Dân chủ thực hữu
Tại sao chúng ta chọn thể chế Dân chủ – Tự do – Nhơn bản, lý tưởng tổ chức quốc gia của các nước dân chủ Tây Âu và Bắc Mỹ làm định hướng cho Việt nam tương lai?
Câu trả lời bộc phát đơn sơ mà ai trong chúng ta cũng thấy được, đó là từ sau năm 1989, thể chế và ý thức hệ cộng sản hoàn toàn sụp đổ qua trên 70 năm, đã làm phá sản Cộng hòa Liên bang Sô viết và các quốc gia Đông Âu. Con đường còn lại duy nhứt hiện nay để các tổ chức đưa các quốc gia đến Dân chủ – Tự do – Nhơn bản và thạnh vượng là con đường mà người Tây Âu và Bắc Mỹ đã và đang đìều hành các quốc gia tiến bộ và thạnh vượng của họ.
Câu trả lời kể trên đúng, nhưng đơn sơ. Người ta có cảm tưởng dường như chúng ta chọn điều còn lại, sau khi những điều gì chúng ta có thể chọn đều bị sụp đổ tiêu tan. Chúng ta chọn con đường Dân chủ – Tự do – Nhơn bản của các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ không những chỉ có vậy, mà còn chọn lý tưởng của một nền văn minh thể hiện và được ghi thành văn bản từ trên 2000 năm nay.
Tôi xin trích dẫn:
“Chúng tôi xác nhận rằng các chơn lý sau đây là những chơn lý hiển nhiên và không ai có thể chối cãi được:
- Tất cả mọi người được dựng nên bình đẳng như nhau.
- Tất cả đều được Đấng Tạo hóa ban cho một số quyền bất khả nhượng.
Trong các quyền nầy, quyền được bảo toàn mạng sống, quyền tự do tìm kiếm hạnh phúc là những quyền thượng đẳng.
Để bảo đảm cho mọi người đều được hưởng thụ các quyền vừa kể, nhơn loại thỏa thuận với nhau là quyền hành hợp lý của chánh quyền xuất phát thành phần dân chúng bị trị”
(Tuyên ngôn độc lập Huê kỳ 1776)
“Các đại diện của dân tộc Pháp, hiện đang hợp thành Hội đồng quốc gia, nhận thức rằng chính sự kém hiểu biết, sự quên lãng, và thái độ khinh thị đối với các quyền của con người là những lý do duy nhứt đưa đến các đại họa công cộng cũng như sự thối nát của chánh quyền.
Các đại diện đồng thanh long trọng tuyên bố rằng các quyền của con người do thiên phú, bất khả nhượng và cao quý. Các vị đồng quyết định ghi các quyền vừa kể vào một bản tuyên ngôn nầy luôn luôn hiện diện trong tâm khảm mọi thành phần cộng đồng xã hội.”
(Tiền đề Tuyên ngôn Nhơn quyền và Quyền công dân cách mạng Pháp quốc 26/08/1789)
Từ năm 1776 dân chúng Huê kỳ và từ năm 1789 dân chúng Pháp và Âu châu không ngừng kiện toàn và hoàn hảo hóa thể chế tổ chức quốc gia theo lý tưởng cao cả được ghi trong hai bản Tuyên ngôn vừa kể.
Đó mới là lý do chánh đáng cho chúng ta chọn nền văn minh Dân chủ-Tự do-Nhơn bản của các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cho quê hương thân yêu của chúng ta.
3- Hai bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Huê kỳ và Tuyên ngôn Nhơn quyền và Quyền công dân cách mạng Pháp 1789 là hai bản đánh dấu khởi điểm các ước vọng dân chủ, tự do, nhơn bản, các quyền gắn liền với bản tánh nhơn loại của con người để “sống người cho ra ngườỉ ” được ghi thành văn bản có hệ thống. Những ước vọng của con người có được cuộc sống “người cho ra người ” hay Nhơn quyền luôn luôn hiện hữu ngay từ lúc con người hiện diện trên mặt đất, tiềm tàng trong bản tánh nhơn loại của con người.
Ngay trong Thánh kinh:
“Thiên chúa dựng con người giống hình ảnh Ngài” (GN 1:27)
Con người được ban trí khôn ngoan và tự do phản ánh trí khôn ngoan của Thiên chúa. Thánh kinh của Ki Tô giáo ghi lại cho chúng ta “ước vọng nhơn bản” của con người.
