WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thoát Trung: Đầu thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21

Đoàn Viết Hoạt

Truong thi Nam Dinh Nham Ty 1912Loạt bài “Tư Tưởng Chính Trị” do tôi và LS Trần Thanh Hiệp biên soạn có một mục đích thực tiễn: đó là rút tỉa ra các bài học và kinh nghiệm chính trị thế giới và Việt Nam để vận dụng vào việc định hình, định tính chế độ chính trị Việt Nam hậu CS. Riêng trong phần tư tưởng chính trị Việt Nam, tôi đang phân tích giai đoạn đầu Pháp thuộc, đầu thế kỷ 20, khi mà chính quyền thực dân Pháp đã chiếm toàn bộ Việt Nam, và bắt đầu chương trình khai thác Việt Nam về mặt kinh tế thương mại, và Pháp hóa về mặt văn hóa tư tưởng. Việt Nam được thoát Trung vào thời kỳ này nhưng không do sĩ phu và triều đình Việt chủ động mà do chính quyền thực dân muốn Pháp hóa nước ta. Hiện nay thoát Trung lại đang trở thành vấn đề thời sự. Lịch sử dường như đang quay lại. Trong bài này tôi muốn tập trung phân tích công việc Pháp hóa của chính quyền thực dân tại Việt Nam đầu thế kỷ 20 và phản ứng của giới trí thức Việt Nam, trong bối cảnh Hán học đang suy tàn và Pháp học mới bắt đầu.

Thực ra không phải đợi đến khi Pháp thuộc nền Hán học mới suy tàn. Người Pháp chỉ đưa ra những quyết định để chấm dứt một nền giáo dục đã không còn thích hợp, một quyết định mà triều đình nhà Nguyễn đã không thể làm được dù muốn. Có thể lý do chỉ đơn giản là không biết phải canh cải hay thay thế Hán học như thế nào và bằng một nền văn hóa tư tưởng và giáo dục nào. Ngay từ giữa thế kỷ 18, theo Đào Duy Anh, học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) đã cho rằng hệ thống giáo dục và thi cử Hán học đã bắt đầu suy thoái từ cuối thế kỷ 15 và đến đầu thế kỷ 16 thì Lê Quy Đôn cho rằng nó đã thật sự suy thoái rồi. Trong thực tế, năm 1750, vì loạn lạc, ngân sách thiếu, vua Lê Hiển Tông đã cho phép bất cứ ai đóng 3 quan tiền đều được dự các kỳ thi cống sinh mà không phải vượt qua kỳ thi trắc nghiệm.

Đến đầu thế kỷ 20, trong khi chính quyền thực dân Pháp đã đưa ra chương trình giáo dục mới, mở một số trường tây học, triều đình mới cải tổ chương trình thi cử Hán học. Ngày 31 tháng 5 năm 1906, triều đình ban hành Đạo Dụ cải cách thi cử, theo đó trong hai kỳ thi Hương và thi Hội đều có thi chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Pháp ngữ trước còn là môn tự chọn, sau trở thành bắt buộc. Riêng trong kỳ thi Hội, phần Quốc ngữ, ngoài bài luận văn, còn có bài viết hỏi về địa dư, khoa học thường thức và toán pháp, trình độ lúc đó tất nhiên còn sơ khai. Chương trình thi cử Hán học cải cách này cũng chỉ tồn tại cho đến năm 1915 tại Bắc Kỳ và 1919 tại Trung kỳ, vì sau những năm này các kỳ thi Hán học bị chính quyền thực dân Pháp bắt triều đình bãi bỏ để thay thế hoàn toàn bằng nền Tây học.

Thực ra những cải cách Hán học này được đưa ra quá trễ. Tây học đã phát triển hơn 30 năm tại Nam kỳ, sau khi các kỳ thi Hán học bị bãi bỏ ngay từ năm 1864. Kể từ đó ít nhất 3 thế hệ thanh niên Việt đã ra đời tại Nam kỳ, chịu ảnh hưởng của nền tân học. Quốc ngữ và Pháp ngữ đã phát triển, cùng với bốn hệ thống văn hóa-tư tưởng mới là các trường tân học, báo chí quốc ngữ, các sách dịch thuật tư tưởng tây phương, và hệ thống nhà in, nhà xuất bản. Vào đầu thế kỷ 20, một lớp trí thức tân học đã ra đời tại Nam Kỳ. Tại Trung kỳ và Bắc kỳ, những nhà Hán học cuối cùng còn tồn tại song song với lớp học sinh tây học.

