WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sách “Nỗi Hối Hận Lúc Hoàng Hôn”

Trần Đức Thảo

Trần Đức Thảo

Sách do tác giả Tri Vũ – Hoàng Ngọc Khuê xuất bản tháng 10.2012 tại Pháp. Nội dung viết về ông Trần đức Thảo, sinh năm 1917, giáo sư thạc sĩ dạy môn triết trong ngành đại học tại Paris, một nhà nghiên cứu uyên thâm về tư tưởng Marx, từng tranh luận với đại triết gia Jean-Paul Sartre. Sách cũng ghi lại những kinh nghiệm và nhận xét của ông trong 40 năm sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Năm 1952, Giáo sư Thảo, được sự hỗ trợ của đảng cộng sản Pháp, trở về nước với hoài bão phục vụ cách mạng. Ông đi theo ngõ đường sắt xuyên Á, qua đất Trung Hoa, để đến chiến khu Việt Bắc. Sự việc đầu tiên làm ông suy nghĩ, khi cán bộ ở biên giới buộc ông làm tờ khai lý lịch, với yêu cầu lên án ông bà, cha mẹ có liên hệ với phong kiến và thực dân. Ông bác bỏ ý kiến này, để tôn trong sự thật. Vụ này được báo cáo về trung ương. Ông đã vài lần gặp ông Hồ, thấy chủ tịch tỏ thái độ xa cách. Dù nhiệt thành yêu nước, nhưng vì ông chủ trương một cuộc cách mạng đi đến dân chủ và trọng đạo lý, giải phóng con người, nên bị liệt vào thành phần « có vấn đề ». Do đó, ông không đươc giao nhiệm vụ gì cả, có lúc đi dạy hoc, một thời đươc giao việc chăn bò ở Ba Vì, rồi lâm cảnh khó khăn do thất nghiệp, vợ ly dị đi lấy chồng khác (bác sĩ Nguyễn khắc Viện).

Năm 1954, sau hiệp định Genève, ông trở về Hà nội, trải qua những ngày sống trong cảnh xã hội mới quá thê thảm. Hà thành ngày trước văn minh, thanh lịch nay không còn, kể cả tiếng nói, nhường chỗ cho dân từ các nơi khác đến, quê mùa, tục tằn, thô lỗ. Ông được tham gia một chuyến đi về huyện Chiêm Hóa, để vận động các bần cố nông đấu tố địa chủ, đã chứng kiến vụ những dân làng bị đánh đập dã man, rồi đem ra xử bắn, trước sư hiện diện của cố vấn Trung quốc (chiến dịch cải cách ruộng đất do các cán bộ Tàu chỉ huy). Ông Thảo bị xúc động mạnh, đòi các cố vấn này giải thích về căn bản pháp lý của tỷ số giết người ấn định 5%. Các cố vấn này bèn lập phiên tòa, định đưa Gs.Thảo ra xét, rồi xử bắn về tội phản cách mạng. Sau cùng, chuyện được hoãn lại.

Năm 1987, Gs.Thảo được phép vô Sài Gòn, nhìn thấy một thành phố khác xa Hà Nội, không đói rách như đã nghe, găp nhiều cựu kháng chiến Miền Nam, nghe tâm sự của những người nay bị gạt ra bên lề, và được họ quý trọng. Ông viết cuốn sách ngắn tựa đề « Con người và chủ nghĩa lý luận không có con người », được tái bản. Hà Nội ra lệnh tịch thu, nhưng sách đã bán sạch. Nhiều người khuyên ông nên đi Pháp, để bảo toàn mạng sống.

Năm 1991, ông trở qua Pháp, vui mừng gặp lại các bạn hữu, đồng thời bị tòa đại sứ VN ở Paris theo dõi, gây khó khăn, hăm dọa, ngăn chặn không cho ông diễn thuyết ờ Nhà Việt Nam. Ông cho biết, ông Hồ không mấy quan tâm về lý thuyết của Marx, chỉ làm theo Lénine, Staline, và nhất là Mao. Gs. Thảo đánh giá lại học thuyết của Marx, với kết luận : Marx đã sai lầm.

Vào lúc xế chiều của cuộc đời, Gs.Thảo tỏ ý hối hận, trong bao năm qua đã giữ thái độ im lặng, tức đồng lõa với những kẻ gây tội ác. Ông dự tính ra cuốn sách, chưa thực hiện thì đột ngột từ trần năm 1993, sau một cơn đau bụng dữ dội, điều khó hiểu. Hũ tro của ông đươc gởi về Hà Nội, nhưng không được ai nhận. Cuối cùng, bà vợ cũ đứng ra lo việc mai táng. Chính quyền Hà Nội đã truy tặng ông huân chương Độc Lập và Giải Thưởng Hồ chí Minh !

Trích đoạn phần G.s Thảo trình bày về một số vấn đề:

Định kiến với triết học sách vở.

Những trí thức yêu nước từ xa, cứ vô tư ca ngợi vinh quang, cứ khơi khơi rao giảng hận thù nên khép lại, cái gì của quá khứ thì trả lại cho quá khứ, để cùng nhau xây dựng tương lai, với tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc. Họ mỉa mai chê bai, chẳng lẽ cứ chống cộng đến chiều ? Những lời lẽ hô hào lãng mạn đẹp đẽ và vô tư ấy đã được phát ngôn quá dễ dàng, chỉ vì người nói câu ấy đã không thấy, không hiểu thấu được những cái tuy thuộc về quá khứ, nhưng nó đang vẫn còn tác yêu tác quái trong hiện tại. Làm sao có thể hòa giải, hòa hợp giữa bầy cừu và bầy sói. Giữa kẻ bị trị với kẻ thống trị ? Giữa những kẻ vẫn hờm nhau như kẻ thù ? Do đó, công cuộc tranh đấu tìm đòi tự do dân chủ cho quê hương không thể ngừng lai. Bởi công cuộc tranh đấu chống lại bạo luật của rừng rú không phải là nghĩa vụ của riêng quá khứ.

Không được trải nghiệm tới từng hơi thở từng thớ thịt của thân xác, những nỗi đau đớn của dân tộc, thì khó mà thấy, mà hiểu dù mỗi hoàn cảnh con người đau khổ. Cuộc tranh đấu của Mahatma Gandhi và cách tranh đấu của chủ tịch Hồ chí Minh dĩ nhiên là khác nhau, rất khác nhau. Khác nhau ở cách cảm thấy nỗi đau hay cách suy tư về nỗi đau, mà khác cả về hệ quả tốn ít hay nhiều xương máu, về mức độ tha hóa, băng hoại lương tri con người qua những tranh đấu ấy… »

Tiếp cận thực tại tàn nhẫn.

Sự bế tắc của cách mạng là do ý thức giải phóng con người bằng đấu tranh giai cấp để xóa bỏ giai cấp. Đây là một mô hình cách mạng không tưởng, không nền tảng duy vật sử quan. Không tưởng vì cả tin vào sự đam mê cuồng tín, cả tin vào khả năng giải phóng bằng bạo lực của hận thù. Sự bế tắc ấy là do ý thức, do thái độ cảnh giác, do chính sách thù hận mù quáng của quyền lực chuyên chính. Sự chuyên chính ấy đã đóng kín mọi chân trời, đã không ngừng đẩy những con người chân thật, không chấp nhận dối trá, sang phía thù địch. Giá trị một ý thức hệ không thể so sánh với mạng sống của con người, nhất là với con người bị oan ức, con người trù dập, bị bóc lột, hoàn toàn bất lực, vô phương tự vệ. Một ý thức hệ, dù thế nào thì nó chỉ có giá trị của một dụng cụ. Một dụng cụ làm sao có thể so sánh với giá trị của một mạng sống ? vì vậy, không thể hy sinh con người cho bất cứ một ý thức hệ nào. Trước nỗi đau của con người tuyệt vọng vì ý thức hệ, thì chính cái ý thức hệ ấy cũng cần phải được rà xét lại, để cải đổi hoặc đào thải. Chính những sai lầm cơ bản về tư duy đã đưa tới những hành động gây đau khổ cho con người.

Tư duy theo quy luật phủ định của phủ định là phương pháp gạn lọc những kinh nghiệm, những hành động trong sự vận động của cách mạng trong thời gian. Việc vừa làm xong, vừa thực hiện được thì không nên coi nó như đã vĩnh viễn hoàn hảo. Phải coi việc đó, cách làm đó là còn có thể cải thiện. bằng cách chỉ giữ lại những gì tốt, và loại bỏ ngay những gì coi là xấu. Nhờ sự cải thiện thường xuyên ấy, tức là từng bước phủ định phần xấu mà ta vừa làm, để ta có một cái gì mới tốt hơn cái đã đạt. Như vậy là ta luôn luôn phải phủ định một phần những gì đã làm để đạt tới cái mới ngày càng tốt hơn, ngày càng sáng sủa, ít xấu hơn.

Quy luật phủ định của phủ định đòi hỏi sự vận hành cách mạng không được ngưng lại ở một chính sách, hoặc ở một tổ chức, một cơ chế vĩnh viễn nào cả. Không có cái gì cứ đứng yên một chỗ, bất biến, cố định trong thời gian. Điều này thật quan trọng đối với từng cá nhân, nhưng nó càng quan trọng đối với một chính sách của đảng, của nhà nước.

Những hành động do thù hận không thể nào đưa tới thành công. Tại vì thù hận là tố chất tâm lý bệnh hoạn rất truyền nhiễm, rất độc hại. Nó đưa tới trình trạng mù quáng trong nhận định, nó dẹp bỏ lương tri, nó mở đường hành động cho mọi thủ đoạn gian xảo và tội ác, nó tạo ra nguyên tắc cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nguồn gốc của thù hận trong xã hội ta ngày nay là do tình trạng đất nước ta đã một thời bị chìm đắm trong bầu không khí cuồng tín, vì lãnh thổ bị chia cắt thành hai chế độ với hai lá cờ, với lời thề quyết tiêu diệt nhau để thống nhất lãnh thổ.

Cảnh giác với hiện tại sống động.

Do khái niệm về mặt tâm lý và xã hội, danh dự là một thuộc tính được ban tặng cho con người từ bên ngoài, nghĩa là một giá trị do người đời khen tặng, chứ bản thân không thể trực tiếp đi tìm mà lấy được. Danh dự chỉ đến với những con người sống đức hạnh, có lương tri, biết hoàn thành trọn vẹn công việc của mình, dù đấy là một công việc khiêm tốn. Như thế thì mọi người đều có thể có danh dự, chứ danh dự không phải là riêng của những kẻ có chức , có quyền trong xã hội. Nhưng do ngộ nhận mà danh dự đã bị coi là một khả năng kích thích con người có hành động đẹp đẽ , vĩ đại, theo xu hướng khoa trương, phù phiếm bề ngoài, để tao ra danh dự cho mình. Bởi khi đó danh dự đã bị đồng hóa với danh vọng. Thông thường, danh vọng có khả năng kích thích tâm lý, có thể làm cho con người u mê đến mức sa đọa, y như là một thứ thuốc phiện. Người ta đam mê chạy theo danh vọng, để rồi tự biến thành kẻ khoe khoang, kiêu ngạo, hoang tưởng. Tranh đua nhau trên con đường dang vọng thường làm cho mình thành ích kỷ, thấp hèn. Danh vọng đã đẻ ra một cấp trên kiêu ngạo, một cấp dưới nịnh nọt. Nó có thể cải trang một người bình thường thành kẻ tự đắc, một nhà chính trị thành một lãnh tụ độc tài, đam mê quyền lực, điên cuồng khao khát danh vọng, quan liêu cửa quyền đến mức hành động, nói năng như cha mẹ dân, rồi muốn được tôn vinh làm cha dân tộc.

Về mặt tâm lý xã hội, danh dự cũng như hạnh phúc, không thể tìm kiếm, không thể mua chuộc nó một cách trực tiếp, bằng quyền lực hay tiền bạc, như người ta vẫn đi tìm kiếm danh vọng. Danh dự chỉ tới một cách gián tiếp từ bên ngoài, với những ai biết sống một cách xứng đáng, có lương tri, sống ngay thẳng, trong sạch. Danh dự do đó quả thật là một nền tảng của đạo đức. Không thiếu gì xã hội, trong đó con người ngông cuồng khao khát danh vọng, một xã hội chỉ trọng vọng bề ngoài, chỉ trưng khoe thành thích gỉa tạo một cách bệnh hoạn. Một thí dụ điển hình về mặt tiêu cực của danh vọng là thói háo danh với bằng cấp. Bằng cấp chỉ là một hình thức chứng thực khả năng. Danh dự của một người có học có trí thức là biết sống không ồn ào, không khoa trương, biết chứng tỏ trình độ bằng kết quả của việc làm. Khi danh dự bị nhầm lẫn với danh vọng, thì nó đã đưa tới sự gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp chạy chọt chức tước.

