WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lần thứ ba thưa chuyện với ông Tạ Chí Đại Trường

Triết gia Lương Kim Định

Tâm tư của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy: “Trên hai số tạp chí Xưa & Nay 377 và378, đăng hai bài viết của tác giả Tạ Chí Đại Trường phê bình học giả Kim Định cùng những người ủng hộ ông. Tôi có lời thưa lại, gửi tới Xưa & Nay nhưng không được in. Vậy xin nhờ lethieunhon.com… đăng giúp để rộng đường dư luận về hiện tượng lớn trong văn hóa Việt. Như vậy là sau sáu năm, từ bài giới thiệu “Sử Việt đọc vài quyển” trên BBCOnline, cả giọng điệu lẫn chứng cứ phản bác Giáo sư Kim Định của ông Tạ Chí Đại Trường đều không mới, vẫn là giọng của người ngồi lê đôi mách đầy cảm tính, không hề có chuẩn mực khoa học tối thiểu!

———————————————————–

Từng thích thú khi đọc cuốn Sử thời nội chiến của Tạ tiên sinh. Nhưng đọc nhiều bài của ông gần đây trên mạng, tôi cảm thấy buồn về con người mình từng quý trọng. Nơi những bài viết đó, xen với một số ý kiến nghe được lại là những lời xỏ xiên cạnh khóe không xứng với phẩm giá sử gia. Chính vì vậy khi thấy giọng khinh bạc của ông trong “Sử Việt đọc vài quyển” trên BBCOnline ngày 11.5.2005, với những lời mai mỉa sâu cay Giáo sư Kim Định, tôi buộc phải thưa chuyện với ông bằng bài Trao đổi lại với ông Tạ Chí Đại Trường (18/9/2007). Nhưng rồi chỉ hơn năm sau, khi đọc bài Về “huyền sử gia” Kim Định và các chi, bàng phái “huyền sử học” Việt Nam, (1) tôi lại phải viết bài thứ hai, Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường. (2) Nay, trên hai số liền của tạp chí Xưa&Nay, lại gặp những ý tưởng cũ rích nhàm chán của ông dưới nhan đề Về “huyền sử gia” Kim Định “huyền sử học” Việt Nam. (377) và Ảnh hưởng của Kim Định đối với các học giả trước kia và hiện nay (378), tôi không thể không lên tiếng. Không thể bởi lẽ lần đầu tiên, tư tưởng của Kim Định được đưa ra mổ xẻ (chính xác là vùi dập) trên một tạp chí chính thức của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bất quá tam, người xưa nói. Thưa chuyện với ông lần thứ ba chính là tôi muốn nói với độc giả trong nước vì rất nhiều người chưa hiểu về Kim Định. Nếu bài viết này được đăng thì đây là cơ hội vàng để lần đầu tiên, sau 36 năm đất nước thu về một mối, tiếng nói bảo vệ phát kiến lớn nhất về văn hóa dân tộc Việt được công khai cất lên.

*

Như vậy là sau sáu năm, từ bài giới thiệu “Sử Việt đọc vài quyển” trên BBCOnline, cả giọng điệu lẫn chứng cứ phản bác Giáo sư Kim Định của ông Tạ Chí Đại Trường đều không mới, vẫn là giọng của người ngồi lê đôi mách đầy cảm tính, không hề có chuẩn mực khoa học tối thiểu. Nhưng xuyên qua mớ lời lẽ rông dài rối rắm đó, tôi thấy ông phê phán Kim Định trên hai mặt: phương pháp luận và nội dung học thuyết Việt nho.

Xin hầu chuyện ông về cả hai phương diện này.

