WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tiếng Việt nào?

Trong các buổi thuyết trình về tiếng Việt đây đó cũng như các buổi tu nghiệp dành cho giáo viên tiếng Việt tại Úc, một trong những câu hỏi tôi thường nghe nhất là: Có nên dạy “tiếng Việt của Việt Cộng” cho học sinh và sinh viên ở nước ngoài? Mới đây, tôi lại nghe một câu hỏi khác từ một người bạn làm trong ngành truyền thông: Thính giả của đài là người Việt trong nước, đài có nên sử dụng từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa thời trước không?

Thú thực, nghe những câu hỏi như thế bao giờ tôi cũng có chút bối rối. Bối rối không phải vì không biết cách trả lời. Bối rối chỉ vì tôi hiểu những băn khoăn và day dứt trong lòng họ khi đặt ra những câu hỏi ấy. Rõ ràng đó không phải là những câu hỏi thuần túy học thuật. Những câu hỏi ấy xuất phát chủ yếu từ những dằn vặt về tâm lý, những ám ảnh về chính trị, và đặc biệt từ những ký ức khốn khổ của chiến tranh và của sự phân hóa.

Từ góc độ học thuật, không có cái gọi là từ ngữ Việt Cộng hay từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa.

Lý do:

Thứ nhất, sự phân biệt giữa Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa là sự phân biệt thuần túy chính trị. Mà ngôn ngữ, ở cấp độ từ vựng, lại không có tính chính trị. Những từ như “ngụy”, “cách mạng”, “giải phóng”, “cải tạo”, “đăng ký”, “khẩn trương”, “bộ đội”, “lính thủy đánh bộ”, v.v. tự chúng, chả có tội tình gì cả. Chúng là những yếu tố nằm trong kho từ vựng tiếng Việt. Phần lớn những từ ấy đã có từ lâu. Ngay một số từ ghép lạ tai với người miền Nam như “lính thủy đánh bộ” cũng bao gồm những từ tố quen thuộc vốn đã có sẵn trong tiếng Việt. Tính chính trị của từ không nằm trong bản thân của các từ ấy. Tính chính trị chỉ có trong các sử dụng. Chữ “giải phóng”, chẳng hạn, hoàn toàn phi chính trị. Nhưng dùng chữ “giải phóng” để chỉ ngày 30 tháng Tư, ví dụ: “ngày giải phóng”, “khi đất nước được giải phóng”, yếu tố chính trị mới xuất hiện.

Nhớ, đầu năm 1990, khi Mỹ và lực lượng Đồng minh (bao gồm 34 quốc gia khác nhau) đánh bật quân đội Iraq của Saddam Hussein ra khỏi Kuwait, nhiều người làm báo ở hải ngoại đã phân vân không biết dùng chữ gì để dịch khái niệm “liberation of Kuwait” vốn được sử dụng đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Dĩ nhiên ai cũng biết “liberation” là giải phóng. Nhưng người ta lại ngần ngại không muốn dùng chữ “giải phóng” vì, một phần nó gợi lại ấn tượng đau buồn ê chề của họ sau năm 1975; phần khác, vì nó phảng phất âm hưởng… Việt Cộng. Nhưng sự ngần ngại ấy không kéo dài được lâu. Tránh né cách gì, cuối cùng, người ta cũng bắt buộc phải dùng chữ “giải phóng” để chỉ việc quân đội của Saddam Hussein bị đánh bật ra khỏi Kuwait và việc người dân Kuwait hân hoan chào đón tự do và độc lập. Không có chữ gì khác. Dùng riết, trong bối cảnh ấy, chữ “giải phóng” bỗng trở lại nguyên nghĩa của nó. Mà như thế, kể cũng phải. Đứng một mình, chữ ấy hoàn toàn trong sáng. Và trong sạch. Đối với người dân Kuwait, chữ ấy vang lên như một tiếng reo. Nó chỉ trở thành nặng nề với người Việt ở miền Nam mà thôi. Nói cách khác, vấn đề ở đây chỉ là vấn đề cách sử dụng. Nghĩa là ở ngữ cảnh. Chỉ ở ngữ cảnh.

Tương tự như vậy, cách đây mấy năm, ở trong nước, khi dịch cuốn De la démocratie en Amériquecủa Alexis de Tocqueville, dịch giả Phạm Toàn phải sửa “Dân chủ ở Hoa Kỳ” thành “Nền dân trị ở Hoa Kỳ”. Lý do: Ông biết nhà nước Việt Nam hiện nay rất dị ứng với chữ “dân chủ”.

