WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lê Hiếu Đằng: Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam

Lê Hiếu Đằng

Ông Lê Hiếu Đằng

Trong bài viết mang tựa đề đơn sơ là « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đăng trên mạng Bauxite ngày hôm nay 12/08/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng đã nói lên những trăn trở của mình về vấn đề đa nguyên đa đảng, về vấn đề độc lập, tự do dân chủ và hạnh phúc …

Bài viết trong những ngày thập tử nhất sinh tại bệnh viện của vị luật gia nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, lại mang đầy chất lửa, đầy tính chiến đấu. Đặc biệt ông đã mạnh dạn đặt vấn đề thành lập các đảng đối lập, chẳng hạn một đảng dân chủ xã hội, thay vì đảng Cộng sản độc quyền như hiện nay. Ông thách thức bất kỳ lãnh đạo nào trong bộ máy của đảng Cộng sản trả lời ông một cách công khai về vấn đề trên.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng hôm nay.

RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng, chúc mừng ông đã phục hồi được phần nào sức khỏe. Thưa ông, vì sao ông đã mạnh mẽ đặt lại vấn đề đa đảng tại Việt Nam?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Trong đề nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã nói về vấn đề này một cách tế nhị. Nhưng sau khi bản dự thảo được trình Quốc hội lần thứ tư – do quá tệ nên mới có phản ứng – cũng trong số 72 người thì có 40 người ký phản đối lại bản dự thảo đó, thì nói rõ về đa nguyên đa đảng.

Còn bài của tôi, tôi phân tích theo quan điểm Mác-Lênin thôi. Mình học abc chủ nghĩa Mác-Lênin thì cũng biết rồi : cơ sở hạ tầng quyết định thượng tầng kiến trúc. Cơ sở hạ tầng gồm năm thành phần kinh tế, nhiều giai cấp, nhưng thượng tầng kiến trúc chỉ có một thì sao ? Vô lý, cái này nó phản lại, dù cho chủ nghĩa Mác-Lênin bây giờ cũng đã lạc hậu về nhiều vấn đề rồi, người ta cũng từ bỏ rồi.

Nhưng nếu mà dựa vào thì rõ ràng mấy ổng nói lấy được, nói một cách không có lý luận gì. Thành ra tôi mới thách. Thách mấy vị, nhất là ông trưởng ban Tuyên huấn vừa là chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tranh luận công khai, một cách minh bạch. Đừng có chơi kiểu « bỏ bóng đá người ».

Thật ra đa nguyên đa đảng tất yếu phải đến thôi. Ngay tình hình Campuchia hay là Nga cũng vậy. Tất nhiên có một thời gian sẽ hơi lộn xộn, đó là cái giá phải trả. Nhưng mà sau đó sẽ ổn định, thành một nước dân chủ, thì như vậy sẽ tốt đẹp cho cả dân tộc. Đó là cái lối ra tôi cho là duy nhất của dân tộc, chứ không thể nào khác hết. Vì nếu mà không dân chủ, không thực hiện được chế độ dân chủ cộng hòa với tam quyền phân lập thì làm sao chống tham nhũng. Làm sao có được một Hiến pháp mới phù hợp với người dân, do dân quyết định.

Nói chung tất cả những vấn đề này là abc của thế giới rồi. Bởi vì thế giới người ta phải đấu tranh bằng máu và nước mắt thì mới làm nên bản Tuyên ngôn Nhân quyền, và nhiều vấn đề khác. Thành ra tôi thấy đây là tất yếu thôi.

Tôi nói công khai minh bạch, và hơn nữa vấn đề đa đảng đó là chủ trương của đảng Cộng sản thôi. Cho đến bây giờ tôi hỏi các luật sư và luật gia – bản thân tôi cũng là luật gia – thì tôi thấy là chưa có văn bản pháp lý nào cấm việc đa nguyên đa đảng cả. Mà theo nguyên tắc luật pháp, không cấm là người dân có quyền thực hiện.

