Thương quá Việt Nam
Sẽ có người bảo: Đất nước ta rừng vàng, biển bạc, sông núi, đất đai phì nhiêu, lại thêm lịch sử hơn 4000 năm văn hiến dựng nước và giữ nước… chỉ ngần ấy mảng đề tài thôi cũng để ngài tô, vẽ cả đời không chán.
Suy tưởng của không ít người là: Đất nước này là một đất nước hoàn mĩ. Và đương nhiên con người của xứ sở này cũng phải hoàn mĩ theo. Hai cái hoàn mĩ ấy hòa chung lại tất chúng ta sẽ có một bức tranh đại hoàn mĩ?! Nhưng thực tế chỉ ra một điều: Không có một dân tộc nào được coi là hoàn mĩ cả. Ví thử như nước Đức thời trước và trong đại thế chiến thế giới thứ 2 – một dân tộc được coi là thượng đẳng và thuần khiết nhất thế giới… vậy nhưng cũng để lại một kết cục bi thảm cho nhân loại và cũng tạo nên một vết nhơ lịch sử không thể chối bỏ.
Một dân tộc thượng đẳng còn vậy, huống hồ một nước nhược tiểu như Việt Nam hẳn có nhiều điều cần bàn cãi? Hãy gác qua những gam, những mảng màu xám và của lịch sử quá vãng để trở về thực tại với đất nước và con người Việt hiện đại. Phải, đã có lúc người ta đã thúc… nòng súng vào đít nhau để tự gào lên: Chỉ trong một vài năm nữa thôi Việt Nam chúng ta sẽ trở thành con này, con nọ của Châu Á…v.v. Và… để rồi sau một chặng dài hò hét tới đứt hơi, xẹp lép cả hai lá phổi nhưng vẫn thấy con… Việt Nam tụt lùi một cách hoành tráng. Sẽ có người lại hét toáng lên, bảo: – Láo khoét! Các anh đui à? Việt Nam đang từng ngày, từng giờ thay da, đổi thịt.
Những giấc mơ ngàn xưa (“ai ai cũng có cơm ăn. Ai ai cũng có quần áo để mặc. Ai ai cũng được học hành…”. Rõ khốn nạn! Bây giờ cơm gạo một nắng hai sương, trắng ngần mà có đứa nào nó thèm hốc đâu. Quần áo thì nó còn xé toang, xé nát, rồi để vú vê, mông, rốn thỗn thệ để đi ra đường. Còn học hành thì thằng nào thằng đó cũng rủng rỉnh dăm ba cái bằng đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư…. Vậy nhưng hễ… rặn ra công trình nào là công trình ấy không đổ nát cũng như chó… ỉa vãi) đang dần dần trở thành hiện thực. Hiện thực? Phải rồi, tại sao ta không đặt một câu hỏi cho một hiện thực Việt Nam? Đất nước ta phải không? – Sông dài, biển rộng, rừng vàng, biển bạc, sông núi phì nhiêu, đất đai màu mỡ. Con người Việt Nam phải không? – Chịu thương, chịu khó, chăm chỉ, cần mẫn, thông minh hơn người… Khốn nạn! Hai chữ “thông minh“ luôn bị đẩy tọt xuống hàng đội sổ, để rồi sự “cần cù“, “chăm chỉ“ luôn được đổ đồng bằng hai từ: Phá Hoại. Nhưng thôi, sao ta không nhìn đất nước ở một gam màu sáng hơn nhỉ? Nhưng thực tế lại chỉ ra rằng: Dẫu ai đó cố tình kéo ngược cái gam màu sáng ấy lên hàng vô cực thì cái thực tế một Việt Nam hiện thực vẫn không hề thay đổi.
