Đồng dollars và các khiếm hụt
Tác Giả: C. FRED BERGSTEN
Chuyển ngữ: Trương Đình Trung
Thư Dịch giả:
Kính thưa Ban Biên Tập Đàn Chim Việt,
Tôi có tình cờ đọc được một bài báo từ tạp chí Foreign Affairs do một chuyên gia tầm cỡ đưa ra một số đề nghị về các chính sách kinh tế của Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Thấy rằng bài báo nêu những điểm hay, đáng chú ý, lại đến từ một tạp chí và tác giả tên tuổi, có thể có những ảnh hưởng ở mức nào đó đối với chính giới Mỹ trong việc hoạch định chính sách, nên tôi đã cố gằng chuyển ra Việt ngữ để chia sẻ với các thân hữu của mình.
Nay nghĩ rằng có thể độc giả của Đàn Chim Việt cũng quan tâm đến những điểm của bài báo nêu ra, nên tôi xin gởi bài báo với phần chuyển ngữ đến Ban BT Đàn Chim Việt, để nếu xét thấy thích hợp, thì phổ biến cho độc giả.
Bài được đính kèm trong attachment.
Kính chúc Ban Biên Tập dồi dào sức khoẻ và thành công.
Kính,
Trương Đình Trung
Nguồn bản Anh ngữ: The Dollar and the Deficits
Tóm tắt:
Khủng hoảng kinh tế thế giới đã phơi bày sự ngu xuẩn của khiếm hụt ngân sách và khiếm hụt mậu dịch lớn lao của Mỹ, cũng như đồng dollar mạnh góp phần cho những khiếm hụt đó. Nếu muốn tỏ ra nghiêm túc trong việc phục hồi kinh tế, nước Mỹ phải cân bằng ngân sách, khuyến khích tiết kiệm tư nhân và chấp nhận một đồng dollar xuống giá.
C. FRED BERGSTEN là giám đốc Viện Kinh tế học Quốc tế Peter G. Peterson. Ông từng là phụ tá Bộ trưởng Ngân Khố lo về Quốc tế Vụ từ năm 1977 đến 1981 và phụ tá Kinh tế Quốc tế Vụ của Hội Đồng An ninh Quốc gia từ năm 1969 đến 1971.
***
Ngay khi nổ lực để hồi phục khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, Hoa kỳ nên đề ra những chính sách mới để tránh những khiếm hụt lớn, cân bằng ngân sách và thích nghi với một hệ thống tiền tệ thế giới ít tập trung quanh đồng dollar hơn. Mặc dầu sẽ mất một vài năm để thực thi hoàn toàn các biện pháp đó, nhưng chúng nên được khởi sự ngay, vừa để làm vững niềm tin vào sự phục hồi, vừa để lập nền tảng cho một nền kinh tế ổn định trong trường kỳ. Đây không chỉ là một đòi hỏi kinh tế bức bách nhưng còn là vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia nữa.
Bước đầu tiên là thừa nhận sự nguy hiểm của tình hình hiện nay. Chẳng hạn, sự khiếm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán ngoại thương của Mỹ tuy đang suy giảm trong suốt 3 năm qua, nhưng nếu thiếu vắng chính sách mới, những sự khiếm hụt đó sẽ gia tăng trở lại, đạt và vượt cả mức kỷ lục. Hoặc, chẳng hạn, nói về đồng dollar. Vai trò tiền tệ bá chủ thế giới của đồng dollar đã khiến cho Mỹ dễ dàng được tài trợ, và do đó lâm vào cảnh khiếm hụt lớn về mậu dịch và cán cân thanh toán ngoại thương với các nước khác trên thế giới trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, số lượng khổng lồ tư bản ngoại quốc nhập vào lại chính là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, bởi vì nó góp phần tạo ra lãi suất thấp, mức lưu hoán (tiền tệ-tích sản) quá nhanh, và các chính sách tiền tệ dễ dãi- mà khi phối hợp cùng sự giám sát tài chánh lõng lẽo- đã tạo ra hệ số đầu tư quá cao và ước tính quá thấp mức rũi ro khiến gây nên sụp đổ hệ thống tài chánh.
Đã từ lâu người ta biết rằng khiếm hụt ngoại thương lớn tạo một mối nguy thật sự đối với nền kinh tế Mỹ vì giới đầu tư ngoại quốc, vào một lúc nào đó, cóthể từ chối tài trợ cho những khiếm hụt đó theo những điều kiện phù hợp với sự thịnh vượng của Mỹ. Bất kỳ một sự đình chỉ đột ngột nào trong việc cho Mỹ vay đều có thể đẩy giá đồng dollar xuống, tăng mức lạm phát và lãi suất lên, và có thể ngay cả gây suy sụp nền kinh tế của Mỹ cũng như của thế giới. Nhưng bây giờ rõ ràng rằng ngay cả việc giới đầu tư ngoại quốc tài trợ cho sự khiếm hụt tài chánh chánh lớn của Mỹ trong một thời gian lâu cũng có thể gây ra những thiệt hại tương tự hay còn tệ hơn.
Các nhà làm chính sách của Mỹ, như vậy, phải thừa nhận rằng khiếm hụt ngoại thương lớn, sự thống trị của đồng dollar, và lượng tư bản nhập nội lớn gắn liền bất ly với sự khiếm hụt và tiền tệ chủ tể đó, không còn là lợi ích quốc gia của Mỹ nữa.
Washington nên hoan nghênh những đề nghị đưa ra trong năm vừa rồi của Trung Quốc và các quốc gia khác để khởi sự một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.
Ở quy mô lớn, sự khiếm hụt ngoại thương của Mỹ có một đồng sự ở quốc nội: đó là sự khiếm hụt ngân sách. Khiếm hụt ngân sách cao gia tăng nhu cầu nội điạ đối với hàng hoá và tư bản nước ngoài và như vậy thúc đẩy sự khiếm hụt cán cân thanh toán. Nhưng hai sự khiếm hụt đó không hẳn là song sinh theo ý nghĩa cơ cấu, và đôi khi chúng vận hành theo hướng trái ngược nhau. Những dự phóng mới nhất của chính phủ Obama và Phòng Ngân sách Quốc hội phỏng đoán rằng, cả trong đoản kỳ, như là kết quả của khủng hoảng, và dài hạn cho thập niên tới khi thế hệ baby boomers về già, sự khiếm hụt ngân sách của Mỹ sẽ vượt xa các kỷ lục từ trước đến nay bằng một khoảng cách lớn. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự đoán rằng địa vị kinh tế quốc tế của Mỹ, vì vậy, có lẽ sẽ sa sút nghiêm trọng với mức thiếu hụt cán cân thanh toán ngoại thương gia tăng từ mức kỷ lục trước đây là 6% của Tổng Sản phẩm Nội địa(GDP) lên đến 15% ( hơn 5 ngàn tỉ dollars/năm) vào năm 2030 và số nợ thuần tăng từ 3.5 ngàn tỉ hiện nay lên tới 50 ngàn tỉ dollars (tương đương với 140% GDP và hơn 700% tổng số xuất cảng) vào năm 2030.Đến lúc đó Mỹ, hàng năm, sẽ phải chuyển 7% ( 2.5 ngàn tỉ) của toàn bộ sản lượng kinh tế cho người ngoại quốc chỉ để trả cho số nợ nước ngoài.
Viễn ảnh không thể chấp nhận đó nêu bật mối đe doạ nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Nếu phần còn lại của thế giới cứ tiếp tục tài trợ cho sự khiếm hụt ngoại thương lớn lao của Mỹ, thì những điều kiện đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ tái hiện và nguy cơ của thảm hoạ sẽ được tân tạo. Đồng thời, sự gia tăng nhu cầu đối với đầu tư từ ngoại quốc của Mỹ có thể trở nên qúa mức, gây ra sự giảm giá nghiêm trọng đối với đồng dollar sớm trước năm 2030, có thể ngay cả gây ra sự sụp đổ. Và ngay cả nếu Mỹ may mắn tránh khỏi các khủng hoảng tương lai thì việc đều đặn chuyển giao lợi tức của Mỹ cho ngoại quốc để trang trãi nợ nần cũng sẽ làm suy giảm nặng nề mức sống của người dân Hoa Kỳ.