Vì vậy tôi nghĩ cái việc, ví dụ thành lập một đảng dân chủ xã hội – sở dĩ tôi nêu vấn đề này, vì dân chủ xã hội bây giờ là khuynh hướng chung của các nước tiến bộ. Nó hạn chế những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Đây là khuynh hướng tiến bộ, do vậy nó có một hệ thống thế giới để hỗ trợ cho mình. Như vậy mình nên theo cái giòng đó.

Trong cuốn « Mao Trạch Đông ngàn năm công tội » ông đại tá nói thời kỳ Mao già rồi cũng nghiêng về khuynh hướng dân chủ xã hội của Đệ nhị Quốc tế, rồi bản thân ông cũng đề nghị như vậy.

Bây giờ nhiều nhân sĩ trí thức ở trong nước, cũng như ở nước Pháp nơi cô đang định cư, là cái nôi của yếu tố xã hội. Nhiều trí thức trước đây cũng có thời say mê chủ nghĩa cộng sản thì bây giờ người ta từ bỏ hết. Bây giờ người ta đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền và vấn đề môi trường, đó mới thực sự là cuộc đấu tranh vì con người và cho con người.

Do đó tôi nghĩ nên thành lập một cái đảng như vậy. Mà nó có điểm tích cực là trở thành một đảng đối lập, thành một kháng thể trong một cơ thể lành mạnh. Chứ nếu trong cơ thể mà không có kháng thể thì nó trở thành một con bệnh SIDA, khó mà giải quyết được, ngồi chờ chết thôi.

RFI : Dạ như vậy đảng Cộng sản sẽ phải chấp nhận cái thách thức là sẽ phải cạnh tranh với các đảng đối lập khác?

Đúng. Tức là đảng Cộng sản phải tự mình thấy rằng, nói thật, chưa có một thế lực chính trị nào lớn hơn đảng Cộng sản cả. Thành ra nếu anh tranh cử một cách bình đẳng, thì vẫn có thể thắng lớn trong các cuộc bầu cử. Bởi vì ở Campuchia, tuy bây giờ Sam Rainsy có nhích lên, nhưng mà không phải là đa số. Hay là ở (Việt Nam) mình chẳng hạn, tôi cho rằng vài ba chục năm nữa đảng Cộng sản vẫn là một thế lực chính trị lớn, không một lực lượng nào có thể tranh chấp được.

Nhưng mà những đảng nhỏ ra đời sau sẽ trở thành lực lượng đối lập. Đó là một sự kềm hãm, một cái thắng đối với đảng cầm quyền. Như vậy qua cuộc bầu cử bình đẳng mà nếu đảng Cộng sản thắng thì càng có uy tín – dân người ta ủy nhiệm cho anh như vậy. Chứ bây giờ nói là lịch sử thế này thế kia nên bây giờ dân ủy nhiệm, thì tôi cho là không đúng, mà phải nhìn thông qua một cuộc bầu cử bình đẳng, được quốc tế giám sát như đang rất phổ thông hiện nay.

Tôi nghĩ đó là xu thế phát triển tất yếu của loài người, và không thể đảo ngược được. Tôi chịu trách nhiệm khi phát biểu về những điều đó. Còn ai muốn làm gì tôi thì làm thôi ! Tôi sẵn sàng, không có vấn đề gì cả. Bởi vì mình ở tuổi này rồi, thì cái chết thật là hy sinh, phải có ý nghĩa ! Tôi nghĩ như vậy.

RFI: Ông có viết là nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi đảng, và đặt vấn đề tại sao không tuyên bố tập thể như vậy và thành lập một đảng mới. Điều này có vẻ là ảo tưởng trong xã hội Việt Nam hiện nay?

Không, qua tiếp xúc nhiều thì đây là ý tưởng của nhiều người. Có nhiều người cũng đến gặp tôi và chán nản đòi ra khỏi đảng. Hoặc là (giấy chuyển) sinh hoạt đảng thì đem về không đưa cho địa phương mà bỏ vào ngăn kéo, coi như không sinh hoạt đảng nữa. Như vậy tại sao khi vào đảng thì (công khai), bây giờ anh nên công khai, tuyên bố đàng hoàng vì sao tôi ra khỏi đảng.

