WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cô đơn

codon

Sáng sớm hôm sau, họ hàng bên nội, bên ngoại, những người xa lơ xa lắc, bốn năm năm nay không gặp nhau cũng kéo đến để đưa người bà con đến nơi an nghỉ cuối cùng. Dịp ma chay là cơ hội để họ hàng đoàn tụ trong giây lát, dù lúc sống thì lạnh nhạt, có khi cả năm, cả đời không gặp được nhau, nhưng lúc ra đi cũng bớt chút thời giờ để tiễn đưa nhau, sau đó mỗi người một phương cho đến dịp tang lễ khác may ra gặp lại.

Gần tám giờ, ông đại đức và các vị tăng ni hành lễ tụng niệm cúng cơm, tiếng mõ tiếng kinh buồn mênh mang vô tả. Ánh nắng đã lên cao, trẻ con và những người hiếu kỳ kéo nhau đến đứng đầy trước cửa. Bọn phu nhà đòn chờ lúc tiếng kinh kệ vừa dứt, vội tháo bốn ngọn đèn, đem dây chão, đòn… chuẩn bị khiêng hòm ra, họ nói với các nhà sư.

- Xin lỗi thầy! Vì sợ trễ, nên chúng con phải di quan bây giờ.

Hòa và người anh trong bộ áo sô trắng chống gậy đi giật lùi trước quan tài, tay chàng cầm ảnh bà mẹï, người ta nói “cha đưa, mẹ đón”. Xưa kia đám ma ông cụ, anh chống gậy đi theo sau, và bây giờ đám tang mẹ, anh lại chống gậy đi giật lùi về phía trước.
Ông tổ trưởng dân phố nắm cánh tay Hòa dẫn đi cho khỏi ngã.

Tiếng kèn trống, tiếng nhị nỉ non nổi lên hòa cùng tiếng khóc của con cháu, của bà con trong họ thật ai oán não nùng, trên quan tài có treo một chiếc gậy của người con trai vắng mặt hiện ở bên kia bờ đại dương.

Ra đến đường lộ, bọn phu nhà đòn khiêng hòm lên xe, bà con hàng xóm cũng leo lên hai xe “ca” rất rộng, đám tang trung bình, không đông lắm.

Chừng một tiếng sau, xe đã tới một nghĩa trang mới lập ở ngoại ô thành phố. Sau vài khúc đường ngoằn ngoèo, chiếc xe đỗ lại bên trong cổng, người ta khiêng quan tài đến chỗ bàn thờ để hành lễ, ông đại đức lớn tiếng gọi.

- Hai ông hiếu tử đâu rồi! Lại đây nào. Hòa và người anh bèn chạy lại ngay. Tiếng chuông mõ, kinh kệ ê a buồn rười rượi lại nổi lên thay thế tiếng kèn, tiếng nhị của phường bát âm. Hòa chống gậy cúi đầu, chàng thấy mệt nhừ tử vì thức trắng mấy đêm qua, tai nghe thoang thoảng tiếng tụng niệm của nhà sư.

Lễ lạc xong, quan tài được khiêng đến miệng huyệt. Khi ấy con cháu, nhất là đàn bà con gái, ùa tới khóc lóc bi ai thảm thiết, vì trong giây lát thi thể của bà cụ sẽ được hạ huyệt chôn sâu lòng đất, nghìn thu vĩnh biệt, lúc sinh ly tử biệt, chẳng ai mà tránh khỏi cái cảm giác lâm li, bi thiết ấy.

Áo quan được từ từ hạ xuống, mấy người nhà đòn hò hét, họ bảo nhau thận trọng đề phòng tai nạn vì quan tài làm bằng gỗ dầy nặng lắm. Khi ấy con cháu kéo nhau đến miệng huyệt, ai nấy đầu tóc rũ rượi, khóc than inh ỏi át cả tiếng nói của bọn nhà đòn. Mấy người này hạ hòm xong vội rút đòn, rút dây và lấy xẻng cuốc xúc đất tới tấp như sợ bọn con cháu cản trở việc làm của họ.
Chẳng bao lâu, huyệt đã được lấp đầy, mộ được đắp cao, con cháu đi theo sau thầy cúng lòng vòng quanh mộ, ông thầy vừa gõ xùng xèng vừa lâm râm cúng bái.