Nền văn minh La Hy cũng cho chúng ta những dấu vết tương tự:
- Démokratia (do Démos = dân chúng Kratos = quyền hành) tức là quyền hành thuộc về dân chúng hay Dân Chủ.
- Isonomia (do Isos = như nhau Némos = luật lệ) Luật lệ như nhau, cho tất cả mọi người hay “Mọi người bình đẳng trước pháp luật”.
- Isegoria (do Isos = như nhau Agoras = cộng đồng) mọi người đều như nhau trong cộng đồng nhóm họp để quyết định thể thức và hành động liên quan đến cuộc sống trong Thị xã (Polis). Hay mọi người đều có quyền phát biểu như nhau trong cộng đồng hay “Tự do ngôn luận”. Cách tổ chức và điều hành cuộc sống trong “Thị xã” (Polis) được người Hy lạp cổ dùng từ ngữ phát xuất từ thị xã (Polis) để phát biểu đó là politico (politica, politique= đường lối chánh trị).
- Và người La tinh cho rằng đường lối tổ chức trong thị xã, đường lối tổ chức thành thị xã (Civis) có khả năng tạo ra cuộc sống văn minh (civilis).
Những từ ngữ nói trên để chứng minh ước vọng Dân chủ-Tự do-Bình đẳng đã là những ước vọng sâu xa của con người.
- Các quốc gia Tây Âu, Bắc Mỹ qua các thăng trầm của lịch sử luôn luôn tìm cách kiện toàn và hoàn hảo hóa các ước vọng dân chủ của mình qua các văn kiện hệ thống pháp luật. Quốc gia Pháp trị ra đời (Etat de droit).
- Tuyên bố độc lập 1776 của Huê kỳ rồi đến Hiến pháp Philadelphia 1787 cùng 27 tu chánh án đã nói lên sự cải chánh liên tục của nền dân chủ Huê kỳ.
- Tuyên bố Nhơn quyền và Quyền công dân cách mạng của Pháp đã đem đến trên 12 bản Hiến pháp, tu chánh hiến pháp để dẫn dắt quốc gia này đến ngày hôm nay.
- Sau Đệ nhị Thế chiến chúng ta còn nhận xét có những quốc gia như nước Đức phải làm lại một bản Hiến pháp – Hiến pháp cộng hòa Liên bang Tây Đức 1949, rồi Hiến pháp cộng hòa Liên bang Đức 1991 – hoàn hảo hơn, hợp thời hơn.
Nhưng xét qua tất cả những bản Hiến pháp Tây âu hay Mỹ chúng ta rút tỉa ra những nét cơ bản sau đây:
1/ Điạ vị tối thượng của con người trong tổ chức quốc gia.
2/ Nền Dân chủ thực hữu (démocratie substantielle)
3/ Tự do tích cực (liberté positive) và
4/ Dân chủ tham dự (démocratie participative)
***
1/ Địa vị tối thượng của con người:
Tuy không phải là đề tài của bài này, nhưng chúng ta cũng nên xét đến vì đấy là cơ bản của một nền dân chủ. Thí dụ:
Trong phần Tiền đề (Préambule) Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã dành 19 đìều lệ để nói đến các quyền căn bản của con người – Hiến pháp 1947 của Ý đại lợi dành 11 điều cho “địa vị con người ” và 16 đìều khoản cho cho các quyền bất khả xâm phạm của con người (13 – 28)
2/ Dân Chủ Thực Hữu
Thể chế dân chủ quốc gia được các Hiến pháp nêu lên ngay từ đầu hoặc ở Tiền đề hoặc ở các điều 1 hoặc 2:
“Quyền tối thượng quốc gia thuộc về dân chúng – Dân chúng hành xử quyền tối thượng theo hình thức và trong giới hạn của Hiến pháp ”
(Điều 1, đoạn 2 Hiến pháp 1947 Ý quốc)
Cũng vậy, quyền tối thượng của quốc gia thuộc về dân chúng. Vì thế thể chế dân chủ được Hiến pháp CHLB Đức long trọng tuyên bố ở đìều 20, cùng một điều khoản được dùng để định nghĩa bản thể và tổ chức quốc gia, sau khi đă dành 19 điều đầu tiên của HP để nói đến nhơn phẩm, quyền và tự do của con người.
