WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lạm bàn về Cá nhân và Công luận

pobrane

Người ta thường tự mãn cho mình giỏi giang và tốt đẹp khi được công luận tung hô, yêu thích. Còn khi bị bỏ rơi, lạnh nhạt hoặc thậm chí bị chỉ trích, thì họ tự an tủi mình rằng: chân lý không thuộc về đám đông, ta đi con đường ít người đi mới dũng cảm và kiến tạo sự thay đổi, và rằng tư cách của ta không ai có quyền phán xét.

Chúng ta dễ bị rối rắm với hai cách nghĩ này. Người Việt mình chưa xây dựng được một không gian học thuật trưởng thành về luận lý nên luôn bị nhập nhằng trong mọi vấn đề lý luận căn bản và dễ rơi vào nguỵ biện (không phải ai cũng phát hiện được nguỵ biện). Thực ra hai cách nghĩ trên (khi được công luận tung hô và chỉ trích) đều có lý lẽ riêng, nhưng muốn trở nên hợp lý, chúng phải được đặt trong những hoàn cảnh khác nhau. Nghĩa là, lối lý luận thứ nhất không thể hợp lý trong hoàn cảnh thuộc về lối lý luận thứ hai. Phải tuân thủ một số nguyên tắc luận lý (logic) để chúng ta không bị lạc đường trong mê cung tư duy của mình.

Cá nhân độc lập?

Là một người đề cao tự do cá nhân, tôi tin rằng, mỗi con người cần được trang bị đầy đủ những khí cụ cần thiết để bảo vệ mình thoát khỏi sự áp bức của tập thể, cho dù tập thể đó là ai: gia đình, cộng đồng văn hoá, cộng đồng tôn giáo, và đặc biệt là Nhà nước. Giá trị của tập thể chỉ là con số không nếu từng cá thể cấu tạo nên tập thể đó bị động, yếu ớt, bị tước đoạt phẩm giá và bị chà đạp Công lý.

Vì sao một số nhà tư tưởng khẳng định cá nhân là thực thể độc lập? Chỉ bởi vì, họ muốn đặt cá nhân đó trong một bối cảnh riêng biệt về tư cách pháp lý và chính trị chứ không xét đến những bối cảnh nhân sinh phức tạp khác. Sự độc lập đó hoàn toàn chỉ phát sinh trong không gian pháp lý và chính trị thôi. Họ trang bị cho cá nhân võ khí “độc lập” để đủ sức bảo vệ mình và các cá nhân khác khỏi sự trấn áp của quyền lực chính trị và ý chí độc đoán của tập thể. Vì thế, tôi luôn khẳng định rằng, cá nhân là một cá thể pháp lý độc lập; nhưng không vì thế mà anh/chị ta trở thành một cá thể đạo đức độc lập.

Trong Phật giáo có một pháp ấn ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của tôi, đó là Vô Ngã. Vô Ngã nếu chỉ được giải thích hời hợt theo kiểu chiết tự, sẽ khiến bạn không thể hiểu và ngờ vực ngay từ đầu. Làm sao “tôi” đây, chính “tôi” đây, chính “bản thể” này đây lại không có thật?! Nhưng không, Vô Ngã chính là: hoàn toàn không có một bản thể nào độc lập với các bản thể khác trong vũ trụ; không có một con người, sự vật, hiện tượng nào sinh ra và tồn tại vĩnh cửu, bất biến và không phụ thuộc vào hàng tỷ con người, sự vật và hiện tượng khác. Dể hiểu hơn, không có ai trong chúng ta sống trong thế giới này mà không có hàng tỷ mối tương quan trói buộc với nhân loại và thế giới ngoại tại. Không có sợi dây nhân duyên, không có “ta” và “chúng ta”.