Trường tây học đầu tiên được mở tại Hà Nội năm 1885, ngay sau khi triều đình ký hòa ước Giáp Thân 1884, chấp nhận nền cai trị của người Pháp trên toàn cõi Việt Nam. Một năm sau đó, 1886, trường thông ngôn được mở ra. Đến năm 1890 đã có 140 trường tân học được thiết lập tại Bắc Kỳ, phần lớn tại Hà Nội và các thành phố lớn. Chính quyền thực dân còn lập trường Hậu Bổ tại Bắc Kỳ năm 1889 và Trung Kỳ năm 1911 để đào tạo công chức cho các công sở Pháp. Năm 1900, Pháp mở một số trường Pháp-Việt lúc đó chỉ nhằm đào tạo “thư ký và thông dịch viên”. Chính quyền thực dân cũng cho mở một số trường dạy nghề. Trường Canh nông được mở tại Huế năm 1898, và trường kỹ thuật năm 1899 tại Hà Nội.

Tất cả những trường tân học này được mở ra chỉ nhằm đào tạo nhân viên phục vụ cho việc cai trị của chính quyền thực dân. Số lượng trường vừa ít, chất lượng lại quá thấp, giảng viên phần lớn là những người thông ngôn, nhiều trường không có đủ học sinh theo học. Hán học thì đã hoàn toàn bị bãi bỏ tại Nam kỳ từ năm 1864, còn tại Trung và Bắc kỳ không được chính quyền thực dân khuyến khích và hỗ trợ. Ngay cả một vài cơ sở khoa học có chất lượng như trường Viễn Đông Bác Cổ, thành lập năm 1898, lúc đầu cũng nhằm nghiên cứu, tìm hiểu Việt Nam và Đông dương, phục vụ cho chính sách thực dân của Pháp.

Do đó, vào đầu thế kỷ 20, một khoảng trống văn hóa giáo dục tồn tại ở Bắc và Trung kỳ, nhất là tại Bắc Hà, trung tâm văn hiến cổ truyền của Việt Nam. Trong khi đó tại Nam kỳ, vào đầu thế kỷ 20, nền tây học đã ổn định và tiếp tục phát triển, đi trước Bắc và Trung kỳ nhiều thập kỷ. Đặc điểm văn hóa tư tưởng và cả sinh hoạt xã hội-chính trị này của Nam Kỳ cần được lưu ý vì nó sẽ ảnh hưởng đến những biến chuyển chính trị của miền Nam Việt Nam từ đó đến nay.

Nền tân học tại Đông dương và Bắc-Trung kỳ Việt Nam chỉ thực sự được quan tâm khi Tổng thống Pháp ký nghị định năm 1905, thành lập chức Tổng Giám Đốc Giáo Dục Đông Dương, và khi Toàn quyền Đông dương lập ra Hội Đồng Cải cách Giáo dục Địa phương năm 1906. Chính quyền thực dân phải quan tâm đến cải cách giáo dục vì chính giới sĩ phu Bắc và Trung kỳ đã chủ động tiến hành các cuộc vận động canh tân đất nước sau khi họ thấy rõ không thể trông đợi ở triều đình và ở người Pháp.

Chúng ta nhớ lại sự kiện hai sĩ phu yêu nước Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã vào thăm Đề Thám trong thời gian Đề Thám giảng hòa lần thứ hai với thực dân Pháp (1897-1909). Ngay sau đó không bao lâu thì lực lượng Đề Thám tan rã. Hai nhà chí sĩ họ Phan chắc đã thấy rõ những cuộc kháng chiến chống Pháp kiểu Phan Đình Phùng, Đề Thám không còn thích hợp và không thể thành công. Họ đã chủ động tìm những phương thức khác để dành lại độc lập nhưng với hai hướng khác nhau. Phan Bội Châu tìm đến Nhật Bản trước, sau đó đến phong trào cách mạng mới tại Trung Hoa. Phan Chu Trinh thì dứt khoát thoát Á, dùng tân học để mở mang dân trí, nâng cao dân khí, đòi dân quyền trước khi giành lại độc lập chính trị cho nước nhà. Chúng ta sẽ trở lại hai đường lối này, cũng như về con đường độc lập dân tộc trong những bài sau.