Vì đảng này bây giờ họ đã phản bội lại những mục đích ban đầu về việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, thực hiện lý tưởng mà một thời trai trẻ mình đã đổ biết bao xương máu mới giành được. Bây giờ như vậy thì mình tuyên bố công khai ra khỏi đảng, chuyện đó cũng bình thường.

Mà không phải ảo tưởng đâu. Nếu cần thiết thì sẽ có nhiều đảng viên đồng tình với việc làm đó, nên tôi mới đề nghị như vậy. Và đã ra khỏi đảng thì phải thành lập một đảng mới. Tôi nghĩ đó là điều tất yếu.

RFI: Nhưng sau nhiều thập kỷ đã quen chấp hành lệnh trên, Việt Nam dường như đang thiếu vắng những khuôn mặt lãnh tụ xứng tầm?

Đúng. Nói chung là bây giờ đảng Cộng sản Việt Nam thiếu hẳn một lãnh tụ, hoặc là một vài người lãnh tụ có uy tín. Lãnh tụ là gì ? Thật ra đâu phải mình đòi hỏi gì cao. Vấn đề ở chỗ là phải đặt lợi ích đất nước, lợi ích Tổ quốc lên trên. Và nếu anh thể hiện được ý chí, nguyện vọng của quần chúng, thì lúc đó anh trở thành người lãnh đạo của dân, lãnh tụ của quần chúng.

Chứ bây giờ anh vì lợi ích gọi là « đảng còn thì ta còn », hay « chế độ còn thì ta còn », mà chẳng nghĩ gì tới tình hình đất nước…Thực tế bây giờ đảng và chủ nghĩa Mác-Lênin đang trở thành một sự ngăn trở.

Ví dụ ở Việt Nam đã gần bốn mươi năm thống nhất rồi. Lẽ ra với thời gian đó, nước người ta đã cất cánh từ lâu, công nghiệp phát triển rồi thế này thế kia…Nhưng bây giờ tình hình lại rất là bê bối.

Đường sá tai nạn giao thông liên tục, rồi đạo đức xuống cấp. Tôi thấy trong y tế, cái vụ xét nghiệm ở Hà Nội ghê gớm thật ! Nó xuống cấp đến độ như vậy. Rồi giáo dục cũng vậy, cứ lò mò mãi không thấy lổi ra. Có thể nói là xuống cấp một cách toàn diện, khủng hoảng toàn diện !

Còn tất nhiên khi chấp nhận kinh tế thị trường thì nó tự điều chỉnh và có phát triển một hướng nhất định. Nhất là khi phát triển nóng do đất đai, do nạn tham ô…đủ thứ chuyện, rồi chia phần lại cho những người khác, thì có một bộ phận dân cư khá lên. Nhưng đại bộ phận dân chúng nhất là công nhân và nông dân thì bây giờ vẫn sống rất là khổ sở.

Tất cả những cái đó tôi cho là trách nhiệm của chính quyền rất lớn. Anh gần như buông thả tất cả. Buông thả từ chỗ để cho Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông như vậy, rồi vào Việt Nam, các miền rừng núi, và ngay cả đồng bằng sông Cửu Long cũng là Trung Quốc.

Tôi nghĩ là hiểm họa bị xâm lược, tức là độc lập dân tộc bị đe dọa rất lớn. Những mục tiêu thời trai trẻ chúng tôi đấu tranh hiện nay đang bị phản bội lại. Do đó chúng tôi không thể nào ngồi yên để mà nhìn những gì mình đã đổ xương máu, đồng bào chiến sĩ mình đã đổ xương đổ máu… mà phải đứng lên đấu tranh để bảo vệ, bất chấp mọi hy sinh gian khổ.

RFI: Theo ông thì vì sao Việt Nam không có được bao nhiêu chính khách vừa có bản lĩnh vừa có tư cách?