“ … Mọi quyền hành của quốc gia đều phát xuất từ dân chúng. Quyền hành quốc gia được dân chúng hành xử qua các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý, và qua các cơ quan chuyên biệt của quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ”
(Điều 20 đoạn 2 HP CHLB Đức 1947)
Còn nữa, Hiến pháp cũng có nhiệm vụ xác định thể thức làm thế nào để người dân trao quyền của mình cho những người đại diện, để họ hành xử thay mình. Bởi lẽ nếu thể thức trao quyền, khi được xác định một cách minh bạch và công bình, những người được coi là đại diện “cơ quan chuyên biệt của quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ” hay nói theo Hà nội và Hiến pháp CHXHCN Việt nam “…..đội ngũ tiền phong của nhơn dân, nông dân và của cả dân tộc …” có thể tước quyền của người dân và hành xử một cách bất chánh.
Thể thức đó được Hiến Pháp 1949 của Đức xác định:
“Các dân biểu Hạ viện được tuyển chọn qua các cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín”
(Điều 38 HP CHLB Đức 1949)
Và sau khi xác định thể thức chuyển giao quyền hành, phương thức và giới hạn hành xử theo Hiến pháp ấn định, chánh thể dân chủ vẫn chưa được coi là kết thúc. Vì, ai có thể bảo đảm cho giới thừa hành được dân chúng trao quyền là những người liêm chánh, hiệu năng, hành quyền theo luật chánh đáng không lạm quyền?
Nói một cách khác, làm sao dân chúng có thể kiểm soát được hành vi của kẻ thừa hành?
“Nếu chánh phủ thiếu hiệu năng hoặc lạm quyền, Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng và yêu cầu Tổng thống giải tán chánh phủ”
(Điều 67 HP 1949 CHLB Đức) .
“Nếu Hạ viện không chu toàn nhiệm vụ mình, Tổng thống có thể giải tán Hạ viện trước định kỳ”
(Điều 68 HP1949 CHLB Đức)
“Nếu Chánh phủ , Hạ viện lạm quyền ban bố các Đạo luật bất chánh, vi hiến, chỉ cần chánh phủ một Tiểu bang, 1/3 số dân biểu của Hạ viện hay ngay cả bất cứ một cá nhơn nào đệ đơn đến Viện Bảo Hiến, thành phần hành xử lạm quyền sẽ bị Viện Bảo Hiến phán quyết”
(Điều 93 HP 1949 CHLB Đức)
Ngay trong Hiến pháp ấy của Đức cũng có một Điều lệ (Điều 45) quy định thành lập một Ủy Ban Thường Trực Bảo Vệ Nhơn Quyền tại Hạ Viện (Wehrbeauftrage) để kiểm soát mọi hành vi gây tổn thương đền quyền và tự do của người dân.
Dân chủ là vậy. Dân chủ không chỉ có nghĩa là tuyên bố là người dân làm chủ, mà người dân có phương thế hữu hiệu để trao quyền cho các người đại diện, kiểm soát cách hành xử quyền hành của họ để định chuẩn hiệu năng và theo đúng đường lối Pháp định.
Đó là Dân chủ thực hữu.
- Dân chủ thực hữu là dân chủ được áp dụng theo dõi và thi hành Người làm luật buộc người cầm quyền phải có ý chí “quyết tâm thi hành ” (la volonté d’action).
Việt nam tương lai phải có một Hiến pháp mà ngoài những tuyên bố trong những điều khoản phải được thực hiện thực sự trong thực tế.
- Tinh thần biến những điều khoản được tuyên bố trên lý thuyết (formel) thành những quyền và tự do được thể hiện trong thực tại được các nhà hiến pháp học ( constitionnalistes) gọi là tinh thần dân chủ thực hữu (démocratie effective ou démocratie substantielle).
Để biểu hiện tinh thần ấy, bản Hiến pháp phải tiên liệu các điều kiện và phương tiện để các điều tuyên bố được áp dụng:
Thí dụ: Hiến pháp 1949 của CHLB Đức:
“… Các quyền căn bản được kể sau đây (quyền tự do căn bản của con người từ đìều 1 đến điều 20) có giá trị bắt buộc đối với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như những quyền bắt buộc trực tiếp”
(Điều 1 đoạn 3 HP1949 CHLB Đức)
- Tinh thần Dân chủ Thực hữu là sự cố gắng áp dụng thể chế dân chủ (la volonté d’application de la démocratie) sẽ được đo lường bởi một bộ Luật Công pháp (Droit Public), và quan trọng hơn bởi một Tòa Án Công Pháp (Tribunal de Droit Public). Người dân có quyền “kiện” và bị cáo sẽ là những cơ quan quyền lực quốc gia không làm tròn bổn phận bảo đảm các quyền lợi người dân.
- Thực hữu, là phải tạo đìều kiện cho người dân được hưởng các quyền và tự do của mình.