Thứ hai, không nên quá phóng đại vai trò của chính phủ hoặc đảng cầm quyền trong lãnh vực ngôn ngữ. Ngôn ngữ, tự bản chất, là một quy ước xã hội, hình thành từ sự đồng thuận của cả cộng đồng. Bản thân ông Hồ Chí Minh, với tư cách người có quyền lực cao nhất ở miền Bắc từ sau năm 1945, đã muốn “cải cách” chữ quốc ngữ với những cách viết như “kách mệnh” hay “zải phóng”, những kết hợp từ như “dân quân gái” hoặc “người lái” (phi công), cuối cùng cũng thất bại. Hơn nữa, theo dõi kỹ tình hình trong nước, chúnng ta có thể thấy ngay, từ mấy chục năm nay, chính quyền và đảng Cộng sản hầu như bỏ ngỏ lãnh vực ngôn ngữ. Có rất nhiều việc họ cần làm và nên làm, nhưng họ hoàn toàn không làm. Rõ nhất là về phương diện chính tả cũng như việc phiên âm nhân danh và địa danh nước ngoài. Phần lớn các đề nghị thay đổi đều có tính chất tự phát và nảy sinh từ một số cá nhân có thiện chí (có khi đúng có khi sai) hơn là từ một quyền lực chính trị nào.

Thứ ba, không nên quy các phương ngữ vào hai phạm trù Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa. Sự khác biệt giữa một số từ vựng mà nhiều người hay lên tiếng hoặc để bênh vực hoặc để đả kích phần lớn đều thuộc phạm trù phương ngữ. Mà phương ngữ lại là một hiện tượng lâu đời ở Việt Nam. Từ lâu, một số từ vựng ở miền Nam, miền Bắc và miền Trung đã khác nhau. Hầu hết những khác biệt ấy đều có tính chất địa lý, xã hội và lịch sử hơn là chính trị. Nơi thì gọi “túc cầu”, nơi thì gọi “bóng đá”; nơi thì gọi “phi trường”, nơi thì gọi “sân bay”; nơi thì gọi “quan thuế”, nơi thì gọi “hải quan”; nơi thì gọi “trực thăng”, nơi thì gọi “máy bay lên thẳng”… Thì cũng bình thường. Như ngày trước, chúng ta đã có những khác biệt giữa “heo” và “lợn”, giữa “cha” và “bố”, giữa “cân” và “ký”, giữa “xe lửa” và “tàu hỏa”, “xe hơi” và “xe ô tô”, “xe đò” và “xe khách”, giữa “cá quả”, “cá lóc” và cá tràu”, v.v.

Thứ tư, ngôn ngữ, cũng giống như đời sống, không ngừng vận động và phát triển. Hễ trong xã hội xuất hiện những sản phẩm mới hoặc những hiện tượng mới, những nhận thức mới người ta lại có những nhu cầu đặt ra những từ mới. Nhớ, năm 1996, lần đầu tiên về nước, tôi cảm thấy rất thú vị khi nghe người ta gọi trà Lipton (loại trà bỏ trong gói nhỏ nhúng thẳng vào nước sôi để uống) là trà giật giật; cái robinet (đồ vặn nước ở bồn tắm hoặc bồn rửa mặt) loại mới là cái gật gù (chỉ cần đẩy lên hay xuống chứ không cần vặn theo chiều kim đồng hồ); bò beefsteak là bò né… Nghe, thoạt đầu, thấy ngồ ngộ; sau, ngẫm lại, thấy cũng hay hay. Tôi chẳng thấy có ông hay bà Việt Cộng nào trong những chữ ấy cả. Tôi chỉ thấy có cuộc đời.

