WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đức Huỳnh Phú Sổ và nông dân miền Nam

(Trình bày trong Đại lễ Kỷ niệm Ngày Khai đạo Phật Giáo Hòa Hảo tại Toronto 12-6-2011)

1.-   MIỀN NAM NHẬP VIỆT TỊCH

Đức Huỳnh Giáo Chủ

Thật khó xác định niên đại miền châu thổ sông Cửu Long nhập Việt tịch.  Chỉ biết khi Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, con của Nguyễn Hoàng, lên cầm quyền ở Đàng Trong năm 1613, biên giới phía nam của Đại Việt lúc đó mới ngang đến dãy núi Đèo Cả, nằm ở phía nam tỉnh Phú Yên ngày nay.  Lúc đó, nước Chiêm Thành vẫn còn tồn tại.  Dầu vậy, vào năm 1620 (canh thân), Sãi Vương gả người con gái thứ hai là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II (trị vì 1618-1628).  Nước Chân Lạp tức Cao Miên, nằm ở phía nam Chiêm Thành.  Chân Lạp lúc đó gồm đất Cao Miên ngày nay (Lục Chân Lạp) và châu thổ hạ lưu sông Cửu Long (Thủy Chân Lạp). (Nếu theo chiều bắc nam, Đại Việt đến Chiêm Thành rồi mới đến Chân Lạp.)

Ba năm sau cuộc hôn nhân nầy, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Chân Lạp xin vua Chey-Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay.  Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.  Đây là bàn đạp để người Việt tiến xuống châu thổ sông Cửu Long.

Vua Chey Chetta II từ trần năm 1628, con là Ang Saur hay To lên kế vị.  Từ đây, nội bộ hoàng tộc Cao Miên liên tục xảy ra tranh chấp ngôi báu.  Các hoàng thân tranh quyền thường chạy qua Đại Việt nhờ giúp đỡ.  Mỗi lần chúa Nguyễn gởi quân qua Chân Lạp giúp đỡ, các vua Chân Lạp do Đại Việt ủng hộ thường cắt đất để đền ơn.

Người Việt tiến dần xuống phía nam châu thổ sông Cửu Long, nhất là sau khi Chiêm Thành không còn tồn tại năm 1692 (nhâm thân).  Sở dĩ người Việt xuống miền châu thổ sông Cửu Long dễ dàng và càng ngày càng đông vì hai yếu tố: 1) Đại đa số dân Chân Lạp (Cao Miên) sinh sống ở vùng Lục Chân Lạp, đất đai cao ráo, khí hậu điều hòa.  2)  Vùng Thủy Chân Lạp, tức hạ lưu châu thổ sông Cửu Long khí hậu ẩm ướt, dân Chân Lạp sinh sống quá ít, đất đai vùng nầy gần như bỏ hoang.  Nhờ vậy, người Việt đến đây canh tác tự do.  Cũng vì vậy các vua chúa Chân Lạp dễ dàng cắt đất tặng cho chúa Nguyễn.

Năm 1757, triều đình Chân Lạp xảy ra biến động, vua Nặc Nguyên từ trần, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc.  Nhuận muốn xin chúa Nguyễn cho làm vua nên tặng đất Praah-Trapeng (Trà Vinh) và Srok-Trang (Sóc Trăng), nhưng ông bị con rể là Nặc Hinh hạ sát.  Tướng Trương Phúc Du được chúa Nguyễn gởi sang đánh Nặc Hinh.  Hinh thua chạy rồi bị thuộc hạ giết chết.  Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn nhờ Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn cho lên làm vua Chân Lạp.  Chúa Nguyễn chấp thuận, sai Mạc Thiên Tứ đưa Nặc Tôn về lên ngôi.  (Mạc Thiên Tứ là con của Mạc Cửu).

Cũng trong năm nầy, hai đạo Kiên Giang ở Rạch Giá, đạo Long Xuyên ở Cà Mau được thành lập.  Đất nước chúng ta được mở rộng như ngày nay.  Như thế, so với hai miền Bắc và Trung, miền Nam Việt Nam nhập Việt tịch trễ nhất.