“Bổn phận của quốc gia là gạt bỏ đi những chướng ngại vật về phương tiện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, ngăn cản không cho người dân phát huy triển nở toàn diện con người của mình và tham gia thiết thực vào tổ chức chánh trị, kinh tế và xã hội của xứ sở mình”
(Điều 38, đoạn 3 Hiến pháp 1947 Ý)
- Thực hữu, là có một Hiến pháp quy trách cho quyền lực quốc gia. Nếu người dân không được hưởng những quyền bình đẳng cũng như những “quyền đã được Hiến pháp liệt kê” người dân sẽ quy trách nhiệm cho quốc gia. Nếu Lập pháp (Quốc hội) không thừa hành, Quốc hội có thể bị Tổng thống giải tán, nếu Hành pháp không hoạt động hữu hiệu, chánh phủ có thể bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm (chánh phủ giải tán, nội các từ chức)
Hiểu như vậy, quốc gia không thể nói suông “tự do – dân chủ – bình đẳng theo Hiến pháp và Luật pháp quy định ” mà chính quốc gia phải bắt buộc mình, tức là các cơ quan chánh phủ phải tạo ra những điều kiện thuận lợi về luật pháp, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, tổ chức đoàn thể, hiệp hội, .. để con người, người công dân có phương tiện thực hữu hưởng các sự tự do của mình, để phát triển cá nhơn mình, và cộng tác xây dựng một quốc gia tiến bộ và phú cường cho chính mình.
Dân chủ thực hữu là vậy.
Kết luận:
Cá nhơn phục vụ cộng đồng, Cộng đồng hỗ trợ cá nhơn. Lấy sự cách biệt phục vụ cho sự thống nhứt. Liên bang phục vụ thống nhứt hành chánh quốc gia (La différence au service de l’unité. Le fédéralisme au service de l’unité étatique).
Dân chủ là chấp nhận mọi khía cạnh, mọi cách biệt, từ sắc dân ( nationalité) tôn giáo, nét đặc biệt từng vùng (originalité régionale) tạo ra do địa dư (géographie) hay do thiên nhiên (écologie) để có một mẫu số đơn vị hành chánh chung (une administration commune dans la reconnaissance des différences).
Bởi bối cảnh Việt nam sau 100 năm đô hô thuộc địa đã chia cách đất nước làm 3 kỳ với những đặc biệt khác nhau và 50 năm đô hô cộng sản đã chia rẽ Thượng Kinh và hận thù Quốc Cộng. Xóa bỏ, gạt san bằng những hố cách biệt ấy là một việc làm cần nhiều thời gian mà luật pháp không thể sửa đổi được, nếu không có một tổ chức hành chánh vững chắc, hữu hiệu thật sự – với một tinh thần dân chủ thực hữu – với một bộ Luật công pháp – một Tòa án Công Pháp – một bộ Luật Hành Chánh – một Tòa án Hành chánh và một thể chế Liên Bang (K iểu Thụy Sĩ ?, kiểu Đức?) với những cách nhìn thực hữu trong mọi giải quyết vấn đề, quyền công dân, quyền con người, liên hệ con người và công dân, liên hệ công dân và cơ quan cầm quyền vân vân …
Nhưng căn bản vẫn là:
“Chủ quyền thuộc về Dân, quyền ấy đưọc hành xử qua những người đại diện, hoặc theo trưng cầu dân ý, quyền đầu phiếu, bỏ phiếu phải phổ thông , bình đẳng và kín”
(Le principe de la “Souveraineté ” nationale appartient au peuple, qui l’exerce par l’intermédiaire de ses représentants soit directement soit par voie de referendum).
(Art 3 alinea 1 Droit Constitutionel France 1958, Điều 3 đoạn 1 Hiến Pháp 1958 Pháp)
- Để kết luận, và cũng để bổ túc tinh thần Dân chủ thực hữu, chúng tôi xin được trích dẫn một câu của vị thầy Luật Hiến pháp của chúng tôi vào đầu những thập niên 60 ở Institut des Sciences politiques Paris, thầy Georges Burdeau:
“Nhà nước là người trừu tượng và thường trực của quyền lực chánh trị mà những người cầm quyền đều là những nhơn viên hành sự tạm thời”
(L’Etat est le titulaire abstrait et permanent du Pouvoir dont les gouvernants ne sont que des agents d’exercice essentiellement passagers).
(Georges Burdeau, Droit Constitutionel et Institutions Politiques. Paris 1974 Librairie Général de Droit et de Jurisprudence).
© Phan Văn Song