Bình thơ Lê Bá Duy
Những hạt mưa trên cây không gian
Rụng xuống đôi môi khô ráp
Tia chớp giữa thu rạch những đường điện cắt
Cặp chim hoà bình giật điếng một chiều hoang
Nép vào nhau những cô gái nhỡ đàng
Vai sũng nước cứ rung lên nhè nhẹ
Câu hát bật ra từ những lồng ngực trẻ
Bong bóng bập bồng ghi những nốt nhạc mưa
Một phút thôi thấp thoáng bóng xa xưa
Cứ thoắt ẩn bâng khuâng, thương nhớ
Đường hôn nhân đã một lần lầm lỡ
Không thể lỡ lầm khi tìm thấy miền yêu…
Nắng chìm ngày mưa giăng mắc liêu xiêu
Đôi chân nhỏ đi nhanh về tổ ấm
Con gió lạc kèm theo tiếng sấm
Xô lệch đường ai về bến mười hai…
Có phải chăng định mệnh đã an bài
Hay con đường mà em đã chọn
Cây đắng đót từ gốc cành đến ngọn
Ứa mầm đau hồng thắm một tình yêu
Gió và mây cứ lãng đãng cuối chiều
Không để ý cơn mưa thu đã tắt
Còn sót lại một hạt rơi trên mắt
Đủ làm nhoè se sắt một hồn thơ.
22/9/2009
Lê Bá Duy
(Trích trong tập “Khoảng mỏng” – NXB Văn học 2011)
Bài thơ được viết trên đường nhà thơ trở về ngôi nhà thân yêu của mình, một buổi chiều mùa thu mưa:
Những hạt mưa trên cây không gian
Rụng xuống đôi môi khô ráp
Tia chớp giữa thu rạch những đường điện cắt
Cặp chim hoà bình giật điếng một chiều hoang
Có đôi chim bồ câu nào đó giật mình trong ánh chớp của buổi chiều hoang – Nhưng thực ra cái buổi chiều ấy lại đầy chất trữ tình, có lẽ bởi tâm hồn và trái tim nhà thơ hoang, cho nên nó mới thành hoang? Ta cứ đọc vào đoạn thơ hai thì sẽ thấy cảnh chiều mà tác giả tả nó chẳng hoang một chút nào:
Nép vào nhau những cô gái nhỡ đàng
Vai sũng nước cứ rung lên nhè nhẹ
Câu hát bật ra từ những lồng ngực trẻ
Bong bóng bập bồng ghi những nốt nhạc mưa
Hình ảnh hoà vào trong âm điệu những câu thơ như một bản nhạc tình. Từ những cô gái đang đi nhỡ đàng không kịp trú bị mưa thấm sũng nước, làm ta tưởng tượng quần áo của các nàng cứ dán vào da thịt, các bờ vai ngấm lạnh rung lên. Nhưng những câu hát lại bật ra từ những lồng ngực trẻ, đó là bầu ngực những thiếu nữ thấm mưa càng thêm tròn căng, quyến rũ… đến cả những giọt mưa cũng:
Bong bóng bập bồng ghi những nốt nhạc mưa
Cảnh tình chứa chan kia gợi vào làm cho trái tim nhà thơ bỗng nhói đau, bởi:
Một phút thôi thấp thoáng bóng xa xưa
Cứ thoắt ẩn bâng khuâng, thương nhớ…
Mối tình cũ do một lỗi lầm nào đó trót bị tan vỡ đang nghiến rứt trong anh, và bóng dáng của người con gái xa xưa lại hiện về giữa chiều mưa ấy. Trái tim nhà thơ khát vọng tình yêu! Có thể hình ảnh các thôn nữ gợi cho anh nhớ lại, rồi tự nhắn nhủ với lòng mình: Lỗi lầm xưa không thể sai phạm thêm lần nữa khi tình yêu mới đến!
Nghĩa là có thể có bóng hình một người con gái nào khác đã bắt đầu nhen nhóm vào trong anh:
Đường hôn nhân đã một lần lầm lỡ
Không thể lỡ lầm khi tìm thấy miền yêu…
Nhưng cái mối tình do lầm lỡ để rồi dẫn đến sự tan vỡ tưởng rằng chỉ thoắt ẩn, thoắt hiện với một chút bâng khuâng, thương nhớ… lại theo suốt cả bài thơ, cả chặng đường nhà thơ trở về nhà – Ai có thể đoán chắc rằng: Hình bóng người con gái xưa lại không vào tâm trí, trái tim trong cả cuộc đời anh?