Nói tóm lại, theo tôi, phần lớn những sự phân biệt giữa từ Việt Cộng và từ Việt Nam Cộng Hòa là những sự phân biệt giả. Đứng về phương diện từ vựng, đó là những sự khác biệt, một, có tính chất phương ngữ; hai, xuất phát từ những thay đổi trong đời sống. Không nên gắn chúng với một nội dung chính trị nào. Ví dụ, ở nhiều trường tiếng Việt ở hải ngoại hiện nay, nhiều người vẫn khăng khăng dùng chữ “văn phạm” thay cho chữ “ngữ pháp” với lý do chữ “văn phạm” là chữ của ta, còn chữ “ngữ pháp” là chữ của Việt Cộng. Người ta quên hoặc không biết, ở miền Nam, năm 1963, Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình đã có cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (Nhà xuất Đại học Huế); năm 1968, Lê Văn Lý đã có cuốn Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam (Bộ giáo dục xuất bản); năm 1970, Doãn Quốc Sỹ và Đoàn Quốc Bửu đã có cuốn Lược khảo về ngữ pháp Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn xuất bản), v.v. Sự chọn lựa giữa chữ văn phạm và chữ ngữ pháp, do đó, chỉ là một chọn lựa có tính học thuật: chữ “ngữ pháp” càng ngày càng được nhiều người sử dụng vì người ta nhận thấy nó chính xác hơn chữ “văn phạm” vì, một, đối tượng khảo sát của “grammar” chỉ dừng lại ở cấp độ từ, ngữ và câu chứ không phải là văn chương; và hai, ngôn ngữ, tự bản chất, chỉ có tính quy ước với một số cách thức (pháp) kết hợp chứ không có tính quy phạm (norm). Sự khác biệt giữa hai chữ “xa lộ” và “đường cao tốc” cũng nên được nhìn nhận như vậy: chữ sau hợp lý hơn vì ở thời đại ngày nay, sự phân biệt giữa các loại đường xá là ở tốc độ cho phép chứ không phải ở loại xe, nhất là giữa xe đạp và xe hơi như ngày xưa.

Tôi đề nghị nên xem một số khác biệt trong từ vựng hiện nay là những khác biệt có tính phương ngữ, vừa là ngôn ngữ địa phương vừa là phương ngữ xã hội.

Nhận định ấy dẫn đến mấy hệ luận chính:

Một, mọi phương ngữ đều bình đẳng. Không có phương ngữ nào là đúng hơn phương ngữ nào cả. Không thể nói chữ “heo” đứng hơn chữ “lợn”, “cha” hay “ba” đứng hơn “bố” hay “tía”; “mẹ” đúng hơn “má”. Cũng như trong tiếng Anh hiện nay, không ai nói tiếng Anh ở Anh thì đúng hơn tiếng Anh ở Mỹ hay ở Úc hoặc Canada. Khái niệm một thứ ngôn ngữ chuẩn (standard language) bị xem là đã lỗi thời.

Hai, mỗi phương ngữ, một mặt, có một vùng hoạt động riêng; mặt khác, không ngừng giao tiếp với nhau. Con vật người miền Nam và miền Trung gọi là con heo thì người  miền Bắc gọi là con lợn; nhưng ngay ở miền Nam và miền Trung, người ta cũng gọi là “bánh da lợn” chứ không phải “bánh da heo”, và ở miền Bắc, người ta cũng xem “phim con heo” chứ không phải “phim con lợn”.

Ba, giữa các phương ngữ không ngừng có cuộc cạnh tranh gay gắt để được chấp nhận và phổ biến trong cả nước. Các cuộc cạnh tranh ấy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Chính trị chỉ là một phần. Từ năm 1975, chính quyền đặt tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, dân chúng vẫn cứ gọi là Sài Gòn.

Bốn, sự tồn tại của các phương ngữ chỉ có tác dụng làm giàu cho tiếng Việt. Sự tồn tại của chữ “sân bay” bên cạnh chữ “phi trường” giống như sự tồn tại của chữ “nhà thơ” bên cạnh chữ “thi sĩ” hay “thi nhân”. Những chữ như “khẩn trương”, “bức xúc” hay “đăng ký”… đều hay nếu biết cách sử dụng (tình hình khẩn trương, không khí căng thẳng, hành động gấp gáp; tâm trạng bức xúc; đăng ký xe và ghi danh học, v.v.).

Vấn đề là ở cách dùng.

Chỉ ở cách dùng.

Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

 

101 Phản hồi cho “Tiếng Việt nào?”

  1. nguyenha says:

    Tự dưng Ông Ng.H quốc dặt thành “vấn dề” tiếng Việt của “Việt Công” và tiếng Việt của” VNCH”.Dã là tiếng Việt là tiếng Việt của VN,không mang màu sắc Chính-trị,nhưng phải chuẩn xác! Không ai chối cải dược Ngôn ngữ là một thành phần chính của Văn-Hóa.Văn hóa như thế nào thì qua ngôn ngữ dễ dàng thấy rõ.Dưới một nền Văn hóa-giáo dục Maxist-Leninist ,liệu ngôn ngữ(tiếng Việt) còn giữ dược tính trong-sáng như” bản gốc” của nó hay không? Chính dây là diều mà chúng ta phải suy nghĩ??Có người cho rằng Ngôn ngữ chắc như “cua gạch”,nói thế không dúng,ngôn ngử là phương tiện dể chuyên chở Văn hóa,hay nói khác hơn Ngôn ngử là “chiếc xe”,văn hóa là “hàng hóa”.Hàng hóa như thế nào thì phương tiện như thế dấy!!Nói tóm lại,khi dạy bất cứ ngôn ngử nào,chúng ta nên dùng ngôn ngử của nền Văn-hóa Chính thống
    mà không thể dùng ngôn ngử của thứ văn hóa “lai căng’”dược,.