2.-   SỰ THÀNH LẬP ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Người Việt vốn tính hữu thần.  Vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn mở nưóc về phương Nam, ba tôn giáo chính của người Việt là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo.  Tiến xuống phía Nam, lưu dân Việt mang theo cả niềm tin tôn giáo của mình làm hành trang lập nghiệp.  Xin chú ý hai điểm:

Thứ nhất, từ thế kỷ 15, Nho giáo rất thịnh hành. Giềng mối xã hội trong Nho giáo dựa căn bản trên ba mối quan hệ trong đạo làm người (tam cương) là quân thần (vua tôi), phu phụ (chồng vợ) và phụ tử (cha con).  Trong ba mối quan hệ nầy, quan niệm “trung quân” (trung với vua) được xem là đạo chính trong “tam cương” của Nho giáo.  Khi tiến vào Nam xây dựng cơ đồ, tách ra khỏi vua Lê và chúa Trịnh, chúa Nguyễn làm sao có thể nói chuyện trung quân?  Vì vậy chúa Nguyễn tránh nhắc đến Nho giáo và thay thế Nho giáo bằng cách đề cao Phật giáo, xây dựng nhiều chùa ở Thuận Hóa và các dinh phía nam.

Thứ hai, Phật giáo đã được truyền bá vào Chân Lạp trước khi người Việt đến.  Đạo Phật truyền vào Chân Lạp qua đường biển từ phía tây nam, và trở thành quốc giáo ở Chân Lạp.  Vì vậy, khi người Việt mang theo đạo Phật vào đất Chân Lạp, người Việt được đón nhận dễ dàng.

Sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), người Việt tiếp tục công cuộc khẩn hoang miền Nam, phát triển vùng đất mới.  Dân số càng ngày càng đông, nhu cầu tâm linh càng ngày càng gia tăng.

Dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật, năm 1851, Đoàn Minh Huyên (1807-1856) khai sáng tông phái Phật giáo mới là Bửu Sơn Kỳ Hương, tại làng Long Kiến (Chợ Mới, An Giang).  (Chùa nầy lập năm 1849, về sau được gọi là Tây An Cổ Tự.)

Lúc đó, chính quyền địa phương nghi ngờ ông hoạt động chính trị, nên chuyển ông về núi Sam (An Giang), ở chùa Tây An.  Có thể vì vậy người dân gọi ông là Phật Thầy Tây An.   Ông chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, giản dị hóa nghi thức đạo Phật cho phù hợp với đời sống nông dân vùng đất mới còn nghèo nàn, không xây chùa, mà tổ chức khẩn  hoang, lập trại, cho nông dân vừa tu học vừa sản xuất.  Về tu nhân, ông khuyến khích mọi người luôn luôn đền đáp “tứ đại trọng ân” (bốn ân lớn) là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo (trong đạo Phật), ân đồng bào và nhân loại.  Tư tưởng của Phật Thầy Tây An ảnh hưởng rất lớn đến dân chúng miền Nam.

Trên căn bản giáo lý Phật giáo Tứ Ân của Đức Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão (4-7-1939), tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nơi sinh trưởng của Đức Huỳnh Phú Sổ.

3.-   LÝ DO CỘNG SẢN TIÊU DIỆT PGHH

Tiếp nối Phật giáo Tứ Ân, PGHH chủ trương cải cách đạo Phật theo đời sống bình dị thực tế của nông dân miền Nam, không thiết lập giai cấp tăng lữ, không tổ chức giáo quyền, không tích lũy giáo sản, không chú trọng hình thức, không làm chùa nguy nga, không tạc tượng, không đúc chuông, không đốt vàng mã, khuyến khích các nghi thức đơn giản trong các nghi lễ như thờ phụng, cưới xin, tang lễ…

Có thể nói, PGHH đã đưa đạo Phật đến với từng người, từng gia đình, ở bất cứ đâu, tại nhà hay ngoài ruộng, hoặc trên một chiếc xuồng ba lá của nông dân miền Nam, chứ các tín đồ PGHH không phải đến chùa mới lễ Phật, học Phật.  Kinh kệ của PGHH giản dị, dễ hiểu, thực tế, dễ thuộc, hướng dẫn con người luôn luôn gìn giữ đạo đức thường ngày, không cao siêu, không xa rời cuộc sống.