Vào đoạn thơ 5 ta thấy tác giả lại trăn trở lòng mình về mối tình xưa ấy:
Có phải chăng định mệnh đã an bài
Hay con đường mà em đã chọn
Cây đắng đót từ gốc cành đến ngọn
Ứa mầm đau hồng thắm một tình yêu
Ta chưa hiểu được tình sử của mối tình đã qua bị tan vỡ thế nào? Bởi một duyên cớ gì khiến anh phải tự vấn với lương tâm mình đã gây nên lỗi lầm như thế? Nhưng có phút trong ý niệm tư tưởng của nhà thơ đã coi đó là số phận, nên mới tự nhủ: Có phải chăng định mệnh đã an bài/ – Dù đó có cho là quyết định của em đã chọn, thì cũng chỉ là cách tác giả tự xoa vợi đi nỗi đau của lòng mình. Tuy vậy trong thẳm sâu ta vẫn thấy lòng anh thật đau đớn như lời thơ đã viết:
Cây đắng đót từ gốc cành đến ngọn
Nghĩa là, dù bất kể một sự cố nào xẩy ra thì vết thương tình đã để lại cho anh một nỗi đau vô bờ, làm trái tim tan nát:
Ứa mầm đau hồng thắm một tình yêu
Hình ảnh của câu thơ đầy khúc triết và hay! Tôi xin phân tích đôi nét về câu thơ này: Sự tan vỡ của cuộc tình lại ứa ra… hay là gieo vào trái tim anh một cái “mầm đau”. Khi lòng anh càng tan nát bao nhiêu thì chẳng những tình không nguôi vơi đi… mà anh lại càng thiết tha yêu người con gái đó. Khát vọng của trái tim càng mãnh liệt hơn! Dù ở trên anh có tự vấn rằng: Đó là do định mệnh đã an bài! Vậy là dẫu tình đã vỡ, nhưng ngọn lửa tình năm tháng không hề tàn trong trái tim anh.
Bài thơ cứ được đan xen giữa hình ảnh của buổi chiều mùa thu mưa với nỗi lòng của tác giả quặn đau. Cái cảnh chiều trên đường trở về nhà cũng từng đoạn biến đổi theo bước chân anh. Nếu vào đầu bài thơ ta thấy tác giả tả:
Những hạt mưa trên cây không gian…
Tia chớp giữa thu rạch những đường điện cắt
Thì cũng cái cảnh chiều đó sang đoạn thơ thứ tư:
Nắng chìm ngày mưa giăng mắc liêu xiêu
Đôi chân nhỏ đi nhanh về tổ ấm
Chiều đó bóng nắng đã chìm lặn xuống nhường chỗ cho những hạt mưa giăng như mắc cứ bay phủ lên người, giăng lên cả cánh đồng và con đường quê anh đi – Một hình ảnh mưa chiều được mô tả thật sinh động và gợi cảm:
Con gió lạc kèm theo tiếng sấm
Xô lệch đường ai về bến mười hai…
Theo tiếng sấm của chiều mưa là cả con gió lạc loài thổi qua – Phải chăng đó cũng chính như lòng nhà thơ đang bơ vơ, lạc lõng giữa chiều quê? nên con gió đó mới “…xô lệch đường anh đi” – Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Lê Bá Duy miêu tả thấm tháp đầy nỗi tình đời, cứ quyện vào nhau để diễn tả nỗi niềm, một khát vọng yêu đương cháy bỏng!
Bài thơ mà tác giả lấy cái tên đề gọi là “Tản mạn” – Song nó bao bọc, chứa chất từ hình ảnh quê đến khát vọng của cuộc tình với một người con gái thật sâu sắc. Ta nghe vào đoạn cuối tác giả lại tiếp tục tả cảnh chiều:
Gió và mây cứ lãng đãng cuối chiều
Không để ý cơn mưa thu đã tắt
Còn sót lại một hạt rơi trên mắt
Đủ làm nhoè se sắt một hồn thơ.
