Những ngày ở Hàm Tân
với Bác Lý Trường Trân (1924 – 2013)
Bài viết để tưởng nhớ một bậc Huynh trưởng vừa mới ra đi
* * *
Vào tiết Trung thu năm 1992, Thầy Đạt – Hòa Thượng Thích Huệ Đăng và tôi là hai bạn tù chính trị cùng với cỡ 30 tù hình sự khác được chở từ trại giam Chí Hòa đến trại Z30D tại khu Rừng Lá Hàm Tân, gần với thị xã Phan Thiết. Chúng tôi được phân bố tới Phân trại K2 tọa lạc tại khu Căn cứ 6 Pháo Binh thời trước 1975.
Hồi đó tại K2 có đến cả ngàn tù nhân, trong đó có chừng 40 người là tù chính trị được phân bố trong nhiều đội lao động khác nhau. Sau một thời gian ổn định sinh họat nơi môi trường mới lạ này, tôi đã lần hồi liên lạc được với các bạn tù chính trị đã ở đây từ nhiều năm tháng trước.
Hai người cao tuổi nhất là Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng án chung thân và Dân biểu Lý Trường Trân án 15 năm. Bác Sủng thì quá yếu, thường được cho ở nhà để phụ lo dọn dẹp vệ sinh quanh phòng. Còn bác Trân lúc đó cỡ gần 70 tuổi, được bố trí chăm sóc các mảnh vườn hoa xung quanh trại. Vào những ngày nghỉ lễ, tôi thường tìm cách đến thăm hỏi chuyện trò với các bác. Vào cuối năm 1993, thì do bị đau bệnh nhiều, nên bác Sủng được cho đi chữa bệnh ở Saigon. Và vào đầu năm 1994, thì bác Trân và một số chừng 15 người tù nhân lớn tuổi chúng tôi cỡ ngòai 60 được chuyển tới một khu riêng biệt do cán bộ y tế là bác sĩ Nguyễn Trọng Cống trông coi. Tại đây, chúng tôi không còn phải đi làm việc vất vả mỗi ngày như hồi còn ở trong các đội lao động trước đây nữa.
Thành ra, kể từ tháng 4 năm 1994 tôi được ở chung phòng với bác Trân đến 18 tháng cho đến khi bác được trả tự do vào tháng 10 năm 1995. Đối với tôi, thì rõ ràng đây là cái duyên tốt lành khiến cho mình có nhiều thời gian chuyện trò trao đổi tâm sự thân tình với một bậc Huynh trưởng thật đáng mến này.
Trước 1975, bác Lý Trường Trân là một Dân biểu Hạ Nghị Viện, do đó mà phải đi tù “cải tạo” mất đến 7 năm. Nhưng sau khi được thả về nhà ít lâu, thì vào cuối thập niên 1980 bác Trân bị bắt lại lần nữa và bị xử án tới 15 năm. Trong vụ án chính trị này, lại có cả Bác sĩ Trần Thắng Thức cũng là cựu Dân biểu mà bị tù lần nữa như bác Trân vậy.
Bác Trân người trầm tĩnh, ít nói nhưng có đời sống nội tâm thật sâu sắc. Về sinh họat tôn giáo, bác là một Phật tử thuần thành và trong nhà có cả một người con trai xuất gia đi tu từ hồi còn trẻ tuổi nữa. Với tinh thần cởi mở thông thóang, bác có mối giao tiếp khá thuận thảo với các tu sĩ, chức sắc thuộc các Tôn giáo bạn như Công giáo, Cao Đài, Tin Lành ở địa phương miền Trung.