Vì sao mà không có những chính khách, chính trị gia kiểu như (bà Aung San Suu Kyi) ở Miến Điện, hay là ông Mandela chẳng hạn? Một lãnh tụ của quần chúng, mấy chục năm tù tội, nhưng người ta chỉ làm một nhiệm kỳ, xong rồi giao cho người khác. Tôi nghĩ là do nền độc tài toàn trị nó ngăn cấm tất cả mọi cái, nhất là các quyền tự do. Vì vậy mà ai cũng sợ hãi cả.

Do đó bây giờ nếu có những chính sách thì tôi biết rằng ở miền Bắc cũng như miền Nam có những con người rất tâm huyết, có kiến thức. Họ thật sự là những chính khách, nhưng họ vẫn còn rụt rè thôi. Thành ra trong những bài nói, tôi bảo là không có gì mà rụt rè. Hãy dấn thân đi!

Trước đây có những vấn đề sống còn của đất nước, do tình hình thế giới và trong nước cũng vậy, mình nhận thức không đúng và mình ảo tưởng chạy theo chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Thế thì bây giờ tình hình thế giới và trong nước đã thay đổi. Bây giờ mình tự nhận thức lại hành động – hành động một cách cương quyết, chứ không thể cứ chần chừ.

Từ cái hành động đó thì sẽ xuất hiện những chính khách, những thủ lãnh chính trị. Tôi nghĩ là hoàn toàn có khả năng đó. Và những người này trong các cuộc bầu cử tự do họ sẽ được dân tín nhiệm. Đó là con đường phát triển của một xã hội dân chủ và tiến bộ.

RFI: Vừa ra khỏi một cơn bệnh nặng, nhưng những khát vọng của ông đối với đất nước không bị nguội lạnh mà chừng như lại cháy bỏng hơn. Ông có buồn lòng khi sau mỗi lần trả lời phỏng vấn, thỉnh thoảng lại có những lời bình chỉ trích khoảng thời gian hoạt động trước 1975 của ông cũng như bạn bè ông trong phong trào sinh viên thời đó?

Nằm trong bệnh viện, như đã trình bày trong bài, tôi đã suy nghĩ, đọc một số bài báo rồi các nhà văn, nhất là những nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu. Rồi qua chuyến đi của ông Chủ tịch nước Tư Sang, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tôi thấy có nhiều cái mình phải nói, và nói thẳng.

Để cho các vị – nếu dùng chữ mở mắt thì hơi quá – nhưng mà để cho các vị ý thức được nên chọn lựa con đường nào cho dân tộc, để làm cho đất nước phát triển chứ không thể cứ trì trệ mãi như thế này. Không thể vì đảng, vì chế độ mà để đất nước như thế. Thành ra cuối cùng tôi nói một số trải nghiệm của tôi, là để chứng tỏ rằng chế độ toàn trị người ta chỉ đặt đảng lên trên Tổ quốc và đất nước. Cách đặt vấn đề như vậy hoàn toàn không được.

Còn bây giờ có nhiều người cứ nói đúng sai trong quá khứ. Bây giờ tranh luận cái đó để làm gì? Trong khi phải đoàn kết lại với nhau, vì mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh – trong đó có vấn đề tự do. Các quyền tự do của công dân phải được khôi phục lại, chứ không thể nào bị tước đoạt.

Cần phải đoàn kết nhau lại, để từ chỗ nhận thức lại phải cùng nhau hành động, đấu tranh cho một đất nước Việt Nam như vậy mới là đúng. Chứ còn anh nói trước kia bên này đúng, bên kia là sai…có thể nói lúc đó một bộ phận loài người cũng đương có những cái ảo tưởng như vậy. Thành ra việc đó hãy để cho lịch sử phán xét, con cháu ngày sau sẽ phán xét. Cái gì đúng, sai thì những thế hệ sau sẽ nhận định. Còn bây giờ trước mắt phải cùng nhau đấu tranh để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

RFI: Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Thụy My (RFI)

175 Phản hồi cho “Lê Hiếu Đằng: Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam”

  1. Bùi Văn Chín says:

    Có một cái cộng đồng bé xíu mà lúc nào cũng loạn cả lên,chửi nhau suốt ngày,còn động một tý là biểu tình,Mỹ nó ép cho thì không giám mở miệng,cảnh sát bắn chết thì cũng chẳng giám ho he,đúng là nhục,phải ở VN thì chắc lại rùm beng lên rồi,bọn này phải nói là bọn rối loạn cộng đồng,quê hương là nơi trở che mìnhlúc nào cũng giang tay chờ đón thì lúc nào cũng chửi bới,xâu xé,phá hoại,làm khổ nhân dân,âu cũng là quả báo.

