WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Số phận hay ngõ cụt

Ảnh mang tính minh họa

Phượng đã bắt đầu trổ bông, tiếng ve đã kêu như rút ruột từ mấy tuần nay. Sân trường vắng hoe, chỉ còn lác đác từng tốp, từng nhóm các học sinh cuối cấp, họ lán lại thì thầm bịn rịn, chia tay nhau. Bộ ba, Hà, Tuấn, Nam, ngồi cạnh nhau rầm rì trò chuyện. Nam có giấy gọi vào trường đại học xây dựng. Tuấn tuần sau đã trở thành người lính. Hà cô bạn gái tinh nghịch cũng có giấy báo vào học khoa tiếng Nga của trường sư phạm ngoại ngữ.  Bỗng Tuấn khùng đập tay xuống bàn, nói như quát làm mọi người giật mình quay lạị:

- Thật vô lý, thằng Nam thi y khoa đạt những 27 điểm, không được đi học ở nước ngoài, có những  thằng chỉ có 22 điểm cũng được đi là thế quái nào!

Nam giữ tay Tuấn lại. Hà bảo:

- Bố Tuấn có im đi không, ở đây có to mồm cũng không giải quyết được vấn đề gì, ngày mai chúng ta cùng lên bộ Giáo dục hỏi cho ra nhẽ, bố tha hồ ở đó mà to mồm. Sau đó chúng ta lên Hồ Tây chơi được chưa?

Nhà Nam ở khu tập thể bệnh viện của thành phố. Căn nhà xiêu vẹo này, phân cho bố Nam khi ông còn làm bác sỹ của bệnh viện. Năm 1972 ông vượt tuyến trốn vào Nam, nhưng không may bị bắt và chết trong tù. Mẹ Nam là công nhân của nhà máy cơ khí. Đã mấy lần bệnh viện đã định đuổi mấy mẹ con Nam ra khỏi nhà, phân cho người khác. Nhưng họ cũng chẳng biết đuổi đi đâu, nên sự việc cứ nhùng nhằng mãi.

Sáng. Nam dậy sớm nấu cơm, xới vào cạp lồng cho mẹ mang đến sở ăn trưa. Mẹ Nam đang đổ cám lợn vào máng, nói vọng vào:

- Thôi con ạ! học ở trong nước cũng được, hoàn cảnh gia đình mình, người ta không cho du học đâu. Hơn nữa con ở nhà kèm em Hải học, chứ mẹ thấy nó mải chơi lắm. Có đi chơi với bạn nhớ về sớm nhé.

Nói xong, bà uống vội cốc nước, dắt xe ra cửa, hòa vào dòng người hối hả đến nhà máy. Nam đang dọn dẹp, nghe thấy tiếng Tuấn ngoài sân. Thằng Hải chạy ra vỗ tay:

- Anh Tuấn hôm nay ăn diện đẹp giai quá, đi đâu cho em theo với!

-   Hôm nay không theo được, toàn những việc “đại sự”  để hôm nào nhập ngũ, anh cho đi lên nơi tập chung.

Hải phụng phịu:

-  Chờ anh lên đường còn lâu lắm.

-  Lâu gì, tuần sau rồi.

- Nhưng có được đi ôtô không anh Tuấn?

-   Tât nhiên là có rồi, yên tâm đi!

Quay sang hỏi Nam:

-  Đi được chưa?

Nam dặn Hải phải làm hết bài tập rồi mới được đi chơi, Hải nói với lại:

- Các anh về nhớ phải có quà cho em đấy!

Nhà Hà ở trong ngõ chợ Khâm thiên. Mẹ là cô giáo dậy tiểu học gần nhà. Ba Hà người Châu Đốc, ra bắc tập kết năm 1955. Ông làm giám đốc một khách sạn ở trung tâm thành phố. Nghe Hà kể, trước khi ra bắc ông đã có vợ, nhưng ông giấu không cho mẹ Hà biết. Sau năm 1975, ông bỏ mẹ con Hà về Nam, làm giám đốc một sở của tỉnh Angiang. Từ ngày mẹ Hà biết ông lừa dối mình, bà giận lắm. Nhiều đêm Hà chợt tỉnh giấc thấy mẹ ngồi thu lu, khóc. Có lần Ba Hà ra Hà Nội công tác, ghé thăm mẹ con Hà, nhưng bà không tiếp. Nhiều kỳ nghỉ hè, ông mang xe ra đón Hà vào Nam chơi, nhưng vì thương mẹ nên Hà không đi.

Nam và Tuấn đến nhà, Hà vẫn còn đang ngủ. Tuấn quát ầm ĩ ngoài cửa.

- Con gái gì mà ngủ trưa vậy? Vào khuân hết cả đồ cũng không biết!

Hà cười trừ:

-  Chờ người ta đánh răng rửa mặt đã nào: Nước trong ấm, mẹ pha khi sáng, hai bố cứ tự nhiên cho.

-  Nhanh lên bà! con một có khác, sau này ai lấy phải bà khổ cả đời thôi.

Nam tủm tỉm cười, Hà nguýt lườm Tuấn.

Đến Bộ đại học, ba người nói và trình bày mãi, ông bảo vệ mới cho vào. Tới vụ tuyển sinh, thấy cửa phòng mở toang cả ba đang lưỡng lự. Nhìn thấy có một người đàn ông đi vào. Hà bước tới, ông ta giang tay ngăn lại:

-   Này, này .. Có hẹn lịch làm việc chưa?

-  Dạ….chưa có, nhưng chúng cháu muốn hỏi một chút thôi ạ!

-  Hỏi cũng phải đặt lịch chứ, đây là cơ quan Bộ, ông bảo vệ buồn cười thật, không có hẹn mà cũng cho các anh chị vào hả!

-  Mong chú thông cảm, bạn cháu tuần sau phải đi nghĩa vụ quân sự rồi …

Ông ta cắt ngang lời Hà:

-  Cũng không được, ở đây có nội qui rõ ràng.

Cả ba chán quá đang định bỏ đi, chợt có một người đàn ông còn trẻ đi về. Thấy ba người còn đứng ở cửa, ông hỏi muốn tìm ai, có việc gì? Cả ba chưa kịp lên tiếng, ông quát Hà khi nãy, trình bày:

-  Báo cáo vụ trưởng, ba cô cậu này không có hẹn, nhưng cứ xông vào, nói mãi không chịu nghe.

Nghe Hà trình bày, ông vụ trưởng cười:

-  Thôi họ đã đến, thì để họ vào.

Nam chưa trình bày hết, ông vụ trưởng bảo ngay:

-  Việc của cậu tôi đã biết. Tôi cũng rất tiếc cho cậu. Nhưng địa phương cậu đề nghị không cho cậu du học, kể cả trong nước, vì ảnh hưởng của cha cậu, mong cậu hiểu, thông cảm cho chúng tôi.

-  Nhưng  cháu thi, và nguyện vọng hoc ngành y khoa, không hiểu sao lại chuyển cháu sang học xây dựng ạ.

Giọng ông vụ trưởng trầm xuống, đồng cảm:

Tôi biết, nhưng không còn cách nào khác.Vì việc của cậu mà chúng tôi họp, bàn đi bàn lại ,cuối cùng chúng tôi thống nhất, chuyển cậu qua học xây dựng, chúng tôi cũng chuyển công văn đến địa phương cậu. Nếu điểm thi của cậu không cao, có lẽ cậu không được vào học bất kỳ trường nào.