Như vậy, mức khiếm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán ngoại thương mới sẽ tạo nến phí tổn lớn cho Mỹ bất kể là các nước có muốn tài trợ cho những khiếm hụt đó với giá phù hợp với sự phồn thịnh của Mỹ hay không. Washington nên tìm cách cắt giảm các khoản khiếm hụt ngoại thương này trong tương lai. Và là điều khích lệ khi thấy rằng chính phủ Obama đang dự tính hành xử theo hướng đó, chọn cho sự tăng trưởng của Mỹ theo lối xuất cảng hơn là lối tiêu thụ, và từ bỏ vai trò nước Mỹ như là kẻ tiêu thụ tối hậu.
Cân bằng ngân sách là khí cụ chính sách khả tín duy nhất cho Mỹ trong việc ngăn chận khiếm hụt và nợ ngoại quốc chất chồng. Ngay khi kinh tế Mỹ vừa hồi phục sau cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất thiết các nhà làm chính sách của Mỹ phải tái lập một ngân sách cân bằng được trên từng chu kỳ kinh tế và, đúng ra, thặng dư trong những năm hưng thịnh. Các biện pháp được vận dụng ngay lúc này, và dần dần về sau khi sự tăng trưởng được tái lập, bao gồm việc kìm hảm chi phí y tế, cải cách An sinh Xã hội, và thực hiện các loại thuế mới trên sự tiêu thụ.
Thất bại liên tục của chính phủ Mỹ trong việc đáp ứng một cách có trách nhiệm đối với tương lai tài chánh của xứ sở sẽ gây nguy hại cho vị thế toàn cầu và của sự thịnh vượng tương lai của nó. Số phận của quốc gia đã phần lớn nằm trong tay của những chủ nợ ngoại quốc, trước hết là với Trung Quốc, sau đến Nhật, Nga và một số các nước sản xuất dầu khác. Trừ phi Mỹ nhanh chóng đạt và duy trì được vị thế kinh tế ổn định, nếu không, khả năng để theo đuổi các chính sách đối ngoại và kinh tế độc lập của quốc gia sẽ ngày càng bị cắt xén.
VANG BÓNG CỦA ĐỒNG DOLLAR
Bên trong nước Mỹ, sự ngự trị quốc tế của đồng dollar được thừa nhận rộng rãi là có ích cho quyền lợi quốc gia. Vì vai trò toàn cầu đó và lượng tiền tệ ngoại quốc mà nó thu hút vào Mỹ, đồng dollar cho phép người Mỹ sống theo lối vung tay quá trán, thể hiện bằng hàng Tàu rẽ mạt ở Walmart, những ngày nghỉ ở Riviera Pháp, và sự khiếm hụt ngân sách tài trợ bởi các nước Trung Đông.
Nhiều người ngoại quốc đồng ý với quan điểm của các giới chức Pháp trong những năm 1960 nói rằng sự ngự trị của đồng dollar ban một “đặc ân phi lý” cho nước Mỹ. Họ lý luận rằng sự tài trợ tự động cho khiếm hụt ngoại thương- vì hầu hết các thanh toán quốc tế đều thực hiện bằng đồng dollar- có nghĩa rằng Mỹ ít lưu tâm đến khiá cạnh toàn cầu trong việc hình thành các chính sách kinh tế của mình. Những lập luận nước ngoài này chú ý đến sự bất ổn tài chánh gây ra do sự thăng giáng mạnh của giá đồng dollar, như khi nó dao động trong khoảng 30-50 phần trăm đối với giá đồng euro trong thập kỷ vừa qua. Sự suy giảm lớn và định kỳ hối suất của nó đã làm giảm- đôi khi rất nhiều- giá trị của những dự trữ dollars của các nhà đầu tư tư nhân cũng như của các cơ quan tiền tệ trên thế giới. Vì vậy dư luận quốc tế tin rằng hệ thống tiền tệ đặt căn bản trên đồng dollar không còn phù hợp với quyền lợi của nhiều nước và họ đang lên tiếng kêu gọi cải cách.
Cả hai phía (trong nước và ngoại quốc) nói trên đều sai. Các quốc gia khác được sự tiện lợi của một loại tiền tệ quốc tế (cũng giống như tiếng Anh là một ngôn ngữ thế giới vậy) và sự giảm thiểu chi phí đối với các thanh toán. Bất kể họ than phiền như thế nào, phần lớn các chính phủ hài lòng với sự thặng dư mậu dịch và lượng công ăn việc làm tạo ra từ sự khiếm hụt của Mỹ, một sự khiếm hụt lại được chính ngay họ tài trợ. Thật ra, nếu Mỹ đình chỉ sự khiếm hụt mậu dịch và thôi không hành xử như một người tiêu thụ sau cùng, thì nhiều nước sẽ bị buộc phải tái cân bằng chiến lược phát triển của họ để mở rộng lượng cầu nội địa thay vì dựa vào sự xuất cảng. Những quốc gia khác nên cẩn thận xem lại mình muốn gì khi đề nghị truất ngôi vị đồng dollar.
Điều đó có nghiã là Mỹ tự mình sẽ được lợi do việc giảm sút vai trò quốc tế của đồng dollar. Sự khiếm hụt, được khuyến khích do sự ngự trị của đồng dollar, là rất hấp dẩn trong đoản kỳ- cũng giống như thẻ tín dụng cho phép trì hoản việc trả tiền. Các chính khách Mỹ lo chuyện tái cử thường ngần ngại đối với việc gây nguy hại cho vị thế của đồng dollar, sợ bị gán cho là “không phải người Mỹ” vì không bảo vệ quốc tệ. Hơn nữa, sự khiếm hụt đã không quá nguy hại khi còn ở mức độ nhỏ, như đã từng xảy ra suốt từ sau đệ nhị thế chiến cho đến thập niên những năm 1980, là thời kỳ cũng không có một đồng tiền quốc tế nào khả dĩ thay thế được đồng dollar.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay phơi bày rõ rệt sự điên rồ của việc tài trợ cho sự khiếm hụt ngày càng tăng của Mỹ. Tất nhiên, Trung Quốc và các nhà đầu tư ngoại quốc lớn khác đã không buộc các định chế tài chánh Mỹ phải làm ra các loại nợ địa ốc dưới tiêu chuẩn hay làm ngơ đối với các quy định tín dụng truyền thống. Họ cũng không buộc được chính phủ Mỹ và các nhà kiểm soát tài chánh thực hiện những chính sách buông lỏng đến độ dững dưng. Nhưng lượng lớn tư bản ngoại quốc đổ vào Mỹ- tăng đều từ giữa thập niên 1990 và đạt mức kỷ lục trong nhiều năm tiếp theo cho đến 2006- đã ép lãi suất xuống đến ít nhất 100 và có lẽ ngay đến 200 điểm. Lượng tư bản đó tạo thuận lợi, nếu không muốn nói là công khai dẩn đến, hiệu suất đầu tư quá cao và sự lượng giá thấp các rũi ro. Trong khi đó các cơ quan kiểm soát lại được ru ngũ trong sự mãn nguyện. Ngay cả khi Ngân Hàng Dự trữ Liên bang(FED), trong năm 2005, nâng lãi suất ngắn hạn lên, dòng tư bản nước ngoài nhập vào đã kìm lãi suất dài hạn ở mức thấp và ngăn trở ý định cắt giảm lượng cung tiền tệ.