Những thành tích mưu cầu vinh quang, đầy danh vọng của kẻ có quyền lực, mà có người đã được hậu thế ca ngợi, có khi còn được tôn thờ như thánh. Những thành tích mưu cầu vinh quang danh vọng một cách đam mê, cố mưu tìm chiến thắng kiểu Pyrhus, cố tạo ra những công trình vĩ đại như Kim Tự Tháp, như Vạn Lý Trường Thành…và nhầm lẫn đấy là những thành tích của danh dự. Thực ra, những công trình vĩ đại ấy không thể là biểu hiệu cho danh dự và đạo đức, đạo lý. Vì chiến thắng như thế là phung phí xương máu quân lính, vĩ đại như thế phung phí mồ hôi, nước mắt của dân chúng. Chúng không mang tính đạo đức và nhân bản. Vì vậy, nhiều nhà lãnh đạo quyền lực lớn trong lịch sử chẳng thể trở thành nhà đạo đức, càng không thể là thánh nhân.

Vẫn chưa được giải phóng.

Vì cách mạng không chú ý tới vấn đề nhân bản, nên rất nguy hại cho sự xây dựng con người. Guồng máy tuyên truyền nêu ra những tấm gương để giáo dục tuổi trẻ. Đây thật sự là đã có nhầm lẫn giữa mưu trí và trí tuệ. Những tấm gương mưu mẹo, lừa gạt, trí trá để phá đich, diệt địch là quỉ kế, là thủ đoạn, chứ không phải là trí tuệ. Một hành động của trí tuệ là một việc làm có tính chính nghĩa, chính đạo, trong sáng. Mưu trí tin tưởng vào con đường thủ đoạn, tiêu diệt, của chiến tranh. Thế nên nó đề cao những thành tích ám sát, đặt mìn, gài bom…, đó là mưu mẹo, là thủ đoạn quỉ quyệt, gian ác, chứ nó không phải là trí tuệ.

Trí tuệ là biết cách thay ác bằng thiện, biến thù thành bạn, không làm những điều dối trá, độc ác, phù phiếm, mà cố gắng làm những điều trong sạch, hài hòa, bền vững. Trí tuệ tin tưởng vào con đường tiến lên của nhân cách, của đạo lý nên nó tin vào các giải pháp hòa bình. Nhầm lẫn về mặt này , nên giáo dục cách mạng đã vô ý thức thiên về xu hướng tạo dựng một mẫu người thủ đoạn, láu cá, lưu manh chỉ đắc dụng trong chiến tranh. Chứ không phải một mẫu người ngay thẳng, chân thật của trí tuệ để xây dựng những giá trị bền vững. Trong xã hội đầy những con người mưu trí, thủ đoạn thì xã hội ấy không còn lương tri, không còn biết luân thường, đạo đức và lý tưởng gì nữa.

Phản biện là hướng nghiên cứu mới.

Phải nhìn nhận, những gì xuất hiện trong hiện tại đều có gốc rễ từ quá khứ, y như những lớp đất đá lần lượt, qua thời gian, kết tụ thành từng địa tầng, lớp nọ đè lên lớp kia. Cây cỏ mọc trên mặt đất ấy, nhưng chính gốc rễ của nó đã hấp thụ những yếu tố, từ các tầng lớp bên dưới, để tạo ra tất cả những gì hiển hiện trên mặt đất này, ở trong hiện tại này. Tất cả đều do chất liệu của một quá trình kết tụ, tích lũy từ dĩ vãng : hiện tại là một di sản sống động, là gánh nặng đang tác động do quá khứ để lại. Cái gì hiện hữu hôm qua thì hôm nay nó vẫn còn tác động. Cái gì hiện hữu hôm nay, thì rồi nó vẫn tác động ở tương lai, gần hay xa. Không có cái gì đã tác động tốt hay tác hại hôm qua mà sẽ mất hẳn đi trong hôm nay, không có cái gì đang tác động tốt hay xấu hôm nay mà sẽ hoàn toàn mất đi trong tương lai. Cứ như trong hóa học, không có gì đã có mà rồi sẽ mất đi hoàn toàn. Nó sẽ xuất hiện dưới một dạng khác, thể khác, chứ không biến đi mà không để lại dấu vết.

Không có cái gì không hề có hôm nay mà sẽ có trong tương lai : cổ xúy đấu tranh bằng hận thù, bạo lực hôm nay, rồi thì nó sẽ đẻ ra hận thù và bạo lực trong tương lai. Và chính quy luật này cho biết, muốn xây dựng những điều công bằng, chân thật tốt đẹp của thế giới đại đồng trong tương lai, thì phải bắt đầu thực hiện những bước công bằng, chân thật tốt đẹp ấy, ngay từ hiện tại bây giờ. Phải xử lý, thanh toán cho hết những di sản thù hận của quá khứ đang hiện diện trong thực tại, để nó không còn tác động trong tương lai. Khung cảnh lý luận như thế là căn cứ trên một hiện tại sống động, nghĩa là nó phải thanh toán, nó phải gột rửa mọi xấu xa, để rồi nó còn tiếp tục sống động trong tương lai, như là cái gốc tốt đẹp, tử tế của tương lai.

Không có thứ lý luận biện chứng nào có thể chứng minh rằng một xã hội đầy đen tối, đầy dối trá, độc ác, quỉ quyệt, đầy hận thù, tranh chấp, đầy chia rẻ và tham nhũng của hôm nay sẽ đẻ ra một thế giới đại đồng chân thật, đoàn kết, thương yêu, tốt đẹp trong tương lai !

Mà có thật là những con người vô sản đang phấn đấu để vẫn còn là người vô sản trong tương lai ? Hay nó đang phấn đấu để trở lại con người hữu sản ? Phấn đấu để có một cái gì cho mình, hay để rồi không có gì cả cho riêng mình ? Có những nhận định khắc khe cho rằng một số không ít đảng viên, chỉ vì muốn lo toan, củng cố các điều kiện sinh hoạt cho gia đình mà bị quy chụp cho tội cách mạng biến chất, chỉ biết lo riêng tư. Đấy là một lối nhìn sai lệch. Vì đấy là một thứ lý luận theo lô-gich hình thức của phái siêu hình, không nhận ra sự thật trong cái thực tế rất tự nhiên trong vận hành cách mạng của con người. Lối nhìn ấy thật sự không phải là biện chứng. Thực ra là họ vẫn lẩn quẩn trong một số lý luận siêu hình mà không biết.

Thân phận những con rối.

Cái phần sự nghiệp xây dựng mô hình thế giới đại đồng của Marx đã làm hòng học thuyết. Nếu trong phần phê phán chủ nghĩa tư bản, Marx đã sử dụng những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử đương đại, trong xã hội đương thời, để đả xã hội tư bản. Cách phê phán này có tính biện chứng duy vật sử quan không thể bắt bẻ. Nhưng bước qua phần lý luận để xây dựng xã hội mới bằng cách nêu mô hình thế giới đại đồng mà mọi người mơ ước, thì Marx bắt đầu lúng túng trong biện chứng. Vì cái mô hình thế giới đại đồng ấy là không có giai cấp, không có bóc lột. nó được coi là nền tảng của khái niệm, của ý thức đấu tranh giai cấp. Cái mô hình ấy, thật ra là chưa hề thấy, chưa hề có ở đâu đó trong lịch sử. Nó chỉ là một ảo tưởng, một mong ước sẽ có trong tương lai. Làm như vậy trong lý luận là Marx đã mang cái tương lai ảo ấy, đặt nó lên trước hiện tại để dùng nó như một kinh nghiệm đã có, đã thấy. Đấy là lối lý luận với một nền tảng siêu hình. Biện chứng đó không có chút gì là duy vật sử quan .

Từ khái niệm thế giới đại đồng tốt đẹp theo dự báo, do mong ước ấy, Marx đã biến nó thành ý thức cách mạng đấu tranh giai cấp, để hành động, để đạt tới thắng lợi, để xóa bỏ giai cấp bóc lột, để hoàn thành một xã hội không có giai cấp. Viễn ảnh quá đẹp ấy là một kinh nghiệm ảo, là một thứ thiên đường ảo chưa hề có trên trái đất. Ở trong mô hình ảo ấy, giới công nông đã được giải phóng, đã làm chủ được chính mình. Từ kinh nghiệm ảo mơ ước ấy, Lénine khai triển một chủ nghĩa xã hội mới, bằng cách khơi dậy hận thù giai cấp để làm động lực đấu tranh của giai cấp vô sản, làm đòn bẩy để hoàn thành cách mạng, tạo ra sự đổi đời với một hệ thống giá trị mới của giai cấp công nông, với một đảng cầm quyền là đại diện cho giai cấp công nông. Vậy là cách mạng đạt tới một chế độ mới, một nhà nước mới theo một chủ nghĩa xã hội mới. Trong chế độ mới ấy, sẽ không còn cảnh người bóc lột người, công nông nào mà không mê !

Biến khái niệm, biến học thuyết đấu tranh giai cấp chống bóc lột thành ý thức cách mạng. Lấy hận thù làm nền tảng phát động một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn cầu. Đấy là một phát minh ý thức hệ vô cùng sắc bén và tinh vi. Bởi nó có một sức bùng phát phi thường, nhờ đánh thức dậy trong con người bản năng bạo lực của thời còn là muông thú, khi khơi dậy tâm lý hận thù. Lý thuyết cách mạng lấy hận thù giai cấp làm động lực, lấy ý chí tiêu diệt giai cai cấp bóc lột làm vũ khí, chỉ nghe sơ qua lý thuyết ấy, bất cứ dân cùng khổ nào cũng tin như thế là đúng, như thế sẽ là thắng, sẽ là đại thắng.

Thế nhưng, cho tới nay, những ai đã từng sống cả cuộc đời trong sự vận hành cách mạng do Lénine phát động, do Staline triệt để khai thác, do Mao hò hét vận động, đều đã thấy rõ kết quả tồi tệ của một tổ chức mang danh đảng của giai cấp công nông, là một nhà nước chuyên chính vô sản cầm quyền. Đau đớn hơn hết là trong thực tại, con người lao động vẫn còn bị bóc lột. Trong xã hội mới ấy, thành phần công nông vẫn chỉ là thành phần thiệt thòi nhất. Kết qủa là trong thế giới đại đồng ấy, đã không hiển hiện một chế độ xã hội chủ nghĩa nào cả. Sau này, cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đã lộ ra cái bản chất vừa ngu tín, vừa cuồng tín.

Đặc biệt là ngay trong chế độ vô sản mới này, con người vô sản ở khắp nơi đều tỏ ra vẫn giữ nguyên bản năng hữu sản. Họ gậm nhấm, xâm chiếm của công, cướp đoạt tài sản của tập thể, của kẻ yếu, cướp đoạt đất đai của nông dân làm của riêng. Tư hữu kiểu cũ do làm ăn cần cù, do tích lũy lầu dài mà có được, nay đã bị xóa bỏ. Thay thế nó nay là tư hữu kiểu mới do chiếm đoạt bằng chữ ký của quyền lực, hoặc do móc ngoặc với quyền lực. Trong thực tế, trước mắt, con người vô sản có quyền hành, luôn luôn phấn đấu để chiếm hữu một cách rất tự nhiên của cải của xã hội, để trở thành nhà tư sản mới.

Phải thẳng thắn ghi nhận rằng cho tới nay, chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất đã thực hiện đúng một hình thức xã hội không giai cấp mà Marx mơ ước. Đó là chế độ vô sản, một xã hội không có tư hữu, không có tiền tệ để dùng làm dụng cụ bóc lột. Đó chính là cuộc cách mạng mà Pol Pot đã xây dựng tại Cambốt. Trong suốt những năm tồn tại của chế độ Pol Pot, các chế độ xã hội chủ nghĩa khác đã im lặng đồng tình, đồng ý, vì tin rằng trong chế độ Pol Pot ấy thật sự chỉ có giai cấp vô sản.

Kẻ gợi ý, kẻ chuyển lửa của niềm tin đấu tranh giai cấp cho các nhà lãnh đạo, trong đó có Pol Pot, để đi vào con đường cuồng tín đến đẫm máu chính là Marx. Lời tiên tri sẽ xóa bỏ giai cấp của Marx đã mê hoặc nhiều thế hệ. Và họ lao mình vào tội ác.

Thủ phạm gây ra đại bi kịch cho nhân loại, chính là Marx.

Nhà báo cộng sản người Úc Winfred Burchett giải thích về chính sách thực dụng rất nguy hiểm của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Theo Burchett thì Mỹ nhúng tay vào Miền Nam Việt Nam vì coi đó là một thị trường của khối tư bản, và tuyên bố quyết tâm bảo vệ Miền Nam Việt Nam, vì đấy là một « tiền đồn của thế giới tự do ». Điều này có nghĩa là Mỹ muốn giữ vùng ấy không để lọt vào trong bức màn sắt của khối cộng sản. Nhưng, Mỹ cũng dứt khoát không tính diệt cộng sản BắcViệt để thống nhất Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Bởi chiến tranh đối với Mỹ luôn luôn nằm trong chiến lược kinh tế thị trường toàn cầu. Cuộc chiến tranh bảo vệ thị trường Miền Nam Việt Nam đã bị sa lầy vì tốn kém và bị dư luận nhân dân Mỹ chán ghét. Thế nên các nhà chiến lược Mỹ đã đề ra một giải pháp khác. Vì không bảo vệ được thị trường Miền Nam Việt Nam bằng chiến tranh, thì phải quay qua giải pháp tìm thị trường thay thế bằng con đường hòa bình, cách này ít tốn kém mà bền vững hơn.