Bạn thành công và tự cho mình giỏi giang? Đồng ý, nhưng nỗ lực của bạn chưa đủ để kết duyên cho thành công. Hãy nhớ, từ lúc bạn chưa biết nghĩ suy, bạn đã mang nợ rất nhiều người, ông bà, cha mẹ, xóm giềng và những người vô danh khác trong từng miếng cơm, manh áo, sách vở… Hãy nghĩ, để bạn có thể yên tâm ngồi đọc sách và viết luận án Tiến sĩ, vợ/chồng bạn cũng mất từng đó thời gian để thay bạn chăm lo cho gia đình. Hãy nhìn xem, không có một tiện ích nào trong cuộc sống của bạn mà không do người khác mang lại (tôi không bàn thêm nếu bạn trả lời là bạn dùng tiền để mua); không có niềm vui nỗi buồn nào trong cuộc sống của bạn mà không liên quan đến con người và sự việc ngoại tại.

Thêm nữa, mỗi một tiến bộ hay suy thoái của xã hội xung quanh đều ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần lẫn vật chất của bạn. Đơn giản thôi, sự tính nhầm liều lượng thuốc trừ sâu của người nông dân mà bạn không biết mặt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bạn đấy, và nếu ngày hôm ấy nhằm đúng ngày bạn có công việc trọng đại thì ảnh hưởng ấy còn nghiêm trọng hơn. Bạn thấy chưa, vun vén cho gia đình mà bỏ mặc xã hội rồi có lúc sẽ khiến bạn hối hận đấy. Chúng ta chỉ có ý chí xây dựng xã hội chỉ khi nào chúng ta cảm nhận sinh động các mối tương quan không thể tách rời của mình với xã hội.

Bạn là nhà thơ ở cái thời mỗi thanh niên đều có vài tập thơ gối đầu giường là điều thật may mắn, bạn nổi tiếng và được vinh danh; nhưng nếu bạn là nhà thơ, cũng với cái tài năng như vậy, sinh nhầm thời buổi của mạng xã hội, pop music và online games thì bạn cũng đừng sầu thảm rằng mình chưa đủ tài năng để nổi tiếng. Thành công hay thất bại của bạn không hoàn toàn tuỳ thuộc vào tài năng của bạn mà phụ thuộc nhiều vào thị hiếu, khuynh hướng của đám đông cùng thời. Vì thế, bạn nổi tiếng không phải chỉ vì thơ bạn quá hay mà vì bạn sinh ra trong thời buổi nhiều người biết thưởng thức thơ nữa. Bạn thấy chưa? Bạn có dám khẳng định bản thể của mình hoàn toàn độc lập không? Tự nhiên tôi nhớ đến câu “Hữu hoạn bất tài, hà hoạn vô vị” (lo bất tài chứ lo gì không có địa vị) của Khổng Tử!!!

Công luận và cá nhân

Gần đây nổi lên việc nhà báo Lê Diễn Đức bị RFA chấm dứt hợp đồng cộng tác vì ông có một status trên Facebook giọng điệu mỉa mai Việt Nam cộng hoà (tuy phần sau của status nói về các chiến dịch Đông Tiến mới là điều ông nhấn mạnh) để đáp lại sự phản đối của Công luận đối với phát biểu thiếu cẩn trọng này của ông Đức. Trong ngành truyền thông nói riêng và tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nói chung, mỗi phát biểu và mỗi hành vi của cá nhân đều tác động trực tiếp đến cộng đồng. Bởi vậy, việc nhận lại sự phản hồi từ công luận là điều không tránh được và thật không công bằng nếu cố gắng tránh né. Việc RFA sa thải ông Đức là điều dễ hiểu vì nghề của họ liên quan trực tiếp đến công luận và họ không thể phớt lờ công luận vì có Công luận họ mới được trả lương để tiếp tục làm việc. Còn chuyện làm thế nào để hai bên thoả thuận xong về các điều khoản trong hợp đồng lao động để người trả lương không vi phạm quyền lợi của người lao động; và việc hành động của RFA trong vụ này có bị một thế lực nào đó dẫn dắt hay không, không phải là điều được bàn luận ở đây.

Tóm lại, bạn chỉ có thể không cần dư luận nếu lĩnh vực hoạt động của bạn không có đối tượng phục vụ trực tiếp là công chúng. Đối với những người hoạt động trong ngành giải trí, truyền thông và đặc biệt là xã hội dân sự, công luận còn quan trọng hơn tất cả, bởi chính công chúng là đối tượng phục vụ, là lý do tồn tại và cũng chính là người tiếp tay cho các hoạt động của họ. Tôn trọng công luận là điều hoàn toàn thoả đáng.