Đồng thời, PGHH theo quan niệm dấn thân nhập thế, “tu trong đạo nước”, phát triển nhanh chóng.  Năm 1944, Đức thầy Huỳnh Phú Sổ thành lập Bảo An Đoàn PGHH tại một số tỉnh miền Tây.  Vào đầu năm 1945, về mặt đạo, Đức thầy hình thành ban trị sự tỉnh bộ PGHH tại các tỉnh miền Tây, về phương diện chính trị Ngài lập Việt Nam Vận Động Hội để tranh đấu đòi hỏi độc lập và thống nhất cho xứ sở.

Do giáo lý PGHH thích hợp với tâm thức nông dân miền Nam, nên chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu tín đồ ở đồng bằng miền Tây Nam Kỳ gia nhập PGHH.  Đây là một hiện tượng tôn giáo đặc biệt chẳng những ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nếu chúng ta so sánh lịch sử hình thành của các tôn giáo.  Đây là điều chẳng những làm cho người Pháp lo ngại, mà cả một tổ chức chính trị mới nổi lên tranh đấu vào thời đó lo ngại.  Đó là Việt Minh cộng sản (VMCS).

Việt Minh cộng sản nổi dậy năm 1945, cướp chính quyền ở Sài Gòn (miền Nam) ngày 25-8-1945 và cướp chính quyền ở Hà Nội (miền Bắc) ngày 2-9-1945.  Có ba điểm cần chú ý:

Thứ nhất, về phương diện chính trị, VMCS rất sợ những tổ chức có quần chúng, được quần chúng ủng hộ.

Thứ hai, VMCS theo chủ trương của Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, và xem nông dân là thành phần nòng cốt của cách mạng ở các nước nông nghiệp như Việt Nam, trên cả công nhân, nên VMCS quyết lôi cuốn nông dân về theo VMCS.

Thứ ba, về phương diện tôn giáo, CS luôn luôn bách hại tôn giáo, và chia tôn giáo thành hai hạng: tôn giáo quốc tế và tôn giáo địa phương.  Đối với tôn giáo quốc tế như Phật giáo và Ky-Tô giáo, VMCS tránh đàn áp công khai, mà chỉ ngấm ngầm đàn áp, vì sợ các nước trên thế giới phản đối.  Ngược lại, đối với những tôn giáo địa phương như Cao Đài giáo hay PGHH, VMCS thẳng tay đàn áp, tiêu diệt vì không sợ quốc tế chỉ trích.  Nói nôm na là VMCS ăn hiếp dễ dàng các tôn giáo địa phương cô thân cô thế như đạo Cao Đài hay PGHH.

Phật giáo Hòa Hảo bao gồm hai yếu tố chính bên trên:  1) PGHH là một tôn giáo có quần chúng, được đông đảo quần chúng ủng hộ ngay từ khi mới thành lập năm 1939 và phát triển nhanh chóng.  2) Quần chúng của PGHH lại là đại đa số nông dân miền Nam, được tổ chức thành đoàn thể chặt chẽ.

Hai yếu tố nầy là hai thách thức lớn đối với VMCS trên con đường tranh giành quyền lực.  Trong khi đó, PGHH lại là một tôn giáo địa phương, không có thế lực quốc tế, dễ bị đánh phá mà không được ai bênh vực.

Tất cả những điều nầy giải thích vì sao từ năm 1945, VM đàn áp PGHH một cách thô bạo và cho đến nay CS vẫn tiếp tục đàn áp PGHH cũng một cách thô bạo.

