Nghề đan bán thúng rong
■ “Tre ngâm thì bền nhưng thối, xử lý mùi xong thì chẻ rồi đan”
Thủy, 23 tuổi, người Quảng Xương, Thanh Hóa, vào Nam bán thúng, mủng, nong, nia, mẹt bằng tre đã gần 5 năm nay, kể: “Tụi em rày đây mai đó, cứ một chiếc xe đạp, một mớ hàng trên xe và đạp dạo khắp thành phố để kiếm ăn qua ngày”.
“Những món hàng này em tự đan hết, em vốn con nhà nông, xong mùa thì đi mua tre về ngâm bùn, lại vớt tre ngâm mùa trước lên phơi sạch sẽ, xử lý mùi, tre ngâm độ bền cao nhưng có mùi thối rất khó chịu, xử lý mùi xong lại chẻ và đan. Nói chung là nghề này có thể một vốn bốn lãi, nhưng tiền còn sót lại trong túi khi về quê thì chỉ đắp đổi qua ngày”.
“Trung bình, một chiếc xe chở đầy các món hàng tre của em, bán hết kiếm cũng được hai triệu đến hai triệu rưỡi đồng. Mỗi chuyến đi em mang theo chừng 3 xe như vậy, vào thành phố thuê phòng trọ, cất hàng, rồi bắt đầu đạp xe đi bán dạo”.
“Trung bình mỗi ngày bán được từ 40 đến 100 ngàn đồng, có ngày bán vài trăm ngàn, bán càng nhanh thì tiền lãi hy vọng càng nhiều. Nói thì vậy chứ nhiều gì đi nữa cũng không quá ba triệu đồng cho một tháng bôn ba bán hàng và gần một tháng ngồi đan muốn còng cả lưng. Nhưng mình có cái nghề, không làm thì đói, phải ráng thôi!”.
■ “Nhà nước nhảy vào thành lập làng nghề để ăn tiền dự án”
Nghề đan thúng, mủng, nong, nia, sàn, dừng, làn tre… bây giờ ít ai làm, vì nó không có thu nhập thỏa đáng, hơn nữa vừa vất vả lại vừa tỉ mẫn từng chi tiết.
Anh Lê Phước Hùng, một người bán hàng tre giống như Thủy, cho biết: “Làng mình là làng đan tre truyền thống nhiều đời nay rồi, trước đây dễ thở vì người ta dùng mặt hàng tre nhiều, bây giờ khó sống lắm, vì hễ làng nào có nghề truyền thống là nhà nước nhảy tõm vào, thành lập làng nghề, làm qua loa lấy lệ để ăn tiền dự án, người dân thì đua nhau làm, cuối cùng hàng tồn đọng, đói cả đám!”.
“Cả làng đều làm ruộng, cứ đến mùa rảnh rỗi, lúa bắt đầu lên xanh thì rủ nhau đan các mặt hàng, rồi lại rủ nhau thuê xe chung chở vào Nam cho đỡ tốn tiền, xong lại rủ nhau tìm xóm trọ rẻ tiền mà gần nhau để có chuyện chi còn đỡ đần nhau. Cứ như thế, đi bán dạo khắp thành phố, kiếm cơm qua ngày thôi. Thức khuya dậy sớm…”.
“Như cái Thủy nó nói là kiếm mỗi ngày trung bình từ bốn chục đến một trăm ngàn là chính xác, nhưng là cả vốn lẫn lãi. Chứ lãi ròng mang về thì chỉ có 30% số tiền đó thôi. Còn muốn bán nhanh, kiếm được nhiều tiền thì phải đi bán ban đêm, lúc đó các bà nội trợ rảnh rỗi, họ mới mua, có nhiều bữa mình bán tới mười một giờ đêm, về nhà trọ thì chủ đã khóa cổng, nằm ngủ hiên luôn. Mà có ngủ được đâu, vì sợ trộm nó khoén hết tiền thì xem như đi toi, thức trắng đêm, ngủ gà ngủ gật…”.
■ “Nhà nào có cán bộ thì sướng, em dân đen không làm thêm thì đói”
Cùng đi bán hàng tre đan như Thủy và anh Nguyễn Phước Hùng, em Lê Diện, năm nay 20 tuổi nhưng nhìn vào gương mặt của em, không ai dám tin là em dưới 30 tuổi, Diện kể: “Làng em nghèo, không làm thêm thì chỉ có đói thôi, nhà nào có cán bộ thì nhà đó sướng, mình dân đen, như em nè, phải nuôi hai đứa em ăn học, cha mẹ già yếu, bệnh tật, mình không thức khuya dậy sớm, không làm thêm như thế này thì đói cả nhà!”.
“Trong lúc em đi bán hàng ở thành phố, cha mẹ và các em của em phải ở nhà vừa chăm ruộng vừa nuôi heo, đứa em nhỏ đi hái bèo, đứa lớn đi bắt ốc để tăng gia sản xuất. Nhiều bữa em ngồi ăn bát bún bò, nhìn những đứa trẻ bằng tuổi em mình theo cha mẹ đi chơi, em ứa nước mắt, vì hai đứa em của em chưa biết vị bún bò là gì, mà có khi cha mẹ em cũng chưa từng nếm đến món này, với người nghèo quê em, món này quá sang và xa xỉ…!”.
Hồng Hạc, Lao Động Việt