Tất nhiên, công luận không luôn luôn đúng, nhưng, nếu không dựa vào sức mạnh công luận thì việc thực thi Công lý xã hội sẽ bị khiếm khuyết. Một người không vi phạm nặng đến nỗi phải bị kiện dân sự và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì luật pháp không đụng đến họ được. Thế nhưng vì có Công luận luôn quan sát người ấy; và uy tín và danh dự của anh/chị ta luôn bị đặt trước thách thức nên họ không dám làm điều xấu xa. Vậy đấy, luật pháp là chưa đủ để khiến con người hành động tử tế.

Thế giới con người là một chuỗi dài những mâu thuẫn và bất toàn. Vậy nên chúng ta phải chấp nhận sự kiện rằng: không có bất cứ thiết chế nào riêng mình nó có thể đảm nhận hoàn toàn một nhiệm vụ. Chúng ta phải xây dựng nhiều thiết chế khác nhau cùng chia sẻ một nhiệm vụ. Không có bất cứ thiết chế nào trong xã hội chúng ta ngày hôm nay hoàn toàn giữ vai trò bảo vệ Công lý một cách triệt để (ngay cả trong một nền pháp trị thực thụ); công việc này khó khăn đến độ cần có nhiều định chế pháp luật, chính trị và xã hội tham gia gánh vác cũng chưa dám mong thành tựu hoàn toàn. Và Công luận là một trong những thiết chế bảo vệ Công lý cần thiết như thế. Điều này cũng giống như sự hiện hữu của Bồi thẩm đoàn trong cơ chế xét xử của Toà án Liên bang Hoa Kỳ, dựa trên sức mạnh của “common sense” bên cạnh việc nghiên cứu những kiến thức thuần lý.

Khi bạn bị đám đông chỉ trích, bạn thầm nghĩ rằng không ai có quyền phán xét tư cách của bạn? Bạn đúng một nửa thôi. Công luận không có quyền phán xét tư cách của bạn trong những trường hợp liên quan đến các quyền tự do cá nhân, cụ thể là vấn đề đời tư, quyền riêng tư, sự lựa chọn cá nhân trong đời sống… chỉ liên quan đến riêng cá nhân bạn mà không ảnh hưởng tới người khác. Nói chung, công luận không có quyền phán xét bạn đối với những việc làm mà hậu quả của nó không liên quan gì đến họ. Nhưng là một người hoạt động xã hội, bạn đâu chỉ có đời sống cá nhân, có rất nhiều hoạt động hoặc phát biểu của bạn liên quan, ảnh hưởng và để lại hậu quả cho cộng đồng. Lúc đó, né tránh sự chỉ trích của cộng đồng là vô trách nhiệm.

Ví dụ, việc một người có nhiều người tình (miễn họ còn độc thân), việc một phụ nữ chọn cách làm mẹ đơn thân nuôi con, việc lựa chọn một niềm tin tôn giáo, việc cải đạo, việc bỏ đạo, việc ly dị/ly thân/ kết hôn, các mối quan hệ thị phi trong gia đình/dòng họ (miễn chưa đến độ truy cứu trách nhiệm hình sự), tất cả đều thuộc về Quyền Riêng tư mà điều 12 Tuyến ngôn Quốc tế Nhân quyền và điều 17 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị đã khẳng định. Quyền Riêng tư này Công chúng không có quyền can thiệp. Và bạn có thể khẳng định: không ai có quyền phán xét tư cách của tôi trong những trường hợp này. Nhưng nếu các hoạt động của bạn có liên quan đến lợi ích công chúng thì bạn buộc lòng phải nhận trách nhiệm và hậu quả bị chỉ trích là có thể lường trước. Tôi luôn ngạc nhiên khi nhiều người hoạt động với công chúng mà cố tình tránh né nghĩa vụ đạo đức trước công luận.