I. Về phương pháp luận của Kim Định

Bằng giọng diễu cợt: “huyền sử gia” Kim Định “huyền sử học” Việt Nam, ông Tạ Chí Đại Trường ám chỉ phương pháp luận giải mã huyền thoại của học giả Kim Định. Nhưng xin thưa, phương pháp đó chẳng phải do Kim Đinh đặt ra mà đã có từ xưa. Con người khôn ngoan nhận ra rằng, không phải là lịch sử nhưng huyền thoại, truyền thuyết là ký ức của cộng đồng dân cư về sự kiện quan trọng từng xảy ra trong quá khứ. Có nghĩa là những sự kiện lớn xảy ra trong quá khứ, được ghi trong ký ức cộng đồng rồi dần dà được mã hóa thành những truyền thuyết, huyền thoại. Từ nhận thức đó, nhiều người đi sâu giải mã trước hết là những huyền thoại lớn. Nhờ vậy, nhiều sự kiện từ xa xưa được sáng tỏ. Thành công hơn cả là những người giải thích Cựu ước. Từ câu chuyện về Noah, người ta lần ra trận đại hồng thủy 7500 năm trước. Từ truyền thuyết về ngôi Sao Hôm trong ngày Chúa ra đời, người ta tính ra, chúa Giesu được sinh vào một ngày mùa hè tháng Sáu. Cũng từ truyền thuyết trong Cựu ước, người ta viết cả cuốn sách về cội nguồn các sắc dân Trung Đông và Bắc Phi. Trước Kim Định, nhà tiên tri nổi tiếng người Mỹ Edgar Cayce phát hiện nhiều điều bằng giải mã huyền thoại. Sau Kim Định 30 năm, Stephen Oppenheimer, trong cuốn Địa đàng ở phương Đông, nhờ giải mã huyền thoại “các nhà thông thái từ phương Đông tới” đã phát hiện rằng, trong đại hồng thủy, người Đông Nam Á mang giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng về nông nghiệp tới Cận Đông. Từ liên hệ giữa chuyện anh em Cain và Abel trong kinh thánh với truyền thuyết anh em Manup và Culabôp vùng hải đảo Đông Nam Á, ông phát hiện ảnh hưởng của văn hóa Viễn Đông tới thế giới Arập…

Ai đọc Kim Định sẽ thấy, ban đầu khi lập thuyết, ông dựa vào sử Trung Hoa của Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành: thoạt kỳ thủy, người Hoa, Việt, Thái, Mông… sống ở phía nam dải Thiên Sơn. Người Việt theo nguồn sông Dương Tử xuống đồng bằng Hoa Nam, lên Hoa Bắc, chiếm cả 18 tỉnh của Trung Hoa, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp lúa nước phát triển. Người Hoa do lối sống du mục nên nấn ná tại vùng thảo nguyên Thanh Hải, sau đó vào chiếm đất cùa người Việt, dựng vương triều Hoàng đế. Ông cũng sử dụng một số tư liệu khảo cố ít ỏi thời đó nói lên mối liên quan của đồ gốm Ngưỡng Thiều và gốm Hòa Bình. Chính những gợi ý từ lịch sử và khảo cổ này cho ông ý tưởng: Một khi người Việt nông nghiệp đã sống hàng vạn năm trên đất Trung Hoa, sau đó đất ấy bị chiếm bởi những bộ lạc du mục rồi từ những bộ lạc du mục, người Hoa trở thành dân nông nghiệp, sở hữu nền văn hóa nông nghiệp phát triển; đến nay, văn hóa Hoa Hạ vẫn mang dấu ấn văn hóa Việt… Vậy thì cái văn hóa gốc ấy phải của người Việt! Trong khi tất cả mọi người tùy thời, cho rằng Việt học Hoa, Việt được Hoa khai hóa, thì bằng linh cảm thần thánh, Kim Định nghĩ ngược lại: chính Hoa học từ Việt! Ông đã tìm thấy chứng cứ cho ý tưởng của mình ở kinh Thư, kinh Thi, trong Khổng Tử nhưng chưa đủ. Vì vậy, theo bước người đi trước, ông tìm trong huyền thoại. (2)

