Một nghề cũ trở lại ở Paris
Ngày nay, nói có một nghề cũ trở lại hoạt động dễ làm cho nhiều người ngạc nhiên hơn là nói có nhiều nghề mới xuất hiện . Vì xã hội đổi mới rất nhanh .
Những nghề cũ trở lại có tìm được khách hàng hay không khi mà ngày nay họ đã bị toàn cầu hóa?
Nghề cũ nhưng người hành nghề lại thuộc thề hệ mới . Cung cách làm việc và địa điểm cũng mới . Dĩ nhiên, nhờ đó mà sức thu hút khách hàng rất mạnh .
Nghề đánh giày!
Ở Pháp và Âu châu, người ta mới nói « trở lại » . Ở nhiều nước khác, như Vìệt nam, là « tiếp tục » nhưng có những người hành nghề lại « mới » !
Đổ xô về La Défense, khu sang trọng sát Paris
Đánh bóng môt đôi giày, khách trả 5e . Giá «kinh tề và đoàn kết» . Nơi làm việc có tính lâu dài.
Cỏ May giới thiệu một người «mới» vừa bước vào làm « nghề cũ đang trở lại » trong khu thương mãi La Défense thuộc tỉnh Hauts de Seine (92) . Đó là một thanh niên ngoài ba mươi tuổi, sơ-mi và cà-vạt tươm tất, từ hơn năm nay, tới đây lập cơ sở làm ăn . Anh giữ nếp trang phục lịch sự như vậy để nhằm xóa tan sự khó chịu của khách hàng khi phải tiếp xúc với anh ở một khu sang trọng .
Nghề của anh là đánh giày . Thương hiệu của anh là chỗ anh ngồi nhận đánh giày cho khách hàng qua lại trong thương xá . Nhưng gốc của anh là luật gia (juriste) . Anh dấn thân làm nghề này vì anh vốn mê cái đẹp của da . Anh là thành viên của tổ họp « Những Người Đánh Giày » đang hoạt động tại những Trung tâm Thương mại So Ouest 92 ( Levallois), Aéroville 93 ( Seinne Saint-Denis) ngoại ô Paris và ngay cả ở trung tâm Paris, cửa hàng lớn « Au Bon Marché » ( 75007 Paris) .
Tổ họp « Những Người Đánh Giày » do Hội Đồng Tỉnh 92 và 93 khuyến khích thành lập với chương trình « phát triển kinh tế xã hôi và tương trợ » giúp đỡ công ăn việc làm cho những người kiếm việc .
Chương trình này do Jean Sarkozy, con trai của Cựu Tổng thống Sarkozy, Phó Chủ tịch Hội đồng, trách nhiệm . Ông tới tham dự khai trương gian hàng và phát biểu « Tôi nhớ lại thời ở nội trú đi học, tôi đã biết tự đánh giày cho mình . La Défense là một trung tâm nhỏ của kinh tế nước Pháp nhờ đó chương trình kinh tế xã hội chắc chắn sẽ có một vị trí quan trọng ở đây » .
Jean Sarkozy nhắc lại thời học sinh nội trú tự đánh giày thì chẳng có gì lạ . Nghề đánh giày đã ngưng hoạt động từ lâu rồi . Ở Pháp và Paris, cho tới cách nay vài năm, khó kiếm ra một người đánh giày . Ai muốn diện có đôi giày bóng lộn thì tới siêu thị, tìệm bán giày hay tiệm sửa giày mua xi-ra, bàn chải về nhà đánh lấy .
Đây là lúc giày basket thịnh hành . Phần lớn nam nữ đều mang gìày basket cho tiện lợi và đồng thời hợp thời trang . Tuy giá đôi giày không rẻ hơn đôi giày da mà khỏi tốn tiền bảo trì .
Nhưng nếu nói đành giày bóng, nhìn vào như soi gương, phải nói mấy ông sinh viên sĩ quan Thủ Đức hoặc Đà lạt ở Việt nam trước 30/04/1975 . Khó có ai qua mặt được .