Tất nhiên, như đã nói, công luận không phải luôn đúng, ở mọi thời đại, vẫn xảy ra những trường hợp, một điều đúng đắn hoặc bình thường nhưng làm Công luận bị shocked nên bị chỉ trích, thậm chí bị chà đạp. Bởi vậy, điều quan trọng là chúng ta cần giúp xã hội xây dựng Công luận nhạy bén, thông minh và nhân bản, đặc biệt là không bị dẫn dắt bởi các thế lực chính trị và kinh tế. Nếu được như vậy, Công luận sẽ đủ sức để góp phần bảo vệ Công lý mà vẫn hiền hoà để không chà đạp cá nhân.

Sự bất toàn của con người và thế giới buộc chúng ta phải nỗ lực để giữ vững sự cân bằng động của các giá trị. Quá tự do sẽ mất bình đẳng, quá bình đẳng sẽ tổn hại tự do, quá đề cao tập thể sẽ chà đạp cá nhân, quá đề cao cá nhân sẽ tổn thương lợi ích cộng đồng. Vậy đấy, là con người, bạn không thể có được một cái gì toàn triệt cả. Do đó, thay vì tự mãn khi được công luận tung hô và tự kỷ khi bị công luận tấn công, hãy bảo vệ các quyền tự do cá nhân của mình một cách xác đáng và đồng thời không làm tổn thương công luận bằng những phát biểu/hành động xấu xa thái quá, sai sự thật, tổn thương nhân tâm…
Bạn ghét công luận ư? Nhưng chính công chúng là lĩnh vực hoạt động của bạn, không có công chúng sẽ không có nghề nghiệp bạn đang làm, không có công chúng, ai công nhận vai trò và vị trí của bạn? Hơn nữa, tất cả chúng ta, không chỉ riêng các nhà hoạt động xã hội, tồn tại trong mối tương quan dày đặc với cộng đồng; vì thế, xây dựng cộng đồng và chịu trách nhiệm với Công luận là điều không thể tránh né, và cũng là một trách nhiệm đạo đức.

Buôn Hô, 25/9/2015

© Huỳnh Thục Vy

© Đàn Chim Việt

4 Phản hồi cho “Lạm bàn về Cá nhân và Công luận”

  1. VietAmer says:

    Công luận và cá nhân

    Cái gì cũng vậy, anh phải có thực lực thì hành động mới đem l;ại hiệu quả. Nếu công luận nói thì cứ nói người nghe nghe thì cứ nghe hoặc làm ngơ thì hành động cũng vô ích.

    @ Công luận, puplic opinion: công luận là quan điểm của công chúng. Nhưng thật ra trong thực tế, quan điểm đó phải có phạm vi giới hạn tuỳ theo chuyện. Chuyện trong phạm vi địa phương, thành phố A thì chỉ có cư dân thuộc A mới lên tiếng thôi. Thí dụ địa phương A muốn mở thêm sòng casino cờ bạc nhưng dân chúng có ý kiến không đồng ý, lý do là địa điểm sòng bạc gần trường học. Nhưng sự phản đối phải có trọng lượng, sức nặng thì mới hy vọng thay đổi được. Sức mạnh đó là gì ? Thứ nhất là sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông địa phương thì tiếng nói sẽ được quảng bá kịp thời và rộng rãi . Anh biểu tình mà không ai đưa tin, quay phim đem chiếu lên TV ngay thì cũng khó có ai biết sự việc. Thứ hai là lá phiếu. Công luận là ai ? Họ chính là cử tri . Họ có quyền thông báo và làm áp lực qua lá phiếu với cơ quan lập pháo đại diện cho họ xem xét vấn đề.

    @ Cá nhân: cá nhân trong xã hội, xét về mặt phục vụ, thật ra có 2 thành phần. Công chúng nói chung public và công bộc public servants nói riêng. Công chúng bầu hoặc đề cử ra công bộc là người phục vụ công chúng. Nếu anh là người phục vụ công chúng, anh phải chịu sự giám sát, theo dõi, chỉ trích, soi mói của công chúng . Không thể có chuyện ngược lại. Obama có thể bị công chúng phê bình chứ không có chuyện Obama ra thông cáo phê bình công chúng. Nói thí dụ, Obama say sĩn trong bàn tiệc thì sẽ bị người ta phê bình thẳng tay chứ Obama không thể phê bình cá nhân một người nào đó như thế.