Cái cảnh chiều đến đây như bâng khuâng mà lại có vẻ như lòng người đang hờ hững? Không phải. Phải chăng lòng tác giả đang dùng dằng muốn níu kéo lại một cái gì đó, quên phắt mình đang đi trong cơn mưa – nên:
Không để ý cơn mưa thu đã tắt
Kể cả gió và những làn mây đang tha thẩn lãng đãng trôi ở cuối chiều kia, cũng có phải đâu là chúng vô tư? Cảnh ấy lòng đây ăm ắp đầy hồn và tình của người thơ đang đi trong đó! Bởi vậy đọc câu thơ ta thấy cảm xúc da diết lạ thường. Cho nên cái trời mưa kia dù chỉ:
Còn sót lại một hạt rơi trên mắt
Đây thực ra chính là giọt lệ của nhà thơ! Lệ của Lê Bá Duy viết đến đây đã nhỏ xuống trang thơ của cái chiều thu mưa ấy – Cái chiều lắng đọng cả nỗi đau cùng tình yêu thương tha thiết của trái tim anh hoài vọng lại một mối tình đã qua đi, để rồi tất cả được gói lại trong một câu thơ kết cuối bài:
Đủ làm nhoè se sắt một hồn thơ!
Nước mắt nhà thơ cùng với những giọt mưa thu của buổi chiều quê đó đã cho Lê Bá Duy một áng thơ tình đẹp. Một sự tri âm chí tình, chí nghĩa với cuộc sống và bạn đời biết bao! “Tản mạn” là một trong số những bài thơ tình hay nhất của tập thơ Khoảng Mỏng – Bài thơ từ trong cảm xúc trái tim nhà thơ trào ra nên không khỏi có những sự yếu lòng: Tôi yêu bài thơ và cũng yêu cả những giọt lệ đã nhoè đi se sắt ở thơ anh!
© Phạm Ngọc Thái
© Đàn Chim Việt
LÀM THƠ VÀ BÌNH THƠ
Thơ như con suối tự nguồn
Nguồn mà khô cạn suối buồn hay chi
Làm thơ như gió khác gì
Gió lành phản phất hương đi theo mình
Nếu thơ chỉ kiểu lình xình
Rặn thơ nào khác đóng đinh trên tường
Thơ hay hương tỏa ngàn phương
Còn như thơ tệ lươn ươn xập xòa
Bình thơ cốt lấy tinh hoa
Tinh mà không có hoa thời có chi
Bình thơ cần cảm được gì
Còn như không cảm có khi chẳng cần
Thơ hay đọc thấy bâng khuâng
Còn như thơ tệ nhiều phần xót xa
NON NGÀN
(06/5/12)
Thơ trừu tượng, ý khá sắc sảo,
Sẽ đọc lại.
Riêng chữ ” cứ ” nên tránh đặt
trong thơ, làm thơ hơi …vè.
Bài bình thơ này, lan man, kể nể như bài viết của học sinh cấp hai. Bài thơ hay, đọc lời bình đâm mất hay. Tác giả viết, không cảm thụ được bài thơ. Ngay khổ thơ đầu Phạm Ngọc Thái, không có cảm nhận, nên viết rất vớ vẩn- “Có đôi chim bồ câu nào đó giật mình trong ánh chớp của buổi chiều hoang- Nhưng thực ra buổi chiều ấy lại đầy chất trữ tình, có lẽ bởi tâm hồn và trái tim nhà thơ hoang, cho nên nó mới thành hoang..”
Thật ra khổ thơ trên cơn mưa chỉ là cái cớ để tác giả thổ lộ một cái gì đó bất chợt đến làm cho lòng rung động. Những hạt mưa trên CÂY KHÔNG GIAN, rất mông lung, có một khoảng trống trong cái sa mạc ấy, RỚT xuống mảnh đất khô cằn, mà bấy lâu thiếu vắng- Đôi môi khô ráp. Cơn mưa ngọt ngào thoáng qua trong giây phút, để rồi giật mình lại thấy vết thương cũ…Tia chớp giữa thu rạch…
Ở đây không có tựa đề của bài thơ, có lẽ người bình quên chăng?