

    Xem ảnhh “minh họa” lại nhớ đến lời rao của chủ tịch chém gío ở New York. Con gái VN bây giờ sao lúc nào cũng phô posture mời gọi ? đảng dậy chăng ?

Leave a Reply to Lữ Út