Hơn nữa, vai trò quốc tế của đồng dollar đã làm cho nó trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả, cho Mỹ để duy trì đồng tiền của mình ở hối suất có lợi cho sự thịnh vượng và ổn định của nền kinh tế. Vì hối suất đồng dollar, trên quy mô lớn, là hậu quả của việc các quốc gia khác dùng dollars để can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm đạt các mục tiêu hối đoái của riêng họ như: bằng cách làm yếu đồng tiền bản xứ để tăng khả năng cạnh tranh mậu dịch, họ đẩy giá đồng dollar lên quá mức. Vấn đề này đã từng trở nên quá nghiêm trọng dưới quy chế hối suất toàn cầu cố định trong thời hậu thế chiến đến độ chính phủ Nixon đã phải hủy bỏ toàn bộ hệ thống đó để thực hiện được việc phá giá đồng dollar trong những năm 1971 và 1973.
Dưới hệ thống hổn hợp hiện nay, vài loại tiền tệ lớn (như đồng euro và đồng yen) thuộc dạng uyển chuyển, trong khi những loại khác (như đồng nhân dân tệ) thì lại cố định, còn nhiều loại tiền tệ khác (như đồng ruble) lại thả nổi có kiểm soát, nghĩa là được hoán chuyển tự do nhưng giá trị lại bị chi phối bởi sự can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị trường. Trong một hệ thống như vậy hối suất của dollar thường ở khá xa giá trị quân bình của nó tạo ra do sự can thiệp mạnh của một số quốc gia khác (như Trung Quốc và, mới đây, Thuỵ Sĩ) và của những lực lượng thị trường xem trọng khía cạnh tài chánh hơn khía cạnh mậu dịch. Mặc dầu vậy, các bộ trưởng tài chánh của Mỹ vẫn cảm thấy bị bó buộc phải lập đi lập lại khẩu hiệu “đồng dollar mạnh” để duy trì niềm tin vào đồng dollar, tuy làm thế có thể cản trở sự điều chỉnh một cách lành mạnh và trật tự giá trị đúng của nó.
GIẢM GIÁ ĐỒNG DOLLAR
Vì vậy đã đến lúc xem xét lại vai trò quốc tế của đồng dollar.Dollar đã trở nên tiền tệ thống trị thế giới trong gần một thế kỷ chỉ vì một lý do đơn giản: nó không có đối thủ. Mỹ đã trở nên bá chủ về tiền tệ một cách đương nhiên, khi mà đồng tiền bá chủ vào lúc đó, đồng bảng Anh, bị xói mòn theo sự suy thoái kinh tế kéo dài của Vương quốc Anh. Từ đó, không có một loại tiền tệ nào khác dựa trên một nền kinh tế gần bằng kích thước của nền kinh tế Mỹ hay được hậu thuẩn bởi một nền tài chánh có thể so với của Mỹ. Lịch sử ổn định chính trị lâu dài và sự gắn bó với nền pháp trị của Mỹ lại càng tăng thêm sức hấp dẩn của dollar. Trong nửa thế kỷ qua, những quốc gia mà tiền tệ của họ đủ tư cách ứng viên cho vai trò toàn cầu – từ Thụy sĩ, Tây Đức trong giai đoạn đầu hậu chiến đến Nhật vào cuối thế kỷ 20 và các thành viên của khu vực euro ngày nay- đều đã công khai từ chối cơ hội trở nên bá chủ, hoặc chấp nhận một thái độ dứt khoát dững dưng đối với cơ hội đó.
Cả Mỹ lẫn các nước khác trên thế giới đều có lợi trong sự liên tục toàn cầu hoá và một thị trường tài chánh quốc tế có hiệu năng, và vì vậy không bên nào có lợi trong việc loại bỏ hoàn toàn vai trò quốc tế của đồng dollar. Trong bất cứ trường hợp nào, quán tính là một lực mạnh trong những vấn đề tài chánh đến nổi một sự loại bỏ nhanh chóng như vừa nói, xét về mặt kỷ thuật, là bất khả. Thay vào đó, Mỹ nên khuyến khích hai thay đổi khả thi trong trật tự tiền tệ quốc tế hiện nay. Thứ nhất là sự thay đổi nhiều hơn nữa của một hệ thống đa tiền tệ trong đó những đồng tiền khác chia sẻ thêm vai trò quốc tế của đồng dollar trong khu vực tư. Đồng euro, dựa trên nền kinh tế cộng đồng Âu châu lớn ngang với Mỹ và với thị trường tư bản cũng rộng lớn không kém, là ứng viên nổi bật nhất. Đồng euro đã cạnh tranh với đồng dollar trong một số lãnh vực, như trong dự trữ tiền tệ và trái phiếu tư, và sẽ trở thành đối thủ đồng cân lạng ở những nơi mà các quốc gia vùng euro thực hiện một chính sách tài chánh chung. Đồng nhân dân tệ có thể đảm đương một vai trò quốc tế quan trọng một khi Trung quốc để cho đồng tiền đó được chuyển đổi cả trong trương mục thanh toán ngoại thương lẫn ở trương mục tài chánh và nới lỏng sự kiếm soát tư bản.
Một số quan sát viên lo ngại rằng hệ thống đa tiền tệ thường bất ổn. Tuy nhiên, một hệ thống như vậy đã vận hành trơn tru trong suốt nhiều thập niên trước Đệ Nhất Thế Chiến, và hệ thống lưỡng tệ đồng bảng-dollar cũng đã tồn tại suốt thập niên 1920. Hệ thống lưỡng tệ đã bắt đầu xuất hiện trong thập niên vừa qua. Sự cạnh tranh giữa các loại tiền tệ có lẽ giúp cải thiện các chính sách và thành quả kinh tế bằng việc áp đặt kỷ luật thị trường lên các chính phủ và ngân hàng trung ương đứng đằng sau các tiền tệ đó.
Khi sự hiện diện trong những thị trường tư doanh mở rộng, các loại tiền tệ này cũng sẽ đảm đương vai trò rộng lớn hơn trong quỹ dự trữ của các cơ quan tiền tệ quốc gia. Hiện nay, đồng dollar chiếm 65% dự trữ ngoại hối của các quốc gia; đồng euro chiếm 25%. Những bách phân đó có thể sẽ trở nên cân bằng hơn. Mỹ không nên chỉ chấp nhận một hệ thống tiền tệ biến động hơn như là một thực tế tất yếu mà còn nên tích cực khuyến khích hệ thống đó như là một phần trong nổ lực nhằm lượng định lại vị thế kinh tế quốc tế của mình.
Kế đến, để bổ sung các tiền tệ vào trong quỹ dự trữ tiền tệ chính thức, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể phát hành Quyền Rút Qũy Đặc biệt (SDRs), một đơn vị kế toán của IMF dùng lâu nay trong các dịch vụ thanh toán với các nước thành viên, hiện cấu thành bằng một hổn hợp 4 loại tiền tệ (dollar, euro, yen và đồng bảng). Việc này sẽ thôi thúc các quốc gia xây dựng dự trữ ngoại tệ mà không cần phải có các thặng dư mậu dịch và thanh toán lớn, nhờ vậy giảm bớt được áp lực lên hệ thống mậu dịch thế giới. Nó sẽ là vô vọng và không cần thiết để cố áp đặt một cách cứng ngắc sự mở rộng lượng dự trữ toàn cầu, như một vài kế hoạch ôm đồm về cải cách đã đem ra thử nghiệm và thất bại trước đây. Trái lại, một tổng hợp cân bằng hơn của những tích sản dự trữ là hoàn toàn khả thi và rất phù hợp với quyền lợi của cả Mỹ lẫn các nước khác trên thế giới.
