WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Obama đề cử 2 phụ nữ gốc Việt vào ban lãnh đạo Quỹ Giáo dục Việt Mỹ

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Chính phủ Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí về việc Tổng Thống Obama quyết định đề cử vào Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam hai nhà hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, bà Nguyễn Phúc Anh Lan và bà Vương Ngọc Quyên.

Cuộc gặp mặt của các nghiên cứu sinh theo học bổng của Quỹ VEF (theo trang mạng duhoc.com)

Quỹ Giáo dục Việt Nam – Vietnam Education Foundation – là một cơ quan do chính phủ liên bang Hoa Kỳ lập ra để hỗ trợ các hợp tác về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003. Hàng năm Quốc hội Hoa Kỳ dành khoảng 5 triệu đô la cho Quỹ tới năm 2018. Cho đến nay, khoảng 400 nghiên cứu sinh Việt Nam đã và đang du học tại Hoa Kỳ với học bổng của VEF, bên cạnh đó khoảng 30 nhà nghiên cứu Việt Nam đã được sang Mỹ theo chương trình học giả của VEF, và nhiều giáo sư người Mỹ đã sang giảng dạy tại Việt Nam với tài trợ của VEF.

Các lĩnh vực nổi bật được VEF chú ý đến là các ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn, với mục tiêu giúp cho các sinh viên Việt Nam có thể được đào tạo và nghiên cứu ở trình độ cao, sau khi trở về nước có khả năng đóng góp cho Việt Nam trong sự nghiệp giáo dục và khoa học, cũng như tăng cường các hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, theo thông tin của báo chí, việc tuyển chọn ứng viên sang Mỹ được chú ý điều chỉnh theo hướng chú ý đến nữ giới, các ngành nghề có nhu cầu cao ở Việt Nam, cân đối các vùng miền, và dự kiến sẽ tăng cường hỗ trợ cho các ngành mới và các khoa học xã hội – nhân văn.

Nhân sự kiện tổng thống Hoa Kỳ đề cử các thành viên mới của Hội đồng quản trị của VEF, tạp chí Cộng đồng của RFI đặt câu hỏi với bà Nguyễn Phúc Anh Lan và bà Vương Ngọc Quyên, hai người vừa được đề cử.

Một cương vị với nhiều thách thức

Bà Nguyễn Phúc Anh Lan nổi tiếng với các hoạt động giáo dục trong cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội Văn hóa và Khoa học Việt Nam (Vietnamese Culture and Science Association). Năm 1998, bà Anh Lan thành lập Trại hè phát triển năng lực lãnh đạo trẻ quốc gia (National Youth Leadership Development Camp), nhằm thúc đẩy các hoạt động công dân của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Sau đây là cảm nhận của bà Nguyễn Phúc Anh Lan trước quyết định vừa công bố:

Nguyễn Phúc Anh Lan: Chúng tôi rất xúc động nhận được tin tổng thống Obama đề cử cá nhân chúng tôi vào Hội đồng quản trị. Thú thật với anh, là chúng tôi cũng hơi bất ngờ. Những công việc làm mà chúng tôi từ trước đến nay chủ yếu trong Hội Khoa học và Văn hóa Việt Nam, là một hội đoàn có cơ sở ở Texas, nhưng có khoảng 6, 7 phân hội, ở những nơi đông dân cư gốc Việt, như ở Dallas (Texas), ở Washington DC, ở Sandiago (California), … và xa nhất là ở Toronto (Canada).

Trong quá trình làm việc suốt cả 20 mươi năm, Hội Văn hóa và Khoa học rất chú trọng đến vấn đề giáo dục và huấn luyện kỹ năng lãnh đạo đối với thanh niên, điển hình là chương trình trại hè phát triển kỹ năng cho thanh niên mang tên « Lên đường », mà chúng tôi đã thực hiện được đến nay là năm thứ 15. Tất cả những công việc mà chúng tôi làm việc miệt mài năm nay qua năm kia, có lẽ đã gây được tiếng vang và gây được sự chú ý của giới chức chính quyền Hoa Kỳ. Và chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tham dự vào hội đồng quản trị của VEF.