Không phải mọi giải mã truyền thuyết của Kim Định đều thành công. Không thiếu trường hợp khi hăng hái quá đà, ông trở thành tư biện, dẫn tới sai lầm. Loa thành đồ thuyết (3) là một thí dụ. Quá say với phương pháp của mình, ông đã viết cả cuốn sách giảng giải về thành Cổ Loa chín vòng, hình trôn ốc là biểu trưng tuyệt vời của văn hóa Việt. Khi khảo cổ học phát hiện thành chỉ có hai vòng do An Dương vương xây, còn vòng thứ ba do Mã Viện đắp, hóa ra không những không có chín vòng thành mà chả làm gì có cái thành hình trôn ốc vì con người sống, đánh trận thế nào trong cái thành quái đản như vậy?!

Việc giải mã huyền thoại thành công hay thất bại tùy thuộc tài năng người sử dụng, nhưng bản thân phương pháp này tồn tại khách quan, như một công cụ để con người tìm hiểu quá khứ. Có thể phê phán Kim Định khi ông diễn giải sai lầm truyền thuyết cụ thể nào đó nhưng không thể phủ nhận rằng, chính nhờ công cụ này, ông đã phát hiện ra gia tài vĩ đại của tộc Việt là nền minh triết Việt nho, đó là phát kiến lớn nhất về văn hóa Việt!

II. Về thuyết Việt nho

Nói một cách đại lược, thuyết Việt nho cho rằng, thoạt kỳ thủy, người Việt nông nghiệp đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp minh triết và nhân bản, được gọi là Nguyên nho hay Việt nho. Việt nho được các thánh hiền người Việt đúc kết trong kinh Thư, kinh Thi, kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Nhạc. Khi chiếm đất Việt, người Hoa Hạ chiếm luôn làm của riêng. Nếu Khổng nho còn giữ được ít nhiều cái gốc nhân bản Việt nho thì Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho dã làm sa đọa Việt nho để phục vụ vương triều. Cái quan trọng nhất trong ý tưởng của Kim Định là ông xác quyết: tộc Việt đã xây nền văn hóa minh triết nhân bản rồi người Hoa chiếm đoạt và học theo. Ông kiên quyết đòi lại chủ quyền văn hóa cho tộc Việt.

Những năm Bảy mươi thế kỷ trước, trong bối cảnh tầng lớp trí thức tinh hoa Việt vẫn học theo học giả phương Tây cho rằng các làn sóng văn minh được truyền từ châu Âu sang Trung Hoa, Ấn Độ rồi từ đây xuống Đông Nam Á thì những ý tưởng mà Kim Định đưa ra chẳng khác nào chuyện khôi hài, là sự báng bổ lương tri! Đúng như ông Tạ Chí Đại Trường nhận xét, nhiều người im lặng cười khinh vì không thèm chấp! Người phản bác Kim Định kịch liệt nhất có lẽ là nhà văn Bình Nguyên Lộc. Có thể nói, trong cuốn Nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam, Kim Định trở thành bung xung để tác giả phỉ báng! Ông không trả lời Bình Nguyên Lộc trực tiếp mà đã viết cuốn “Vấn Đề Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam” (Nguồn Sáng 1973) để làm sáng tỏ vấn đề.