Đúng! Đất nước này đang chuyển mình nhưng đó là sự chuyển mình của những rừng cây, những nguồn tài nguyên, khoáng sản đang không ngừng bị tàn phá, thiêu trụi, chia chác, bán rẻ; Của những sông núi, ao hồ, kênh rạch… đang từng ngày, từng giờ bị hủy diệt bởi khí, nước thải công nghiệp; Của những khu đô thị sang trọng, những khu công viên, những nhà nghỉ mát, những sân golf hiện đại, những cơ sở, xí nghiệp liên doanh… mọc lên như nấm, thay thế cho màu xanh của những lũy tre làng cùng những tiếng reo vui của những người nông dân những ngày vào vụ… Để rồi những người từng làm ra hạt thóc, nhiều nơi lại phải ngửa mặt kêu trời, hoặc rồng rắn kéo nhau, đội đơn đi kiện. Nhưng kiện ai hả giời? Một đất nước mà trên nói dưới chẳng nghe. Luật cũ ban ra chưa thông, chưa kịp triển khai, đưa vào cuộc sống thì luật mới đã lại ban hành. Vậy là cũ-mới hỗn độn như mớ bòng bong, để rồi những người dân khi cần đến chức pháp chỉ còn biết than thở, phó thác vận mệnh của mình nổi trôi như phận bọt bèo… Vả lại kêu thì kêu thôi ngài ơi, chứ “tiền đã trao, cháo đã múc“, dẫu là cháo đặc, cháo khê, cháo vơi, cháo loãng thì cũng cố chợn ngược mắt lên mà… nuốt, chứ để tụi nó giật nốt cả miếng cháo loãng nữa thì chỉ có nước vào… lăng viếng Bác. Người đời bảo: Gạo thổi thành cơm! Ý nói chuyện đã rồi, đằng này lại thành cháo, mà cháo “made in Vietnam“ thì biết kêu ai? Cái giá của sự chuyển mình là thế.
Đất nước là vậy, còn con người? Khỏi cần nói ai cũng nhận ra: người Việt ta đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt – Tốc độ “@“ nó phải vậy. Để rồi… không ít người lại phải than thở, ước ao: Bao giờ cho tới ngày xưa? Nghịch cảnh chưa hả giời? “ngày xưa“ là gì vậy? Là nhà ngói cây mít? Là cái xà cột bạt chuột nhấm, bạc phếch đeo ngang sườn? Hay là cái đài “bê-lê-ông-tông“ treo lủng lẳng ghi-đông xe đạp Thống nhất “đểu“? Hay là cơm hẩm, gạo, mì bò lổm ngổm những mọt? Hay là những bữa đại tiệc tự chế từ những hạt “bo bo“ dành cho gia súc? Hay những bữa cơm trộn 2/3 lổn nhổn sắn, khoai, rồi tới bữa ăn thì ông, bà, bố, mẹ, con, cháu ai cũng giả bộ no nê để kẻ nhường, người nhịn và kết cục là ai cũng no một bụng hơi? Hay là cảnh những hàng người hốc hác, nhếch nhác, chen chúc, sấp ngửa, nhốn nháo xếp hàng để chờ mua “khẩu phần“ theo tem phiếu?…v.v…
Vâng, cái “ngày xưa“ ấy một thời đã có không ít người ngợi ca nó, gọi đó là “đỉnh cao muôn trượng“ để rồi càng phi nước kiệu, càng bước lên cao bao nhiêu dân tình càng cảm thấy đầu thì lơ lửng, thân hình thì bủng beo bấy nhiêu. – Khốn nạn chưa hả giời! Ai đời lại đi tốc ngược một quá khứ oai hùng lên để mổ sẻ nó bao giờ.
Người ta gọi đó là hiện tượng suy dinh dưỡng cấp đó ngài ơi. Nghĩa là những thằng người của xứ sở ấy không có của gì để đổ vào miệng nên thằng nào, thằng ấy đều miệng vêu, mắt hốc, chân tay thì phù nề, nhìn nhau chỉ thấy màu lập loè của … đom đóm nên cứ ngỡ là chúng mình cùng béo tốt cả. Thực tình thì chúng mình, chúng tớ – gọi chung là: Chúng Ta đều là những lực sĩ đạt tiêu chuẩn suy… dinh dưỡng cả.
Không lẽ người Việt ta lại mơ về những “ngày xưa“ ấy? Thực tế chỉ có những kẻ tâm thần phân liệt mới đi làm chuyện ngược đời đó, bởi đó là một quá khứ thảm thương, hãi hùng của một dân tộc sau mấy chục năm làm người hùng suy dinh dưỡng, tự dùng tay nọ, đập nát tay kia tới cạn kiệt hơi sức mới ngoi ngóp thoát ra khỏi chiến tranh. Chiến tranh – Đã có lúc người ta dùng nó như một lá bùa cứu mệnh, hay như một bình phong để che giấu những hành vi xuẩn ngốc, hủ lậu, bạc nhược, hợm dị của chính mình… và chẳng lẽ lại nhắm mắt để ôm vào những thứ của nợ đó? Nhưng không lẽ người Việt lại dang tay, nhắm mắt chấp nhận sự hiện tồn của cái mới? Cái mới đích thực đã ập lên mảnh đất nhỏ bé này, chỉ tiếc rằng cái được cho là mới ấy lại chính là những cái (nhiều khi là cặn bã) mà những quốc gia khác đang tìm mọi cách để thanh lọc, tẩy trừ, vậy nhưng ở Việt Nam lại được người ta “Warm Welcome” để rước vào cửa… hậu. – Bậy nào! Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?* Quả nếu nhìn vào bề nổi của xã hội Việt đương thời nhiều người sẽ không khỏi kính cẩn nghiêng… rồi giật thót mình.