Nhóm G-20 (gồm 19 nước với kinh tế lớn nhất thế giới và đại biểu của Cộng Đồng Âu Châu) đã đi một bước lớn theo hướng nói trên bằng cách đồng ý, trong tháng 4/2009, lập ra 250 tỉ dollars cho SDRs và đã được IMF phân phối giữa các nước trong tháng 8. Việc này sẽ tăng mức phần chia SDRs (cho từng quốc gia) từ dưới 1% lên đến 5%. Nhóm G-20 và IMF bây giờ nên đi xa hơn- nhằm đáp ứng khẩn cấp với sự khủng hoảng- để khởi đầu quá trình phân phối SDRs hằng năm, có lẽ lên đến tổng số 1000 tỉ dollars trong một thời hạn 5 năm.
Ngoài ra, IMF có thể lập ra một trương mục thay thế trong đó các cơ quan tiền tệ của các nước có thể hoán đổi lượng dollars hoặc tiền tệ chưa cần đến để đổi lấy SDRs mà không gây ảnh hưởng đến thị trường thế giới. Việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ rối loạn thị trường trong tương lai và góp phần tăng cường vai trò của SDRs- một bước rất quan trọng vì bất kỳ một sự phân tán lượng dollar dự trữ nào của Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông hay Nga, hay ngay cả chỉ là lời đồn về sự phân tán đó, đều có thể ảnh hưởng bất lợi cho cả Mỹ (giảm giá tiền tệ nhanh chóng) lẫn các nước vùng euro cũng như những nước mà tiền tệ của họ được mua vào (đẩy hối suất đồng tiền của họ lên làm giảm sức cạnh tranh). Cũng như đã từng đi đầu trong việc tạo ra SDRs trong những thập niên 1960 và 1970- và đã ủng hộ cho ý tưởng về trương mục thay thế vào cuối thập niên 1970- Mỹ nên ngay bây giờ ủng hộ cho vai trò rộng lớn hơn của hệ thống tiền tệ quốc tế này.
Khi kinh tế thế giới hồi phục, cả thành viên thị trường khu vực tư lẫn giới chức tiền tệ đều sẽ tìm cách đạt được sự gia tăng lớn và đều đặn cho quỹ dự trữ ngoại hối của họ. Bao lâu dollar còn là loại tiền tệ bá chủ thế giới, thì nhu cầu vừa nói sẽ thúc đẩy dòng tư bản chảy vào Mỹ và đẩy hối suất của đồng dollar lên, gây tổn thương cho khả năng cạnh tranh của Mỹ và tạo ra sự khiếm hụt ngoại thương lớn hơn nữa. Để cho Mỹ tránh được kết quả mất cân bằng mậu dịch và nợ nần thêm, một số những nhu cầu ngày càng tăng nói trên nên được chuyển qua cho đồng euros, nhân dân tệ, và SDRs. Cả hai việc cải cách tiền tệ quốc tế và giảm thiểu vai trò của đồng dollar đều là lợi ích lớn của nước MỸ.
KHIẾM HỤT NÀY KÉO THEO KHIẾM HỤT KHÁC
Những vấn đề trình bày ở trên chỉ trở nên nghiêm trọng nếu khiếm hụt mậu dịch và khiếm hụt thanh toán ngoại thương của Mỹ tái hiện ở mức độ cao trong tương lai. Một trong vài tin vui nhỏ đến từ sau cuộc khủng hoảng hiện nay là sự giảm sút nhanh của những khiếm hụt đó. Sau khi lên đến mức kỷ lục 800 tỉ dollars, hơn 6% của GDP trong năm 2005, sự khiếm hụt thanh toán ngoại thương dường như giảm chừng một nửa trong năm 2009. Chừng ¼ của sự giảm sút đó bắt nguồn từ giá dầu hỏa thấp- dù rằng nó có tạm thời tăng trong năm 2008- và phần khác là do sự suy thoái đã ảnh hưởng lớn trên nhập cảng hơn là sự sụt giảm mức cầu ngoại quốc đối với xuất cảng. Lý do khác là sự cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ gây ra do sự giảm giá dần của đồng dollar: chừng 25% trong thời kỳ từ 2002 tới 2008. Thành quả của cân bằng mậu dịch này đã giữ cho xuất lượng của Mỹ tăng lên cho đến nửa năm 2008 bất chấp sự giảm sút mức cầu quốc nội đã bắt đầu từ cuối 2007, và thành quả đó cũng đã hạn chế mức độ của cuộc suy thoái năm 2009.
Tuy nhiên, ngay cả với những tin vui đó, tư thế của Mỹ như là một con nợ quốc tế vẫn tiếp tục đi lên, chính yếu là vì sự khiếm hụt thanh toán ngoại thương còn tiếp diễn. Nợ thuần của Mỹ tăng 1300 tỉ dollars trong chỉ riêng năm 2008, đạt đến 3500 tỉ vào cuối năm nay. Hơn nữa, rõ ràng sự cải thiện mới đây chỉ là tạm thời và có thể sẽ bị đảo ngược trong tương lai gần. Lý do chính là sự khiếm hụt ngân sách quá lớn, mà cả CBO (Phòng ngân sách Quốc Hội) lẫn các nhà phân tích đáng tin cậy đều dự đoán là sẽ kéo dài ít nhất là đến thập kỷ kế tiếp và có thể còn lâu hơn. Sau khi chịu gần 1500 tỉ dollars khiếm hụt ngân sách trong tài khoá năm nay – hơn ba lần kỷ lục trước đó- sự khiếm hụt có lẽ sẽ nằm ở mức gần 1000 tỉ dollars mỗi năm cho đến tận năm 2020 hay sau đó nữa. Nó có thể lên cao hơn, tuỳ thuộc vào tương lai của nền kinh tế (như với mức tăng năng suất thấp hơn) và chính sách của chính phủ (không cắt giảm được chi phí y tế hoặc các chương trình trợ cấp xã hội khác, hay không tạo được thêm nguồn thu cần thiết để trang trãi cho những chương trình đó).
Những khiếm hụt ngân sách lớn hơn thúc đẩy mạnh hơn các khiếm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán ngoại thương vì hai lý do. Trước hết, trên khía cạnh “thật” của nền kinh tế, những khiếm hụt đó đẩy cầu nội điạ lên một một mức mà, khi phối hợp với mực độ tự nhiên của tiêu thụ và đầu tư của khu vực tư, vượt quá xuất lượng tiềm tàng trong nước.Sự chênh lệch đó được bù bằng việc nhập cảng hàng hoá và dịch vụ, khiến nước Mỹ tiếp tục sống quá khả năng của mình bao lâu mà sự tài trợ từ bên ngoài vẫn tồn tại. Kế đến, sự khiếm hụt ngân sách kích thích tư bản nước ngoài tuôn vào Mỹ.Tiết kiệm trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu đối với thị trường tín dụng thế giới tạo ra do sự vay mượn của chính phủ Mỹ cũng như để tài trợ cho sự đầu tư lành mạnh của khu vực tư. Tư bản nước ngoài đã được dùng để bù đắp vào đó.
Cơ cấu chính qua đó sự khiếm hụt quốc nội cao dẩn đến sự khiếm hụt đối ngoại cao là hối suất của đồng dollar. Món nợ bổ sung chính phủ vay để tài trợ cho sự mất cân bằng ngân sách làm gia tăng lãi suất, là điều không mong muốn xét theo quyền lợi quốc nội vì lãi suất cao kìm hảm đầu tư và ngăn cản sự tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cao cũng thu hút nhập lượng lớn của tư bản ngoại quốc, và mặc dầu lượng tư bản này bù trừ cho sự kìm hảm đầu tư vừa nói, lại đẩy giá đồng dollar lên. Điều này gây hiệu quả bất lợi đối với khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ chuyên về xuất cảng hoặc muốn cạnh tranh với hàng nhập cảng vào thị trường Mỹ, mở rộng thêm sự khiếm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán ngoại thương.