Hà xen vào:

-  Người nào làm người ấy chịu chứ ạ. Bố bạn Nam vào tù chứ có phải cậu ấy đâu. Sao lai bất công như vậy?

-  Tôi biết như vậy là bất công với cậu Nam, nhưng đây là chính sách của nhà nước.  Chúng tôi giúp cậu Nam như vậy là tốt lắm rồi. Các cậu về đi, hãy chấp nhận như vậy.

Tuấn định nói gì thêm, nhưng Nam kéo tay Tuấn và Hà đi:

-  Thôi số mạng đã an bài, mình chấp nhận, có nói thêm cũng vô ích.

Cả ba chào ông vụ trưởng,..Xe của họ lao nhanh về hướng Hồ Tây.

…. Chiến tranh biên giới Tây Nam ngày càng tàn khốc và dai dẳng. Những lá thư củaTuấn gửi cho Nam và Hà từ chiến trường về, sặc mùi súng đạn. Tuấn thường kể về những trận đánh và chiến công của đơn vị mình. Mới được ba năm ở chiến trường, Tuấn đã lên đến trung đội trưởng. Tháng 2-1979, chiến sự bùng nổ ở biên giới phía Bắc. Đơn vị thiện chiến của Tuấn được lệnh chuyển ra phía Bắc. Có thể chiến tranh sẽ lan rộng xuống các tỉnh trung du Bắc Bộ ,nên đơn vị Tuấn hành quân không một ngày nghỉ, lên thẳng tuyến đầu Tổ quốc. Rời tay súng ở phía Nam, Tuấn phải đương đầu với trận chiến ở phía bắc, khó khăn, tàn khốc gấp nhiều lần. Nhưng đối chọi với kẻ thù bên kia chiến tuyến, đã được phân định rạch ròi, không làm cho Tuấn sợ bằng sự ghen ghét, hiềm tị trong đơn vị, tình đồng chí. Nó ở khắp mọi nơi, khi ở sau lưng mình, trong cả bữa ăn hàng ngày, có khi ngay giấc ngủ chập chờn bên chiến hào, lúc ẩn lúc hiện như một bóng ma, thật khó phòng chống. Gần đây Hà và Nam nhận được những lá thư chán nản đầy bi quan của Tuấn. Trong thư Tuấn có nói đến sự mâu thuẫn trong đơn vị.  “…..Chỉ một thời gian nữa thôi, khi các bạn ra trường, đi làm các bạn sẽ hiểu những bất công trong cuôc sống….Chỉ vì thành tích cá nhân, họ dám hy sinh cả tiểu đội, một cách vô lý… Biết và đấu tranh sẽ gây ra hằn thù, nhưng mình vẫn làm….”.

Cơn mưa rào đầu hè bất chợt, làm Hà rùng mình. Đứng nép người vào hiên nhà thầy Nguyên, mưa cứ táp vào mặt, người ướt sũng.  Chiều nay, Hà hẹn được gặp thầy để hỏi một đôi chỗ về luận văn, vì tuần sau thầy đã nghỉ dậy, để chuẩn bị sang Nga làm phiên dịch cho một đội lao động…Mưa vẫn xối xả, mái tôn trên nóc nhà khu tập thể rung bần bật, như trực rớt xuống. Nước mưa không kịp thoát, chui qua cửa tràn ào ào vào phòng thầy. Bên cạnh nhà thầy Nguyên, các thầy cô giáo sắn quần lên tới háng, đang be bờ đắp đập tát nước ra ngoài. Nước cống, rác rưởi, phân gio trôi lềnh phềnh, bốc mùi thối hoắc, làm cho Hà như nghẹt thở. Hà  định sang giúp mấy thầy cô  tát nước, thấy thầy Nguyên đang lò dò tìm đường vào nhà, tay dắt xe đạp, tay kia cầm chiếc xích xe  bị đứt, cứ chao đi chao lại. Mấy thầy đang tát nước nói vọng ra:

- Cẩn thận, các lắp cống rãnh bị bật đi hết rồi, rơi xuống đó thì khổ.

Ngẩng đầu lên, thầy Nguyên nhìn thấy Hà, vội phân trần:

-Mưa to, xe lại bị đứt xích, nên về trễ quá, đến lâu chưa em? Xin lỗi nhé!

Hà đỡ và dựng xe cho thầy. Loay hoay một lúc thầy mới mở được cửa phòng, với tay bật công tắc điện, nhưng điện đã bị cắt từ lâu. Tối om. Nước trong nhà ngập quá mắt cá chân. Sờ soạng mãi, thầy cũng tìm được cây đèn dầu.

-  Vào đi Hà, em cứ ngồi lên bàn, cho đỡ lạnh, may quá phòng chật, quần áo chăn màn để trên cao không bị ướt.

Hà bước vào phòng, chân đá loảng xoảng vào xoong, chảo, bếp dầu, trôi lềnh phềnh giữa nhà. Hà rét run cầm cập, nói không thành tiếng:

- Em xin phép thầy em về, hôm khác em đến vậy.

- Trời đang mưa gió thế này, về thế nào được, chờ chút nữa tạnh mưa thầy đưa về. Lạnh lắm phải không? Sang mấy cô giáo phòng bên, mượn áo thay tạm, ngấm nước mưa ốm thì khổ. ….

Mãi đến mười giờ đêm mưa mới tạnh, nước rút dần, bầu trời vẫn tối đen, dường như cả thành phố mất điện. Hương xin phép thầy, cô giáo để về. Thầy Nguyên bảo:

- Khuya,vắng lắm, em để thầy đưa về.

-  Em về một mình cũng được, thầy đưa em, lại quay về hết đêm mất.

-  Không sao đâu, để em về một mình, chúng tôi không yên tâm.

Lội bì bõm một đoạn trong khu tập thể, đất bùn còn đến mắt cá chân, hai thầy trò mới ra đến đường nhựa. Thầy Nguyên bảo:

-  Lên xe đi! thầy chở, ngồi sau nhớ bám chặt, gió to lắm đấy.

Gío to thật, thầy Nguyên gò lưng xuống mà đạp, gió ù ù bên tai. Xe liêu xiêu, phi vào trong đêm. Thỉnh thoảng xe lao xuống vũng nước bắn lên tung tóe, có lúc lại chồm lên, ngúc ngoắc một lúc. Đường vắng lặng, gần đến công viên Thủ lệ, xe bỗng giật khự lại. Thầy Nguyên ngã chúi đầu về phía trước, nằm xoài ra đường. Hà nằm đè lên xe, bàn đạp đâm vào ngang hông đau điếng. Chưa kịp hoàn hồn, Hà bị một người đàn ông ấn giẻ vào miệng, kéo vào hướng công viên. Thầy Nguyên đang lóp ngóp bò dậy, tên lúc trước cầm gậy chọc vào bánh xe, phang một nhát vào đầu, ngất xỉu. Vứt gậy ra vệ đường, hắn vác thầy Nguyên vứt vào bụi cây ở trong công viên. Quay trở lại, hắn khoắng chiếc xe, đạp theo tên đi trước. Mặc cho Hà vùng vẫy, nhưng tên này vẫn xiết chặt tay, kéo Hà đi xềnh xệch. Vào sâu trong công viên, hai tên côn đồ vật Hà  xuống bãi cỏ ướt, thay nhau hãm hiếp, trong tiếng khóc lóc, xin xỏ của Hà…
Gần hai giờ sáng, thầy Nguyên mới tỉnh, biết là gặp phải bọn cướp, côn đồ, thầy lết vào khu tập thể văn công nhờ mọi người trình báo cảnh sát, và đi tìm Hà. Một tiếng đồng hồ sau, tìm thấy Hà nằm trên vũng nước, người tím ngắt, máu chảy từng vệt xuống đùi, mọi người lấy chăn quấn cho Hà, gọi xích lô đưa vào bệnh viện.