Bởi Mỹ trên nguyên tắc, không hề tính tiêu diệt chế độ cộng sản ở Miền Bắc Việt Nam, nên khi thấy cuộc tổng tiến công nổi dậy hồi Tết Mậu Thân, 1968, đã làm cho « địch » kiệt sức, thì đó là lúc tốt nhất để đưa « địch » ngồi vào bàn hội nghị. Cũng như khi thấy cuộc oanh tạc Miền Bắc hồi 1972 đã đủ cho Hà Nội thấm đòn, thì Mỹ liền ngưng ném bom, rồi đưa ra những điều kiện cụ thể để Hà Nội chịu ký kết chấm dứt chiến tranh, để Mỹ rút chân ra khỏi Miền Nam Việt Nam. Tất cả là dùng lá bài hòa bình thay thế cho lá bài chiến tranh. Cũng để tỏ rõ chính sách của Mỹ như thế, nên hạm đội 7 rất hùng hậu của Mỹ, lúc đó có mặt đông đảo ở ngoài khơi Việt Nam. Vậy mà lực lượng hùng hậu ấy đã đứng ngoài nhìn hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Miền Nam hồi 1974. Sự án binh bất động này có nghĩa là Mỹ không coi Miền Nam Việt Nam là tiền đồn nữa. Ngay từ khi đổ bộ vào Miền Nam Việt Nam, Mỹ đã chỉ đánh cầm chừng để giữ đất, để cầu hòa chứ không có ý đẩy chiến tranh đến tận cùng ra Miền Bắc, để tiêu diệt chế độ cộng sản ở Miền Bắc. Dù là đã oanh tạc Miền Bắc, nhưng chiến lược của Mỹ là chỉ chờ lúc địch kiệt quệ để áp dụng lá bài hòa bình, nhằm đánh « địch » bằng kinh tế hậu chiến. Và quả thật ván bài này đã làm cho Hà Nội hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế. Để rồi tới lúc Hà Nội đã chiến thắng, nhưng laị phải chập nhận mọi điều kiện để Mỹ bỏ cấm vận. Rồi sau đó thì Hà Nội đã trải thảm đỏ long trọng đón rước lãnh đạo Mỹ trở lại, tức là từ đó, chính thức mở cửa cho vốn tư bản tràn vào tư do tung hoành trên nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Một chế độ như thế thật là lý tưởng cho sự khai thác lâu dài của tư bản Mỹ, có lợi hơn hẳn dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam. Bây giờ thì kết cuộc đã rõ rệt của ván bài « ai thắng ai » trong cuộc đấu trí ấy.

Công cuộc phát triển cách mạng vô sản, với giấc mơ xây dựng thế giới đại đồng, như vậy là đã hoàn toàn tan vỡ, sau khi đã hy sinh tính mạng của hàng bao nhiêu vạn chiến sĩ cộng sản. Bây giờ thì không còn chống Mỹ cứu nước nữa. Giờ đây là phải thoát ra khỏi chế độ bao cấp, tự túc tự cường, phải bám theo Mỹ để cứu nước. Cà một nền kinh tế toàn cầu dưới sự áp đặt của Mỹ, nay tự do như thác đổ tràn vào một xứ sở bị bị kiệt quệ đến xương tủy vì chiến tranh và cách mạng.

Giờ đây, cả nước đều phấn khởi hồ hởi vì được « hòa nhập ». Cửa đã mở rộng để cho vốn kinh tế thị trường tư bản tràn vào. Giờ đây, quê hương ta đang cuồng nhiệt lao vào đà phát triển sổi thì theo ý hướng của đồng USD, của những thế lực siêu đẳng về phương pháp bóc lột tinh vi. Các nước quanh ta, cùng khởi sự tranh đấu giành độc lập sau thế chiến thứ hai cùng với ta, nhưng do họ không có « lãnh đạo thần thánh », nên họ không phải hy sinh như ta, không phải đổ ra nhiều xương máu như ta. Và họ đã giành được độc lập và ấm no trước ta cả nửa thế kỷ. Như vậy cái công lao, cái tài lãnh đạo thần thánh ấy, sự thật chúng là công hay tội ?

Giờ đây, đảng phải ngả hẳn sang kinh tế thị trường của khối tư bản. Chính sách ấy thật ra mang tố chất phản cách mạng xã hội. Làm như vậy chỉ cốt để chế độ và đảng tồn tại. Đảng phải nói vớt vát rằng đó là « nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa », tức là vẫn còn lôi ông Marx ra làm bình phong. Tôn thờ ý thức hệ mác-xít là duy trì tư duy sai lầm từ cái gốc tổ tông của cách mạng. Nói kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nói dối, là dùng cái bình xã hội chủ nghĩa, nhưng rượu ở bên trong nay là rượu của tư bản. Nói vậy là vẫn mang bóng ma của phần biện chứng không tưởng, siêu hình của Marx ra để bảo vệ.

Sự thực ở ta, nay không phải đang áp dụng « kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa », mà thực tế đang thi hành thứ « xã hội chủ nghĩa theo định hướng kinh tế thị trường ». Nghĩa là ngày nay đảng vẫn duy trì hình thức cai trị của chế độ chuyên chính, nhưng đi theo một thứ chủ nghĩa tư bản mới, với lý luận của xã hội chủ nghĩa. Thứ chủ nghĩa tư bản mới dã man này ở Mỹ không có. Vì ở đó dân có quyền của dân, dân được phép phê phán, thay đổi cai trị bằng lá phiếu. Còn ở nước ta, thực sự là nay đang theo một thứ chủ nghĩa tư bản rất mới so với trước đây, nghĩa là cái gì cũng bị coi là hàng hóa, cái gì cũng có thể rao bán ; từ lý thuyết, nghĩa vụ, con người, từ trẻ thơ tới thanh niên, phụ nữ, có thể bán cả tài nguyên, đất đai, lãnh thổ, sức lao động ra nước ngoài để thu đô-la về. Độc hại của sự định hướng theo kinh tế thị trường là đã coi các nghĩa vụ cao quý nhất như giáo dục để phát triển con người, như y tế để cứu chữa con người, thì nay những nghĩa vụ đó cũng đều là hàng hóa, cũng phải chịu luật hạch toán kinh tế, cũng phải tính lời, tính lỗ. Phát triển xã hội theo định hướng kinh tế thị trường như hiện nay là sự thống trị của tư bản man rợ, là một sự phá hoại tinh thần về mọi mặt, từ lương tri tới lý tưởng, từ trật tự kỷ cương tới truyền thống văn minh, văn hóa của tổ tiên.

Tại các nước dân chủ như ngay tại Mỹ, chính sách kinh tế thị trường luôn luôn bị quyền tự do dân chủ kiểm chế, bị tự do báo chí canh trừng, nên nó không thể tự do tung hoành phá phách được, vì ở đó có sức phản bác của người dân. Vì dân có quyền dùng lá phiếu của mình để lật đổ một chính phủ không tôn trọng và bảo vệ dân. Ở nước ta cho tới nay, lá phiếu chỉ là trò đùa dân chủ của đảng, để tô đẹp bề ngoài cho chế độ. Thực tế là chế độ ta đã không bảo vệ dân, vì thực chất của lá phiếu ở ta không có quyền lực gì cả. nó chẳng thể đào thải được một chính quyền tham nhũng thối nát đang bị dân chúng oán ghét, nguyền rủa.

Về mặt triết học, kẻ từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, thì tất cả những gì xảy ra trên thế giới sau ngày 30 tháng tư 1975, đều đã làm chứng cho một sự thật đã bừng sáng. Vì hòa bình ở Việt Nam là một mốc thời gian, đánh dấu giai đoạn mà sự thật đã chứng minh rằng không hề có một chủ nghĩa vô sản nào, một chính quyền vô sản nào đã hình thành trong một nước xã hội chủ nghĩa nào cả. Vì thế mà cái gọi là Đệ Tam Quốc Tế nay đã sụp đổ hoàn toàn, từ căn bản tư tưởng, từ bên trong xương tủy của nó. Cái gọi là tinh thần, là nghĩa vụ quốc tế vô sản, là Đệ Tam Quốc Tế ấy chỉ là cái vỏ bề ngoài, là một tấm màn che mắt, là một con số không. Đệ Tam Quốc Tế chỉ là công thức giúp nước Nga giữ lại toàn thể di sản đế quốc do các Sa hoàng để lại. Toàn thể khối Liên Xô tại Đông Âu đã sụp đổ từ bên trong vì sự trống rỗng tư tưởng giải phóng của nó. Cuộc cách mạng vô sản của Pol Pot đã bị bộ đội cộng sản Việt nam dẹp tan, cuộc chiến tranh ngắn ngày do đảng cộng sản Trung Quốc phát động chống chế độ cộng sản ở Việt Nam năm 1979,

tất cả các cuộc chiến tranh ấy chỉ là hành động của thực dân đế quốc bành trướng kiểu mới. Về mặt kinh tế, sự đứng dậy ngoạn mục của Trung Quốc, của Việt Nam, cũng là do thành phần tư sản, tư bản đỏ đã bùng lên cấu kết với tư bản man rợ nước ngoài, rất lấn át, rất tàn nhẫn, rất vô luật lệ, để tung hoành. Vì thế nó đã phát triển rất nhanh, rất ngoạn mục, nhưng cũng vô cùng tai hại.

Giải mã lãnh tụ

Hồ là một nhân vật vô cùng phức tạp, vô cùng thông minh, rất mưu trí, một con người sắt đá đến mức vô cảm, vô tình, sẵn sàng chụp bắt mọi cơ hội để thành đạt. Một ý chí thành đạt không gì lay chuyển. Đấy là một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời, một con người không có tình bạn, không có tình yêu gia đình, tình yêu con cái, một bộ óc nung đúc cuồng vọng, với một ưu tư duy nhất là phải leo lên tột đỉnh quyền lực để đạt tới mục đích của mình. Vì thế, ông ấy không chấp nhận một ai trong đám chung quanh là ngang mình. Không hiểu gì về lãnh tụ là điều nguy hiểm. Những ai từng coi thường lão, từng tỏ ra ngang hàng với lão , thì sau đều đã vĩnh viễn bị loại trừ ra khỏi tầm mắt của hắn. Không ít kẻ đã mất mạng, mất cả xác.

Vì vậy, cần phải biết giải mã lãnh tụ. Phải hiểu rằng hắn có tâm thức mình là bên trên tất cả, là một bậc kỳ lão gia trưởng luôn luôn tỏa sáng bởi một thứ hào quang thần thoại. Và, đám quần thần chung quanh hắn không tha thứ cho một ai dám tỏ mình ngang hàng với. Từ những tay trí thức nổi tiếng tâm huyết như Nguyễn an Ninh, Phan văn Hùm…, cho tới kẻ được đào tạo chính quy như Trần văn Giàu, và biết bao nhiêu trí thức có uy tín khác nữa, đều là những nạn nhân của thái độ ngang hàng như thế. Tất cả đều bị loại bỏ một cách tàn nhẫn và vĩnh viễn. Người ta kể lại rằng, Tạ thu Thâu đã chết mất xác vì câu nói : « Ngoài bắc có cụ, trong nam có…tôi ».

Hồ có quyết tâm không gì lay chuyển là được tận tay dẫn dắt dân tộc đi tới thế giới đại đồng. Dù khó khăn mấy, hao tốn mấy thì cũng phải hoàn thành cho bằng được. Vì thế nên hắn quyết tâm nắm bắt mọi cơ hội để đạt tới đỉnh cao, để củng cố quyền lực, bằng mọi giá, bất chấp những chuẩn mực của lương tri, của đạo lý, cứ như theo sách vở của Machiavel. Vì thế, hắn thấy con đường chuyên chính vô sản của xã hội chủ nghĩa là đúng nhất, tốt nhất. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã không chú ý nhiều tới « cuồng vọng lãnh tụ » ấy, khi họ tìm hiểu Hồ. Họ thấy phong cách lãnh đạo của Hồ như thế là do bản năng tự nhiên. Bởi các nhà nghiên cứu ấy mang sẵn trong đầu những định kiến chính trị cổ điển, qua cái nhìn bị chói lòa bởi những huyền thoại của bộ máy tuyên truyền. Các nhà nghiên cứu ấy đã vô tình sử dụng quá nhiều tư liệu là sản phẩm chính thống của đảng. Họ đã không hiểu những hành động cực đoan của cuồng vọng.

Phải biết rằng huyền thoại và vóc dáng lãnh tụ của Hồ là tác phẩm của một công trình nghệ thuật hóa trang cao độ, một công trình điểm tô, giàn dựng, để công kênh Hồ lên thành một nhà lãnh đạo uy nghi, kiệt xuất, như là bậc thần, bậc thánh, để dân chúng một lòng tin tưởng mà sùng bái. Hồ được tôn vinh làm bác, làm cha dân tộc. Họ dạy cho dân tiêu chuẩn lý tưởng : cái gì có giá trị thì cũng phải là của bác Hồ, của cụ Hồ. Nào là « cháu ngoan bác Hồ », « cây vú sữa bác Hồ », « nhà sàn bác Hồ », cho tới « anh bộ đội cụ Hồ ». Từ đó đã biến thể ra thành cái nếp suy nghĩ rằng cái gì hay, cái gì tốt, cái gì có giá trị, thì cái đó phải là của bác, của đảng.