Anh chàng Sarkozy con này mấy lâm hơi ! Bỏ đi nhóc Cu !
Nghề đánh giày phải mai một vì dân Pháp thay đổi tâm lý ăn mặc . Họ mặc bộ quần áo khá đắt tiền nhưng lại mang đôi giày không tương xứng vì nghĩ giày mang ở chơn, không ai để ý tới . Ngày nay, giày bán trong tiệm, phần nhiều giá 170 e là cao lắm . Tuy nhiên ở Paris vẫn còn những đôi giày hiệu Weston giá cả ngàn euros . Khách hàng tới lần đầu, người bán giày đo chân, chọn đôi giày, sửa đổi cho vừa chơn . Giữ mẫu gỗ, đánh danh số khách hàng, cất giữ ở đó . Kỳ tới mua giày, chỉ chọn kiêu, màu, loại da, tiệm sẽ thực hiện đúng theo ni kích đã có sẵn .
Người ta bảo đùa « Giày Weston, chính là Rolls Royce không có máy »
Môt dự án đang tiến hành: Hội đồng Tỉnh cấp cho một ngân khoản 50 000e để tổ chức một ê-kíp đánh giày lưu động qua các trung tâm thương mãi sang trọng của Paris . Tiền kiếm được, người đánh giày giữ trọn . Mọi chi phí do Hội đồng Tỉnh và các Trung tâm thương mải đài thọ . Dự án này do một phụ nữ trẻ tốt nghiệp Cao đẳng Thương mãi đề nghị và điều hành .
Người đánh giày ngày nay vừa xuất hiện hoàn toàn không giống đồng nghiệp của họ trước kia . Cả về mặt xã hội và nghề nghiệp . Họ là những người có trình độ học thức khá . Không chỉ chú tâm đem lại cho khách hàng sự hài lòng mà họ còn muốn nâng nghề đánh giày đạt phẩm chất lên hàng « luxe » .
Ở Paris, người đứng đầu hai tổ họp « Les Cireurs » và « Shoe Xpress » đều tốt nghìệp Trường Cao Đẳng Thương mại . Họ chọn dấn thân phục hồi ngành này vì người đánh giày lớp cũ hãy còn ở khắp nơi trên thế giới : Nữu ước, Los Angeles, Luân đôn, Tokyo . Đánh giày vốn là một nghề được thừa nhận và làm ra tiền .
Đặc biệt ở Luân đôn hiện nay, anh chàng Steven Skippen say mê nghề đánh giày của anh . Chẳng những say mê, anh còn nâng nghề đánh giày lên tầm vóc một nghệ thuật . Steven Skippen đặt bản doanh ngay trong khách sạn lớn của Luân đôn ( London Hilton ) .
Nghề đánh giày ngày nay vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội : mọi dịch vụ phục vụ đời sống hằng ngày phải ở trong khu phố, tránh di chuyển nhiều . Thứ nữa, có đôi giày sạch bóng không khác gì có mái tóc thơm tho, chải óng mượt để tạo sự tín nhiệm trong giao tế .
Thật ra Tây ngày nay đang bảo nhau sống với hoài niệm . Cùng với sự tái xuất hiện nghề đánh giày, một nghề cũ khác cũng vừa được vực dậy : nghề cạo râu .
Tây hớt tóc và cạo râu là hai việc khác nhau, hai giá biểu khác nhau . Thợ cạo (cạo râu – le barbier) bày dao, kéo, chổi thoa kem (blaireaux), dầu thơm, …ra làm ăn ở nhiều nơi . Máy cạo râu điện bắt đầu rút lui. Khách hàng râu ria muốn tìm lại ghế bành da và tư thế nằm ngửa duổi dài thẳng cẳng, mắt lim dim, mủi ngửi mùi kem, mùi dầu thơm phức, tận hưởng những giây phút thật sự thoải mái trong không khí ấm cúng của phòng hớt tóc, cạo râu .