  2. Người ta nói giúp lời không ai giúp của giúp đủa không ai giúp cơm. Trao cho một người chiếc cần câu rồi tự họ bắt cá thì hay hơn là đem con cá lại cho họ hoài hoài.

    Thật ra, dạy các em nhỏ hoặc người mới học tiếng Việt là dạy phương pháp, văn phạm, cách nói cách viết theo Việt văn, một cách đơn giản nhứt. Rồi tự các em hoặc học viên do quen dần với phương pháp Việt mà tự đặt ra lời văn lối nói . Những người mới học chắc không thể ôm đồm từ ngữ một cách tinh tế được.

    Ngày tui còn đi học, học sinh học ca dao, tục ngữ, Quốc Văn Giáo Khoa Thư,Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Bích câu Kỳ Ngộ, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, v.v…
    Tui thấy là người Mỹ hiện tại vẫn dạy học sinh các bậc tiểu và trung học của họ văn học truyền thống của Anh Văn như Shakespear, Mark Twain, Hemmingway, Alan Edgar Poe v.v…

    Tui không nghĩ là có 2 thứ tiếng Việt. Bằng cớ là người Việt, bất kỳ là ai, nói vẫn hiểu nhau. Có điều, về mặt học thuật, viết là nói nên cho HAY và ĐẸP. Chữ nào cũng được, tùy người.

    Có phải chăng, kỹ niệm đẹp là những kỹ niệm của câu ca dao Việt văn một ngày hè nắng ấm?

    Gió đưa gió đẩy bông trang
    Bông búp về nàng bông nở về anh

    Thương nhau duyên phận mà thôi
    Của thì như nước hồ vơi lại đầy
    (Ca dao)

    Tại sao không học ca dao? Ca dao không có lính thủy hay lính… nước gì cả.
    Trao chiếc cần câu là đủ, người ta đi bắt cá vui hơn.

  3. Backy54 says:

    Hoan hô ông iBi. Hy vọng Ô NH Quốc không phải là 1 Nguyễn hữu Liêm mới. Mô Phật !!!!

  4. Trần Hữu Cách says:

    Trong bối cảnh hàn lâm, đề nghị của ông Nguyễn Hưng Quốc đúng. Và nó sẽ đúng về lâu dài bởi vì những văn bản tồn tại lâu hơn con người.

    Tôi không phải một trong những người dị ứng với chữ, nhưng tôi thông hiểu được cảm giác ớn lạnh của những người bạn tôi, mỗi khi họ nghe thấy từ “cải thiện”. Một người bạn đã giải thích rất rõ: Mỗi khi nghe tới từ ấy, trong trí ông ấy lập tức hiện ra những con vật nhỏ bò trên cây, các giác quan nhớ lại kinh nghiệm những năm tháng thiếu đói trong các trại cải tạo. Kết quả là tôi không dám dùng từ này với ông ấy nữa.

    Các vấn đề của cuộc sống không phải lúc nào cũng có thể được quy giá trị theo các văn bản.

    Một thắc mắc nhỏ: cách thức (pháp) thì có khác gì quy phạm? Thử viết sai ngữ pháp, người viết sẽ bị người đọc xem như “phạm pháp”! Do đó, “pháp” trong “ngữ pháp” không kém phần bó buộc so với “phạm” trong “văn phạm”.

  5. Men chua says:

    Lòng người chưa thống nhất làm sao ngôn ngữ thống nhứt được đây . Dù sao chử Quốc Ngữ là do phát minh của Pháp cho nên nó chưa có toàn thiện và hoàn mỹ vã lại mổi vùng miền VN đâu có đồng nhất về tiếng nói cho nên họ vẩn còn bám chặt vào truyền thống địa phương của họ ! Nói ngay gì mấy người phát ngôn viên và dẩn chương trình TV của VN nghe họ nói mà cảm thấy rất xa lạ , giọng nói thì rặt vùng miềng dể gây ngộ nhận cho người xem phán đoán và có tính cách thiên vị . Không có lấy một giọng nói thuần Việt để làm chuẩn cho mọi người noi theo , tình trạng này mà còn kéo dài , đoàn kết mà đến với nhau rất khó thực hiện ! Hảy nên làm một cuộc cách mạng ngôn ngữ đã

    Ai ai củng tự hào vổ ngực tui là người Nam còn tôi là người Bắc tui nửa người miền Trung hảy dẹp bỏ nhửng thứ ấy qua một bên hay ném vô xọt rác cho rồi bởi duy chỉ còn lại là 1 người duy nhất đó là người Việt noi một thứ tiếng rất thiệt mọi người ai củng có thể hiểu và cảm thông

    • VN says:

      Chữ quốc ngữ nào do Pháp phát minh? Chắc là tiếng Pháp?

