Giấc Mơ Hồi Hương
Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn em mờ trong mây khói
Bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ em… Hà Nội ơi
Ta nhớ tới em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thưa
Lắng tiếng tiêu hồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước …
mối duyên hờ đã phai mờ trong bóng đêm mơ hồ
Ta nhớ thấy em một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi
Lắng tiếng uy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm …dài
Lìa xa thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn em mờ trong mây khói
Bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn phương
Ta hướng về chốn sa trường
Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương
Để cùng xây giấc mơ hồi hương
(Vũ Thành)
“Cháu để nhạc tiền chiến cho bác nghe nhé!”
“Cám ơn Thái Anh, cho mình nghe nhạc vàng (miền Nam).. Tuấn Ngọc hay Khánh Ly gì cũng được…”
Tôi lục mấy đĩa CD, thấy CD Tình Hoài Hương của Ngọc Hạ, vội bỏ vào máy. Dòng nhạc trữ tình trỗi lên. Âm thanh trong vắt và cao vút thoát ra từ cặp loa Summit của Martin Logan như đem người hát đến với hiện thực. Ampli bóng của Conrad Johnson ấm và ngọt ngào qua lời ca của Ngọc Hạ làm xiêu lòng người chiến sĩ lão thành miền Bắc, một nhà báo kỳ cựu của Quân Đội Nhân Dân ngày nào.
Ông Bùi Tín đong đưa theo điệu nhạc, mắt mơ màng như tìm về khoảng không gian thân yêu của một thời vàng son nào. Tôi bước lên lầu trả lời điện thoại, khi trở lại phòng khách, bác Bùi Tín hỏi:
“Cháu cho bác nghe lại bài vừa rồi được không?”
Tôi nhìn số bài hiển thị trên máy rồi nhìn lướt qua vỏ CD: Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành, bài thứ 5. Khi Ngọc Hạ hát đến câu ‘Nghẹn ngào thương nhớ em…Hà Nội ơi!” tôi nhìn thấy mắt ông ướt, gương mặt thẫn thờ như vừa lạc vào cõi xa xăm nào. Tôi chợt thảng thốt, đã gần hai mươi năm rồi còn gì! Chắng nhẽ một người tám mươi mấy tuổi như ông sẽ không được một lần về thăm gia đình, thăm Hà Nội? Thật tội, một chế độ cố chấp, quá cay nghiệt với con dân mình!
Hai tuần trước đây, hàn huyên với ông Nguyễn chí Thiện, tôi nghe cùng một tâm sự tương tự: nhớ thương, hoài cảm Hà thành, lâu ngày không được về thăm nhà. Rồi tình cờ, một buổi sáng bên kia Vịnh San Francisco, đạo diễn Trần văn Thủy, nhà văn Hoàng Khởi Phong cùng gia chủ, tại một căn nhà trên đồi, cùng một dòng nhạc xa vắng, nhung nhớ, đê mê và tuyệt vời của Ngọc Hạ đó lại trỗi lên đưa lòng người yêu Hà Nội trở về cõi mê chìm. Những người còn có cơ hội về quê hương như chúng tôi còn bứt rứt nữa huống hồ.
“Ai là nhạc sĩ bài này vậy, Thái Anh?” Anh Thủy hỏi.
“Dạ, Vũ Thành!”
“Vũ Thành này là nhạc trưởng của quân đội Việt Nam Cộng hòa…” Anh Phong nói thêm, “là một người rất có công với nền tân nhạc Việt Nam. Ông là người Bắc di cư, cùng một thế hệ với Phạm Duy, nhưng là người từ tốn và nhẹ nhàng hơn.”
Chúng tôi lặng người trong tiếng nhạc và ca từ, không nói gì thêm như cùng chia sẻ nỗi nhớ nhung thanh thoát, nuôi đầy hoài bão xây dựng và bao dung của người nhạc sĩ tài ba. Khi tiếng hát Ngọc Hạ vừa dứt, tôi buột miệng: “Không hiểu sao em thấy phần lớn những bản nhạc viết về Hà Nội tuyền là những bài hay, kể cả những bài mới như Không Còn Mùa Thu của nhạc sĩ Anh Việt, soạn theo lối bán cổ điển khi anh ta chỉ mới 21 tuổi.”