Với tinh thần hoài cổ này, không biết bao lâu nữa, khi chiều xuống, người ta sẽ thấy có người thắp những ngọn đèn lồng trên đường phố Paris ?
Người đẹp đánh giày trong Chợ “Au Bon Marché »
Đúng vậy . Đó là một phụ nữ người Pháp lối 30 tuổi, khá đẹp, dáng người mảnh khảnh, mở cửa hàng đánh giày chiếm một góc khá rộng giữa những gian hàng giày ở từng -1 của Chợ Au Bon Marché tọa lại ngay trung tâm Paris (Au Bon Marché là cửa hàng lớn đầu tiên của Paris bán đồ dùng, trang phục và thực phẩm, lập ra năm 1838, sau mở thêm lớn) . Năm rồi, TV Pháp có làm một thiên phóng sự giới thiệu nghề đánh giày trở lại.
Gần đây, báo Pháp giới thiệu Cô Julie, không phải là thợ đánh giày, mà là một chuyên viên thẩm mỹ về da đang hoạt động trong Chợ Au Bon Marché . Một buổi sáng, Cỏ May tới tìm Cô Julie cho biết . Đã biết ở từng -1 nhưng Cỏ May đã mất khá nhiều thì giờ đi loanh quanh vì cửa hàng rộng lớn . Sau cùng phải hỏi nhơn viên an ninh ở từng đó mới tới được nơi làm việc của Julie.
Cô ngồi dựa lưng vào bức tường, trước mặt bày dụng cụ và nhiều loại xi-ra trên một cái tủ nhỏ nhưng rất đẹp . Trên tường, chỗ Cô ngồi, có treo 1 bảng thời biều làm việc . Trước mặt của Cô, hai chiếc ghế dành cho khách hàng . Trên cao, có một tấm bảng gỗ lớn trên đó treo những mẩu gỗ (embauchoirs) . Khi khách hàng tới, đưa giày cho Cô đánh, cô nhận đôi giày và chọn đôi mẩu lắp vào giày để cầm lên, đánh cho dễ vi không có chiếc ghế cao dành cho khách hàng ngồi, đưa chân ra, như ở nhiều nơi khác .
Đánh một đôi giày mất lối mươi lăm phút, giá 5e . Đôi botte, giá 7e .
Việc làm của Cô Julie rất cẩn thận, dễ làm hài lòng khách hàng . Ngồi nói chuyện với Cô, Cỏ May thấy khá nhiều khách hàng tới lấy giày đánh xong .
Cỏ May để ý thấy lúc đánh cho bóng, Cô thường ấn cái nút của một bình nhỏ trước mặt để cho nước trong đó xịt ra vào tay của Cô . Tò mò, Cỏ May hỏi có phải dầu không ?
-Không . Nước .
Cỏ May chợt nhớ lại các cậu bé đánh giày trên vỉa hè Sài gòn trước kia cũng đang đánh bóng, vừa ngưng lại, chu miệng, phun phuỵt một cái để lấy nước miếng thấm xi-ra làm cho da bóng lên . Kể lại cho Julie nghe. Cô nàng gật đầu cười, vừa bảo “ Đúng như vậy” !
Hỏi mỗi tháng, Julie kiếm được bao nhiêu . Cô cười, xin miễn trả lời .
Cỏ May bảo theo Cỏ May biết thì mỗi tháng kìếm đươc lối 1500e, có đúng không ?
-Đã trả lời dùm rồi .
Đánh giày ở Sài gòn thịnh hành nhứt là lúc còn Tây . Ở Cần Đước, một quận của Tỉnh Chợ lớn, có một thanh niên con điền chủ đi Tây du học . Ông chỉ học hết chương trình Đệ Nhứt Cấp, chưa kịp thi bằng Brevet Élémentaire, thì nghỉ học nhưng vẫn ở lại Pháp vì chưa tới ngày hồi hương . Muốn về trước, phải mua vé tàu khác .