Một “phương thuốc “khả thi là sự đầu tư bị nén ép – như trong cuộc suy thoái hiện nay- khiến giảm mức cầu cả về hàng ngoại lẫn ngoại tệ. Một giải pháp khác là sự gia tăng tiết kiệm, cắt giảm cả chi tiêu tiêu thụ, gồm luôn tiêu thụ nhập cảng, lẫn nhu cầu đối với ngoại tệ.Tất nhiên, Washington không muốn dựa vào giải pháp thứ nhất, vì nó có nghĩa là kinh tế sẽ liên tiếp bị nén xuống và sự tăng trưởng thấp của năng suất. Nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng không thể trong cậy vào giải pháp thứ hai. Vì vậy, các nhà làm chính sách của Mỹ phải chấp nhận rằng bất kỳ sự gia tăng khiếm hụt ngân sách nào của chính phủ- như những khiếm hụt hiện nay và những khiếm hụt được tin là sẽ có trong tương lai gần- sẽ tạo ra sự gia tăng sự mất cân bằng ngoại thương và tăng rũi ro lên một mức chưa từng có.
Dùng số liệu của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) và các dự đoán tăng trưởng tương lai, William Cline của Việt Peterson đã dự phóng sự khiếm hụt mậu dịch và cán cân thanh toán ngoại thương của Mỹ đến năm 2030. Các kết quả là không sáng sủa: Khiếm hụt mậu dịch của Mỹ về hàng hoá và dịch vụ sẽ vượt quá 3000 tỉ dollars, gấp gần 4 lần mức kỷ lục trước đó, từ năm 2006, và chiếm chừng 8% của GDP. Mặc dầu bách phân đó chỉ cao hơn chút ít 6% của năm 2006, nhưng xin nhớ rằng năm 2006 là năm tư bản nước ngoài tuồn vào ở mức cao nhất, gây nên bong-bóng tài chánh và mở màn cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo nghiên cứu của Cline thì thay đổi lớn nhất được dự phóng là sự gia tăng mức chi trả hàng năm cho những nhà dự trữ dollar nưóc ngoài để trả cho các món nợ ngoại quốc của Mỹ. Mặc dù Mỹ đã là nước vay nợ lớn nhất thế giới tính theo đồng dollar, nhưng ngay bây giờ Mỹ chưa phải trả một đồng tiền nợ nào vì đầu tư của Mỹ ở ngoại quốc kiếm lời nhiều hơn số lời của các nước đầu tư tại Mỹ thu được.
Bảng dự phóng của Cline cũng cho thấy rằng ngay cả nếu như số lời do đầu tư nói trên còn tiếp tục thì số nợ của Mỹ vẫn cứ gia tăng từ gần 5000 tỉ dollars hiện nay lên tới hơn 50,000 tỉ, và hàng năm số tiền phải trả cho món nợ đó sẽ đến 2,500 tỉ /năm! Vào khoảng năm 2030, nước Mỹ sẽ phải chuyển 7% xuất lượng hàng năm cho phần còn lại của thế giới. Để trả cho sự hoang phí trước kia của mình, Mỹ sẽ phải rút ruột cắt đi 2,500 tỉ dollars- tương đương với tổng chi phí hiện nay hàng năm cho vấn đề y tế- của tiêu thụ nội địa, đầu tư và chi tiêu hàng năm của chính phủ. Tối thiểu, điều đó cũng sẽ đưa đến một sự xói mòn lâu dài đối với mức sống của người dân Hoa Kỳ.
Những dự đoán trên đây ước tính rằng sự khiếm hụt cán cân thanh toán ngoại thương hàng năm của Mỹ sẽ lên đến gần 6000 tỉ dollars vào năm 2030, caơ gấp 7 lần mức cao nhất trước đây. Số tiền đó chiếm hơn 15% GDP, hay gấp 2.5 lần mức cao nhất vào năm 2006, và gấp 3 mức được chấp thuận theo thông lệ quốc tế đối với khiếm hụt cán cân thương mãi mà thường là chừng 4, hay nhiều lắm, là 5% của GDP (tổng sản lượng nội điạ).
Trong trạng huống như vậy, mức đầu tư quốc tế thuần, hay mức nợ nước ngoài thuần, của Mỹ sẽ vượt quá 50 ngàn tỉ dollars, hay 140% của GDP, hơn gấp 3 lần mức được thông lệ quốc tế chấp nhận là 40%. Một số quan sát viên tìn rằng, về mặt này, Mỹ đã được dễ dãi hơn phần lớn các nước khác nhờ vào vai trò quan trọng của đồng dollar. Nhưng vai trò này có thể suy giảm trong những năm sắp đến. Hơn nữa, không có gì rõ ràng về việc vai trò trội vượt của đồng dollar sẽ làm mạnh hơn hay yếu đi khả năng của Mỹ trong việc tài trợ cho sự khiếm hụt lớn. Tổng dự trữ dollars nằm trong tay nước ngoài- dự phóng sẽ vượt quá mức 80 ngàn tỉ dollars vào năm 2030, so với hiện nay là 20 ngàn tỉ dollars – cung ứng một phạm vi rất rộng cho việc hoán chuyển số dự trữ đó sang các loại tiền tệ khác hơn dollar, và điều đó sẽ gây khó khăn hơn cho Mỹ trong việc tài trợ những khiếm hụt trên quy mô lớn như Cline dự đoán. Việc bỏ đồng dollar và chuyển tích sản qua các tiền tệ khác có thể được khởi sự bằng việc tháo chạy của tư bản ra khỏi nước Mỹ khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra là nền kinh tế của Mỹ ngày càng mất sinh khí.
Cline dự đoán là vào khoảng năm 2030 sự khiếm hụt ngân sách quá lớn sẽ đẩy lãi suất dài hạn của Mỹ lên 2.5%. Một cách tương ứng giá đồng dollar sẽ tăng 20%, làm suy giảm khả năng cạnh tranh và gây suy yếu nghiêm trọng cho hầu hết những lãnh vực quan yếu của nền kinh tế. Ngay cả cho dù những con số vừa nêu đã được khoa đại đi nữa chúng cũng đã vượt quá xa thông lệ lịch sử đến độ sự khủng hoảng dollar chắc sẽ xảy ra rất lâu trước cả khi đạt đến những con số đó. Paul Volcker, cựu Chủ tịch FED (Ngân hàng Liên Bang), và tôi đã khuyến cáo khả năng về một cuộc khủng hoảng như vậy và sự sụp đổ tiếp theo sau đó từ những thập niên 1980. Lên tiếng như vậy không đơn giản chỉ là lo sảng. Mỹ thật ra đã nếm trãi sự báo động đó trước kia: lần đầu vào cuối những năm 1970 khi Mỹ vẫn còn là quốc gia trái chủ, và rồi lần sau, ở mức nhẹ hơn vào giữa những năm 1980.
Nước Mỹ sẽ bị buộc phải trãi qua một sự điều chỉnh kinh tế lớn trước khi những con số dự phóng nêu trên đạt đến. Điều này có thể xảy ra dưới dạng một sự suy giảm lớn, dần dần giá trị của đồng dollar- đặc biệt nếu FED( Ngân hàng Liên Bang) có thể rút lui khỏi chiến lược mở rộng tiền tệ hiện nay trong khi vẫn duy trì được sự tin tưởng vào khả năng kiểm soát lạm phát của nó. Nhưng ngay một sự điều chỉnh như vậy cũng đòi hỏi cắt giảm mạnh sự tiêu thụ và đầu tư nội địa. Nếu bằng cách nào đó mà sự điều chỉnh lại bị trì hoãn đến năm 2030 thì sự cắt giảm mức tiêu thụ và mức thu hút đầu tư nội địa có thể đạt đến mức kinh khiếp là 13% của GDP (tổng sản phẩm nội địa)- lớn gần gấp 4 lần mức suy giảm tạo ra từ cuộc khủng hoảng hiện nay.