    • nguyểncộng says:

      Đả nói là “tôi” tự hào người bắc,người trung người Nam ,nhưng họ đều là người vn,tự hào là người vn chính gốc.Bắc trung nam nói thì bắc trung Nam đều nghe ,đều hiểu ,nghỉa là họ đều là người vn,dù sống ở miền nào củng nằm trong nước vn,và đều hiểu nhau.Cho nên nam trung ,bắc là nói theo địa lý.cón con người vẩn là cùng mẹ Âu cơ sinh ra. Không ai hỏi QT ở “nước “nào? Lêlợi là ai? …
      Ông NHQ lý luận bênh vực cách dùng chử ,không phải của vn,không phải của miền ,của xứ ,của địa phương Việt nam mà của Tàu. Có người sẻ nói là trong ngôn ngử của ta ,mượn nhiều tiếng tàu ,nay thêm nửa thì có sao đâu? có đó. Vì nhửng ngôn ngử ta dùng ,nhửng chử hán ta mượn đả dùng quen,đả được phát triển ,phát huy của nhiều thế hệ từ khi cố BáĐaLộc dùng ‘abc” mẩu tự la tinh để việt hoá tiếng Việt và để dể học dể nhớ. Và hầu như chử việt đủ,và dư thừa thì nay cần gì làm giàu tiếng Việt bằng tiếng tàu nửa ,nhất là nhửng tiếng tàu đó đả có tiếng việt ,đả được dùng tiếng Việt thay thế, nó dể hiểu,đon giản và thông dụng tai sao không dùng ?
      Nói như có người góp y trên đây,nhửng chử đó vnch củng có người dùng trong văn chương sách vở (văn chương bác học) chớ không dùng lung tung,dùng không đúng chổ,dùng bất kể trong ngử cảnh nào như tụi VC. Do đó Ông NHQ đả viết 01 bài để phân biệt chử vc và chử vnch mà thật ra không có. Chỉ là VC đả lệ thuôc tàu,dùng ngôn ngử Tàu một cách phổ quát quá đáng,dù đôi khi người dùng không rỏ nghỉa,dùng sai và làm người nghe khó chịu.Căn nhà của bí thư đảng thât là hoành tráng .sao không nói là to lớn ? Phải đăng ký hộ khẩu thì sao không đơn giản hơn là phải ghi tên vào sổ gia đình ?..vv và vv…Ông nhq có lẻ mục đích chỉ là bênh vực chử nghỉa của CS mà thôi ,Nhập nhằng CS/QG,nhưng phải nói mục tiêu chính là chử VN cho người VN…
      Và nhửng chử VC đặt ra có thể do v/đ chính trị khi QC còn đánh nhau,tránh trùng hợp mà thôi. Sao lại đặt v/đ dạy con em chúng ta nhửng chử VC dùng đó.? Đó không là tiếng Việt trong sáng chút nào.Và với nhà ngử học như nhq,đáng lẻ “thầy”phải hiểu .
      …Và làm sao cho tiếng Việt trong sáng hơn…
      Và như vậy mới”logic” chớ phải không? (sao không dùng chự “hợp lý “hè ? ) phải không ông tác giả?

  6. Hung Cuong says:

    Nói chung ngôn ngữ Việt còn phụ thuộc nhiều vào chính trị, thí dụ : từ Chủ tịch và Tổng thống. Việt cộng thường dùng ‘Chủ tịch’ cho các nước công sản, và ‘Tổng thống’ cho các nước khác. Khi thù địch với Trung Quốc thì nói là Tổng thống TQ, khi quan hệ thân thiết thị lại nói là Chủ tịch TQ

  7. Builan says:

    Hàn lâm – Học giả… NGUYỄN QUỐC HƯNG
    Ông đã bàn về chữ nghiã thì còn ai dám gồng mình “muá riù” !
    Vô cùng cảm ơn tác giả ! Qua bài phân tích nầy tôi học hoỉ thêm được nhiều điều quí báu !