    Quý vị cũng cần phân biệt giữa public servants và celebrities. Celebrity chỉ là người nổi danh chứ không có nhiệm vụ phục vụ công chúng. Như ca sĩ Madonna là celebrity còn bà Hilary Clinton là public servant. Madonna muốn ăn diện thế nào cũng được, nhưng bà Clinton mà ăn mặc như Madonna thì không thể được, mặc dù bà cũng có quyền tự do như mọi người khác. OK, nếu bà Clinton vẫn cứ ăn mặc theo ý mình, vẫn được nhưng khi ứng cử thì bà sẽ rất nhiều hy vọng là … rớt. Thế thôi. Ngược lại, công chúng không thể yêu cầu một người nổi danh phải chu toàn trách nhiệm xã hội. Công chúng không thể yêu cầu bà Khánh Ly phải giữ vững lập trường chính trị bla bla bla . Bà KL không phải là người gánh vác trách nhiệm được công chúng giao phó và đề cử. Bà ta là ca … sởi . Chấm hết. Ba KL không bao giờ là chủ tịch hay bí thư nên lập trường chính trị của bà như thế nào vẫn không làm tổn hại đến dân tộc đất nước được.

    Tóm tắt, công luận phải có sức nặng của lá phiếu và truyền thông thì công luận mới có giá trị. Cá nhân nếu là những người phục vụ công chúng như các viên chức chính phủ thì bắt buộc phải chịu sự giám sát của công chúng. Nếu công luận mà không có thực lực sức mạnh thì chỉ là công … cốc. Lúc đó, những công bộc sẽ tuỳ tiện hành động và không cần để ý tới công luận.

    • DẶM NGÀN says:

      CÔNG TÂM VÀ CÔNG LUẬN

      Công tâm mới chuyện trên đời
      Còn như công luận cũng thường vậy thôi
      Dân nuôi công bộc vạn thời
      Mà không phục vụ cướp đời của dân

      Hóa thành công cốc vạn phần
      Ráng làm đóng thuế chết trân vậy cà
      Còn như công luận tà ma
      Công tâm không có cũng là về đâu

      Nên chi mọi sự trên đời
      Không ngoài hai chữ lòng người công tâm
      Công tâm chính đáng triệu lần
      Nếu toàn tà vạy hóa thành lanh mưu

      Nói chơi thiên hạ đừng cười
      Tự xem mình phải là người công tâm
      Xem xong hãy phán hà rầm
      Đâu là công luận thật cần nêu cao

      PHIẾM NGÀN
      (05/10/15)

  2. Nguyên Vỹ says:

    Huỳnh Thục Vy dù còn khá trẻ nhưng khi cần thì vẫn có thể viết sâu,viết cao và viết hay như một giáo sư triết hay một chính trị gia của một nước có xã hội tự do dân chủ(sẵn sàng để ngỏ chứ không bắt chấp nhận một chiều ).Rõ là tài không đợi tuổi !

  3. NON NGÀN says:

    CÔNG LUẬN VÀ CÁ NHÂN

    Công luận là dư luận của mảng xã hội nào đó hoặc của toàn xã hội. Nhưng ngay khi nói toàn xã hội cũng chỉ là nói tượng trưng. Bởi đây không phải lượng số toàn diện theo kiểu đếm số. Nên thường các kiểu nói định lượng rất hay bị thậm xưng. Như ý kiến của người nào đó lại tự cho là ý kiến của mọi người, của tập thể, của toàn dân, hay có khi tương lên của toàn xã hội. Đó là những cách nói bạt mạng, không nghiêm túc, không tự trọng, lý do chỉ cường điệu hay giả dối nếu không có ý dối gạt.

    Thật ra công luận nói chung đều do nhiều cá nhân hợp lại. Các cá nhân đó tuy thuộc một phạm trù nhất đinh nhưng cũng có vô số thành phần. Các thành phần luôn có thể phân ba loại là trình độ hiểu biết thấp, trình độ hiểu biết trung, trình độ hiểu biết cao. Ngay cả bản tính có lương thiện không, có mục tiêu cao cả không, có mục đích vô tư không, cũng có thể phân loại theo bậc thang thấp cao như thế.