Không nhất thiết là Mỹ phải loại bỏ hoàn toàn sự bất cân bằng ngoại thương. Lý thuyết và lịch sử cho thấy rằng mức khiếm hụt chừng 3% của GDP là chấp nhận được bởi vì nợ nước ngoài của Mỹ như vậy sẽ không tăng lên nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế- đặc biệt nếu như tư bản ngoại quốc được dùng cho những đầu tư sản xuất (như suốt trong thập niên 1990) thay vì cho tiêu thụ của tư nhân và chính quyền (như trong thập niên này). Giữ vững được ở mức khiếm hụt đó sẽ cho phép món nợ ngoại quốc của Mỹ sẽ ổn định ở mức 50% của GDP- tuy cao nhưng quán xuyến được. Mục tiêu chính vẫn là duy trì mức khiếm hụt cán cân thanh toán ngoại thương trung bình không quá 3% của GDP.
Vì sự gia tăng khiếm hụt ngọai thương sẽ tương đối nhỏ trong những năm sắp đến- và chính sách kinh tế tiếp tục tập trung vào sự phục hồi kinh tế- nên dễ có tâm lý trì hoãn sự chú ý đến vấn đề này và nguyên nhân tiềm ẩn của nó, là sự khiếm hụt ngân sách. Nhưng các nhà đầu tư ngoại quốc lại có thể thúc đẩy Mỹ tái tục sự khiếm hụt của mình trong một vài năm. Việc làm đó có thể vừa tái tạo tình huống đã dẩn đến cuộc khủng hoảng hiện nay vừa tạo ra nguy cơ một sự đình đốn đột ngột có thể dẩn đến sụp đổ. Sự tràn ngập của tư bản ngoại quốc lại có thể lần nữa góp phần vào tình trạng tiền bạc dễ dàng quá mức, gieo mầm cho các bong bong và khủng hoảng kinh tế.
Một vài sự gia tăng trở lại của khiếm hụt ngoại thương có lẽ không tránh khỏi. Giá dầu hoả có thể lên tính từ mực trung bình của năm 2009. Mỹ có thể hồi phục nhanh hơn các đối tác mậu dịch khác, nhất là các nước Âu Châu. Sự tăng giá đồng dollar trong giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng đã loại trừ gần hết một nửa khả năng cạnh tranh của Mỹ đạt được trong 6 năm trước. Và hối suất có thể tạm thời mạnh lên nếu như Ngân hàng Liên Bang Mỹ có thể bắt đầu bình thường hoá chính sách tiền tệ trước ngân hàng Trung ương Âu Châu và các cơ quan tiền tệ khác.
Tuy nhiên Mỹ nên tìm cách giới hạn hoặc đão ngược sự tăng giá đồng dollar này ngay khi những điều kiện kinh tế trong nước và toàn cầu cho phép. Mục tiêu nên là đem trở lại ngay mức bất cân bằng ngoại thương quanh mức 3% GDP hoặc thấp hơn, và giữ ở đó cho tương lai trước mắt. Tuy không định rõ con số nào cả, nhưng chính phủ Obama tỏ ra muốn thực hiện theo hướng đó. Chính phủ kêu gọi một sự phục hồi kinh tế dựa vào xuất cảng hơn là tiêu thụ. Chính phủ cũng từ chối tái lập vai trò của nước Mỹ như là kẻ tiêu thụ cuối cùng của thế giới và khuyến cáo các nước cùng đi theo sự phục hồi kinh tế bằng cách mở rộng mức cầu nội địa hơn là dựa vào sự tăng trưởng đặt nặng trên xuất cảng. Vấn dề là làm cách nào để đạt những mục tiêu đó.
TIẾT KIỆM ĐỂ THÀNH CÔNG
Phương cách lành mạnh để giàm mức khiếm hụt ngoại thương của Mỹ xuống ở mức chịu đựng được là nâng mức tiết kiệm trong nước lên nhiều phần trăm. Sự gia tăng đó có thể đạt được với sự phối hợp của việc tăng tiết kiệm tư nhân và sự cắt giảm khiếm hụt ngân sách liên bang. Trước cuộc khủng hoảng, tiết kiệm gia đình ở Mỹ căn bản là số không; hiện nay đã trở lại được chừng 5-7%. Đó là do phản ứng đối với sự sa sút gia sản gây ra do giá nhà và mức sỡ hữu tài sản giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng.
Nếu những nguồn của cải vừa nói phục hồi đáng kể- như sự phục hồi mức sỡ hưũ tài sản từ tháng 3/2009- đà tiết kiệm cao hơn có thể dễ dàng bị đảo ngược; vì vậy thật là liều lĩnh nếu chỉ dựa trên mức tiết kiệm tư nhân cao hơn để ngăn chận nhu cầu tài trợ từ nước ngoài. Hơn nữa, vì chính những yếu tố tạo ra sự gia tăng tiết kiệm gia đình đồng thời cũng là những yếu tố làm giảm doanh lợi và tiết kiệm của các công ty, mức gia tăng tiết kiệm gia đình có thể không đương nhiên tương đương với sự gia tăng của tổng tiết kiệm khu vực tư nhân.
Tiếc thay, chưa có những chính sách thúc đẩy sự tiết kiệm của khu vực tư. Chính phủ tiền nhiệm đã cố gắng nhưng thất bại trong việc vừa tăng vừa giảm thuế suất trên tiết kiệm và trên các thành tố của lợi tức. Điều chỉnh lãi suất dường như cũng không giúp khuyến khích tiết kiệm tư.
Từ đó, dường như chỉ còn lại hai công cụ chính sách tối hảo. Thứ nhất là chuyển trọng điểm từ đánh thuế trên lợi tức sang đánh thuế trên tiêu thụ; cách này không những chỉ tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể nhưng còn khuyến khích tiết kiệm tư. Phương cách thứ hai là thiết lập một kế hoạch tiết kiệm cưỡng bách, một biện pháp đã chứng minh là có hiệu quả tại những nước như Úc và Singapore và hiện đang được khởi sự ở Anh Quốc. Theo cách đó, tất cả người Mỹ sẽ được yêu cầu trích ra một phần nhỏ lợi tức- lúc đầu khoảng 1 hay 2%- ngoài phần đóng góp cho Quỷ An Sinh Xã hội. Một cách khác theo lối tự nguyện là chủ nhân có thể giữ lại một phần rất nhỏ tiền lương của công nhân cho những kế hoạch tiết kiệm phụ trội trừ phi công nhân đã chọn kế hoạch khác. Số tiền đó có thể hoặc được cá nhân quản lý hoặc bởi một cơ quan do chính quyền lập ra. Một vấn đề đối với kế hoạch này là những gì thường được các kinh tế gia gọi là “phụ trội hình thức”: một người vốn đã tự mình định tiết kiệm một số tiền nay bị bắt buộc bèn sẳn dịp đem bỏ tiền đó vào trương mục cưỡng bách, như vậy trên thực tế kế hoạch cưỡng bách không giúp nhiều vào việc gia tăng sự đóng góp vào quỹ tiết kiệm quốc gia.
Như vậy, chính sách tài chánh là công cụ đáng tin cậy duy nhất trong việc gia tăng tiết kiệm quốc gia. Tất nhiên, có mộ số lý do đối nội thuần tuý đối với việc tránh khiếm hụt ngân sách lớn, từ áp lực lạm phát đến mối quan tâm về sự công bằng kinh tế giữa các thế hệ tiếp nhau, đến sự thiếu hiệu quả trong các chi tiêu của chính quyền. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự khiếm hụt ngân sách lớn đối với vị thế kinh tế quốc tế của Mỹ- và do đó, đối với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia- đã bị xem thường một cách tòan diện. Đã đến lúc cần phải xem trọng ảnh hưởng đó trong việc xem xét hướng tương lai của chính sách tài chánh.