Bốn chục năm đi qua, thời gian làm rõ nhiều chuyện: không phải người Việt Nam có nguồn gốc Mã Lai mà ngược lại, người Mã có nguồn gốc Việt! Nhưng kỳ diệu nhất là, mỗi bước đi của nó là một chứng minh cho sự đúng đắn của thuyết Việt nho. Ngay trước thềm thế kỷ XXI, khoa học tìm ra gốc gác duy nhất châu Phi của nhân loại. Tiếp đó, xác định con đường ven biển Ấn Độ đã đưa người tiền sử tới Việt Nam rồi từ Việt Nam, người Việt cổ đi lên khai phá Trung Quốc. Khoảng 20.000 năm trước, người Hòa Bình đã đưa công cụ Đá Mới lên Trung Hoa và chậm nhất, 12.000 năm trước, đưa cây lúa tới đồng bằng sông Dương Tử… Di truyền học cũng giúp ta phát hiện rằng, những bộ lạc xâm lăng Bách Việt 2.600 năm TCN không phải người Hán mà là người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Chỉ khi vào Trung Nguyên, họ hòa huyết với người Việt, mới sinh ra người Hoa Hạ, thuộc chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), tổ tiên của người Hán. Là con lai của tộc Việt, sống trên đất đai và văn hóa Việt, người Hoa đã học nghề nông, tiếng nói, chữ viết cùng văn hóa Việt để xây dựng các vương triều Trung Hoa… Từ thành tựu mới nhất của khoa học nhân loại soi vào tiền sử Á Đông, ta biết  rằng, suốt hơn 2.000 năm, bên cạnh các vương triều Trung Hoa, vẫn tồn tại những nhà nước hùng mạnh của người Việt: Ba Thục phía tây; Ngô, Việt, Sở phía đông; Văn Lang phía nam. Những quốc gia Việt này có nền kinh tế và văn hóa rất phát triển để sản xuất ra tượng đồng Ba Thục, kiếm Việt, trống đồng Văn Lang… Tần Thủy hoàng thôn tính các quốc gia Việt, lập nên nhà Tần, thực chất là việc sáp nhập đất đai, dân cư cùng văn hóa Việt vào đế chế Tần. Đất nước Trung Hoa được xây dựng chủ yếu trên cơ sở con người cùng văn hóa Việt! Như vậy, thực tế lịch sử đã đi xa hơn dự cảm dù là thiên tài của Kim Định!

Đi vào cụ thể, đến nay nhiều tác giả như Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thiếu Dũng, Trần Quang Bình, Hà Văn Thùy, Hà Hưng Quốc (USA)… chứng minh một cách không thể phản bác rằng, sách Dịch là sản phẩm của Việt tộc. Chỉ cần đưa ra lẽ đơn giản: truyền thuyết Trung Hoa nói Phục Hy là tổ của họ, sống khoảng 4480-4369 TCN và làm ra Dịch. Trước đây chưa hiểu gốc gác người Hoa nên chúng ta chưa thể tranh biện về điều này. Nhưng nay, xác định được rằng, người Hoa là con lai của tộc Việt với người

Mông Cổ, ra đời khoảng 2600 năm TCN. Vậy, khi nói Phục Hy làm Dịch thì có nghĩa là Dịch xuất hiện 1700 năm trước khi người Hoa ra đời! Không chỉ sách Dịch mà ngay cả ngôn ngữ người Trung Hoa đang dùng cũng là sản phẩm của tộc Việt! (4)

Đánh giá cống hiến của Kim Định

Do nắm bắt một cách hệ thống tri thức khảo cổ học, cổ nhân chủng học, ngôn ngữ, văn hóa học, kết hợp với những khám phá mới về di truyền học dân cư Đông Á, tôi đã xác định được cội nguồn người Việt, người Hoa, người Nhật, người Hàn, người Ấn… Từ đó, bằng những chứng cứ khoa học không thể phản bác, khẳng định người Việt sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp phương Đông rồi trên cái nền ấy, người Hoa Hạ học theo để xây dựng văn hóa Trung Hoa. Chẳng có gì huyền bí cả vì đó là kết quả của khảo cứu khoa học. Nếu hôm nay tôi không làm thì sớm muộn gì cũng có người khác tìm ra!

Nhưng điều mà tôi và không ai khác làm nổi là khám phá đặc điểm của nền văn hóa nông nghiệp Việt tộc. Một phát kiến thực sự vĩ đại mà duy nhất thiên tài Kim Định làm được! Nó quá lớn lao tới độ sau nửa thế kỷ, nhiều người vẫn còn ngỡ ngàng. Trong sự pha trộn, đa tạp của Khổng nho, Hán nho, Tống nho rồi Minh, Thanh nho… ông chỉ ra nền văn hóa Việt cội nguồn minh triết và nhân bản với bốn yếu tố:

1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.