    Nên nói chung công luận hay dư luận xã hội chỉ luôn tương đối, vì số đông có quá nhiều thành phần phức tạp, nên kết luận chỉ có thể là đại lược mà không thể nào chính xác hay tuyệt đối như kiểu phép tính toán học.

    Cho nên luôn luôn ý nghĩa của mỗi thành phần cá nhân hợp thành đó quyết định chất lượng, ý nghĩa hay giá trị của công luận mà không gì khác. Có nghĩa khi suy nghĩ hoặc phát biểu ra thế nào đó, cá nhân chỉ nhằm lợi ích cho mình, nhằm thị hiếu, hiểu biết của mình, hay nhằm mục đích chính đáng chung và nhằm toàn bộ xã hội nói chung. Nên ý nghĩa vấn đề ở đây chính là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xã hội mà mỗi người quan niệm phải đặt ra như thế nào.

    1/ Người theo chủ nghĩa cá nhân thuần túy thấp kém thường trước nhất chỉ nghĩ tới mình mà không nghĩ tới người khác hay mọi người về mọi phương diện. Đó là quan điểm vị kỷ và quan điểm vụ lợi riêng.

    2/ Người theo chủ nghĩa xã hội đúng nghĩa thì thường nghĩ đến người khác, nghĩ đến toàn thể xã hội trước nhất rồi mới nghĩ tới riêng mình sau. Đó là chủ nghĩa công lợi, chủ nghĩa bác ái, chủ nghĩa nhân văn, nói chung là người chuộng sự thật, chuộng khách quan, chuộng công lý, chuộng công ích.

    3/ Người theo chủ nghĩa tập thể, hay có quan điểm cá mè một lứa, không muốn ai hơn ai, đó thường là sự đố kỵ hay sự khuynh loát hoặc kèm chế lẫn nhau. Bề ngoài thì khái niệm tập thể mang ý nghĩa tốt, nhưng thực chất ở trong chỉ là núp bóng, là sự vị kỷ, chỉ muốn xa cạ, cào bằng, là tâm ý cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí phản nhân văn, phản xã hội.

    4/ Chủ nghĩa cộng sản mác xít từ xưa nay vẫn luôn là thứ chủ nghĩa “tập thể” theo dạng tiêu cực như trên là chủ yếu. Nó mệnh danh là chủ nghĩa xã hội, nhưng theo bản chat XHCN mà không phải chủ nghĩa xã hội truyền thống, chính đáng, cần thiết, cao quý như trên kia đã nói. Cái này cũng chỉ do ông Mác mà ra thôi. Ông ta chỉ đề cao “giai cấp vô sản”, do vậy kết quả là quan điểm tập thể, quan điểm bao cấp, quan điểm XHCN khuynh loát tất cả. Thành ra tập thể hi sinh cá nhân, và that ra trong tập thể đó bao giờ cũng chỉ có it ỏi thành phần cá nhân nắm quyền quyết định tất cả. Hóa ra chủ nghĩa xã hội chỉ còn là danh từ hình thức thuần túy nhưng thực chất nó trở thành chủ nghĩa cá nhân rốt ráo nhất của một thiểu số nắm quyền mà toàn bộ tập thể, tức toàn bộ xã hội phải chịu tùng phục, khuất phục theo những cá nhân đó về mọi phương diện.

    Trong xã hội kiểu tập thể mà Mác đề ra và Lênin thực hành đầu tiên, mọi tự do báo chí đều không còn nữa, tức công luận đúng nghĩa cũng không còn nữa, chỉ còn là những “công luận” nhay nháy, được điều khiển do quyền lực những trung tâm cá nhân nào đó (nhân danh tập thể hay nhân danh giai cấp hoặc nhân danh toàn bộ xã hội nói chung). Đến đây thì chắc mọi người đã hiểu ra mối quan hệ giữa công luận đích thực và cá nhân đích thực cũng như xã hội đích thực là như thế nào rồi, khỏi cần phải bàn cãi dài gì thêm nữa.

    ĐẠI NGÀN
    (03/10/15)

Phản hồi