Về sinh họat chính trị tại Quốc Hội, bác Trân cùng với Luật sư Trần Văn Tuyên là hai trong số những nhân vật sáng giá nhất trong Khối Dân tộc Xã hội – khác hẳn với Khối Dân biểu thân cận với Chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Tại nhà tù Hàm Tân, các trại viên dù là tù chính trị hay tù hình sự, thì ai nấy đều tỏ vẻ kính trọng đối với ông lão tuy cao tuổi mà sức khỏe vẫn còn dẻo dai tráng kiện này. Mà cả đến những cán bộ cai tù, thì cũng không một ai mà lại có thái độ coi thường hay bất nhã đối với người tù luôn giữ được sự mực thước phải chăng như bác Trân.
Dĩ nhiên là trong sự giao tiếp chuyện trò giữa những bạn tù chính trị với nhau, thì chúng tôi luôn có sự cảnh giác đề phòng chuyện theo dõi nhòm ngó thường xuyên của cán bộ – thông qua những người tù được bố trí là tai mắt cho Ban Giám thị của trại mà các trại viên gọi đó là những “antennes”. Vì thế mà chúng tôi cũng tìm cách kiềm chế chuyện phát ngôn quá bộc trực, nhất là trước những vấn đề chính trị thời sự được coi là “nhạy cảm”.
Trong chỗ riêng tư, bác Trân có lần kể cho tôi nghe về nhân vật Lương Vĩnh Thuật là một chức sắc rất có uy tín của Đạo Cao Đài ở miền Trung. Bác cũng nói về việc Việt minh Cộng sản tàn sát đến cả ngàn tín đồ Cao Đài ở miệt Quảng Ngãi Bình Định vào giữa thập niên 1940. Ông cũng kể về chuyện hận thù ân óan giữa người cộng sản đối với các đảng viên như Việt Quốc, Đại Việt và cho rằng đó là điều thật bất hạnh cho dân tộc mình, vì cái vết thương tàn bạo hiểm ác đó giữa người đồng bào ruột thịt với nhau thì thật là khó mà có thể dễ dàng mau chóng hàn gắn lại được.
Là người đã từng làm việc lâu năm trong lãnh vực phát triển nông nghiệp, bác Trân truyền đạt cho chúng tôi cái kinh nghiệm trồng rau đậu để cải thiện bữa ăn cho các tù nhân trong trại. Bác chỉ dẫn cách thức tăng thêm hiệu quả của phân bón bằng việc đem trộn lẫn những thứ rác mục, lá cây, phân trâu bò và đem ủ nhiều ngày trong các ụ nhỏ được che kín ở góc vườn – nhờ vậy mà có được một số lượng phân hữu cơ với mùn tơi, xốp dễ dàng cho lớp cây non hấp thụ. Lọai phân hữu cơ này trong tiếng Anh, thì người ta gọi là “compost”. Nhờ làm công việc ngòai trời tương đối nhẹ nhàng với kỹ thuật thích hợp, nên người tù cao tuổi như chúng tôi hồi đó ai nấy đều có được niềm vui với kết quả là sức khỏe thể chất ổn định và sự bình tĩnh trầm lặng trong tâm hồn.
Bác Trân còn kể lại với tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt cuộc đời họat động sôi nổi của mình qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi suốt từ thời kỳ dưới chế độ thực dân Pháp trước năm 1945 và sau này dưới nhiều chế độ của Việt minh cộng sản, của chế độ quốc gia do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo và sau này dưới chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Rồi sau cùng là dưới chế độ Cộng sản sau năm 1975.