“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là bản thể và sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5: Dương + Âm = 5 = con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất.

Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cố định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.

Quan niệm như vậy của phương Đông khác hẳn quan niệm phương Tây. Vốn từ những người săn bắt hái lượm trọng động, chuyển sang du mục cũng trọng động, phương Tây quan niệm về một phương thức sống năng động, triệt để khai thác thiên nhiên cùng cạnh tranh với những bộ lạc khác. Trong con mắt của người phương Tây, vũ trụ cũng như cuộc sống vận hành theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1. Đó là sự phát triển nóng, dẫn tới Dương cực thịnh, Âm cực suy, cuối cùng là phá vỡ cân bằng của thiên nhiên, của xã hội, gây ra thảm họa cho con người.

2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.

Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.

3. Đạo Việt an vi.

Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.

4. Bình sản

Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là ruộng giếng (tỉnh điền). Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.

Bốn yếu tố kể trên là những đặc tính của văn hóa Việt cổ mà tôi gọi là hạt nhân minh triết, được hình thành từ xa xưa, rồi bị phiêu dạt, chôn vùi qua biến động lịch sử, hầu như mất dạng. Chính vì vậy, khai quật ra điều này là phát kiến lớn nhất của văn hóa Việt.

Không chỉ vậy, trong cuộc đời mình, Kim Định cho in 45 cuốn sách với hơn 8.000 trang. Đó là cả một rừng chữ. Chưa mấy ai đi hết rừng chữ ấy và cũng chưa có ai dám nói là hiểu hết những gì Kim Định đề xuất nhưng có thể thấy trong đó định nghĩa khác về triết học để nêu bật vai trò quan trọng của minh triết phương Đông với văn hóa nhân loại. Cũng tìm được trong đó một nguyên lý giáo dục vừa khoa học vừa nhân bản được đề xuất nhằm phục hưng nền giáo dục đang sa đọa. Ở đó còn một đường lối xây dựng văn hóa cho nước Việt từ những phát kiến sâu thẳm của văn hóa cội nguồn. Ông cũng vạch ra mối tương quan văn hóa Đông Tây, sự khác biệt giữa du mục và nông nghiệp để tìm ra con đường đi tới của nhân loại… Điều chắc chắn, đó là kết quả của tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc chân thành và trí tuệ siêu việt. Gần như suốt cuộc đời, Kim Định sống giữa hai làn đạn. Năm 45, do viết cuốn sách phê bình chủ nghĩa Mác, ông bị truy đuổi. Những năm sau này, là linh mục nhưng quá đề cao tinh thần dân tộc, ông không được lòng bề trên. Kết quả là, mười năm cuối đời (1987-1997), ông sống tại một nhà tu nước Mỹ, trong cô đơn và bị kiểm soát gắt gao. Học trò muốn gặp ông phải giả xin xưng tội để hỏi thêm về triết lý, trong sự chứng kiến của người giám sát.

Lúc bị đột qụy, bất tỉnh, máy tính của ông bị mất, trong đó có chứa hơn mười tác phẩm đã viết xong hay chưa hòan tất để chờ xuất bản. Tới nay không ai biết máy tính đó đã đi đâu. Thật là một mất mát lớn lao cho văn hóa Việt!

Nhân cách và cống hiến của ông đáng để cho chúng ta kính trọng.