Gần trưa, Hà mới tỉnh hẳn, người đau như dần. Nhìn thấy mẹ và Nam ngồi cạnh giường, Hà khóc nấc lên. Mẹ Hà cũng khóc không thành tiếng, nhưng nước mắt chảy dài xuống khóe miệng. Hà dằn lòng, lau vội những giọt nước mắt, an ủi mẹ:

- Con không sao đâu mẹ ạ!
Quay sang hỏi Nam:

- Thầy Nguyên có sao không Nam?

- Mình vừa tới thăm, thầy bị thương ở đầu và chân. Thầy tỉnh táo,nhưng chưa đi được. Theo bác sĩ cho biết, có lẽ vài ba tuần thầy mới khỏe lại.

Hà úp hai tay vào mặt, miệng cắn chặt vào lòng bàn tay, hai vai rung lên bần bật. Nam cúi xuống ôm chặt vai Hà, giọt nước mắt của người bạn, nhỏ xuống mu bàn tay Hà nóng hổi, bàn tay như bật máu. Mẹ Hà đứng nhìn, chân bà như muốn khụy xuống. Tiếng gõ cửa làm bà choàng tỉnh. Hai người cảnh sát bước vào để lấy lời khai của Hà. Nam xiết chặt tay bạn:

- Nghỉ ngơi, tối mình và các bạn sẽ vào thăm Hà.

Hà ra viện trước thầy Nguyên một tuần, nhưng trễ ngày thi, nên phải chờ năm sau. Thầy Nguyên ra viện cũng không kịp ngày bay sang Nga. Trường đại học cũng không nhận lại thầy, vì đã cắt quân số chuyển sang bộ lao động. Hiện tai thầy phải chờ ở Bộ lao động để ghép vào chuyến sau, nhưng chưa biết đến bao giờ. Không biết thời gian này, thầy sống bằng gì?.  Bầu trời tối sầm lại, đất dưới chân Hà như đang lún xuống. Lảo đảo đi về nhà, con đường rất quen thuộc, nhưng hôm nay Hà như lạc lối về.

Cầm quyết định về một công ty xây dựng đóng tại thành phố Cần Thơ từ bộ xây dựng, Nam đến thẳng nhà Hà định rủ bạn đi đâu đó cho khuây khỏa. Nhưng nhìn thấy Hà gầy gò, khô đét, nằm dài trên giường, Nam bỏ ý định đó. Nam thông báo cho Hà tuần tới vào Cần Thơ nhận việc. Nắm chặt tay Nam, Hà không nói gì, hai giọt nước mắt chảy ngược xuống vạt chiếu. Hiểu được tâm trạng của bạn lúc này, ngàn lời động viên cũng bằng vô ích, nên Nam cũng im lặng…Tích tắc..tích tắc, tiếng quả lắc đồng hồ trên tường càng làm cho nỗi đau của họ ..hun hút..sâu thêm ….

……Đặt balô trước phòng trực công ty, Nam trình giấy người bảo vệ. Xem xong, ông ta chỉ cho anh đến phòng tổ chức.  Nghe anh chào giọng Bắc, người trưởng phòng tổ chức xởi lởi, vồn vã:

-  Nam phải không? Tớ mới nhận được công văn của bộ cậu được điều vào đây, nhưng không biết ngày nào cậu vào để mang xe ra đón.

Nam cảm ơn ông trưởng phòng, sau khi trình quyết định, Nam yêu cầu được nhận việc sớm.
-  Mới vào nghỉ ngơi vài ba bữa cho quen đã, sau đó cậu về phụ trách kỹ thuật ngoài công trường, giám đốc quyết định như vậy. Bây giờ cậu qua phòng hành chánh, cô Lan sẽ bố trí phòng ở cho cậu, cần gì cậu cứ nói với cô ấy.

.. Cởi chiếc áo khoác vắt lên thành ghế, Nam để nguyên cả quần và giầy, nằm vật xuống giường. Bao câu hỏi lởn vởn trong đầu Nam từ lúc rời công trường xây dựng trường học về nhà. Tiếng nói của trưởng phòng kỹ thuật cứ văng vẳng:

-  Cậu yên tâm, chúng ta chỉ đổi những vật liệu rẻ tiền vào thôi, giám đốc hẹn cậu về sớm, nhậu ở Vân Kiều.

-  Nhưng lần này là trường học, em chịu trách nhiệm thi công, không may xảy ra, bao nhiêu học sinh ở đó, em sợ lắm.

-  Yên tâm, tuổi thọ công trình chỉ ngắn đi thôi, không bao giờ sập được. Nhớ về sớm – NHẬU- .

Lần này thực sự Nam sợ, như lần đầu tiên khi Nam xuống phụ trách thi công một công trình thuộc loại nhỏ. Vẫn giọng cười khùng khục ấy người trưởng phòng của Nam đã đưa anh vào “ QŨY ĐẠO” của công ty. Sau lần rút ruột công trình ấy, Nam mất ngủ cả tháng trời. Qủa thực từ giám đốc, đến công nhân đều làm như vậy, một mình Nam làm sao giữ được guồng máy khổng lồ ấy ngừng quay. Họ vẫn bớt xén của công để làm mồi nhậu, làm giầu cho bản thân . Chỉ tội cho những công trình cho nhân dân đất nước. Có những công trình công ty anh xây dựng, Sử dụng một vài năm đã phải sửa chữa lại, hoặc đập bỏ. Dằn vặt đấy, day dứt đấy, nhưng anh phải làm gì đây? Cứ nghĩ đến ánh măt trong veo của các em học sinh, Nam lại nghĩ đến công trình mình đang xây dựng. Nỗi sợ trong anh lại rung lên.

Có tiếng chị Lan phòng hành chính gọi, cắt ngang dòng suy nghĩ của Nam:

-  Nam ơi! Giám đốc và mọi người đang đợi ở xe, em phải nhanh lên.

Hôm nay bàn nhậu có thêm một nhân vật mới. Giám đốc giới với Nam:

-  Đây là Tám Long phụ trách tài chánh xây dựng của sở Giáo dục, giới thiệu với cậu, để sau này dễ làm việc với nhau.

Bắt tay Tám Long, ngồi xuống cạnh giám đốc, Nam muốn trình bày, và xin giám đốc đừng rút ruột công trình xây trường học. Nếu không được, anh xin giám đốc cho người khác giám sát thay anh.