Tại sao một đảng cách mạng, lấy việc giải phóng con người làm mục đích tối hậu, mà lại muốn biến tất cả thành sở hữu của lãnh tụ, của đảng cầm quyền ? Đấy không phải là tâm thức của con người đã được giải phóng, mà là tâm thức của con người đã bị mất tự do, vì phải nguyện làm nô bộc cho một vị chúa tể, cho một nhóm quyền lực. Đấy là do tình trạng đã quá sùng bái. Đấy là căn bệnh của chủ nghĩa ngu tín, chủ nghĩa cuồng tín. Phải giải mã những cuồng vọng bí ẩn, những sức ép giáo điều của ý thức hệ thì mới thoát ra khỏi tình trạng ngu tín và cuồng tín ấy.

Có một điều rất đáng tiếc là các nhà sử học khi tìm hiểu về Hồ đã bỏ qua một thứ tư liệu rất chính gốc, rất bộc lộ, rất chân thực, do chính đương sự là tác giả. Đó là ý nghĩa của những biệt hiệu hay những tên giả mà chính Hồ đã tự đặt cho mình, qua từng giai đoạn mưu tìm đường hoạt động, lúc thiếu thời, khao khát tìm cách tiến thân, tìm đường hoạt động chính trị. Có những cái tên theo tiếng nước ngoài khá ngộ nghĩnh. Nhưng, đáng chú ý là từ khi tự đổi tên là Tất Thành (1911), với khát vọng khiêm tốn là sẽ thành đạt, rồi cho tới sau này thì bỏ hẳn họ Nguyễn, để thay đổi, lấy lại họ gốc là họ Hồ, và chọn cái tên cực kỳ kiêu sa, coi mình là bậc Chí Minh (1945). Nói chung, với cả trăm tên giả thường là rất tiêu biểu tâm thức như thế, đã phản ảnh một cách chân thực những bước chuyển biến trong đầu óc của « ông cụ ». Mỗi lần thay tên, đổi họ là một bước có ý nghiã trong hành trình vươn lên, đi tới để trở thành lãnh tụ. Đấy là quá trình diễn biến của sự hình thành một cuồng vọng. Phải phân tách cặn kẽ từng cái biệt danh ấy như là một dấu hiệu tâm lý chính trị, từ lúc chỉ mong có cơ hội thành đạt, cho tới lúc quyết tâm, bằng mọi giá, mọi cách, để đạt tới tột đỉnh của quyền lực như là một ông vua (Vương), là một người yêu nước chân chính (Ái Quốc), là một lãnh tụ thông minh bậc nhất trong thiên hạ (Chí Minh). Thật ra, trong xã hội phong kiến, những danh hiệu ấy chỉ có thể do người đời phong tặng cho những nhân vật lịch sử được người đời sau công nhận là xuất sắc, xứng đáng mang những danh hiệu ấy. Nhưng, đây lại do chính đương sự ngay trong hiện tại đầy vấp váp, đã tự mình tặng cho mình.. Một nhà túc nho, một người trí thức có đầu óc tình táo, có liêm sỉ, một bộ não minh triết thì không bao giờ dám tự ý xưng mình như thế. Thật khó giải thích, một kẻ tự coi mình như là « ông vua », là bậc « quân tử » siêu phàm , mà lại có hoài bão làm môt nhà cách mạng, một chiến sĩ vô sản, cộng sản. Sự công khai tự tôn vinh mình lên một cách quá trớn như thế cũng không phải là thái độ của một bậc chí nhân, chí thánh. Đấy chỉ là những biểu hiệu của một thứ sở cuồng lộ liễu, lỗ mãng, một thứ bệnh tâm thần đam mê đến mất thăng bằng về mặt lý trí, liêm sỉ, đạo lý. Khi tự xưng tụng mình một cách thượng đỉnh, tối cao như thế thì chỉ có thể là vì đã quá khao khát danh vọng.

Ngoài ra, còn có thể tìm hiểu nội tâm, chí hướng của nhân vật lịch sử này qua một công trình phân tích mang tính phân tâm học của từng chữ, từng câu mang nặng một khát vọng, trong hai tập sách tuyên truyền « Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ chủ tịch » và « Vừa đi vừa kể chuyện » để thấy rõ từng bước chuyển biến tâm lý, từ lúc chỉ mong được nhận vào trường thuộc địa của « mẫu quốc Pháp » với hy vọng được ra làm quan, cho tới lúc quyết tâm trở thành một lãnh tụ cách mạng. Nhờ những phát tiết lỗ mãng của cuồng vọng như thế, mà Hồ đã tạo ra một thời chính trị vô cùng phức tạp, điên đảo. Một thời mà mọi người đều thấy rằng phải đạp lên lương tri, đạo lý để « cướp quyền », để thành công, để chiến thắng. Thời ấy là thời làm chính trị thì phải biết « mặc áo cà-sa », phải biết đột nhập vào hàng ngũ đối phương, nghĩa là phải biết đánh lừa mọi người. Những lời kể chuyện ấy đều là những thú nhận của một tâm thức, tuy là độc đáo, nhưng không mấy cao cả. Đấy chỉ là bí quyết hành động, trong một đại bi hài kịch của lịch sử. Thành ra qua những cái tên mang mặc cảm tự sùng bái mình như thế, chúng ta có thể hiểu lãnh tụ có đầu óc, có tâm trí, có đạo lý như thế nào. Napoléon, Hitler cũng đều đã là những lãnh tụ có tâm thức tự cao tự đại, nhưng không gian trá đến mức quá tệ hư thế. Bởi họ còn thua Hồ ở chỗ không biết tự ngồi viết sách để tự đề cao chính mình. Thật tình, một người hết lòng vì nước vì dân, một chính danh quân tử, một trí thức lương thiện, thì không thể tự khoe mình, tự viết sách để ca tụng mình một cách ngông cuồng lộ liễu như vậy. Lịch sử đã mang dấu ấn của một tham vọng, một mưu trí tột đỉnh tự tôn.

Thực tế mà nói, Hồ biết rằng trình độ tư tưởng, lý luận cách mạng, thì mình không làm sao so được với những Trần Phú, Lê hồng Phong, Hà huy Tập, Nguyễn văn Cừ, là những người được đào tạo chính quy, ngay cả với Trường Chinh cũng vậy. Thế nên phải tìm cách chế ngự các đối thủ ấy. Phải cố nêu gương, phong cách sống cao thượng, thanh đạm của một chân nhân để tỏ ra mình là nhà cách mạng chân chính. Vì một lẽ giản dị là đời sống và hành tung đa dạng, đa phương, muôn mặt, muôn vẻ rất ly kỳ, đầy bí mật của Hồ, lúc xuất quỷ, lúc nhập thần, như thế nên không ai sánh được. Guồng máy tuyên truyền cách mạng dạy dân phải sống và làm việc theo gương bác Hồ. Nhưng, làm sao một người bình thường có thể sống với tung tích không rõ rệt, gốc gác đầy bí ẩn, với nhiều tên, họ lung tung, với đường lối hành động muôn mặt như Hồ được. Phải có cái đầu cực kỳ mưu trí mới có khả năng dựng nên những huyền thoại của cuộc đời đầy phiêu bạt, nay đây, mai đó, với cả trăm cái tên giả khác nhau, làm nhiều nghề vinh nhục khác nhau. Hành trình gập ghềnh, khúc khuỷu của Hồ thì khó ai có thể đi theo. Từ một chú bé học chữ nho ở trong làng, từ một cậu học trò nghèo sống vất vả ở Huế, từ một ông thầy giáo quèn ở Phan thiết, từ một anh bồi hầu hạ quan tây trên tàu thủy, từ một anh thợ chụp ảnh dạo ở Paris, từ một kẻ mượn danh một nhóm aí quốc « An nam » viết báo, viết kiến nghị gởi hội nghị quốc tế, từ một đảng viên đảng xã hội Pháp, nay bỗng xuất hiện ở Nga, mai lại là một cán bộ ở bên Tàu, nay bị Đệ Tam Quốc Tế loại trừ vì có đầu óc « quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi », mai lại thấy chạy về ẩn náu ở Trung quốc, ở Xiêm, rồi sau lại thấy xuất hiện trở lại ở Liên Xô, nhưng chỉ được chầu rìa bên lề đại hội kỳ 5 của Đệ Tam Quốc Tế, chứ không được làm thành viên của đoàn đại biểu chính thức của phong trào cộng sản Đông Dương. Rồi sau lại thấy xuất hiện với bộ áo cà sa ở Xiêm, rồi trong quân phục giải phóng quân Trung Quốc khi được nhận vào làm việc trong « bát lộ quân » của đảng cộng sản Trung Quốc, có lúc thì sống như một dân Hán tộc ở Liễu Châu, ở Quế Lâm, Thượng Hải, Trùng Khánh, Côn Minh. Sau biết bao nhiêu truân chuyên, rồi bỗng nổi bật như một nhà chính trị, một lãnh tụ cách mạng. Một con người đa năng, muôn mặt, muôn ý hướng phức tạp như thế, ai mà làm theo, noi theo tấm gương ấy được.

Từ kinh nghiệm cực kỳ cơ hội đó, cực kỳ muôn mặt đó, người dân rút ra bài học rằng, muốn sống, muốn thành công như bác Hồ thì phải biết sống muôn mặt, vừa đạo đức vừa thủ đoạn, để thành đạt. Đấy là lối đạo đức cách mạng thực tiễn, xu hướng ấy nay vẫn còn rất phổ biến và rất phát triển trong chế độ xã hội chủ nghĩa theo định hướng kinh tế thị trường.

Chính trị cũng như khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, tất cả đều là những phương cách phục vụ con người. Nhưng, khi nói tới tội ác của chính trị, của khoa học, của tôn giáo thì đều do con người, tại con người đã sử dụng chúng. Triết học cũng vậy, triết học phải luôn luôn đi theo con đường chân thật của trí tuệ, con đường tôn trọng đạo lý, tôn trọng chân lý.Nhưng, khi triết học ngả theo con đường của quyền lực, thì nó không còn là triết học nữa, mà trở thành một thứ tà thuyết, một vũ khí của ma quỉ. Bởi thế, khi một bộ môn tư tưởng mang mầu sắc chính trị thì sẽ vô cùng tai hại vì người chủ trì bộ môn ấy. Mầu sắc chính trị sẽ dẫn đi loanh quanh vào những ngõ ngách dối trá và sai lầm. Triết học là đi tìm phương pháp suy tư đi tới sự thật, là để dẫn dắt con người đi tới những giá trị bền vững của cuộc sống, tức để con người bớt đau khổ, để đi tới hạnh phúc. Bài học lớn của triết học là giàn xếp bằng lý luận trí tuệ mọi mâu thuẫn, mọi xung đột, bằng tình thương giữa người và người, người với thiên nhiên, người với vũ trụ bao la. Nhưng cho tới nay, con người vẫn chưa mấy lắng nghe, chưa mấy ai hiểu thấu bài học lớn ấy. Vì thế mà kẻ làm chính trị thường sai lầm khi bất chấp sự thật, khi không tôn trọng con người, không tôn trọng thiên nhiên, vũ trụ. Trong lịch sử đầy rẫy những con người vì cuồng vọng lãnh đạo, nên đã làm hỏng chính trị, đã tàn phá con người. Bi hài kịch ở chỗ con người luôn luôn ưa thích đến cuồng nhiệt để được làm con rối trong trò chơi phá phách xã hội, phá phách thiên nhiên và phá phách cả chính mình.

Trích đoạn phần kết của sách:

Điều đang tiếc, đáng buồn mà ít ai biết được rằng, chính con người Trần đức Thảo, một thời từng chân thành tự nhận mình là người mác-xít ấy , lúc cuối đời đã giác ngộ, đã can đảm nhìn nhận thái độ a dua hèn hạ, đã thú nhận sai lầm của mình, để bác bỏ, phủ nhận những gì đã viết trong cái thời sai lầm vì cuồng tín ấy. Và từ đó, nêu ra nhận thức mới, để đánh gía laị tư tưởng, sự nghiệp, với vấn đề công tội của Marx.
Dù thế nào, thì việc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp Trần đức Thảo sẽ là một công việc khó khăn. Bởi việc trả lại công lý cho Trần đức Thảo cần tới lòng dũng cảm, cần có tinh thần lương thiện trí thức, cần tới trí tuệ. Bởi con người ấy đã sống, đã nghiên cứu, đã trải nghiệm trong bối cảnh đầy nhiễu loạn tư tưởng, đầy diễn biến đau đớn vô cùng sôi động, vô cùng phức tạp, trong cái thời lương tri lu mờ, vì chiến tranh, vì cách mạng, tức là cái thời gian đầy những thủ đoạn chính trị, những mưu kế gian xảo, vừa ngu tín vừa cuồng tín.