Có thể bình luận về phương pháp luận cũng như chủ thuyết của Kim Định, nhưng khi truy nguyên động cơ của ông để phê phán thì Tạ Chí Đại Trường đã sa vào suy đoán ngoài khoa học:

“Có thể nói lí thuyết Kim Định bắt nguồn từ ý tưởng bốc đồng huênh hoang của nhà chính trị trong thời gian mất nước vào tay người Pháp, cụ thể là của triết gia chính trị Lý Đông A/Nguyễn Ngọc (Hữu?) Thanh, Thư kí trưởng đảng Đại Việt Duy dân. Mất nước, người ta tưởng tượng ra một nước Việt Nam thời độc lập huy hoàng, to rộng…” “Lý Đông A mơ ước đến một Đại Bách Việt/Hồng Việt, một Đại Nam Hải…chỉ vì có quá khứ huy hoàng của một thời “văn hóa Môn””…

Không, ý tưởng của những nhà yêu nước như Lý Đông A/Nguyễn Hữu Thanh, Trương Tử Anh… không hề là “bốc đồng”, mà nó phản ánh tâm thức của cả một dân tộc nô lệ tìm sức mạnh từ quá khứ cho công cuộc giải phóng. Cũng không hề “huênh hoang” vì tâm linh mách bảo rằng tộc Việt từng có quá khứ huy hoàng. Thời gian chứng tỏ các vị đã đúng vì giang sơn huy hoàng Bách Việt là có thật! Không chỉ các vị mà đó còn là ý nguyện sâu thẳm của nhiều thế hệ Việt. Thậm chí ngày nay, tại Đài Loan, Quảng Đông vẫn còn người gốc Việt mơ ước về một liên bang Bách Việt! Mỉa mai, báng bổ những vị tiên liệt từng hy sinh cuộc đời vì lý tưởng giải phóng dân tộc, ông Tạ Chí Đại Trường không chỉ thiếu một tấm lòng!

Năm năm sau lần trao đổi đầu tiên với Tạ tiên sinh, tôi đã ngược thời gian, đi chặng đường dài về nguồn cội với ba cuốn sách, Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (Văn học, 2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (Văn học, 2008) và Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn học, 5. 2011). Chẳng biết có phải là kẻ “dân tộc cực đoan” không, nhưng chắc chắn rằng trong hai cuốn đầu, tôi đã phục dựng thành công lâu đài nguy nga kỳ vĩ của cội nguồn và văn hóa Việt. Còn cuốn thứ ba, là những bậc – cấp – khoa – học vững chãi để khi lên đó, người đọc tin rằng không phải “lâu đài cất bằng hơi nước.” Hơn thế nữa, nó cung cấp phương pháp luận mới, góp phần làm lại nền khoa học xã hội nhân văn tiền – di truyền học (pre-genetics) đang lạc hậu và lạc đường thê thảm!

Trên mỗi bước đi, tôi đều thấy bóng dáng lồng lộng của triết gia Kim Định trong tư cách người chỉ đường thông tuệ, có lòng yêu dân tộc vô hạn. Vậy mà buồn thay, suốt từng ấy ngày tháng, có người kiên trì phản bác ông vẫn bằng giọng ngồi lê đôi mách vô sở cứ!

Jared Diamond, Giáo sư Đại học California, tác giả những cuốn sách lừng lẫy (Súng, thép và vi trùng; Loài tinh tinh thứ ba và Sụp đổ) từng nói câu đáng suy ngẫm: “Giờ không còn là lúc chơi với những hòn đá, những mẩu xương được nữa. Mọi phát hiện về con người nếu không được di truyền học kiểm chứng đều không đáng tin.” Khổng Tử dạy: “Bất độc thư vô dĩ ngôn.” Là nhà hiển-sử học, lạc vào cõi mênh mông của văn hóa- minh triết thời tiền sử, trong tay không có đá, không có xương mà cũng chẳng có ADN, hỏi Tạ tiên sinh có gì để nói?!

Cũng như hai lần trước, lần thưa chuyện cuối cùng này tôi không hy vọng sử gia có lời để trả! Dù biết là khoa học luôn phủ định thì với tầm mức trí tuệ nhân loại hiện nay, người có thể phản bác những luận cứ của tôi chỉ ra đời khi nào một khoa học công nghệ mới xuất hiện, lật ngược di truyền học hiện đại, chứng minh được rằng: không phải loài người Homo sapiens được sinh ra trước nhất tại châu Phi. Người tiền sử không theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam và người Việt Nam không có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất, có nghĩa là cổ nhất Đông Á! Nhưng liệu có không một ngày như thế?!