Thực tình ông giám đốc người Miền Tây, chịu chơi này rất quí Nam. Ông hiểu hoàn cảnh Nam, nhiều khi ông bảo Nam cần tiền bạc giúp đỡ gia đình ngòai Hà nội đừng ngại cứ nói với ông. Biết Nam độc thân, cuối tuần ông thường rủ Nam về nhà ông chơi cho đỡ buồn. Cho nên Nam rất nể ông. Mấy lần định nói, nhưng Nam cứ ấp úng, mặt đỏ phừng phừng. Biết ý định của Nam, nên ông nói ngay:

- Mình không làm sẽ có công ty khác làm, đừng lo nghĩ gì nữa, tất cả đều làm như vậy. Hơn nữa giữa chúng ta và Tám Long làm với nhau nhiều rồi.

Quay sang Tám Long, giám đốc hỏi:

-  Có phải thế không thế không Tám Long?

Đang nhai nhồm nhoàm miếng thịt rắn trong miệng, nghe gọi tên mình, Tám Long cầm cốc rượu chĩa sang phía Nam bảo:

- Hôm nay là cuối tuần nhậu đi cha nội, đó là chuyện vặt, suy nghĩ làm gì cho mệt.

Như quả bóng xì hơi, Nam không nói được lời nào. Cả bàn nhậu dồn hết rượu về phíaNam, nhao nhao cả lên:

- Uống đi ông bạn, không là phạt đấy!

Công trình xắp hoàn thiện, không hiểu do thù hằn cá nhân, hay muốn chiếm vị trí, công việc của Tám Long, mà một người cùng phòng, đã kiện Tám Long, thông đồng với đối tác xây dựng ăn căp vật tư công trình. Đơn kiện gửi khắp nơi, do vậy cảnh sát, thanh tra xây dựng xuống làm viêc tại công trường, sự việc tóe loe hết cả ra.

Nam hớt hải chạy về công ty. Vào phòng giám đốc, Nam đã thấy Tám Long ở đó. Giám đốc đang cằn nhằn. Thấy Nam vào, ông đưa chai bia và bảo Nam bình tĩnh, ngồi xuống.

- Sự việc đã sảy ra, không ai muốn như vậy, nhưng cứ để cảnh sát, thanh tra truy xét đến cùng  có lẽ vào tù cả.

- Không có cách nào khác sao chú?

- Chỉ còn cách một số cá nhân đứng ra nhận rút, tráo đổi vật tư khi thi công không liên quan gì đến công ty, và bên sở giáo dục.

Giám đốc dừng lại thở dài, nhìn Nam.

- Ý chú bây giờ là thế nào ạ!

-  Chú có người mấy người bạn làm bên điều tra và viện kiểm soát, họ bảo chỉ có cháu và anh em ở đội thi công mới cứu được mọi người. Cháu là người chịu trách nhiệm giám sát thi công, nhận thông đồng công nhân, bảo vệ tráo đổi sắt thép, vật liệu ăn tiền chênh lệch. Xin hoàn trả lại số tiền đó, họ sẽ làm cho vụ này mờ nhạt đi. Chú hứa sẽ cùng mọi người, chạy chọt cùng lắm các cháu chỉ bị án treo và đình chỉ công tác một thời gian.

Trưởng phòng tổ chức, kỹ thuật  vừa đến cũng nói xen vào:

- Cũng chỉ còn cách duy nhất này thôi Nam ạ. Câụ cố gắng giúp bọn tớ, còn việc sau này chúng tớ sẽ lo cho cậu và gia đình.

Tám Long vò đầu vò tai:

- Cố gắng đi Nam, xong việc tớ sẽ xử đẹp cái thằng chó chết dám phá đám này. Sau này nếu cậu thích, tớ sẽ lo cho cậu về ban xây dựng.

Suy nghĩ một lúc, Nam quay sang nói với giám đốc:

- Cháu cũng nghĩ sẽ có ngày này, nhưng không ngờ nó lại đến nhanh thế. Chú cứ để cháu và anh em dưới đội thi công gánh chịu. Chú cố gắng lo cho gia đình họ.

Giám đốc đứng dậy bóp chặt vai Nam:

- Cháu cứ yên tâm, chú và mọi người sẽ làm hết mình.

Đúng như giám đốc nói, tòa chỉ xử lấy lệ, bịt mồm dư luận. Nam bị một năm án treo, không được rời khỏi nơi cư ngụ. Còn các anh em khác người bị đuổi việc, người bị dăm ba tháng án treo. Rời khỏi phòng xử án, họ được xe đón thẳng ra nhà hàng. NHẬU. Trưởng phòng tổ chức rỉ tai anh em;

-  Lương lậu, chế độ, anh em vẫn được lãnh như mọi khi, nghỉ ngơi, hết án lại đi làm bình thường.

Giám đốc cười bảo Nam:

-  Cố gắng nghỉ ngơi, một năm qua đi rất nhanh, bây giờ trên giấy tờ cháu không còn là người của công ty, nhưng căn phòng cháu vẫn giữ để ở. Sang năm lại tiếp tục làm việc, có cần gì nói thẳng với chú, hay bất kỳ anh em nào ở đây.

Trưởng phòng  tổ chức đến ấn một tập tiền vào túi Nam:

- Đây là của tám Long và của mọi người dành cho cậu, các anh em nhà ở đây đều có vợ con cả, nên đã chuyển đến gia đình hết rồi. Đưa thẳng, sợ bố lại tẩn rượu hết.

Cầm tập tiền trên tay, nước mắt Nam như muốn trào ra. Nam cũng không rõ mình cảm động trước tấm lòng mọi người, hay tủi cho thân phận. Lúc này nỗi nhớ mẹ, nhớ Hà Nội trong Nam là rõ nét nhất.

-  Cháu muốn về thăm mẹ, chú có thể làm việc với cảnh sát khu vực cho cháu rời khỏi địa phương vài tuần không?

Giám đốc gật đầu, bảo trưởng phòng tổ chức:

-  Chắc là không có vấn đề gì đâu, sáng  mai cậu làm công văn tiếp nhận em  trai trưởng công an phường vào công ty ta làm việc, xin đã lâu nhưng ta chưa nhận, mang sang gặp hắn, bảo hắn lờ  việc của Nam đi. Còn Nam xong việc nhớ vào ngay, đừng để rắc rối gì sảy ra. Trong này dù sao cũng còn dễ làm ăn hơn ngoài đó.

Tầu vào đến ga Hàng Cỏ, lúc đường phố Hà nội bắt đầu lên đèn. Sân ga vắng, tẻ nhạt. Từng đợt mưa nhẹ như những bọt xà phòng phả vào mặt . Một chút gió lạnh thoáng qua, khẽ rùng  mình, Nam kéo cao cổ áo. Tầu từ từ dừng hẳn, từng đoàn cửu vạn ùa ra, xấn xổ trèo lên tầu tranh, giành khách. Hai ông cửu vạn to như hộ pháp, chẳng nói, chẳng rằng, nỏ cần biết Nam có cần giúp, hay không, vác vali hành lý chạy thẳng ra xích lô, rồi kéo thốc anh lên xe:

-   Anh đi xe của thằng này, tý nữa anh trả tiền công tụi em cho nó, nó không dám lấy đắt anh đâu.