Ánh nắng đã lên cao, gay gắt, Hòa thấy nhức đầu, hoa mắt. Mấy hôm nay vì thức đêm và cũng vì xúc động, chàng thấy người mệt mỏi như dần. Biết rằng già ai cũng phải chết, nhưng phút sinh ly tử biệt đã làm anh không khỏi bùi ngùi chua xót.

Mọi việc hoàn tất xong xuôi, tiếng khóc tiếng than đã im bặt từ lâu, bà con họ hàng trò truyện hỏi thăm rồi rủ nhau ra về. Hòa thẫn thờ leo lên xe chẳng ngó đến ai, y như người đãng trí.

Ðến đầu ngõ, phường kèn lại cùng gióng trống thổi kèn hòa tấu để rước cụ về nhà. Hòa ôm ảnh mẹ đi trước tai nghe thấy chị Kính, người hàng xóm nói với bạn.

- Thôi, chết mà còn thấy mặt con như thế cũng được rồi!

Ðó là một lời an ủi, có lẽ chị ta muốn nói cho Hoà nghe thấy, để biết rằng, nhờ ơn Trời Phật, chàng đã được về, được gặp lại bà mẹ già trước khi vĩnh biệt, nhưng lời an ủi chỉ làm cho anh thêm tủi hận.

Về nhà, gia đình họ hàng sum vầy ăn cỗ, ông thầy cúng lại khua chiêng leng keng cầu khấn một hồi nữa thật thảm sầu.

- Bây giờ tôi lại xin mời các cô yếm thắm quần hồng, vòng vàng xuyến bạc về đây sum vầy yến tiệc… Tôi lại xin mời các cụ, các ông, các bà…

Ông ta khấn nguyện bà con họ hàng dưới cõi âm về dự bữa cơm gia đình thân mật. Ðến chiều hôm ấy, cúng bái cầu siêu đã hết, bà con họ hàng đều đã ra về, gia đình thu dọn bàn ghế, đồ đạc rồi đi nghỉ, ai nấy mệt nhoài vì mấy ngày đêm thao thức.
Hòa mệt lử nằm ngay đơ trên giường nghỉ cho giãn gân giãn cốt.

* * *

Tiếng lịch kịch của gia đình cô em làm Hòa tỉnh giấc, họ thu xếp hành lý. Vợ chồng con cái chuẩn bị kéo nhau về tỉnh khi tang lễ đã xong.

Anh ngước mắt nhìn xuống chân giường, ánh nắng xiên từ cửa sau vào chiếu trên đồ đạc trong nhà, chàng nhìn ra cái bàn, cái ghế, đôi giầy, cái quạt điện… và bắt đầu tỉnh giấc. Gia đình cô em vừa nói chuyện vừa xách đồ đi ra cửa, hai đứa cháu khoanh tay chào bác rồi vội chạy theo bố mẹ.

Nhà chỉ còn lại có vài người, chị Ba mở rương quần áo của mẹ xếp từng cái một, nước mắt chảy ròng ròng trên gò má, chị vừa xếp đồ vừa nói cho mọi người cùng nghe.

- Hừ! Rồi mình cũng phải qua con đường ấy thôi! Ai cũng thế, mai kia thì mình cũng đi qua bước đường ấy.

Tiếng nói pha nước mắt của chị khiến Hòa có cảm tưởng như trời đất bỗng tối sầm lại. Một mối u sầu bỗng dâng lên tràn ngập cả tâm hồn, chàng tưởng như mình đang khô héo từng khúc ruột.

Thấm thoắt mấy tháng đã trôi qua, Hòa được thả về từ trại tù cải tạo, cái ngày mà anh và gia đình mong đợi từ sáu năm qua. Chàng nhớ lại hôm đọc danh sách long trọng như ngày lễ đăng quang. Hôm ấy hàng nghìn người tù cải tạo đứng nghe cán bộ đọc tên những người trúng số, họ thèm thuồng và mừng rỡ cho những anh chàng diễm phúc.