Nói công bằng, trong bản văn công bố lần này, ông Tạ Chí Đại Trường có điều mới và đúng: người ủng hộ triết gia Kim Định ngày càng nhiều! Không chỉ những học trò Kim Định ở Anh, Mỹ, Úc lập Hội An Việt, in sách vở, dựng đài phát thanh quảng bá ông mà con em những người miền Nam xưa “im lặng cười khinh” cũng tìm học. Và lạ lùng hơn là người Hà Nội. Trước Bảy Lăm, miền Bắc hầu như không biết tới Kim Định. Sau đó thì sách của ông bị cấm. Nhưng, như Tagore nói: “Tư tưởng đi nhanh như gió. Gió qua biên giới không cần giấy thông hành”, xa lộ thông tin mang tư tưởng ông tới tận cùng ngõ ngách. Người Hà Nội với chiều sâu ngàn năm văn hiến vốn thâm trầm, không dễ tin. Nhưng khi thấy những “hạt nhân hợp lý” từ Kim Định, họ đã hưởng ứng. Và không như người đọc miền Nam nửa thế kỷ trước, bơ vơ ngơ ngác trước phát kiến mới lạ, rồi bị đám học phiệt bảo thủ làm rối trí. Hôm nay người Hà Nội tiếp nhận Kim Định trong bối cảnh học thuyết Việt nho đang tỏa sáng rực rỡ. Nếu thực sự khách quan, thực sự cầu thị, trước khi viết tiếp những lời phỉ báng, ông Tạ Chí Đại Trường nên bắt chước người Mỹ đặt câu hỏi “Why? Vì sao vậy? Vì sao ông càng rủa xả, người theo Kim Định càng nhiều?!”

Ngày 5 tháng Năm 2011

© Hà Văn Thùy

—————————————————

Tài liệu:

1. http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?

option=com_content&task=view&id=493

2. Kim Định. Việt lý tố nguyên. An Tiêm Sài Gòn, 1970.

3. Kim Định. Loa thành đồ thuyết. Thanh Bình Sài Gòn, 1973.

4. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. Văn học, 2011

Nguồn: http://lethieunhon.com/read.php/4987.htm

7 Phản hồi cho “Lần thứ ba thưa chuyện với ông Tạ Chí Đại Trường”

  1. Lữ Út says:

    NHÀ NGHIÊN CỨU, nghe xong muốn ói qúa. Đã đọc hết GenoProject của National Geogrphic Society chưa, bản chính thức phải mua, chứ không phải excerpt đâu mà giám phê bình Nguồn Gốc Mã Lai Của dân Tộc Việt Nam. Ngay cả tiêu đề của quốc sách cũng hiêủ sai thí nói gì đến ngọai ngữ.
    Cụ BNL dùnh chữ Mã Lai để chỉ RACE chứ không phải để chỉ người Mã Lai, còn dân tộc Viẹt Nam là để chỉ ethnic group Việt.
    Đọc hết Genoproject rồi so sánh với NGMLCDTVN xem có chỏi nhau tí nào không !

  2. says:

    Quá say với phương pháp của mình, ông đã viết cả cuốn sách giảng giải về thành Cổ Loa chín vòng, hình trôn ốc là biểu trưng tuyệt vời của văn hóa Việt. Khi khảo cổ học phát hiện thành chỉ có hai vòng do An Dương vương xây, còn vòng thứ ba do Mã Viện đắp, hóa ra không những không có chín vòng thành mà chả làm gì có cái thành hình trôn ốc vì con người sống, đánh trận thế nào trong cái thành quái đản như vậy?! (HVT)