Không ít người cho cuộc đời ấy là một thất bại, vì đã không biết thỏa hiệp với quyền lực đương thời, không biết thích nghi dù chỉ là trong một giai đoạn tạm thời, để «đi với Bụt thì mặc áo cà-sa, đi với ma thì mặc áo giấy ». Nhưng, cũng chính nhờ vậy mà nay những gì nhà triết học để lại đều thuộc về một sự nghiệp khả tín, chân thật. Không rõ sự thất bại trong chính trị của nhà triết học, cuối cùng có được coi là một thành tựu có ích cho triết học ? Dù thế nào thì cuộc đời ấy cũng là sự trải nghiệm tuy đau đớn nhưng quý hiếm trong hiện thực khai triển cách mạng, chứ không phải trong sách vở. Đây là một bài học về sự vận động của thời gian, do con người, cho con người và cho xã hội, trong lịch sử cận đại.

Có người khẳng định Trần đức Thảo đã thất bại vì cái tội ngông cuồng muốn làm một việc không thể làm, là trở về quê hương cùng Hồ xây dựng một mô hình cách mạng mới mẻ mà loài người mơ ước. Và ông đã chết vì tội thứ nhì là lúc cuối đời ông cố chứng minh cái gốc của mọi sai lầm và tội ác do cụ tổ Marx, trong khi cung đình vẫn sùng bái, vẫn quả quyết bảo lưu rằng Marx « đúng », « duy nhất đúng ». Nhưng, cả hai tội vừa kể đều không thể coi là tội, bởi mơ ước và hành động sám hối chuộc tội đều là quyền cơ bản cao quý của con người trí thức chân chính.

Trần đức Thảo đã có nhận xét về một thời lịch sử bị làm hỏng, làm bẩn, mà người ta khéo léo gọi đó là một thời đầy những mảng tối. Hy vọng rồi đây, sẽ tới một thời trong sáng, sạch sẽ, liêm khiết, một thời dũng cảm, để làm công việc giải tà, dọn rác cho lịch sử, chứ không phải để cố duy trì những cái « duy nhất đúng ». Bởi những cái « duy nhất đúng » ấy đã làm ô danh cả lãnh tụ lẫn cả cách mạng.

Đấy là một con người tàn tạ trong gian nan, hối hận. Đấy là một cuộc đời bi thảm, mang đầy thương tích thối tha của hận thù và bạo lực. Nhưng bộ óc ấy vẫn trong sáng, không oán thù ai, mà chỉ hối hận về sai lầm, về sự im lặng của chính mình, mang tội đồng lõa với sai lầm trong một thời gian quá dài. Đấy là công tội của một kẻ tôn thờ chân lý. Không ít người cho đấy là nỗi đau, một thất bại của nhà triết học, khi đã dại khờ lao mình vào đống rác của lịch sử với giấc mộng cuối cùng, là từ đó sẽ mang công sức và trí tuệ của mình ra để làm sạch lịch sử, làm sạch cách mạng.

Nguồn: HongThanh Facebook

 

38 Phản hồi cho “Sách “Nỗi Hối Hận Lúc Hoàng Hôn””

  1. Mien Nam says:

    Lâm Vũ says:
    “Người Việt vẫn còn tính thổi to “phe ta”, kiểu người nhà quê: con cá rô làng tôi to bằng con cá chép! Nếu bỏ chuyện TĐT bị CS kềm kẹp (có thệ) qua một bên, thì thử hỏi ông đã có công trình gì ghê gớm đâu? Nói không để chê nhau hay thêm phần tự ti mặc cảm dân tộc, mà để khiêm nhường thêm một chút ạ.”

    Tôi có nghe GS Bùi xuân Bào (Tổng trưởng QGGiáo dục VNCH, Tiến sĩ văn chương Pháp) nói ông Trần đức Thảo đấu thạc sĩ triết, học giỏi hơn ông Jean Paul Sartre. Hai ông học cùng khóa.
    Ở châu Âu thập niên 1930, 40, 50 người ta quí trọng môn triết học coi đó là những môn trí thức cấp cao, bằng Thạc sĩ có hai loại : một để làm GS đại học và một để làm GS trung học. Thạc sĩ như ông TĐThảo phải có tiến sĩ, sau đó thi tuyển vào Thạc sĩ, thi ra đậu Thạc sĩ tức là lớn hơn Tiến sĩ, hồi xưa cái bằng thạc sĩ của Tây nó to lắm, chỉ để dậy đại học , ông Trần đức Thảo đậu thạc sĩ Triết mà lại đâu đầu nên bên Tây họ cũng rất quí trọng ông ấy
    Đó là chuyện hồi xưa còn bây giờ thì môn triết, môn văn chương rơi vào cổ điển, không được quí trọng như xưa

    • tonydo says:

      Người Do Thái có kinh Cựu Ước, người Tầu có Tam Quốc Chí vì họ có Óc tưởng tượng ghê gớm. Dân ta thì dùi đục chấm mắm cáy, nhưng lại sinh ra mấy ông “Thầy” đi đọc sách của người ta, hoặc liếc tranh của người khác rồi về loè bà con.
      Cứ nhìn cách hòa mầu của các Họa Sỹ ở VN đem so sánh với những bức tranh ở phương Tây là có thể thấy óc tưởng tượng của Dân ta rất khiêm tốn.
      Các Cụ Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường,Phan Khôi, Nguyễn Tường Tam.v.v Chỉ có thể ngâm nga với dân đen ta thôi, còn ra ngoài thì sức tưởng tượng của Qúi Ngài cũng chỉ vừa qua rau muống luộc chấm tương Bần để lên canh chua cá Kho Tộ.
      Thành thử thấy mấy ông tưng tửng (Triết Nhân), tốt nhất là chạy.
      Hôm Toà xử, hình như vụ Cù Huy Hà Vủ ở Hà Nội, một ông giáo sư triết học vùng San Jose được mời về dự. Thay vì chỉ cần nói, đó là phiên xử của Tòa Việt Cộng thì ông Thầy tôi viết tận trên Trời, qua cả chín tầng mây về triết lý. Nhân Dân VN Anh Hùng nhớ rằng: Nếu thấy tổ chức nào có mấy ông thầy ” VẼ” hoặc tản bộ Thơ Văn thì tốt nhất là Chạy.

      • Builan says:

        Viết lách như thế nầy
        Banlui tôi chỉ còn có nước đi theo mà NHẶT chữ

        Còn như cứ dại dột vào huà theo đám cccđ- HẠ BÔ cuả HQL mà xiã soí _ TỤT QUẦN làm tôi “thất vọng” tôi “phàn nàn” thì đừng có noí sao tôi “THẤT LỄ” nghe thưa DO huynh !!!! khakhakha

      • tonydo says:

        Không phải vì mình ít học và chỉ số thông minh thấp nên mặc cảm, chửi càn, rồi rỡn mặt với cả những bậc khoa bảng, thông thái, đại trí thức. Đây là một sự thật, khi còn ở High School thì học khu nào cũng có những học sinh xuất sắc VN được nhận bằng khen, có những khu vực nhiều người Việt cư ngụ các em còn chiếm hơn một nửa. Thế nhưng khi lên Đại Học thì tỷ lệ này không còn nữa, chỉ vì ở đại học Mỹ sinh viên cần có sự sáng tạo và óc tưởng tượng hơn người.
        Thành thử các em các cháu thường nhảy vào những ngành nghề dễ kiếm việc và chỉ phải làm trong lĩnh vực của mình (Technical ) như Bác Sĩ, Nha sĩ, Dược Sĩ, Luật Sư, Kỹ Sư.v.v.Còn những công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo và trí tưởng tượng cao như Nghiên Cứu, Triết, Văn Chương, Vẽ, Nhạc.v.v. con em chúng ta ít khi nghĩ tới ( không thật giỏi sống không nổi ).
        Cho nên khi chúng ta những tay lớn tuổi thích bàn chuyện chính trị, chính em cũng cần chia sẻ rõ ràng với nhau là làm chính trị nó khác hẳn Thơ Văn, Triết Lý.
        Chúng ta đổ cho HCM không biết sài Trần Đức Thảo, hay cụ Diệm không dụng được Nhất Linh, là đem so sánh Táo với Cam rồi chửi người đang ăn Táo là không biết cái ngon của Cam. Lịch Sử VN chúng ta không thể để Nguyễn Trãi làm Trùm thay Lê Lợi làm Quân Sư, hoặc Nguyễn Hữu Chỉnh làm Vua để Quang Trung làm Tướng. Gần đây nhất thì TT Nguyễn Văn Thiệu không thể làm cố vấn cho Nguyễn Xuân Oánh.
        Tất nhiên những nhận định này chỉ đúng cho ngày hôm nay, hy vọng ngày mai đây thông tin hiện đại và sự giao tiếp dễ dàng sẽ đưa sức sáng tạo và trí tưởng tượng của cháu chắt chúng ta sánh vai cùng những dân tộc thông minh khác.

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        ĐỔ HUYNH VIẾT NHƯ VẦY THÌ CHẾT QUA RỒI…!

        Triết là khởi nguồn của Chính , bởi thiếu Triết nên nước ta mới nằm trong vòng “LÝ Khổng Triết Mác ” chính sự tệ hại đến nay…

        Đế quốc Xô Viết xụp cũng vì Triết sai …

        Tư Bản Cao Bồi phè phởn cũng vì Chính Triết của ” Free Mason ” lai rai còn sài được…

        Chính Triết cho một Việt Nam tương lai định nhờ Đổ Huynh viết lại , Qua đã sữa soạn hành trang tam bộ nhất bái đủ lễ nghi mời Huynh ra giúp sức mà nay Huynh chỉ trọng mưu , trọng quyền , trọng lực , bỏ đi chính Triết….

        Mưu Kế Thành công nhất thời của bọn Khổng Minh đi được tới đâu…

        Thâm Ý của tiền nhân chấp nhận thất bại cho hậu thế Vạn Đại, chẳng lẽ nào Đổ Huynh không thấy hay thấy mà VẪN KHINH?

        HAI TA sau này chắc chắc sẽ mang tiếng oán của thiên hạ…mất thôi !

        Hehehe…

        Ki’nh

      • tonydo says:

        Kính bác Trọng Dân! Thưa Đại Ca, lâu rồi có lần đọc bài nói chuyện của Tướng Lưu Á Châu, Chính Uỷ trường Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc, chính ông ta khẳng định, TQ không có nhà Tư Tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Việt Nam ta học theo Tầu cả ngàn năm nay, lại chỉ lo bày mưu, nghĩ kế để giữ Nước, rồi thêm bóp đầu tìm mẹo thôn tính lẫn nhau, chỉ tính từ Trịnh Nguyễn phân tranh đến nay đã hơn ba trăm năm sao lãng. HCM đã từng nịnh đầm Mao là ( đã có tư tưởng Mao Trạch Đông rồi, VN không cần thêm nữa.
        Mặc dù Thuyết của Charles Darwin có phần nghe được, thì cái Triết Mác không hề hiện diện ở VN, vì nó chỉ là mưu lược giành lại chính quyền từ tay bọn thực dân xâm lược, người CS gọi đó là cuộc Cách Mạng của giai cấp công nhân, nhưng thực tế vào thời điểm đó VN có rất ít Búa Liềm còn Tư Bản thì kể như không.
        Kể ra thì cũng đau lòng nhưng cứ nhìn cái Lịch Sử cận đại thì thấy ở Nước ta các cụ toàn sài mưu lược, anh nào cao tay ấn, thọ lâu hơn, còn hễ hé ra chút Triết Lý cho dân nó luận, kể như tiêu tùng sự nghiệp.
        Thưa Đại Ca, giống như những gia đình VN khác, em có cả thảy mười lăm, mười sáu con, cháu ( Niece, Nephew) toàn “Sỹ Giấy Mỹ”, nhưng không bao giờ em bắt gặp chúng nó bàn chuyện Triết Lý nhân sinh, lai rai con bò kéa xe với nhau như anh em mình cả. Bỏ Xứ nhiều khi cũng lắm chuyện.
        Hết mưa, Trời hửng nắng. Sao Đàn Anh sớm ngã lòng. Kính.

    • Ngàn khơi says:

      TRONG VÀ NGOÀI

      Bằng cấp, học vị chỉ là cái vỏ bên ngoài. Tài năng sáng tạo đích thực mới là cái ruột bên trong. Yếu tố thứ nhất chỉ nói lên kết quả học tập, triển vọng nghiên cứu, học giả. Yếu tố thứ hai nói lên thành tựu giúp đời. Thảo thực chất chỉ mới dừng lại ở yếu tố thứ nhất. Sartre thì hoàn toàn đã bước sang yếu tố thứ hai. Bởi tài năng sáng tạo là bẩm sinh, không phải muốn mà có được. Còn học tập, bằng cấp, nếu muốn và có điều kiện, bất cứ ai đều có thể làm được. Anh nông dân sáng chế ra được máy móc ngoạn mục, đó là tài năng sáng tạo. Ông tiến sĩ, kỹ sư hiểu rõ các nguyên lý vật chất, máy móc, đó là ý nghĩa học tập. Cả hai không thể hoán vị được cho nhau.
      Có biết bao nhà văn, nhà tư tưởng, nhà thơ vĩ đại trên thế gian này từ cổ chí kim. Họ đều là những tài năng, người không có tài như thế không thể làm được. Họ để lại cho đời những kết quả đích thực. Trong khi có biết bao nhà nghiên cứu, học giả, khoa bảng, nhiều lắm chỉ đi dạy học hay viết sách nghiên cứu về người khác thế thôi. Trần Đức Thảo cũng thế, ông ta chỉ là học giả, nhà nghiên cứu, phát biểu về mác xít, người chiến sĩ cộng sản trong thực chất, ông ta không phải nhà triết học hay triết gia theo đúng nghĩa đích thực hoặc phổ quát nhất của nó.