Rồi Hòa được thấy xã hội miền Nam dưới chế độ độc tài hà khắc. Tất cả hiện ra dưới mắt anh y như một cuốn phim cũ được đem ra chiếu lại, nó giống như gợi giấc mơ xưa. Bà mẹ lâm bệnh ngặt nghèo và qua đời, đám tang trịnh trọng và bi thảm… Tất cả lại hiện ra y như một cơn ác mộng, nó dầy vò dằn vặt, xâu xé nội tâm chàng.

Hồi bà cụï mới ngả bệnh, Hòa mong cho bà sớm hồi phục vì mới được thả về, vừa gặp lại mẹ già, anh chỉ mong được sum họp với bà cụ lâu dài hơn trong những ngày xế chiều của cụ. Thế nhưng, khi cơn bệnh của mẹ kéo dài, bà đau đớn, hấp hối trước sự bó tay của thầy thuốc, của gia đình, Hòa đôi lúc lại mong cho cụ sớm ra đi để thoát sự đau đớn của cơn bệnh ung thư quái ác. Vả lại, nếu cụ cứ đau liệt giường hết năm này sang năm khác như mẹ anh Cường thì vừa khổ người bệnh, lại vừa trở ngại sự ra đi của chàng, vì chẳng lẽ lại bỏ mẹ già ở lại để ra đi cho thoát thân mình.

Hồi bà đau nặng, một người bạn cũ đến rủ Hòa tham gia một chuyến đi, anh từ chối ngay.

- Cho đi không tôi cũng không đi được, mẹ tôi đau nặng chẳng lẽ bỏ lại mà đi.

Khi bệnh viện cho bà cụ về nhà, bác sĩ bảo không hy vọng gì chữa được nữa, anh chị em tỏ vẻ lo âu, Hòa lại nói một câu vô tình.

- Già thì ai cũng phải chết!

Hôm ấy cô em bèn lườm nhẹ anh một cái ra chiều trách móc, vì dầu sao không thể nói về mẹ mình một câu khách quan lạnh lùng như thế.

Chiều hôm chôn cất mẹ xong, Hòa nói với anh em về các bác sĩ.

- Mấy cha này chữa bệnh cho người ta cũng y như sửa cái xe đạp chứ có gì, chữa không được, nó bỏ sang chữa cái khác, mẹ mình thì mình thương, mẹ nó đâu mà nó thương.

Anh chị em đã ra sức chạy chữa vào giờ chót, khi không thấy hy vọng gì mấy, Hòa lại có ý khuyên gia đình thôi đừng theo đuổi việc thuốc thang vì nó tốn kém vô ích, còn phải lo cho người sống, lời khuyên thực tế của anh khiến chị Ba ra vẻ không vui bảo.
- Nói vậy phải tội chết, mình là duy tâm đâu có phải vô thần.

Bây giờ nằm sõng sượt trên giường, nhớ lại tâm tư của mình vào những giây phút cuối cùng của bà mẹ già, Hòa thoáng thấy một sự áy náy nhẹ nhàng, một niềm ân hận khó tả nổi lên giữa cơn sầu não mênh mang này.

Vợ chồng con cái cô em vừa đi khỏi, con cháu trong nhà đã đi làm đi học cả rồi, chỉ còn lại vài người lớn. Hòa vừa đứng dậy thì thấy hoa đóm đóm mắt, nước mũi chảy ròng ròng, nhìn ra trước sân chàng thấy trời đất vàng khè, bấy giờ mới biết mình đã bị cảm nặng. Phần vì thức mấy đêm liên tiếp, vì chạy đi đây, đi đó lo cho đám ma và nhất là phơi nắng dưới ánh mặt trời nóng bỏng hôm hạ huyệt, Hoà đã bị nhiễm bệnh, sự thực xác chết cũng toát ra khí lạnh gây bệnh cho những người yếu sức như chàng.