    Có lẽ tác giả Hà Văn Thuỳ chưa xem kỹ quyển Loa Thành Đồ Thuyết của cố giáo sư Kim Định (?).
    Nội dung quyển đó, KĐ đào sâu Loa Pháp hay là Qui Tư . Qui là rùa, Kim Qui . Qui cũng đồng âm với trở về . Về lại chính mình . Còn Loa Pháp là phương pháp xoáy trôn ốc . Loa kế là khăn vấn tóc hình cuộn vòng của Việt Tộc . Thơ lục bát cũng là một hình thức khác của Loa Pháp . Gieo vần lưng quấn quýt nhau . Và v.v…

    Truyện Kim Qui trong huyền sử Việt, theo KĐ vấn đề không phải là có hay không có Cổ Loa Thành . Vấn đề cần giải mã đào sâu là tâm thức Việt Loa Pháp. Tất cả những chi tiết trong huyền sử đều là biểu tượng :

    Trọng Thuỷ = nước, chỉ phương Bắc
    Mỵ Châu = Mễ Châu = văn hoá nông nghiệp phương Nam
    Kim Quy = Rùa thần = tròn vuông, vì con rùa bụng vuông mai tròn
    Cái Nõ = Dọc ngang tương hợp . Nõ khác cây cung ở cần dọc v.v…

    Ngoài ra, nói chung nhận định của HVT rất đúng về bộ sách đồ sộ Triết An Vi & Việt Nho của giáo sư Lương Kim Định.

    Loa Pháp
    http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=71&ib=200&ict=176

    • Lữ Út says:

      Hoang tưởng.
      Vào youtube tìm Hakka earth dwellings thì sẽ thấy vết tích của thành Cổ Loa.
      Thần Kim Qui trao móng : đó là kết cấu của lẫy nỏ liên châu ! Khổng Minh theo sạn đạo vào đất Ba Thục học được cách dùng nỏ của các bộ tộc điạ phương.
      Thục An Dương Vương là người Thục, không thể chạy xa từ Trùng Khánh đến đồng bằng sông Hồng để lập quốc.Triệu Đà đặt kinh đô ở Quảng Châu ( bây giờ ).

  3. D.Nhật Lệ says:

    Tác giả HVT.là người từng phải trốn chui trốn nhủi để khỏi bị bắt giam của nguyên một tỉnh đảng bộ CS.ở miền Nam cho đến khi Bí thư Tỉnh ủy mất chức và trong thời gian chạy trốn này,ký giả HVT.có
    những hàm ý chê trách CS.nhưng bản chất anh ta vẫn là một “văn nô” như cường điệu khi phê phán
    về nhân tình thế thái.Thích thì anh ta ca tụng lên mây xanh còn ghét thì tuỳ tiện chưởi bới !
    Ở đây HVT.cũng phóng đại qúa đáng khi anh ta “tưởng tượng” rằng huyền triết gia KĐ.bị kiểm soát gắt gao ở 1 dòng tu VN.bên Mỹ.Nhận định có tính suy diễn một cách hàm hồ giống như chế độ cs. VN.kiểm soát con người mà anh ta đang phải chịu đựng !

  4. Thu says:

    Tác giả Hà Văn Thùy này là ai mà môi mép không khác các tay nâng bi sừng sỏ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là một chứng cứ tiêu biểu của lối tư duy bị điều kiện hóa đã nhiễm nặng vào máu không thể sửa được nữa.

  5. Ha kieu Oanh says:

    hA VAN tHUY CA TUNG kIM dINH NHU DA TUNG CA TUNG HO CHI MINH ,, CO GI DAU MA LA… HOAN TOAN UNG HO TA CHI DAI TRUONG,,MOT SU GIA CO KIEN THUC VA TU CACH..

  6. Tô huy cơ says:

    Tôi có dịp đọc một số sách của Kim Định ( sau mãn hạn tù – cuối 1976 – ), cảm giác ngao ngán cho ” trí tuệ Sài thành ” và hiểu vì sao Mỹ đã đến lúc mãn hạn dùng họ , haỹ vứt tất cả suy tư kiểu Kim Định cùng vào sọt rác với suy tư của Mác – Lê ! .

Leave a Reply to Tô huy cơ