“Nói gì chứ tấm lòng thành của con người bao giờ cũng thể hiện qua tác phẩm… nhạc sĩ Phú Quang khi vào Sài gòn – chỉ xa Hà Nội vài trăm cây số – cũng viết mấy bài về Hà nội khá nổi tiếng, sau đó trở về Hà Nội thì không viết được gì nữa…nhưng khó mà so sánh với bài này lắm! Hay và thắm thía thật.”
Vì sao một đứa con Sài gòn lại ôm nhiều mối tơ vương về Hà thành đến ray rứt đường tơ như vậy? Tôi, một đứa con trai sinh trưởng và lớn lên trong không gian ồn ào náo nhiệt của Sài thành năm nào, hẳn nhiên phải mang nhiều kỷ niệm lưu luyến với khung trời niên thiếu của mình, bằng không chất Huế – cái thâm trầm âm ỉ thuộc đất Thần kinh của ông cha như những chiều Hè Vĩ Dạ ra rít trên da, thấm đẫm từng sớ thịt, từng cơ bắp, chảy sâu trong dòng máu đằng trong, rạo rực trong thân thể – phải cân bằng những ước muốn Bắc Hà của quê mẹ chứ?
Khuya hôm qua, không gì sung sướng bằng chuyện vượt trùng dương diệu vợi để nghe được một giọng Bắc kỳ …thanh tao, trong trẻo và quyến rũ của một cô gái Hà Nội chính thống. Một người du sinh sắp sửa sang Mỹ học, mang với nàng cả một tâm tình đong đầy chất thi ca và tấm lòng hoài cổ, ôn cố tri tân của Hà Nội xưa và nay.
Thật đúng như lời quảng cáo của công ty điện thoại viễn liên của Pacific Bell, ̣(nay là AT&T): phẩm lượng của cuộc đàm thoại xuyên Thái bình Dương cho mình cảm giác như đang đứng trước mặt người đối thoại, “the next best thing to being there.” Có thể cũng vì nàng có giọng nói quyến rũ Hà Nội chính hiệu của thế hệ bố mẹ mình cũng nên, vì hiếm khi người ta nghe được một giọng Hà thành chuẩn với những người trẻ tuy rằng họ sinh trưởng ở Hà Nội.
Không thể ngờ, một thiếu nữ xuân thì của Hà nội mơ, của một thời vàng son – theo đúng nghĩa của nó – chính là hiện thân của những gì thâm thúy và tinh anh của Hà thành trước thời Cộng sản. Nàng yêu những nét đẹp thuần túy mà lẽ ra thành đô phải còn (và tìm cách bảo tồn), nếu không ôm đồm những hổ lốn, những tham lam vô lối của những lãnh đạo thiếu tri thức. Chúng tôi, một trong nước, một hải ngoại, một trẻ một ‘già’, cùng chia sẻ về giá trị lâu đời của chiếc nôi văn hóa.
Từ cốt cách xưa và nay, từ Tự lực Văn đoàn sang nhạc tiền chiến, rồi đến bài Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành, chúng tôi nói chuyện liên tu bất tận, rất tương đắc.
“Nhạc sĩ Vũ Thành còn sống không anh?”
“Không ông đã trở nên người thiên cổ rồi!”
Rồi nàng hỏi tôi về thân thế và con người của Vũ Thành mà tôi cũng thật tình không được rõ lắm, chỉ nghe người lớn nói rằng ông là người đầu tiên có phòng trà ở Hà nội, hoặc khi còn bé ở miền Nam, thường được mẹ và các cô cậu cho nghe những bài hát của ông trên đài phát thanh, những bài hát mà điển hình nhất là bài Giấc Mơ Hồi Hương đã thấm sâu vào xương tủy mình mất rồi! Cho nên tôi phải đọc cho nàng nghe những gì người khác viết về ông:
“Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức, và là nhạc trưởng trong ban nhạc “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà Nội. Chính thời kỳ nầy nhạc của Vũ Thành được hát nhiều nhất . Âm hưởng thanh tao, óng ả của những dòng nhạc tuyệt vời của Vũ Thành… Ngoài tài năng của một người viết “giai điệu” ông còn là người soạn “hòa âm phối khí” có công nhất với tân nhạc Việt Nam. Công việc này trái với sáng tác ca khúc, ông làm rất nhiều. Có thể nói hầu hết các ca khúc của Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Cung Tiến được ông làm đẹp bằng những hoà âm công phu, tuyệt diệu. Ông đã nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật.” (Nữ ca sĩ Quỳnh Giao)
“Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có thêm Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo tây và đánh guitare tay trái. Nói về nhạc sĩ Vũ Thành thì ông là một trong những người viết nhạc đầu tiên của Tân Nhạc.