Việt Nam khác Trung Hoa và Nhật Bản vì không kịp thời chủ động thay đổi để đối phó với Tây phương nên đã mất nước, và do đó lại chỉ thoát Trung và thoát Á dưới áp lực của Pháp thuộc. Nhật bản đi trước Trung hoa trong chính sách dứt khoát thoát Á, học hỏi và vận dụng kiến thức và khoa học kỹ thuật của Tây phương để nhanh chóng canh tân đất nước. Fukuzawa Yukichi (1835-1901), tư tưởng gia chính trị lỗi lạc của Nhật Bản, từ giữa thế kỷ 19 đã đưa ra thuyết “Thoát Á”, và nhờ đó mà Nhật bản đã nhanh chóng đuổi kịp các nước phương Tây và vẫn giữ được bản sắc độc lập của mình.

Trung Hoa cũng chủ động được cuộc canh tân xứ sở dù chậm hơn Nhật bản và không thành công được như Nhật bản vì tranh chấp quốc-cộng. Những cuộc thất trận trong chiến tranh nha phiến với Tây phương và chiến tranh Trung-Nhật đã đánh thức giới sĩ phu và quan lại yêu nước đứng lên làm cuộc cách mạng dân chủ để canh tân đất nước. Một nước Trung Hoa Dân quốc ra đời sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 đã xóa bỏ hẳn chế độ quân chủ.

Cuộc vận động chính trị của giới sĩ phu Trung Hoa ảnh hưởng trực tiếp đến sĩ phu yêu nước Việt Nam, nhất là tại Bắc kỳ. Tôn Dật Tiên, người lập thuyết Tam Dân, thủ lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa, và sáng lập ra Trung Hoa Dân Quốc, đã đến hoạt động trong cộng đồng người Hoa tại Hà Nội năm 1905. Dù được lưu truyền bí mật, học thuyết chính trị của ông chắc chắn đã được một số sĩ phu yêu nước Việt Nam biết đến, dù có thể phải nhiều năm sau đó. Những cuộc vận động của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi trước đó chắc chắn cũng vang dội đến Việt Nam.

Ngoài ra, các sách bằng Hán tự và quốc ngữ dịch lại các tác phẩm triết học và tư tưởng chính trị phương Tây đã được lưu truyền trong giới trí thức mới ở Nam kỳ và các sĩ phu ở Bắc và Trung kỳ. Trí thức yêu nước Việt Nam lúc đó cũng chịu ảnh hưởng các tư tưởng chính trị mới này của phương Tây như giới trí thức yêu nước Nhật bản và Trung Hoa trước đó. Sự thành công của cuộc canh tân “thoát Á” ở Nhật bản và cuộc cách mạng dân quốc ở Trung Hoa đã đem lại niềm kích thích mới cho thành phần sĩ phu yêu nước còn nặng lòng với truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam và phương đông. Họ hiểu rằng cần canh tân, không thể phục cổ hoàn toàn được nữa, nhưng họ cũng không thể chấp nhận để bị Pháp hóa. Tinh thần đề kháng văn hóa và văn minh Pháp còn mạnh trong đa số sĩ phu Bắc và Trung kỳ, nhất là những người còn đeo đuổi Hán học và các kỳ thi do triều đình tổ chức.

Tú Xương có thể coi là người đại biểu cho lớp sĩ phu này. Ông hiểu rõ hơn ai hết thực chất của giai đoạn nửa Hán nửa Tây, Hán đã suy tàn nhưng Tây vẫn chưa thịnh. Riêng ông vẫn phải đi thi dù thi mãi cả chục lần vẫn chỉ đậu Tú Tài.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
……………………
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!

Trong tình cảnh này sĩ phu yêu nước Việt Nam phải chia hai hướng, một là đi tìm ở Nhật Bản, Trung Hoa con đường cứu nước, hai là hướng sang trời Tây. Cả hai hướng đều giống nhau là tìm ở bên ngoài hơn là trông vào nội lực đã suy tàn từ lâu, có lẽ từ thời phân tranh nam-bắc. Nhưng cả hai hướng đều chưa thật sự thoát Trung hay đúng hơn, chưa thật sự đem đến độc lập chân chính và lâu bền cho dân tộc. Hậu quả của tình trạng này là chúng ta vẫn đứng giữa hai con đường, hoặc thoát Trung lại thuộc Tây (Pháp, Mỹ hay Nga), hoặc thoát được Tây lại thuộc Trung, hoặc dân tộc bị chia rẽ. Ngày nay tình trạng này lại tái diễn và dường như vấn nạn nền tảng này của dân tộc vẫn chưa thật sự có lối thoát.