(TORONTO, 12-6-2011)

© Trần Gia Phụng

© Đàn Chim Việt

 

2 Phản hồi cho “Đức Huỳnh Phú Sổ và nông dân miền Nam”

  1. Thanh Lam says:

    Miền Nam gọi là nhập Việt tịch, một ngôn từ có vẻ như quá khinh thị dân Việt ở vùng đó, đúng theo kiểu cách cuả kẻ lang sa, phân biệt Nam Trung Bắc theo phong cách đúng với danh gọi là NAM KỲ THUỘC ÐIẠ. Tác giả lấy việc Cao Miên nhượng đất cho triều đình Việt Nam, để dùng ngôn ngữ rẽ rúng gọi là Miền Nam nhập Việt tịch.

    Nhưng có cái đáng nhận định mà tác giả không nói đến hay dường như muốn lướt qua, đó chính là nơi tận cùng đất nước trên con đường cái quan Nam tiến, lại xuất hiện một tôn giáo phát xuất tự trong lòng dân tộc. Ða số người dân tự nguồn gốc từ miền Trung vào lập nghiệp. Mà có một số không ít bậc trí giả, thường cho đó là dân tứ chiến giang hồ, kẻ ngu dốt thấp kém trong xã hội lúc bấy giờ.

    Nhưng đó lại đúng là một tôn giáo theo Phật Ðạo Việt Nam, vì xuất phát tự trong lòng dân tộc, qua điều hệ trọng đáng lưu tâm là họ luôn đặt Bốn Trọng Ân làm căn bản, mà trong đó yêu đất nước và dân tộc là điểm mạnh nhất, sự cấp thiết cần phải có cho toàn dân Việt trong thời thống trị cuả kẻ lang sa. Thờ cúng Ông Bà Tổ Tông, nòi giống Rồng Tiên Hồng Lạc là điểm chính yếu mối giềng nền đạo đó, không như một số ít chạy theo người Pháp, để làm tay sai giết hại chính đồng bào mình.

    Cho dù họ ít học và cô thế, chỉ với cây tầm vông vạt nhọn, nhưng từ bao đời cha ông họ cũng luôn luôn Chống Pháp. Hẵn nhiên giai tầng cuả họ phải chịu ngu dốt không được Pháp nâng đỡ trong suốt thời gian làm kẻ bị trị, lại bị hà hiếp bởi chính một số ít người, tự nhận là có học nhờ sự nâng đỡ cuả Pháp lúc bấy giờ. Chính đó mới là SỰ CÔ THÂN mà khởi thuỷ từ cây tầm vông Chống Pháp, trước cả thời có Việt Minh Cộng Sản xuất hiện. Một sự CÔ THÂN đáng ca ngợi, để giử tính tự chủ tự cường cho dân tộc Việt Nam. Họ ít học và không được hay không muốn gọi là được Pháp KHAI HOÁ, để có thể tự hào mãi mãi là người Việt Nam, con cháu vua Hùng đích thực với một lòng một dạ giử nước.

    Cho là họ không có được sự hổ trợ từ bên ngoài thì điều đó đúng, vì tư tưởng vong thân vọng ngoại không bao giờ có được nhiều trong tình tự và ý thức dân tộc cuả họ. Nhưng đừng vội cho như thế là dân tộc cực đoan, bởi vì trong Bốn Trọng Ân thì Ân Ðồng Bào và NHÂN LOẠI là ân thứ tư trong nguồn giáo lý đó. Cũng như trong năm lời nguyện cầu cuả họ, lời nguyện thứ nhất là: “Thiên Hoàng Ðiạ Hoàng Nhơn Hoàng, Liên Hoa hải hội, thượng Phật từ bi, Phật Vương độ chúng, THẾ GIỚI BÌNH AN”. Nguyện cầu cho thế giới bình an là lời nguyện đầu tiên trong năm lời nguyện hằng ngày, hằng buổi sáng chiều cuả những thành phần được gọi là thất học đó.