Bàn giao Nam cho người đạp xích lô, hai cửu vạn lại trèo thoắt lên tầu…

Mệt quá, mãi gần trưa, Nam mới dậy được. Thấy mẹ đang lụi hụi ở bếp, Nam hỏi:

- Thằng Hải đi đâu rồi mẹ?
- Nó đi học thêm, chắc cũng sắp về. Gạo nếp con mang trong Nam ra ngon lắm, mẹ đang đồ xôi, con dậy đánh răng rửa mặt rồi ăn với mẹ.

Chờ mẹ dưới bếp lên, Nam cầm tập tiền đưa cho mẹ:

- Mẹ cầm lấy, lo cho thằng Hải. Mẹ cũng làm thêm ít thôi. Kỳ này về con định sửa lại nhà.

Cầm tập tiền, bà giật mình hỏi:

-  Con làm gì mà có nhiều tiền vậy hả Nam?

Nam ngập ngừng:

-  Tiền lương,tiền thưởng, tiền làm thêm ở các công trình ngoài, mấy năm của con đó.
-   Mẹ giữ cho con thôi, khi nào cưới vợ mẹ trả.

-   Mẹ cứ tiêu đi, đừng tiết kiệm quá, thằng Hải năm nay vào đại hoc rồi, nó cũng cần tiền, con còn nữa…vợ con biết đến bao giờ.

Bất chợt, Nam thấy mẹ thở dài:

-  Có chuyện gì vậy mẹ?

-  Con  thì đỡ, chứ thằng Tuấn với con Hà thì tội lắm. Tháng trước Tuấn có đến thăm mẹ. Từ ngày bị thương, về phục viên không có việc làm, tiền thương tật không đủ ăn, mẹ Tuần ốm đau luôn, bây giờ nó mua xích lô để đạp. Còn Hà, nghe Tuấn kể đang bị truy nã, vì tham gia băng cướp.

-  Thật thế không mẹ?

-  Đúng vậy, ảnh của nó in cả trên báo mà.

-  Con gửi cho Hà nhiều thư, không thấy trả lời.

Nuốt vội miếng xôi, Nam đứng dậy:

- Con ra bến Nứa để tìm Tuấn, chiều nếu con không về kịp, mẹ đừng chờ cơm con nhé.

Hỏi mãi, Nam mới tìm thấy Tuấn, đang chúi đầu vào xới bạc trong một quán nước tạm, đằng sau bến xe. Thấy người gọi tên, ngẩng đầu lên, ngập ngừng một lúc Tuấn mới nhận ra Nam.

-  Ôi! Thằng Nam mày về khi nào.

Tuấn đưa bài cho người ngồi chầu rìa:

- Kế phò, cầm bài giúp tao, nhớ bắt gà, hôm nay tao gặp vận may đấy.

Tuấn kéo Nam sang hàng nước bên cạnh, miệng liếng thoắng.

- Mày về khi nào, tình hình trong ấy ra sao?

Nam kể sơ cho Tuấn nghe , rồi dặn đi dặn lại:

– Mày tuyệt đối không được nói lại cho ai, mẹ tao mà biết thì chết đó.

- Nhưng mày định như thế nào bây giờ?

- Tao về chơi ít ngày rồi lại vào trong đó thôi. Tao biết ở đó cũng không có tương lai gì, nhưng còn dễ sống hơn ngoài này. Chí ít, tao cũng giúp được gía đình về mặt kinh tế. Rồi tao vẫn phải lao vào vòng quay cũ, sau đó như thế nào có mà trời mới biết được. Nếu tao ở ngoài này, có lẽ cũng đạp xích lô như mày thôi. Nhưng tao sợ nhất, mẹ tao chịu không nổi.

- Mày nghĩ thế cũng phải. Tao cũng từng sống ở Miền Tây, đơn vị tao cũng nhiều lính Miền Tây, có cả cấp chỉ huy nữa, các bố ấy chịu chơi lắm, chứ mấy bố chỉ huy sau này của tao là dân Bắc Kỳ mình, thâm lắm. Các bố ấy nói một đường làm một nẻo, khó tin lắm.

- Tao nghe nói, ngày đó mày cũng  có vấn đề với mấy tay chỉ huy.

Như gãi đúng vào chỗ ngứa, mặt Tuấn đỏ gay lên:

Đang đánh đấm ở Campuchia, đơn vị tao được lệnh hành quân ngược lên  phía bắc, vì ông anh Tầu đang tàn phá các tỉnh biên giới. Ở chiến trường Campuchia chỉ phải lo đương đầu với kẻ thù, nhưng ở phía bắc ngoài kẻ thù hung hãn ra, chúng tao còn phải lo đối phó những nguy hiểm vô hình khác. Đành rằng chiến tranh sẽ có chết choc, có mất mát, là người lính trực tiếp cầm súng nên chúng tao hiểu điều đó hơn ai hết. Nhưng chiến tranh không có nghĩa là phải chết hết, theo kiểu nướng quân vô tội vạ. Một trận thắng mà chết sạch lính tráng, phỏng các vị chỉ huy có nên nhận công lao?. Đánh ông Tầu, chứ không phải như đánh ông Mỹ nên phải chọn phương án đánh khác, để tránh tổn thất về người ít nhất. Bất đồng ý kiến cũng xuất phát từ quan điểm này, khi đơn vị tao hợp đồng tác chiến với đơn vị bạn. Mâu thuẫn nhiều lúc như muốn vỡ tung ra..Tao bị thương  trong một lần tác chiến như vậy, một quả lựu đạn từ đâu đó bay vào chỗ tao, phúc nhà tao còn lớn nên chỉ bị thương nặng. Đến nay tao vẫn hoài nghi quả lựu đạn đó.

Nằm nhà thương, rồi về trại thương binh an dưỡng, sau đó tao xin phục viên. Về nhà ít ngày, chao ôi! tao mới thấy đồng tiền, bát gạo sao mà to và nặng đến thế. Tiền thương tật không đủ tiền thuốc giảm đau cho tao khi trái gió trở trời. Bà bô tao, ngày ốm nhiều hơn ngày khỏe. Bí bách quá tao phải ra ga Hàng Cỏ dùng thẻ thương binh mua vé tầu vào Sàigòn, bán lại kiếm lời. Nhưng làm cái trò này lâu, phải đóng tiền bảo kê cho bọn trật tự ga. Như mày biết tao luôn luôn cứng đầu, đếch thèm đóng, nhiều lúc cãi lộn đánh nhau loạn xà ngầu. Công an, và sở thương binh nhiều lần thu thẻ thương binh của tao. Cũng may có thằng Thuấn mũi đỏ, mày còn nhớ thằng Thuấn mũi đỏ hồi còn đi học ngồi sau lưng mày không?  Bây giờ nó là công an đường sắt, nó xin và bảo lãnh tao. Nhiều lần quá, rát mặt, nó khùng lên chửi, bảo đéo giúp nữa. Ấy vậy mà lần sau nhìn thấy tao ở trong đồn, nó lại xin ra, rồi lại chửi….