Bài học lớn nhất của thời kỳ đầu thế kỷ 20 đem áp dụng cho Việt Nam hiện nay, đầu thế kỷ 21, phải chăng là: nếu chưa sáng tạo được con đường xây dựng đất nước vừa dân tộc vừa thời đại thì nước ta sẽ tiếp tục tròng trành giữa đông-tây, Âu-Á, giữa thoát Trung rồi thuộc Tây, thoát Tây rồi lại thuộc Trung, như 100 năm qua và hiện nay.

(12/6/2014)

© Đoàn Viết Hoạt

6 Phản hồi cho “Thoát Trung: Đầu thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21”

  1. ĐỈNH NGÀN says:

    CẦN NHÌN NGHIÊM TÚC VỀ VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

    Việt Nam là nước nhỏ ở sát nách với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
    Do đó từ hàng ngàn năm qua văn hóa, xã hội, chính trị, ngoại giao của VN không phải không chịu ảnh hưởng phần nào của TQ.
    Thế nhưng giữa VN và TQ đều có cương thổ riêng, tập tục đời sống riêng, văn hóa riêng, bản sắc riêng của con người, hoàn cảnh địa lý, lịch sử riêng, tiếng nói riêng, chữ viết riêng ngay từ thời xa xưa, nên đó là điều quan trọng đáng lưu ý nhất. Bởi vậy khi nhà Minh của TQ sang xâm chiếm và đô hộ nước ta, họ đã triệt hạ sách vỡ, chữ viết của ta, nhằm tiêu hủy văn hóa ta và một số thì họ thu thập cả người, cả các sách quý của ta mang về TQ để làm lợi cho họ.
    Thế nhưng sau khi Lê Lợi thu hồi lại chủ quyền đất nước, lại xây dựng, củng cố lại nền văn minh, văn hóa trước kia của ta và các thành quả đó vẫn truyền mãi lại các đời sau cho đến tận ngày nay.
    Ngày nay mọi người VN chỉ cần học thuộc và đọc lại bài thơ Tuyên ngôn độc lập của Lý thường Kiệt, bài Hịch tướng sĩ của Hưng đạo vương, bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thôi cũng đủ nghiệm ra mọi khía cạnh của tinh thần, ý thức dân tộc, đất nước mà cha ông ta đã có trước kia như thế nào.
    Đó chính là nền văn hóa riêng, lịch sử thực tế riêng của hai nước không thể nào lẫn lộn vào đâu được. Bởi vì nói cụ thể, nước ta đã có thời kỳ hàng ngàn năm bị phiên thuộc nước Tàu, nhưng văn hóa ta vẫn không mất, điều đó cho thấy dân tộc VN tuy có phần nào chịu ảnh hưởng của văn hóa các mặt của TQ, nhưng chúng ta vẫn có bản sắc riêng, vốn liếng riêng, bản chất, giá trị riêng nên đó chính là yếu tố làm cho đất nước ta, dân tộc ta luôn luôn độc lập, luôn luôn khác biệt hẳn với TQ.
    Còn sự ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau của mọi nước láng giềng đều là điều tự nhiên, khách quan, không phải vì thế mà chúng ta có mặc cảm hay có sự lo sợ vu vơ nào đó cả.
    Ngay như chúng ta ngày xưa phải xử dụng tiếng Hán trong giáo dục và giao thiệp với TQ, song đến đến đời Lê mạt về sau nước ta cũng đã hình thành nên hệ thống chữ viết riêng lấy nền trên chữ Hán gọi là chữ Nôm mà Hàn Thuyên sau này là người nổi bật nhất, và từ đời Nguyễn QuangTrung chữ Nôm đã được áp dụng trong chính quyền thay thế hẳn cho văn tự TQ. Càng về sau chữ Nôm càng
    phát triển mạnh mẽ và rộng khắp cả nước để phần lớn thay cho chữ Hán, điều đó nói lên ý thức độc lập dân tộc của ông cha ta là rất mạnh mẽ và đáng tôn kính.