      ĐẠI NGÀN
      (24/8/13)

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        Ghê…
        Trong câu viết đã bắt đầu có sinh thú…
        Cố lên…

  2. Mien Nam says:

    Tôi có nghe GS Bùi xuân Bào (Tổng trưởng QGGiáo dục VNCH, Tiến sĩ văn chương Pháp) nói ông Trần đức Thảo đấu thạc sĩ triết, học giỏi hơn ông Jean Paul Sartre. Hai ông học cùng khóa.
    Ở châu Âu thập niên 1930, 40, 50 người ta quí trọng môn triết học coi đó là những môn trí thức cấp cao, bằng Thạc sĩ có hai loại : một để làm GS đại học và một để làm GS trung học. Thạc sĩ như ông TĐThảo phải có tiến sĩ, sau đó thi tuyển vào Thạc sĩ, thi ra đậu Thạc sĩ tức là lớn hơn Tiến sĩ, hồi xưa cái bằng thạc sĩ của Tây nó to lắm, chỉ để dậy đại học , ông Trần đức Thảo đậu thạc sĩ Triết mà lại đâu đầu nên bên Tây họ cũng rất quí trọng ông ấy
    Đó là chuyện hồi xưa còn bây giờ thì môn triết, môn văn chương rơi vào cổ điển, không được quí trọng như xưa

  3. Thắc-Mắc says:

    Tôi không bàn gì thêm bài viết. Tôi chỉ nhắn gởi đến VHT, nvtncs và BUILAN.
    – Bàn về dân đen và trí-thức, VHT tự cho một định-nghĩa của dân đen. Chưa đủ, ông lại tương-phản dân đen với trí-thức. Chưa đủ, VHT lại xướng lên rằng dân đen không phải là đỉnh cao của mọi giá-trị. Có ai đã cho rằng dân đen là đỉnh cao của mọi giá-trị đâu mà VHT vội phủ-nhận. Mà có class nào tự cho là đỉnh cao của mọi giá-trị ( ở đây không bàn đến lý-luận của CSVN vốn tự cho là đỉnh cao trí-tuệ của loài người). Sau đó VHT lại tự mâu-thuẩn khi nói rằng bản-thân con người của dân đen cũng như của trí-thức ..như nhau. So-sánh cho đã, rồi kết-luận như vậy.
    – Xin bạn nào tìm thử một định-nghĩa của dân đen. Tôi không tin là dân đen và trí-thức ở cùng category. Có thể có những bậc trí-thức vẫn ở hạng dân đen. Trí-thức vẫn có thể sống bần-hàn, lam-lũ. Hứa Do và Sào Phủ tuy chăn trâu (dân đen) nhưng là bậc trí-giả. Vậy thì dân đen như cái bàn, còn trí-thức như cái ghế ; không ai so-sánh cái bàn với cái ghế cả.
    – Trí-thức học nhiều, cao có thể có nhiều. Trí-giả có thể không học cao như trí-thức, nhưng hiếm có từ xưa đến nay. Vì chưng thế-gian phù-phiếm này, con người khó có thể giữ được nhân-cách.
    – nvtncs cũng không cần hỏi VHT như vậy. Bể học mênh-mông. Quá nhiều lãnh-vực để học-hỏi, ai dám tự khoe mình là học cao hiểu rộng ? Sự hạ mình là yếu-tố vô cùng quan-trọng cho việc giữ-gìn nhân-cách.
    – TĐT có lúc phải đi chăn trâu. Có thể gán cho HCM đã hành-xử không đúng trong việc dùng TĐT, nhưng nếu TĐT ôm mối hân, oán-trách thì rõ-ràng TĐT chỉ là nhà trí-thức ..rởm, không phải là bậc trí-giả. Nhưng mấy ai làm khác ?
    – Ôn cố tri tân. Nhưng mấy ai làm, vì ” Điều chi đã có, ấy là đều sẽ có ; đều gì đã làm, ấy là đều sẽ làm nữa ; chẳng có đều gì mới ở dưới mặt trời ” (Truyền-Đạo 1:9).

    • MÂY NGÀN says:

      Ý nghĩa của lời viết nào đều theo tình huống hay trong ngữ cảnh của nó. Nếu sự nhận xét bị tách ra khỏi điều kiện đó, có thể thành sai lạc. Ngày xưa Khổng tử có nói bất oán thiên bất vu nhân, không biết TĐT có theo điều ấy không. Nhưng mọi sự im lặng của ông Thảo lại có thể chỉ theo nghĩa bụng làm dạ chịu, nên rõ ràng không trách ai được. Ai cũng có thể chủ quan, nhưng chính sự thật tâm là quý nhất. Trong cuộc sống mà đóng kịch theo nghĩa nào đó đều không phải quân tử. Phê phán TĐT nếu không có ác ý, tà vạy, mà chỉ theo ý nghĩ tự nhiên của điều mình thấy vẫn không sao cả. Tất nhiên nó có thể chủ quan. Nhưng sự chủ quan vô tình vẫn luôn quý hơn sự khách quan hậu ý. Cái dở nhất của TĐT chỉ là yếu tư duy độc lập thế thôi. Một nhà triết học đúng nghĩa không thể cho phép như vậy. Có thể ông ta rất xuất sắc về mặt học thuật, nhưng hàm lượng của chất triết gia vẫn có thể rất tệ thì sao ? Vậy nên mọi sự chủ quan nếu có nhưng trên cơ sở của sự ngay tình, của thiện ý, của mục đích chân lý khách quan hay giá trị xã hội đều có thể thông cảm được phần nào là như thế. VHT

    • Builan says:

      Comments cuả bác Thắc Mắc nhẹ nhàng nhung thâm thúy ! có tâm và tầm !

      Tôi vốn chữ nghiã không bao nhiêu, nên chỉ lo chú tâm đọc để mà học hoỉ ! Lâu lâu bất chợt, như có BÀ NHẬP, nhận ra cái gì trái tai gai mắt- cố lờ đi “dĩ hoà vi quý” mà không đặng, mới ri mọ gõ một vài dòng ! Chẳng nhằm tranh caĩ hơn thua ! Tin vào “Bạn đọc là quan giám khaỏ” công minh phân định đúng sai !

      _ Không biết bác VHT có nhận ra một vài chỗ “hỡ sườn, một vài khe khuyết” khi quá hăng say, thẳng một đường xông tới mà quên nhìn trước ngó sau ! Tôi không dám thầy đời đâu nhé, thưa THẦY !
      Tiện thể nơi đây , xin noí nhỏ: Thầy VHT làm ơn viết cô đọng – ngắn thêm một chút nữa! Bỏ bớt những giãi, dẫn rườm ra không cần thiết “dai daì dơ dỡ dại ” ! khakhakha

      _Cũng may là bac nvtncs còn tỏ ra hoà nhã HỎI nhẹ, chứ không sững cồ choảng nhau ! Tôi cũng cảm thấy mừng ! Noí thế nghiã là tôi có đọc tất tần tật

      TRI THƯC- DÂN DEN ?
      Suy nghĩ cuả tôi đã rõ rồi
      Trí thức – Đáng trọng chứ không sùng !
      Dân den _ Chớ dại mà coi khinh !
      Cũng có thể nói là khó ĐÁNH GIÁ !

      Vì lẽ đó tôi cho VHT chỉ có được một câu là đúng nhất
      ” Bởi vậy ngoài đầu óc nhận thức cao hơn ra, các giá trị khác chưa hẳn đã ai hơn ai.

      _ SAU cùng
      Với riêng tôi, tôi chân thành cảm ơn bác Thắc Mắc. đã thể hiện cái phong cách đàn anh, có lời giác đắc phân xữ nhẹ nhàng !

      Kính

  4. Thắc-Mắc says:

    Tôi không thỏa lòng với người viết giới-thiệu cuốn sách của TĐT về một điểm. TĐT được giới-thiệu quá sơ-sài những năm trước khi ông từ Pháp về lại VN, làm việc với CSVN. TĐT có học cùng lớp với JPS hay có nhiều dịp tranh-cãi với JPS thì đâu có gì hãnh-diện lắm.
    Tôi nhớ cách đây rất lâu, khoảng 1957 hay 1958 gì đó, tôi có đọc một bài dịch ra tiếng Viêt, luận-án tiến-sĩ triết-học của TĐT (viết bằng tiếng Pháp). Tôi không nhớ tác-giả bài dịch và giới-thiệu TĐT đó là ai. Bài luận-án đó có tiêu-đề là ” Triết-học đi về đâu ? “. Người dịch và giới-thiệu có trích những bài viết phê-bình luận-án của TĐT bởi những triết-gia Pháp – kể cả JPS – nói chung (có thể kể cả những triết-gia châu Âu). Rằng nói chung luận-án đó được đánh-giá ” rất tuyệt “, chỉ phần kết-luận thì tầm-thường. Tuy nhiên TĐT đã nổi tiếng từ đó, như là một thiên-tài về triết-học, dù chỉ với một luận-án.
    Tôi tin tác-giả bài viết này có khả-năng truy-lục những tài-liệu liên-quan TĐT, nhất là bản luận-án tiến-sĩ của TĐT chắc-chắn còn lưu-trử tại Pháp.

    • TRĂNG NGÀN says:

      BÀN PHIẾM

      Trước đây tôi có đọc cuốn “Triết học đi về đâu” của Trần Đức Thảo, chỉ là một cuốn sách mỏng, hình như do nhà Minh Tâm xuất bản, cuốn đó nay tôi cũng còn giữ. Thú thật khi đọc cuốn đó tôi đã nổi da gà và miệng không ngưng chưởi thề TĐT. Tôi đã cho rằng cuốn đó của TĐT cũng như những bài viết của TĐT đăng trên báo Tuổi Trẻ sau năm 75 đều là thứ lý luận kiểu trung cấp, kiểu cán bộ phường khóm, hay nói nôm na đối với tôi chỉ là buồn nôn, chẳng có gì hay ho, sâu sắc hay đặc trưng cả. Chỉ là cuốn triết học viết theo cách một chiều, đơn điệu, nông cạn, ngược ngạo, chủ quan, có tà tâm, có hậu ý, chẳng có gì khoa học, khách quan, hay triết lý đúng nghĩa cả. Nó chỉ như một thứ công cụ tuyên truyền hạ đẳng, trẻ thơ, tắc trách, tào lao, vô ý thức trách nhiệm, thậm chí mù quáng, trí thức rởm và tầm thường. Chẳng lẽ cấp ông Thảo kiểu cán bộ thông tin quận huyện, nhưng thật sự nói theo kiểu đại ngôn, theo tôi quả thật đúng như thế đó.
      Không tin ngày nay mọi người thử tìm đọc lại để thấy tính cách ngờ nghệch, nông cạn và nông nỗi đã có của TĐT.

      VHT

      • Thắc-Mắc says:

        Cảm ơn VHT cung-cấp thêm tin-tức về TĐT. Tuy nhiên vấn-đề tôi muốn đề-cập là những phê-bình ” rất xôm trò ” về luận-án đó của TĐT. Nếu quả như VHT cho rằng tập sách ” Triết-học đi về đâu ” của TĐT tệ đến như thế, thì sao lại được sự phê-bình tốt-đep (của người dịch cuốn sách đó + những trích-dẫn) như vậy. Thú thật lúc đọc cuốn sách đó, trình-độ tôi còn kém lắm – hơn 55 năm trước – nên chưa hiểu thấu-đáo, do vậy tôi chỉ chú-ý đến phần bình-luận mà thôi. Dĩ nhiên khi nói về TĐT thì chỉ nên nói đến thời-điểm trước khi ông ấy về làm việc với CSVN – mà càng về sau thì càng tệ – VHT hãy cố-gắng có được khách-quan-tính. Tôi cho là, dù gì TĐT (trước) đã nổi tiếng, thì ít nhất phải có chút thực-lực nào đó, phải không ? Cũng có thể rằng, giá mà bây giờ tôi lại đọc cuốn sách đó, ắt tôi có thể tự mình đánh mất thần-tượng. Tôi có thể tự lừa-dối tôi, nhưng không lẽ những lời khen của người dịch + những trích-dẫn trong tập sách mà VHT còn giữ, lại vô-giá-trị đến thê sao ?