Tao sợ ảnh hưởng đến nó, nên về bàn với bà bô bán cái nhà trong phố, ra ngoài đê mua cái nhà bây giờ, thừa ra mấy cây vàng, tao mua cái xích lô này, còn lại nghe mật ngọt của mấy bố ngân hàng, bà bô đổi ra tiền mặt, đem vào gửi các ông ấy. Cải tổ công thương  với  -GIÁ-LƯƠNG- TIỀN  làm cho đồng tiền trượt giá như ngựa phi, bà bô tao chưa kịp rút ra, đùng một phát các bố  đổi tiền. Thế là gần hai cây vàng đổi được hai cân thịt lợn ngoài chợ. Mày nghĩ có đau không? Chỉ tội cho bà bô tao nằm liệt giường mấy tháng trời.

- Thế cuộc sống của mày bây giờ thế nào?

-  Còn thế nào nữa. Tao đạp xích lô chỉ đủ tiền thuốc nước, tá lả chút ít cho vui. Còn tiền mang về cho bà bô là Hà nó cho đấy.

Nghe đến Hà, Nam hỏi dồn Tuấn:

-  Hà bây giờ thế nào, ở đâu?

- Từ ngày tao về phục viên cũng chỉ gặp Hà vài ba lần. Hàng tháng cho tiền tao, Hà đều gửi qua người khác. Mẹ, và con gái Hà vẫn ở trong ngõ chợ Khâm thiên.

Nam hỏi giật giọng:

- Hà có con khi nào?

- Tao tưởng mày biết rồi chứ, nghe mẹ Hà kể, sau ngày bị hiếp dâm mấy tháng Hà biết mình có thai, đúng rồi lúc đó mày đã vào Nam, nên không biết. Hà nhất định đi phá thai, nhưng bác sỹ không đồng ý vì Hà gầy và yếu lắm. Nếu phá thai Hà sẽ chết.  Mẹ Hà khóc lên khóc xuống khuyên can. Có lẽ vì thương mẹ nên Hà chấp nhận sinh con. Con bé bây giờ ngoan ngoãn và xinh đẹp lắm, tuần trước tao mới đến thăm, chở hai bà cháu đi chơi . Có điều tao khẳng định chắc chắn bây giờ Hà đang lẩn tránh hoạt động  ngoại thành, không ở nội thành.

Cốc nước trà trên tay Nam quên không uống đã lạnh ngắt, điếu thuốc cháy giở trên tay Tuấn cũng tắt ngang chừng. Bực mình Tuấn vứt điếu thuốc xuống đất, lấy chân di đi di lại điếu thuốc nát bươm. Bầu trời tối xầm, mây đen và gió kéo về. Tấm cót che tạm của hàng nước rung lên bần bật, như muốn lật nhào. Tuấn và Nam đều im lặng, dường như có một cơn dông khác ở trong lòng họ.

Mồi tiếp cho mình một điếu thuốc, kêu bà chủ quán thay cho Nam chén trà nóng khác, Tuấn bảo:

-  Nếu mày muốn gặp, tuần này có người mang tiền của Hà đến, tao sẽ hẹn cho mày. Biết mày đã ra ngoài này, chắc nó mừng lắm…

Ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt, lũ trẻ bán dạo chạy tứ tung tìm nơi trú. Nam và Tuấn ngồi xích vào trong, nhường chỗ cho bọn trẻ. Thấy bọn trẻ cằn nhằn trời mưa không bán được hàng,  lỗ nặng. Tần ngần nhìn tụi trẻ, dường như ký ức tuổi thơ đang dội về, Nam rút tiền mua hết sách báo, bánh mì, sổ xố còn lại của chúng. Mua xong chia cho Tuấn một nửa, còn lại số tiền trên tay Nam đưa cả cho Tuấn:

-  Cầm lấy nhớ mua thêm thuốc cho bà già, tuyệt đối không được đánh bạc.

-  Tiền Hà cho tao còn đủ dùng, mày cầm lại đi.

-   Mày bảo bà già là quà của tao, hôm khác tao qua thăm sau, đây cũng không phải tiền sạch đâu. Mày nhớ hẹn Hà cho tao.

Nam bước ra khỏi quán, mưa như xối nước vào mặt, gió gào lên như những ngọn roi quất vào người. Nam liêu xiêu, nghiêng ngả. Tuấn trợn tròn mắt, đuổi theo Nam. Đôi chân cà nhắc của Tuấn không chịu nổi một ngọn roi của gió của mưa. Tuấn ngã xấp xuống đường, anh vẫn còn gọi với theo bạn. Nhưng Nam đã bị cuốn trong cơn giông tố ấy.

Làm như lời Hà dặn, Nam ngồi ở chòi canh cá từ chập tối mà chưa thấy Hà đến. Thỉnh thoảng tiếng còi tầu ra, vào sân ga xép vọng lại càng làm cho Nam sốt ruột. Đêm tối như mực, từng đàn muỗi đói vo ve, vo ve luồn vào cổ vào ống quần mà đốt. Nam phải đứng dậy dậm chân, phẩy tay làm cho cái chòi đung đưa kêu ken két. Dưới đồng, ánh đèn pin sáng lóe lên, rồi lại cụp xuống của mấy người soi ếch. Yên tĩnh quá, Nam nhặt cục đất,ném xuống ao cá, nghe tiếng động, đàn cá cơm lao xao chạy tới. Qúa nửa đêm, Nam nghe tiếng  chân người, bóng đen lại gần, Nam chưa kịp hỏi anh ta đã nói ngay:

-  Anh đừng nói gì cả, đi theo tôi.

Vòng vèo theo người dẫn đường một lúc, Nam cũng đoán ra, có lẽ Hà đang ở quanh khu vực chợ Ninh Hiệp….

Mấy năm không gặp, Nam thấy Hà già đi nhiều quá, hai mắt quầng sâu, khuôn mặt đanh, rắn rỏi. Duy chỉ có mái tóc, vẫn để dài, được búi lên gọn gàng, làm cho Hà vẫn còn vấn vương một chút hương ngày xưa.  Người Hà gầy nhưng khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Thấy Nam sững người nhìn, Hà chạy đến cầm chặt tay Nam:

- Khác quá phải không Nam? thời gian mà.

Nam khẽ gật đầu. Họ đều im lặng. Câu chuyện của họ không biết sẽ được bắt đầu từ đâu. Những chú thạch sùng chạy loạn xà ngầu trong ống luồng trên mái nhà cắn nhau chí chóe. Hà ra bàn rút một điếu thuốc mồi lửa đưa cho Nam, Nam lắc đầu. Hà cười:

-  Cậu vẫn ngoan như xưa. Nghe nói Nam cũng đang gặp rắc rối trong đó. Định trốn lại ngoài này, hay vào chịu trận tiếp.

-  Tuần sau vào lại trong đó, một năm án treo cũng qua nhanh thôi, sau đó mình đi làm lại. Quan trọng nhất không muốn cho mẹ biết,mình đang mang án tù.

Hà cười gằn:

-  Cuộc sống này, trong tù hay ngoài tù có khác gì nhau đâu.

Nam ngước mặt lên nhìn Hà:

-  Vì sao ra nông nỗi này hả Hà?