    Đến thời Pháp thuộc, dĩ nhiên nước ta phải chịu ảnh hưởng thêm nền văn hóa Pháp hay nền văn hóa phương Tây, điều đó cũng hoàn toàn tất yếu. Như vậy khi đó nền văn hóa của ta đã chan hòa với văn hóa phương Đông là Trung hoa và Ấn độ trước kia, cùng văn hóa phương Tây là Pháp, đó là một điều rất lợi ích và hân hạnh cho nước ta.
    Nhưng quan trọng nhất, lịch sử dân tộc nhờ đó mà đã đi tới một bước ngoặc lớn lao, quan trọng về ngôn ngữ. Chúng ta đã có ngôn ngữ chữ viết tiếng Việt theo ký tự La tinh để thay hẳn cho tiếng Hán và tiêng Nôm trước đó. Đây thật là vận may hiếm có mà it có dân tộc nào như hoàn cảnh văn hóa của ta (Nhật bản, Hàn quốc) có được. Cũng nhờ vậy, chữ Việt hiện đại không những là chữ viết hoàn toàn từ lâu hết sức tiện dụng và mở mang trong nước, cũng còn là một ngôn ngữ quốc tế khá mạnh mẽ khiến cả thế giới đều khâm phục và biết đến chính vẻ đẹp hình thức và nội dung hết sức linh hoạt, phong phú của nó. Công lao này chúng ta không bao giờ quên sự đóng góp đầu tiên của những người Pháp tạo ra nó mà điển hình là giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes.
    Nhưng có điều đáng quan tâm nhất hiện nay giữa VN và TQ chính là ý nghĩa của ý thức hệ Cộng sản. Bởi vì từ năm 1975 đến nay toàn thể đất nước VN đã trở thành nước CS chẳng khác gì TQ từ ba thập niên trước đó.
    Có nghĩa nếu trước kia sự ảnh hưởng ý thức hệ giữa VN và TQ là ý thức hệ Nho giáo, do chính văn hóa người TQ tạo ra.
    Còn ngày nay thay vào đó là ảnh hưởng ý thức hệ CS do phương Tây mà cụ thể là Các Mác tạo ra.
    Ý thức hệ Nho giáo là ý thức hệ phương Đông, do Khổng tử tạo ra, nó gần gủi và dung hợp với nền văn hóa cổ truyền của nước ta về nhiều mặt. Do vậy nó được tiếp nhận một cách thuận lợi, lâu dài mà mọi người đều biết. Và nhờ tính cách nhân văn, đạo lý tự nhiên, khách quan của nó, nó dung hợp được với các ý thức hệ gần gủi khác như ý thức hệ Phật giáo, Đạo giáo … mà vốn từ xa xưa người VN đã có.
    Nhưng ý thức hệ CS hay mác xít thì thế nào ? Nó chỉ là một biến thể của nền tư tưởng phương Tây, về nội dung và hình thức thực chat nó đều hoàn toàn xa lạ với lịch sử khách quan và văn hóa tinh thần cũng như vật chất của người VN. Nó đi đến VN là vì lúc đầu nhiều người VN không hiểu sâu sắc về nó, chỉ choáng ngợp do bề ngoài lạ lẫm và khêu gợi của nó. Nhất là nó được đưa vào nước ta thực chất là bằng sự tuyên truyền khác hẳn với sự thật, kế đó là bằng bạo lực ép uổng, trấn áp. gọi là bạo lực cách mạng. Đặc biệt nhất, nó còn ăn theo thuận lợi theo với chiều hướng chống thực dân Pháp, tức chiều hướng yêu nước tự nhiên của mọi con người VN khi ấy tức là của dân tộc ta.
    Chính do hoàn cảnh lịch sử thuận lợi đó, kèm theo với trào lưu cách mạng CS thế giới mà lúc đó tiêu biểu là LX và TQ, tức là khối XHCN mà thật sự ý thức hệ mác xít hay ý thức hệ CS như kiểu nói nôm na đã mặc nhiên tạo thành kết quả ơt VN cũng như ở TQ hiện tại.
    Mà đã là hai nước có ý thức hệ CS như nhau, sự thiệt thòi nhiều mặt thật sự là về phía VN hơn là về phía TQ. Bởi tính cách áp đảo hay tính cách khống chế nói chung mọi mặt liên quan là ở phía họ mà không phải phía VN.