Bác nói : “Mình sống sót an lành được qua bao nhiêu gian truân khói lửa suốt trên 50 năm nay, thì quả đó là một điều may mắn, do Trời Phật độ trì và do âm đức của ông bà để lại. Do vậy, mà cần phải biết trân quý đối với cuộc sống của con người trên mảnh đất quê hương này…”
Bác Trân còn kể lại việc gặp gỡ và kết thân với nhà văn nổi tiếng Kim Dung ở Đài Loan trong dịp ông ghé thăm Saigon vào đầu thập niên 1970. Kim Dung là tác giả của những cuốn tiểu thuyết được nhiều người say mê theo dõi như “Cô Gái Đồ Long”, “Lục Mạch Thần Kiếm”, “Tiếu Ngạo Giang Hồ” v.v… Bác nói : “Ông Kim Dung cũng thuộc dòng họ Lý như tôi, ông lại nói tiếng Pháp trôi chảy, nên chúng tôi chuyện trò với nhau thật là tương đắc…”
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi lại là : Vào ngày nghỉ 2 tháng Chín năm 1993, một số tù nhân chính trị chúng tôi có chụp chung một vài tấm ảnh kỷ niệm, trong đó có hình của bác Trân, Thầy Đạt và các bạn Đòan Viết Họat, Phạm Đức Khâm, Châu Sơn Nguyễn Văn Thuận, Vương Đức Lệ..
* * * Nay thì bác Lý Trường Trân đã ra đi trong sự luyến tiếc của bao nhiêu thân nhân và bằng hữu. Chắc chắn là ở phía bên kia thế giới, Bác đã gặp lại những chiến hữu thân thiết của mình, điển hình như Luật sư Trần Văn Tuyên, Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng, Hòa Thượng Thích Huệ Đăng (Thầy Đạt), Nhà thơ Vương Đức Lệ v.v…
Xin vĩnh biệt người Huynh trưởng của các bạn tù nhân chính trị ở Hàm Tân vào những năm đầu thập niên 1990.
Xin cầu chúc Bác luôn thanh thản an nhiên nơi Cõi Vĩnh Hằng.
Costa Mesa California, Tháng Hai 2013
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Xin thưa:
Có phaỉ bác LÝ TRƯỜNG TRÂN từng là Trung Úy – SQ Truyền Tin ?
Được biệt phaí về làm HLV ở Trường PHÁO BINH PHÚ LỢI (Thủ Dầu Một) từ thời 53- 55 ?
Tôi hân hạnh gặp bac LTT lần đầu và cũng là lần cuối- ở cuộc HỘI NGỘ CHS TQC/ HA ở Nam CA !
Nay bác đã ra Người Thiên Cổ !!!
KÍNH BÁI BIỆT
“Xin cầu chúc Bác luôn thanh thản an nhiên nơi Cõi Vĩnh Hằng. “-
Những trí thức miền nam bị tù tập trung sau 1975 , trong tù thường giữ im lăng , sống đúng mực một trí thức , những trí thức này cho rằng trong mọi hoàn cảnh phải sống xưng đáng là người có học . Điều này chỉ giúp cá nhân họ còn trong trại tù vẫn nhiều chuyện tồi tệ mà nếu những trí thức này quyết tâm xây dưng để hoàn cảnh tù mọi người thương yêu giúp đõ nhau thì điều này sẽ tốt hơn . Trong quyển sách có tựa Ngô gia Tự nói về những người cộng sản trong trại tù của thục dân Pháp , những người công sản cũng chê cười những trí thức khoa bảng với tinh thần cá nhân chủ nghĩa chỉ biết tìm cách an phận chính mình . Với tôi nhận xét này chính xác , những trí thức khoa bảng đọc và nghiên cứu nhiều về chủ nghĩa công sản nhưng họ chẳng rút ra bài học nào để chiến thắng công sản , trong tù họ dựa vào tôn giao hay chôn mình trong con ốc cá nhân chủ nghĩa và nghĩ rằng cộng sản đã không thay đổi đươc tư tưởng họ và họ đã chiến thắng . Họ không hiểu chiến thắng thực sự chỉ có khi họ có thể kêu gọi đám đông đứng dậy chống lại cái ác cái phi nhân của cộng sản . Gấn 40 năm sau thất bại nhục nhã 1975 ngững trí thức khoa bảng cũng chẳng học được bài học nào dù trải qua năm tháng đen tối trong ngục tù công sản , và câu hỏi làm thế nào để chiến thăng cộng sản vẫn chưa có được từ những nhà trí thức khoa bảng .