Mỗi ngày bạn bè đi học thì ông vào Café vừa trốn lạnh, vừa chơi bi-da hoặc đá banh bàn . Lúc bấy giờ ở Pháp, có Café Celtique là nơi tập trung thanh niên, sinh viên, học sinh trốn học . Riêng công tử Cần Đước thích ngồi uống café, đưa chơn cho Tây đánh gìày. Mỗi ngày, ông cho đánh giày ít nhứt 2 lần . Hỏi tại sao?
Ông cười “ Trả thù Tây bắt trẻ con Việt nam ở Sài gòn đánh giày cho tụi nó ”!
Đánh giày ngày nay ở Sài gòn
Sài gòn có 3 ngưòi đánh gìày nổi bật thu hút không ít sự chú ý của dư luận . Người thứ nhứt làm xúc động sâu xa sự thương cảm của người trông thấy . Một thanh niên nghèo khó, bị tật nguyền ( câm), lê lết trên vỉa hè đánh giáy kiếm sống qua ngày . Gia tài của anh chỉ có hộp đồ nghề bằng gổ . Anh dành một chổ trong cái hộp làm nhà cho người bạn chí thân của anh, luôn luôn theo sát anh, đó là một con chó nhỏ .
Người thứ hai là một trung niên, tên Nguyễn Hồng Vương, y phục chỉnh tề, đi xe đạp, với thùng đồ nghề dán hai chữ kẻ lớn “ Ghét Ẩu ” . Như vừa là “ thương hiệu ”, vừa là “ Khẩu hiệu ” nói lên tôn chỉ đạo đức nghề nghìệp của anh .
Từ sáng sớm tới hơn 10 giờ, anh hành nghề đánh giày trên đường phố Sài gòn . Sau đó, anh về nhà thay y phục, đi làm nghề môi giới địa ốc . Anh giử nghề đánh giày vì anh yêu nghề này .
Nguyễn văn Phúc là người thứ ba làm nghề đánh giày vì mồ côi sớm, gia đình nghèo khó . Vừa đánh giày, vừa đi học . Anh tốt nghìệp Đại Học Báo chí, làm diễn viên Điện ảnh cho Đài TV6 . Việc làm và đời sống ổn định nhưng thỉnh thoảng, anh vẫn xách hộp đồ nghề trở lại vỉa hè quen thuộc, đánh giày . Anh làm để thỏa mãn nỗi nhớ nghề, vừa tự nhắc nhở bản thân không được quên một thời cơ cực !
Nhưng nghề đánh giày ở Sài gòn bị biến mất không vì không có khách hàng hay bị nhà cầm quyền dẹp để giữ vẻ đẹp thành phố mà vì người ta không dám đánh giày . Giới đánh giày chuyên nghiệp khá phức tạp . Khách ngồi ăn hay uống nước trong tiệm, các cậu xách thùng đồ nghề tới mời đánh giày . Dĩ nhiên khách chỉ cần gác chân lên quai thùng, cậu bé ngồi xổm xuống đất đánh . Để đánh cho đều, cậu ta phải mở giây cột giày ra . Thừa lúc khách hàng kịp thoáng lơ đễnh, cậu ta lột ngay chiếc gìày, xách hộp đồ nghề bỏ chạy . Khách không thể rượt theo vì chỉ còn một chiếc giày trong chân .
Nhưng mươi phút sau, có một cậu nhỏ khác tới thưa “ Cháu thấy chiếc giày của bác liệng ở chỗ kia . Bác cho cháu 100 000 đồng, cháu lượm đem lại cho bác ” .
Khách phải vui lòng đưa 100 000 đồng chuộc lại chiếc giày của mình và khỏi trả 5000 tiền đánh giày !
Dưới thời thực dân đô hộ, chuyện này chưa từng xảy ra.
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
“Khách phải vui lòng đưa 100 000 đồng chuộc lại chiếc giày của mình “. Tác giả Nguyễn Thị Cỏ May .
Xã Hội Chủ Nghĩa Xã Hội Cướp Ngày !