Hòa vào nhà tắm lau mặt, thay quần áo, đánh răng rồi lên nhà trên lấy mấy viên thuốc cảm bỏ vào miệng và uống một ly nước đầy. Cơn nhức đầu đã thuyên giảm, không còn ngạt mũi, nhưng tự nhiên một nỗi buồn mênh mang, ngao ngán nổi lên mãnh liệt, khiến Hòa chán chường khôn tả. Mới hôm qua, căn phòng này đầy ắp những người, những tiếng khóc than, những tiếng chuyện trò náo nhiệt, nay bỗng nhiên quang cảnh lại hoang vắng như một bãi tha ma. Tiếng khóc than ầm ĩ của chị em chàng lúc nhập quan và lúc di quan như vẫn còn văng vẳng bên tai.

- Mẹ ơi! Mẹ bỏ chúng con rồi!

Tất cả nay đã trở thành quá khứ, giờ đây, một mình anh bệnh hoạn ngồi trong phòng khách đang nhìn ra ngoài ngõ, nhìn nắng vàng đang lên và hồi tưởng lại cảnh bể dâu từ ngày mình được thả về cho đến đám tang não nùng thấm thía hôm qua.

Vợ chồng cô em đã lên đường về tỉnh, các anh chị, người thì đi chợ, người ra phố, chỉ còn một mình chàng ngồi nhìn ra ngõ. Trẻ nít vô tư nô đùa trước nhà, ngoài ngõ. Ðối với gia đình Hoà, tang lễ vừa qua là một vết thương đau đớn như xé ruột gan, nhưng với hàng xóm, những kẻ bàng quang thì đó chỉ là một đám ma như trăm nghìn đám ma khác.

Hòa nhớ lại hồi đi tù cải tạo được hơn một năm, anh nhận được thư gia đình cho biết mẹ bị đau nặng phải nằm nhà thương, hồi ấy cụ đau buồn vì con trai bị giam giữ lâu dài và cũng vì tuổi già nên đã sinh bệnh hoạn. Thế rồi mòn mỏi trông đợi con về hết năm này sang năm khác, bà cụ đã tái phát cơn đau bốn năm lần, cụ thường gọi tên con mỗi khi cơn đau dằn vặt.

- Sao nó học tập gì mà lâu quá vậy à?

Vì chàng mà cụ lo âu, sinh bệnh và nhắm mắt qua đời sau bao nhiêu ưu tư mong mỏi chồng chất. Từ ngày Cộng Sản tràn vào chiếm đóng miền Nam, Hòa đã khăn gói lên đường vào trại giam để đóng vai người tù, rồi lại đóng vai người hiếu tử khăn sô chống gậy bên cạnh quan tài và còn bao nhiêu vai khác nữa.

Tất cả quá khứ lại hiện ra trong ký ức anh y như một cuốn phim vừa được đem ra chiếu lại, một cuốn phim bi thảm đầy nước mắt. Khác với người phụ nữ thường rơi lụy khóc lóc nỉ non trước những cơn đau buồn da diết, Hòa chỉ âm thầm cúi mặt lau vài giọt lệ mặc dù trong lòng chàng là cả một cơn giông tố phũ phàng.

Bà con họ hàng, lối xóm đến phúng điếu, đưa ma đều đã bỏ ra đi, ai về nhà ấy và bây giờ chỉ còn một mình chàng với nỗi đau nội tâm đang dằn vặt. Ngõ xóm dưới ánh nắng vàng vẫn sinh hoạt vui vẻ như mọi hôm, ấy thế mà Hòa lại thấy lòng mình cô đơn trống trải y như một bãi sa mạc rộng mênh mông. Chàng thấy lòng mình hoang vắng lạ thường, từ thủa bé đến nay, chưa bao giờ anh lại thấy mình cô đơn, trơ trọi giữa xã hội, giữa chợ đời như thế này.

(Trích trong Ðất Hứa, truyện dài 250 trang, xuất bản 2008, đã phát hành tại hải ngoại)

© Trọng Ðạt

© Đàn Chim Việt

Phản hồi