- Gay quá! Dân Việt hình như đang sống gấp.
- Tuổi trẻ đất Việt hình như chỉ mê đắm trong chích choác, hưởng thụ.
- Học sinh thuộc tên Game và chơi Game giỏi hơn thuộc bài.
- Người Việt thuộc, rành địa danh, lịch sử Tàu hơn lịch sử Việt.
- Các “cụ“ bây giờ hình như chỉ lo „áp phe“, mánh mung, bồ nhí và tiêu, phá “tiền chùa“.
- Nông dân Việt Nam đã không còn nhiệt huyết với nghề nòng cội.
- Đô thị hoá nông thôn đang biến những làng quê êm ả, chất phác trở thành dị hợm, với nhan nhản những ổ ăn nhậu, những tập thể „ca ve“ lượn như ong vỡ tổ (tập thể trong xã hội Việt luôn là một khuân hình hoàn… hảo).
- Quán xá, trường sở, nơi công cộng, phố phường, ngóc ngách… nơi nào cũng thấy lấp ló những băng đảng, những “anh-chị“, những “mámi“, những chàng trai, cô gái mặt bấm ra sữa, nhưng ăn chơi, đâm chém, chích choác thì những tay anh chị của xứ tư bản còn phải xách dép…v.v.
Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để mọi người phải cân nhắc thiệt-hơn. Dào ơi! Ngài là chúa lo xa. Đã bảo làm cách mạng thì đừng so đo chuyện giá cả (ngày xưa ai đó chẳng từng nói: “Cho dù có phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải giành cho được độc lập“. Vậy nhưng ngày nay hễ nói tới hai chữ độc lập hoặc là người dân ngồi gà gật; hoặc đánh bài lảng, còn không ai cũng có cảm giác nổi da gà). Nhưng thôi, cứ cho là vậy đi để các đại triết gia phải mất công bàn cãi, nhưng… cái giá phải trả dường như đang đẩy đất nước và con người của xứ sở này đến bờ vực thẳm. Không thể nói: Đó là định mệnh! Bởi nhân định thắng thiên. Nhưng có lẽ ở một nơi rất xa, xa lắm sẽ có không ít người cười khẩy và bảo rằng: Ngài ơi, đó là dòng chảy của nhân loại. Ngài cứ thụt thụt, thò thò thì nó sẽ cuốn phăng ngài đi. Chi bằng ta cứ nhắm mắt lại, nhảy đại xuống. Ngài không biết bơi phải không? Đã chết ai nào? Bất quá ta làm căng bụng nước rồi cứ lềnh phềnh để cho nước cuốn trôi, biết đâu chả tìm được một khúc nào đó màu mỡ, ẩn đại nơi đó, không tốt hơn sao? Cái triết lý của người Việt là thế. – Đường thẳng ư? Đừng nghe! Dài lắm. Gập ghềnh, mông lung lắm ngài ơi.
Dân Việt mình sức bé, nhẹ cân không đủ calo để “chiến“ đâu, sẽ cụt hơi trước khi về đích đấy. Vậy là người nọ tự nhủ, người kia cũng tự nhủ, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, không ai bảo ai, trăm người như một, cả dòng người hò nhau, luồn, lách theo một con đường tắt với đủ mọi toan tính trong đầu… để rồi đích đâu chẳng thấy, chỉ thấy trước mặt là chông chênh bờ vực thẳm…
Hòa vào dòng chảy nhân loại? – Không sai, chỉ có điều nhân loại ai cũng cố tìm cho mình một dòng nước trong xanh, mát mẻ, còn người Việt? Đất Việt? Sẽ trôi nổi về đâu?
© Việt Hà
© Đàn Chim Việt
———————————————–
Ghi chú
* Tên một bài thơ của Chế Lan Viên