    Mấy dòng nầy chỉ là góp vui thôi, giới hạn trong “tình huống” hiện tại !
    Chữ nghĩa vôn là ngôn ngữ cuả một dân tộc, cũng như văn, thi, nhạc, hoạ…. có quy luật đào thaỉ rự nhiên !”Phân biệt đối xư” làm chi cho nó thêm phiền phức !

    Caí gì thiên hạ YÊU, THÍCH,- HAY … là nó tồn tại
    Caí gì thiên hạ GHÉT, CHÊ – DƠ DỞ tự nó đào thải

    Ví như caí cụm từ khoe mẻ “..Ai thắng ai” “yêu XHCN là yêu nước”….. thì chỉ còn cho lũ ngu và điên !
    ‘Bộ đội gaí” lại được phát huy thêm : Bộ đôi CÁI, VC cái , VC nái… nghe cũng vui vui !… khen có mà chê cũng tùy người

    Đỗ Mười là đồng nghiã với thiến heo , nếu viết tắc ĐM rất gây “bức xúc”
    Chớ daị ĐM (Đỗ Muời) ai đó thì rất dễ gãy răng !!

    Tướng CAI ĐẺ ! đến con nít nó cũng biết là ai !! Quá tôị nghiệp- “Thời thế tạo anh hùng” và thời thế cũng tạo nên nghiệp chướng !! Chết toi một huyền thoại !

    “THĂM LĂNG ” ? cũng tuỳ khi tùy thì , tùy lúc, tùy duyên … môĩ một người có thể hiêủ theo cái nghiã ngử khác nhau !

    ** Nói chung rất nhiều “tự vựng” được điều chỉnh , bổ sung làm giàu thêm ngữ nghiã !!!
    _ Ai có tài làm ơn viết cho đầy đủ, có thể còn dài hơn baì viết cuả ngài NHQ
    _ Tôi hạng binh dân biết tới đâu viết tới đó ! goị là góp vui thôi
    Kính chào

  8. Ca Dao says:

    Bài của ông Nguyễn Hưng Quốc nói đúng lên những trăn trở của nhiều người. Có nhiều người phản đối khi nghe dùng chữ ” đăng ký, thư giản, tham quan….” Họ cho rằng đó là chữ ” Việt cộng” không được xài.
    Rất đồng ý với quan niệm của ông NHQ , không có ngôn ngữ nào của VC cả, chỉ có ngôn ngữ của dân tộc VN mà thôi. Nhà cầm quyền CS chưa hề ra một Hàn Lâm Viện để định nghĩa và chuẩn định các chữ dùng. Cho nên những ngôn từ mới xuất hiện là do chính người dân VN đặt ra và theo thời gian, trở thành thói quen. Đến một lúc nào đó, ta mặc nhiên thấy hợp lý và quên đi lúc trước ta đã dùng chữ gì cho trường hợp ấy.
    Nếu nghĩ rằng đó là “chữ của Việt Công” chúng ta không nên dùng tức là vô hình chung chúng ta đã trao cho nhà cần quyền CS cái quyền giới hạn ngôn ngữ của chúng ta.

  9. nvtncs says:

    Vấn đề quá rộng, lớn; phải được suy nghĩ nhiều và cẩn thận, bờ̉i nhiều người giỏi tiếng Việt, trong đó không có tôi.

    Tuy vậy tôi có vài nhận xét sơ bộ.

    Tiếng Việt của tôi, mà tôi thường dùng là tiếng Viết ở Hà Nội trước 54. Tiếng mà bố mẹ tôi yêu chuộng, khi đọc sách, là tiếng Việt của nhóm Tự Lưc Văn Đoàn, của Nhất Linh, Khái Hưng vv.

    Tôi rất không thích tiếng Việt của CS, không thích cách đánh vần chữ Mĩ, hi vọng, tiến sỹ, vv… của họ. Tôi cũng không thích và không quen chữ “quang vinh” chẳng hạn.

    Ta có cả chục thứ tiếng Việt: Tiếng Huế, Saìgòn, Hà Nội ngày xưa, Hà nội bây giờ, tiếng Việt nói, tiếng Việt bình dân, tiếng Việt trung học, đại học, tiếng Việt ngoài phố, vv…

    Ở Pháp, 40 thành viên của Académie Francaise, bàn về định nghĩa, của chữ cũ nhưng đang thay đổi, chữ mới từ tiếng ngoại quốc nhập vào, về văn phạm, vv….
    Trong những thành viên của Académie Francaise, có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhà khoa học, trội nhất trong nước, vv…
    Sau đó, giáo sư trung học và đại học sẽ dùng tiếng Pháp như Académie Francaise đề nghị. Đó là một mô hình có giá trị và đang được để ta suy nghĩ.