    Cũng không ít luận cứ có tư ý cho đó chỉ là thành phần đầu trộm đuôi cướp, vì một số hành động Chống Pháp triệt để cuả họ, những nhân vật một thời là anh chị cướp bóc trong xã hội. Nhưng khi được thuần hoá trở về với ý thức và tình tự dân tộc, chính số người đó rất xứng đáng hơn cả tầng lớp ôm chân Pháp giết hại chính đồng bào cuả mình. So với sự tỉnh thức tình non nghiã nước cuả những kẻ gọi là cướp nầy, vẫn còn có điểm đáng ca ngợi hơn những thành phần trí thức lúc bấy giờ luôn phụng thờ người Pháp để hưởng lợi, quên hẵn hoàn toàn cái nhục cuả người dân được gọi là dân thuộc điạ.

    Hơn nưã, chấn hưng tinh thần Phật Ðạo Việt Nam không nhuộm màu sắc Trung Hoa, mà từ bao thời dẫn cho đến hiện nay vẫn còn tồn tại, đó chính là câu trả lời tại sao đã có đạo Phật hiện hành, mà lại có đạo gọi là Phật Giáo Tứ Ân và Phật Giáo Hoà Hảo.

    Bởi vì nền Phật Giáo Việt Nam quá nhiều sự rập khuôn cuả Phật Giáo Trung Hoa, trải dài bao thời đại trên đất Việt ta. Nền Phật Giáo Thiền Ðạo có nét đặc sắc Việt Nam tự thời Ðinh Lê Lý Trần, hoàn toàn khác với màu sắc Trung Hoa nặng hình tướng, Tứ Trọng Ân và Tu Nhân Học Phật theo ÐẠO LÀM NGƯỜI, chính là nét riêng biệt mang màu sắc dân Việt. Nó có phần nào đó tương hợp ứng với Thiền Trúc Lâm Yên Tử khi xưa.

    Ðể thấy được tính hoà đồng và yêu thương toàn thể nhơn loại, xin được gởi đến mọi người lời bày tỏ và kêu gọi nồng ấm cuả vị thánh nhơn ái khai sáng PGHH :

    “Ta có tình yêu rất đượm nồng,
    Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
    Tình yêu chan chưá trong hoàn vũ,
    Không thể yêu riêng khách má hồng.
    Nếu khách má hồng muốn được yêu,
    Thì trong tâm trí phải xoay chiều.
    Hướng về PHỤNG SỰ CHO NHƠN LOẠI,
    Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.
    Ta đã đa mang một khối tình,
    Dường như thệ hải với sơn minh.
    Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
    YÊU KHẮP MUÔN LOÀI LẪN CHÚNG SINH.”

    Xin trân trọng.

  2. Minh Đức says:

    Trích: Từ đây, nội bộ hoàng tộc Cao Miên liên tục xảy ra tranh chấp ngôi báu. Các hoàng thân tranh quyền thường chạy qua Đại Việt nhờ giúp đỡ. Mỗi lần chúa Nguyễn gởi quân qua Chân Lạp giúp đỡ, các vua Chân Lạp do Đại Việt ủng hộ thường cắt đất để đền ơn.

    Vì muốn được Việt Nam giúp đỡ trong việc tranh chấp nội bộ, vua Chân Lạp cắt đất cho Việt Nam nên Miên mất dần đất. Cũng cái thói cắt đất để đền ơn ngoại bang giúp cho mình trong việc tranh chấp nội bộ mà Việt Nam mất Hoàng Sa, Trường Sa về tay Trung Quốc. Đó là vì các chế độ cai trị để cho chính quyền tự ý quyết định, còn dân thì phải tuyệt đối tin vào chính quyền, không được quyền nghi ngờ, bàn tán về các hành vi, chính sách, đường lối của chính quyền.

Leave a Reply to Minh Đức