    Đó là tính cách hai lần VN phải chịu ảnh hưởng ý thức hệ từ phía TQ. Lần đầu là ý thức hệ Nho giáo, các kiểu cách thi cử, giáo dục của nước ta, chính quyền của nước ta đều theo Nho giáo. Lần thứ hai là lần này, ý thức hệ CS đã tạo nên ảnh hưởng rõ ràng về mặt chính trị, giáo dục, ý thức giữa TQ và VN ngày nay sau khi khối CS trước kia tan rã, đó như một thực tế rõ ràng nhiều mặt mà ai cũng thấy.
    Song có hai điều đáng nói nhất trong sự tình này : 1/ Học thuyết Mác không phải là học thuyết khoa học có giá trị nếu không muốn nói là học thuyết hoàn toàn sai lầm. Ngày nay mọi thực tế trên thế giới đều đã chứng minh điều đó. Ngày nay mọi người trí thức có hiểu biết đều thấy được các mặt sai lầm về lý thuyết của học thuyết Mác. Đó là điều mà mọi trí thức VN ở thời Pháp thuộc đều it thấy, bởi vì trình độ nhận thức của toàn dân ta khi đó, kể cả một số trí thức hiểu biết cũng bị mắc ảo tưởng và sai lầm. 2/ TQ ngày nay tuy là nước mang danh CS như VN, nhưng rõ ràng TQ thể hiện thái độ không tử tế nhiều mặt với VN, như quấy rối ngư dân VN, xăm chiếm trái phép các biển đảo của VN, cắm giàn khoan vào thềm lục địa của VN hoàn toàn sai trái. Nó chứng tỏ thái độ và ý đồ của TQ thực chất là là kiểu nước đế quốc hay thực dân kiểu mới thì đúng hơn. Có nghĩa hình thức CS chỉ là ình thức bề ngoài, còn hiện này cả TQ và VN đều là hai nước theo kiểu quan hệ cổ điển chẳng khác gì truyền thống của hàng ngàn năm trước.
    Đó chính là yêu cầu thoát Trung và thoát Cộng ngày nay của VN. Thoát Trung vì ảnh hưởng của TQ với VN ngày nay hoàn toàn nguy hiểm cho dân tộc và đất nước VN trong hiện tại và trong tương lai lâu dài. Còn thoát Cộng vì CNCS ngày nay không còn thực tế, chỉ là hình thức bề ngoài, vậy tiếp tục theo đuổi cho một dân tộc, một đất nước thực sự cũng không còn ý nghĩa, giá trị hay triển vọng gì, đó là ý nghĩa thoát Cộng.
    Nhưng điều quan trọng là lực lượng hay chủ thể nào có khả năng làm được điều này ? Hiện tại trước mắt không ai khác hơn là những người CS tức toàn bộ 3 triệu đảng viên CS nhất là những người đang trong quyền hành lãnh đạo của toàn ĐCS. Đó chính là ý nghĩa cũng như yêu cầu thoát Cộng và thoát Trung ngày nay để mọi người suy nghĩ và thảo luận, trong đó kể cả mọi người CS trong mọi cấp ủy và mọi thành phần.
    Nói chung lại, tên gọi hay tính cách của người CS ngày nay ngày nay đã trở thành vô nghĩa không còn mục đích cần thiết hay thiết thực nào cả. Vậy thì ngày nay chỉ còn là người thức thời, yêu nước hay không thức thời, không yêu nước thế thôi. Điều đó cũng có nghĩa muốn thoát Trung phải thoát Cộng, tức thoát ra khỏi ý thức hệ mác xít trước, còn không có cách nào khác. Vậy có muốn thoát Trung hay có thể thoát Trung được không, đó là ý nghĩa của mọi người CS ngày nay phải làm hay phải quyết định. Bởi vì đã từ lâu đảng CS coi như đảng cẩm quyền, mọi quyền lãnh đạo đất nước chỉ do họ. Nên trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước trước hết cũng do họ mà không do ai khác. Bởi vì thực tế từ lâu nay toàn dân VN không hể có quyền hay có sức mạnh nào để tự mình quyết định được chính yêu cầu quan trọng và lớn lao nào của đất nước hay của chính bản thân họ được cả.