Dập điếu thuốc đang cháy dở, đặt nhẹ tay lên vai Nam, Hà nói như sắp khóc:

Sau ngày Nam đi, mình theo mẹ ra chợ phụ mẹ bán rau, vì nằm mãi cũng chán. Ngày đầu ngượng lắm, nhiều khi gặp người quen phải vờ quay mặt đi. Buôn bán chẳng được bao nhiêu, nhiều khi cảnh sát, trật tự  đuổi bê cả rau chạy. Có khi mệt quá không chạy được, quang gánh rau quả gom hết về đồn. Mấy tháng sau biết có thai, mình buồn lắm. Định phá bỏ, nhưng lúc đó mình yếu lắm, không thể phá được.

Nhiều lúc Hà muốn tìm đến cái chết, nhưng nghĩ đến mẹ lại thôi. Hà đẻ gần trùng với kỳ thi năm sau, nên không thi tốt nghiệp được, hơn nữa Hà cũng chẳng còn tư tưởng, hứng thú gì nữa. Khi đẻ Hà càng yếu đi, nên thiếu sữa cho con, vì vậy cháu ốm đau dặt dẹo lắm. Cháu ốm đau không có tiền cho cháu vào viện, thuốc men lung tung rồi cháu cũng khỏi. Nhưng có một lần, cháu bị sốt cao, để ở nhà mấy ngày cháu không khỏi. Thấy cháu khó thở quá, mẹ đang ngoài chợ, Hà sợ lắm, quấn chăn, ôm cháu đến bệnh viện, trong túi không có lấy một xu. Đã bốn giờ chiều, phòng khám còn đông lắm. Hà đứng len lét vào cuối hàng. Cháu bé khóc ngoặt ngẽo trên tay, tiếng thở rít lên từng hồi. Dỗ mãi con không nín, thương con, nghĩ tủi cho thân phận, Hà ngồi bệt xuống sàn nhà khóc theo con. Thấy vậy, một chị đứng trước Hà quay lại nhìn cháu bé, hốt hoảng kêu lên:

-   Cháu bé tím cả người rồi, mọi người làm ơn tránh ra, cho cô này bế con lên cấp cứu, không cháu bé tắc thở mất.

Đám đông nhốn nháo một chút rồi dãn ra cho Hà bế con lên.Trên cùng là hai thanh niên, một ngưòi mặc quần bò đỡ người bị thương ở chân. Thấy Hà, người thanh niên dìu bạn sang bên, nhường chỗ. Người bị thương cằn nhằn:

- Chúng ta vừa phải mua chỗ xong.

- Chúng ta thay băng thôi, chờ một chút không sao…Cháu bé này bệnh nặng….mày thật là…

Hà gật đầu cảm ơn họ, bế con vào phòng khám. Nhìn cháu bé, người y tá nói như quát:

- Làm mẹ kiểu gì thế! Con tím ngắt cả người, sao bây giờ mới đưa đến….đúng là…

-  Dạ..em phải…

-  Phải cái gì? Đưa ngay vào phòng trong cho bác sỹ khám.

Khám xong bác sỹ bảo y tá chuyển cháu vào phòng cấp cứu ngay. Đưa con cho người y tá, Hà run lên bần bật. Đóng cửa phòng lại bác sỹ bảo Hà ra ngoài đợi.

Thấy Hà quay lại người thanh niên khi nãy hỏi:

-  Cháu có sao không em?

-  Em cũng không biết nữa, nhưng cháu đang ở trong phòng cấp cứu, em sợ lắm.
Hà quay mặt đi, để giấu dòng nước mắt đang chảy xuống hai gò má. Một lúc sau người y tá đi ra bảo:

-  Cháu bị viêm phổi cấp, phải ở lại bênh viện khoảng một tuần. Bây giờ cháu vẫn đang ở phòng cấp cứu hồi sức, sau đó sẽ ra buồng bệnh. Cô phải trả tiền viện phí ba ngàn đồng.

Hà lúng túng, lí nhí đáp:

- Hiện em chưa có tiền, mấy hôm nữa em trả có được không ạ.

- Không được đâu, vì qui định của bệnh viện. Cô ra phòng kế toán trả tiền, rồi mang hóa đơn về đây.

-  Thực sự em chưa có tiền mà, chị giúp mẹ con em với.

Tiếng người y tá đanh lại:

-  Tôi không thể quyết định được. Nếu cô không có tiền, tối nay bệnh viện cho cháu về nhà đấy.

Hà như quỵ xuống, choáng váng. Người thanh niên đỡ lưng Hà, đập nhẹ vào vai,hỏi:

-  Có sao không em?..thật là…Nào …nào..chúng ta ra phòng kế toán
-  Nhưng em…không có….
-  Không sao,anh cho em mượn.

Hà đỏ mặt lí nhí:

-  Mẹ con em cảm ơn anh. Mấy hôm nữa, em hoàn trả lại cho anh.

-   Không có gì đâu, đừng nghĩ nhiều, khi nào cũng được…Chồng em đâu? Mà để hai mẹ con như thế này.

Hà ấp úng, chưa kịp trả lời, người bị thương thay xong băng đi ra, người thanh niên chạy lại đỡ bạn. Trả xong tiền, Hà đến cảm ơn người thanh niên một lần nữa, rồi hỏi:

- Bây giờ em về chuẩn bị ít đồ cho cháu, anh cho em địa chỉ, mấy hôm nữa em đến gửi lại cho anh.

Người thanh niên cười:

-  Anh người nhà quê, nhà anh ở hơi xa. Địa chỉ không cần đâu. Tên thì anh cho biết. Bạn anh tên Thắng, còn anh tên Việt. Tiện có xe máy đây, bọn anh đưa em về “kẹp ba“ nhé.
Hương đỏ mặt:

-  Nhà em ở trong ngõ chợ gần đây thôi, các anh để em đi bộ về cũng được.

-  Anh đưa em về, biết nhà, sau này anh còn biết chỗ để đòi tiền chứ…thôi ra xe đi…

Người ta nói “ ..lục bình trôi sông, không biết sẽ dạt vào nơi nao” Dường như câu nói này vận vào cuộc đời Hà. Từ những lời ru buồn ấy của cuộc đời Hà, đã làm rung động trái tim của kẻ giang hồ. Phải chăng đó là định mệnh, lần gặp đầu tiên khi đưa con đến bệnh viện. Bản thân Hà cũng không phân biệt được, có phải mình đến với Việt từ tình yêu hay vì cái gì khác . Nhưng có một điều Hà cảm nhận, Việt đến với mình là tình cảm chân thật.

Rồi đám cưới cũng được chóng vánh diễn ra, như những cặp uyên ương khác, có khác chăng, bên nhà trai không có gia đình bố mẹ, mà chỉ có một số bạn bè.

Sau đám cưới Việt bảo mẹ nghỉ chợ, nhưng bà bảo, chợ búa quen rồi nghỉ khó chịu lắm. Hà vẫn ở với mẹ, Việt bảo phải buôn bán làm ăn với bạn bè đi xa luôn nên thường một tuần về nhà một hai lần. Đến gần một năm sau ngày cưới, Hà mới biết Việt cầm đầu băng cướp, tuyến đường từ sân bay Nội bài về Hà nội. Băng cướp này chuyên nhằm vào con cháu những ông to bà lớn, lắm của nhiều tiền, buôn lậu đường hàng không.  Hà không dám cho mẹ biết, chỉ tự dằn vặt bản thân và chồng. Nhiều lần Hà khuyên Việt bỏ nghề, nguy hiểm lắm.