Chúng tôi cảm thấy có rất nhiều áp lực, vì khả năng của mình thì hạn chế, mà công việc này đòi hỏi có nhận định rất khách quan, mình phải làm sao để có thể nói lên được những suy nghĩ của những công dân Mỹ gốc Việt, sống xa quê hương, về vấn đề giáo dục. Làm sao để mình có thể đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống phát các học bổng một cách minh bạch nhất, một cách hữu hiệu nhất, và làm sao để qua chương trình này để giúp nâng cao khả năng, trình độ học thức, cũng như là việc giúp đào tạo nhân tài cho đất nước Việt Nam của chúng ta.

RFI: Thưa chị, theo hiểu biết thông thường, thì quỹ VEF có mục tiêu phát học bổng và tài trợ cho các sinh viên và các nhà nghiên cứu Việt sang Hoa Kỳ tu nghiệp, không biết ngoài ra tổ chức này có thể có các mục tiêu khác rộng hơn không?

Nguyễn Phúc Anh Lan: Cũng xin thú thật với anh là hiểu biết của chúng tôi về Vietnam Education Fondation cũng còn rất là hạn chế, vì chúng tôi cũng chỉ mới nhận được tin tức này, với lại việc bổ nhiệm một người vào hội đồng quản trị này còn phải đi qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Sau khi tổng thống Obama đã có quyết định đề cử, việc này còn phải được Quốc hội thông qua. Cá nhân chúng tôi cũng chưa được biết rõ lắm, mình chỉ biết về tầm ảnh hưởng của quỹ này về vấn đề giáo dục, và nhất là vấn đề đào tạo nhân tài, chuyên gia cho Việt Nam. Trong tương lai, khi làm việc, chúng tôi mới biết rõ là, có những chương trình nào khác hay không.

Có một điều là, cá nhân chúng tôi sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại trong suốt cả hai mươi mấy năm vừa qua, thành ra mình hiểu được những thao thức, cũng như là sự mong ước của một người tha hương, nhưng mình cũng rất thông cảm với nhu cầu giáo dục ở quê nhà. Chúng tôi hy vọng mang được ý kiến đó để ảnh hưởng phần nào trong quyết định của chính quyền Hoa Kỳ đối với vấn đề giáo dục ở Việt Nam.

Tư duy độc lập và ý thức xây dựng cộng đồng: 2 điều còn rất thiếu

RFI: Chính ở đây, rất mong được chị cho biết về cái điều như chị nói, về cái thao thức, cái mong ước của những người gốc Việt sống tại Hoa Kỳ, thì với bề dày hoạt động hơn hai thập kỷ nay, xin chị chỉ ra một vài cái hướng để cải thiện tình trạng giáo dục và văn hóa tại Việt Nam hiện nay?

Nguyễn Phúc Anh Lan: Thưa anh, đề tài này rất rộng, chúng tôi chỉ xin nói về vấn đề phát triển và huấn luyện cá nhân. Tại vì một người dân ở trong nước, nếu mình giỏi, mình có khả năng, mình có tinh thần của một công dân, thì mình sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội, phải không anh?