Đầu thập niên 40, nhạc Việt còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung và một số của Văn Cao. Ca khúc Vũ Thành có nét nhạc thanh tao, óng ả đem đến một luồng không khí mới mẻ cho Tân Nhạc.” Lấy ví dụ bài:
Say Nhạc Canh Tàn:
“Gió xuân đưa mây chiều về
Nắng Xuân đưa tin nhạn về
Giờ này hương lúa thương gợi tình quê
Lòng người tha hương khóc biệt ly
Gió Xuân đưa hương ngập trời.
Ý Xuân thiết tha nghẹn lời
Giờ này ngân phím loan nặng tình phai
Đàn buông lãng du hồn u hoài…
Đêm tha hương lắng trong ly rượu ngát hương
Gấc cô miên canh trường
Hồn người chinh phụ cuốn theo mây nơi sa trường
Âm thanh xưa lả lướt trên đường tô
Nằm gieo mối cùng sầu lai láng mơ hồ
Ôi quê hương thấu chăng bao niềm luyến thương
Biết chăng bao đêm trường,
Nhẹ lần đường tơ phím, quan sa tình hờ
Ôi than chi còn nhắc chi tình xưa
Hồn say tiếng đàn hòa thêm khúc đàn lắng mơ hồ…
Cũng vẫn là tình cảm chung của các nhạc sĩ thời đó, nói tới tình quê, tiếng tơ, mối sầu (không hiểu vì sao mà sầu?), ca tụng thiên nhiên… nhưng ca khúc Vũ Thành không nằm trong thể tango, rumba hay slow fox mà mang tính chất bán cổ điển Tây Phương, nghe rất sang trọng, quý phái. Tôi tin rằng ca sĩ thời đó như Minh Đỗ là phải chọn nhạc Vũ Thành để hát tại phòng trà…” (Phạm Duy)
Nói tóm lại, những người con xa vắng của Hà Thành là những người có tấm lòng trĩu nặng với quê hương nhưng vì hoàn cảnh phân ly của đất nước đã buộc họ ra đi nhưng lúc nào cũng hướng về thành đô yêu dấu. Nhạc sĩ Vũ Thành trong đoạn cuối bài Nhặt Cánh Sao Rơi đã nhắn nhủ, gởi tâm tình mình qua gió sương ly biệt của biên thùy đến với đồng hương mà ông không bao giờ được tái ngộ, ít ra trong cõi sống:
Màn sương nhuốm lạnh gió heo may về
Màn đêm xuống chạnh nhớ bao lời thề
Bạn còn lạc loài phương Bắc sống trong thương đau
Đêm sao canh dài mộng thấy nhau
(Nhặt Cánh Sao Rơi)
Phần tôi, sống suốt quãng đời niên thiếu ở Sài thành và khoảng hai mươi năm sau đó, lưu vong ở Hoa Kỳ, chỉ nghe đến quê mẹ qua văn chương, ca nhạc và chuyện kể, như thế mà đã đủ chạnh lòng mơ tưởng đến một quê hương trong thi ca – ngày về đã có nguy cơ không bao giờ thành hiện thực. Ngày nay sau bao nhiêu chuyến về thăm Hà Nội, nỗi niềm nhớ nhung đó tưởng đã vơi lấp đi, nhưng khổ thay lại khoác lên một tâm trạng tìm về những gì đã mất, những gì không còn hợp thời trang. Khổ thân cho một người luống những hoài vọng không thiết thực với hiện trạng quê nhà! Có phải những gì không còn nữa bao giờ cũng mang nhiều giá trị mơ ước hơn hiện thực? Hay người lãng tử mộng mơ vẫn mãi mãi đi tìm một chân thiện mỹ không có đích?
© 2009 Đàn Chim Việt Online