Mục đích của một chính sách như vậy phải là cân bằng ngân sách liên bang theo thời hạn chu kỳ kinh tế. Điều này đòi hỏi phải đạt thặng dư ngân sách trong những năm kinh tế đi lên, là điều mà Mỹ đáng ra đã nên làm trong giai đoạn kinh tế phát triển của những năm 2003-2006. Khiếm hụt chút ít có thể chấp nhận được khi kinh tế đi vào giai đoạn suy thoái, tạo ra do những yếu tố ổn định tự động- như mức thuế thu được giảm và mức chi trả của chính phủ cao hơn- và những cố gắng chống lại sự suy thoái kéo dài, như nổ lực kích thích kinh tế hiện nay, chẳng hạn. Mục tiêu của một chính sách như vậy là để tránh tăng thêm nợ cho quốc gia và để bảo đảm rằng mức nợ nước ngoài sẽ không vượt quá tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ (hiện nay là chừng 3%). Điều đó sẽ giúp, theo thời gian, cáng đáng được món nợ và giúp kìm lãi suất và hối suất đồng dollar xuống, giới hạn khiếm hụt ngoại cán cân thanh toán ngoại thương trong tương lai.
Ngay cả một ngân sách thăng bằng sẽ không bảo đảm rằng sẽ luôn luôn đạt được mức mất cân bằng ngoại thương mong muốn. Những thời kỳ kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh- nhất là khi được thôi thúc do sự tăng năng suất, như đã xảy ra vào cuối thập niên 1990- có thể đòi hỏi mức đầu tư cao và vay mượn thêm nước ngoài, và ngay cả nhập cảng nhiều hơn, để kìm hảm áp lực lạm phát. Và, bất kể tình hình quốc nội ra sao, sự giảm sút tăng trưởng kinh tế của phần còn lại của thế giới có thể ngăn trở mức xuất cảng của Mỹ đủ để khiến gia tăng sự khiếm hụt mậu dịch. Ngược lại khi kinh tế trong nước và đầu tư tư nhân giảm, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng hiện nay, sự cải thiện mức cân bằng ngoại thương có thể kèm theo với sự gia tăng nhanh của khiếm hụt ngân sách. Tuy nhiên, theo thời gian, sự điều chỉnh ngân sách là khí cụ đáng tin duy nhất cho việc duy trì mức độ vừa phải của khiếm hụt ngọai thương. Một lợi ích khác nữa là việc cố gắng đạt đến một mục tiêu như vậy sẽ giúp trấn an các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng sẽ không có sự sụt giảm quá nhanh giá trị của lượng dollar họ đang giữ trong tay.
TRÒ CHƠI TIỀN TỆ
Trọng tâm của chính sách kinh tế đối ngoại của MỸ là phải ngăn cản và chống lại việc cố tình định giá thấp tiền tệ của mình bởi các cường quốc kinh tế khác, vì việc làm đó giữ đồng dollar ở giá cao và gây thiệt hại cho khả năng cạnh tranh của hàng Mỹ. Trung Quốc là thủ phạm rõ ràng của việc đó trong những năm qua: nó đã có thặng dư cán cân thanh toán ngoại thương hơn 10% của GDP và đã can thiệp nặng tay vào thị trường tiền tệ để giữ cho giá đồng nhân dân tệ không tăng lên. Tiền tệ Trung Quốc trên thực tế đã tăng giá, và thặng dư mậu dịch của nó đang giảm, nhưng sự không cân bằng ngoại thương của nó vẫn còn rất lớn, và đồng nhân dân tệ vẫn còn được lượng giá 20-40% thấp hơn mức quân bình thật sự. Thuỵ Sĩ, một nước nhỏ nhưng là một đối tác quan trọng trên trường mậu dịch thế giới, là một thủ phạm khác: sự can thiệp mạnh mẽ, tuy minh bạch, vào thị trường tiền tệ đã giúp làm yếu hối suất của đồng Franc Thụy Sĩ tuy rằng Thụy Sĩ có mức thặng dư cán cân thanh toán ngoại thương rất lớn. Trong những năm sắp đến, khi sẽ có nhiều quốc gia tìm cách xuất khẩu để ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay và cố xây dựng một kho vũ khí ngoại hối lớn để tự bảo vệ chống lại bất trắc tương lai, sẽ có nhiều hơn nữa những trường hợp nghiêm trọng, tiêu biểu cho một chủ nghĩa tân trọng thương như vậy. Tình hình đó sẽ gây khó khăn cho Mỹ trong nổ lực tránh sự gia tăng trở lại của sự khiếm hụt ngoại thương.
Bất kỳ cố gắng nghiêm túc nào của Mỹ để giảm bớt sự bất cân bằng mậu dịch quốc tế đều, như vậy, phải chống lại chính sách vị kỷ chỉ-biết-có-mình của các quốc gia khác. Đường lối nên theo sẽ là sự giám sát đa phương và nổ lực “ vạch mặt chỉ tên” của IMF để phát hiện những sự thao túng tiền tệ và dẩn dụ những kẻ vị phạm tự sửa đổi kịp thời. Tuy nhiên, IMF không có những lực bẩy có hiệu quả đối với các quốc gia trái chủ; thật ra, IMF mới đây đã bỏ những nổ lực để đặt sự bất cân bằng tiền tệ của Trung Quốc và các nước khác trong vòng kiểm soát. Giải pháp khác là thi hành các điều khoản của WTO cấm các hành vi cạnh tranh tiền tệ và thực hiện cấm vận chống lại các nước vi phạm.
Hệ thống Bretton Woods (WTO, IMF, World Bank) được thiết lập khi Đệ Nhị TC kết thúc để tránh việc lập lại chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch và sự cạnh tranh tiền tệ theo lối phá giá của những năm 1930, là những việc đã làm cuộc đại khủng hoảng 1930 thêm trầm trọng và gieo mầm cho chiến tranh. Hệ thống đó nay đang trãi qua cuộc thử nghiệm đầu tiên, và cho đến lúc này, nó đã không chứng tỏ khả năng của nó trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình. Không có những hành động đa phương hữu hiệu- hoặc, thật ra, để hổ trợ cho những hành động như vậy- Mỹ có thể sẽ phải có những bước đi đơn phương chống lại các quốc gia vi phạm, đến mức như nó đã làm năm 1971, khi Nixon thiết lập siêu thuế nhập cảng, và ở mức thấp hơn, vào giữa những năm 1990, khi Bill Clinton áp dụng áp lực mậu dịch để buộc Nhật Bản phải tăng giá đồng Yen.
Bất kỳ nổ lực nào để kìm lại sự khiếm hụt ngoại thương của Mỹ đều gây ra khó khăn cho các nước khác, gồm Trung Hoa, Nhật Bản, và Đức quốc- ba nền kinh tế lớn nhất sau Mỹ. Những nước này đã dựa vào sự xuất cảng gia tăng và thặng dư mậu dịch để tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế của mình, và họ sẽ phải mở rộng mức cầu nội địa của họ nhanh hơn nữa một khi Mỹ từ bỏ vai trò truyền thống như là quốc gia tiêu thụ tối hậu. Một sự thay đổi như vậy sẽ không chỉ khiến cho sự tăng trưởng kinh tế chung của thế giới được duy trì; mà nó còn giúp cho sự tăng trưởng của riêng từng quốc gia. Một sự chuyển hướng trọng tâm từ xuất khẩu sang tiêu thụ quốc nội là điều khả thi- nhất là đối với những nước đông dân- nhưng nó sẽ đòi hỏi một sự điều chỉnh về thực chất ở các nước. Các viên chức của chính phủ Obama, cũng như các giới chức của nhóm G-20, G-8, cũng như các cơ quan quốc tế khác, đều đã lên tiếng kêu gọi cho một sự điều chỉnh chính sách như vậy.