Trong sinh hoạt của Hội Khoa học và Văn hóa, chúng tôi có tham dự một số hoạt động của các tổ chức người Mỹ gốc Việt hay có các chương trình giúp về giáo dục ở Việt Nam, chúng tôi thấy nhu cầu về giáo dục ở Việt Nam là quá sức lớn lao. Nhu cầu này lớn về nhiều mặt. Về phía khoa học kỹ thuật, chúng ta có một số tiến bộ, và phải nói là sinh viên Việt Nam học rất giỏi, mình có tinh thần học một biết mười. Các em du học sinh sang đây, chúng tôi biết được, khi vượt qua các trở ngại về ngôn ngữ, thì trong việc học để trở thành một chuyên viên về kỹ thuật các em rất giỏi. Nhưng cái phần hơi thiếu, có thể nói là thiếu nhiều thì đúng hơn, đó là khả năng tư duy độc lập, tiếng Anh gọi là “critical thinhking”. Khi mà mình học ở bên đây, thì thấy không phải là thầy đọc trò chép, mà mình phải học theo kiểu phải biết nhiều nguồn thông tin khác nhau, mình đi làm research (nghiên cứu), rồi mình tổng hợp lại, rồi mình có nhận định của chính mình, dựa trên tất cả các dữ kiện mà mình thu lượm được. Khi làm một bài tập ở cấp đại học, thì tư duy độc lập là rất quan trọng. Nhưng ở trong đất nước mình hiện nay, cái này thiếu rất trầm trọng. Vì cách mình học là « từ chương », mình học theo cái kiểu giáo dục thời trước, từ thời Pháp, sau đó là Việt Nam Cộng hòa, rồi sau này khi thay đổi chính quyền, thì tất cả lối học từ chương đó nó không giúp các em sinh viên có khả năng sáng tạo. Không biết anh có để ý không, những người Mỹ gốc Việt, hoặc những người Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới, nhiều người rất giỏi về thừa hành, nhưng có bao nhiêu người làm được các sáng chế, cải tiến? Cái này mình rất thiếu.

Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, có tư duy độc lập và dạy cho các em có tinh thần của một công dân tốt là những điều cần thiết, tức là mình phải có sự tự trọng, phải có các giá trị căn bản của văn hóa Việt Nam hồi xưa, tuy là nó cũ đấy, nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng, như là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Những cái này có liên hệ với đức dục, nhiều hơn là với khoa học kỹ thuật. Chúng tôi không biết làm sao để mình đưa những chương trình đó vào, nhưng đó là điều mà chúng tôi nhận thấy không chỉ cần ở quê nhà, mà ở đây cũng vậy.

Mình luôn luôn thao thức để làm sao xây dựng được một thế hệ thanh niên trong tương lai. Các em không chỉ giỏi về kỹ thuật thôi, mà còn cần trở thành những người lãnh đạo, những người biết lo cho người khác, không chỉ biết lo cho mình không, mà phải biết làm việc chung trong tập thể, phải biết tự trọng, phải có tinh thần phân biệt phải trái, và có tinh thần sinh hoạt cộng đồng, để xây dựng một cộng đồng vững mạnh nơi mình sống. Chúng tôi nghĩ rằng, điều này ở Việt Nam rất là cần, nhất là xây dựng được lối tư duy độc lập để mình có thể ngang bằng với những người ở các nước xung quanh mình.

Học cách giúp trẻ trong 5 năm đầu đời

Bà Vương Ngọc Quyên là giám đốc điều hành ICAN (International Children Assistance Network) ở San Jose, một tổ chức hoạt động vì trẻ em có uy tín tại Việt Nam và Hoa Kỳ, do bà đồng sáng lập vào năm 2000. Bà còn là thành viên của tổ chức thiện nguyện Vòng tay Thái Bình – Pacific Links Foundation -, một tổ chức do bà đồng sáng lập vào năm 2001.

Vương Ngọc Quyên: Khi nhận được cái nomination của tổng thống Obama, thì cá nhân chúng tôi rất là vui, và rất là tự hào, tại vì sau bao nhiêu năm hoạt động, thì các thành quả của hội thiện nguyện ICAN cũng đã được ghi nhận, và rồi đây, mình sẽ có thêm các cơ hội đóng góp để giúp cho thế hệ trẻ ở Việt Nam.

RFI: Thưa chị, xin chị cho biết về các hoạt động của ICAN.

Vương Ngọc Quyên: Hội ICAN ra đời năm 2000. Đồng sáng lập với chúng tôi có chị Vương Thu Nga và thầy Thích Khát Chơn. Lúc đó, khi mình sáng lập ra hội này thì với mong ước giúp cho trẻ em nghèo và bất hạnh ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, khi ra nước ngoài, khi mình có điều kiện rồi, thì ai ai cũng mong muốn chung tay giúp đồng bào mình ở Việt Nam. Sau đó, đến khoảng năm 2001-2002, chúng tôi mới giật mình nhìn trở lại, thì té ra là con em ở Hoa Kỳ cũng rất cần sự giúp đỡ của những hội như là ICAN. Thành ra, từ năm 2001-2002, chúng tôi bắt đầu có chương trình ở hai nơi.