    ĐẠI NGÀN
    (20/6/14)

    • Nguyễn Thế Viên says:

      Rất nhiều CB, đảng viên CSVN đã bị HCM và đảng tẩy não để mang tinh thần thần phục và biết ơn Mao cùngTàu cộng. Mầm độc hại phục Tàu cũng được đầu độc cho không nhỏ bộ phận nhân dân VN (nhất là miền Bắc) trong thời gian dài.
      Không dể gì thay đổi các bộ óc đã bị “tẩy não. Tội ác cuả HCM và CSVN không bút nào tả siết!
      Nguyễn Thế Viên

      • NGÀN THÔNG says:

        TRAO ĐỔI

        Trao qua đổi lại mới vui
        Còn duy một hướng thì đời ra chi !
        Việt Nam ôm mãi “Bác Hồ”
        Nước nhà còn có cơ đồ hay không ?
        Giặc Tàu tràn hướng biển Đông
        Mê toàn đồ cổ còn mong được gì !
        Sự đời kẻ ở người đi
        Mê man “lãnh tụ” biết gì núi sông !
        Dù sao nước chảy đá mòn
        Nhiều người tỉnh thức non sông sẽ bền !

        THÔNG NGÀN
        (21/6/14)

  2. Nguyễn Thế Viên says:

    Nô lệ Tàu về văn hoá là căn bệnh kinh niên cuả VN. Bên cạnh đau khổ đem đến cho VN, thực dân Pháp cũng giúp chúng ta nhiều trong việc thoát Tàu. Nếu không bị Pháp đô hộ thì có lẽ ngày nay ta vẫn dùng chữ Tàu, lãnh thổ bị mất nhiều hơn….Thâm chí ngày nay ảnh hưởng Tàu cũng vẫn còn không nhỏ trong nhân dân ta trong ẩm thực (ăn cưới thì phải ở nhà hang Tàu), cách dùng từ ngữ (Hán Việt mới “trí thức”), giải trí (phim bộ)…….
    Không cô lập, không bài dân Tàu nhưng “thoát Tàu” là cần thiết. Dân trí đóng vai trò quan trọng trong việc này!
    Nguyễn Thế Viên

    • Huỳnh says:

      Gởi Nguyễn Thế Viên:

      Không phải đội quân xâm lược Pháp sáng tạo ra chữ quốc ngữ Việt Nam.

      Chữ quốc ngữ của VN ra đời từ những nhà truyền giáo phương Tây hơn 200 năm trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược VN năm 1858. Trên cơ sở các nhà truyền giáo phương Tây dùng ký tự Latinh để ghi lại tiếng Việt để thuận lợi cho sự giao tiếp với người bản địa và thuận lợi trong việc truyền giáo, năm 1651 bộ Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latinh ra đời.

      Tuy nhiên, quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài hơn ba trăm năm, tính từ ngày những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam tiếp xúc với người dân bản địa, cho đến khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời với bộ chữ in có dấu thanh được thửa ở châu Âu riêng cho nó. Theo các nhà sử học, đội thương thuyền đầu tiên của Bồ Đào Nha chở các giáo sỹ cập vịnh Đà Nẵng năm 1516. Chính những giáo sỹ này đã Latinh hóa tiếng Việt để giao tiếp với người Việt và thuận lợi cho việc truyền giáo. Đến năm 1651, bộ Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latinh đầu tiên ra đời, xuất bản tại Roma, song để có cuốn từ điển này (ai là tác giả đích thực vẫn còn là điểm tồn nghi), hẳn phải có nhiều giáo sĩ khi đặt chân lên đất Việt từng thử dùng mẫu tự Latinh để ghi cách phát âm mà học tiếng bản địa. Năm 1865, tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ ra mắt bạn đọc thì chữ quốc ngữ mới đi vào công chúng tương đối rộng, một thời gian ngắn sau đó, các trường dạy chữ quốc ngữ lần lượt ra đời, chữ quốc ngữ thật sự vào cuộc sống của xã hội Việt Nam.

      • Nguyễn Thế Viên says:

        Thưa Huỳnh,
        Đúng là chữ quốc ngữ có từ trước khi người Pháp xâm lăng VN. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ khởi sự được rộng rãi sử dung và phát triển dưới thời đô hộ cuả Pháp. Trong thời nhà Nguyễn chữ Nho vẫn chính thức được dùng ở XH VN (công văn, văn tự, thi cử, sang tác…). Bên cạnh đó chữ Nôm (cải biên từ chữ Hán) cũng đã được sử dụng nhưng không được coi trọng (các trí thức vẫn dè bỉu “Nôm na là cha mách qué”). Một số tác phẩm văn học hữNôm cũng đã xuất hiện và được dân gian ưa thích (truyện Kiều, Chinh phụ Ngâm…..).
        Cám ơn góp ý cuả Huỳnh>
        Trân trọng
        Nguyễn Thế Viên

Leave a Reply to ĐỈNH NGÀN