Cải cách trật tự tiền tệ thế giới sẽ tăng cường chiến lược cân bằng toàn cầu. Bằng cách giảm thiểu vai trò hệ thống của đồng dollar và đưa địa vị quốc tế của những tiền tệ khác lên, cùng tăng cường SDRs, Mỹ sẽ tự có thêm động cơ để giới hạn những khiếm hụt của nó và thúc đẩy các nước khác gia tăng quỹ dự trữ ngoại tệ của họ mà không cần phải có thặng dư mậu dịch. Hiệu quả tích lũy sẽ là viễn ảnh tốt hơn của sự ổn định tiền tệ quốc tế và giảm thiểu cơ nguy của những khủng hoảng tương lai.
TRẢ GIÁ ĐỂ CHƠI
Tuy nhiên gốc rễ khó khăn của Mỹ là ở trong nước.Ngay khi sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng cho phép, Mỹ phải thực hiện ngay một chính sách tiền tệ có trách nhiệm. Nên chấp nhận những biện pháp mới trong tương lai gần – trong khi kinh tế vẫn còn đang hồi phục – những biện pháp có thể được thực hiện trong trung kỳ và trường kỳ, khi sự tăng trưởng tái tục và đất nước có thể thích nghi với sự thắt chặt tài chánh mà không lâm vào nguy cơ của một cuộc suy thoái khác. Thi hành những biện pháp như vậy bây giờ sẽ tạo nên sự tự tin ngay khi Mỹ tiếp tục tập trung vào việc phục hồi kinh tế và như vậy giảm thiểu nguy cơ là cả chứng khoán lẫn đồng dollar đều bị mất tin tưởng trên thị trường, điều mà nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại ngay cho chính sự hồi phục nền kinh tế.
Một chính sách như vậy phải bao gồm một sự trả giá trước trong việc đối phó với những vấn đề cơ cấu nằm ngay trong hiện trạng tài chánh băng hoại của Mỹ. Có ít nhất ba cải cách thuộc loại “quyết định bây giờ và thực hiện sau”. Quan trọng hơn cả là kìm chế chi phí y tế trường kỳ, một thành tố của sự cải cách y tế toàn diện, có thể tiết kiệm tương đương với nhiều phần trăm của GDP. Thứ hai là cải cách toàn bộ An Sinh Xã hội, gồm việc nâng dần tuổi về hưu và sự thay đổi công thức tính lợi ích thụ hưởng để phản ảnh được sự gia tăng về giá cả hơn là sự gia tăng về đồng lương. Sau khi hoàn toàn được đưa vào áp dụng trong thời hạn vài chục năm, những thay đổi như vậy có thể cắt giảm được vài phần trăm sự khiếm hụt. Biện pháp thứ ba là tăng thuế trên sự tiêu thụ, một việc vừa tạo thêm nguồn thu ngân sách vừa khích lệ cho tiết kiệm tư. Sự tiêu thụ có thể bị đánh theo thuế bán lẽ hay theo thuế trị giá gia tăng, hoặc với thuế xăng dầu, hay với thuế carbon để giới hạn sự xử dụng năng lượng và có được lợi ích bổ sung trong việc kiềm hảm sự nóng lên của địa cầu.
Các cải cách về thủ tục cũng rất cần thiết. Bước thiết yếu là thi hành nguyên tắc “ pay-as-you-go” theo đó tất cả những sự gia tăng chi tiêu hay giảm thuế phải được tài trợ bằng sự tiết kiệm ở phần nào đó trong ngân sách. Việc tạo ra về mặt lập pháp một “ uỷ ban tài chánh tương lai” -như mô hình của Uỷ Ban Điều chỉnh và Đóng cửa Căn cứ, một cơ quan liên bang mà các khuyến cáo phải được đưa ra cho Quốc hội biểu quyết- có thể mở màn cho một sự đột phá lớn. Ngay cả có thể đã đến lúc tái xét việc thông qua một tu chính án cân bằng ngân sách đối với Hiến Pháp, một điều khoản đã tồn tại trong hầu hết các tiểu bang của Mỹ và hiện đang được mô phỏng với ít nhiều nét tương tự bởi Cộng Đồng Âu Châu. Bất kể với giải pháp chính sách cụ thể nào, mục tiêu nền tảng vẫn là tạo ra một hệ thống giúp đạt được ngân sách cân bằng trong từng chu kỳ kinh tế.
Một chính sách tài chánh có trách nhiệm sẽ cho phép Ngân hàng Liên Bang điều hành một cách tương đối dễ dàng chính sách tiền tệ, giữ được lãi suất thấp và tránh được sự lượng giá quá cao đồng dollar. Nếu chính phủ Obama muốn trở thành một mẫu mực lịch sử, thì nó nên bắt chước chính sách của Clinton-Greespan của những năm 1990 (một hổn hợp của thặng dư ngân sách và lãi suất thấp) hơn là theo chính sách của Reagon-Volcker của những năm 1980 (hổn hợp của khiếm hụt lớn với lãi suất cao).
Ngoài sự củng cố tài chánh, Mỹ cần đưa vào một loạt biện pháp nhằm tăng cường sức cạnh tranh và duy trì sự thăng bằng của cán cân thanh toán ngoại thương. Những nổ lực như vậy nên tập trung hướng vào việc gia tăng năng suất, cũng như các chính sách về môi trường và năng lượng được soạn thảo nhằm giới hạn việc nhập cảng dầu hỏa. Trong các cuộc thương lượng, Mỹ nên tìm cách giảm những rào cản của các nước đối với hàng xuất cảng của mình, nhất là đối với các dịch vụ của Mỹ có khả năng cạnh tranh cao. Chính sách thuế phải tạo ra sự khích lệ cho các công ty Mỹ cũng như ngoại quốc để họ đặt cơ sở của họ ở Mỹ, bằng cách cắt giảm mức thuế dành cho xí nghiệp, và đối xử với lợi tức thu được từ hải ngoại không kém sự ưu đãi mà các cuờng quốc khác thường làm.
Tổng thống Obama thường kêu gọi tất cả công dân Mỹ nên nhìn thẳng vào nhiều thực tế mà đất nước đã làm ngơ trong một thời gian quá lâu: một hệ thống điều tiết tài chánh đã góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, một hệ thống y tế bất công và phí phạm, sự quá lệ thuộc vào năng lượng hoá thạch và vào những quốc gia bất ổn sản xuất ra năng lượng đó, và mối tai hoạ tiềm ẩn đối với thế giới do sự hâm nóng quả địa cầu gây ra. Chính phủ đã đưa ra một số đề nghị cụ thể đối với những vấn đề vừa nêu. Bây giờ cần thêm vào chương trình nghị sự đó mục đích phải đạt được cho sự cân bằng trong vị trí kinh tế quốc tế của Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ có nguy cơ tái lập những điều kiện đã tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay và không chừng sẽ lao nhanh vào một cuộc khủng hoảng khác với quy mô lớn hơn bằng việc tích lũy thêm sự khiếm hụt ngoại thương và nợ nần. Cho đến lúc này, những lời kêu gọi hoa mỹ của chính phủ Obama về sự ổn định tài chánh trường kỳ chưa hề đi đôi với những đề nghị thiết thực để hành động theo hướng đó. Sự thành công của Mỹ- hay thất bại- trong việc đạt được sự quân bình kinh tế sẽ tác động xa hơn nữa trong sự định hình viễn ảnh về vai trò toàn cầu, cũng như sự thịnh vượng của nước Mỹ trong những thập niên sắp đến.
© Đàn Chim Việt Online: Bản tiếng Việt