Ở Việt Nam, thì chúng tôi giúp những trẻ em nghèo và mồ côi, thứ nhất là có cơ hội được đi học, là tại vì ở Việt Nam, nhiều trẻ em ở tuối 8 đến 10 là bắt đầu ở nhà coi em cho ba, mẹ đi làm mướn. Mà ba mẹ đi làm mướn, thì năm cọc ba đồng mỗi ngày, chỉ đủ ăn ngày đó thôi, thành ra rất tội nghiệp cho các em đó, nếu phải bỏ học, thì sau này chúng đâu có thể đứng bằng hai chân của mình để tự lập được. Vì vậy, chúng tôi cho các em fellowship để các em có thể tiếp tục đi học. Rồi hội ICAN cũng xây một cơ sở mới cho tịnh xá Tuệ Tĩnh Đường ở Huế, chúng tôi cũng giúp một số máy trợ thở cho trẻ em đẻ non, ngoài ra hàng năm, chúng tôi có tặng quà, tặng sách cho các em đi học, tặng quà cho các nạn nhân thiên tai bão lụt.

Nói chung, sứ mạng của ICAN là giúp cho trẻ em có điều kiện để phát triển được khả năng, tiềm năng trong con người các em, để sau này các em có thể đóng góp lại cho xã hội. Thì ở Mỹ cũng vậy. Đối với các em ở Việt Nam, chúng tôi thấy các em bị thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng các em không bị vấn đề như là các em, con cháu mình lớn lên ở Mỹ, và ở xứ ngoài nói chung, là các em thiếu … nói thiếu tình thương thì không phải, nhưng mà đây là vấn đề « cultural identity » – bản sắc văn hóa. (…) Hội thiện nguyện ICAN mong giúp cho các em trả lời câu hỏi đó, bằng cách trước nhất, giúp cho ông bà cha mẹ hiểu thêm về sự phát triển trí não của con em mình trong những năm đầu đời, 5 năm đầu đời, hay là trong giai đoạn mình gọi là tuổi dậy thì. Giúp cho ông bà cha mẹ hiểu thêm, để làm sao nói chuyện được với con cái mình. Không biết bên Tây thì thế nào, nhưng bên Mỹ này, trẻ em đến tuổi dậy thì có rất nhiều vấn đề với gia đình khủng khiếp.

RFI: Dạ, đây có lẽ là một phần trong nội dung của chương trình Happy 5, có phải không chị?

Vương Ngọc Quyên: Đúng như vậy, cái tên đó là do cháu bé của tôi nó đặt tên như vậy, có nghĩa là năm năm đầu đời. Chương trình như vậy trong tiếng Việt gọi là « Trẻ em vui mạnh ». Ông bà cha mẹ Việt Nam mình rất là thương con, nhưng mà thương con, lo cho con thì thường chỉ theo cái cách là lo cho ăn đầy đủ, mặc đầy đủ, không có té, không có bệnh là tốt rồi, xong đợi đến lúc vô trường để cô giáo dậy cho. Nhưng xin thưa là không phải như vậy, tại vì trí não của con em mình nó phát triển đến 90% trong năm năm đầu đời. Mà nếu mình bỏ qua cơ hội đó, thì tiềm năng của con em mình sau này bị giảm rất là nhiều. Thành ra đó là điều mà chương trình nuôi dạy trẻ vui mạnh (Happy 5) mong mỏi mang đến những hiểu biết cho ông bà cha mẹ phụ huynh gần xa, các phương pháp để dạy con em mình, tiếp xúc với con em mình, chơi với con em mình trong 5 năm đầu đời.

Cần nhiều bàn tay đóng góp để tạo điều kiện cho trẻ em được đi học

RFI: Thưa chị, xin chị cho biết suy nghĩ của chị về các đường hướng của VEF?