      • Suối Ngàn says:

        Suy nghĩ độc lập

        Thắc mắc của Thắc Mắc hoàn toàn chính xác. Thế nhưng tư duy độc lập của Thảo theo tôi là ít, đó là điều tôi không thỏa mãn và phê phán hơi nặng lời. Còn Thắc Mắc cũng thế, nếu chỉ xuyên qua lời người khác, cho dù đó là ai, để ghi nhận hay kết luận về ông Thảo cũng là mượn kính của người khác để xem sự vật, đâu phải là kính của chính mình. VHT

      • Nguyễn Trọng Dân says:

        “Tôi đã cho rằng cuốn đó của TĐT cũng như những bài viết của TĐT đăng trên báo Tuổi Trẻ sau năm 75 đều là thứ lý luận kiểu trung cấp, kiểu cán bộ phường khóm,…”

        Ghê…!

    • Lâm Vũ says:

      Người Việt vẫn còn tính thổi to “phe ta”, kiểu người nhà quê: con cá rô làng tôi to bằng con cá chép! Nếu bỏ chuyện TĐT bị CS kềm kẹp (có thệ) qua một bên, thì thử hỏi ông đã có công trình gì ghê gớm đâu? Nói không để chê nhau hay thêm phần tự ti mặc cảm dân tộc, mà để khiêm nhường thêm một chút ạ.

  5. Mien nam says:

    Cuối năm 1975, tại trại cải tạo Long Thành chúng tôi có được nghe GS Bùi Xuân Bào, tiến sĩ văn chương Pháp (Docteur es lettres), cựu bộ trưởng QG giao dục VNCH nói ông Trần đức Thảo học thì xuất sắc hơn ông J.P.Sartre, hai ông cùng đỗ Thạc sĩ triết (agrégé).
    Ngoài ra tôi có nghe nói ông TĐ Thảo đậu đầu trong kỳ thi Thạc sĩ Triết học đậu cao hơn ông JP Sartre
    Nhưng như chúng ta thấy ông Sartre trở thành nhà triết gia nổi tiếng trên thế giới, còn ông Thảo chỉ là một GS được biết tới ở VN thôi. Người mình chỉ học lấy bằng thì giỏi nhưng không có sáng kiến như người ta
    Nếu ông TĐ Thảo không theo CS, ở lại Pháp hoặc về VN thì cũng chỉ là một GS dậy học thôi

    • Ngàn khơi says:

      SARTRE VÀ THẢO

      J. P. Sartre sở dĩ trở thành một triết gia mãi mãi của thế giới, bởi vì tư duy của ông là thứ tư duy hoàn toàn tự chủ, độc lập. Cho dù từng giai đoạn ông có thể có các khuynh hướng hoặc biểu hiện khác nhau, nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời, thoáng qua, còn ý nghĩa cuối cùng của mục đích triết học của ông là luôn luôn vì cái khách quan, vì chân lý tối hậu của nhận thức con người.
      Trong khi đó, ý nghĩa cùa Trần Đức Thảo chỉ là nhằm đấu tranh cho học thuyết của Mác. Thảo chỉ làm nhiệm vụ biện hộ, lý giải, thuyết phục mọi người về học thuyết Mác là chính. Thảo không có cái gì riêng của mình, không có mục đích độc lập triết học, tư tưởng cụ thể của chính mình. Tính chất của Thảo hầu như tính chất của học giả, của chiến sĩ cộng sản, tín đồ mác xít mà không là gì khác. Có nghĩa Mác cũng không vì chân lý tối hậu của triết học. Tức Thảo cũng chỉ là thứ người cuồng tín, chỉ cho vật chất là chân lý tuyệt đối rồi không cần gì phải thảo luận nữa. Giống như Mác đã từng chủ trương thủ tiêu triết học vì tự cho tư tưởng của mình đã duy nhất đúng rồi, chỉ còn cần thực hiện triết học đó mà không cần triết học nào khác. Câu nói động trời nhưng hoàn toàn ngờ nghệch của Mác là thủ tiêu triết học bằng cách thực hiện triết học. Câu nói này phần lớn ai cũng biết. Thảo cũng y hệt như vậy. Tức Thảo chỉ duy nhất tin vào duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của Mác, nên chỉ lăn xả vào thực hành điều đó, không cần bảo vệ riêng gì cho triết học đúng nghĩa nữa. Do đó ai cho Thảo là nhà triết học, là “triết gia” thật sự chỉ ngây thơ, nông cạn và vô lý. Cho dù Mác có bỏ nhiều công sức nghiên cứu Husserl, một nhà tư tưởng hiện tượng luận nổi tiếng mà đến cả ngày nay chính bản thân khoa học nói chung cũng không phủ nhận, thì mục đích đó của Thảo thật sự cũng không vì chân lý triết học, giá trị triết học, mà chỉ vì nhằm vận dụng để biện minh cho tư duy của Mác. Thảo đã tự mình làm công cụ cho người khác, không phải công cụ cho chính mình hay công cụ cho lợi ích trí thức hiểu biết nhân loại nói chung về triết học.
      Đấy sự khác nhau cơ bản và chính yếu nhất giữa Huserl, Sartre, Merleau Ponty … và Trần Đức Thảo chỉ chính là như vậy. Đó chính là điều mà tôi đã từng nói ở nhiều nước thì nhà triết học không thiếu, nhưng ở VN cho tới nay không thấy xuất hiện, còn nếu có xuất hiện như kiểu Thảo cũng chỉ là danh hão, tức cũng chỉ là một thứ “lèo” như trên kia đã nói đầy đủ. Có nghĩa khi một con người không có tư duy, ý thức, hiểu biết độc lập, con người đó dù là ai cũng chẳng ích lợi gì cho ai cả.

      ĐẠI NGÀN
      (22/8/13)

      • nvtncs says:

        Những sai lầm chính trị của JP Sartre:

        “Après la Libération, il se révèle un militant acharné de la future révolution socialiste et se range parmi les «compagnons de route» du communisme soviétique.”

        Dịch:
        “Sau thời giải phóng, ông tỏ ra là một nhà hoạt động nhiệt tình cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tương lai và nằm trong danh sách “bạn đồng hành” của cộng sản Xô Viết.”

        “Jean-Paul Sartre milite activement contre l’intervention militaire en Indochine.”

        “Jean-Paul Sartre tích cực vận động chống lại sự can thiệp quân sự ở Đông Dương.”

        “L’année suivante, après l’exécution des époux Rosenberg pour cause d’espionnage, il publie une lettre ouverte au peuple américain dans le journal Libération (22 juin 1953) : «Vous êtes collectivement responsables de la mort des Rosenberg, les uns pour avoir provoqué le meurtre, les autres pour l’avoir laissé commettre, vous avez toléré que les États-Unis soient le berceau d’un nouveau fascisme ; en vain vous répondrez que ce seul meurtre n’est pas comparable aux hécatombes hitlériennes ; le fascisme ne se définit pas par le nombre de ses victimes mais par sa manière de les tuer…».

        NB : les services secrets américains ont depuis lors publié des preuves incontestables de la culpabilité des Rosenberg ; preuves qu’ils ne pouvaient divulguer à l’époque des faits au risque de compromettre leurs agents.”

        Dịch:
        “Một năm sau đó, sau vụ xử tử vợ chồng Rosenbergs làm gián điệp, ông xuất bản một bức thư ngỏ cho người dân Mỹ trong tờ giải phóng (22 tháng 6 năm 1953): ” Quý vị phải chịu trách nhiệm chung về cái chết của Rosenbergs, một số đã gây ra vụ giết người, số còn lại đã chấp thuận vụ giết ông bà Rosenberg, bạn chấp nhận rằng Hoa Kỳ là quê hương của một chủ nghĩa phát xít mới; trong vô vọng, quý vị sẽ trả lời rằng một vụ giết người không thể so sánh với những cuộc tàn sát của Hitler, chủ nghĩa phát xít không được xác định bởi số lượng các nạn nhân của nó, nhưng bằng cách … giết. ”

        Lưu ý: mật vụ Mỹ sau này công bố bằng chứng xác thực về tội lỗi của Rosenbergs; bằng chứng họ không thể tiết lộ vào thời điểm vì các sự kiện có thể gây nguy hiểm cho các nhân viên của họ.

        “Dans les années 70, Jean-Paul Sartre, déjà très malade, s’associe à son ancien condisciple de Normale Sup, Raymond Aron, dans la condamnation des dictatures communistes du Cambodge et du Viêt-nam.”

        Dịch:
        “Trong những năm 70, Jean-Paul Sartre, đã bị bệnh nặng, gia nhập cựu bạn cùng lớp của mình ở Normale Sup, Raymond Aron, trong việc lên án chế độ độc tài cộng sản ở Campuchia và Việt Nam.”

        Nguồn:http://www.herodote.net/Jean_Paul_Sartre_1905_1980_-synthese-195.php

  6. Hồ Nguyễn says:

    Lúc còn sinh thời học giả Hồ Hữu Tường đã từng có ý kiến về chủ nghĩa CS mà ông có lúc tham gia từ năm 1930 – 1939 với tư cách là một lảnh tụ của phong trào Đệ Tứ Quốc Tế đồng thời với Phan văn Hùm và Tạ Thu Thâu . Ông nói rằng kể từ năm 1848 lúc Tuyên Ngôn của Đảng CS ra đời cho đến hơn 50 năm sau Cách Mạng tháng 10 Nga năm 1917 mới thàng công. Lúc đầu CS lấy giai cấp công nhân ( vô sản ) làm nồng cốt cho cách mạng theo lý thuyết. Nhưng khi qua Nga giai cấp vô sản quá yếu nên Lê-nin chủ trương Liên Minh Công Nông làm cách mạng đó thuyết Mác-lê-nin. Khi qua Tàu giai cấp vô sản lại còn quá yếu nửa nên Mao Trạch Đông chủ trương thuyết Lấy Nông Thôn Bao Vây Thành Thị để chiếm chính quyền. CSVN rập khuông CS Tàu. Ông còn nói rằng muốn biết cái gì thì hãy nhập vào nó và khi biết nó rồi thì từ đó mà ra ( ra vì biết nó không tốt ). Ông còn nói rằng CNCS là lổi thời mà cái gì đã lổi thời rồi thì tự nó sẽ tiêu diệt nó hãy đợi mà xem. Ngày nay nhiều nước đã xem CNCS là một tai họa còn VN thì sao?.

    • NON NGÀN says:

      CÁI CAO NHẤT

      Cái cao nhất chỉ con người
      Chỉ là xã hội, chỉ là khách quan
      Chỉ là sự thật muôn vàn
      Còn bao cái khác chỉ càng vu vơ
      Bởi vì ngược lại cái cao
      Đều là cái thấp có nào hay chi
      Cho nên mọi sự ở đời
      Chỉ điều dốt nát hại đời bao nhiêu
      Dốt rồi mà lại chủ quan
      Lại càng cuồng tín quả càng oái oăm

      BIỂN NGÀN
      (22/8/13)

  7. ĐẠI NGÀN says:

    SỰ NGÂY THƠ HAY ẤU TRĨ CỦA TRẦN ĐỨC THẢO

    Nếu Trần Đức Thảo có tầm cở thật sự, có sáng suốt thật sự, ông đã không về nước vào năm 1952 như mọi người đã biết. Bởi nếu ông có lòng yêu nước thiết thực, mạnh mẽ, việc ông ở lại Pháp đề vận động cứu nước mới hiệu quả và kết quả hơn. Ông về nước là đi theo kiểu quần chúng, trong ý nghĩa mình là người mác xít dấn thân, tức ý thức cán bộ cách mạng thực tiển, ý thức tín đồ hành động theo kiểu chấp hành đã lắng lướt hay ngự trị hẳn ý thức của nhà tư duy triết học, nhà khoa học thiết thực hay nhà yêu nước sâu sắc và chín chắn.
    Thảo là người trí thức xuất sắc của Việt Nam, nhưng suốt đời ông chỉ nhận mình là người mác xít, theo lý luận mác xít, tranh đấu và phục vụ lý thuyết của Mác, không có mục đích tư tưởng riêng, không có hoài bão tư duy triết học riêng, chứng tỏ cũng chỉ là một đầu óc tầm thường không có sự tự tín, không tự thấy mình thật sự có ý thức hay tài năng triết học gì nổi trội. Đây thật sự là điều hoàn toàn đáng tiếc, chưa mang lại hay chứng tỏ thực chất nào đơi với năng lực trí tuệ tư duy người Việt đúng nghĩa.
    Các tranh luận với một số nhà triết học hiện sinh Pháp trong đó có Sartre của ông Thảo làm ông Thảo nổi tiếng, thực sự nếu ai có đọc vào những bài tranh luận đó đều thấy rõ tính cách ma mánh, tính cách một mình một chợ của Trần Đức Thảo. Bởi nhất nhất Thảo đều chỉ lấy các luận điểm cơ bản có sẵn của Mác để tranh luận mà không hề lấy quan điểm triết học gì độc lập của mình. Tức chung quy ông chỉ lấy biện chứng duy vật, biện chứng lịch sử trong quan niệm của Mác ra để bẻ nhau với các đối thủ, trong khi các đối thủ lại trên những nền tảng khác để đối đáp lại. Đó chẳng qua chỉ là chuyện ông nói gà bà nói vịt, sự hơn thua ở đây chỉ có tính cách như thế. Sự tắt tị phần nào đó của những đối thủ của Thảo cũng chỉ bởi cái thực tề trật đường rây như thế. Thực chất không phải Thảo tranh luận về triết học hay tư duy trí tuệ đúng nghĩa độc lập, mà ông ta chỉ như vai trò một luật sư cho tư tưởng của Mác, chỉ nhằm tranh đấu và biện chính cho Mác mà không phải theo nghĩa khách quan triết học nào khác.
    Cũng chính sự không phân biệt được giữa tồn tại cụ thể và tư duy triết học về các góc độ khác nhau của nó, Thảo chỉ đồng hóa theo kiểu nhất nguyên duy vật thơ ngây, đơn giản, nên ông đã về nước như một sự dấn thân để nhằm đạt được những thành công mà ông cho là xác đáng, cụ thể theo kiểu duy vật biện chứng.
    Nói cách khác, ông ta chỉ có đắm mình ở trong lý luận triết học tư biện trừu tượng mà chưa thoát ra được để đi đến với các tiếp cận khoa học và thực tế khác. Sự không cập nhật hóa khoa học hiện đại khách quan đang phát triển về nhiều mặt, chỉ có ngủ gà gật trên mớ giáo điều tư duy tư biện của Mác mà ông đã tâm đắc hay thấm nhuần duy trong đó, đã khiến Thảo trở thành như một người bập bềnh giữa hai dòng nước. Cuối cùng ông đã phải chịu chìm lỉm và chết ngộp như nhiều người khác cùng thân phận với ông trong chất men say sưa ban đầu mà xa rời, không am hiểu, lầm lộn hoặc không hề quan tâm đến các thực tiển lù lù trước mắt là như thế.
    Chính sau này ông đã hồi tâm lại, đưa ra luận điểm phê phán sự lý luận không có con người là như vậy. Nhận thức đó của ông ta hoàn toàn đúng, hoàn toàn xác thực, nhưng nó đã quá trễ tràng, không còn tác dụng gì được nữa. Cũng chỉ là cách nói trôi theo dòng mà thôi. Nhưng có điều tại sao ông còn viết bài công kích Hà Sĩ Phu, dùng chuyên môn của mình để lên án sai trái một người không chuyên môn như mình, đó phải chăng lại là sự nông nỗi, thơ ngây hay chỉ là bị động của Trần Đức Thảo.
    Kết luận lại, hình như trong nhận thức hay tư duy của Trần Đức Thảo không hề có sự phân biệt giữa phạm trù hay khu vực khoa học cụ thể khách quan và phạm trù hay khu vực tư tưởng triết học trừu tượng. Đó chính là chỗ ông chỉ méo mó, cả tin, mù quáng trong nội dung duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác mà không là gì khác. Sự không phân biệt, không chịu phân biệt, không biết phân biệt đó của ông Thảo cho thấy ông ta thực chất hãy còn yếu kém về mặt tư duy triết học. Có nghĩa nhận thức hay tư duy triết học của ông ta thực sự không có gì chủ độc, không có gì độc lập hay tự chủ, sáng tạo đúng nghĩa, mà ông ta chỉ là tín đồ, là đồ đệ thuần túy của người khác, đó là chính là Mác. Thế thì một số người nào đó quan điểm Trần Đức Thảo là một nhà tư tưởng, nhà “triết học” của Việt Nam, chỉ là hoàn toàn, hay nói chung, hoặc phần lớn là cường điệu, thổi phồng, vì hàm lượng đó thật sự chưa là bao nhiêu cả. Bởi Mác suốt đời chỉ mới dám tự nhận mình là nhà Mác xít thế thỉ có gì gọi là “triết gia” Trần Đức Thảo đúng nghĩa hay chăng.
    Nên nói chung lại, mọi sự ngây thơ và ấu trĩ trong thực tế cũng như trong tư duy triết học của ông Thảo cuối cùng đã gậy ông đập lưng ông, khiến ông trở thành chính nạn nhân của ông, trở thành nạn nhân của chính ông, nạn nhân của tư tưởng người khác mà ông luôn theo đuổi, nạn nhân của cả chính những con người cụ thể mà ông hướng theo, quả đáng tiếc chỉ là như thế.

    Võ Hưng Thanh
    (21/8/2013)

    • NON NGÀN says:

      XIN LỖI
      Có vài chỗ gõ chữ sai cần phải được chữa lại : không có gì chủ động /Thảo suốt đời chỉ mới dám tự nhận mình / quan niệm Trần Đức Thảo là một

    • BUILAN says:

      Viết ra mà không ai dọc thì còn tệ hại hôn là không viết !

      Tôi đã cất công đọc ! Noí chung là rất hay!
      Tiếc thay vẫn chỉ là một mớ lý thuyết – chữ nghiã ,miệng mồm cuả một trạng caĩ !

      ” Biết người biết ta.. ” Tôi biết tôi chỉ ở vị trí cuả một HỌC TRÒ ! Học trò dám phê THẦY có nghiã là không phaỉ loại “đơn bào” mà là “Đa Bào” _ Đừng nghĩ là tôi KHÍCH TƯỚNG ! _ không dám mô !
      Chỉ có tôi mới dám noí thật ! “lời thật mất lòng “-( người xưa vẫn dạy thế và tôi cũng thưà hiểu nó là như thế) ở đây, cái LIỀU cuả tôi, chã những không sợ mất lòng ! mà còn mong được nghe chửi nưã là khác !
      Làm ơn giúp tôi thay THẢO bằng THANH ! Từ đó mà hiểu ra : Nên làm cái gì KHÁC hơn một chút ! Chí tình là như vậy và thật tình cũng là như rứa !

      ” Thảo là người trí thức xuất sắc của Việt Nam, nhưng suốt đời ông chỉ nhận mình là người mác xít, theo lý luận mác xít, tranh đấu và phục vụ lý thuyết của Mác, không có mục đích tư tưởng riêng, không có hoài bão tư duy triết học riêng, chứng tỏ cũng chỉ là một đầu óc tầm thường không có sự tự tín, không tự thấy mình thật sự có ý thức hay tài năng triết học gì nổi trội. Đây thật sự là điều hoàn toàn đáng tiếc, chưa mang lại hay chứng tỏ thực chất nào đơi với năng lực trí tuệ tư duy người Việt đúng nghĩa.

      Trân trọng

  8. nvtncs says:

    Trí thức là sách vở, là lý thuyết, là không thực tế, là không gần gũi dân đen: cho lũ trí thức đi chăn bò cho nó biết cái vinh quang của lao động rất chí lý.

    • DẶM NGÀN says:

      DÂN ĐEN VÀ TRÍ THỨC

      Dân đen chỉ có lao động tay chân, lao động cơ bắp, lao động trực tiếp, lao động đơn giản. Khi dân đen đó vươn lên được trí thức, nó trở thành có hiểu biết, năng lực rộng hơn, nó trở thành trí thức. Trí thức không từ trời rơi xuống. Dân đen lại càng không phải đỉnh cao của mọi giá trị, mà còn ngược lại là khác. Nhưng trí thức chỉ là cái đầu óc, không phải nguyên bản thân con người. Bản thân con người của dân đen cũng như của trí thức đều là bản thân sinh học như nhau không khác bất kỳ điều gì cả. Bởi vậy ngoài đầu óc nhận thức cao hơn ra, các giá trị khác chưa hẳn đã ai hơn ai. Cho tri thức chỉ là sách vở là lý thuyết, là không thực tế, không gần gủi với dân đen chỉ là cái nhìn của đám dân đen, không phải cái nhìn của bậc trí thức hay người có hiểu biết hoặc trí tuệ. Bảo cho trí thức đi chăn bò để cho biết cái vinh quang củmọi a lao động là quan điểm của hàng dốt nát, mọi rợ, tị hiềm trí thức đúng nghĩa, không đánh giá được ý nghĩa đích thực của trí thức là gì, nói chung cũng chỉ là thứ tâm lý thấp kém, ti tiện. Không thể chỉ ác cảm với những cá nhân trí thức cụ thể nào đó có thể vì các nhược điểm hay sai lầm riêng của họ để sổ toẹt hết mọi ý nghĩa và giá trị chung của trí thức theo cách khách quan. Chính bản năng hèn kém của những cá nhân con người tương ứng đó cho thấy chính những yếu tố cặn bã của xã hội là nằm ở đâu.

      GIÓ NGÀN

      • nvtncs says:

        Trí thức như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mạnh Tường, bị một tên thất học như Hồ Chí Minh lừa, thì là trí thức mù. Mà còn nữa: DQHoa, Huỳnh Tấn Phát, Trương Như Tảng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, vv…
        Ở miền Nam thời VNCH, trí thức cứ nhan nhản, mà có làm được gì đâu? Có nhìn thấy gì đâu?

        Trí thức là gì? Là suốt đời học sách vở, suốt đời soạn bài đi thi, lo trượt, lo đỗ cao, suy nghĩ thì ít, học thuộc lòng thì nhiều. Đã sáng chế được cái gì, hay luôn luôn học sách Tây, sách của người Âu Châu viết? Về kỹ thụât, về y khoa, về khoa học, đã tìm ra những gì? Ở Tây, một đề tài co một, hai tác phẩm, do giáo sư danh tiếng nhất viết, rồi sinh viên toàn quốc học thuộc lòng những tác phẫm đó để đi thi, thì óc sáng chế còn gì nữa? Mỗi vấn đề có nghìn khiá cạnh, nghìn cách nhìn,mà chỉ có hai ba quyển sách thì làm sao đào sâu?

        Chỉ có ở bên Mỹ, với bầu không khí tự do của nghiên cứu, báo chí khoa học, hàng trăm tác phẩm về một đề tài, đại học danh tiếng, người Mỹ gốc VN mới có cơ hội mở mang trí óc tò mò, tìm hiểu sâu xắc.

        Còn sự hiểu biết về chính trị, xã hội VN, của mấy ô/bà trí thức sống trong tháp ngà, là con trứng ngỗng.

      • nvtncs says:

        Ông NGÀN làm ơn cho biết vốn liếng trí thức của trí của ông là bao nhiêu, mà ăn nói bừa bãi như thế này!

      • Builan says:

        “DÂN ĐEN VÀ TRÍ THỨC”

        Dĩ nhiên là khác nhau một trời một vực ! Cào bằng hay “đào tận gốc trốc tận rễ” là ĐẠI HOẠ cho đất nườc và dân tộc ! Thế sự đã là nhãn tiên !!!
        Tuy nhiên phaỉ công bình trong nhận thức và ý thức

        - DÂN DEN mà biết dấn thân vì đại cuộc càng đáng dược TÔN VINH là TRÍ THỨC trùm chăng !
        - DÂN ĐEN nếu có phạm phai sai lầm xem ra dễ tha thứ hơn TRÍ THỨC
        - TRÍ THỨC mà hạ mình lom com điếu đóm .. cầu an hưởng thụ… đáng KHINH hơn là DÂN ĐEN cùng một thái độ, hành đông !
        Hàng trăm hàng ngàn những khác biệt như thế…. Cái ÁC, cái ĐIẾM, cái LƯU MANH, CÔN ĐỒ….. cụng thế !
        Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại phát biểu như vậy !!! Có lẽ là tôi tôn trọng nhưng không quá tôn sùng !

        Bởi vậy ngoài đầu óc nhận thức cao hơn ra, các giá trị khác chưa hẳn đã ai hơn ai.
        _ Thực chất nó là như vậy ! ĐÚNG thì tôi cho là ĐÚNG ! Cũng nên lờ đi – cho qua.. những cái sai ! Gọi là “Dĩ hoà vi qúy “

  9. Dao Cong Khai says:

    Bài viết quá tuyệt. Nhất là phần “GIẢI MÃ LÃNH TỤ”, nó nói lên chính xác những khát vọng tâm lý ngông cuồng và tàn bạo của Hồ.

    • Lâm Vũ says:

      Bài viết khá hay, nhất là đoạn “Giải mã lãnh tụ”. Nhưng chắc mấy cậu chăn bò chăn trâu ở ta viết còn hay hơn thế (sic)!

  10. triệt' gia says:

    Các ông Tiến sĩ, Thạc sĩ, triệt gia như Trần đức Thảo, Ng mạnh Tường ngủ mơ trên mây xanh, Cách mạng đâu có cần những mớ kiến thức viển vông trên mây xanh của các ông, người ta chỉ cần những thằng bần cố nông ba đời đi ở đợ để :
    -Xung phong vào đồn đánh tây, đánh Mỹ
    -Tiến lên xã hội chủ nghĩa bần cùng hóa nhân dân

    Các ông lại đòi đem mớ học thức học ở bên Tây về xây dựng xã hội chủ nghĩa thì quá ngây thơ chẳng biết tí gì về Cách mạng cả
    Các ông theo bọn hủi CS thân tàn ma dại, nó bắt đi chăn bò rồi bây giờ viết hồi ký kể lại những dại dột ngây thơ của mình để làm gì?
    Bọn CS thì người Việt nam đã biết tỏng ra rồi đâu cần các ông giảng bài

Leave a Reply to Thắc-Mắc