    • Tien Ngu says:

      Anh cò này chắc nà…chệt communist, giả dạng thường dân VN?
      Tiếng Việt viết chưa rành, nhào vô…chọt, bề mánh hết sao cha?

      Ráng canh me, kiếm em mỹ gốc Tàu nào…về thăm quê hương, tìm cách đá gà, hoặc may được em vớt qua Mỹ, cho biết cái xứ Mỹ ra sao với người ta. Nghe ba cái báo lề phải chúng nó hát sao, rồi tưỡng tượng…y như thiệt, hát tỉnh rụi.

      Nghe lời anh đi, kệ nó, xấu xấu cũng được, miễn em nó chịu…vớt, là kể như ăn tiền được 50% rồi. Duyên trời nhờ bác phù hộ, được qua Mỹ nghí ngố, lúc ấy có hát sảng, cũng…đở tủi, không bị thiên hạ cười…rẹt rẹt…

      Thấy thương quá…

    • Hòa says:

      1. Có một cái cộng đồng nhỏ xíu mà họ loan lên vì họ thực hiện chủ nghĩa tự do phát biểu ý kiến của họ về VN thế nầy thế kia đấy. Chớ như ở VN cái xã hội lớn, 87 triều người, thì ngoài tranh nhau cướp đất, làm ăn gian dối, chẳng ai dám bình luận thế nầy thế kia để bảo vệ lãnh tổ lãnh hải VN, hay làm thế nào để gái Hà Nội không còn vượt biên làm đĩ cho khựa nữa. Vậy chẳng phải dân Việt trong nước dưới thời csvn giá trị thua súc vật hay sao?
      2. Mỹ nó ép người Việt gì thế? Chẳng cho đảng csvn mua vũ khi sát thương hạng nặng? hay tang thuế tôm VN nhập khẩu?
      Ối giời, những gì Mỹ ép đảng csvn thì NV tại Mỹ càng khoái chí càng hoan nghênh chớ sao lại chống? Đâu có ai ngu làm chó cộng như cán bộ đảng csvn đâu nào?
      3. Mỹ bắn chết chẳng dám ho he? Ai thế? Phải cô Bích Câu gì đấy ở Cali không? Được Mỹ đền mạng vài ba triệu đô đây, it ỏi gì mà biểu tình ho he???
      4. Quê hương là nơi che chở giang tay chào đón mình? Quê hương nào thế? Việt Nam thời csvn bị đảng bịt mồm rồi cùm chân tay rồi, đâu thể lên tiếng che chở con dân VN gì đâu nè. Vì thế, NV lớp bỏ chạy khỏi bọn csvn dưới danh tị nạn, lớp còn lại là thanh niên thiếu nữ dân cộng csvn hẳn hoi cũng tìm mọi cách xuất ngoại dù chỉ làm đĩ điếm lao nô cho ngoại bang như Nam Hàn, Đài, Mã, Sing, Bunei, Quatar họ cũng thấy vẻ vang hơn là công dân của đảng csvn mà giá trị thua súc vật. Biết bao NV chỉ muốn bỏ chạy khỏi VN thời csvn nếu được mà thôi. Rõ rồi nhá. Chính vì đảng csvn làm quê hương trở nên điêu tàn, đau khổ, nên họ đã bỏ quê hương đi vì đảng csvn mà thôi. Ngày nào đảng bị dân lật đổ thì sẽ có NV năm châu 4 bể về lại quê hương ăn mừng. Đó cũng là quả báo của đảng csvn vì bị đồng chũng khinh bỉ chẳng muốn nhìn còn hơn hủi. Là vậy đó.

Phản hồi