    Tôi thấy, từ lớp mẫu giáo, ta nên dậy học sinh tiếng Anh cho trẻ con được hiểu biết nhanh chóng, và rõ ràng, những môn khoa học và kỹ thuật tối quan trọng của thế giới.

    Nếu khoa học, kỹ thuật, y khoa, vv mà phải dậy bằng tiếng Việt, dịch ra từ Anh văn, một thứ tiếng Việt đầy gốc Hán thì rật là tệ hại cho nền
    khoa học, kỹ thuật VN. Tệ hại thêm nữa là khi sinh viên VN du học, họ không quen tiếng Anh, sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Ở Tân Gia Ba, Ấn Độ, Anh văn là tiếng của trung học và đại học; những nước này, trên phương diện học vấn đã tiến triển rất nhanh.

    Không nên vì yêu nước hão huyền, nông cạn và bề ngoài mà bắt trẻ học và nói tiếng Việt trong lớp trung học và đại học dậy những môn hoa học và kỹ thuật. Dùng tiếng Việt trong những lớp đó, chỉ làm chậm trễ sử tiến chiển của đất nước.

  10. iBi says:

    Ngôn ngữ không có tính chính trị hả ? không bị chính trị điều khiển, chụp mũ, bắt tội hả ? Có ngủ mơ hay không vậy ? Có còn nhớ thời “bao cấp” ngôn ngữ của dân miền nam bị bắt bẻ, trù dập và uốn nắn như thế nào cho đúng lập trường theo nền “văn hóa mới” và “con người mới” không ? Nếu trả lời không tức là ăn cháo lú.

    Hiện nay, nếu các bài nhạc, thơ, hay văn ở trong nước mà dùng chữ Việt thuần túy miền nam thì chắc chắn là những tác phẩm đó sẽ không được xuất bản liền, mặc dù là bây giờ nghe nói “thoáng” hơn trước kia nhiều lắm. Tại vì viết kiểu ngôn ngữ đó là vực dậy thời VNCH. Nói không có hả ? Nói vòng vèo tức là ăn cháo bậy bạ rồi.

    • Hoa lan says:

      Bài của ông Hưng Quốc rất hay, có cách tiếp cận vấn đề đúng đắn, khoa học. IBI thì lại quá nặng với những định kiến chính trị, phù hợp với não trạng của những người ấm ức, tủi thân, bạc phận…mà hầu hết nay đã già nua. VNCH đã quá vãng gần 40 năm rồi, có dựng mới cái gì thì hãy dựng, dựng dậy một thây ma thì đừng. Còn ngôn ngữ, chắc như cua gạch, nó không có “ngôn ngữ Việt Cộng hay ngôn ngữ VNCH” đâu. Tiếng việt là một sinh ngữ, nó biến đổi từng ngày…

      • hoa lài says:

        VNCH tuy đã ” quá vãng ” gần 40 năm . Nhưng vỉnh viễn không làm ai phải lo sợ thót tim như khi nhắc đến hai chữ Việt Cộng ngày nay và ngôn ngữ VNCH cũng khác , có nữ y tá, nữ bác sĩ ,nữ công nhân .tuyệt nhiên không có nữ hộ lý. nhà thương hay thân gần hơn là nhà bảo sanh, tuyệt đối không thể gọi là xưởng đẽ như cũa Việt Cộng vừa thô lổ vừa đần độn ,tiếng Việt cũa VNCH khác xa tiếng Việt Cộng.

      • Nghịch Lý Thường says:

        Chưa đọc bài viết của ông Nguyễn Hưng Quốc, nhưng phát biểu của cô hay bà Hoa lan quá chói tai nghịch nhĩ, khiến Nghịch Lý Thường tôi đành phải lên tiếng!

        Đúng là VNCH đã quá vãng gần 40 năm rồi. Nhưng tôi nghĩ chẳng ai muốn dựng lại cái thây ma đã chết từ lâu, chỉ có nhà nước VC mới giữ thây ma ông Hồ từ 1969 tới nay với tốn phí biết cơ man nào tiền bạc.

        Nói rằng những người thời VNCH với não trạng ấm ức, tủi thân, bạc phận…thì đúng là người vô tri, thuộc loại Hoa lan dại, hoa lan rừng mọc ở nơi rừng sâu, khỉ ho cò gáy, không hiểu hay được thưởng thức văn hoá và văn chương thời VNCH nên mới ấm ức, tủi thân, bạc phận mà phát biêu như thế?