- Anh thử rồi nhưng không được, không nơi nào nhận bọn anh vào làm việc. Thồ rau ra chợ như mẹ có được yên thân đâu. Bọn anh chỉ cướp của những kẻ đáng cướp. Tiền bạc cũng không phải của chúng nó. Chúng nó có thế có quyền cuớp, buôn lậu hợp pháp, còn chúng ta chẳng có gì thì đi cướp lại của bất hợp pháp  thôi.

Những lần như vậy, Hà thường im lặng, vì lời nói của Việt cũng có một phần có lý. Nhưng Hà có những suy nghĩ khác Việt. Từ ngày biết Việt làm nghề đó, Hà ra chợ bán rau cùng mẹ.

Việt bị bắt vào đêm cuối năm, sau khi cùng đồng bọn hốt sạch số hàng  của các ông lớn trong quân đội, và công an. Tin dữ đến làm Hà choáng nhưng không lâu vì Hà đã xác định chắc chắn sẽ có ngày này. Nước mắt âm thầm chảy vào trong, ngày ngày, Hà vẫn thồ rau ra chợ cùng mẹ.

Hà Nội đã vào xuân, bầu trời vẫn mưa rả rích, dai dẳng. Mưa không lớn, nhưng cũng làm tan nát những cánh hoa đầu mùa mới nở. Mặt đường nhớp nháp, đất, nước bẩn của bánh xe văng lên ướt đẫm cả lưng áo, Hà cởi áo cho vào chậu. Đang định lấy rá vo gạo nấu cơm, mang ra chợ cho mẹ, nghe có tiếng mở cửa, giật mình nhận ra người trật tự ngoài chợ, hắn vừa chọc ghẹo Hà sáng nay. Thấy Hà không có phản ứng, có lẽ hắn tưởng….nên hắn theo xe Hà về nhà. Một thoáng sợ, vì hắn có tiếng  là “Mặt sắt “chuyên thu và phạt những người bán hàng rong như mẹ con Hà. Trấn tĩnh trở lại, Hà hỏi hắn:

- Anh tìm ai ?

Hắn khép cửa, cười cợt nhả:

- Còn tìm ai vào đây nữa…

Hà đứng dậy, cầm chìa khóa nhà, bảo hắn:

- Anh ra cho tôi đóng cửa. Tôi phải đi đón con .

- Gìơ này đâu phải là lúc đi đón trẻ con.

Hắn tiến gần lại. Hà vòng tay trước ngực, co người như thế thủ.

-  Anh định làm gì?

-  Ngồi xuống, tôi muốn nói chuyện với cô thôi.

- Tôi không có thời gian, muốn gì tối anh đến, có mẹ tôi ở nhà.

- Nhưng anh chỉ muốn nói chuyện với một mình em.

Hắn đặt bàn tay lên vai Hà. Cúi người xuống tránh, mặt Hà đanh lại:

- Anh đừng vớ vẩn, xin anh ra khỏi nhà.

Hắn sỗ sàng mặc cả:

-  Chiều tôi, tôi sẽ bảo đảm chỗ bán hàng cho mẹ con Hà.

Hà hơi sững người lại do dự, đây có lẽ cũng là lời cảnh cáo của hắn, nếu không được thỏa mãn dục vọng. Thấy vậy, hắn ôm chầm lấy Hà, bế bổng lên. vùng vẫy, Hà quát to:

- Anh bỏ tôi ra.

Hắn càng xiết chặt, chới với Hà dùng chân đạp đổ chiếc bàn, phích nước rơi, nổ vỡ tung tóe.

-  Anh không bỏ tôi ra, tôi la lên đấy.

Thấy Hà chống cự quyết liệt, nghe có tiếng trẻ con ngoài đường đi hoc về, hắn bỏ Hà ra. Mặt đỏ phừng phừng, hắn như con thú vồ hụt mồi.  Đôi mắt hắn như muốn ăn tươi nuốt sống người đàn bà rừng rực đang vào độ chín. Xốc lại quần áo, đưa tay quẹt ngang miệng, hắn bước ra ngoài, vứt lại một câu đe dọa:

-  Cô hãy coi chừng!

Ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay úp vào mặt, Hà khóc nức nở. Hai khuy áo bị đứt, để lộ ra bộ ngực căng tròn, đang rung lên.

Sau ngày đó, Hà không dám ra chợ giúp mẹ nữa. Rồi chỗ ngồi bán tạm của mẹ Hà cũng mất luôn. Mẹ Hà phải theo phụ giúp mẹ của người học trò cũ.

Phải nói rằng Hà đã bị dồn đến chân tường, cuộc sống mưu sinh không còn lối thoát. Sau bao đêm dằn vặt suy nghĩ, Hà đành phải để lại con cho mẹ, tìm đến các người bạn của chồng, tiếp tục theo con đường chồng đã chọn. Ổn định băng nhóm xong, việc đầu tiên Hà nghĩ đến việc trả thù gã trật tự ngoài chợ, kẻ đã góp phần đẩy Hà đến con đường khốn cùng. Được sự hưởng ứng của đồng bọn, trong một đêm, Hà đã dọn sạch nhà của gã. Cay lắm, nhưng  hắn không bao giờ hắn nghĩ đến, người đàn bà yếu đuối như Hà làm, vì hắn có quá nhiều kẻ thù. Trong một lần gần đây, Nhóm của Hà cướp được một xe chở rất nhiều thuốc tây, do vô tình Hà đã bị nhận dạng, vì người áp tải hàng là Hằng tây, con dâu một ông cỡ bự thuộc bộ ngoại giao, bạn học cùng suốt mấy năm đại học. Đặc biệt mớ hàng này, nhóm Hà phân phát hết cho các bệnh nhân nghèo, ăn ngủ vật vờ xung quanh các bệnh viện…

Trời đã gần sáng, ngọn đèn phập phù, đung đưa run rẩy, vì bấc đã cạn dầu. Giọng Hà chùng xuống, Nam ngồi đó như tượng đá. Tiếng chó sủa đầu xóm làm cả hai bừng tỉnh. Nhìn đồng hồ Hà bảo:

-  Bây giờ Hà phải đi rồi, cậu đi nhớ phải giữ gìn cẩn thận.

Ôm chặt hai vai Hà, Nam hỏi:

-  Chúng ta có còn gặp lại nữa hay không?

-  Con đường chúng ta khó nói trước được, nó mịt mù lắm. Nhưng mình tin chúng ta nhất định sẽ gặp lại nhau.

Xiết chặt tay Nam, Hà nhảy lên xe phóng đi. Mùi khói đập vào mũi Nam, khét,và cay. Nam khật khưỡng bước đi, con đường ghập ghềnh, xa lạ.  Đường về nhà còn xa lắm, trượt chân, Nam ngã xuống con mương nhỏ, đầy sình bùn. Trong đêm tối tăm, vắng vẻ này, ai là người đưa Nam ra khỏi vũng bùn dơ bẩn đó.

Wallhalben  25-5-90-

Đỗ Trường gửi tới

.

 

 

Phản hồi