Vương Ngọc Quyên: Sứ mạng của VEF là giúp cho việc củng cố liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thông qua các giao lưu văn hóa và giáo dục, thiên về các ngành khoa học công nghệ. Cho đến nay, hàng năm quỹ gửi khoảng 50 sinh viên ưu tú từ Việt Nam sang học tại Hoa Kỳ.

Ước nguyện của chúng tôi là làm sao việc cứu xét đơn của những ai được chọn lựa đi qua được hoàn hảo hơn, tốt hơn và công bằng hơn. Chúng tôi muốn làm sao để những sinh viên ở Việt Nam, những người nào xứng đáng, cho dù là giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn, đều có cơ hội được nộp đơn và được cứu xét.

Có một cái câu hỏi mà rất nhiều thành viên trong cộng đồng bên Hoa Kỳ đã hỏi tôi, là làm sao mà biết được những em nộp đơn thật sự có kiến thức trong cái ngành đó hay không, thì tôi có hỏi lại, và xem lại mấy cái report, sau đó tôi nhận thấy họ làm rất là hay. Tức là mỗi một năm như vậy, họ mời khoảng 10 đến 12 người, hoặc là giáo sư các trường đại học, rồi có những người là các nhà khoa học từ các Viện hàn lâm. Những người này về khảo sát các em có vững về ngôn ngữ hay không, và đặc biệt là về kiến thức chuyên môn trong các ngành ấy. Tôi nghĩ rằng, khó mà có thể hối lộ được các khoa học gia và các giáo sư đó.

RFI: Hiện nay, có những xu hướng mới mở ra, như là thành lập các đại học Hoa Kỳ ngay tại Việt Nam, hay bản thân nhiều tổ chức, trong đó tổ chức của chị góp tiền cho các em để giúp các em có thể được học hành, vậy phải chăng đấy là các hình thức hợp tác giáo dục trong tương lai, hướng đến cộng đồng nhiều hơn?

Vương Ngọc Quyên: Chúng tôi cũng nghe nói có một số nơi muốn thành lập các đại học có đẳng cấp, phẩm chất quốc tế để nhiều người Việt Nam có thể tham gia vào chương trình đó hơn. Theo bản thân chúng tôi nghĩ, đường hướng lâu dài phải là đưa thầy về dạy ở Việt Nam, và lập ra những trường có chất lượng nhất định. Chúng tôi không rành về các trường đại học ở Việt Nam lắm, nhưng nói chung, chúng tôi thấy cơ hội đi học ở Việt Nam còn rất ít, so với cơ hội đi học ở Mỹ (…). Ở đây ai muốn cũng có thể đi học được. Trong khi đó ở Việt Nam, từ cấp 1 lên cấp 2 là đã mất đi một số lượng lớn học sinh, đến cấp 2 lên cấp 3 là số ghế trong trường không còn bao nhiêu nữa.

Bản thân chúng tôi rất mong là, trong tương lai, có nhiều hội đoàn, nhiều bàn tay đóng góp để tạo thêm cơ hội cho các em ở Việt Nam.

Vừa rồi là một số cảm nhận và suy nghĩ của hai nhà hoạt động giáo dục gốc Việt, được tổng thống Hoa Kỳ đề cử vào Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam – VEF. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn hai vị khách mời đã giành thời gian cho Tạp chí hôm nay. Xin được chúc hai vị có nhiều thành công trong việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trên phương diện giáo dục, văn hóa, khoa học.

Trọng Thành (RFI)

 

1 Phản hồi cho “Obama đề cử 2 phụ nữ gốc Việt vào ban lãnh đạo Quỹ Giáo dục Việt Mỹ”

  1. Lâm Vũ says:

    Dù muốn dù không, lớp trẻ VN nói chung và thành phần du học sinh nói riêng vẫn quyết định tương lai của nước Việt Nam đi về đâu, do đó những hoạt động năng đỡ và hương dẫn các sinh viên VN du học là bước đầu tối quan trọng cho sự tồn vong và tương lai của đất nước.

    Mong sao ngày càng có thêm nhiều người đi trước chú ý đến và tích cực tham gia và công tác này. Đó mới là “chính trị” nhìn xa trông rộng.

    Kính

Phản hồi

Loading...