        Ngôn ngữ là ngôn ngữ, dù hay hoặc dở thì nó vẫn là ngôn ngữ nếu người ta nói và hiểu được nhau. Nhưng phải nói rằng, ngôn ngữ VC có nhiều chữ rất chói tai nghịch nhĩ, hãng xưởng để sản xuất hay chế biến, chớ có ai gọi là xưởng đẻ bao giờ, vậy mà có thời VC gọi nhà bảo sanh là xưởng đẻ nghe có ngộ nghĩnh và chói tai nghịch nhỉ không?

        VNCH đã quá vãng gần 40 năm rồi, nhưng lý tưởng Dân chủ, Tự do của nó vẫn sống mãi như một linh hồn bất tử, đấy cũng là khát vọng của nhân dân VN và của cả thế giới?

      • Chris says:

        “Hoanh trang”, “buc xuc”…How’re “hoanh trang” & “buc xuc”? These words are not precise to show meaning of our ideas. I’m not old man, but they really made me sick.

      • iBi says:

        Bộ mấy người đang làm văn hóa vận không công cho CS đó hả ? Cách viết của NHQuốc như vậy mà khoa học hả ? Bàn tán tào lao thiên địa mà thôi. iBi còn trẻ lắm nhen, chưa phải là lớp già. iBi cũng không hề có ý định làm sống dậy hay vực dậy VNCH gì hết vì iBi chưa bao giờ làm việc gì trong xã hội VNCH cả, thời đó iBi còn bé tý đó mà; bây giờ iBi thích làm sụp đổ bọn gian manh CS thôi. Ngôn ngữ thể hiện những gì bạn nghĩ trong đầu; những gì bạn nghĩ trong đầu thể hiện ra hành động; hành động tạo thành nhân cách. Có biết điều đó hay không mà bày đặt tán dóc về ngôn ngữ ?

      • Lâm Vũ says:

        Đồng ý với bạn iBi 100/100 :-o)

      • Builan says:

        Tôi không mấy khi đôi co ba cái chuyện vô bổ
        Lỡ đọc com cuả Hoa Lan “bức xúc” nên phaỉ góp ý vậy thôi
        “có dựng mới cái gì thì hãy dựng, dựng dậy một thây ma thì đừng.”

        Câu hoỉ đặt ra cho Hoa lan
        -Thế còn caí THÂY MA cuả thằng người Hẹ – Hồ Tập Chương ? Chùng nó (qúy anh) không DỰNG, mà cứ THỤT LÊN THỤT XUỐNG mỗi năm một lần- Sơn phết “nước vỏ lựu máu mào gà” , nuôi cả một “Bộ tư lệnh” canh giữ thì sao???

        Mơí nhất, quý anh còn bê “thằng giả” qua BA LAN lập điện thờ, để làm gì ???

        Cứ công bình , nhìn nhận một sự thật : Bao nhiêu là tốn kém
        Trong khi Trai Việt phaỉ LAO NÔ khắp thế giới ! Gaí Việt ,làm nô lệ tình dục ngay cả bên nước láng giềng LAÒ – Campuchia ! Chưa nói đến chuyện CỞI TRUỒNG cho Nam Hàn, Đài Loan “khám nghiệm”- Dịch vu béo bỡ cuả nhà nước CHXHCN/VC !
        Lương thiện , công bình, tử tế .. ! _ Hoa Lan có “đựng lên cái mới”????

      • hoa sen says:

        ngôn ngữ chắc như cua gạch ! làm như Hoa lan đã từng ăn nuốt ngôn ngữ nhiều rồi, vì ăn nuốt ngôn ngữ quá nhiều bị phong kín tỳ vị nên không còn phân biệt được đâu là ngôn ngữ ,đâu là sinh ngữ , tiếng Việt là tiếng Việt Nam chung 3 miền Nam + Trung + Bắc , thời VNCH Tự Do không có từ Đấu tố và Phản Động hay quán triệt nếu không phải ngôn ngữ sắt máu cũa Việt Cộng thì là gì ?còn sinh ngữ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cộng sản hiện tại thay đổi từng ngày như Hoa lan đang nhồi nhét (tiếp thu) vô đầu…..bùn kừi wá trật chánh tả thì thay đổi làm chi ?? Năm 1945 Hồ chí minh hô hào xây dựng xã hội chũ nghĩa…Hơn 60 , Năm 2012 Việt Cộng vẫn còn kêu gọi xây dựng bảo vệ xã hội chũ nghĩa ,cứ xây dựng xã hội chũ nghĩa Mơ hồ thì chừng nào sẽ…..tiến lên xã hội chũ nghĩa hở Hoa lan, ngôn ngữ cũa Việt Cộng là đó!!!!

Leave a Reply to nvtncs